PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA BỒ-TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP KINH
Hán dịch: Tam tạng Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Phẩm 3: BỒ-TÁT QUÁN SÁT

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng lên Đức Phật thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con có những điều nghi muốn thỉnh hỏi, cúi xin Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác thương con mà tuyên nói. Nếu Thế Tôn cho phép thì con mới dám thưa hỏi.

Đức Phật bảo:

–Này Xá-lợi Tử! Tùy ý ngươi hỏi, Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác tùy theo lời ngươi hỏi mà giải đáp và cũng để cho mọi người được sáng tỏ, dứt tâm nghi ngờ.

Tôn giả Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát thành tựu bao nhiêu pháp, thì thân nghiệp không có các lỗi lầm, ngữ nghiệp không có các lỗi lầm, ý nghiệp không có các lỗi lầm; thân nghiệp thanh tịnh, ngữ nghiệp thanh tịnh, ý nghiệp thanh tịnh; thân nghiệp không động, ngữ nghiệp không động, ý nghiệp không động; thiên ma ngoại đạo không thể chế ngự, rồi sau phát tâm Nhất thiết trí, lần lượt thành tựu các địa vị thiện, có khả năng làm chỗ quy hướng cho tất cả chúng sinh, làm ánh sáng cho chúng sinh, làm sông lớn cho chúng sinh, làm chiếc cầu chắc chắn cho chúng sinh, làm thuyền bè đưa tất cả chúng sinh đến bờ giác, làm nhà cửa, làm nơi cứu hộ, làm chỗ thú hướng cho tất cả chúng sinh, đối với Nhất thiết trí không có động chuyển?

Lúc đó, Tôn giả Xá-lợi Tử vì muốn xưng dương nghĩa trên nên dùng kệ thỉnh vấn Phật:

Vì nghĩa gì các vị dũng trí
Hay an trụ vào đại Bồ-đề
Tuyên dương công đức pháp vi diệu
Chứng thành quả Vô thượng Bồ-đề
Các bậc dũng trí làm những gì
Lợi ích tất cả các quần sinh
Lại còn quán sát pháp môn nào
Mà hay thành Phật đạo vô thượng
Lại dùng pháp gì hàng chúng ma
Ngồi yên Bồ-đề đại đạo tràng
Chấn động cả câu-chi cõi nước
Viên chứng quả Bồ-đề thù thắng
Vì nghĩa gì gọi là Bồ-tát
Nếu câu như vậy gọi thế nào?
Điều này xin nói môn Bồ-đề
Tất cả pháp Phật đều tối thượng
Đối các thế gian làm những gì
Mà có thể lợi ích chúng sinh
Lìa các nhiễm trước như hoa sen
Giải thoát vô số các chúng sinh
Làm sao thọ nhận cúng dường ấy
Các hàng trời, rồng và người trí
Cho đến tất cả nhân, phi nhân
Nay hỏi nghĩa này xin tuyên nói.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi Tử:

–Này Xá-lợi Tử! Nay ông nên biết, nếu Bồ-tát có thể thành tựu một pháp, dù ở một chỗ hay nhiều chỗ, cũng có thể nhiếp thọ vô lượng pháp Phật. Pháp ấy là gì? Là phát khởi tâm đại Bồ-đề sâu xa, kiên cố. Đó là Bồ-tát thành tựu một pháp, dù ở một chỗ hay nhiều chỗ cũng đều nhiếp thọ vô lượng pháp Phật.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là kiên cố? Thế nào gọi là tâm Bồ-đề?

Phật bảo Xá-lợi Tử:

–Này Xá-lợi Tử! Kiên cố sâu xa là chân thật không thể phá hoại, chắc chắn không lay động. Không lay động tức là không thoái lui hay khuất phục. Không thoái lui hay khuất phục tức là khéo an trụ. Khéo an trụ tức là khong thoái chuyển. Không thoái chuyển tức là khéo quán sát chúng sinh. Khéo quán sát chúng sinh tức là căn bản của đại Bi. Căn bản đại Bi chính là tâm rộng lớn. Tâm rộng lớn là khéo biết pháp thức thành thục chúng sinh. Khéo biết pháp thức thành thục chúng sinh tức là tự tại vi diệu an lạc. Tự tại vi diệu an lạc là không có chủng loại. Không có chủng loại nên không có luyến ái đắm trước. Không luyến ái đắm trước cho nên có khả nang nhiếp thọ chúng sinh. Nhiếp thọ chúng sinh tức là hay quán sát chúng sinh yếu kém. Khéo quán sát chúng sinh yếu kém tức là hay cứu hộ, làm chỗ quy hướng, không khởi tâm sân nhuế. Không khởi tâm sân nhuế tức là khéo quán sát. Khéo quán sát tức là không sở đắc. Không sở đắc cho nên thiện ý vui. Thiện ý vui cho nên không sở hữu. Không sở hữu cho nên thiện thanh tịnh. Thiện thanh tịnh cho nên tự trong sạch thanh khiết. Tự trong sạch thanh khiết cho nên bên trong không cấu bẩn. Bên trong không cấu bẩn nên bên ngoài thanh tịnh.

Này Xá-lợi Tử! Các pháp này là chân thật không thể phá hoại, cho đến bên trong không cấu bẩn, bên ngoài thanh tịnh. Các pháp nay gọi là kiên cố sâu xa.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Tâm Bồ-đề là tâm không có các lỗi lầm, tất cả phiền não không thể đeo bám; tâm ấy không thích các thừa khác; tâm ấy không bị các ngôn ngữ tà thuyết của ngoại đạo làm hoại loạn; tâm ấy không thể phá, tất cả ma chúng không thể làm lay động; tâm ấy quyết định, nuôi lớn tất cả bản hạnh thiện căn; tâm ấy không động, hâm mộ pháp Phật; tâm ấy khéo trụ, bước lên địa vị Bồ-tát; tâm ấy vô thượng không có đối trị; tâm ấy như kim cang, khéo lựa chọn tất cả pháp Phật; tâm ấy bình đẳng không có cao thấp; tâm ấy đối với tất cả chúng sinh ý vui thanh tịnh, tự tánh không nhiễm; tâm ấy không cấu bẩn, tuệ quang chiếu sáng; tâm ấy rộng lớn, dung thọ hết tất cả chúng sinh; tâm ấy không nhiễm như hư không; tâm ấy không chướng ngại quán vô ngại trí; tâm ấy đối với tất cả chỗ tùy sự thích ứng mà hiểu biết, đại Bi không bao giờ cùng tận; tâm ấy hiện chứng, khen ngợi thanh tịnh; tâm ấy thành tựu chủng tử Nhất thiết trí, viên mãn tất cả pháp Phật; tâm ấy an trụ ban bố mọi niềm vui, thệ nguyện tối thắng; tâm ấy đầy đủ tịnh giới không co khiếm khuyết sai phạm; tâm ấy tu trì nhẫn nhục, lìa mọi sân nhuế; tâm ấy tinh tấn không có biếng nhác; tâm ấy thiền định cận tịch vắng lặng; tâm ấy không hại, đầy đủ tuệ hạnh.

Lại nữa, tâm ấy là căn bản chân thật thành tựu giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn của Như Lai; tâm ấy là căn bản chân thật, viên mãn mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng của Như Lai.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Thành tựu tâm Bồ-đề gọi là tâm Bồđề. Nhưng vì Tát-đỏa cầu tâm Bồ-đề kiên cố đầy đủ, nên gọi là Bồđề Tát-đỏa. Đó cũng gọi là chúng sinh quảng đại, chúng sinh tối thượng, chúng sinh tối thắng trong ba cõi. Đây là thân nghiệp không có lỗi lầm, ngữ nghiệp không có lỗi lầm, ý nghiệp không có lỗi lầm; thân nghiệp thanh tịnh, ngữ nghiệp thanh tịnh, ý nghiệp thanh tịnh; thân nghiệp không động, ngữ nghiệp không động, ý nghiệp không động, không bị tất cả thiên ma ngoại đạo làm động chuyển, phát tâm Nhất thiết trí sâu xa, lần lượt chứng đắc địa vị các thiện, tất cả thế pháp không thể nhiễm ô, có khả năng điều phục tất cả chúng sinh, điều phục tất cả, làm chỗ quy hướng, làm ánh sáng lớn, làm con sông lớn, bắt chiếc cầu lớn, làm chuyến thuyền lớn đưa tất cả chúng sinh lên bờ giác; làm nhà cửa, làm trung tâm cứu hộ và chỗ thú hướng, phát tâm Nhất thiết trí sâu xa, không bị trời ma ngoại đạo làm lay động. Đây là Bồ-tát đối với tâm Chánh đẳng Chánh giác tịnh tín kiên cố, thanh tịnh vô cùng, thích diện kiến các bậc Thánh, ưa nghe pháp sâu xa, tâm không xan lận, bố thí rộng rãi, luôn muốn xuất ly, tâm không chướng ngại, đối với tất cả chúng sinh không có tâm tạp loạn, không có tâm thoái lui, không có tâm lưu tán, không có nghiệp báo, niềm tin thanh tịnh không có nghi ngờ, mọi việc làm đều xa lìa nghi hoặc, đối với pháp thiện ác không hoại quả báo. Biết được các pháp như thế rồi, đối với thân mạng Bồ-tát không tạo tội nghiệp, xa lìa sát sinh, trộm cắp, tà nhiễm, nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói ác, tham sân, tà kiến, sẵn sàng cắt đứt mười nghiệp bất thiện ấy. Trái với mười điều bất thiện đó là mười nghiệp thiện Bồtát luôn trau dồi, tu tập, tịnh tín đế lý. Đối với Sa-môn, Bà-la-môn Bồ-tát luôn tu chánh đạo, đầy đủ giơi hạnh thanh tịnh, học hỏi lãnh thọ tất cả thiện pháp.

Một khi Bồ-tát đã nghe pháp rồi, phải siêng năng thực hành, để ý chắc chắn, khéo léo điều phục biến tịch, cận tịch, lìa mọi tranh cãi, luôn nói lời thương yêu, tâm ý thuần thiện, không một ý nghĩ nào là không thiện, siêng năng hành trì thiện pháp, lìa các pháp bất thiện, không cao không thấp cũng không khinh động, lìa mọi khen chê, an trụ chánh niệm, tâm luôn chánh định, cắt đứt sự trói buộc của ba cõi, nhổ sạch tên độc, trút mọi gánh nặng, thích sống vắng lặng, vượt mọi nghi hối, không thọ thân sau, thường ở chỗ chư Phật Thế Tôn, Đại Bồ-tát, Sa-môn, Bà-la-môn để thân cận cung kính, tùy thuận phụng sự, không có sai trái, luôn luôn gần Thiện tri thức, nhiếp thọ chánh pháp, tuyên nói chánh pháp, chỉ dạy cho mọi người được lợi ích an vui. Bồ-tát nên dạy: Bố thí thì được giàu có, trì giới thì được sinh thiên, đa văn thì được đại tuệ, tu tập tương ứng, nên dạy họ như vậy. Bố thí thì được quả bố thí, keo kiệt chịu quả keo kiệt, trì giới được quả trì giới, phạm giới mắc quả phạm giới, tinh tấn được quả tinh tấn, biếng nhác chịu quả bieng nhác, thiền định được quả thiền định, tán loạn chịu quả tán loạn, trí tuệ được quả trí tuệ, ngu si chịu quả ngu si, thân làm thiện được quả thân làm thiện, thân làm ác chịu quả thân làm ác, miệng nói thiện được quả miệng nói thiện, miệng nói ác chịu quả miệng nói ác, ý nghĩ thiện được quả ý nghĩ thiện, ý nghĩ ác chịu quả ý nghĩ ác, đây là thiện, đây là bất thiện, việc này nên làm, việc này không nên làm. Nếu làm việc này thì lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh trong nhiều kiếp; làm việc này không lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh trong nhiều kiếp. Các pháp như thế, ở chỗ Thiện tri thức, Bồ-tát tuyên nói chánh pháp chỉ dạy cho mọi người được lợi ích an vui. Bồ-tát cũng phải biết rằng, người này là đại pháp khí thì nên tuyên nói pháp môn thậm thâm như: Không giải thoát môn, Vô tướng giải thoát môn, Vô nguyện giải thoát môn, không tạo tác, không sinh, không khởi, không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả và nói pháp duyên sinh thậm thâm, như nói: Vì có hữu cho nên có sinh, tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử ưu bi khổ não. Đó chính là một đại khổ uẩn tập. Vì không có hữu cho nên không có sinh, không sinh tức là diet. Đó là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục xứ diệt, lục xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử ưu bi khổ não diệt. Như vậy thì một đại khổ uẩn diệt. Nhưng trong đó không có một pháp nhỏ nào hoặc sinh hoặc diệt thật có thể được. Vì sao? Vì tất cả pháp là duyên sinh, không có chủ tể, không có tác giả, không có thọ giả, từ nhân duyên chuyển. Thế nên trong đó không có pháp có thể chuyển, cũng không phải không chuyển, cũng không phải tùy chuyển, sinh ra và hiện hữu trong ba cõi nhưng lại không thật. Do từ phiền chuyển, từ phiền não chuyển cho nên mới có hiện hữu, tất cả có sinh ra nhưng đều không thật. Nếu quán sát kỹ như thật thì không có một pháp nhỏ nào là tác giả. Nếu không có tác giả thì không có cái làm ra, trong thắng nghĩa đế hoàn toàn không sở đắc. Nói như vậy thì không có pháp nào có thể chuyển, cũng không phải không chuyển. Đại Bồ-tát với các pháp thậm thâm như vậy, nghe rồi tin hiểu không sinh nghi hối, thâm nhập tất cả pháp trí môn vô ngại. Thế nên không đắm trước vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không đắm trước nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không đắm trước vào nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới. Phải tin hiểu như vầy: Tự tánh của tất cả pháp đều không.

Này Xá-lợi Tử! Nếu Bồ-tát trụ như vậy thì lòng tin hiểu không bị giảm mất, thường thấy chư Phật cũng không giảm mất, thường nghe chánh pháp lại cũng không giảm mất, luôn luôn thừa sự chúng, đời đời sinh ra đều được thấy Phật, luôn luôn nghe pháp, luôn luôn thừa sự chúng thanh tịnh, hiện tại được Phật xuất thế, dù sinh ra nơi nào cũng phát đại tâm tinh tấn, không làm các việc không có nghĩa lợi. Các việc vô nghĩa như nhà cửa, chỗ ở, vợ con, quyến thuộc, của cải, châu báu và các thứ thọ dụng khác như nô tỳ tất cả dục lạc, chơi bời, chấp trước vào lỗi lầm đều là việc vô nghĩa, phải nên tránh xa. Đối với chánh pháp của Phật Như Lai phải phát lòng tin thanh tịnh xuất gia. Với tâm xuất gia thanh tịnh ấy nên được gần gũi Thiện tri thức, không bao giờ bị hoại. Suy nghĩ thiện pháp, làm cho ý vui, ưa nghe thiện pháp, tu hành chân thật, không chấp trước vào văn tự, thành tựu tuệ thù thắng, thâm tâm đầy đủ, ham thích chánh pháp không biết nhàm chán, siêng năng cần cầu đa văn, như pháp đã được nghe, rồi đem tuyên nói rộng rãi cho mọi người. Tuy nói thế nhưng tâm không đắm trước, cũng không vì sự mong cầu danh văn lợi dưỡng. Bồ-tát nói pháp cho người khác nghe trái với tự ngữ, nói pháp cho người khác như những gì mà mình đã nghe, những gì mình hiểu, mỗi mỗi đều tùy theo sự thích ứng mà nói. Như pháp đã nghe, Bồ-tát phát khởi tâm đại Từ, đại Bi không bỏ rơi tất cả chúng sinh. Vì sự nghiệp đa văn nên không tiếc thân mạng, thiểu dục tri túc, ưa chỗ vắng lặng, tránh xa những chỗ ồn ào và biết cách nuôi dưỡng chính mình. Bồ-tát nghe pháp luôn quán sát nghĩa của nó, nắm bắt chánh nghĩa, không đắm trước vào văn tự, tùy chỗ mà nhiếp thọ, ở trong tất cả chúng thế gian, Trời, Người, A-tu-la, không riêng cầu việc tự lợi cho bản thân mà phải siêng cầu Đại thừa vô thượng và làm lợi lạc tất cả chúng sinh. Đó chính là Phật trí vô đẳng đẳng trí, trí tối thắng trong ba cõi Bồ-tát, làm vì mọi người nhưng không có tâm buông lung.

*********

Đức Phật lại bảo Xá-lợi Tử:

–Này Xá-lợi Tử! Thế nào là pháp không buông lung? Tức là pháp luôn nhiếp hộ các căn.

Thế nào là nhiếp hộ các căn? Là khi mắt thấy sắc không chấp vào tướng của nó, cũng không chấp hình tướng tốt đẹp, cũng không đắm trước sắc các vị, biết rõ pháp xuất ly một cách như thật. Như vậy tai nghe tiếng, mũi ngữi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý biết pháp, đều không chấp tướng, cũng không chấp hình thể tốt đẹp, cũng không đắm trước các pháp các vị, biết rõ pháp xuất ly một cách như thật. Như vậy gọi là không buông lung.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Không buông lung là tự điều phục tâm mình, rồi điều phục tâm người khác, xua tan phiền não, hiện chứng pháp lạc, không có suy xét; dục tầm, sân tầm, hại tầm, không có suy xét; tham bất thiện căn, sân bất thiện căn, si bất thiện căn không có suy xét; thân làm nghiệp ác, miệng nói nghiệp ác, ý nghĩ nghiệp ác không có suy xét; không có tác ý sâu sắc không có suy xét. Nói tóm lại, cho đến tất cả tội nghiệp, các pháp bất thiện đều không tìm cầu suy xét. Như vậy gọi là không buông lung.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Không phóng dật là Bồ-tát tác ý kiên cố siêng năng tương ưng. Nếu pháp là có thì như thật biết có; nếu pháp là không như thật biết không.

Sao gọi là có? Sao gọi là không? Siêng thực hành chanh đạo, sinh lòng tin hiểu tức là có. Siêng làm tà đạo mà sinh lòng tin hiểu

tức là không. Các nghiệp có quả báo tức là có, các nghiệp không quả báo tức là không. Mắt là có; thật tánh của mắt là không. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý là có; thật tánh của tai mũi, lưỡi, thân, ý là không. Sắc là vô thường là khổ, là không rốt ráo, không chắc chắn là pháp tan hoại, tức là có; chấp rằng sắc là thường, là vui, là pháp rốt ráo chắc chắn là pháp không tan hoại, tức là không. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, là khổ, là không rốt ráo, không chắc chắn, là pháp tan hoại, tức là có; chấp rằng thọ, tưởng, hành, thức là thường, là vui, là rốt ráo, là chắc chắn là pháp không tan hoại, đó tức là không.

Lại nữa, vô minh duyên hành trong các pháp, không thật vô minh duyên hành, cho đến sinh duyên lão tử là có; chấp rằng thật vô minh duyên hành, cho đến sinh duyên lão tử, tức là không. Người làm việc bố thí cảm quả giàu có là có; người làm việc bố thí mà lại chịu nghèo hèn tức là không. Trì giới sinh Thiên tức là có; phá giới sinh thiên tức là không. Đa văn đại tuệ tức là có; ngu si đại tuệ tức là không. Tu tập tương ưng tức là có; tu tập không tương ưng tức là không. Tác ý sâu xa kiên cố tương ưng tức là có; tác ý không sâu xa kiên cố tương ưng tức là không. Bồ-tát phát tâm siêng năng tinh tấn được quả Bồ-đề tức là có; Bồ-tát biếng nhác mà được quả Bồ-đề tức là không. Người không có tâm tăng thượng mạn làm việc của người xuất gia tức là có; người có tâm tăng thượng mạn mà chứng Niết-bàn tức là không. Đối với tất cả trường hợp đều thông đạt tánh không tức là có; chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả tức là không.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Vì thế nên biết, Bồ-tát không buông lung có khả năng tác ý kiên cố sâu xa cần hành tương ưng tức là hiện diện khắp tất cả thế gian, khai thị rộng rãi cho các bậc trí giả, hiện diện khắp thế gian, nếu không có bậc trí giả thì không khai thị. Còn đối với thế tục đế, không biết cái có ấy, không biết cái không ấy, thì làm sao tùy thuận được thật nghĩa mà chư Phật Thế Tôn đã nói.

Này Xá-lợi Tử! Chư Phật Như Lai tổng lược gồm bốn pháp ấn, thâu nhiếp hết tất cả pháp:

  1. Các hành vô thường.
  2. Các hành là khổ.
  3. Các pháp là vô ngã.
  4. Niết-bàn tịch tĩnh.

Nhưng vì tất cả chúng sinh chấp các hành vô thường này là thường; nếu các chúng sinh cắt đứt cái tưởng thường ấy, thì đó là lời Như Lai nói. Lại vì các chúng sinh chấp các hành khổ là vui; nếu chúng sinh cắt đứt cái tưởng vui ấy, thì đó là lời nói của Như Lai. Lại vì các chúng sinh chấp các pháp vô ngã là ngã; nếu các chúng sinh cắt đứt cái tưởng ngã ấy thì đó là lời nói của Như Lai. Lại vì các chúng sinh khởi tâm sở đắc điên đảo đối với lý Niết-bàn tịch tĩnh; nếu chúng sinh cắt đứt tâm sở đắc điên đảo ấy, thì đó là lời nói của Như Lai.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Nếu biết rõ các hành là vô thường thì là hiểu rõ tánh không vô thường. Nếu biết rõ các hành là khổ, thì là lìa các nguyện cầu. Nếu biết rõ các pháp là vô ngã thì là có khả năng quán tưởng pháp môn không Tam-ma-địa giải thoát. Nếu biết rõ Niết-bàn tịch tĩnh, thì đối với các tướng có sự tu tập, cũng không phải phi thời thủ chứng thực tế.

Này Xá-lợi Tử! Các pháp như vậy, nếu các Bồ-tát cần hành tương ưng, thì tất cả các thiện pháp không bị giảm mất, mau chóng viên mãn tất cả pháp Phật.