LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHẨM LOẠI TÚC
Tác giả: Tôn giả Thế Hữu
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: BIỆN VỀ CÁC XỨ

Có mười hai xứ (lãnh vực): Là nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ, ý xứ, pháp xứ

Hỏi: Mười hai xứ này, bao nhiêu có sắc, bao nhiêu không có sắc?

Đáp: Mười thứ có sắc, một thứ không có sắc và một thứ cần phân biệt, tức là pháp xứ hoặc có sắc, hoặc không có sắc.

Thế nào là có sắc? Tức là pháp xứ đã thâu nhiếp thân nghiệp và ngữ nghiệp.

Thế nào là không sắc? Tức là pháp xứ còn lại.

Hỏi: Mười hai xứ này, bao nhiêu thứ thấy được và bao nhiêu thứ không thấy được?

Đáp: Có một thứ thấy được, còn mười một thứ không thấy.

Hỏi: Mười hai xứ này, bao nhiêu có đối và bao nhiêu không có đối?

Đáp: Có mười thứ có đối và hai thứ không có đối.

Hỏi: Mười hai xứ này, bao nhiêu hữu lậu, bao nhiêu vô lậu?

Đáp: Có mười thứ hữu lậu và hai thứ cần phân biệt, tức là xứ hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu.

Thế nào là hữu lậu? Là tác ý hữu lậu tương ưng với ý xứ.

Thế nào là vô lậu? Là tác ý vô lậu tương ưng với ý xứ.

Pháp xứ hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu.

Thế nào là hữu lậu? Là pháp xứ thâu nhiếp các nghiệp của thân- ngữ hữu lậu và các uẩn thọ – tưởng – hành hữu lậu.

Thế nào là vô lậu? Là pháp xứ thâu nhiếp các nghiệp của thân-ngữ vô lậu và các uẩn thọ – tưởng – hành vô lậu hai diệt cùng hư không.

Hỏi: Mười hai xứ này, bao nhiêu hữu vi, bao nhiêu vô vi?

Đáp: Có mười một thứ hữu vi và một thứ cần phân biệt, tức là pháp xứ hoặc hữu vi, hoặc vô vi.

Thế nào là hữu vi? Là pháp xứ bao gồm các nghiệp của thân-ngữ và các uẩn thọ – tưởng – hành.

Thế nào là vô vi? Là hai diệt cùng hư không.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu hữu tránh và bao nhiêu vô tránh?

Đáp: Có mười hữu tránh và hai thứ nên phân biệt: Nghĩa là ý xứ và pháp xứ nếu hữu lậu thì hữu tránh, nếu vô lậu thì vô tránh.

Cũng như hữu tránh và vô tránh, thế gian và xuất thế gian, tùy cảnh giới và không tùy cảnh giới, có mê đắm vị, không mê đắm vị, nương vào đam mê hoặc nương vào xuất ly, thuận kết hoặc không thuận kết, thuận chấp giữ hay không thuận chấp giữ, thuận trói buộc hay không thuận trói buộc…, nên biết cũng thế.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu hữu ký và bao nhiêu vô ký?

Đáp: Có tám thứ là vô ký và bốn thứ cần phân biệt: Sắc xứ hoặc hữu ký, hoặc vô ký.

Thế nào là hữu ký? Tức là sắc xứ thiện và bất thiện.

Thế nào là vô ký? Nghĩa là trừ ra sắc xứ thiện và bất thiện, là những sắc xứ còn lại.

Thanh xứ, ý xứ, pháp xứ cũng vậy.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu hữu phú, bao nhiêu vô phú?

Đáp: Có tám thứ vô phú và bốn thứ cần phân biệt, tức là sắc xứ hoặc hữu phú, hoặc vô phú.

Thế nào là hữu phú? Tức là sắc xứ bất thiện và hữu phú vô ký.

Thế nào là vô phú? Tức là sắc xứ thiện và vô phú vô ký.

Thanh xứ, ý xứ, pháp xứ cũng như thế.

Cũng như hữu phú hay vô phú; có nhiễm ô hay không nhiễm ô, có tội hay không có tội…, nên biết cũng như thế.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu thứ nên tu và bao nhiêu thứ không nên tu?

Đáp: Có tám thứ không nên tu và bốn thứ nên phân biệt, tức là sắc xứ hoặc nên tu, hoặc không nên tu.

Thế nào là nên tu? Nghĩa là sắc xứ thiện.

Thế nào là không nên tu? Nghĩa là sắc xứ bất thiện và vô ký.

Thanh xứ, ý xứ cũng như vậy.

Pháp xứ hoặc nên tu, hoặc không nên tu

Thế nào là nên tu? Là pháp xứ thiện và hữu vi.

Thế nào là không nên tu? Là pháp xứ bất thiện – vô ký và trạch diệt.

Hỏi: Mười hai xứ này, bao nhiêu thứ có dị thục và bao nhiêu thứ không có dị thục?

Đáp: Có tám thứ không có dị thục và bốn thứ cần phân biệt.

Tức là sắc xứ hoặc có dị thục, hoặc không có dị thục.

Thế nào là có dị thục? Là sắc xứ thiện và bất thiện. Thế nào là không có dị thục? Là sắc xứ vô ký Thanh xứ cũng như thế.

Ý xứ hoặc có dị thục, hoặc không có dị thục.

Thế nào là có dị thục? Nghĩa là ý xứ thiện và bất thiện hữu lậu.

Thế nào là không có dị thục? Nghĩa là ý xứ vô ký vô lậu.

Pháp xứ cũng vậy.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu là kiến và bao nhiêu không phải kiến?

Đáp: Có một thứ là kiến, mười thứ không phải kiến và một thứ cần phân biệt, tức là pháp xứ hoặc kiến, hoặc không phải kiến.

Thế nào là kiến? Tức là năm thứ kiến nhiễm ô, chánh kiến của thế tục, kiến học và kiến vô học.

Thế nào là không phải kiến? Tức là pháp xứ còn lại.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu thứ trong, bao nhiêu thứ ngoài?

Đáp: Có sáu thứ trong và sáu thứ ngoài.

Hỏi: Mười hai xứ này, bao nhiêu thứ có chấp thọ, bao nhiêu thứ không có chấp thọ?

Đáp: Có ba thứ không chấp thọ và chín thứ cần phân biệt, tức là nhãn xứ hoặc có chấp thọ, hoặc không có chấp thọ.

Thế nào là có chấp thọ? Là nhãn xứ thuộc về tự thể.

Thế nào là không chấp thọ? Là nhãn xứ không tùy thuộc vào tự thể.

Sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ cũng như vậy.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu thứ là tâm, bao nhiêu thứ không phải là tâm?

Đáp: Có một thứ là tâm, mười một thứ không phải là tâm.

Hỏi: Mười hai xứ này, bao nhiêu thứ là tâm sở và bao nhiêu thứ không phải là tâm sở?

Đáp: Có mười một thứ không phải là tâm sở và một thứ cần phân biệt, là pháp xứ hoặc là tâm sở, hoặc không phải là tâm sở.

Thế nào là tâm sở? Là có sở duyên với pháp xứ.

Thế nào là không phải tâm sở? Là không có sở duyên với pháp xứ.

Hỏi: Mười hai xứ này, bao nhiêu thứ là có sở duyên và bao nhiêu thứ không có sở duyên?

Đáp: Có một thứ là có sở duyên, mười thứ không phải đối tượng được duyên và một thứ cần phân biệt, tức là pháp xứ hoặc là có sở duyên, hoặc không có sở duyên.

Thế nào là có sở duyên? Là các thứ tâm sở.

Thế nào là không có sở duyên? Là pháp xứ không phải tâm sở.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu thứ là nghiệp và bao nhiêu thứ không phải nghiệp?

Đáp: Có chín thứ không phải là nghiệp và ba thứ cần phân biệt, tức là sắc xứ hoặc là nghiệp, hoặc không phải là nghiệp.

Thế nào là nghiệp? Là biểu nghiệp của thân.

Thế nào là không phải nghiệp? Tức là sắc xứ còn lại. Thanh xứ hoặc là nghiệp, hoặc không phải là nghiệp.

Thế nào là nghiệp? Là biểu nghiệp của ngữ.

Thế nào là không phải nghiệp? Là các thanh xứ còn lại.

Pháp xứ hoặc là nghiệp, hoặc không phải là nghiệp.

Thế nào là nghiệp? Tức là pháp xứ thâu nhiếp các nghiệp của thân-ngữ và suy nghĩ.

Thế nào là không phải nghiệp? Tức là các pháp xứ còn lại.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu thứ thiện – bất thiện – vô ký?

Đáp: Có tám thứ là vô ký và bốn thứ cần phân biệt.

Sắc xứ hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô ký.

Thế nào là thiện? Tức là biểu nghiệp thiện của thân.

Thế nào là bất thiện? Tức là biểu nghiệp bất thiện của thân.

Thế nào là vô ký? Tức là trừ ra biểu nghiệp thiện và bất thiện nơi thân.

Thanh xứ hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô ký.

Thế nào là thiện? Tức là biểu nghiệp thiện của ngữ.

Thế nào là bất thiện? Tức là biểu nghiệp bất thiện của ngữ.

Thế nào là vô ký? Tức là trừ ra biểu nghiệp thiện và bất thiện của ngữ.

Ý xứ hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô ký.

Thế nào là thiện? Là tác ý thiện tương ưng với ý xứ.

Thế nào là bất thiện? Là tác ý bất thiện tương ưng với ý xứ.

Thế nào là vô ký? Là tác ý vô ký tương ưng với ý xứ.

Pháp xứ hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô ký.

Thế nào là thiện? Là pháp xứ thâu nhiếp các nghiệp thiện của thân – ngữ, và các uẩn thọ-tưởng-hành thuộc về thiện cùng với trạch diệt.

Thế nào là bất thiện? Là pháp xứ thâu nhiếp các nghiệp bất thiện của thân ngữ, và các uẩn thọ-tưởng-hành thuộc về bất thiện.

Thế nào là vô ký? Là các uẩn thọ-tưởng-hành vô ký và hư khôngphi trạch diệt.

Hỏi: Mười hai xứ này có bao nhiêu thứ do kiến mà đoạn trừ, bao nhiêu thứ do tu mà đoạn trừ, bao nhiêu thứ không phải đoạn trừ?

Đáp: Có mười thứ do tu mà đoạn trừ và hai thứ cần phân biệt, tức là ý xứ hoặc do kiến mà đoạn, hoặc do tu mà đoạn, hoặc không phải đoạn trừ.

Thế nào là do kiến mà đoạn? Là đối với ý xứ, các bậc tùy tín hành, tùy pháp hành, hiện quán về biên nhẫn mà đoạn trừ. Đây nghĩa là gì? Là kiến đã đoạn trừ tám mươi tám thứ tùy miên tương ưng với ý xứ.

Thế nào là do tu mà đoạn? Là đối với ý xứ, các bậc hữu học thấy dấu đạo do tu mà đoạn trừ. Đây nghĩa là gì? Là do tu mà đoạn trừ mười thứ tùy miên tương ưng với ý xứ, và ý xứ hữu lậu không nhiễm ô.

Thế nào là không phải đoạn trừ? Là ý xứ vô lậu.

Pháp xứ hoặc do kiến mà đoạn, hoặc do tu mà đoạn, hoặc chẳng đoạn cái gì.

Thế nào là do kiến mà đoạn? Nghĩa là pháp xứ đã bị đoạn do các bậc tùy tín hành, tùy pháp hành, hiện quán biên nhẫn. Đây là nghĩa gì? Là kiến đạo mà đoạn tám mươi tám tùy miên tương ưng với pháp xứ và cùng khởi tâm bất tương ưng hành.

Thế nào là do tu mà đoạn? Nghĩa là như pháp xứ, các bậc hữu học thấy dấu đạo do tu mà đoạn trừ. Đây là nghĩa gì? Tức là tu đạo mà đoạn trừ mười thứ tùy miên cùng tương ưng với pháp xứ, cùng khởi nghiệp thân-ngữ, cùng khởi tâm bất tương ưng hành và pháp xứ hữu lậu không nhiễm ô.

Thế nào là không đoạn trừ? Nghĩa là pháp xứ vô lậu.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu thứ hữu học – vô học và phi học phi vô học?

Đáp: Có mười thứ thuộc phi học phi vô học, hai thứ cần phân biệt, tức là ý xứ hoặc hữu học, hoặc vô học, hoặc phi học phi vô học.

Thế nào là hữu học? Là tác ý hữu học tương ưng với ý xứ.

Thế nào là vô học? Là tác ý vô học tương ưng với ý xứ.

Thế nào là phi học phi vô học? Là tác ý phi học phi vô học tương ưng với ý xứ.

Pháp xứ hoặc hữu học, hoặc vô học, hoặc phi học phi vô học.

Thế nào là hữu học? Là nghiệp của thân – ngữ hữu học và các uẩn thọ-tưởng-hành hữu học.

Thế nào là vô học? Là nghiệp của thân – ngữ vô học cùng các uẩn thọ – tưởng – hành vô học.

Thế nào là phi học phi vô học? Là pháp xứ bao gồm các nghiệp hữu lậu của thân – ngữ và các uẩn hữu lậu thọ – tưởng – hành cùng các pháp vô vi.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu thứ thuộc Dục giới – Sắc giới – Vô sắc giới và bao nhiêu thứ không thuộc cõi nào?

Đáp: Có hai thứ thuộc cõi Dục và mười thứ nên phân biệt.

Nhãn xứ hoặc thuộc Dục giới, hoặc thuộc Sắc giới.

Thế nào là thuộc Dục giới? Là nhãn xứ đối với các thứ do các đại chủng tạo nên ở cõi Dục.

Thế nào là thuộc Sắc giới? Là nhãn xứ đối với các thứ do các đại chủng tạo nên ở cõi Sắc.

Nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ cũng như thế.

Xúc xứ hoặc thuộc Dục giới, hoặc thuộc Sắc giới.

Thế nào là thuộc Dục giới? Là bốn đại chủng ở Dục giới và xúc xứ do các đại chủng tạo nên ở cõi Dục.

Thế nào là thuộc Sắc giới? Là bốn đại chủng ở Sắc giới và xúc xứ do các đại chủng tạo nên ở cõi Sắc.

Ý xứ hoặc thuộc Dục giới, hoặc thuộc Sắc giới, hoặc thuộc Vô sắc giới, hoặc không thuộc cõi nào.

Thế nào là thuộc Dục giới? Là tác ý ở Dục giới tương ưng với ý xứ.

Thế nào là thuộc Sắc giới? Là tác ý ở Sắc giới tương ưng với ý xứ.

Thế nào là thuộc Vô sắc giới? Là tác ý ở Vô sắc giới tương ưng với ý xứ.

Thế nào là không hệ thuộc với cõi nào? Là tác ý vô lậu tương ưng với ý xứ.

Pháp xứ hoặc thuộc Dục giới, hoặc thuộc Sắc giới, hoặc thuộc Vô sắc giới, hoặc không thuộc cõi nào.

Thế nào là thuộc cõi Dục? Là pháp xứ thâu nhiếp các nghiệp của thân-ngữ và của các uẩn thọ-tưởng-hành thuộc cõi Dục.

Thế nào là thuộc cõi Sắc? Là pháp xứ thâu nhiếp các nghiệp của thân- ngữ và các uẩn thọ-tưởng-hành thuộc cõi Sắc.

Thế nào là thuộc cõi Vô sắc? Là các uẩn thọ-tưởng-hành thuộc cõi Vô sắc.

Thế nào là không thuộc cõi nào? Là nghiệp vô lậu của thân -ngữ, các uẩn thọ-tưởng-hành và pháp vô vi.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu thứ thuộc quá khứ – hiện tại và vị lai?

Đáp: Có mười một thứ hoặc quá khứ hoặc hiện tại hay vị lai, và một thứ nên phân biệt, tức là pháp xứ, nếu là hữu vi thì hoặc quá khứ- hiện tại – vị lai. Nếu là vô vi thì không thuộc về ba đời.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu thứ thuộc về khổ đế – tập đế – diệt đế – đạo đế và không thuộc về đế?

Đáp: Có mười thứ thuộc về khổ đế – tập đế, và hai thứ cần phân biệt:

Ý xứ, nếu là hữu lậu thì do khổ đế và tập đế thâu giữ, nếu là vô lậu thì do đạo đế thâu giữ.

Pháp xứ, nếu là hữu lậu thì do khổ đế và tập đế thâu giữ, nếu là vô lậu thì do đạo đế hữu vi thâu giữ. Nếu là trạch diệt thì do diệt đế thâu giữ, nếu là hư không-phi trạch diệt thì không thuộc về đế thâu giữ.

Hỏi: Mười hai xứ này, có bao nhiêu thứ do thấy khổ mà đoạn trừ, do thấy tập mà đoạn trừ, do thấy diệt mà đoạn trừ, do thấy đạo mà đoạn trừ, do tu mà đoạn trừ và có bao nhiêu thứ không phải đoạn trừ?

Đáp: Có mười thứ do tu mà đoạn trừ, có hai thứ cần phân biệt:

Ý xứ hoặc do thấy khổ-tập-diệt-đạo, tu mà đoạn trừ, hoặc không phải đoạn trừ.

Thế nào là do thấy khổ mà đoạn trừ? Là đối với ý xứ, các bậc tùy tín hành, tùy pháp hành, hiện quán về hành khổ, biên nhẫn đã đoạn dứt. Đây nghia là gì? Nghĩa là do thấy khổ mà đoạn trừ hai mươi tám thứ tùy miên tương ưng với ý xứ.

Thế nào là do thấy tập mà đoạn trừ? Là đối với ý xứ, các bậc tùy tín hành, tùy pháp hành, hiện quán về hành tập và biên nhẫn đã đoạn trừ. Đây nghĩa là gì? Nghĩa là do thấy tập mà đoạn trừ mười chín thứ tùy miên tương ưng với ý xứ.

Thế nào là do thấy diệt mà đoạn trừ? Là đối với ý xứ, các bậc tùy tín hành, tùy pháp hành, hiện quán về hành diệt, biên nhẫn đã đoạn trừ. Đây nghĩa là gì? Nghĩa là do thấy diệt mà đoạn trừ mười chín thứ tùy miên tương ưng với ý xứ.

Thế nào là do thấy đạo mà đoạn trừ? Là đối với ý xứ, các bậc tùy tín hành, tùy pháp hành, hiện quán về hành đạo và biên nhẫn đã đoạn trừ. Đây nghĩa là gì? Nghĩa là do thấy đạo mà đoạn trừ hai mươi hai thứ tùy miên tương ưng với ý xứ.

Thế nào là do tu mà đoạn trừ? Là đối với ý xứ, các bậc hữu học thấy dấu đạo và tu mà đoạn trừ. Đây nghĩa là gì? Là do tu mà đoạn trừ mười thứ tùy miên tương ưng với ý xứ và ý xứ hữu lậu không nhiễm ô.

Thế nào là không phải đoạn trừ? Là ý xứ vô lậu.

Pháp xứ hoặc do thấy khổ-tập-diệt-đạo, do tu mà đoạn trừ, hoặc không phải đoạn trừ.

Thế nào là do thấy khổ mà đoạn trừ? Là đối với pháp xứ, các bậc tùy tín hành, tùy pháp hành, hiện quán về hành khổ, biên nhẫn mà đoạn trừ. Đây nghĩa là gì? Nghĩa là do thấy khổ mà đoạn trừ hai mươi tám thứ tùy miên tương ưng với pháp xứ, cùng khởi lên các tâm bất tương ưng hành.

Thế nào là do thấy tập mà đoạn trừ? Nghĩa là đối với pháp xứ, các bậc tùy tín hành, tùy pháp hành, hiện quán về hành tập và biên nhẫn mà đoạn trừ. Đây nghĩa là gì? Nghĩa là do thấy tập mà đoạn trừ mười chín thứ tùy miên tương ưng với pháp xứ, cùng khởi lên các tâm bất tương ưng hành.

Thế nào là do thấy diệt mà đoạn trừ? Là đối với pháp xứ, các bậc tùy tín hành, tùy pháp hành, hiện quán về hành diệt và biên nhẫn mà đoạn trừ. Đây nghĩa là gì? Nghĩa là do thấy diệt mà đoạn trừ mười chín thứ tùy miên tương ưng với pháp xứ, cùng khởi lên các tâm bất tương ưng hành.

Thế nào là do thấy đạo mà đoạn trừ? Là đối với pháp xứ, các bậc tùy tín hành, tùy pháp hành, hiện quán về hành đạo và biên nhẫn mà đoạn trừ. Đây nghĩa là gì? Nghĩa là do thấy đạo mà đoạn trừ hai mươi hai thứ tùy miên tương ưng với pháp xứ, và cũng khởi các tâm bất tương ưng hành.

Thế nào là do tu mà đoạn trừ? Nghĩa là đối với pháp xứ, các bậc hữu học thấy dấu vết đạo do tu đạo mà đoạn trừ. Đây nghĩa là gì? Nghĩa là do tu mà đoạn trừ mười thứ tùy miên tương ưng với pháp xứ, cũng khởi lên các nghiệp về thân – ngữ, các tâm bất tương ưng hành, cùng các pháp xứ hữu lậu không nhiễm ô.

Thế nào là không phải đoạn trừ? Nghĩa là pháp xứ vô lậu.

Hỏi: Năm uẩn và mười hai xứ, thì năm uẩn thâu nhiếp mười hai xứ hay mười hai xứ thâu nhiếp năm uẩn?

Đáp: Mười hai xứ thâu nhiếp năm uẩn chứ không phải năm uẩn thâu nhiếp mười hai xứ.

Không thâu nhiếp cái gì? Là các thứ vô vi.

Hỏi: Năm uẩn và mười tám giới, thì năm uẩn thâu nhiếp mười tám giới hay mười tám giới thâu nhiếp năm uẩn?

Đáp: Mười tám giới thâu nhiếp năm uẩn chứ không phải năm uẩn thâu nhiếp mười tám giới.

Không thâu nhiếp cái gì? Là các thứ vô vi.

Hỏi: Năm uẩn và hai mươi hai căn, thì năm uẩn thâu nhiếp hai mươi hai căn hay hai mươi hai căn thâu nhiếp năm uẩn?

Đáp: Hai uẩn toàn phần và hai uẩn phần ít thâu nhiếp hai mươi hai căn. Hai mươi hai căn thâu nhiếp hai uẩn toàn phần và hai uẩn phần ít.

Không thâu nhiếp cái gì? Tức là một uẩn toàn phần và hai uẩn phần ít.

Hỏi: Năm uẩn và chín mươi tám tùy miên, thì năm uẩn gồm thâu chín mươi tám tùy miên hay chín mươi tám tùy miên thâu nhiếp năm uẩn?

Đáp: Một uẩn phần ít thâu nhiếp chín mươi tám tùy miên, chín mươi tám tùy miên thâu nhiếp một uẩn phần ít.

Không thâu nhiếp cái gì? Tức là bốn uẩn toàn phần và một uẩn phần ít.

Hỏi: Mười hai xứ và mười tám giới, thì mười hai xứ thâu nhiếp mười tám giới hay mười tám giới thâu nhiếp mười hai xứ?

Đáp: Chúng cùng tiếp nhận lẫn nhau tùy từng sự việc.

Hỏi: Mười hai xứ và hai mươi hai căn, thì mười hai xứ thâu nhiếp hai mươi hai căn hay hai mươi hai căn thâu nhiếp mười hai xứ?

Đáp: Sáu xứ toàn phần và một xứ phần ít thâu nhiếp hai mươi hai căn, hai mươi hai căn thâu nhiếp sáu xứ toàn phần và một xứ phần ít.

Không thâu nhiếp cái gì? Tức là năm xứ toàn phần và một xứ phần ít.

Hỏi: Mười hai xứ và chín mươi tám tùy miên, thì mười hai xứ thâu nhiếp chín mươi tám tùy miên hay chín mươi tám tùy miên thâu nhiếp mười hai xứ?

Đáp: Một xứ phần ít thâu nhiếp chín mươi tám tùy miên, chín mươi tám tùy miên thâu nhiếp một xứ phần ít.

Còn cái nào không thâu nhiếp? Tức là mười một xứ toàn phần và một xứ phần ít.

Hỏi: Mười tám giới và hai mươi hai căn, thì mười tám giới thâu nhiếp hai mươi hai căn hay hai mươi hai căn thâu nhiếp mười tám giới?

Đáp: Có mười hai giới toàn phần và một giới phần ít thâu nhiếp hai mươi hai căn. Hai mươi hai căn thâu nhiếp mười hai giới toàn phần và một giới phần ít.

Không thâu nhiếp cái gì? Tức là năm giới toàn phần và một giới phần ít.

Hỏi: Mười tám giới và chín mươi tám tùy miên, thì mười tám giới thâu nhiếp chín mươi tám tùy miên hay chín mươi tám tùy miên thâu nhiếp mười tám giới?

Đáp: Một giới phần ít thâu nhiếp chín mươi tám tùy miên, chín mươi tám tùy miên thâu nhiếp một giới phần ít.

Không thâu nhiếp cái gì? Tức là mười bảy giới toàn phần và một giới phần ít.

Hỏi: Hai mươi hai căn và chín mươi tám tùy miên, thì hai mươi hai căn thâu nhiếp chín mươi tám tùy miên hay chín mươi tám tùy miên thâu nhiếp hai mươi hai căn?

Đáp: Chúng không thâu nhiếp nhau.