SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2-3-4

Phẩm 3: BẢO THÁP CÔNG ĐỨC

Khi ấy, Thế Tôn bảo khắp bốn chúng Bí-sô, Bí-sô-ni, Ưu-bàtắc, Ưu-bà-di, Đế Thích, chư Thiên ở Dục giới và Đại phạm Thiên vương, chư Thiên ở Sắc giới cho đến tất cả Thiên tử ở trời Sắc cứu cánh:

–Tất cả các ông nên biết, thiện nam, thiện nữ nào lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này rồi theo pháp tu hành, tu hành thì chắc chắn người đó không phải bị ma, dân ma, nhân phi nhân… quấy nhiễu, không bị các thứ độc làm tổn hại, không bị tổn giảm tuổi thọ.

Lại nữa, nếu có thiện nam, thiện nữ nào chưa được nghe, thọ trì, đọc tụng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này, nhưng đã phát tâm cầu Vô thượng Bồ-đề, thì hàng chư Thiên sẽ đến hộ niệm, khuyến khích khiến cho người kia đối với pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này được nghe, thọ trì, đọc tụng, y theo pháp mà tu hành.

Lại nữa, thiện nam, thiện nữ nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa

này, thọ trì, đọc tụng, tu hành đúng như pháp, thì người ấy lúc ở trong phòng vắng hoặc ở trong chúng, ở dưới gốc cây hoặc nơi hoang vắng, lúc đi trên đường vắng hoặc lúc dừng lại, cho đến vào trong biển lớn, ở chỗ ấy, khi đi, đứng, nằm, ngồi, được chư Thiên hộ niệm, lìa xa các lo sợ.

Khi ấy, Tứ đại Thiên vương bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ nào đối với Bátnhã ba-la-mật-đa này thọ trì, đọc tụng, tu hành đúng như pháp. Con sẽ đến chỗ họ hộ niệm, làm cho người ấy luôn luôn tinh tấn, không sinh tâm thoái thất.

Khi ấy, Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ đối với pháp Bátnhã ba-la-mật-đa này luôn luôn lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tu hành… con sẽ đến hỗ trợ cho họ không có ưu phiền.

Khi ấy, Đại Phạm thiên cùng Phạm chúng bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này mà lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tu hành, chúng con sẽ đến hỗ trợ khiến cho người ấy không có ưu phiền.

Khi ấy, Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Hy hữu thay! Pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này thật sâu xa, vi diệu. Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng thì ngay hiện đời này sẽ đạt được công đức như vậy.

Bạch Đức Thế Tôn! Người thọ trì pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này lại có năng lực thâu nhiếp tất cả pháp Ba-la-mật-đa phải không?

Phật đáp:

–Này Kiều-thi-ca, đúng như vậy! Người thọ trì Bát-nhã ba-lamật-đa này có năng lực thâu nhiếp tất cả pháp Ba-la-mật-đa.

Này Kiều-thi-ca! Người nào thọ trì, đọc tụng pháp Bát-nhã bala-mật-đa này sẽ được công đức rộng lớn, sâu xa. Các ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, ta sẽ vì ông giảng thuyết.

Đế Thích thưa:

–Lành thay, bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài vì chúng con giảng nói.

Phật nói:

–Này Kiều-thi-ca! Pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa của ta sẽ không bị các pháp ác làm tổn giảm, hư hoại. Lúc các pháp ác muốn phá hoại, thì các pháp ác ấy dần dần bị tiêu diệt.

Lại nữa, pháp này tuy mới khởi phát nhưng nó không thể bị tổn hại. Vì sao? Kiều-thi-ca nên biết, do công đức thiện nam, thiện nữ này thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa nên các pháp ác tuy có sinh nhưng liền tự hủy diệt.

Này Kiều-thi-ca! Ví như ở thế gian có các loài rắn độc bò đi khắp nơi để kiếm mồi, vừa thấy loài trùng nhỏ thì nó muốn trườn tới ăn. Chỗ ấy, có loại cây thuốc tên là Mạt-kỳ có khả năng diệt các thứ độc, do vậy các trùng nhỏ chạy đến chỗ cây thuốc, rắn độc ngửi mùi cây thuốc liền bỏ đi. Các loài trùng nhỏ nhờ vậy không bị ăn thịt, vì loại cây thuốc Mạt-kỳ này có công năng tiêu diệt các thứ độc.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ cũng như vậy, thọ trì, đọc tụng đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này, tự mình giảng nói hoặc nhờ người khác giảng nói, y theo pháp đó tu hành. Người ấy sẽ không bị các pháp ác nhiễu hại. Các pháp ác tuy có sinh nhưng liền tự tiêu diệt. Vì sao? Nên biết, được như vậy là đều nhờ lực công đức của Bát-nhã ba-la-mật-đa, người ấy dầu ở đâu đều không bị lay chuyển. Bát-nhã ba-la-mật-đa này có công năng trừ tất cả tham, cùng các phiền não, hướng đến chứng đạo quả Vô thượng Niết-bàn.

Này Kiều-thi-ca! Người nào thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-lamật-đa này liền được Tứ đại Thiên vương, Đế Thích, Đại phạm Thiên vương cho đến chư Phật và Bồ-tát thường hộ trì làm cho người ấy không có phiền não.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa này thì người ấy thường nói lời tín thuận, nói lời nhu nhuyến, nói lời thanh nhã, không nói tạp, không sinh phẫn nộ, không bị ngã mạn che ngăn, thường sinh tâm Từ, không khởi tâm sân nhuế, phẫn nộ và phiền não, không có tăng trưởng.

Thiện nam, thiện nữ kia thường luôn tâm niệm: “Ta vì muốn cầu đạo Vô thượng Bồ-đề nên đối với các pháp phiền não thì không nên sinh tâm sân hận. Vì khi pháp sân phát sinh nó sẽ làm cho các căn biến đổi, các sắc tướng lành sẽ không còn hòa hợp.” Người ấy nghĩ như vậy liền an trụ vào chánh niệm.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ kia do thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa này nên ngay trong hiện tại đạt được công đức như vậy.

*********

Khi ấy, Đế Thích bạch Phật:

–Hy hữu thay Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát vì muốn hồi hướng nên tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa, không sinh tâm cao ngạo chấp vào tướng.

Phật dạy:

–Đúng như vậy. Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này, tự mình thọ trì, đọc tụng, tuyên thuyết, hoặc khiến người giảng nói, rồi tu hành đúng như pháp, thì người ấy sẽ đạt được lực công đức. Người ấy có vào quân trận thì lòng không hề khiếp sợ, luôn dũng mãnh, kiên cố, hàng phục quân địch, cho đến khi đi, đứng, nằm, ngồi đều được an lành.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng Bátnhã ba-la-mật-đa này, người ấy ở các chỗ, khi đi, khi nghỉ, tuy gặp nạn đao trượng… nhưng thân người ấy không bị tổn hại, cho đến khi gần mất thân mạng cũng không có lo sợ. Bát-nhã ba-la-mật-đa này là ánh sáng rộng lớn, Bát-nhã ba-la-mật-đa là ánh sáng vô lượng, Bát-nhã ba-la-mật-đa là ánh sáng vô thượng, Bát-nhã ba-la-mật-đa là ánh sáng không gì bằng, Bát-nhã ba-la-mật-đa là ánh sáng không gì so sánh. Thiện nam, thiện nữ tu học với ánh sáng Bát-nhã ba-lamật-đa như vậy, nên không nghĩ điều ác của mình, không nghĩ điều ác của người, không nghĩ điều ác của mình, của người.

Này Kiều-thi-ca! Nên biết người thọ trì, đọc tụng Bát-nhã bala-mật-đa này thì ngay trong đời hiện tại đạt được công đức như vậy.

Lại nữa, Đại Bồ-tát tu ánh sáng này có thể chứng đắc quả Vô thượng Bồ-đề, thành tựu Nhất thiết trí. Do chứng đắc Vô thượng Bồ-đề nên có thể quan sát, thấu suốt tâm, hành của tất cả loài chúng sinh, nên nói trí tuệ của bậc Nhất thiết trí là ánh sáng Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Đại Bồ-tát tu học pháp này thì không có pháp nhỏ nào mà không nhập, không có pháp nhỏ nào mà không biết, không có pháp nhỏ nào mà không thể chứng ngộ, do vậy nên gọi là trí Nhất thiết trí.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu có người dùng Bát-nhã ba-lamật-đa này sao chép kinh điển, cúng dường, thọ trì, hoặc tự mình đọc tụng hoặc khuyến khích người khác, cho đến vì người giảng giải nghĩa này, người này thường được sự hộ niệm của chư Phật Bồ-tát, chẳng bị Nhân phi nhân… làm hại, chỉ ngoại trừ nghiệp quả báo của đời quá khứ.

Này Kiều-thi-ca! Ví như vùng đất dưới cây Bồ-đề và xung quanh cây đó thì không bị Nhân phi nhân, cho đến các loài vật khác có thể xâm nhập, an trú, không thể phá hoại làm điều tệ ác ở chỗ ấy. Vì chỗ này là nơi chứng đạo quả Bồ-đề của Đức Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác thuở quá khứ, vị lai, hiện tại.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng, sao chép, cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng được như thế. Nhân phi nhân không làm điều bất an, không thể phá hoại, không làm điều tệ ác đối với pháp ấy. Vì sao? Vì công đức cúng dường kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này, dầu ở chỗ nào thì công đức ấy cũng đồng với công đức tạo tháp, tôn trọng kính lễ, xưng tán.

Này Kiều-thi-ca! Nên biết trí tuệ này, ngay nơi hiện tại đã có công đức lớn như vậy.

Khi ấy, Đế Thích thiên chủ bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ nên sao chép, tôn trọng, cung kính kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa. Hãy dùng các loại hoa thơm, hương đốt, hương thoa, hương bột, các loại hoa trong sức, cho đến các loại cờ, lọng đẹp, các thứ đèn dầu như thế để cúng dường.

Lại nữa, sau khi Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nhập Niết-bàn, thì thiện nam, thiện nữ thu xá-lợi và tạo bảo tháp cúng dường. Tôn trọng, cung kính, lễ lạy, xưng tán, dùng các thứ hoa thơm, hương đốt, cờ phướn, lọng báu như trên để cúng dường. Thiện nam, thiện nữ kia đã có được công đức, nếu so với công đức trước thì công đức này có nhiều hơn không?

Phật đáp:

–Này Kiều-thi-ca! Nay ta hỏi, ông tùy ý trả lời. Ông nghĩ như thế nào? Các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác do học pháp nào mà được thân như thế, được chứng đạo quả Vô thượng Bồ-đề thành tựu trí Nhất thiết trí?

Khi ấy, Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác do tu học pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa được chứng đắc Vô thượng Bồ-đề thành tựu trí Nhất thiết trí.

Phật bảo Kiều-thi-ca:

–Ông nên biết, Phật không dựa nơi thân này để được quả Như Lai, do thành tựu trí Nhất thiết trí nên được thành Phật.

Nên biết trí Nhất thiết trí của Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác đều từ nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa mà sinh ra. Thân Như Lai cũng từ nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa phương cách tốt nhất sinh ra. Do thân này y chỉ vào trí Nhất thiết trí, cho nên đắc được Phật thân, Pháp thân, Tăng-già thân. Do vậy, tất cả chúng sinh đối với thân Như Lai nên chiêm ngưỡng, lễ bái, cúng dường, cho đến sau khi Như Lai nhập Niết-bàn thì tạo bảo tháp cúng dường xá-lợi của Phật.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ kia tuy tạo bảo tháp cúng dường xá-lợi của Phật như vậy, nhưng công đức ấy không thể sánh bằng công đức của người sao chép, tôn trọng, cung kính kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này, dùng các loại hoa thơm, hương xông, cờ phướn, lọng báu cúng dường thì thiện nam, thiện nữ đó được công đức rất lớn. Vì sao? Vì cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa tức là cúng dường trí Nhất thiết trí. Do đó, thiện nam, thiện nữ nào muốn cúng dường trí Nhất thiết trí thì nên sao chép, thọ trì cung kính, cúng dường pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này.

Khi ấy, Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người ở cõi Diêm-phù-đề đối với Bátnhã ba-la-mật-đa, không thể tự mình sao chép, thọ trì, đọc tụng, không thể tự mình thuyết giảng, hoặc nhờ người giảng nói, cũng không dùng các thứ hương thơm, cờ phướn, lọng báu, tôn kính cúng dường. Bạch Đức Thế Tôn, những người như thế mất lợi ích lớn, không thể thành tựu quả báo lớn?

Phật bảo Đế Thích:

–Này Kiều-thi-ca! Ý ông như thế nào? Ở Diêm-phù-đề có bao nhiêu người được lòng tin bất hoại vào Phật, Pháp, Tăng?

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Ở cõi Diêm-phù-đề này số người được lòng tin bất hoại vào Phật, Pháp, Tăng rất ít.

Phật bảo:

–Này Kiều-thi-ca! Đúng như vậy, ở cõi Diêm-phù-đề, có ít người đối với Phật, Pháp, Tăng bảo được lòng tin bất hoại. Còn ở quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Duyên giác, người chứng quả ấy lại càng hiếm thấy. Còn đối với quả Vô thượng Bồ-đề, những người đã phát tâm thì an trụ, không thoái thất, hoặc người đang phát tâm thì dũng mãnh tinh tấn, hoặc người chưa phát tâm thì cố gắng phát tâm. Những người như vậy xem lại cũng rất ít.

Lại nữa, ở cõi Diêm-phù-đề, người khéo tương ưng và an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa rất ít. Người nương vào pháp Bát-nhã ba-lamật-đa tu hành cũng rất hiếm, cũng rất ít người đối với Bát-nhã bala-mật-đa này tâm không thoái chuyển, trụ vào quả vị Bồ-tát cũng rất ít. Người đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này tu hành chứng đắc quả Vô thượng Bồ-đề càng ít hơn.

Này Kiều-thi-ca! Người nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa tự mình lắng nghe thọ trì, đọc tụng, tự mình tuyên thuyết, hoặc khiến người tuyên thuyết, y theo pháp tu hành. Cho đến tôn trọng cung kính, dùng các loại hoa thơm, đèn dầu, hương, cờ phướn, lọng báu cúng dường. Nên biết đó đều là những người đã phát tâm cầu Vô thượng Bồ-đề, luôn an trụ vào quả vị Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Ở trong cõi Diêm-phù-đề này có vô lượng, vô biên chúng sinh phát tâm cầu Vô thượng Bồ-đề thực hành đạo Bồ-tát, ý ông như thế nào?

Này Kiều-thi-ca! Ông nên biết, ở cõi Diêm-phù-đề tuy có vô lượng, vô biên chúng sinh, phát tâm Vô thượng Bồ-đề, hành đạo Bồtát, trong số đó chỉ có một, hai người trụ vào địa vị không thoái chuyển. Vì sao? Vì chúng sinh ở cõi Diêm-phù-đề khởi tâm thấp kém, sinh ý tưởng hạn hẹp, trí tuệ, tin hiểu cũng thấp kém như thế, do vậy nên tinh tấn cũng thấp kém. Đối với Vô thượng Bồ-đề thì có ý tưởng cho là khó được, không khởi tâm mong cầu nên sinh ra biếng nhác.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào mong muốn mau chóng chứng đạo quả Vô thượng Bồ-đề, thành tựu hỷ lạc tối thượng, thì đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa hãy phát tâm mạnh mẽ, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng. Thiện nam, thiện nữ khởi tâm suy nghĩ: “Đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa mà các Bậc Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác trong quá khứ tu hạnh Bồ-tát lại cũng như vậy. Ta nay nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Bát-nhã ba-la-mật-đa này cũng chính là Thầy của ta.” Này Kiều-thi-ca! Khi Phật còn tại thế hoặc sau khi nhập Niết-bàn thì các Đại Bồ-tát nên y chỉ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa này.

Này Kiều-thi-ca! Sau khi Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nhập Niết-bàn, các thiện nam, thiện nữ nên tạo vô số tháp bảy báu thờ xá-lợi, trọn đời dùng hương hoa, cờ phướn, lọng báu, y phục quý cúng dường và luôn tôn trọng, lễ bái, xưng tán.

Này Kiều-thi-ca! Ý ông như thế nào? Thiện nam, thiện nữ đó nhờ nhân duyên cúng dường như thế được phước đức nhiều không?

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

Phật nói:

–Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ có tâm mong muốn cầu đạo Bồ-đề nên phát tâm tin hiểu đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa, tự mình thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ, lại vì người khác mà giảng nói, truyền rộng khắp khiến cho chúng sinh được lợi ích lớn và làm chánh pháp đó được tồn tại lâu dài ở thế gian. Do nhân duyên này Phật nhãn không bị đoạn, chánh pháp không bị diệt mất. Cho nên hàng Đại Bồ-tát thọ trì, giảng nói rộng khắp pháp này, liền được Pháp nhãn không hoại, không diệt.

Lại nữa, người chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này rồi để vào nơi thanh tịnh, sinh lòng tôn kính, dùng các loại hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu cùng các thứ y phục tốt đẹp cúng dường. Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ ấy được nhiều phước đức.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Như trước kia đã nói về việc xây dựng bảo tháp, có người tạo tháp bảy báu khắp cõi Diêm-phù-đề phụng thờ xá-lợi Phật cho đến trọn đời, dùng các thứ hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cúng dường và còn luôn cung kính, lễ lạy, chiêm bái, xưng tán. Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ thế nào? Các thiện nam, thiện nữ tạo ra nhân duyên như vậy được phước nhiều không?

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

Phật bảo:

–Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ có tâm mong cầu đạo Bồ-đề đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này phát tâm tin hiểu, tự mình thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ, lại vì người khác mà giảng nói rộng khắp, làm cho chúng sinh được lợi ích lớn, khiến cho chánh pháp được trụ ở thế gian lâu dài, nhờ nhân duyên này mà Phật nhãn không đoạn mất, chánh pháp không diệt tận. Các Đại Bồ-tát đều nên thọ trì, diễn thuyết liền được Pháp nhãn không bị hư hoại.

Người chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này, rồi đặt ở nơi thanh tịnh phát tâm cung kính, lại dùng các thứ hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cúng dường. Nên biết thiện nam, thiện nữ này được phước rất nhiều.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Như đã nói về việc tạo lập nhiều tháp bảy báu khắp trong cõi Diêm-phù-đề. Giả sử có người tạo lập tháp bảy báu khắp bốn châu thiên hạ để thờ xá-lợi của Phật. Người này trọn đời dùng các thứ hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cúng dường, cung kính, chiêm bái, lễ lạy, xưng tán. Này Kiều-thi-ca! Ý ông như thế nào? Thiện nam, thiện nữ kia do nhân duyên như vậy được phước nhiều không?

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

Phật bảo:

–Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào có tâm mong cầu đạo quả Bồ-đề thì đối với pháp trí tuệ này phát tâm tin hiểu, tự mình thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ, lại vì người khác mà giảng giải rộng khắp, khiến cho tất cả chúng sinh được lợi ích lớn và làm cho chánh pháp được tồn tại ở thế gian lâu dài. Do nhân duyên như vậy nên Phật nhãn không đoạn, chánh pháp không diệt. Đại Bồ-tát nên thọ trì, giảng giải rộng rãi, liền đắc được Pháp nhãn không hoại, không diệt.

Người chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này rồi để chỗ thanh tịnh khởi tâm cung kính, dùng các loại hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cúng dường. Này Kiều-thi-ca! Nên biết thiện nam, thiện nữ này được phước rất nhiều.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Như đã nói về việc tạo lập tháp bảy báu khắp bốn châu thiên hạ. Giả sử có người tạo lập tháp bảy báu khắp tiểu thiên thế giới để thờ xá-lợi của Phật. Người này cho đến trọn đời dùng các thứ hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cúng dường, lại cung kính đảnh lễ, xưng tán.

–Này Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ thế nào? Người này tạo nhân duyên như vậy được phước nhiều không?

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

Phật nói:

–Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào có tâm mong cầu đạo quả Bồ-đề thì đối với pháp trí tuệ này phát tâm tin hiểu, tự mình thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ, lại vì người khác mà giảng giải rộng khắp, làm cho tất cả chúng sinh được lợi ích lớn và chánh pháp được tồn tại ở thế gian lâu dài. Do nhân duyên như vậy nên Phật nhãn không đoạn, chánh pháp không mất. Các Đại Bồ-tát nên thọ trì, giảng giải rộng rãi, liền được Pháp nhãn không hoại, không diệt.

Người chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa rồi để ở chỗ thanh tịnh khởi tâm cung kính, dùng các loại hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cúng dường. Này Kiều-thi-ca! Nên biết thiện nam, thiện nữ này được phước rất nhiều.

Kiều-thi-ca! Như đã nói về việc tạo lập tháp bảy báu khắp tiểu thiên thế giới. Giả sử có người tạo lập tháp bảy báu khắp trung thiên thế giới để thờ xá-lợi của Phật. Người này cho đến trọn đời cũng dùng các thứ hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cúng dường, lại tôn kính đảnh lễ, tán thán. Này Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ thế nào? Người này tạo nhân duyên như vậy được phước nhiều không?

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

Phật nói:

–Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào có tâm mong cầu đạo quả Bồ-đề thì đối với pháp trí tuệ này, tự mình thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ, lại vì người khác mà giảng nói rộng khắp, làm cho tất cả chúng sinh được lợi ích lớn và chánh pháp được tồn tại ở thế gian lâu dài. Do nhân duyên như vậy nên Phật nhãn không đoạn, chánh pháp không mất. Các Đại Bồ-tát đều nên thọ trì, giảng nói rộng rãi, liền được Pháp nhãn không hoại, không diệt. Người chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này, rồi để ở nơi thanh tịnh khởi tâm cung kính, dùng các loại hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cúng dường. Này Kiều-thi-ca! Nên biết thiện nam, thiện nữ này được phước rất nhiều.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Như đã nói về việc tạo lập tháp bảy báu khắp trung thiên thế giới. Giả sử có người tạo lập tháp bảy báu khắp tam thiên đại thiên thế giới để thờ xá-lợi của Phật. Trọn đời người này dùng các thứ hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cúng dường, lại chiêm ngưỡng, lễ bái, xưng tán. Này Kiều-thica! Ý ông nghĩ thế nào? Người tạo nhân duyên như vậy được phước nhiều không?

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

Phật nói:

–Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào có tâm mong cầu đạo quả Bồ-đề thì nên phát tâm tin hiểu đối với pháp Bát-nhã ba-lamật-đa này, tự mình thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ, lại vì người khác mà thuyết giảng rộng khắp, làm cho tất cả chúng sinh được lợi ích lớn, khiến chánh pháp được tồn tại ở thế gian lâu dài. Do nhân duyên như vậy nên Phật nhãn không đoạn, chánh pháp không mất. Các Đại Bồ-tát đều nên thọ trì, thuyết giảng rộng rãi, liền được Pháp nhãn không hoại, không diệt. Lại chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa để ở chỗ thanh tịnh khởi tâm cung kính, dùng các loại hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cúng dường. Này Kiều-thi-ca! Nên biết thiện nam, thiện nữ này được phước rất nhiều.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Như đã nói về việc tạo lập tháp bảy báu khắp tam thiên đại thiên thế giới. Giả sử có người tạo lập tháp bảy báu khắp tam thiên đại thiên thế giới để thờ xá-lợi của Phật, trong một kiếp, hoặc ít hơn một kiếp dùng các thứ hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cho đến dùng các loại kỹ nhạc, ca múa, cung kính, lễ bái, xưng tán cúng dường rộng khắp. Người này tạo nhân duyên như vậy được phước nhiều không?

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

Phật bảo:

–Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào có tâm mong cầu đạo quả Bồ-đề thì nên phát tâm tin hiểu đối với pháp Bát-nhã ba-lamật-đa này, tự mình thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ, lại vì người khác mà giảng giải rộng khắp, làm cho tất cả chúng sinh được lợi ích lớn và chánh pháp được tồn tại ở thế gian lâu dài. Do nhân duyên như vậy nên Phật nhãn không đoạn, chánh pháp không mất. Các Đại Bồ-tát nên thọ trì, giảng giải rộng rãi, liền được Pháp nhãn không hoại, không diệt. Lại chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa rồi để ở chỗ thanh tịnh khởi tâm cung kính, dùng các loại hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cúng dường. Này Kiều-thi-ca! Ông nên biết thiện nam, thiện nữ này được phước rất nhiều.

Bấy giờ, Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đúng như thế, đúng như lời Phật dạy.

–Kiều-thi-ca! Ông nên biết, người nào đối với Bát-nhã ba-lamật-đa này cung kính cúng dường, tức là đã cúng dường các Đức Phật ở quá khứ, vị lai, hiện tại. Hiểu rõ trí chư Phật, tức là đã cúng dường vô lượng, vô biên tất cả thế giới.

Bạch Thế Tôn! Hãy để việc tam thiên đại thiên thế giới lại. Giả sử có hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, mỗi thế giới ấy đều có đầy đủ chúng sinh. Mỗi chúng sinh đều xây tháp bảy báu thờ xá-lợi của Phật, hoặc trong một kiếp, hoặc không đến một kiếp dùng các thứ hoa thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp, các loại âm nhạc, ca múa cúng dường. Lại còn cung kính đảnh lễ, tán thán.

–Bạch Đức Thế Tôn! Những chúng sinh kia được phước tuy nhiều, nhưng không bằng người phát tâm cầu đạo Bồ-đề. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này phát tâm tin hiểu, tự mình thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ, lại vì người khác mà giảng thuyết rộng khắp, khiến chúng sinh được lợi ích lớn, làm cho chánh pháp được tồn tại ở thế gian lâu dài. Do nhân duyên này nên Phật nhãn không đoạn, chánh pháp không mất. Các Đại Bồ-tát đều nên thọ trì, được Pháp nhãn không hoại, không diệt. Vậy nên, chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa để ở nơi thanh tịnh, cũng dùng các thứ hương thơm, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cúng dường.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Đế Thích:

–Đúng như thế, này Kiều-thi-ca! Nên luôn luôn tôn kính cúng dường kinh này. Nên biết người như thế sẽ đạt được vô lượng, vô biên công đức, không có giới hạn, không gì sánh bằng. Công đức này không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì Nhất thiết trí của Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác đều từ Bát-nhã ba-la-mật-đa sinh, mà thân Như Lai cũng từ Nhất thiết trí sinh. Kiều-thi-ca, do đó nên biết, người thờ xá-lợi Phật, tạo tháp cúng dường, so với người thọ trì, đọc tụng cung kính cúng dường kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này, thì phước đức do tạo tháp cúng dường đã đạt được không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn, một phần câu-chi, một phần trăm câu-chi, một phần ngàn câu-chi, một phần trăm ngàn câu-chi, một phần trăm ngàn vô số câu-chi, cho đến một phần nhỏ nhiệm cũng không sánh bằng.

Khi ấy, theo Đế Thích đến đại hội có bốn mươi ngàn Thiên tử, các vị ấy cùng thưa với Đế Thích:

–Nay nên thọ trì, đọc tụng pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu này, nhớ nghĩ, tư duy, tu hành theo pháp.

Ngay khi ấy, Đức Phật bảo Đế Thích:

–Này Kiều-thi-ca! Như chư Thiên đã nói: “Họ sẽ thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ, tư duy tu hành pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa.” Vì sao? Này Kiều-thi-ca! Nếu khi A-tu-la cùng với chư Thiên ở cõi trời Tam thập tam chiến đấu với nhau, nếu lúc đó họ nhớ nghĩ về pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa thì A-tu-la tự thoái lui và biến mất.

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa này chính là ánh sáng lớn. Bát-nhã ba-la-mật-đa là ánh sáng vô lượng, là ánh sáng vô thượng, là ánh sáng tối thắng, Bát-nhã ba-la-mật-đa này là ánh sáng hơn hẳn và Bát-nhã ba-la-mật-đa này là ánh sáng không thể sánh bằng.

Khi ấy, Phật bảo Đế Thích:

–Đúng như vậy, đúng như vậy! Này Kiều-thi-ca! Pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này chính là ánh sáng lớn, là ánh sáng vô lượng, là ánh sáng vô thượng. Bát-nhã ba-la-mật-đa là ánh sáng tối thắng, là ánh sáng hơn hẳn, Bát-nhã ba-la-mật-đa là ánh sáng không gì có thể sánh bằng. Vì sao? Vì các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở quá khứ, hiện tại, vị lai đều từ ánh sáng lớn sinh ra. Chư Phật Vô thượng Bồ-đề cũng học ánh sáng lớn mà thành tựu, cho đến chư Phật Thế Tôn, Vô thượng Bồ-đề ở vô lượng, vô số, tam thiên đại thiên thế giới đều từ ánh sáng rộng lớn của Bát-nhã ba-lamật-đa nên được thành tựu.

Này Kiều-thi-ca! Nên biết Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều từ nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa này sinh ra, mười pháp thiện cũng do từ ánh sáng lớn mà hiện ra ở thế gian, tất cả các pháp bốn Thiền, bốn Vô lượng tâm, bốn Vô sắc định, năm Thần thông, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo đều từ nơi ánh sáng lớn mà xuất hiện ở nhân gian. Nói lược thì cả tám vạn bốn ngàn pháp môn đều từ ánh sáng lớn của Bát-nhã ba-la-mật-đa mà sinh ra. Phật trí, Tự nhiên trí, Chẳng nghĩ bàn trí cũng từ ánh sáng lớn này sinh ra.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Lúc các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác chưa xuất hiện ở đời, có các Đại Bồ-tát, vì thương xót chúng sinh trong thế gian nên xuất hiện diện ở nhân gian, trước hết nên nghe pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa để sinh ra các thứ phương tiện thiện xảo, rồi đem các pháp mười thiện, bốn Thiền, bốn Vô lượng tâm, bốn Vô sắc định, năm Thần thông, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo giáo hóa chúng sinh. Ví như, lúc trăng chưa xuất hiện, thì ánh sáng các vì sao sẽ thay thế ánh trăng tỏa chiếu ở nhân gian, Đại Bồtát cũng như vậy, khi Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác chưa xuất hiện ở đời thì chánh pháp cũng không mất đi.

Vì sao? Vì tất cả các pháp hành, bình đẳng hành và các thiện hành, tất cả đều từ các Đại Bồ-tát sinh ra. Các Đại Bồ-tát khéo tùy thuận phương tiện thiện xảo để lưu truyền chánh pháp. Đây là Đại Bồ-tát khéo dùng phương tiện thiện xảo, nên biết tất cả đều phát sinh từ Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào sao chép cúng dường, thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ tư duy pháp môn Bát-nhã bala-mật-đa và y đó tu hành. Người tạo nhân duyên như vậy, ngay nơi hiện tại này sẽ được công đức rất nhiều.

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Người này ngay hiện tại đạt được lợi ích gì?

Phật dạy Kiều-thi-ca:

–Ông nên biết, các thiện nam, thiện nữ đó sẽ không bị các thứ độc làm tổn hại đến mạng. Không bị lửa thiêu, không bị chết chìm, không bị các thứ đao, kiếm, trượng… làm khổ thân, không bị người khác làm tổn hại đến mạng, không bị vương pháp gia hình. Gặp các nạn như vậy, người nào mà tụng niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa liền được giải thoát.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Người thọ trì kinh Bát-nhã ba-lamật-đa, nếu gặp quốc vương, vương tử, đại thần thì họ rất hoan hỷ và tùy theo người ấy muốn gì thì họ cúng dường đầy đủ. Vì sao? Này Kiều-thi-ca! Bát-nhã ba-la-mật-đa này đối với tất cả chúng sinh là có tâm hạnh đại Từ thì hành đại Từ, là hạnh đại Bi thì hạnh đại Bi.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Người thọ trì, đọc tụng Bát-nhã bala-mật-đa, sống ở mọi nơi, chỗ nào cũng không bị các hổ lang, thú dữ, trùng độc làm hại, cho đến không bị Nhân phi nhân làm tổn hại; Nhân phi nhân không thể tìm chỗ dở của họ, chỉ trừ các nghiệp họ đã tạo ra từ trước thì nay họ phải thọ nhận.

Khi ấy, có các ngoại đạo tu tập đã lâu năm trong giáo pháp của họ, số ấy có hơn trăm người, họ muốn đến não loạn Đức Phật. Đế Thích từ xa trông thấy họ đến gần chỗ Đức Phật, quan sát và biết được tâm họ. Đế Thích suy nghĩ: “Các ngoại đạo này, nay muốn đến làm não loạn Đức Thế Tôn. Ta trước đã theo Phật thọ học pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa nên phải tụng niệm. Suy nghĩ như thế, Đế Thích liền tụng niệm pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa. Khi ấy, ngoại đạo đã len lõi vào trong chúng hội, từ xa chúng trông thấy Đức Thế Tôn liền đi nhiễu bên phải Ngài, sau đó liền tìm đường tránh xa chúng hội.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất suy nghĩ: “Vì cớ gì các ngoại đạo này len lõi vào trong chúng hội, diện kiến Đức Thế Tôn, đi nhiễu bên phải Ngài rồi thoái lui.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết được tâm niệm của Xá-lợi-phất liền bảo:

–Ông nên biết, các ngoại đạo kia là những người xuất gia, tu tập đã lâu trong giáo pháp của họ. Nay muốn đến chúng hội của ta phá hoại, gây hấn, não hại, do Đế Thích tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa nên hàng ngoại đạo đó xấu hổ thoái lui.

Xá-lợi-phất! Nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa này là pháp môn có oai lực rất lớn, có khả năng phá trừ tất cả tà kiến ngoại đạo.

Khi ấy, có các ma ác suy nghĩ: “Nay Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác với bốn chúng và chư Thiên ở cõi Dục, cõi Sắc cùng hội lại. Đức Thế Tôn đã thọ ký cho các Đại Bồ-tát quả Vô thượng Bồđề, chúng ta nay đến chỗ ấy.” Khi ấy, chúng ma hóa thành bốn đoàn binh hùng dũng đi đến chỗ Phật.

Bấy giờ, Đế Thích trông thấy bốn đoàn binh hùng dũng, tướng tốt cùng đến chỗ Phật, liền suy nghĩ: “Bốn đoàn binh này vừa đến, trông vẻ đoan nghiêm khác thường, chẳng phải từ chỗ Ta-bà-la vương đến, chẳng từ chỗ Thắng Quân Đại vương đến, chẳng từ chỗ các nước khác đến, cũng chẳng từ nơi các Trưởng giả đến. Đây chắc là các ma ác hóa hiện ra. Vì sao? Vì các ma ác này luôn luôn tới chống phá pháp Phật, muốn tìm chỗ yếu điểm của pháp Phật để phá hoại. Ta nay nên thọ trì, đọc tụng pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa.” Đế Thích suy nghĩ như vậy, liền trì niệm pháp môn Bát-nhã ba-lamật-đa, các ma ác liền hóa hiện lại nguyên hình rồi tránh đi.

Bấy giờ, các vị Thiên tử ở cõi trời Tam thập tam đến chúng hội hóa hiện ra các thứ hoa Mạn-đà-la, Ma-ha mạn-đà-la, Mạn-thù-sa, Ma-ha mạn-thù-sa và các thứ hoa thơm khác nữa rải trên thân Phật, các loại hoa này tụ giữa hư không. Sau khi rải hoa cúng dường xong, các vị Thiên tử liền nói:

–Nguyện chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa luôn an trụ lâu dài ở thế gian, làm cho chúng sinh ở cõi Diêm-phù-đề được lợi ích lớn.

Phát đại nguyện rồi, lại tung hoa cúng dường, nói tiếp:

–Nguyện tất cả chúng sinh đối với pháp môn Bát-nhã ba-lamật-đa này thì y vào pháp tu đó mà giảng nói rộng khắp. Tất cả Ma, Thiên ma, Nhân phi nhân muốn tìm chỗ dở cũng đều không thể có được, khiến cho tất cả chúng sinh được đầy đủ căn lành.

Khi ấy, Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người nào đối với Bát-nhã ba-lamật-đa này hoan hỷ lắng nghe, nên biết người này đã từng ở trong chúng hội cúng dường chư Phật ở quá khứ, huống chi là thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ, tư duy, lại vì người khác mà giảng nghĩa pháp này, theo pháp đã nói mà tu hành. Tu hành như thế sẽ thành tựu, vì Nhất thiết trí của chư Phật đều từ nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa sinh ra.

Bạch Đức Thế Tôn! Ví như có người muốn cầu vật quý, vào trong biển lớn cố công tìm kiếm sẽ nhặt các loại châu báu vô giá tuyệt đẹp, pháp báu Nhất thiết trí. Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng như thế, nên vào biển pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa tìm cầu.

Phật bảo Đế Thích:

–Đúng thế, nếu ai muốn cầu Nhất thiết trí, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác thì nên cố gắng vào biển pháp Bát-nhã ba-la-mậtđa, cố gắng tìm cầu. Người mong cầu như vậy đều được như ý.

*********

Khi ấy, Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao Ngài không xưng tán, giảng thuyết pháp Bố thí ba-la-mật-đa, Trì giới ba-la-mật-đa, Nhẫn nhục ba-lamật-đa, Tinh tấn ba-la-mật-đa, Thiền định ba-la-mật-đa? Vì sao Ngài chỉ giảng thuyết, xưng tán công đức Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Phật bảo A-nan:

–Đúng như vậy, trong số các pháp Ba-la-mật-đa ta chỉ xưng tán và nói Bát-nhã ba-la-mật-đa tối thượng. Vì sao? Này A-nan! Ông nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa này dẫn đầu năm pháp Ba-la-mật-đa kia. A-nan! Ý ông như thế nào? Bố thí không hồi hướng đến Nhất thiết trí thì có thành tựu Ba-la-mật-đa không?

A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, không thể được!

Phật bảo A-nan:

–Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định không hồi hướng đến trí Nhất thiết thì có thành tựu Ba-la-mật-đa không? Bát-nhã này nếu không hồi hướng đến Nhất thiết trí thì có đắc Ba-la-mật-đa không?

A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, không thể được!

Phật bảo A-nan:

–Ý ông như thế nào? Có thiện căn trí tuệ không thể nghĩ bàn hồi hướng về Nhất thiết trí không?

A-nan bạch Phật:

–Đúng như vậy, bạch Đức Thế Tôn! Các thiện căn tối thượng không thể nghĩ bàn đó đều hồi hướng đến trí Nhất thiết.

Phật bảo A-nan:

–Ông nên biết đem tất cả thiện căn đều hồi hướng đến Nhất thiết trí, nên gọi là các Ba-la-mật-đa đem pháp đệ nhất nghĩa hồi hướng đến Nhất thiết trí nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Này A-nan! Do các thiện căn hồi hướng đến Nhất thiết trí nên Bát-nhã ba-la-mật-đa này là bậc đứng đầu trong năm pháp Ba-lamật-đa kia. Năm pháp Ba-la-mật-đa kia luôn trụ và tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Do nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa này, nên các Ba-la-mật-đa khác đều được viên mãn.

Này A-nan! Do vậy nên ta luôn tán thán Bát-nhã ba-la-mậtđalà trên hết.

Ví như các hạt giống rải xuống đất thì tùy theo thời gian chỗ đất và các điều kiện khác được hòa hợp thì nẩy mầm mà lớn lên. Các hạt giống ấy nương vào đất mà sống, không nương vào đất thì không thể nào sinh trưởng được. Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lại như vậy, có khả năng thâu tóm năm Ba-la-mật-đa kia, đồng thời năm pháp kia đều an trụ và nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa này mà được tăng trưởng. Do vậy năm pháp đều có tên là Ba-la-mật-đa.

Này A-nan! Do đây nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa là đứng đầu đối với năm pháp kia.

Khi ấy, Đế Thích bạch Phật:

–Như lời Phật đã nói về pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa có công đức lớn như thế. Giả sử Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác dùng nhiều lời khen ngợi, tán dương cũng không thể nào trọn đầy được. Do vậy, thiện nam, thiện nữ nên thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ, đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa mà tư duy tu hành đúng như pháp ấy.

Phật bảo:

–Lành thay, lành thay! Này Kiều-thi-ca! Đúng như lời ông nói,

đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này ta không chỉ nói rằng, người thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa có công đức lớn mà thiện nam, thiện nữ đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này có thể sao chép để kinh đặt ở nơi thanh tịnh, cung kính dùng các thứ hương hoa, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp cúng dường thì nên biết đây là người đã giảng nói làm cho pháp Phật trụ ở thế gian lâu dài, do nhân duyên này Phật nhãn không đoạn, chánh pháp không diệt. Vậy nên các Đại Bồ-tát luôn thọ trì, để Pháp nhãn không hoại, không diệt.

Này Kiều-thi-ca! Người thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa này ngay trong hiện tại đạt được công đức như vậy.

Khi ấy, Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa, thiện nam, thiện nữ nào có thể sao chép, để kinh nơi thanh tịnh, cung kính dùng các thứ hương hoa, đèn dầu, cờ phướn, lọng báu… tùy theo khả năng phát tâm cúng dường. Ta sẽ đến chỗ người ấy hộ niệm làm cho họ không có phiền não, huống là người đã thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ, tư duy rồi vì người khác mà giảng giải nghĩa Bát-nhã ba-lamật-đa này. Người ấy đạt vô lượng, vô biên công đức.

Phật bảo Đế Thích:

–Lành thay, lành thay! Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ dầu ở nơi nào tuyên nói pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng có vô số trăm ngàn vị Thiên tử đồng đến chỗ ấy lắng nghe và thọ trì chánh pháp. Nếu khi nói pháp, vị ấy sinh mệt mỏi, tâm không hoan hỷ để nói thì các vị Thiên tử kia tùy khả năng giúp họ được lợi ích và luôn tinh tấn hoan hỷ nói pháp, không còn thoái lui.

Này Kiều-thi-ca! Người thọ trì, đọc tụng pháp môn Bát-nhã bala-mật-đa thì ngay trong hiện tại được công đức như thế. Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì chánh pháp, thì lúc ở trong bốn chúng nói pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, tâm không có lo sợ, không sợ vấn nạn, trả lời được tất cả các câu hỏi, không có sai sót. Nhờ đâu được như thế? Đó là do lực Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì nên không ai tìm được lỗi lầm của Bát-nhã ba-la-mật-đa này. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa xa lìa tất cả lỗi lầm. Do vậy người giảng nói pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này thì họ cũng không mắc phải những lỗi lầm. Do đây, nên thiện nam, thiện nữ lúc nói pháp tâm không sinh sợ sệt.

Này Kiều-thi-ca! Người nào thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-lamật-đa thì ngay trong hiện tại được những công đức như thế.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa này được cha mẹ, bạn bè, cho đến Sa-môn, Bà-la-môn tôn kính, yêu quý. Tất cả những lời chống đối, những việc làm khổ não đã phát sinh chưa phát sinh đều xa lìa người ấy. Này Kiều-thi-ca! Thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa thì ngay trong hiện tại được những công đức như vậy.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào sao chép kinh điển, cho đến cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa thì dầu ở phương nào, chỗ có kinh này sẽ có cũng được công đức như vậy.

Tứ đại Thiên vương tâm trụ Vô thượng Bồ-đề, các Thiên tử cung kính pháp đồng nên đến chỗ có kinh lễ lạy, xưng tán, tùy hỷ, cung kính, thọ trì pháp. Chiêm lễ thọ trì xong rồi về cõi trời của mình. Lại có các Thiên tử ở cõi trời Tam thập tam trụ tâm Bồ-đề, có các Thiên tử trời Dạ-ma trụ tâm Bồ-đề, có các Thiên tử ở cõi trời Hỷ túc trụ tâm Bồ-đề, có các Thiên tử ở cõi trời Hóa lạc trụ tâm Bồ-đề, có các Thiên tử ở cõi trời Tha hóa tự tại trụ tâm Bồ-đề. Lại có chư Thiên ở cõi trời Sắc giới, cõi trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Đại phạm, trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Quang âm, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh, trời Vô vân, trời Phước sinh, trời Quảng quả, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện kiến, trời Thiện hiện, trời Sắc cứu cánh, các Thiên tử ở các cõi trời trên đều trụ vào tâm Bồ-đề, vì cung kính pháp nên đến lễ bái tán thán, tùy hỷ, thọ trì pháp ấy. Đắc pháp rồi đảnh lễ, thọ trì, họ liền trở về cõi trời của mình.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ lúc thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa này suy nghĩ: “Mười phương vô lượng, vô biên thế giới, tất cả Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân, đều cung kính pháp nên đến lễ lạy, lắng nghe, thọ trì kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa. Khi các vị ấy đến, ta sẽ dùng kinh này bố thí làm cho họ đắc pháp, sau khi đắc pháp rồi họ lần lượt trở về.”

Này Kiều-thi-ca! Nếu chỗ có kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này thì ta không chỉ nói cho các Thiên tử ở bốn châu, ở Dục giới, ở Sắc giới trụ tâm Bồ-đề, cung kính pháp, đến chỗ có kinh mà lễ lạy cung kính thọ trì.

Này Kiều-thi-ca! Cho đến tam thiên đại thiên thế giới trong cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới trụ tâm Bồ-đề đều cung kính pháp. Kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa ở chỗ nào, thì họ cùng nhau đến chỗ ấy, lễ lạy xưng tán, tùy hỷ, cung kính, thọ trì. Khi đắc pháp họ cũng lễ lạy cung kính thọ trì và lần lượt trở về cõi trời của mình.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, nơi có kinh điển này, hoặc bảo điện, hoặc phòng xá thì những nơi ấy kiên cố an ổn không thể phá hoại. Chỗ này có oai lực lớn hàng Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân…, cùng nhau đến chỗ ấy lắng nghe thọ trì chánh pháp.

Khi ấy, Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao thiện nam, thiện nữ biết chư Thiên, Long thần đến?

Phật bảo Đế Thích:

–Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì chánh pháp này, khi thấy ánh sáng lớn hoặc ngửi các mùi hương vi diệu liền biết chư Thiên, Long thần đến nghe thọ trì chánh pháp. Dựa vào các hiện tượng này nên biết chư Thiên, Long thần đến.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì chánh pháp này, sống ở chỗ nào thì phòng xá thường phải thanh tịnh, sạch sẽ trang nghiêm, quét dọn các thứ dơ bẩn. Lúc chư Thiên, Long thần đến đây thấy cảnh quang thanh tịnh thì trong tâm họ sinh hoan hỷ, vừa ý, còn các quỷ thần mới đến có đạo lực chưa cao nên đều tránh xa phòng xá ấy. Vì sao? Vì các vị quỷ thần kia thường nương vào oai lực của chư Thiên, Long thần, để lai vãng theo đến khắp nơi.

Do vậy, này Kiều-thi-ca! Nơi nào có kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, nơi nào có người thọ trì pháp thì nơi ấy luôn phải trang nghiêm, thanh tịnh, sạch đẹp. Đây là tôn trọng Pháp nhãn.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì Bát-nhã bala-mật-đa, thân họ không cảm thấy mệt mỏi, tâm không sinh lười biếng, xa lìa tất cả khổ não, được an vui diệu lạc, khi ngủ nghỉ đều an lạc, cho đến trong mộng cũng thấy cảnh thù thắng, thấy Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác an trú đạo tràng hoặc chuyển pháp luân, hoặc thấy bảo tháp xá-lợi của Như Lai, hoặc thấy các vị Thanh văn, các Đại Bồ-tát, hoặc nghe lời tuyên giảng pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu, hoặc được nghe pháp ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, hoặc được thấy các Đại Bồ-tát chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, hoặc thấy các vị Bồ-tát thọ trì pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này, hoặc được nghe pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa thu tóm tất cả Nhất thiết trí, thấy cõi Phật rộng lớn thanh tịnh, hoặc nghe chư Phật Thế Tôn dùng phương tiện thiện xảo nói pháp Bồ-tát, hoặc thấy Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở hướng này, chỗ nọ, thế giới kia vì trăm ngàn vạn ức chúng Thanh văn, Bồ-tát cung kính đi nhiễu quanh Đức Phật mà nói pháp.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào trong mộng thấy những tướng thù thắng như vậy, khi tỉnh giấc thân tâm được nhẹ nhàng, an vui. Người ấy khi đạt được trạng thái như vậy thì đối với đồ ăn, thức uống ngon cũng không sinh tâm tham đắm. Ví như Bí-sô tu hành được tương ưng từ trong đại định sẽ không còn có niệm tưởng đến cao lương mỹ vị.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ thọ trì Bát-nhã ba-lamật-đa đạt được như vậy. Vì sao? Vì thiện nam, thiện nữ trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa quán các hạnh tương ưng được chư Thiên, Long thần hỗ trợ sức lực, không sinh niệm tưởng đến cao lương mỹ vị. Này Kiềuthi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa thì ngay đời hiện tại đã được công đức hộ trì như vậy.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào có thể sao chép rồi an trí, cúng dường kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này thì nên biết người ấy được công đức hộ trì rất lớn, huống chi lại có người muốn cầu quả Vô thượng Bồ-đề phát tâm tin hiểu, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, vì người khác mà giảng nói ý nghĩa sâu rộng của pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa làm cho chánh pháp ở thế gian được lâu dài. Do nhân duyên này, Phật nhãn không đoạn, chánh pháp không diệt, vậy nên các Đại Bồ-tát đều thọ trì, tuyên bố giảng thuyết liền được Pháp nhãn không hoại, không diệt. Huống chi là lại dùng hương hoa, đèn dầu, hương thơm, cờ phướn, lọng báu, y phục tốt đẹp, dùng các thứ như vậy cúng dường. Nên biết người tạo nhân duyên như vậy sẽ được công đức hộ trì vô lượng, vô biên.

Do vậy, này Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào muốn thành tựu công đức tối thắng thì nên phát tâm tin hiểu, thọ trì, đọc tụng đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa, khởi niệm, tư duy, giảng rộng khắp cho người khác, cho đến tôn trọng cung kính, dùng các thứ hương hoa, đèn dầu, hương thơm cúng dường pháp môn Bát-nhã bala-mật-đa.