PHẬT THUYẾT QUÁN PHẬT TAM MUỘI HẢI KINH

Hán dịch: Đời Đông Tấn, người xứ Thiên Trúc, Tam tạng Pháp sư Phật-đà Bạt-đà-la
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 2: TRÌNH BÀY QUÁN ĐỊA

Thế nào là cảnh giới quán tưởng chư Phật? Các Đức Phật Như Lai xuất hiện ở đời, có hai pháp để tự trang nghiêm. Những gì là hai?

1. Trước tiên nói mười hai bộ kinh, khiến cho chúng sinh đọc tụng thông suốt. Như vậy gọi là pháp thí.

2. Dùng sắc thân vi diệu thị hiện ở cõi Diêm-phù-đề và các thế giới khắp mười phương, khiến cho các chúng sinh thấy sắc thân của Phật đầy đủ trang nghiêm, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp phụ, không có tướng khuyết giảm, nên tâm sinh hoan hỷ.

Quán các tướng như vậy do đâu mà được? Đều do trăm ngàn khổ hạnh đời trước, do tu các Ba-la-mật và những pháp trợ đạo mà sinh ra tướng này.

Đức Phật bảo rằng:

–Thưa Phụ vương! Như có chúng sinh muốn niệm Phật, muốn quán tưởng Phật, muốn thấy Phật, phân biệt tướng tốt, hiểu ánh sáng của Phật, biết bên trong thân Phật, học quán tưởng tâm Phật, học quán sát đỉnh đầu của Phật, học quán sát tướng bánh xe ngàn nan hoa dưới lòng bàn chân Đức Phật, muốn biết tướng khi sinh ra của Phật, muốn biết khi Đức Phật cưới Thái tử phi, muốn biết khi Đức Phật xuất gia, muốn biết khi Đức Phật tu khổ hạnh, muốn biết khi Đức Phật thu phục các ma, muốn biết khi Đức Phật chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, muốn biết tướng Đức Như Lai khi chuyển pháp luân, muốn biết tướng mã âm tàng báu của Đức Như Lai, muốn biết tướng Đức Như Lai khi lên cõi trời Đao-lợi vì mẹ là hoàng hậu Ma-gia mà nói pháp, muốn biết tướng Đức Như Lai khi rời cõi trời Đao-lợi, muốn biết tướng ánh sáng trong bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm của Đức Như Lai, muốn biết tướng của Đức Như Lai lúc đi đến thành Câu-thi-na điều phục hóa độ Lực sĩ, muốn biết tướng ánh sáng của lỗ chân lông lúc Đức Như Lai thu phục quỷ thần nơi đồng trống…

Đức Phật nói tiếp:

–Thưa Phụ vương! Sau khi Phật vào Niết-bàn, nếu bốn bộ chúng và Trời, Rồng, Dạ-xoa… muốn giữ chánh niệm, muốn tư duy, muốn thực hành thiền, muốn được Tam-muội chánh thọ… Đức Phật bảo:

–Thưa Phụ vương! Thế nào là ràng buộc ý niệm?

Có chúng sinh ưa quán thân tướng đầy đủ của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán một tướng tốt trong những tướng tốt của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán thuận theo tướng tốt của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán ngược lại tướng tốt của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán ánh sáng của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán sự đi của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán sự đứng của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán sự ngồi của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán sự nằm của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán sự khất thực của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán sự đản sinh Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán khi Như Lai cưới Thái tử phi.

Có chúng sinh ưa quán khi Như Lai xuất gia.

Có chúng sinh ưa quán khi Như Lai tu khổ hạnh.

Có chúng sinh ưa quán khi Như Lai thu phục các ma.

Có chúng sinh ưa quán khi Như Lai thành Phật.

Có chúng sinh ưa quán khi Như Lai chuyển bánh xe pháp.

Có chúng sinh ưa quán khi Như Lai lên trời Đao-lợi vì mẹ nói pháp.

Có chúng sinh ưa quán Như Lai thu phục quỷ thần nơi đồng trống.

Có chúng sinh ưa quán khi Như Lai ở Na-càn-ha-la điều phục các rồng để lại hình.

Có chúng sinh ưa quán Như Lai ở tại thành Câu-thi-na thu phục Lục sư ngoại đạo những người thấp hèn và những người ác luật nghi, nặng nề tà kiến…

Như vậy, thưa Phụ vương! Sau khi Như Lai vào Niết-bàn, các chúng sinh có bao nhiêu hạnh nghiệp, có bao nhiêu ý tưởng, sự hiểu biết của họ chẳng đồng. Tùy theo sự nhận thức của tâm tưởng của các chúng sinh đó, nên theo thứ lớp dạy họ giữ chánh niệm. Như tôi còn ở đời thì chẳng cần giữ chánh niệm. Ví như mặt trời mọc thì những gì tối đều được sáng, chỉ có người không có mắt là không thấy gì. Trong đời vị lai, các đệ tử đều nên tu ba pháp. Những gì là ba?

  1. Tụng kinh điển Tu-đa-la sâu xa.
  2. Giữ gìn thanh tịnh các cấm giới, không phạm oai nghi.
  3. Giữ chánh niệm tư duy, tâm không tán loạn. Thế nào là giữ chánh niệm?

Hoặc có người giữ tâm quán sát trên đỉnh đầu của Phật.

Hoặc có người muốn giữ tâm quán sát lông tóc của Phật.

Hoặc có người giữ tâm quán sát viền tóc của Phật.

Hoặc có người muốn giữ tâm quán sát tướng trán rộng bằng phẳng của Phật.

Hoặc có người muốn giữ tâm quán tướng lông trắng giữa hai chân mày của Phật.

Hoặc có người muốn giữ tâm quán chân mày của Phật.

Hoặc có người muốn giữ tâm quán tướng mắt như trâu chúa của Phật.

Hoặc có người muốn giữ tâm quán tướng mũi thẳng của Phật.

Hoặc có người muốn giữ tâm quán tướng nhìn như chim ưng chúa của Phật.

Có chúng sinh ưa quán râu mép Như Lai như hình con nòng nọc tỏa ra ánh sáng.

Có chúng sinh ưa quán vành môi của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán màu môi đỏ đẹp như trái tần-bà của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán môi dưới của Như Lai như cành hoa Bát-đầu-ma, trên màu hồng đỏ của môi cũng như màu quả Tần-bà.

Có chúng sinh ưa quán tướng có bốn mươi chiếc răng của miệng Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán tướng hàm răng trắng đều và kín của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán tướng hoa văn in trên răng của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán vạch giới hạn răng của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán tướng vòm miệng trên của Như Lai với tám muôn bốn ngàn họa tiết tỏ rõ phân minh.

Có chúng sinh ưa quán phần dưới của Như Lai như màu cành hoa Ưu-đàm-bát.

Có chúng sinh ưa quán yết hầu của Như Lai như ống lưu ly hình dáng như hoa sen.

Có chúng sinh ưa quán tướng lưỡi rộng dài như hình cánh hoa sen của Như Lai với năm đường nét đủ năm màu rõ ràng, dưới lưỡi mười mạch máu có nhiều ánh sáng tỏa ra, tướng lưỡi rộng dài che khắp mặt Phật.

Có chúng sinh ưa quán ba ngấn trong yết hầu của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán tướng ngực của Như Lai giống như mắt của chim cánh vàng.

Có chúng sinh ưa quán tướng đầu của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán tướng có tám muôn bốn ngàn sợi tóc của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán lông xoắn về bên phải của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán mỗi một lỗ chân lông của Như Lai có một sợi lông xoắn sinh ra.

Có chúng sinh ưa quán da đầu của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán tướng nhục kế của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán bộ não của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán tai dài của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán vòng vành tai của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán tướng xoắn tai của Như Lai sinh ra bảy sợi lông.

Có chúng sinh ưa quán tướng bảy chỗ đầy đặn của Như Lai, ở trong tướng đó sinh ra đài ánh sáng.

Có chúng sinh ưa quán tướng đầy đặn dưới nách của Như Lai, ở trong tướng ấy có năm viên ngọc như ngọc Ma-ni trong nách Phật.

Có chúng sinh ưa quán cánh tay tròn lẳng như vòi voi chúa của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán xương khuỷu tay của Như Lai như tướng tóc uyển chuyển của Long vương, hoa văn năm màu không hư hoại, khúc đầu rồng cuộn lại, biến mất dấu vết, ngón tay so le đúng chỗ, ở đốt đầu ngón tay hiện mười hai vòng.

Có chúng sinh ưa quán móng tay chân màu đồng đỏ của Như Lai. Các móng ấy có tám màu tỏ rõ phân minh.

Có chúng sinh ưa quán tướng Hợp mạn chưởng của Như Lai, khi xòe ra thì thấy, lúc nắm lại thì biến mất như màn lưới trân châu tỏ rõ phân minh hơn cả vàng Diêm-phù-đàn hàng trăm ngàn vạn lần, màu sắc của chúng trong sáng thanh tịnh vượt qua phạm vi nhận thức của mắt, ở mười đầu ngón tay đều có chữ vạn (卐); điểm xen với chữ vạn có bánh xe với hàng ngàn nan hoa; các tướng đầy đủ như hòa hợp hàng trăm ngàn hoa sen.

Có chúng sinh ưa quán hoa văn bàn tay của Như Lai thành tựu như cung trời Tự tại; bàn tay ấy bằng phẳng mà trời người không loài nào có; ở trong bàn tay có tướng bánh xe với ngàn nan hoa, ở mười mặt đều tỏa ra ánh sáng ngọc Ma-ni; dưới những bánh xe ấy có mười hình vẽ, mỗi hình đều như mắt trời Tự tại xanh trắng phân minh, sau đó nhập vào trong tướng bàn tay.

Có chúng sinh ưa quán theo chiều ngã rạp trên lông và đàng sau lông giống như lưu ly xanh biếc của Như Lai, tỏa ra ánh sáng năm màu, nhập vào trong màn lưới.

Có chúng sinh ưa quán tay chân mềm mại của Như Lai như lá bối ngàn kiếp.

Có chúng sinh ưa quán nắm tay bên trong bên ngoài của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán tướng ngực Như Lai in chữ vạn phước đức, tướng ánh sáng “ba lần ngọc Ma-ni”.

Có chúng sinh ưa quán rốn của Như Lai như ngọc báu Tỳ-lănggià.

Có chúng sinh ưa quán hông của Như Lai, lớn nhỏ bằng phẳng uyển chuyển đều nhau.

Có chúng sinh ưa quán các chi tiết xương của Như Lai như rồng cuộn kết nối nhau kín mít.

Có chúng sinh ưa quán xương Như Lai móc nối liền nhau, co lại, duỗi ra tự tại, chẳng cản trở nhau.

Có chúng sinh ưa quán màu xương Như Lai trắng đến nỗi pha lê núi tuyết chẳng làm ví dụ được, bên trên có ánh sáng hồng xen lẫn hoa văn, nước đọng lại như mỡ.

Có chúng sinh ưa quán tướng đùi của Như Lai như nai chúa Yni.

Có chúng sinh ưa quán tướng gót chân của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán tướng mu bàn chân bằng phẳng của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán màu trên bàn chân của Như Lai, như vàng Diêm-phù-đàn, lông bên trên nằm rạp về một phía, lưới ngón chân như lưới hoa văn rực rỡ, chỗ hoa văn ấy xen lẫn nhiều tia sáng, đất trời chẳng thể kể hết tên.

Có chúng sinh ưa quán tướng móng màu đồng đỏ của Như Lai, trên đầu móng ấy có năm con sư tử.

Có chúng sinh ưa quán tướng hoa văn ở đầu ngón chân như bức

ấn họa của trời Tỳ-nựu-yết-ma của Đức Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán dưới bàn chân của Đức Như Lai bằng phẳng đầy đặn không hề dính một sợi lông, tướng bánh xe có ngàn nan hoa dưới bàn chân, tướng vành trục bánh xe đầy đủ vẩy cá, tiếp theo tướng chày Kim cang, gót chân cũng có tướng đỉnh đầu của Phạm vương với các hình chẳng khác…. Như vậy gọi là người ưa quán thuận.

Có chúng sinh ưa quán ngược từ tướng bánh xe ngàn nan hoa ở dưới chân. Từ dưới quán lên đến ngón chân, mỗi một tướng, mỗi một vẻ đẹp, mỗi một màu sắc… từ dưới lên trên quán ngược rất rõ ràng. Đó gọi là phép quán nghịch.

Có chúng sinh ưa quán sắc tướng vàng ròng của Như Lai. Phật sinh ra ở cõi Diêm-phù-đề nên có sắc tối thượng trong các màu sắc, như trăm ngàn mặt trời chiếu sáng núi vàng ròng, chẳng thể được thấy đủ.

Có chúng sinh ưa quán thân cao lớn một trượng sáu của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán vầng hào quang tròn rộng một tầm của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán ánh sáng toàn thân của Như Lai.

Có chúng sinh ưa quán tướng điềm ứng khi Như Lai nói pháp.

Có chúng sinh ưa quán tướng hướng lên, tướng hướng xuống của rốn Như Lai.