SỐ 186
PHẬT NÓI KINH PHỔ DIỆU
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt chỉ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 1

Phẩm 2: THUYẾT PHÁP MÔN

Phật dạy các thầy Tỳ-kheo:

-Trước khi lựa chọn nơi chốn Bồ-tát giáng thần, cõi trời Đâu-suất kia có Đại Thiên cung tên là Cao tràng, dài rộng hai ngàn năm trăm sáu mươi dặm. Bồ-tát thường ngồi nơi đó giảng dạy kinh điển cho chư Thiên.

Bấy giờ, Bồ-tát lên cung trời kia bảo khắp chư Thiên: “Có kinh điển tên là Liệu Trị Chúng Kiết Chung Thỉ Chi Hoạn”. Cuối cùng xong xuôi lên trên pháp tòa cao lớn, ban bố pháp chân chánh khiến các pháp hội được nghe lời dạy bảo.

Bấy giờ các Bồ-tát và các ngọc nữ đều thưa:

-Chúng con mong muốn được nghe.

Khi ấy Bồ-tát xem khắp bốn phương cõi, hóa làm một tòa cao như bốn thiên hạ, hiện vô số các phẩm vật tốt đẹp, quý lạ, trang nghiêm để làm vui lòng tất cả mọi người. Tòa đó trang sức tốt đẹp vượt xa cõi Dục và sắc giới. Có được sàng tòa này đều là do phước đức nhiều đời của Bồ-tát. Và tòa sư tử ấy có vô số vật dồn lại trang hoàng, dùng Thiên y cực đẹp trải lên trên, dùng vô lượng hương xông để xông lên đó. Đốt các loại hương, rải các thứ danh hoa, trăm ngàn minh châu chiếu sáng tự nhiên được trang trí xen lẫn các màn che, nghiêm sức các loại cờ, trướng. Từ nơi các màn che xen lẫn đó, phát ra những âm thanh vi diệu. Ánh sáng lớn chiếu khắp mười phương. Dựng các cờ phướn, lọng báu buông rủ khắp chung quanh, chưng bày các minh châu, tơ lụa rực rỡ. Trăm ngàn ngọc nữ phút chốc nhóm họp. Vô số sàng tòa cũng tự nhiên hiện đến. Ngàn công đức huân tập cũng đều hiện khắp. Vô số Thích, Phạm đều đến đảnh lễ hộ vệ Bồ-tát. Từ vô số kiếp chứa nhóm công đức, trăm ngàn ức năm tu các pháp ba-la-mật, công đức thành tựu. Chư Phật trong mười phương đều nghĩ nhớ.

Bồ-tát ngồi xuống bảo với chư Thiên và chúng hội:

-Này chư Hiền giả, ta xem xét Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn góc trên dưới, mười phương thế giới, các cõi trời Đâu-suất, các bậc Nhất sinh bổ xứ đều muốn giáng thần. Vô số trăm ngàn đại chúng chư Thiên và quyến thuộc vây quanh theo hầu, Bồ-tát đều khiến họ mắt được thấy hết, đều vì họ mở bày giảng dạy pháp môn diệu đạo.

Chỗ kiến lập oai thần của Bồ-tát khiến cho các chúng chư Thiên tận mắt trông thấy khắp mười phương, từ xa cúi đầu đảnh lễ. Mỗi người đem hương hoa cúng dường bậc Bổ xứ sắp thành Phật, năm vóc lễ lạy, lớn tiếng ngợi khen:

-Lành thay! Đức của Bồ-tát không thể nghĩ bàn, khiến cho thân của chúng ta cùng một lúc thấy được vô lượng Bồ-tát.

Bấy giờ, Bồ-tát bảo với các Thiên chúng:

-Quý vị hãy lắng nghe. Vì lẽ gì gọi pháp môn Diệu đạo đều là bất cập, mà chỉ phân biệt? Pháp môn Diệu đạo có một trăm lẻ tám việc, bậc sắp giáng thần sẽ vì chư Thiên nói rõ. Những gì là một trăm lẻ tám? Đó là:

-Pháp môn chí thành: Thành tựu tánh hạnh, không có gì phá hoại được.
-Pháp môn diệu hỷ: Tâm vui trong mọi lúc.
-Pháp môn hân lạc: Thành tựu dốc lòng tin.
-Pháp môn ái kính: Tâm tự nhiên thanh tịnh.
-Pháp môn hộ thân: Sạch nơi ba việc.
-Pháp môn hộ khẩu: Không phá hủy bốn điều lành.
-Pháp môn hộ ý: Vứt bỏ ganh ghét, giận dữ, ngu si.
-Pháp môn niệm Phật: Thấy mười phương chư Phật.
-Pháp môn niệm Pháp: Thấy pháp thanh tịnh.
-Pháp môn niệm Chúng: Hướng vào tịch diệt.
-Pháp môn niệm Thí: Oai thần trùm khắp.
-Pháp môn niệm Giới: sở nguyện được đầy đủ.
-Pháp môn niệm Thiên: Khiến tâm thanh tịnh.
-Pháp môn Từ tâm: Dạy bảo mọi người lập đức.
-Pháp môn Bi tâm: Không hại hàng đầu.
-Pháp môn hoan hỷ: Không chê bai người khác.
-Pháp môn hộ trì: Nhàm chán ái dục.
-Pháp môn phi thường: Có khả năng vượt cõi sắc, Vô sắc.
-Pháp môn quán khổ: Đoạn trừ những điều đã quán, nguyện.
-Pháp môn vô ngã: Không nương tựa, dính mắc vào một pháp nào.
-Pháp môn quán âm. Tiêu trừ điều không chân chánh.
-Pháp môn quán tàm: Diệt trừ hành bên trong.
-Pháp môn quán sĩ: Tiêu dứt hành bên ngoài.
-Pháp môn quán thành: Không khinh dễ trời, người.
-Pháp môn quán thật: Không thương yêu thân mình.
-Pháp môn quán hạnh: Dẫn dắt chế ngự hành.
-Pháp môn quán tam Bảo: Diệt sạch ba đường.
-Pháp môn quán liễu đạt: Không mất gốc đức.
-Pháp môn quán tác: Không khinh chê người khác.
-Pháp môn hiểu kỷ: Không tự hủy nhận xét của mình.
-Pháp môn hiểu người: Không chống trái người khác.
-Pháp môn phân biệt: Làm theo đạo pháp.
-Pháp môn biết thời: Không bao giờ dối láo.
-Pháp môn bỏ tự đại: Đầy đủ Thánh tuệ.
-Pháp môn xả hại: Không khinh thường mình và người.
-Pháp môn bỏ kết: Không có do dự.
-Pháp môn thích an lạc: Không ôm ấp hồ nghi.
-Pháp môn bỏ bất tịnh: Vứt tưởng tham dục.
-Pháp môn không tranh cãi: Đoạn trừ ý thức đấu tranh kiện tụng.
-Pháp môn không dối: Không làm hại người.
-Pháp môn pháp nghĩa: Quyết rõ các nghĩa.
-Pháp môn ưa pháp: Mong được pháp sáng suốt.
-Pháp môn cầu nghe: vắng lặng quán các pháp.
-Pháp môn ứng chánh: Vâng hành bình đẳng.
-Pháp môn đoạn danh sắc: Vượt các sự chướng ngại.
-Pháp môn chán vật bảo: Thành lập tuệ giải.
-Pháp môn bỏ chấp trước: Không nương danh xưng.
-Pháp môn xuyên suốt tối tăm: Xa lìa hạnh ác.
-Pháp môn thân ý: Bản thể yên tịnh.
-Pháp môn niệm thông: Nhổ các cảm thọ.
-Pháp môn tâm hướng đến: Xem tâm như mộng.
-Pháp môn ý chỉ: Tuệ chiếu các tối tăm.
-Pháp môn ý đoạn: Xả gốc bất thiện.
-Pháp môn thần túc: Thân tâm nhẹ nhàng.
-Pháp môn tín căn: Không cầu mong người khác.
-Pháp môn tấn căn: Khéo chọn tuệ sáng.
-Pháp môn ý căn: Khéo tạo đạo nghiệp.
-Pháp môn định ý: Giải thoát các tâm.
-Pháp môn trí tuệ: Hiện thành minh triết.
-Pháp môn tín lực: Vượt oai thế của ma.
-Pháp môn tấn lực: Không hề quay lui.
-Pháp môn ý lực: Chưa từng quên bỏ.
-Pháp môn định lực: Diệt các vọng tưởng.
-Pháp môn trí lực: Qua lại cùng khắp.
-Pháp môn ý giác: Hiểu pháp chân thật.
-Pháp môn giác ý: Soi khắp các pháp.
-Pháp môn tân giác: Chứa hạnh Phật đạo.
-Pháp môn hỷ giác: Tu hạnh bình đẳng.
-Pháp môn tín giác: Việc làm đã xong.
-Pháp môn định giác ý: Thông suốt các pháp hạnh.
-Pháp môn hộ giác: Vượt các chỗ sinh.
-Pháp môn chánh kiến: Ưa thích vào vắng lặng.
-Pháp môn chánh niệm: Vứt bỏ vô số tưởng.
-Pháp môn chánh ngôn: Hiểu rõ tất cả các âm thanh giống như tiếng kêu và tiếng vang.
-Pháp môn chánh trị: Không trả thù tội.
-Pháp môn chánh nghiệp: Chấm dứt các chướng ngại.
-Pháp môn chánh tiện: Tiêu các dục ý.
-Pháp môn chánh ý: Nhập vào vô tưởng.
-Pháp môn chánh định: Đạt được Tam-muội, không có sân hận.
-Pháp môn đạo tâm: Không dứt lời dạy của Tam bảo.
-Pháp môn tịnh tánh: Không ưa thừa nào khác.
-Pháp môn Thánh đạt: Phật pháp vi diệu, tâm không ràng buộc.
-Pháp môn ứng thời: Khắp đủ các pháp.
-Pháp môn thí độ vô cực: Thành tựu đầy đủ tướng hảo, thanh tịnh cõi Phật, khuyến hóa dứt trừ tật đố xan tham.
-Pháp môn giới độ vô cực: Vượt hẳn chỗ các ác, tám nạn, nhiếp phục các người phạm, cấm.
-Pháp môn nhẫn độ vô cực: Tâm hòa điều nhu, nhiếp phục các người sân hận.
-Pháp môn tấn độ vô cực: Nuôi lớn các đức lành, nhiếp phục các người biếng nhác.
-Pháp môn thiền độ vô cực: Phát khởi, hiển bày tất cả.
-Pháp môn nhất tâm: Thần thông định ý, nhiếp phục các người ý loạn.
-Pháp môn trí độ vô cực: Xả các mạng lưới vô minh tà kiến, che lấp tối tăm lâu đời, nhiếp phục các người ác trí.
-Pháp môn thiện quyền: Tùy chỗ chúng Ưa thích mà hiện bày các oai nghi, thâu nhiếp tất cả Thánh tuệ Phật.
-Pháp môn tứ ân: Nhiếp phục các chúng sinh khiến thành Phật đạo.
-Pháp môn tứ đẳng, chánh pháp do mình: dùng bốn đẳng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả để nhiếp phục các bè đảng thiên chấp.
-Pháp môn hóa chúng: Đã lập thệ nguyện rộng lớn của mình, không mệt mỏi biếng nhác.
-Pháp môn hộ pháp: Trừ sạch tất cả trần lao cho chúng sinh.
-Pháp môn tích đức: Chúng sinh ngưỡng mộ.
-Pháp môn Thánh phẩm: Đầy đủ mười lực.
-Pháp môn tịch nhiên: Thành Như Lai định.
-Pháp môn kỳ quán: Dạy bảo tuệ nhãn.
-Pháp môn phân biệt biện: Thành tựu pháp nhãn.
-Pháp môn đạo ngự: Đầy đủ Phật nhãn.
-Pháp môn tổng trì: Vâng hành theo lời Phật dạy.
-Pháp môn biện tài: Những điều trình bày làm vui lòng chúng sinh.
-Pháp môn thuận nhẫn: Thuận hóa các pháp không khởi.
-Pháp môn pháp nhẫn: Quyết nhận được quả vị Bất thoái.
-Pháp môn chuyển địa: Đầy đủ các pháp Phật.
-Pháp môn tùng trụ chí trụ: Đạt đến nhất thiết trí nghiệp của quả vị quán đảnh.
-Pháp môn vô dư: Ở trong thai, xuất gia, cho đến lúc thành Phật dưới gốc cây, chỉ vì các nhân giả lược nói chỗ cốt yếu.

Đó là một trăm lẻ tám pháp môn Diệu đạo. Bồ-tát đại sĩ khi sắp giáng thần vì các Thiên tử giảng dạy pháp này. Khi thuyết phẩm pháp môn này, tám vạn bốn ngàn Thiên tử phát tâm vô lượng chánh chân đạo, ba chục vạn hai ngàn Thiên tử đời trước vun trồng gốc đức, ngay khi đó liền thành pháp nhãn vô sinh, ba mươi sáu ức chư Thiên tử… xa lìa trần cấu, được các pháp nhãn tịnh.

Chư Thiên Đâu-suất thảy đều vui mừng, đều rải Thiên hoa chất cao lên đến tận đầu gối.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, Khi ấy Bồ-tát vì đại chúng chư Thiên khuyến trợ và tha thiết thuyết kệ:

Có an vui thanh tịnh
Cõi trời tâm nghĩ tốt
Do xưa tạo gốc đức
Nên đến quả tịnh này
Vì vậy báo đời trước
Tạo phẩm hạnh thanh tịnh
Không đức về nẻo ác
Chốn thống khổ chẳng lành
Theo ta nghe pháp này
Chớ khởi lòng bất kính
Nên bỏ tâm kiêu mạn
Sẽ an ổn vô lượng
Tội phước không thường tồn
Không thường, không bền chắc
Như mộng huyễn, ngựa đồng
Như lằn chớp giữa không
Nếu tham đắm năm lạc
Như khát ốg nước mặn
Bậc Thánh lìa trần thế
Đạt trí luôn đầy đủ
Các dục, âm nhạc hay
Tất cả các ngọc nữ
Nữ nhân, tâm đều khác
Khi ấy nghiệp bình đẳng
Không dùng bạn lợi dưỡng
Bạn thân, các quyến thuộc
Ngoài ra tạo nghiệp tốt
Không ưa các thói xấu
Cho nên đều hòa hợp
Đều ôm ấp lòng từ
Vâng hành pháp chân chánh
Hạnh lành tự đầy đủ
Thường tưởng nhớ chư Phật
Nơi pháp không buông lung
Ưa giới, thí, học rộng
Nhẫn nhục, nhân hòa, an.
Hiểu rõ khổ, không ngã
Ròng chuyên quán sát pháp
Từ nhân duyên hợp thành
Thường chuyển, thắng cấu trược
Xem thấy các biện tài
Thần túc thật vô cùng
Tuệ, công huân tự nhiên
Nghe giới không buông lung
Tu học hiểu cùng tột
Nghe rộng không ai bì
Thí, điều ý, trí tuệ
Vì chúng sinh hành từ
Thường tu hạnh thương yêu
Luôn thành tựu pháp lành
Lấy yếu hạnh làm gốc
Nói, làm thường đi đôi
Chớ làm theo ngươi khác
Đã vắng lặng tinh tấn
Đừng cho làm mà được
Không làm, cũng không an
Đẳng ý quán nơi gốc
Sống chết rất khổ nhọc
Vì không tập ly dục
Bỏ tà được rốt ráo
Cho nên được nhàn tịnh
Tuyên bố thuận lòng Từ
Cung kính nghe pháp hội
Diệt dục, đốt trần lao
Vứt bỏ đại cống cao
Giữ gìn không dua nịnh
Đúng thời siêng hành đạo
Đến diệt độ vô vi
Tiêu các trược u ám
Trí tuệ sáng giáo hóa
Bỏ các trần trói buộc
Phát khởi việc nên làm
Tuy có các pháp sư,
Cấc ngươi tu hạnh nghĩa
Không theo kiến giải họ
Không trái các pháp huấn
Nếu khi đắc Phật đạo
Chuyển pháp, mưa cam lộ
Tẩy sạch tâm nhơ bẩn
Học hỏi pháp tối thắng.