SỐ 225
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2

Phẩm 2: THIÊN ĐẾ THÍCH VẤN

 

Bấy giờ, trời Đế Thích cùng bốn muôn vị Thiên tử, bốn vị Thiên vương, hai muôn vị Thiên tử, trời Phạm chúng một muôn Thiên tử, trời Phạm phụ và năm ngàn vị Thiên tử đều đến dự hội. Nhờ công đức sáng chói rực rỡ đời trước, các Thiên tử nhờ thần lực Phật mà được ánh sáng chiếu suốt.

Trời Đế Thích hỏi Thiện Nghiệp:

–Thưa Hiền giả! Các Thiên tử trong đại hội này muốn nghe giảng nói về Trí độ vô cực. Bồ-tát Đại sĩ gầy dựng như thế nào ở trong Đại minh độ đó?

Thiện Nghiệp đáp:

–Này các Thiên tử! Nếu muốn nghe việc ấy thì hãy lắng nghe tôi nói. Nhờ thần lực Phật mà nói rộng về Trí độ.

Thế nào, các Thiên tử, vị nào chưa cầu đạo Bồ-tát, bây giờ đều nên cầu. Người đã được đạo sông ngòi thì không còn lại được đạo Bồ-tát. Vì sao? Vì đã che lấp đường sinh tử rồi, nếu khiến họ mong cầu thì tôi xin thay họ không dứt bỏ công đức, vì đều muốn dùng pháp tôn quý nhất trong kinh để đạt đến quả Phật.

Đức Phật khen:

–Lành thay, lành thay! Vui sướng làm sao! Bồ-tát nên học như vậy.

Thiện Nghiệp bạch Phật rằng:

–Bạch Đức Thế Tôn! Con sẽ báo ân, không bao giờ dám trái phạm. Vì sao? Vì thuở xưa Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác đều cùng đệ tử giảng nói Trí độ cho các Bồ-tát nghe. Lúc đó, Như Lai cũng học diệu hạnh ở trong kinh này. Bây giờ tự mình đã thành Phật, do đó phải báo ân. Con làm việc giảng pháp nói này, các Bồ-tát thọ nhận nơi con vui mừng sung sướng nhờ đạo lớn, mau chóng thành Phật.

Trời Đế Thích hỏi:

–Làm sao Bồ-tát đứng vững trong Trí độ.

Đáp:

–Thọ trì pháp không để đứng vững.

Đế Thích hỏi:

–Bồ-tát Đại sĩ dùng bóng thệ nguyện Đại thừa rộng lớn, dù đã vận dụng đến năm ấm nhưng không trụ trong đó.

Từ Dự lưu, Tần lai, Bất hoàn, Ứng nghi, Duyên giác cho đến Phật không nên trụ trong đó, không nên trụ trong năm ấm vô thường; không nên trụ trong khổ vui, tốt xấu, ngã sở hay chẳng phải ngã sở.

Dù đạo Dự lưu thành tựu bất động cũng không nên trụ trong đó. Vì sao? Vì không trụ thì bảy lần chết, bảy lần sinh liền vượt qua. Đạo Tần lai thành tựu bất động không nên trụ trong đó. Vì sao? Vì không trụ thì một lần chết, một lần sinh liền vượt qua.

Đạo Bất hoàn thành tựu bất động không nên trụ trong đó. Vì sao? Vì hướng lên diệt độ.

Đạo Ứng nghi thành tựu bất động không nên trụ trong ấy. Vì sao? Vì đạo Ứng nghi thành rồi thì liền chấm dứt, ở trong diệt độ mà diệt độ.

Đạo Duyên giác thành tựu bất động không nên trụ trong đó. Vì sao? Vì không thể theo kịp Phật đạo thì diệt độ hẳn, vì thế không nên trụ trong đó.

Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Tối Chánh Giác vì vô lượng người mà làm công đức, ta đều làm cho họ diệt độ xong mới chính là trụ trong Phật. Những điều Đức Phật làm đều rốt ráo rồi mới diệt độ hẳn, cũng không nên trụ trong đó.

Thu Lộ Tử hỏi:

–Nếu Bồ-tát Đại sĩ không nên trụ trong năm ấm Dự lưu, Tần lai, Bất hoàn, Ứng nghi, Duyên giác, cho đến Phật. Vậy thì nên trụ thế nào?

Thiện Nghiệp thưa:

–Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Tối Chánh Giác có chỗ trụ hay không?

Đáp:

–Không! Vì sao? Vì Phật không có chỗ trụ, cũng không trụ nơi lay động, không lay động, cũng không phải không trụ, cũng không phải vô trụ. Tất cả không phải là chỗ Như Lai trụ. Nên thực hành trụ này, không nên trụ vào chẳng trụ, cũng không nên trụ vào vô trụ. Nên thực hành trụ này, học vô sở trụ.

Bấy giờ, tâm niệm các Thiên tử, lời nói của các quỷ thần đều có thể biết rõ ràng. Giờ đây, kinh đạo mà Tôn giả Thiện Nghiệp đã giảng nói hoàn toàn không thể biết.

Biết tâm niệm của họ, Thiện Nghiệp nói với các Thiên tử:

–Này các Thiên tử! Kinh này khó hiểu, thật khó hiểu! Vì sao? Vì lời tôi giảng nói, giáo pháp mà tôi hưng khởi đều là không, do đó khó nghe, nghe rồi khó hiểu.

Tâm các Thiên tử lại nghĩ rằng: “Lời này nên hiểu, đáng hiểu!”

Giờ đây, Tôn giả Thiện Nghiệp thâm nhập vào Pháp thân, liền bảo các Thiên tử:

–Nếu muốn cầu đạo Dự lưu, Tần lai, Bất hoàn, Ứng nghi, Duyên giác, Vô thượng Chánh chân mà còn trụ trong đạo ấy thì nên học Trí độ và nên giữ gìn.

Trong tâm các Thiên tử lại nghĩ rằng: “Những lời giảng nói như thế nên ở nơi nào để cầu thầy dạy kinh?” Thiện Nghiệp lại bảo các Thiên tử:

–Này các Thiên tử! Người nào muốn biết pháp do ta giảng nói giống như người huyễn, không biết nghe và không biết thực hành.

Chư Thiên hỏi:

–Thưa Tôn giả! Hiện giờ những vị nghe pháp này là người thật, chứ chẳng phải người huyễn.

Thiện Nghiệp nói:

–Này các Thiên tử! Người như huyễn, huyễn như người. Nếu cầu đạo Dư lưu, Tần lai, Bất hoàn, Ứng nghi, Duyên giác, Vô thượng Chánh chân, người như huyễn, huyễn như Phật đạo.

Các Thiên tử lại hỏi:

–Thưa Tôn giả! Cho đến Phật cũng còn như người huyễn hay sao?

Thiện Nghiệp nói:

–Cho đến diệt độ cũng như người huyễn. Các Thiên tử hỏi:

–Diệt độ cũng còn như người huyễn sao?

Thiện Nghiệp nói:

–Nếu có pháp nào hơn diệt độ thì pháp đó cũng còn như người huyễn.

Tôn giả Thiện Nghiệp bảo các Thiên tử:

–Này các Thiên tử! Nê-hoàn của người huyễn này đều là không, không thật có.

Tôn giả Thu Lộ Tử, Mãn Chúc Tử hỏi:

–Nói về Minh độ như vậy, ai có thể vâng giữ hành trì?

Thiện Nghiệp thưa:

–Hiền giả! Bồ-tát Đại sĩ không thoái chuyển có khả năng vâng giữ hành trì. Còn các vị Ứng nghi,… không thể thọ trì. Vì sao? Vì những pháp tôi đã giảng nói là không có gì để nói, cũng không có nơi chốn. Pháp đã không có nơi chốn, pháp đã không có dặn dò gởi gấm, vì pháp như vậy nên cũng không có ai thọ trì.

Các Thiên tử nghĩ: “Tôn giả Thiện Nghiệp tuôn rải các của báu chánh pháp, chúng ta hãy hóa ra các loại hoa để rải lên mình Ngài, liền hóa ra các loại hoa thơm để rải cúng dường Đức Phật và Tôn giả Thiện Nghiệp cùng các Tỳ-kheo, hoa ngập lên đến gối các Ngài.”

Tôn giả Thiện Nghiệp biết, liền nói:

–Hoa này không phải phát xuất từ trên trời Đao-lợi, mà do trời Đế Thích tung rải phát ra từ huyễn.

Đế Thích thưa:

–Thưa Tôn giả! Hoa này chẳng phải từ cây mọc ra, đúng như Hiền giả Thiện Nghiệp đã nói, việc này vốn vắng lặng, từ cây huyễn mọc ra.

Đế Thích nói:

–Hoa này từ cây huyễn mọc ra, nếu không phải từ cây mọc ra thì chẳng đúng. Đã chẳng đúng thì chẳng phải là hoa.

Đế Thích thưa:

–Trí độ rất sâu xa mầu nhiệm.

Đáp:

–Vì sao? Vì không có gì bằng được, cũng không có gì để giảng nói.

Đế Thích thưa:

–Thưa Tôn giả! Ngài ở trong Minh độ mầu nhiệm sâu xa, đối với pháp không có chỗ tranh cãi, không thật có, đối với pháp không hề lay động.

Đáp:

–Đúng vậy! Pháp chẳng phải là pháp động, nên học như thế. Học như vậy, không học đạo Dự lưu, Tần lai, Bất hoàn, Ứng nghi, Duyên giác. Ai thực hành việc học pháp này là học trí Nhất thiết, vượt hơn các pháp, không còn sinh năm ấm, phải đích thân thọ học, thực hành, không thọ học pháp nào khác.

Thu Lộ Tử hỏi:

–Như vậy là không thọ học trí Nhất thiết ? Không học thì quên mất, không được thọ học pháp khác sao?

Đáp:

–Đúng vậy! Đây là học trí Nhất thiết, vượt hơn các pháp.

Nghe pháp trời Đế Thích liền hỏi Thu Lộ Tử:

–Làm thế nào để tìm cầu điều đó?

Đáp:

–Tìm trong phẩm Thiện nghiệp Minh độ.

Đế Thích hỏi:

–Thiện Nghiệp dùng ân đức oai thần nào để học hỏi hiểu biết?

Đáp:

–Dùng ân đức oai thần của Như Lai để hiểu biết.

Đối với Minh độ mà Đế Thích đã hỏi thì Bồ-tát Đại sĩ phải tìm cầu thế nào mà không được từ năm ấm tìm cầu, cũng không được xa lìa nó để tìm cầu. Vì sao? Vì Minh độ không phải năm ấm, cũng không lìa nó, không sinh khởi nó, bởi không có gì dính mắc nên không sinh ra, không nương tựa. Không nương tựa là Minh độ.

Đế Thích thưa:

–Đại sĩ là đại minh vô biên vô tận.

Đáp:

–Năm ấm đều vô biên. Do đó nên biết, pháp vô biên, người vô tận. Thân và hành động còn làm dụng, cho nên phải biết nó và Minh độ như nhau không khác. Không có chính giữa, một bên, cũng không có gốc rễ, đầu mối, không thể hạn lượng, tất cả đều không thật có, thế nên Minh độ nhiều vô biên, vô tận, không thể tính đếm.

Đế Thích hỏi:

–Thưa Tôn giả! Con người làm sao vô tận được?

Thiện Nghiệp đáp:

–Thì thế nào, theo ý của Đế Thích, trong các pháp cái gì gọi là người? Trong các pháp không thấy có tên gọi là người. Vì sao? Vì không thấy có từ nơi nào đến. Vì sao? Vì con người trước kia đều rỗng không, không thật có. Nếu có đến, có ở cũng chỉ là tên gọi mà thôi. Vì sao? Vì trong danh tự, học có sở hữu không?

Đáp:

–Thưa không!

Thiện Nghiệp nói:

–Dùng danh từ không thật có, không làm nên ngã, cho nên người vô tận, dù cho Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác tuổi thọ với số kiếp như cát sông Hằng, miệng nói tên nhiều người, thì những người ấy có sinh diệt không?

Đế Thích thưa:

–Thưa Tôn giả! Tất cả đều không sinh diệt.

Thiện Nghiệp nói:

–Vì sao? Vì tất cả mọi người thanh tịnh cho nên không sinh khởi, danh từ, chẳng phải danh từ đều không thật có, do đó người là vô tận. Danh từ Minh độ vô cực cũng vô tận. Nên biết như vậy.