KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 2: NÓI VỀ VIỆC THỰC HÀNH PHÁP TAM-MUỘI

Đức Phật nói:

–Này Bồ-tát Hỷ Vương! Do đạt được pháp “Tam-muội thông tỏ mọi ngọn nguồn các pháp” ấy mà lý giải tất cả các pháp, không còn có sự điên đảo. Các pháp vốn không động nên không thể làm cho chúng bị nghiêng ngửa. Nơi chốn hành hóa, chí dốc cứu thoát chúng sinh trong năm nẻo. Chế ngự, hóa độ các thứ ma, khiến chúng tự nhiên quy phục. Làm người trong thiên hạ thì được muôn loài yêu mến, kính trọng, hàng trí thức khâm phục, ngưỡng mộ. Thông đạt các pháp cùng với phi pháp. Đức ấy hết mực sáng tỏ, cũng giống như mặt trăng tròn đầy chiếu sáng nơi trăm ngàn tinh tú. Ở lâu trong cõi sinh tử, mọi chúng sinh đều biết, từ đó khuyến khích, hóa độ hết thảy. Chí nguyện luôn dựa trên tánh thanh tịnh. Dứt bỏ mọi nơi chốn thọ nhận. Luôn dốc vì sự cứu giúp muôn loài trong cả tam thiên đại thiên thế giới, từ đó dẫn tới những thành tựu các quả vị của đạo. Nhận rõ diệu lý vô ngã cũng như tỏ lẽ không có chốn để hướng về. Thấy các nạn trong ba cõi mà giáo hóa, dẫn dắt, vì chúng sinh mà cứu giúp. Đạt được sự cung kính nhưng không vì thế mà dấy kiêu mạn. Vượt mọi sự che phủ, ngăn chận, thông tỏ mọi điều tuyên giảng ban dạy của chư Phật. Diễn thuyết, diệt độ, đều luôn thích ứng với căn cơ cùng hoàn cảnh, do vậy mà đạt đến ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân. Đối với mọi sự việc: có lợi, không lơi, hoặc khổ hoặc vui, có danh không danh, ca ngợi hay bài bác… thì nên đem sự hiểu biết đúng đắn về đời gồm có tám pháp, tất không còn mọi vướng mắc, tham đắm. Cứu độ mọi chúng sinh, đem diệu pháp cam lồ để vỗ về, an ui. Nêu bày rõ sự diệt độ là nhằm khai ngộ hết thảy các loài. Lìa mọi phiền não nung đốt, dứt hết các chướng ngại cản ngăn. Chưa từng dựa bám ngoại cảnh làm mê hoặc sáu căn. Đi vào mười sáu chữ của pháp môn Tổng trì, sẽ biết được nơi chốn đi tới. Nên tuyên giảng khắp điều ấy thì sẽ chóng đạt các pháp Tổng trì.

Những gì gọi là mười sáu?

–Một là vô; hai là bộ; ba là hành; bốn là bất; năm là trì; sáu là ngại; bảy là tác; tám là kiên; chín là thế; mười là sinh; mười một là nhiếp; mười hai là tận; mười ba là cái; mười bốn là dĩ; mười lăm là trụ; mười sáu là thiêu. Đó là mười sáu sự việc dùng văn tự để giáo hóa.

Nếu thông tỏ, thực hành mười sáu cách giáo hóa, thông qua văn tự ấy thì sẽ đạt được vô lượng pháp môn Tổng trì cùng quả vị giác ngộ, thấu đạt hết thảy các pháp và được tự tại. Phân biệt, nhận rõ về tâm ý sáng tỏ của tất cả chúng sinh. Tiêu trừ mọi thứ phiền não cấu uế, tất tuyên dương được đạo pháp, tạo được uy lực lớn lao, thông đạt chánh pháp, độ thoát muôn dân, giáo hóa, dẫn dắt về nẻo an lạc. Âm thanh luôn hòa nhã giống như tiếng chuông nhỏ ngân nga. Đạt được sự an trụ trong khắp cõi bình đẳng. Là tiếng gầm rống của sư tử, thể hiện sự kỳ diệu lồng lộng. Đầy đủ các pháp nhẫn vượt bờ, thành tựu được tâm Từ bi rộng lớn. Chiến thắng mọi cảnh giới ma oán. Thông tỏ mọi âm thanh thương cảm của Bậc Chánh Giác. Đạt nhẫn nhục để dứt trừ ngã mạn, chứng diệu nghĩa thâm diệu của thiền định thuận hợp. Nẻo đi, chốn đến tuyên giảng giáo pháp vô thượng. Thâu tóm hết thảy mọi lẽ chính yếu trong kinh điển, không một uy lực nào có thể đạt được. Nhận rõ tất cả các pháp cùng các cửa đạo. Tỏ mọi cõi chốn quy hướng nơi hành động của chúng sinh. Nhớ nghĩ, nhận biết về vô số cõi mà bao kiếp đã từng trai qua. Luôn giữ các pháp để dứt trừ mọi thứ bệnh. Trừ sạch bao lớp lưới buộc trói cùng đoạn hết các mối hồ nghi. Chóng đạt quả vị Chánh giác, nêu bày ánh sáng giác ngộ tỏa lan. Hội nhập khắp cả các pháp theo ánh sang trí tuệ bậc Thánh chứng đắc. Dốc dùng phương tiện để xua tan mọi phiền não nung đốt. Giảng thuyết các pháp mà chính mình đang tôn phụng, hành hóa. Uống, ăn các diệu pháp cam lồ, phá tan mọi lớp mờ do dự. Lìa bỏ nơi chốn cư ngụ, làm hiển lộ tính chất tự tại, không còn bị phủ che, đem tâm Từ bi mà đùm bọc chúng sinh mọi cõi. Nhớ nghĩ về thân mạng đời trước, cùng nơi chốn đã từng đến, đi. Chí dốc cầu giải thoát, đức sáng nhằm soi đường cho hàng ngu muội tối tăm. Nơi hướng tới của mọi hành hóa là nhằm đạt đến trí tuệ của Bậc Chí Tôn. Thu gồm hết thảy mọi tưởng để tạo lập mọi sự an trụ. Không để mất cõi đạo, cho dù vượt qua bao chặng biến đổi. Thông đạt mọi ngôn ngữ âm thanh mà cũng từ bỏ tất cả chúng. Cõi Phật sẽ hiện ra đầy khắp ngay trong khi dứt sạch mọi phiền não trói buộc. Xa lìa năm ấm mà chẳng dấy tự tại, tự tôn. Mau rõ mọi ngôn từ, sử dụng điều đó nen tiện lợi trong việc hàng phục chúng ma. Dứt bỏ mọi học vấn ngoại đạo, sẽ thấy được không thể kể tính chư Phật hiện tại trong mười phương quốc độ. Lãnh hội các pháp được thuyết giảng, luôn dốc thọ trì không hề quên lãng. Theo sở nguyện ấy, đạt được pháp Tam-muội, đem lại bao niềm an lạc. Nếu có vị Bồ-tát nào đạt được pháp Tam-muội ấy thời sẽ gọi đó là đạt đến Nhất thiết trí. Vì sao? Vì do hoàn tất pháp định đó, chỉ trong khoảnh khắc là tâm ý phát khởi, từ Nhất sinh bổ xứ thành Bậc Tối Chánh Giác. Từ gốc là một khởi thành hai, hai đến ba, ba đến bốn. Từ sự phát ý đó mà liền đạt đến Phật đạo. Vì sao? Vì người thực hiện hoàn tất pháp chánh định ấy chính là đã đạt Nhất thiết trí.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bèn đọc tụng:

Muôn lời dạy dứt lậu
Bậc hơn hẳn muôn loài
Nơi xuất không chốn về
Do thoát mọi nẻo hướng
Hàng phục, dứt tham đắm
Thù thắng, khởi vô hạn
Chấp trì cảnh chung ấy
Diệu hạnh của mười phương
Lìa tranh nên an lạc
Tâm xao, nhiều bụi cấu
Bao người thảy cùng vui
Ngôn từ luôn lưu loát
Theo thắng dứt vướng chấp
Lìa bỏ chốn tối tăm
Tổng trì chánh pháp ấy
Kiến lập ở mười phương
Thông tỏ đạt giải thoát
Đến bờ giác an vui
Trời người luôn kính trọng
Chốn cứu giúp hơn hết
Các hành nhằm vượt bờ
Dũng mãnh, đức thể hiện
Dốc tu, phụng kinh văn
Mười thứ lực đạt đến
Mọi nạn tạp đều dứt
Thấu đạt cội nguồn không
Theo tâm chốn yêu thích
Mà dẫn dắt muôn loài
Được theo đúng nẻo chính
Trừ cấu uế bao đời
Mắt đạo nhờ đấy tỏ
Chốn hành đạt không hành
Ý mạnh đầy tình thương
Xem người như con trẻ
Người quý, mọi chốn đến
Khuyên dạy hạng nghiệp tà
Luôn không nơi phá hoại
Chúng, loài thảy thông tỏ
Nơi ấy tạo lập hành
Muôn loài nào sánh được
Khắp mười phương được giúp
Cùng bao kẻ chậm bước
Khuyên vui người không cùng
Luôn tu tập an định
Nghiệp nhà buộc, phải lìa
Phát khởi như cam lồ
Phụng trì kinh điển ấy
Nương bậc đức tối thắng
Công sức thường tích lũy
Giảng dạy bao lớp người
Ban vui chúng ngu muội
Trọn dứt nẻo phóng dật
Nơi sáu nẻo thấu tỏ
Thấu đạt lẽ tịch tĩnh
Chúng nhân thích an hòa
Chốn ấy công đức hiện
Hành hóa thật thù thắng
Như trăng sáng không bợn
Độ thoát chúng trời, người
Đường trước dứt sợ hãi
Danh xưng tụng khắp chốn
Thí cam lồ thù diệu
Chốn ấy nên hành hóa
Mau đạt đến Phật đạo
Vững nơi chốn nên trụ
Cõi Phật khắp mười phương
Tuyên giảng pháp giải thoát
Dùng độ bao trời, người
Pháp ấy thậm vi diệu
Cũng nêu hạnh chí chân
Nẻo ấy gắng tu trì
Luôn vui cùng pháp nhũ
Hàng phục thảy chúng ma
Lòng nhân hòa an định
Độ thoát mọi nẻo khổ
Quy ngưỡng đường chính: Phật.
Nơi về, chốn tối thiện
Lìa mọi nẻo gập ghềnh
Dùng phương tiện dũng mãnh
Đức Tổng trì thành tựu.

Đức Phật nói:

–Nếu có vị Bồ-tát tu học thực hành Định ý này thì luôn được chư Phật trong mười phương thảy đều ủng hộ. Dùng ánh sáng từ định chiếu soi tâm, khiến tâm được khai mở thêm sáng tỏ, không còn bị phủ che, nên mọi nhận thức đều dứt sạch bao thứ che phủ, đạt được thần thông, tầm nhìn mở rộng đến vô hạn. Các vị Bồ-tát trong mọi chúng hội thảy cùng hết mực hỗ trợ, khiến thành tựu được quả vị Nhất sinh bổ xứ. Các chúng Thanh văn khắp nơi cùng đến tán thán, đều mong muốn sớm đạt quả vị giác ngộ để cho mười phương chúng sinh được đội ân hóa độ. Đông đủ các vị Phạm vương ở các cõi trời từ tang thứ bảy trở lên, các vị Phạm thiên ấy đều đích thân thay nhau từ xa luôn hộ trì. Lại khiến chư Thiên chúng thảy đều đến để quy thuận. Thiên đế Thích ở cõi trời Đao-lợi, thân mạng từ những đời trước có nhiều phước đức, luôn biết về điều ấy nên dốc tâm học hỏi pháp chánh định đó. Cũng khiến chư Thiên, người thảy xuống tận nơi chốn lo việc bảo vệ, làm cho mọi sư hành hóa đều được an ổn, ngăn chận những kẻ dối trá xâm phạm. Các vị Tứ Thiên vương đều thân hành đến nơi, lại cũng khiến đám quan thuộc phải luôn ủng hộ vị Pháp sư, trong khoảng hơn bốn ngàn dặm luôn được ổn định, không có những kẻ xấu dò xét, phá phách, khiến cho chánh pháp được yên lành, lần lượt truyền giảng khắp để dẫn dắt, giáo hóa mọi nẻo sinh tử trong năm cõi. Bốn chúng đệ tử cùng các tông phái đều hết lòng cúng dường, lãnh hội sự chỉ dạy không biết mệt mỏi. Luôn vì mọi người thuyết giảng kinh điển khiến cho những người cùng tu học, tâm ý không ai là không được ung dung, tự tại. Mọi người đều đạt sở nguyện của mình, dứt mọi sự oán vọng. Tuy có kẻ mang tâm ganh ghét, muốn có chỗ để quấy loạn nhưng cũng không thể thực hiện được.

Lại nữa, vị Bồ-tát ấy thường tự thể hiện sự nhẫn nhục, tâm luôn đầy mối nhân từ, hòa ái. Nếu hướng về kẻ giận dữ cũng không hề dấy ý niệm xấu ác. Nếu có kẻ nghịch ác muốn đem đến sự nguy hại cho mình, thì chẳng nên cùng kẻ ấy tranh biện, chỉ nên lánh bỏ chứ không cùng gặp. Nếu gặp phải giữa đường thì xem như chẳng hề trông thấy. Tâm từ nhớ nghĩ khắp mười phương đều nên quy ngưỡng về Phật, chớ nên có tâm ác phỉ báng Pháp sư. Luôn nhớ nghĩ đến đạo pháp để dứt mọi điều ác. Luôn tỏ lòng thương đối với những kẻ vì mang tâm độc dữ mà bị đọa vào các nẻo ác, chịu mọi khổ nạn nơi ba đường dữ. Đáng thương cho những kẻ đó, do ngu muội, mê lầm nên cứ mãi chạy theo nẻo độc hại, rốt cuộc trở lại tự làm hại thân mình. Cũng như nơi cạnh gốc cây to, gió thổi mà lại quét ngược chiều, hốt nhiên lửa sinh trở lại đốt cháy thân hình. Hay như loài ran độc, hàm chứa độc ngày một thêm nhiều, trở lại tự hại lấy thân. Như sắt sinh ra nhiều chất rỉ để tự hủy diệt lấy nó. Ngu tối bưng bít, che ngăn, tâm không được mở rộng, thông tỏ. Chẳng nhớ nghĩ đến ân của các vị Bồ-tát, Pháp sư. Phản bội, sinh tâm nhiễu hại, chống lại các bậc sư phụ. Dốc mang lòng tham thù, ganh ghét, muốn đem điều nguy hiểm để hại bậc thi ân, những kẻ ấy nhất thời tự mình có thể phóng tâm tự tôn, tự đại, nhưng chẳng biết nhìn xem kỹ về các nạn lớn đang chờ mình. Thật hết sức đáng thương!

Chư Thiên, Long, Quỷ thần, Thiên thần nơi hư không, A-tuluân, Ca-lâu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc thảy cùng đến đảnh lễ cung kính quy mạng, muốn luôn được chiêm ngưỡng để mãi được bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn sùng của mình. Dốc sức lãnh hội mọi diệu nghĩa của kinh điển để thông tỏ, thọ trì. Luôn nhớ nghĩ, phụng hành, chưa từng có sự bê trễ, biếng nhác. Chư thần luôn yêu mến, tôn kính, lo toan mọi việc cúng dường. Kính trọng đạo đức như người con hiếu đối với cha mẹ, sau bao nhiêu năm tháng lâu dài ly biệt bị đói khổ, thiếu thốn liên tiếp. Được chư Thiên, Thần minh, Nhân phi nhân yêu mến, tôn kính, oai đức vô cùng lớn lao một cách trọn vẹn như vậy, đều là do Bồ-tát đã dốc tâm tinh tấn tu học pháp Tam-muội ấy có được tâm Từ bi rộng lớn. Vì thế mà đạt được đức lớn đó.

Đức Phật bảo Bồ-tát Hỷ Vương:

–Nếu có vị Bồ-tát tích lũy công đức, dẫn dắt, giáo hóa vô số trăm ngàn chúng sinh, khiến họ đạt được an lạc vô cùng lớn lao, thì sự việc ấy cũng không khác với việc Bồ-tát chẳng dùng sự vui đùa, lấy pháp Tam-muội kia làm nhân để đạt được công lao thù thắng đặc biệt, đức ấy tên là “Lìa mọi tham đắm đối với sự khen ngợi của mười phương.” Mọi hành hóa đều đạt sự an nhiên bất động như núi Tu-di, ánh sáng như nhật nguyệt tỏa khắp thiên hạ. Đức quý giá như đất là gốc sinh ra muôn vật. Đạo được tôn quý, quả vị được nâng cao, sinh ra các đạo phẩm như sáu Độ Ba-la-mật. Bồ-tát hội nhập pháp tạng, tâm như hư không, dứt mọi vướng chấp, riêng mình đi khắp trong ba cõi mà không chút trở ngại. Cũng như chim bay lượn khắp hư không chẳng có tí vết chân. Cũng như hoa sen chẳng nhiễm nơi nước bùn, bụi bặm. Chư Phật trong mười phương thảy đều khuyến khích Bồ-tát thực hành pháp Định ý ấy. Nên nay Phật tuyên giảng rõ: Các vị hãy luôn tinh tấn, chớ nên nghi hoặc. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cùng với phàm phu thứ dân, cả đến chín mươi sáu thứ ngoại đạo với sáu mươi hai loại kiến chấp, cho tới các loài côn trùng thân cứng, thân mềm, bay dọc, bò ngang, thở gấp mà sống, người cùng với chẳng phải người, tu học pháp Tam-muội này, nếu được nghe đến tên liền sinh tâm vui mừng thì đều đạt được sở nguyện, sau đó sẽ lãnh hội được diệu lý của pháp Tam-muội ấy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đọc kệ:

Thường sáng tỏ
Chánh pháp Phật
Tín căn vui
Tuệ bậc nhất
Hành an định
Dứt tôi – ta
Giữ tịch tĩnh
Tam-muội diệu
Đạt tự tại
Rõ nhẫn nhục
Che ba thời
Như lọng báu
Tạo lập, hóa
Vô số người
Theo tuệ ấy
Ví như biển
Hết bỉ – thử
Cùng phiền não
Giảng Phật đạo
Mọi diệt độ
Trừ cấu nhiễm
Độ ba đời
Dốc tu tập
Luôn an nhiên
Rõ thân mạng
Cùng kẻ khác
Chí luôn nhớ
Nẻo Phật đạo
Niệm an trụ
Hết thảy nghiệp
Cùng đạt được
Tam-muội diệu
Dắt dẫn nhiều
Thâu cõi gốc
Luôn giảng pháp
Diệt khổ não
Tu bố thí
Vị cam lồ
Dốc phụng hành
Chủng tánh Phật
Sáng tỏ tột
Từ diệu bày
Xưng tụng khắp
Mọi công đức
Nơi chúng hội
Thật lồng lộng
Như trăng tròn
Vào thu sáng
Mọi quyến thuộc
Tài, danh, đức
Chốn sinh tử
Phật đều biết
Biện tài đó
Như thủy vương
Hành Tam-muội
Theo công đức
Pháp tự nhiên
Không, vô ngã
Mau chóng đạt
Diễn bày nghĩa
Như thế khắp
Cõi đại thiên
Theo chân đế
Tam-muội ấy
Mọi tư duy
Ba ngàn cõi
Khắp chúng sinh
Như hằng sa
Muốn cầu học
Đạo cam lồ
Chốn tuệ đạt
Vượt hơn hết
Độc chẳng hại
Cùng lửa, đao
Dứt rắn dữ
Chẳng sợ hãi
Chúa La-sát
Không thể hại
Đem tâm hòa
Dốc tu tập
Tài sản còn
Nhà cửa đủ
Dứt bệnh, lo
Cùng tội, nạn
Chuyên tâm trì
Bốn câu pháp
Mắt luôn tỏ
Chẳng lãnh hội
Sáu hai kiến
Ức Phật khuyên
Hữu học nên
Tư duy ấy
Nếu thường phụng
Pháp Tổng trì
Hành tinh tấn
Pháp Tam-muội
Như dốc cầu
Chóng thành đạo
Đạt an lạc
Ruộng công đức
Nên tu học
Gốc kinh điển
Đạt hết thảy
Tịch nhiên, không.