LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử.
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 2: MỘT PHÁP

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử lại bảo đại chúng: Toàn thể quý thầy nên biết Phật là người đã hiểu biết một cách thấu triệt đầy đủ về pháp môn duy nhất, và đã ân cần giảng nói, dạy bảo chỉ bày cho toàn thể đệ tử, môn đồ. Chúng ta hiện nay cần nên hòa hợp thu thập, kết tập lại đầy đủ. Để sau nầy khi Đức Phật diệt độ thì không xảy ra việc tranh cãi và khiến cho tất cả mọi người nên hòa thuận tuân giữ các pháp luật và phạm hạnh thanh tịnh tạo các lợi lạc lâu dài cho vô số các loài hữu tình. Thương xót hàng trời, người ở thế gian khiến họ thọ hưởng được nhiều phước báo an lạc thù thắng.

Thế nào là một pháp?
Có kệ (Ốt-đà-nam) nói:

Một pháp là hữu tình
Nương ăn, nương nghiệp sống
Đối tất cả pháp thiện
Chớ phóng dật làm trọng.

Tất cả các loài hữu tình đều nương vào việc ăn uống mà sống.

Tất cả các loài hữu tình đều nương vào nghiệp báo (hành) mà sống. Đối với các pháp thiện chớ nên khinh thường, sống phóng dật… đó gọi là “một pháp duy nhất”.

Thế nào là tất cả loài hữu tình đều nương vào việc ăn uống mà sống? Còn ăn là sao, mà nói loài hữu tình đều phải nương nhờ việc ăn uống mà sống còn.

Nầy quý thầy Bí-sô nên biết, như Đức Thế Tôn đã nói: Việc ăn uống có bốn cách, nhờ đó khiến nhiều chủng loại hữu tình được yên sống và có thể hoạt động giúp ích cho các nhu cầu của đời sống. Bốn cách ăn uống ấy là gì? (Sự nuôi sống ấy là gì?)

1. Là ăn một nắm cơm dù lớn hay bé, nhiều hay ít.
2. Là ăn bằng cách xúc chạm.
3. Là ăn bằng ý tưởng nghĩ đến.
4. Là ăn bằng thức biết.

 

Do bốn cách ăn nầy nên nói các loài hữu tình đều phải nương nhờ ăn uống mà sống.

Hỏi: Do nguyên cớ gì biết được các loài hữu tình đều phải nhờ ăn uống mà sống còn?

Đáp: Ấy là các loài hữu tình đối với thân thể họ do sự tụ họp tạo nên, và khi thức ăn chưa đầy đủ là nguyên nhân chính cho loài có tưởng, và khi thức ăn đầy đủ là nguyên nhân chính cho loài có tưởng, có suy nghĩ làm việc nói năng hoạt động sống còn, và bao nhiêu biến chuyển khác nhau… Trái lại cũng đối với loài hữu tình đó mà sự cạn kiệt thiếu thốn thức ăn là nguyên nhân chính khiến các suy nghĩ hoạt động nói năng kia phải chết chóc, tan nát và biến chuyển đổi khác. Do đó biết được các loài hữu tình đều phải nương nhờ thức ăn mà sống còn.

Hỏi: Như thế, với bốn cách ăn uống đó, nên nói đó là hữu vi hay vô vi?

Đáp: Nên nói là hữu vi.

Hỏi: Như thế, với bốn cách ăn uống đó, nên gọi là thường hay vô thường?

Đáp: Nên nói là vô thường.

Hỏi: Với bốn cách ăn đó, nên nói là còn mãi lâu dài hay chẳng lâu dài, còn mãi?

Đáp: Nên nói là chẳng lâu dài mãi.

Hỏi: Với bốn cách ăn đó, nên nói là biến đổi hay chẳng biến đổi?

Đáp: Nên nói là biến đổi.

Hỏi: Với bốn cách ăn đó, nên nói là do duyên sinh hay nói chẳng phải do duyên sinh?

Đáp: Nên nói là do duyên sinh ra.

Hỏi: Với bốn cách ăn đó, nên nói nó thuộc về danh hay thuộc về sắc?

Đáp: Về đoàn thực thì nói thuộc về sắc, còn ba cách ăn kia thì nên nói thuộc về danh.

Hỏi: Với bốn cách ăn đó, nên nói là hữu kiến hay bảo là vô kiến?

Đáp: Nên nói là vô kiến.

Hỏi: Với bốn cách ăn đó, nên nói là hữu đối hay là vô đối?

Đáp: Với đoàn thực (ăn từng nắm) nên nói là hữu đối, còn ba thứ ăn kia thì nói là vô đối.

Hỏi: Với bốn cách ăn đó, nên nói là tâm hay chẳng phải tâm, nên nói là tâm sở hay chẳng phải tâm sở, nên nói là tâm tương ưng hay nói tâm chẳng phải tương ưng?

Đáp: Với đoàn thực nên nói là chẳng phải tâm, chẳng phải tâm sở, và tâm chẳng tương ưng. Còn ăn bằng cách xúc chạm và bằng ý nghĩ, nên nói là tâm sở và tâm tương ưng. Riêng ăn bằng thức biết thì nói đó là tâm.

Hỏi: Với bốn cách ăn đó, nên nói là thiện, bất thiện hay vô ký?

Đáp: Với đoàn thực nên nói là vô ký, còn ba cách ăn kia nên nói là thiện, hoặc bất thiện, hoặc là vô ký.

Hỏi: Thế nào là ăn bằng cách xúc chạm thiện?

Đáp: Nếu xúc chạm có pháp thiện hữu lậu làm điều kiện thì có thể giúp muôi lớn các căn và thêm nhiều ích lợi đối với thân tứ đại. Nơi nào cần thấm đượm thì đượm thấm, nơi nào cần làm cho tươi trẻ thì làm cho tươi trẻ, cần che chở, chuyển đổi, giữ gìn thì sẵn sàng che chở, chuyển đổi, và giữ gìn. Đó gọi là cách ăn xúc chạm thiện.

Hỏi: Thế nào là ăn bằng cách xúc chạm bất thiện?

Đáp: Nếu do xúc chạm bất thiện làm điều kiện thì từ đó có thể nuôi lớn các căn và thân tứ đại được nhiều lợi ích. Lại hay thấm nhuần những chỗ (những lúc) cần thấm nhuần…, cho đến chuyển đổi, giữ gìn v.v… thì đó gọi là cách ăn xúc chạm bất thiện.

Hỏi: Thế nào là ăn bằng cách xúc chạm vô ký?

Đáp: Nếu nhờ xúc chạm vô ký làm điều kiện, từ đó có thể nuôi lớn các căn thân tứ đại được thêm lợi ích, lại hay thấm đượm những chỗ, những chỗ cần được thấm đượm cho đến chuyển đổi, giữ gìn…, thì gọi là cách ăn xúc chạm vô ký.

Hỏi: Thế nào là cách ăn bằng ý tưởng nghĩ đến thiện?

Đáp: Nếu lúc đó có các pháp thiện hữu lậu tương ưng với ý nghĩ, nghĩ các việc đang xảy ra trước mắt, nghĩ những việc, những ý đã nghĩ qua, nghĩ đến các loại ý nghiệp tạo nên tâm ý đó. Đó gọi là cách ăn bằng ý tưởng nghĩ thiện.

Hỏi: Thế nào là cách ăn bằng ý tưởng nghĩ đến bất thiện?

Đáp: Nếu chạm việc bất thiện lại ứng hợp với các ý nghĩ lúc đó, mà nghĩ việc trước mắt v.v… cho đến nghĩ đến các ý nghiệp tạo ra nên tâm ý đó…, thì gọi đó là cách ăn bằng ý tưởng nghĩ đến bất thiện.

Hỏi: Thế nào là cách ăn bằng ý tưởng nghĩ đến vô ký?

Đáp: Nếu chạm việc vô ký ứng hợp với các ý nghĩ lúc đó…, cho đến nghĩ đến các ý nghiệp v.v… thì gọi là cách ăn bằng ý tưởng nghĩ đến vô ký.

Hỏi: Thế nào là cách ăn bằng thức biết thiện?

Đáp: Nếu có pháp thiện hữu lậu tương ưng với các tâm ý thức lúc đó, thì gọi là cách ăn bằng thức biết thiện.

Hỏi: Thế nào là cách ăn bằng thức biết bất thiện?

Đáp: Nếu ý nghĩ bất thiện tương ưng với các tâm ý thức lúc đó, thì gọi là ăn bằng thức biết bất thiện.

Hỏi: Thế nào là cách ăn bằng thức biết vô ký?

Đáp: Nếu ý nghĩ vô ký tương ưng với tâm ý thức lúc đó, thì gọi là ăn bằng thức biết vô ký.

Hỏi: Như thế, với bốn cách ăn đó, nên gọi là học hay vô học, hay gọi là phi học phi vô học.

Đáp: Nên nói phi học phi vô học.

Hỏi: Với bốn cách ăn đó, nên nói thuộc cõi Dục, cõi Sắc hay cõi Vô sắc?

Đáp: Về đoàn thực nên nói thuộc cõi Dục, còn ba cách ăn kia thì hoặc thuộc cõi Sắc hoặc cõi Vô sắc.

Hỏi: Các thức ăn đều là đoàn thực chăng?

Đáp: Chỉ các đoàn thực thì đều là ăn. Có những cái ăn nhưng không cần phải đoàn thực, tức ba cách ăn kia và thế tục (sống ở đời).

Hỏi: Các thức ăn đều là ăn bằng xúc chạm chăng?

Đáp: Xúc chạm đều là ăn, nhưng có thức ăn chẳng phải là ăn bằng xúc chạm. Tức là ba cách ăn kia và thế tục.

Hỏi: Các thức ăn đều là ăn bằng ý nghĩ chăng?

Đáp: Các ý nghĩ đều là ăn, nhưng có những thức ăn chẳng phải ăn

bằng ý nghĩ. Tức là ba cách ăn kia và thế tục.

Hỏi: Các thức ăn đều là ăn bằng thức chăng?

Đáp: Cách ăn của thức đều là ăn, nhưng có những thức ăn chẳng phải là ăn bằng thức. Tức là ba cách ăn khác kia và thế tục.

Hỏi: Các phần ăn từng nắm đều là ăn chăng?

Đáp: Nên quy thành bốn luận chứng:

1. Có những nắm từng phần ăn nhưng chẳng phải là ăn, là có các phần ăn nầy làm duyên đấy nhưng các căn hư hoại, ốm gầy, thân thể biến đổi hư hoại.

2. Lại có cách ăn nhưng chẳng cần phần ăn. Tức là ba cách ăn kia và thế tục.

3. Lại có phần ăn mà cũng là ăn, đó là các phần ăn nầy làm duyên khiến các căn tăng trưởng, thân thể đầy đủ thêm hơn, và có thể thấm đượm nơi cần thấm đượm, cho đến tùy sự giữ gìn v.v…

4. Lại còn có chẳng có phần ăn mà cũng chẳng phải ăn, tức là trừ tướng trước vừa kể.

Hỏi: Các thứ chạm xúc đều gọi là ăn chăng?

Đáp: Nên chia ra bốn luận chứng:

1. Là có chạm xúc mà chẳng có ăn, tức là có chạm xúc với pháp vô lậu và hữu lậu để làm duyên, nhưng các căn lại bị hao gầy, thân thể bị biến đổi hư hoại.

2. Lại có cách ăn mà chẳng cần phải chạm xúc, là khác với ba cách ăn kia và thế tục.

3. Lại có xúc chạm mà cũng là ăn, là có xúc chạm với hữu lậu để làm duyên, giúp các căn thêm lớn, thân thể đầy đủ ích lợi và lại có thể thấm đượm tùy nơi cần thấm đượm, cho đến giữ gìn tùy nơi cần giữ gìn v.v…

4. Lại có chẳng cần xúc chạm mà chẳng phải là ăn, tức là trừ ba tướng trước vừa kể.

Như cách ăn do xúc chạm có bốn thứ đó, cách ăn về ý nghĩ và về thức biết thì cũng như thế, nên biết.

Hỏi: Lại có khi nào do ăn làm điều kiện rồi sinh ra ăn, sinh ra chẳng phải ăn, hoặc sinh ra ăn nhưng chẳng phải ăn chăng?

Đáp: Có sinh ra.

Hỏi: Thế nào là do ăn làm duyên mà sinh ra ăn?

Đáp: Khi có phần ăn làm duyên thì sinh ra ba thứ ăn kia.

Hỏi: Thế nào là do ăn làm duyên mà sinh ra chẳng phải ăn?

Đáp: Do đoàn thực làm duyên mà sinh ra thọ, tưởng, tác ý v.v…

Hỏi: Thế nào là do ăn làm duyên mà sinh ra ăn nhưng chẳng phải ăn?

Đáp: Do đoàn thực làm duyên mà sinh ra ba thứ ăn kia và thọ, tưởng, tác ý v.v…

Hỏi: Lại có khi nào chẳng phải ăn làm duyên mà sinh ra chẳng phải ăn, sinh ra ăn, sinh ra ăn mà chẳng phải ăn chăng?

Đáp: Có sinh ra.

Hỏi: Thế nào là chẳng phải ăn làm duyên mà sinh ra chẳng phải ăn?

Đáp: Như mắt và sắc làm duyên thì sinh ra thọ, tưởng, tác ý v.v…

Hỏi: Thế nào là chẳng phải ăn làm duyên mà sinh ra ăn?

Đáp: Như mắt và sắc làm duyên mà sinh ra các cách ăn về chạm xúc, ý nghĩ và thức biết.

Hỏi: Thế nào là chẳng phải ăn làm duyên mà sinh ra ăn nhưng chẳng phải ăn?

Đáp: Như mắt và sắc làm duyên mà sinh ra các cách ăn về chạm xúc, ý nghĩ và thức biết cùng thọ, tưởng, tác ý v.v…

Hỏi: Lại có khi nào ăn, chẳng phải ăn làm duyên mà sinh ra chẳng phải ăn, sinh ra ăn, sinh ra ăn chẳng phải ăn chăng?

Đáp: Có sinh ra.

Hỏi: Thế nào là ăn, chẳng phải ăn làm duyên mà sinh ra chẳng phải ăn?

Đáp: Như mắt, sắc và nhãn thức làm duyên mà sinh ra các cách ăn về xúc chạm, ý nghĩ và thức biết cùng thọ, tưởng, tác ý v.v…

Hỏi: Thế nào là ăn, chẳng phải ăn làm duyên mà sinh ra ăn?

Đáp: Như mắt, sắc và nhãn thức làm duyên mà sinh ra các cách ăn về xúc chạm, ý nghĩ và thức biết.

Hỏi: Thế nào là ăn, chẳng phải ăn làm duyên mà sinh ra ăn chẳng phải ăn?

Đáp: Như mắt, sắc và nhãn thức làm duyên thì sinh ra thọ, tưởng, tác ý v.v…

Hỏi: Nếu đoàn thực (có phần ăn thực) đã dứt, đã biết khắp thì cách ăn bằng chạm xúc cũng như thế chăng?

Đáp: Nếu ăn bằng cách xúc chạm đã dứt, đã biết cách thì đoàn thực cũng thế. Có đoàn thực đã dứt, đã biết khắp mà chẳng phải là thức ăn xúc chạm, tức là chỉ mới lìa dục nhiễm, chưa lìa được thượng nhiễm. Như lấy đoàn thực đối chiếu với ăn bằng xúc chạm, đối chiếu với ăn bằng ý nghĩ và thức biết cũng như thế.

Hỏi: Nếu ăn bằng chạm xúc đã dứt, đã biết khắp thì ăn bằng ý nghĩ có như thế chăng?

Đáp: Có như thế. Nếu lấy cách ăn do chạm xúc mà đối chiếu với cách ăn bằng ý nghĩ thì đối với cách ăn bằng thức cũng như vậy.

Hỏi: Nếu ăn bằng ý nghĩ đã dứt, đã biết khắp thì cách ăn bằng thức cũng như thế chăng?

Đáp: Cũng như thế.

Hỏi: Nếu đối với sự ăn uống đã dứt, đã biết khắp, thì đó là lìa được cách nhiễm trước cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc chăng?

Đáp: Nếu đối với đoàn thực đã dứt, đã biết khắp, thì nó chỉ lìa nhiễm trước ở cõi Dục, chứ không phải ở cõi Sắc và Vô sắc. Còn như đối với cả ba cách ăn kia mà đã dứt, đã biết khắp, thì nó đã lìa được các nhiễm ở cõi Dục, Sắc và Vô sắc. Khi đó thì đối với tất cả, tất cả sự việc, tất cả mọi thứ, tất cả ngôi vị, tất cả chỗ, tất cả các ràng buộc kết chặt đều đã lìa nhiễm ô. Còn tất cả loài hữu tình đều phải nương vào hành mà sống.

Hỏi: Thế nào là hành mà nói là loài hữu tình phải nương vào hành mà sống?

Đáp: Nầy quý thầy Bí-sô nên biết, như Đức Thế Tôn đã nói: Nếu các loài hữu tình đối với thân thể mình, do tụ họp tạo nên, mà chẳng chết mất, chẳng hao mòn, chẳng bị phá vỡ, chẳng lỗi lầm, chẳng lui sụt…, thì đều là do đời sống (thọ) giữ cho thân xác (mạng căn) luôn liên tục nối tiếp mãi. Cuộc sống (thọ) nầy gọi là hành. Do cái hành đó mà cả loài hữu tình sống còn hoạt động được chính hành nầy đối với những việc cần che chở giữ gìn hay chuyển đổi thì nó sẽ tùy theo mà che chở giữ gìn chuyển đổi. Do đó nên nói tất cả các loài hữu tình đều nương nhờ hành mà sống.

Hỏi: Do điều kiện nào mà biết được các loài hữu tình đều nương vào hành mà trụ?

Đáp: Nghĩa là tất cả loài hữu tình đối với thân tụ họp nầy, khi nào cuộc sống của hành còn đầy đủ là nguyên nhân chính để có suy nghĩ, làm việc, nói năng, hoạt động, sống còn và các sự chuyển biến khác nhau. Còn như các loài hữu tình đó đối với thân tụ hợp nầy khi nào cuộc sống của hành đã thiếu vắng là nguyên nhân chính khiến các suy nghĩ nói năng hoạt động sống còn kia đều phải chết chóc tan nát rụi tàn và chuyển biến đổi khác. Do đó nên biết các loài hữu tình đều phải nương nhờ vào hành mà sống còn.

Hỏi: Như thế mạng sống phải nói là hữu vi hay vô vi?

Đáp: Nên nói là hữu vi.

Hỏi: Với mạng sống nên nói là thường hay vô thường?

Đáp: Nên nói là vô thường.

Hỏi: Như thế mạng sống đó nên nói là còn mãi lâu dài hay chẳng còn mãi lâu dài?

Đáp: Nên nói là chẳng còn mãi lâu dài.

Hỏi: Như thế mạng sống đó nên nói là biến đổi hay chẳng biến đổi?

Đáp: Nên nói là biến đổi.

Hỏi: Như thế mạng sống đó nên nói là do duyên sinh hay chẳng phải do duyên sinh ra?

Đáp: Nên nói là do duyên sinh ra.

Hỏi: Như thế mạng sống đó nên nói thuộc về sắc hay thuộc về danh?

Đáp: Nên nói thuộc về danh.

Hỏi: Như thế mạng sống nên nói là có thấy hay chẳng thấy?

Đáp: Nên nói không thấy.

Hỏi: Như thế mạng sống nên nói là có đối hay không có đối?

Đáp: Nên nói không đối.

Hỏi: Như thế mạng sống nên nói là tâm hay chẳng phải tâm, nên nói là tâm sở hay chẳng phải tâm sở, nên nói là tâm tương ưng hay tâm chẳng tương ưng?

Đáp: Nên nói là chẳng phải tâm, chẳng phải tâm sở, và tâm chẳng tương ưng.

Hỏi: Như thế mạng sống đó nên nói là thiện, bất thiện hay vô ký?

Đáp: Nên nói là vô ký.

Hỏi: Như thế mạng sống đó nên nói là hữu lậu hay vô lậu?

Đáp: Nên nói là hữu lậu.

Hỏi: Như thế mạng sống đó nên nói là học hay vô học?

Đáp: Nên nói là chẳng phải là học cũng chẳng phải là vô học.

Hỏi: Như thế mạng sống đó nên nói thuộc cõi Dục, cõi Sắc, hay cõi Vô sắc?

Đáp: Nên nói là thuộc cõi Dục, hoặc thuộc cõi Sắc, hoặc thuộc cõi Vô sắc.

Vì sao nói là thuộc cõi Dục? Vì đó là mạng sống ở cõi Dục.

Vì sao nói là thuộc cõi Sắc? Vì đó là mạng sống ở cõi Sắc.

Vì sao nói là thuộc cõi Vô sắc? Vì đó là mạng sống ở cõi Vô sắc.

Hỏi: Nếu mạng sống ở cõi Dục đã dứt, đã biết khắp, thì mạng sống ở cõi Sắc cũng như thế chăng?

Đáp: Nếu mạng sống ở cõi Sắc đã dứt, đã biết khắp, thì mạng sống ở cõi Dục cũng thế. Có mạng sống ở cõi Dục đã dứt, đã biết khắp thì chẳng phải là mạng sống ở cõi Sắc. Nghĩa là đã lìa được cái nhiễm ở cõi Dục, nhưng chưa lìa được cái nhiễm của cõi Sắc.

Hỏi: Nếu mạng sống ở cõi Dục đã dứt, đã biết khắp, thì mạng sống ở cõi Vô sắc cũng như thế chăng?

Đáp: Nếu mạng sống ở cõi Vô sắc đã dứt, đã biết khắp thì mạng sống ở cõi Dục cũng như thế. Có mạng sống ở cõi Dục đã dứt, đã biết khắp thì chẳng phải là mạng sống ở cõi Vô sắc. Nghĩa là đã lìa nhiễm cõi Dục, nhưng chưa lìa được nhiễm cõi Vô sắc.

Hỏi: Nếu mạng sống ở cõi Sắc đã dứt đã biết khắp thì mạng sống cõi Vô sắc cũng như thế chăng?

Đáp: Nếu mạng sống ở cõi Vô sắc đã dứt đã biết khắp, thì mạng sống ở cõi Sắc cũng như thế. Có mạng sống ở cõi Sắc đã dứt đã biết khắp thì chẳng phải là mạng sống ở cõi Vô sắc. Nghĩa là đã lìa nhiễm cõi Sắc, nhưng chưa lìa được nhiễm cõi Vô sắc.

Hỏi: Nếu đối với mạng sống đã dứt, đã biết khắp, thì nó có lìa được các nhiễm của cả ba cõi Dục, cõi Sắc và Vô sắc chăng?

Đáp: Nếu mạng sống ở cõi Dục đã dứt, đã biết khắp, thì nó đã lìa nhiễm ở cõi Dục, chẳng phải ở cõi Sắc và Vô sắc. Nếu mạng sống ở cõi Sắc đã dứt, đã biết khắp, thì nó chỉ mới lìa nhiễm ở cõi Dục, Sắc, chứ không phải ở cõi Vô sắc. Còn nếu mạng sống ở cõi Vô sắc đã dứt, đã biết khắp thì khi ấy nó đã lìa hết các nhiễm của cả ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc. Bấy giờ, đối với tất cả, tất cả sự việc, tất cả mọi thứ, tất cả ngôi vị, tất cả chỗ, tất cả sự ràng buộc, kết chặt đều được lìa tất cả ô nhiễm.

Đối với tất cả pháp thiện không có buông lung. Thế nào là buông lung?

Đáp: Nếu đoạn dứt các pháp bất thiện, thực hiện đầy đủ các pháp thiện, luôn luôn luyện tập trau giồi, lúc nào cũng tu trì, luôn thực hiện các việc một cách bền bỉ, lâu dài mãi mãi, tu trì nhiều lần nhiều ngày không bao giờ ngưng nghỉ. Đó gọi là chẳng buông lung hay là bất phóng dật.