KINH TRÌ TÂM PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Tây tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 2: BỐN PHÁP

Bấy giờ, Phạm thiên Trì Tâm nói kệ tán thán Phật xong, liền quỳ gối chắp tay bạch Phật:

-Thế nào là chí nguyện kiên cường, không hề nhàm chán của Bồ-tát?

Thế nào là lời nói nhu hòa, từ tốn không phiền não của Bồ-tát? Thế nào là cội gốc công đức đã tạo của Bồ-tát vượt trên các chúng sinh?

Thế nào là oai nghi đĩnh đạc không thô tháo của Bồ-tát?

Thế nào là pháp thanh tịnh được lợi ích lớn của Bồ-tát?

Thế nào là tự tại đi đến các cõi của Bồ-tát?

Thế nào là sự thực hành phương tiện thiện xảo đối với chúng sinh của Bồ-tát?

Bồ-tát giáo hóa khắp tất cả các loài như thế nào?

Bồ-tát có thể giữ gìn tâm đạo như thế nào?

Bồ-tát không làm cho tâm chúng sinh tán loạn như thế nào? Bồ-tát tìm cầu căn lành nơi ý nghĩa của pháp như thế nào? Bồ-tát hiểu rõ ý niệm, không bỏ lòng tin như thế nào?

Bồ-tát diệt trừ các phiền não như thế nào?

Bồ-tát thực hành phương tiện thiện xảo trong chúng hội như thế nào?

Bồ-tát giảng nói rõ ràng và ban bố chánh pháp rộng rãi như thế nào?

Bồ-tát biết được diệu lực báo ứng và không làm mất nguồn gốc công đức như thế nào?

Thế nào là Bồ-tát hiểu rõ nơi chúng sinh tu tập trí tuệ bất khởi và sáu pháp Ba-la-mật?

Thế nào là Bồ-tát thông đạt phương tiện để tu tập thiền định? Thế nào là Bồ-tát không thoái chuyển đốì với pháp Phật?

Thế nào là Bồ-tát chưa từng nghi ngờ đối với lời Phật dạy?

Đức Phật bảo Phạm thiên Trì Tâm:

-Lành thay, lành thay! Chính ông mới có thể thưa hỏi Đức Như Lai những ý nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ.

-Lành thay, bạch Thế Tôn! Con xin dốc sức lãnh hội.

Phạm thiên Trì Tâm vâng lời Đức Phật rồi lắng nghe.

Đức Phật bảo Phạm thiên Trì Tâm:

-Có bốn pháp làm cho chí nguyện của Bồ-tát kiên cường, không hề nhàm chán. Bốn pháp ấy là gì?

  1. Thương xót chúng sinh.
  2. Tinh tấn không biết mỏi mệt.
  3. Biết tất cả đều như mộng.
  4. Đạt trí tuệ bình đẳng của Phật.

Lại có bốn việc để nói lời nhu hòa, từ tốn không tạo phiền não. Bốn việc ấy là gì?

  1. Bồ-tát nhất tâm vì một người nên hiểu rõ về các pháp.
  2. Bồ-tát nhất tâm nên không ưa thích tất cả các cõi.
  3. Bồ-tát nhất tâm khen ngợi pháp Đại thừa.
  4. Bồ-tát nhất tâm giảng nói các pháp thanh tịnh không làm mất nghiệp thanh tịnh.

Lại có bốn việc làm cho công đức đã tạo vượt trên các chúng sinh. Bốn việc ấy là gì?

  1. Phụng trì giới cấm.
  2. Học rộng nghe nhiều.
  3. Bố thí.
  4. Lìa bỏ thế tục.

Lại có bốn việc để làm cho oai nghi đĩnh đạc không thô tháo. Bốn việc ấy là gì?

  1. Không cầu lợi dưỡng.
  2. Không cầu danh dự.
  3. Không cầu tiếng khen.
  4. Không có khổ đau.

Lại có bốn việc làm cho nguồn sốc công đức của pháp thanh tịnh được lợi ích lớn. Những gì là bốn?

  1. Có đầy đủ lòng tin, giáo hóa người khác.
  2. Nếu có bố thí thì không mong đền đáp.
  3. Giữ gìn chánh pháp.
  4. Giảng nói rộng rãi về trí tuệ cho hàng Bồ-tát.

Lại có bốn việc để Bồ-tát tự tại đi đến các cõi. Bốn việc ấy là gì?

  1. Phát khởi nguồn gốc công đức.
  2. Từ bỏ các lỗi lầm.
  3. Hiểu rõ và giúp đỡ.
  4. Ân cần tinh tấn.

Lại có bốn việc để Bồ-tát thực hành phương tiện thiện xảo đối với chúng sinh. Bốn việc ấy là gì?

  1. Thuận theo chúng sinh.
  2. Khuyến khích người khác tạo nguồn gốc công đức.
  3. Hối hận về những lỗi lầm đã làm.
  4. Giảng nói Phật pháp.

Lại có bốn việc để giáo hóa rộng rãi khắp tất cả các loài. Những gì là bốn?

  1. Thương xót người và vật.
  2. Tu tập khiến cho mình được an ổn.
  3. Nhẫn nhục an vui.
  4. Khiêm nhường không kiêu mạn.

Lại có bốn việc để có thể giữ gìn tâm Bồ-đề. Những gì là bốn?

  1. Tâm ý luôn nhớ nghĩ đến tất cả các công đức của Phật.
  2. Đạt được tâm Bồ-đề.
  3. Gần gũi bạn lành.
  4. Thưa hỏi pháp Đại thừa.

Lại có bốn việc để chuyên tâm không tán loạn đối với chúng sinh. Những gì là bốn?

  1. Không phát tâm theo hàng Thanh văn.
  2. Hoặc là tâm của hàng Duyên giác.
  3. Cầu pháp không nhàm chán.
  4. Giảng nói lại giáo pháp đã nghe cho người khác.

Lại có bốn việc đề tìm cầu nguồn gốc căn lành nơi ý nghĩa của giáo pháp. Những gì là bốn?

  1. Diệt trừ tất cả các bệnh phiền não giống như vị thầy thuốc.
  2. Thuận theo nguồn gốc công đức không hề chông trái hay bỏ mất.
  3. Nghĩ về đạo để diệt trừ tất cả các khổ của chúng sinh.
  4. Đạt đến Niết-bàn.

Lại có bốn việc để hiểu rõ ý niệm không bỏ lòng tin. Những gì là bốn?

  1. Dấy khởi nhẫn vô sinh.
  2. Vượt trên nhẫn bất diệt.
  3. Nhẫn nhân duyên, nhẫn vô sở trụ.
  4. Làm mọi việc mà tâm không hề tán loạn.

Lại có bốn việc để chế ngự, chuyển hóa các thứ phiền não nơi trần cảnh. Những gì là bốn?

  1. Suy nghĩ những điều thuận theo giáo pháp.
  2. Giữ gìn giới cấm.
  3. Hiểu rõ về năng lực của các pháp.
  4. Thích ở nơi an ổn.

Lại có bốn việc để thể hiện các phương tiện thiện xảo trong chúng hội. Những gì là bốn?

  1. Hiểu rõ ý nghĩa của các pháp.
  2. Không tìm tòi lỗi lầm của người khác.
  3. Luôn cung kính không hề kiêu mạn.
  4. Mong cầu công đức, không phải vì cầu lợi cho mình mà bố thí khuyến khích mọi người tạo nguồn gốc công đức.

Lại có bốn việc để giảng nói rõ ràng và ban bố chánh pháp rộng khắp. Bốn việc ấy là gì?

  1. Luôn hộ trì chánh pháp.
  2. Làm cho mình và người khác đạt được trí tuệ.
  3. Tu tập theo hạnh nguyện của Bồ-tát.
  4. Thị hiện các kết sử, sân hận, phiền não để giáo hóa.

Lại có bốn việc để biết được diệu lực của báo ứng và không làm mất nguồn gốc công đức. Những gì là bốn?

  1. Không hề thấy xét về lỗi lầm của người khác.
  2. Thực hành lòng Từ, diệt trừ tâm sân hận.
  3. Giảng nói về nghiệp báo.
  4. Đối với các pháp thường nhớ nghĩ về tâm Bồ-đề.

Lại có bốn việc để hiểu rõ nơi chúng sinh dùng trí tuệ vô sinh tu tập sáu pháp Ba-la-mật. Những gì là bốn?

  1. Luôn xem việc bố thí giống như bạn bè thân thiết.
  2. Giáo hóa mọi người, hiểu rõ bốn ân để chỉ dạy cho chúng sinh.
  3. Ưa thích pháp sâu xa.
  4. Thuận theo kinh điển.

Lại có bốn việc để thông đạt phương tiện tu tập thiền định. Những gì là bốn?

  1. Hiểu rõ về tâm và nơi hướng đến của tội, phước.
  2. Siêng năng tạo nguồn gốc công đức.
  3. Không xa lìa chúng sinh.
  4. Tu tập về trí tuệ phương tiện.

Lại có bốn việc để không thoái chuyển đốì với Phật pháp. Những gì là bốn?

  1. Cứu giúp vô lượng hoạn nạn trong sinh tử của chúng sinh.
  2. Cúng dường và phụng sự vô số chư Phật.
  3. Luôn tu tập theo vô lượng tâm Từ.
  4. Hiểu rõ trí tuệ của chư Phật là không có giới hạn.

Lại có bốn việc làm cho Bồ-tát chưa từng nghi ngờ đốì với lời Phật dạy. Những gì là bốn?

  1. Không phân biệt về trí tuệ.
  2. Lời nói luôn đi đôi với việc làm.
  3. Trừ bỏ tham lam.
  4. Kiến lập điều gì cũng nương nơi bản tánh.

Khi Đức Phật giảng nói về bốn sự việc này xong thì có vô số chư Thiên bằng số cát nơi hai sông Hằng đều phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, năm ngàn người đạt được pháp Nhẫn vô sinh. Các vị Bồ-tát ấy đều từ vô số cõi Phật vân tập đến với chúng hội để cúng dường Đức Thế Tôn và chư Phật trong tam thiên đại thiên thế giới, cúng dườnơg tung rải đầy khắp mọi nơi chốn.