PHỤ TỬ HỢP TẬP KINH
(KINH CHA CON GẶP NHAU)
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Nhật Xưng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 1: VUA TỊNH PHẠN MỚI PHÁT LÒNG TIN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá-vệ thuyết pháp giáo hóa đã xong, rồi đến nước Ca-tỳ-la và đang ở trong rừng Ni-câu-luật-đà, cách thành không xa, cùng với đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là A-la-hán, đã tận các lậu, không còn phiền não, tâm thiện giải thoát, tuệ thiện giải thoát, như đại long vương, việc làm đã xong, trút bỏ gánh nặng, hoàn tất việc lợi mình, dứt sạch các hữu kết, tâm được tự tại, có khả năng vượt qua bờ bên kia rốt ráo tối thượng. Tên của các vị là A-nhã Kiều-trần-như, Ma-ha Ca-diếp, Ưulâu-tần-loa Ca-diếp, Già-da Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp, Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, các vị đều là đại A-la-hán được nhiều người biết.

Lại còn có các chủng loại sai biệt bỏ tà quy chánh, ngoại đạo Ni-kiền tử, Sa-môn, Bà-la-môn, vô số chúng hội đều đến tập hợp. Đó là: Điều phục điều phục chúng, Tịch tĩnh tịch tĩnh chúng, Thiện siêu bỉ ngạn, Thiện siêu bỉ ngạn chúng; Thiện trụ an ổn, Thiện trụ an ổn chúng; Xuất ly phiền não, Xuất ly phiền não chúng; Năng ly tội ác, Năng ly tội ác chúng; Tốt trừ tội cấu, Tẩy trừ tội cấu chúng; Thiện siêu tam hữu thiện, Siêu tam hữu chúng; Viễn ly ngũ trần, Viễn ly ngũ trần chúng; Ly chư chướng ngại, Ly chư chướng ngại chúng; Thanh tịnh ý lạc, Thanh tịnh ý lạc chúng; Cụ túc chư căn, Cụ túc chư căn chúng; Vi thuận giải thoát, Vi thuận giải thoát chúng; Thiện hộ tự thân, Thiện hộ tự thân chúng; Cụ chư chánh niệm, Cụ chư chánh niệm chúng; Cụ tứ thần túc, Cụ tứ thần túc chúng; Lạc thuyết minh ký, Lạc thuyết minh ký chúng; Minh liễu duyên đế, Minh liễu duyên đế chúng; Thiện tịch chư căn, Thiện tịch chư căn chúng; Tín giải quyết định, Tín giải quyết định chúng; Lạc cầu nghĩa lợi, Lạc cầu nghĩa lợi chúng; Quán sát vô ngã, Quán sát vô ngã chúng; Ly chư phân biệt, Ly chư phân biệt chúng; Đoạn trừ nghi hoặc, Đoạn trừ nghi hoặc chúng; Thân hành khinh an, Thân hành khinh an chúng; Tự tại ái lạc, Tự tại ái lạc chúng; Tâm thiện giải thoát, Tâm thiện giải thoát chúng, Tuệ thiện giải thoát, Tuệ thiện giải thoát chúng; Trụ Thánh chủng tộc, Trụ Thánh chủng tộc chúng.

Các chúng hội như vậy thân ý thư thái, vui được thiện lợi, tất cả đều cùng với đồ chúng quyến thuộc đến chỗ Phật, như cây Bátla-xa to lớn, nhánh lá sum suê, phát triển đều đặn, đứng yên sừng sững.

Đầu đêm hôm ấy, Đức Thế Tôn ngồi giữa đất trống, im lặng không động, tất cả đại chúng cung kính vây quanh. Đồng thời, Đức Thế Tôn quán sát chúng hội Tỳ-kheo rồi hỏi:

–Vị nào kham nhẫn đến giáo hóa vua Tịnh Phạn, khuyến khích hướng dẫn phát sinh lòng tin thanh tịnh?

Đức Phật vừa hỏi xong, Tôn giả Kiều-trần-như từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai áo bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay đảnh lễ thưa:

–Thưa Thế Tôn! Con xin nguyện đi.

Đức Phật dạy:

–Này Kiều-trần-như! Ông là bậc Thượng thủ trong chúng Thanh văn, hiểu rõ đế nghĩa, danh xưng to lớn, tất cả chúng sinh tôn trọng phụng sự như thầy. Thôi đi, chớ nói như vậy, việc này không phải cần đến ông.

Lúc đó trong hội, bốn Đại Ca-diếp và Xá-lợi-phất, Mục-kiềnliên đều đảnh lễ thưa:

–Thưa Thế Tôn! Con có thể đến giáo hóa Tịnh Phạn Thánh vương.

Nhưng Phật đều không chấp nhận như trước. Sau khi Đức Phật không chấp nhận, Mục-kiền-liên liền nghĩ: “Không biết hôm nay Đức Như Lai sai ai đến chỗ phụ vương.” Nghĩ rồi liền nhập định quán thấy Tâm Quang Như Lai muốn nhìn thẳng đến Ưu-đà-di, như mặt trời chiếu xuyên qua lầu gác, từ tường phía Đông chiếu thẳng đến vách phía Tây.

Thấy vậy, Mục-kiền-liên liền xả định, đến chỗ Tôn giả Ưu-đàdi nói:

–Đức Thế Tôn sẽ sai Tôn giả đến giáo hóa phụ vương, cho nên tôi đến báo cho Tôn giả biết.

Ưu-đà-di nói:

–Nếu Đức Thế Tôn dạy thế thì tôi xin vâng lệnh.

Mục-kiền-liên nói:

–Tôn giả đến đó việc này rất khó, vậy nên xét kỹ lại để sau khỏi phải hối hận. Vì sao? Vì vua là dòng Sát-đế-lợi, có làm lễ quán đảnh, oai đức tôn nghiêm, tánh không sai phạm. Vậy làm sao để hướng dẫn, đối đáp thế nào, huống nữa là giáo hóa phát sinh lòng tin. Ví như người nọ sai trăm người trải qua nhiều năm mang vác củi khô chất thành đống lơn, rồi châm lửa đốt, lửa bốc lên cao, rồi lại dùng dầu tô đổ thêm lên trên. Lúc đó, có người đi trên đống lửa đang cháy đó mà không bị tổn hại. Lại như có người muốn lấy ngà ở nơi miệng của một con voi hung dữ. Nên biết, người này nhất định bị tổn hại. Nay Tôn giả muốn đến giáo hóa Tịnh Phạn Thánh vương, việc này cũng rất khó như vậy. Tôi nay chỉ nêu một vài ví dụ nhỏ, để khi gặp việc biết cách lo liệu cho được ý an ổn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn cho gọi Tôn giả Ưu-đà-di đến bảo:

–Trong chúng Thanh văn đệ tử của ta, ông là người dòng họ Thích, đầy đủ biện tài, khéo nói pháp yếu, vậy nay ông có thể đến giáo hóa Tịnh Phạn phụ vương khéo dùng phương tiện khai phát đạo tâm.

Ưu-đà-di vâng lời Đức Phật dạy bạch:

–Bạch Thế Tôn! Con sẽ đi đến đó. Cúi xin Đại Từ chớ có lo. Giả sử phụ vương thấy con mà nổi giận thì mong nhờ từ quang cứu hộ.

Lúc đó, Đức Thế Tôn vì Ưu-đà-di mà nói kệ rằng:

Lành thay, Ưu-đà-di
Nay lắng nghe ta nói
Ông đầy đủ biện tài
Là thượng thủ trong chúng.
Dòng Thích Tịnh Phạn vương
Thấy ắt sinh vui thích
Thế nên ông nên đi
Mau khiến vua phát tâm.
Nếu giáo hóa phụ vương
Phát sinh ý thanh tịnh
Chư Thiên và thế nhân
Đều tăng trưởng thiện lợi.
An nhàn không tu thiện
Như bờ sắp bị lở
Ở ngay trong đời này
Trừ ngã mạn nghi hoặc,
Sát-na được giàu có
Cùng phóng dật nhiễu trước
Như khách lữ không của
Suy nghĩ thêm khổ não.
Ở cung điện tối thắng
Thọ dục lạc quá lắm
Phật dạy không hiểu biết
Hết vui sinh buồn khổ.
Đủ bốn thứ binh chúng
Bảy báu các quyến thuộc
Tùy ý mà tự do
Hết vui sinh bi não.
Có Dạ-xoa quỷ thần
Ăn tinh khí chúng sinh
Khiến người nhiễm các bệnh
Sao không hộ thân này.
Tích tập các trân báu
Như núi Kế-la-bà
Bị ngu si trói buộc
Không thể tự quán sát.
Do ngu si che tâm
Không hiểu rõ thiện pháp
Như người ở trong mộng
Làm sao có tri giác.
Phàm phu mất tuệ sáng
Nhất định bị lo sợ
Ví như đi đường xa
Mà không có bạn bè.
Thế nên, Ưu-đà-di
Nên dùng thiện phương tiện
Khiến vua dừng tín tràng
Xô ngã mạn cống cao.
Người khác không thiện xảo
Trợ giúp khiến phát tâm
Ông đầy đủ biện tài
Chỉ rõ khổ ba cõi.
Ta nhớ kiếp quá khứ
Có vua hiện ở đời
Danh tiếng vang mười phương
Tên là Chân Thật Tụ
Đem thiện pháp trị đời
Cảnh giới rong vô cùng
Đủ ức vạn muôn ngàn
Thần dân đều quy phụng,
Các tụ lạc thành ấp
Đầy đủ các hoa quả
Đất chỉ mọc cỏ mềm
Không ngói gạch gai gốc
Suối chảy và cây rừng
Vây quanh khắp mọi nơi
Trăm ngàn Càn-thát-bà
Tấu lên các âm nhạc,
Hiền thánh tập hợp lại
Dân, vật đều sung túc
Có nhiều chúng Tỳ-kheo
Nương tựa trì tịnh giới.
Lại có các ngoại đạo
Đại tiên, đại trí giả
Số ấy đến trăm ngàn
Rời bỏ tu khổ hạnh,
Đều sinh kiến chân thật
Tin thọ chánh pháp Phật
Lo sợ ba đường ác
Mong được sinh Thiên giới.
Vua ấy có thái tử
Tên là Kiên Cố Tuệ
Từng gặp Phật quá khứ
Đã trồng đức căn bản
Trong trăm ngàn muôn ức
Nhân dân đều thân cận
Quán lỗi lầm năm dục
Tâm thường sinh nhàm chán.
Thấy chỗ của vua ở
Như Thiên cung điện kia
Hậu, phi tranh vây quanh
Thọ dục lạc vô cực,
Khi ấy, Kiên Cố Tuệ
Liền tâu với vua rằng
Con nay rất thành tâm
Thệ cầu đạo Vô thượng,
Đối thể nữ quyến thuộc
Đều không sinh ham thích
Thiếu niên đắm trước dục
Hết vui khổ lại đến,
Như Đại tiên thuở xưa
Nghỉ ở tại hang núi
Không màng đến năm dục
Lấy tịch tĩnh làm vui
Vua bảo Kiên Cố Tuệ
Chớ nói lời như vậy
Nếu không thọ dục lạc
Sao gọi là con ta!
Có đất nước giàu sang
Khác gì Đa Văn thiên
Các lầu gác cung điện
Trang nghiêm bằng các báu,
Trăm ngàn thứ kỹ nhạc
Luôn sẵn sàng túc trực
Đủ sắc tướng tối thượng
Không khác gì Thiên nữ,
Diện mạo đều tròn đầy
Môi đỏ răng bằng khít
Trán rộng lại bằng thẳng
Mắt tợ hoa sen xanh,
Hình nghi đều đoan chánh
Da sạch như kha tuyết
Diễn xuất điệu ca múa
Làm vui thích lẫn nhau,
Niên thiếu sắc trắng đẹp
Như hoa tươi trên cành
Con nên ở nơi đây
Chớ bỏ sự giàu sang,
Ta thành thật bảo con
Không chê cũng không khen
Thái tử khéo hiểu biết
Vương vị không gì bằng.
Ta nghe lời ấy rồi
Rất khó cầu xuất ly
Đối cảnh ngũ dục kia
Không trước như giấc mộng.
Lại thưa với vua rằng
Tự nhớ đời vô thỉ
Bị dục nhận chìm đắm
Vui tình không xấu hổ,
Cũng như gã mù kia
Tự bỏ đường bằng thẳng
Đi vào đường nguy hiểm
Nương ai để cứu giúp,
Không hiểu rõ về dục
Do đâu thoát trói khổ
Nên xa lìa đường hiểm
Tâm này không điên đảo,
Nên lìa xa các dục
An ổn trừ lỗi lầm
Nên biết người trước dục
Như mù không thấy gì
Cảnh dục như thác mạnh
Chảy xiết khó phòng hộ
Có người trí sáng suốt
Nên sinh tâm chán sợ,
Dục là nhân các khổ
Tổn hại hơn rắn độc
Cùng đao, trượng, thuốc độc
Và lửa dữ thiêu đốt.
Vương tử Tuệ Kiên Cố
Rơi lệ tâu phụ vương
Chí con muốn rừng núi
Lìa dục cầu giải thoát,
Thân này thật đáng chán
Già bệnh khổ trói buộc
Không can ngôi vua báu
Mong cha cho xuất gia.
Khi ấy trong dòng vua
Đồng tử tên Nguyệt Thí
Thấy thái tử xuất gia
Cũng theo tu phạm hạnh.
Thái tử xuất gia rồi
Đủ dũng mãnh tinh tấn
Được năm thứ thần thông
Khéo tu bốn Vô lượng.
Nhân Trung Thích Sư Tử
Nói pháp không sợ gì
Giáo hóa các chúng sinh
Đều khiến vào Phật đạo.
Đồng tử Nguyệt Thí kia
Dùng phương tiện thiện xảo
Chỉ lỗi lầm năm dục
Khiến vua phát đạo tâm.
Ưu-đà-di nên biết
Kiên Cố Tuệ thuở xưa
Ý ông nghĩ thế nào
Nay chính là ta đây.
Còn đồng tử Nguyệt Thí
Ưa tu hạnh chân thật
Cùng ở trong dòng Thích
Nay chính là ông đấy.
Vì thế Ưu-đà-di
Ông nay nên đến đó
Khuyên phụ vương phát tâm
Tăng trưởng các thiện lợi.

Nghe Đức Thế Tôn nói kệ rồi, Tôn giả Ưu-đà-di vâng lời Đức Phật dạy, đảnh lễ cáo lui.

Sáng sớm hôm sau, Ưu-đà-di ôm bình bát đi đến thành Ca-tỳ-la, vào cung vua, thấy trăm ngàn hoàng tộc dòng ho Thích tập hợp lại một chỗ.

Trong chúng ấy có một người tên là Nguyệt Diện là bạn tri thức trước kia của Ưu-đà-di. Từ xa trông thấy Tôn giả nên liền đến thưa hỏi:

–Vì duyên gì ngài đến đây?

Ưu-đà-di đáp:

–Nay tôi ở chỗ Thế Tôn trong rừng Ni-câu-luật-đà vội vã đến đây. Vâng lời Đức Phật dạy đến giáo hóa Tịnh Phạn phụ vương khai phát lòng tin thanh tịnh.

Nguyệt Diện nghe rồi nói:

–Nếu xưa kia thái tử không xuất gia thì nay nhất định làm Chuyển luân thánh vương, đem mười điều thiện giáo hóa cai trị làm vua bốn Thiên hạ, có bảy báu tự nhiên xuất hiện như: Luân báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, binh báu, chủ tạng thần báu, lại còn có ngàn con vây quanh, tất cả nhân dân cung kính tôn trọng. Nay đã xuất gia, chí thích vắng lặng, mất đi sự nghiệp giàu sang phú quý to lớn như vậy. Sở dĩ hôm nay chúng tôi tập hơp như thế là để bàn về việc này đây.

Nói chuyện chưa xong thì vua Tịnh Phạn cho triệu tập dòng họ Thích đến trước sân bảo:

–Các khanh nên biết! Thái tử Tất-đạt bỏ cả ngôi vua khoái lạc vi diệu tối thượng, thích ở rừng hoang, thật là một việc sai lầm. Từ nay trở đi, các khanh không được đến chỗ ấy cung kính cúng dường, nếu ai trái phạm thì sẽ đánh phạt.

Lúc đó, có người dòng họ Thích tên là Thiện Ngộ thông minh sáng suốt nhiều thiện xảo, đi ra cửa cũng gặp Ưu-đà-di và đưa đến chỗ vắng mới dám thăm hỏi:

–Thưa Tôn giả! Đức Thế Tôn đạo sư đi đứng nhẹ nhàng thư thái an ổn khoái lạc, bốn đại điều hòa, ít bệnh, ít não, hóa độ chúng sinh không biết mệt mỏi chứ?

Lại có người dòng họ Thích tên là Vô Ưu. Lại có người dòng họ Thích tên là Ly Ưu đến chỗ Tôn giả thăm hỏi Thế Tôn cũng như người trước:

–Chúng tôi đều muốn đến chỗ Thế Tôn, nhưng vừa nhận Thánh chỉ, các dòng họ Thích không được đến thân cận cúng dường Thế Tôn, nếu ai trái phạm nhất định trị phạt. Vì sợ sắc lệnh nghiêm khắc, nên không ai dám đến đó.

Nghe nói như vậy, Ưu-đà-di suy nghĩ: “Tại sao ý của vua Tịnh Phạn như vậy? Như Lai tuệ nhật xuất hiện thế gian làm nhiều việc lợi ích cho tất cả chúng sinh. Tất cả nhân dân, bốn Đại Thiên vương, Đế Thích Thiên chủ, Phạm Thiên vương tranh nhau cúng dường chưa bỏ trống ngày nào. Vậy nay ta nên cầu kiến Tịnh Phạn phụ vương để trình bày việc trên.” Nghĩ vậy rồi liền nhập định quán, biết được vua Tịnh Phạn tín căn thành thục, nhất định giáo hóa được. Lúc đó, Tôn giả Ưu-đà-di kiểm thúc các oai nghi, ngồi kiết già bay lên hư không cao bằng bảy cây Đa-la, hiện đủ mọi thần thông biến hóa. Vua Tịnh Phạn từ xa trông thấy Tôn giả đi trên hư không, tâm sinh hoan hỷ, chắp tay chiêm ngưỡng nói kệ rằng:

Hy hữu thành tựu hạnh thù thắng
Hiện các thần biến đủ oai nghi
Nương không đến đây có duyên gì
Cúi xin Tôn giả cứ nói ra.
Khi ấy Tôn giả Ưu-đà-di dùng kệ đáp:
Tôi là con của Thánh vương tử
Nương vào chánh pháp của Như Lai
Xin vua mau phát tâm tịnh tín
Đối thắng phước điền khởi cúng dường.
Thái tử bỏ nước, thành Phật đạo
Đầy đủ tốt đẹp danh tiếng lớn
Thân quang thường chiếu khắp thế gian
Trí quang hay phá các si ám,
Như mặt trời sáng xua tan mây
Không trung phóng ra ánh sáng lớn
Trí quang Long tử cũng như vậy
Thường hay chiếu sáng khắp ba cõi,
Như mặt trời tròn sáng rực rỡ
Che khuất ánh sáng các vì sao
Trí sáng Long tử cũng như vậy
Nhiếp phục tất cả các ngoại đạo.
Lại như Sư tử rống hang sâu
Muông thú nghe rồi đều bỏ chạy
Long tử tuyên dương Diệu pháp âm
Bẻ gãy dị luận khiến khai giải.
Ngoại tiên khổ hạnh trí tà vọng
Không thể hiểu được trí vô ngã
Lưu chuyển luân hồi trong ba cõi
Do không thắng tuệ mê chân đế.
Tất cả hữu tình ở thế gian
Mù không mắt tuệ khó thoát ra
Như Lai khai phát trí chiếu sáng
Phá màn vô minh từ vô thỉ.
Thiện ác hai đường thật rõ ràng
Một là bằng phẳng, một hiểm trở
Như Lai khéo chỉ người mê ấy
Cứu người thoát khỏi sự chìm đắm
Ví như mây mang các hơi nước
Mưa khắp đại địa không cao thấp
Phật thí pháp vũ cũng như vậy
Tăng trưởng mầm thiện hàng trời người,
Mưa xuống thấm đều các núi rừng
Cây thuốc cành nhánh và rễ lá
Các hoa đẹp đẽ đều chớm nở
Trang nghiêm khắp tất cả mặt đất.
Cũng như Long tử mưa pháp vũ
Cây pháp Phật công đức tươi tốt
Mười Lực, Vô úy, phap Bất cộng
Thành tựu Bồ-đề trí hoa quả.
Các núi báu Di-lê trong biển
Rực rỡ trơ trọi nhưng không động
Phật ở trong hội chúng Thanh văn
Sáng suốt quang minh không ai bằng.
Tam thập tam thiên Đế Thích chúa
Cúng dường rộng lớn trang nghiêm đẹp
Long tử nguy nguy Đại Sa-môn
Chư Thiên thấy Phật đều khai ngộ.
Muốn vào biển Phật pháp giải thoát
Thành tựu trí tuệ pháp bảo tạng
Nên dùng giới định làm thuyền bè
Đến thẳng Niệm xứ tụ ma-ni.
Thái tử xưa tu các khổ hạnh
Hoặc ở bờ ao, hoặc hang núi
Hoặc ở đồng hoang xa hẻo lánh
Khéo đạt Không, Vô tướng, Vô tác.
Mâu-ni Đại Tiên rống sư tử
Chỉ dụ quần mê sinh giác ngộ
Sức phương tiện khéo léo như vậy
Hóa người khó hóa khiến nhu thuận.
Phật là tối thắng Điều Ngự Sư
Hay thí pháp bảo cho chúng sinh
Tịch tĩnh diệu lạc Xa-ma-tha
Công đức giới định tạng kiên cố.
Nếu khéo lời dạy tu các hạnh
Trừ hoặc diệt tội khiến thanh tịnh
Vì thế Trời, Người, A-tu-la
Thường ưa nghe trì chánh pháp Phật.

Khi ấy, vua Tịnh Phạn vì Tôn giả Ưu-đà-di nói kệ:

Con ta xuất gia có vui gì
Ngọa cụ ăn uống đều thiếu thốn
Giống như sen xanh đang tươi tốt
Nhổ bỏ trên đất sẽ khô héo.
Tôn giả Ưu-đà-di dùng kệ đáp:
Như Lai du hý các thần thông
Thường dùng Thiền duyệt không đói khát
Do trụ tịch tĩnh thiền vi diệu
Như hoa sen vàng thể chắc chắn.
Vua Tịnh Phạn lại nói kệ:
Thái tử thuở xưa ở hoàng cung
Trăm ngàn thể nữ thường vây quanh
Ngủ nghỉ thường nghe tiếng ca hát
Nay ở núi rừng có vui gì.
Tôn giả Ưu-đà-di dùng kệ đáp:
Phật ở trong cảnh giới giải thoát
Thâm tâm y chỉ các thiền định
Đi đứng nằm ngồi trông oai nghi
Thường sinh vui thích có khổ gì.
Vua Tịnh Phạn lại nói kệ:
Thái tử thuở xưa ở hoàng cung
Nệm ấm chăn êm làm ngọa cụ
Trăm ngàn đèn đuốc luôn chiếu sáng
Chưa hề biết đến tối là gì.

Tôn giả Ưu-đà-di dùng kệ đáp:

Mâu-ni tu mọi hạnh thù thắng
Dùng bốn Vô lượng làm mền nệm
Tâm thường lợi lạc các hữu tình
Trong cảnh trung dung không si độn.
Vua Tịnh Phạn lại nói kệ:
Thuở xưa thái tử ở điện sâu
Vui chơi thọ dụng các khoái lạc
Hầu hạ hai bên khéo nghênh đón
Ở rừng một mình được cái gì.
Tôn giả Ưu-đà-di dùng kệ đáp:
Như Lai ở chỗ tịnh tối thắng
Vui chốn vắng lặng A-lan-nhã
Bình đẳng quán sát khắp thế gian
Thường được trời rồng đến cung kính.
Vua Tịnh Phạn lại nói kệ:
Thuở xưa Thái tử ở vương cung
Tắm rửa cung tần tranh hầu hạ
Hương xoa thượng diệu bôi lên thân
Nay ở núi rừng được cái gì.
Ưu-đà-di dùng kệ đáp:
Mâu-ni tắm rửa bằng trì giới
Gột rửa các ác sạch không nhơ
Hay khiến mình người đều thanh tịnh
Lìa dơ trần cấu đến bờ giác.
Vua Tịnh Phạn lại nói kệ:
Thái tử mặc y rất thù diệu
Tơ vàng xâu kết châu anh lạc
Chiên-đàn trộn với hương xoa thơm
Nay ở núi rừng được cái gì.
Ưu-đà-di dùng kệ đáp:
Mâu-ni dùng tàm làm trượng phu
Bồ-đề pháp phần như tràng châu
Hộ giới mát mẻ như hương xoa
Dùng để trang nghiêm thể công đức.
Vua Tịnh Phạn lại nói kệ:
Thái tử ở chỗ thường canh gác
Trăm ngàn dũng sĩ cầm giáo mác
Tàn lọng để che nắng mặt trời
Một mình núi rừng ai thủ hộ.
Tôn giả Ưu-đà-di dùng kệ đáp:
Mâu-ni đầy đủ mười Trí lực
Đối các sợ hãi tâm không động
Từ bi che khắp các quần sinh
Sa-môn Pháp tử thường vây quanh.
Vua Tịnh Phạn lại nói kệ:
Hay thay, khéo nói công Đức Phật
Không lâu tôi đến nghe pháp yếu
Xin trước lãnh thọ tôi cúng dường
Lại đem cơm thơm cúng Như Lai.

*********

Khi ấy, Tôn giả Ưu-đà-di biết vua Tịnh Phạn tâm sinh cảm ngộ, nói kệ tán thán rồi, lại nói:

–Này Đại vương! Nay Đức Phật Thế Tôn xuất hiện thế gian làm Đại Pháp Vương, thành tựu đầy đủ các thiện công đức, ở trong đại chúng Sa-môn, cũng như trăng tròn giữa các vì sao, ánh sáng của Đức Thế Tôn lại còn hơn thế nữa.

Này Đại vương! Đức Như Lai xuất thế như bầu trời mùa thu không có mây che, ánh sáng vằng vặc. Đức Phật ở trong đại chúng Sa-môn chiếu ánh sáng rạng ngời còn hơn thế nữa.

Lại ở giữa biển có núi Quang minh, ánh sáng chiếu tỏa ra các núi khác. Đức Phật ở trong đại chúng Sa-môn, ánh sáng chiếu ra còn hơn thế nữa.

Lại như Đế Thích ở trong nhà thiện pháp, Thiên chúng vây quanh, ánh sáng rực rỡ hơn các chư Thiên khác. Đức Phật ở trong chúng Sa-môn, ánh sáng chiếu ra còn hơn thế nữa.

Lại như Đại phạm Thiên vương, trăm ngàn ức Phạm chúng vây quanh, tất cả ánh sáng từ thân phát ra không ai bằng. Đức Phật ở trong đại chúng Sa-môn phát ra ánh sáng lại hơn thế nữa.

Lúc đó, vua Tịnh Phạn nghe nói ánh sáng oai thần tối thắng của Đức Thế Tôn như vậy, lại suy nghĩ: “Thuở xưa, lúc thái tử mới giáng sinh, làm cho đất sáu cách chấn động như: Động biến, động cực biến động; khởi biến; khởi cực biến khởi; dũng biến, dũng cực biến dũng; chấn biến, chấn cực biến chấn; kích biến, kích cực biến kích; hống biến, hống cực biến hống. Lại có ánh sáng chiếu khắp trời đất không ai bằng. Lúc đó, Ngài bước đi bảy bước không cần sự dẫn dắt. Đồng thơi, trên hư không xối xuống hai thứ nước ấm và lạnh trong sạch tắm rửa thân thái tử. Dưới đất tự nhiên vọt lên tòa báu; trên hư không lại treo tàn lộng thù thắng vi diệu, có các Thiên tử cung kính tôn trọng, tay cầm phất trắng đứng hầu hai bên. Cho đến lúc Bồ-tát trưởng thành, xuất gia nhàm chán năm dục lạc, thường trụ chánh niệm, nói lời thành thật, khiến cho các hữu tình không tổn hại lẫn nhau, mọi việc làm đều quyết định dũng mãnh kiên cố, nguyện thành Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Người chưa được độ khiến được độ, dần dần đưa đến bờ giải thoát rốt ráo.

Lúc đó, vua Tịnh Phạn vì Ưu-đà-di mà nói kệ rằng:

Nếu lúc người mới sinh
Nói năng mà quyết định
Đầy đủ tuệ tịch tĩnh
Người trí nào không tin.
Thái tử lúc mới sinh
Thế gian không ai bằng
Được thế gian tôn trọng
Người trí nào không tin.
Cho đến trong giấc mộng
Chưa từng nói hư dối
Như thuyết mà tu hành
Người trí nào không tin.
Đối cảnh không sinh tham
Không bị tham trói buộc
Không cần đến vàng bạc
Người trí nào không tin.
Sân như dao kiếm bén
Giận dữ làm người sợ
Khéo lìa lỗi lầm ấy
Người trí nào không tin.
Thường tương ưng thắng tuệ
Kinh bố không lay động
Do lìa lỗi ngu si
Người trí nào không tin.
Thọ dụng năm dục lạc
Không bị nó trói buộc
Thắng tuệ khéo lựa chọn
Người trí nào không tin.
Trăm ngàn thứ huyễn thuật
Không có gì chân thật
Người thiện không ham thích
Người trí nào không tin.
Vô số lời khéo léo
Rốt ráo là hý luận
Không thoát khỏi trói buộc
Người trí nào không tin.
Nếu ai lạc pháp lạc
Tương ưng các nghĩa lợi
Nhất định thoát trói buộc
Lời ấy sao không tin.
Sức phương tiện lìa cấu
Ai có thể phòng ngừa
Vượt thành, rời cung Thích
Lời ấy sao không tin.
Xả bỏ năm dục lạc
Ở núi như hươu nai
Chí ưa cầu Bồ-đề
Lời ấy sao không tin.
Sáu năm tu khổ hạnh
Vì độ các chúng sinh
Cầu Bồ-đề tối thượng
Lời ấy sao không tin.
Sáu năm ăn gạo mè
Không nghĩ đến vật ngon
Cầu Bồ-đề tối thượng
Lời ấy sao không tin.
Sáu năm ở hang núi
Chúng ma tìm sơ hở
Không thấy được lỗi nhỏ
Lời ấy sao không tin.
Người nào không cầu lợi
Không một chút hy vọng
Khéo lìa lỗi tham lam
Lời ấy sao không tin.
Vô thượng Chánh đẳng giác
Nếu ai chưa từng nghe
Khó tin lại khó hiểu
Lời ấy sao không tin.
Nếu Phạm Thiên thỉnh chuyển
Hoặc Thế Tôn tự nói
Pháp vi diệu như vậy
Lời ấy sao không tin.
Thương xót dòng họ Thích
Thị hiện vào vương cung
Khiến thoát khổ trói buộc
Lời ấy sao không tin.
Người chưa qua bờ kia
Dạy dỗ khiến được qua
Thường phát nguyện như vậy
Lời ấy sao không tin.
Thuở xưa Đức Thế Tôn
Thường khuyến hóa như vậy
Nên biết nay cũng thế
Lời ấy sao không tin
Vì thế hôm nay tôi
Cầu kiến Pháp Trung Vương
Quán chắc chắn như vậy
Thân tâm được thanh tịnh.

Vua Tịnh Phạn nói kệ rồi lại suy nghĩ nói với Tôn giả rằng:

–Còn bao lâu nữa thì thân này mới phát đạo tâm? Lúc đó Ưu-đà-di vì vua Tịnh Phạn nói kệ rằng:

Đại vương nay làm chúa nhân gian
Phải nên tu tập các nghĩa lợi
Như Lai khen ngợi nhân phát tâm
Nên được sinh vào nơi tối thắng.
Nếu hay phát sinh ý thanh tịnh
Đến chỗ Mâu-ni Đại Thế Tôn
Công đức của Ngài khó lường được
Tăng trưởng thiện chủng do trời người.
Như Lai xưa làm Vương thái tử
Đại Bi thương tưởng các quần sinh
Rộng hành bình đẳng tâm vô lượng
Cũng như hoa sen không dính nước.
Tất cả hữu tình bị thác cuốn
Phật hay cứu vớt khiến ra khỏi
Gọi là Vô thượng Đấng Lưỡng Túc
Vua Tịnh Phạn tâm khéo điều phục
Trí Phật tối thượng tối đệ nhất
Nhổ tên nghi hoặc của chúng sinh
Lìa hẳn các khổ được an lạc
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Thái tử vĩnh đoạn trói ba cõi
Hàng phục bốn loại chúng ma quân
Được chứng Vô thượng đại Bồ-đề
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Chỉ bày pháp cam lồ giải thoát
Đế Thích nhân vương đều khuyến thỉnh
Lợi lạc hữu tình trong ba cõi
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Hay chuyển tối thắng diệu pháp luân
Nhiếp hóa tất cả các ngoại đạo
Số ấy trăm ngàn đến vạn ức
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Tuệ nhãn Như Lai rất thanh tịnh
Chúng sinh bị vô minh che lấp
Nói pháp dứt trừ tối tăm ấy
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Chúng sinh già chết thêm bức bách
Như Lai nói pháp trừ lo sợ
Phương tiện khéo lên pháp thường lạc
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Như Lai xuất hiện ở thế gian
Hư không mưa xuống bốn thứ nước
Có thể dập tắt lửa ba độc
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Như Lai mười Lực trí sáng suốt
Diệt tội ba đời của chúng sinh
Xa lìa hoàn toàn mọi lỗi lầm
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Như Lai thường dùng tâm đại Bi
Thương nhớ chúng sinh như con đẻ
Đều khiến lìa khổ được giải thoát
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Chúng sinh cang cường khó giáo hóa
Như Lai phương tiện khéo nhiếp thọ
Khiến trừ trạo cử và kiêu mạn
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Chúng sinh chìm đắm biển tham dục
Chư Thiên trước vui cũng như vậy
Phật rủ mười Lực đón tiếp họ
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Như Lai đại Bi không ai bằng
Trang nghiêm bằng vô lượng công đức
Cứu vớt chúng sinh khổ nhiều kiếp
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Như Lai đại Bi phương tiện lực
Như châu ma-ni làm nước trong
Khéo trừ đấu tranh nhân nhơ bẩn
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Như ma-ni báu tánh vốn tịnh
Chúng sinh thấy được đều hoan hỷ
Như Lai lìa hẳn nhân phiền não
Vua phat tịnh tâm khéo điều phục.
Trời người chịu nhiều khổ biệt ly
Như Lai khiến được vui tịch tĩnh
Thoát khỏi luân hồi nhân sinh tử
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.
Như Lai thành tựu biển công đức
Nay tôi lược nói một phần nhỏ
Thí như hư không, không ngằn mé
Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Nghe kệ rồi, vua Tịnh Phạn liền suy nghĩ: “Trước đây Bồ-tát chưa xuất gia, ta từng thấy Ngài làm những việc thù thắng, tương ưng chánh niệm phát nguyện quyết định rằng: Ta sẽ xuất gia, thệ thành Phật đạo, độ thoát chúng sinh đồng lên bờ giác.” Nghĩ vậy rồi, vua liền nói với Tôn giả Ưu-đà-di:

–Nay Ngài chính là con của Như Lai, đã ăn rồi thì không còn nhận sự cúng dường riêng, sau đó tôi sẽ đến chỗ của Đức Thế Tôn.

Nghe vua nói thế, Ưu-đà-di sinh đại hoan hỷ liền đem cơm thơm về dâng lên cúng Như Lai. Đức Thế Tôn nhận rồi liền cho triệu tập các Tỳ-kheo lại và bảo:

–Ưu-đà-di này được ta sai đến giáo hóa vua Tịnh Phạn, nay vua đã tin hiểu.

Đức Phật khen Ưu-đà-di:

–Hay thay, hay thay! Nay ông được vô lượng phước uẩn, làm cho các thế gian, các hàng trời người nghe việc này rồi thiện căn càng tăng trưởng.

Lúc đó, có các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ưu-đà-di được phước bao nhiêu?

Đức Phật dạy:

–Giả sử số cát sông Khắc-già trong mười phương vô lượng vô biên không thể đếm hết, phước báo của Ưu-đà-di ngang bằng với số cát ấy không khác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn ăn xong cất bát an trụ oai nghi, ngồi kiết già nhập định quán sát. Biết phụ vương sắp đến, liền triệu Đa Văn Thiên vương ở phương Bắc cùng với quyến thuộc trăm ngàn vạn ức và nhiều đại Dược-xoa tướng, rời khỏi cung nương hư không mà đến, chỉ trong khoảng co duỗi cánh tay đã đến chỗ Phật, chắp tay đảnh lễ cúng dường Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo, rồi đứng qua một bên.

Lại nữa, Trì Quốc Thiên vương ở phương Đông, cùng với quyến thuộc trăm ngàn vạn ức chúng Càn-thát-bà, từ trên không đi đến chỗ Đức Phật, chắp tay đảnh lễ cúng dường Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo rồi đứng qua một bên.

Lại nữa, Tăng Trưởng Thiên vương ở phương Nam cùng với quyến thuộc trăm ngàn vạn ức chúng Củ-bạn-noa, từ trên hư không đi đến chỗ Đức Phật, chắp tay đảnh lễ cúng dường Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo rồi đứng qua một bên.

Lại nữa, Quảng Mục Thiên vương ở phương Tây, cung với quyến thuộc trăm ngàn vạn ức các Đại Long chúng từ trên hư không đi đến chỗ Đức Phật chắp tay đảnh lễ cúng dường Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo rồi đứng qua một bên.

Lại nữa, chúa trời Đế Thích cùng với Tam thap tam thiên, vô số Thiên tử đi đến chỗ Đức Phật đảnh lễ cúng dường. Như vậy Diệm-ma thiên, Đổ-sử thiên, Lạc biến hóa thiên, Tha hóa tự tại thiên, Đại phạm vương thiên, Quan âm thiên, Quảng quả thiên, Tịnh cư thiên. Các Thiên tử này đều cùng trăm ngàn vạn ức Thiên tử quyến thuộc, đến chỗ Đức Phật đảnh lễ cung kính cúng dường Phật và Tỳ-kheo tăng rồi đứng qua một bên.

Lại nữa, Tỳ-ma-chất-đa-la A-tu-la vương, cùng sáu mươi ức quyến thuộc, mặc áo mới sạch, chỉnh đốn thứ tự, từ trên hư không đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ cúng dường Đức Thế Tôn và chúng Tỳ kheo rồi đứng qua một bên.

Lại nữa, có Ca-lâu-la vương cùng với tám vạn sáu ngàn quyến thuộc, từ trên hư không đi đến chỗ Đức Phật, chắp tay đảnh lễ cúng dường Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo rồi đứng qua một bên.

Lại có ngoại đạo, đại tiên, Bà-la-môn… tám mươi vạn từ các phương đến chỗ Đức Phật, thân cận cúng dường. Thí như trăng tròn rạng rỡ giữa hư không, ánh sáng oai đức che khuất các sao.

Lúc đó, trong chúng Trời, Rồng, Quỷ thần, Ma-hầu-la-già… nhất tâm đồng cất tiếng dùng kệ khen rằng:

Phật đủ trí sáng suốt
Tối thắng không ai bằng
Hàng phục A-tu-la
Diệt si ám ba độc.
Mặt Phật như trăng tròn
Các tướng đều trang nghiêm
Biện tài lại tối thượng
Phá tan các dị luận.
Nghiêm thân bằng trăm phước
Trời người không ai bằng
Dẫn dắt các Thanh văn
Như sen vượt nước bùn.
Như chúa trời Đế Thích
Thiên tử thường vây quanh
Oai đức hơn chư Thiên
Thân quang cũng như vậy.
Như Lai Đấng Lưỡng Túc
Pháp tử thường vây quanh
Khéo nói các pháp yếu
Khiến chung sinh khai ngộ.
Như Diệm-ma Thiên chủ
Quyến thuộc thường vây quanh
Ngồi yên giữa đại chúng
Chư Thiên đều tôn trọng.
Thân Phật sáng vô biên
Chiếu đường ác hiểm nạn
Các chúng sinh đọa lạc
Nhờ ánh sáng lìa khổ.
Đổ-sử-đa Thiên chủ
Thiên chúng thường vây quanh
Nhờ phước báo thuở xưa
Thân chiếu sáng hơn hết.
Trời và A-tu-la
Cùng các Long thần khác
Ánh sáng Thích Sư Tử
Thanh tịnh hơn thế nữa.
Lạc biến hóa Thiên chủ
Đều đi đến chỗ Phật
Bị ánh sáng Phật che
Khiến biết phước nghiệp trước.
Ánh sáng Phật như vậy
Tối thượng không ai bằng
Hóa nhân chưa điều phục
Sinh tin hiểu thanh tịnh.
Tha hóa tự tại chủ
Thiên chúng thường vây quanh
Do thiện nghiệp đời trước
Thân chiếu sáng hơn hết.
Như Lai mười Lực tôn
Chánh hạnh đều viên mãn
Ở trong hàng trời người
Ánh sáng thật rạng ngời.
Sắc giới Đại phạm vương
Thân sáng hơn Phạm chúng
Tám âm thanh vi diệu
Chư Thiên không ai bằng.
Như Lai Đại Pháp Vương
Tám bộ thường cung kính
Pháp âm diễn bốn Đế
Chiếu sáng ba ngàn cõi.
Những hàng trời, rồng, thần
Đều đi đến chỗ Phật
Muốn nghe tiếng Phạm âm
Xin Phật khai chưa ngộ.
Biển sâu khó thể lường
Biết được mé hư không
Tu-di có thể biết
Công đức Phật vô cùng.