SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: VÔ THƯỜNG (Phần 1)

Thuở ấy, Đức Phật trụ tại nước Ba-la-nại, Ngài bảo các Tỳkheo:

–Trong đời vị lai sẽ có loài chúng sinh sống lâu đến tám muôn bốn ngàn tuổi. Lúc bấy giờ, loại chúng sinh sống tám muon bốn ngàn tuổi ấy, trong cõi Diêm-phù này, mọi người cùng chung sống một nơi, lúa thóc trúng mùa, nhân dân đông đúc, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy hòa quyện với nhau.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, lúc bấy giờ con gái đến năm trăm tuổi mới đi lấy chồng. Lúc ấy, có vị vua tên Nhương Khư có đầy đủ bảy báu cai trị nhân dân bằng chánh pháp, không làm những điều tà vạy. Nhà vua có một chiếc xe báu bằng lông chim tự nhiên, cao cả ngàn khuỷu tay, rộng mười sáu khuỷu tay. Vua cho sửa sang trang hoàng bằng nhiều chuỗi ngọc quý báu. Rồi giữa chốn đông người, vua phân của bố thí, không hề tiếc rẻ, tạo lập công đức, dẫn đầu mọi người, các vị đắc đạo từ phương xa đến ở lại, hoặc chỉ tạt qua nghỉ đêm vua đều cúng dường. Ai cần món gì, vua đều ban cho hết mà lòng không hối tiếc.

Lúc con người sống tám muôn bốn ngàn tuổi ấy, có Đức Phật ra đời hiệu là Di-lặc, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hành Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn, cũng như Ta ngày nay, thành Vô Thượng Chánh Chân Đẳng Chánh Giác, đủ mười hiệu. Đức Phật ấy thường hộ trì vô số trăm ngàn vị Tỳ-kheo cũng như Ta ngày nay hộ trì vô số trăm ngàn vị Tỳ-kheo và các đại chúng. Ngài rộng nói pháp sâu xa, thượng, trung, hạ đều lành, nghĩa lý nhiệm mầu, thanh tịnh đầy đủ, tu hành phạm hạnh cũng như Ta ngày nay vì các đại chúng rộng nói pháp sâu xa thượng, trung, hạ đều lành, nghĩa lý nhiệm mầu, thanh tịnh đầy đủ, tu hành phạm hạnh.

Rộng nói về việc Đức Di-lặc hạ sinh, như lời Đức Phật dạy, có kinh tên Lục Cánh Lạc Đạo. Trong kinh ấy nói:

“Nếu con người sinh vào kiếp ấy, nếu mắt thấy sắc thì chỉ thấy sắc lành, không thấy sắc xấu, thấy điều đáng yêu chứ không thấy điều không đáng yêu, thấy điều đáng kính chứ không thấy điều không đáng kính, thấy điều đáng nghĩ chứ không thấy điều không đáng nghĩ, thấy sắc đẹp chứ không thấy sắc không đẹp. Các chúng sinh ấy tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết trơn láng, ý biết pháp, cho đến trời Đế Thích cũng lại như thế”.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đến giảng đường lớn bên bờ ao Di hầu thuộc nước Tỳ-xá-ly. Lúc ấy, có rất nhiều chàng trai xứ Tỳ-xá-ly đều cùng nghĩ rằng: “Chúng ta hãy cùng nhau đến chỗ Đức Thế Tôn thăm hỏi và đảnh lễ Ngài.” Trong số các thanh niên ấy có người cỡi ngựa xanh, che lọng xanh, y phục cũng màu xanh, có người cỡi ngựa màu vàng, màu xanh, màu đỏ, màu trắng, y phục đều màu trắng. Họ lên đường với tiếng chuông trống hòa nhau, tấu trỗi kỹ nhạc, trước sau theo nhau đến chỗ Thế Tôn. Lúc bấy giờ

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, nếu ai chưa thấy các vị trời dạo chơi đến khu vườn ở phía sau tắm gội thì hôm nay nên nhìn các chàng thanh niên này, y phục, ngựa xe của họ sánh với các vị trời, chẳng khác gì nhau. Vì sao vậy? Vì các vị trời ăn mặc cũng giống như họ.

Bấy giờ, có hàng trăm ngàn người đang ngồi trong giảng đường ai nấy đều suy nghĩ: “Chúng ta nên phát lời thệ nguyện chân thành, khiến cho đời sau chúng ta được sinh lên cõi người, cõi trời, thường mặc pháp phục này không bao giờ xa rời, để đời sau có Đức Phật ra đời, được nghe pháp sâu xa, lìa hẳn khổ não, đạt an vui Niết-bàn”. Đức Như Lai biết rõ tâm niệm của chúng sinh cầu sinh trong ba cõi thì không thể nào dứt hẳn khổ não, Ngài liền nói bài kệ này cho đại chúng nghe:

Hành pháp vô thường

Là pháp hoại diệt

Không thể nương cậy

Biến đổi không ngừng.

Nghe bài kệ ấy, trăm ngàn chúng sinh nhiều không thể tính kể ngay trong thời pháp ấy dứt hết lậu hoặc, mở tỏ tâm ý, đều chứng được đạo quả.

***

Thuở xưa, có bốn vị Bà-la-môn đều chứng được thần thông,  có khả năng bay đi, thần túc vô ngại. Bốn vị Phạm chí này nói với nhau rằng:

–Có người đem thức ăn ngon đến cúng dường Sa-môn Cù-đàm

thì được sinh lên cõi trời, không lìa ngôi nhà hưởng phước, còn ai nghe pháp của Ông ta thì vào được cửa giải thoát. Ngày nay chúng ta chỉ ham phước trời, không mong giải thoát nên không cần nghe pháp.

Rồi họ ra đi, mỗi người đem một hộp đường phèn ngon ngọt.

Một người trước đến chỗ Như Lai, dâng cúng lên Ngài. Nhận xong, Đức Như Lai nói cho vị Phạm chí này nghe bài kệ:

–“Các hành vô thường”.

Vừa nghe xong, vị này lấy tay bịt tai lại. Lần lượt đến người thứ hai tới chỗ Như Lai dâng đường phèn lên cúng dường, Đức Như Lai lại nói kệ rằng:

–“Là pháp hưng suy”.

Nghe xong, Phạm chí lấy tay bịt tai lại. Lại đến người thứ ba tới chỗ Như Lai dâng đường phèn lên cúng dường, Đức Như Lai nhận xong lại nói bài kệ:

–“Hễ sinh, có chết”.

Nghe xong, vị Phạm chí lấy tay bịt tai lại. Và đến người thứ tư dâng đường phèn lên cúng dường, Đức Như Lai nhận xong lại nói bài kệ:

–“Diệt này là vui”.

Nghe xong, vị này lấy tay bịt tai lại. Sau đó, họ đều từ giã

Như Lai ra về. Quán sát biết tâm ý họ, là những người đáng được độ, Đức Như Lai bèn dùng phương tiện quyền xảo ẩn mình không hiện.

Bốn vị Phạm chí nọ đến một nơi rồi nói với nhau:

–Dù đã cúng dường cho Sa-môn Cù-đàm nhưng tâm ý chúng ta còn mù mờ, không biết Ngài đã dạy những gì.

Trước tiên, họ hỏi người dâng cúng thứ nhất:

–Anh nghe Ngài dạy những gì?

Đáp:

–Tôi nghe Ngài dạy rằng: “Các hành vô thường”. Nghe câu ấy rồi, tôi liền lấy tay bịt kín tai, không thừa nhận nó.

Sau đó họ hỏi người thứ hai:

–Anh nghe Như Lai dạy điều gì?

Người này nói:

–Tôi đến chỗ cúng dường đường phèn xong, Ngài nói với tôi câu kệ rằng: “Là pháp hưng suy”. Nghe câu ấy tôi liền lấy tay bịt kín tai và cũng không thừa nhận nó.

Họ hỏi tiếp người thứ ba:

–Anh nghe Như Lai dạy điều gì?

Người này nói:

–Tôi đến chỗ Như Lai cúng dường đường phèn xong, Ngài nói với tôi câu kệ rằng: “Hễ sinh, có chết”. Nghe câu ấy tôi liền lấy tay bịt kín tai và cũng không thừa nhận nó.

Cuối cùng họ hỏi người thứ tư:

–Anh nghe Như Lai dạy điều gì?

Anh này đáp:

–Tôi đến chỗ Như Lai cúng dường đường phèn xong, Ngài nói với tôi câu kệ rằng: “Diệt này là vui”.

Bốn người nói bài kệ ấy xong, tâm ý liền được mở tỏ, chứng quả A-na-hàm. Lúc ấy, tự biết mình đã chứng được đạo, bốn vị này liền tự trách và vội vàng đến chỗ Như Lai, trán lạy sát dưới chân Ngài rồi đứng qua một bên. Giây lát họ lui lại ngồi xuống và bạch Thế Tôn:

–Cúi xin Đức Như Lai cho phép chúng con được xuất gia làm Sa-môn.

–Đức Thế Tôn bảo họ:

–Lành thay! Tỳ-kheo, hãy mau tu phạm hạnh. Lúc đó, tóc trên đầu các vị ấy tự rơi rụng, áo đang mặc bỗng biến thành ca-sa, liền chứng quả A-la-hán trước mặt Phật.

***

Khi sắp vào Niết-bàn, Đức Phật bảo ngài Đại Ca-diếp và A-na-luật:

–Tỳ-kheo các thầy nên vâng giữ giáo pháp của Ta, cung kính phụng thờ lời Phật dạy. Hai vị chớ nên diệt độ sớm, trước phải kết tập Kinh, Luật, Luận và Tạp tạng quý báu rồi mới nên nhập diệt. Nói rộng cho đến câu cúng dường xá-lợi xong. Hai Tôn giả liền mở rộng việc kết tập kinh điển, với năm trăm vị A-la-hán đã giải thoát, những vị thông minh lanh lợi đầy đủ các công hạnh cùng nhóm họp một nơi, thiết lập một tòa Sư tử cao đẹp cho ngài A-nan rồi thỉnh ngài A-nan lên tòa. Sau khi ngài A-nan lên tòa, đại chúng hỏi ngài:

–Đầu tiên, Đức Phật nói pháp ở đâu?

Lúc đó ngài A-nan mở đầu: “Tôi nghe như vầy, một thuở nọ…”, vừa dứt câu ấy thì năm trăm vị La-hán đều từ ghế dây đứng dậy, quỳ thẳng dưới đất bảo:

–Chính chúng tôi thấy Như Lai nói pháp, sao hôm nay nói là:

“Tôi nghe như vầy một thuở nọ…”

Rồi toàn thể đều cất tiếng than khóc buồn thương. Lúc đó ngài Đại Ca-diếp liền bảo ngài A-nan:

–Kể từ hôm nay trở đi, khi nói pháp sâu xa đều phải nói: “Tôi nghe như vầy”, chớ không được nói thấy.

Khi Đức Phật ở trong vườn Nai, chỗ của các Tiên nhân, thuộc nước Ba-la-nại, Ngài bảo năm thầy Tỳ-kheo: “Nguồn gốc của khổ này vốn là điều chưa ai được nghe, chưa ai được thấy”. Nói rộng như Kinh bản. Khi mọi người đã kết tập khế kinh xong, Tôn giả Ca-diếp lại hỏi ngài A-nan:

–Đức Như Lai nói ra Giới luật lần đầu tiên ở đâu?

Ngài A-nan đáp:

–Tôi nghe Đức Phật nói như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt, con của ông Ca-lan-đà là Tu-trần-na xuất gia học đạo làm Tỳ-kheo, đầu tiên phạm Luật, cho đến pháp không thể vượt qua. Nói rộng như trong Giới luật.

Ngài Ca-diếp lại hỏi ngài A-nan:

–Đức Như Lai giảng nói A-tỳ-đàm lần đầu tiên ở đâu?

Ngài A-nan đáp:

–Tôi nghe Đức Phật nói như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong giảng đường Phổ tập bên cạnh ao Di hầu, thuộc thành Tỳ-xá-ly.

Bấy giờ Đức Thế Tôn thấy rõ gốc ngọn nhân duyên của dân Bạt-kỳ, bèn bảo các Tỳ-kheo rằng: “Ai tâm không còn năm thứ sợ hãi, tức giận, thì sẽ không bị đọa vào đường ác, cũng không bị đọa vào địa ngục…”. Nói rộng như trong luận A-tỳ-đàm. Đầu hôm đại hội kết tập A-tỳ-đàm, gần sáng nói kinh Xuất Diệu và nói bài kệ về ngủ nghỉ và tỉnh thức. Vì sao Ngài nói về ngủ nghỉ và tỉnh thức?

Như lời Đức Thế Tôn, Đẳng Chánh Giác dạy thì sự ngủ nghỉ làm hao tổn mạng sống. Nó làm mê lầm, thương tổn, không thànhtựu quả chứng. Khi chết rồi không thể cứu, không được sinh lên những cõi tốt đẹp. Vì sao? Vì như người thức tỉnh thì có khả năng tu đức, trồng nhiều gốc lành, trái lại kẻ ham mê ngủ nghỉ thì mất hết những việc vừa nói, nên gọi là mê lầm.

Lúc bấy giờ, giữa pháp hội có người nói:

–Như lời Đức Phật dạy, nếu có chúng sinh trong lúc tỉnh thức thì nhớ đến nhiều việc, còn trong khi ngủ thì điềm nhiên không còn nghĩ gì cả.

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

–Chỉ ngủ nghỉ không tỉnh thức làm sao mà hiểu được! Cho nên Phật dạy đánh đuổi ngủ nghỉ, luôn nghĩ đến tỉnh thức. Như Phật nói kệ về ngủ nghỉ và tỉnh thức, phải vui mừng mà suy nghĩ lời dạy ấy1. Những gì Ta nói, các vị phải chuyên ý nhất tâm, chớ có loạn tưởng. Nhờ tâm ý dừng định mà tránh được lầm lạc và có khả năng nhận lãnh giáo pháp. Cho nên nói rằng: Phải lắng nghe lời Ta nói, để soạn ghi Xuất Diệu.

Nói về Xuất Diệu thì chư Phật Thế Tôn nhiều như cát song Hằng ở đời quá khứ đều khen ngợi pháp nghĩa của Xuất Diệu. Như Lai Thế Tôn cũng gọi là Tối Thắng. Sao gọi là Tối Thắng? Thắng là vì vượt khỏi các pháp kết sử bất thiện, vượt khỏi dâm, nộ, si, vượt khỏi tất cả sự trói buộc của sinh tử, vượt hơn chín mươi sáu thứ tà thuật của ngoại đạo dị học như Ni-kiền Tử… vượt trội hơn hết những điều vừa nói nên gọi là Tối Thắng. Pháp Xuất Diệu này được giảng nói thông suốt không bị vấp váp, truyền rộng ý nghĩa tốt đẹp của nó cho cả trời, người. Cho nên nói là soạn ghi Xuất Diệu. Như lời Đức Thế Tôn dạy, là giảng nói thông suốt không vấp váp.

Như Thế Tôn dạy

Tất cả thông suốt

Vị Tiên thương xót

Chỉ còn đời này.

  1. Nhờ vui nên trong tâm hớn hở, nhờ mừng nên tâm ưa pháp lành phát sinh, cho nên nói là nên vui mừng suy nghĩ mà nghe.

Như lời Đức Thế Tôn dạy thì thông đạt giảng nói, không bị vấp váp, nên gọi là Thế Tôn nói. Về thông suốt tất cả thì trí Nhất thiết đạt được tất cả thị hiện, tất cả thông suốt, phân biệt tất cả các nghĩa. Tự tại trong sáu thứ thần thông, thành đạo quả Vô thượng.

Sáu thứ thần thông của Như Lai, bâc La-hán không thể sánh kịp. Đức Phật là Bậc Tối Thắng Tối Thượng đã vượt qua tất cả, có khả năng phân biệt tất cả pháp tướng nên nói là thông suốt tất cả. Bậc Tiên Nhân thương xót là người làm thỏa mãn tất cả hy vọng của chúng sinh còn trong sinh tử, tưởng như cha mẹ, là tâm thương xót, là tâm che chở mọi loài. Thế nên, chư Phật Thế Tôn cũng được gọi là Tiên Nhân, tu đạo thần túc cũng gọi là Tiên nhân, người có đầy đủ các công đức cũng gọi là Tiên nhân, người tu tập pháp lành trong đêm dài sinh tử cũng gọi là Tiên nhân. Do vậy mới nói: Bậc Tiên Nhân thương xót.

Chỉ còn thân này, nghĩa là thân nương bốn đại, căn bản không còn gì khác, cũng không có bờ mé, cũng không sinh ra, như than Phật hiện tại đang nói pháp. Này A-nan, thầy nên biết đây là cảnh giới cuối cùng, đây là lần cuối cùng Ta không còn nhập bào thai, hình thể nhận chịu cuối cùng chính là bản thân Ta ngày nay. Này A-nan, thầy không còn thấy Ta thọ thân bất cứ ở nơi nào nữa, thọ thân này là biên giới của sự khổ. Thế nên nói rằng: “Chỉ còn thân này”.

***

Các hành vô thường,

Là pháp hưng suy,

Hễ sinh, có chết,

Diệt này là vui.

Thuở xưa, các Phạm chí, mỗi vị đọc tụng pháp của thầy mình, chia làm hai bộ. Một bộ cho rằng muôn vật đều có, bộ khác cho rằng muôn vật đều không. Bộ cho muôn vật là có đã được Như Lai phân biệt rõ và dứt trừ sự do dự và tâm hy vọng của họ, Ngài nói cho họ biết: “Các hành vô thường”. Những người chấp “có” tự làm bài kệ rằng:

Dùng thanh kiếm bén

Sát hại chúng sinh

Không có thiện, ác

Chết thân không đổi,

Đối với thân thể

Kiếm bén vung lên

Không hại được mạng.

Mặt đất thường còn

Phong giới không đắm

Chịu nhiều khổ vui

Mạng căn cũng thế,

Dù cho kiếm bén

Múa loáng qua lại

Cũng không thấy có

Quả báo thiện ác.

Dù giết cha mẹ

Không báo thiện, ác

Huống là việc khác

Mà có quả sao?

Giống như nhốt đầy chim sẻ vào cái bình, có người đập bể bình, chim sẻ bay đi, giết hại chúng sinh, mạng chúng bay xa, chẳng làm tổn hại gì. Muốn chúng sinh dứt bỏ tà kiến ấy nên Đức Như Lai nói rằng: “Các hành vô thường”, không thể nương cậy, thay đổi không dừng là pháp hoại diệt. Mạng sống như sương buổi sớm, tạm có rồi mất, cho nên nói: “Các hành vô thường”.

Nghe vậy, cho rằng muôn vật đều không, mừng rỡ bảo nhau rằng như vậy là giống như chủ trương của chúng ta. Quán xét biết tâm bọn họ như vậy, nên Như Lai nói: “Là pháp hưng suy”. Hưng suy là có thịnh có suy, có sum họp2 thì có chia lìa. Không có than

2. Hiệp hội hữu ly: Trong đoạn này chữ hội nghĩa là sẽ, phải. Đương nhiên nghĩa là: Có sum họp thì phải có chia ly, chớ không nên hiểu hiệp hội là từ này thì thôi, nhưng đã thọ thân này rồi thì không thể tránh khỏi.

Các Phạm chí ấy lại nghĩ rằng: “Nếu pháp suy hao kia không còn sinh nữa thì đó là đúng với chủ trương của chúng ta rồi”.

Do vậy, Đức Thế Tôn nói lại ý nghĩa ấy là: “Hễ sinh, có chết” xoay vần không ngừng. Năm ấm cùng nương tựa giúp nhau mà có ra đời sống, chỉ có mắt tuệ quán xét mới phân biệt được, giống như ánh sáng mặt trời chiếu qua khe, ta thấy vô số bụi nhỏ không thể nào đếm hết. Thân năm ấm lẫy lừng này bị các hành pháp ép ngặt, làm cho trôi lăn trong sinh tử, không lúc nào ngừng nghỉ. Cho nên nói: “Hễ sinh, có chết”.

“Diệt này là vui”, nghĩa là hết hẳn lòng tham dục, không còn ý đắm trước thường được yên ổn, an vui bậc nhất, tâm không còn sinh diệt, thành tựu nghĩa bậc nhất. Đó là cái vui vô dục, cái vui vô vi, cái vui vô lậu. Cái vui diệt hết cái vui cho nên nói: “Diệt này là vui”.

***

Có gì cười vui

Niệm thường lẫy lừng

Chìm sâu tăm tối,

Sao không tìm đèn.

Thuở ấy Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Sau khi ăn xong vào lúc xế trưa, có chúng Tỳ-kheo, trời Đế Thích, nhân dân, bốn chúng đệ tử muốn nghe Như Lai nói pháp cam lộ thì từ phương khác có bảy vị đạo sĩ dị học Bà-la-môn, tóc râu họ đều bạc trắng, chống gậy, rên rỉ mà đi đến chỗ Phật. Họ cúi đầu đảnh lễ chắp tay bạch Phật:

–Chúng con từ phương xa đến đây mong được Thánh Nhân giáo hóa. Từ lâu, chúng con hiến mình cho đạo thuật cạn cợt. Hôm nay, chúng con đến đây thấy được Thánh Nhân, mong được làm đệ tử Ngài dứt được các khổ đau. đôi có nghĩa là hội họp được!

Đức Phật liền xuất gia cho họ làm Sa-môn, dạy bảy vị cùng ở chung một phòng. Nhưng bảy vị này nghĩ rằng mình thấy được Thế Tôn là đã đắc đạo quả, nên họ không còn nhớ nghĩ đến sự vô thường biến đổi, bèn cùng ngồi trong phòng chỉ nghĩ đến việc đời.

Họ nhỏ to xầm xì, cười hô hố, không màng đến sự nên hư. Mạng sống thì ngày càng bị thu ngắn, chẳng hẹn với ai, thế mà bảy vị này chỉ lo cười cợt giỡn hớt, phóng ý buông lung, không nghĩ đến vô thường. Bấy giờ Đức Thế Tôn bước vào phòng họ quở trách:

–Các vị có lòng cầu đạo đến đây mong cầu đạo vô vi độ đời, sao lại mãi cười cợt to tiếng. Tất cả chúng sinh thường cậy vào năm việc. Những gì là năm?

-Một là cậy vào tuổi trẻ.

-Hai là cậy vào sắc đẹp.

-Ba là cậy vào thế lực.

-Bốn là cậy vào tài năng.

-Năm là cậy vào gia thế quý tộc.

Bảy vị nhỏ to xầm xì cười lớn như vậy là cậy vào cái gì?

Nhân đó, Đức Thế Tôn liền đọc bài kệ:

Có gì cười vui

Niệm thường lẫy lừng

Chìm sâu tăm tối

Sao không tìm đèn.

Có gì cười vui: Lúc ấy Đức Thế Tôn bảo bảy vị này: “Bảy vị đến đạo tràng này, đạo Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, các vị chưa chứng đắc.” Phật lại bảo họ: “Trước kia Ta có dạy rằng ai chưa có khả năng dứt sạch hết phiền não thì không đáng kể nương cậy. Các vị thọ thân, chưa khỏi sự trói buộc, luôn chung sống với năm ấm rắn rít thì tại sao các vị cứ lo nhỏ to xầm xì cười lớn như vậy? Phải nghĩ rằng cái khổ ấy nhiều kiếp chưa dứt trừ, cứ hứng chí giỡn cợt là đã thành bụi nhơ. Khổ thay, các thầy thật khó tỉnh ngộ.” Cho nên nói: “Có gì cười vui?”. Đó là lời chỉ dạy của

Đức Thế Tôn.

Niệm thường lẫy lừng: Thế nào là “lẫy lừng”? Vì lửa vô thường cháy hừng hực. Lửa khổ cũng cháy hừng hực, sầu lo khổ não cũng là lửa cháy hừng hực. Vì sao mà biết nó đang cháy hừng hực? Ấy là do lòng ham muốn, giận dữ, ngu si, phách lối, ghen tị, nghi ngờ mà thấy lửa cháy hừng hực. Cho nên nói: “Niệm thường lẫy lừng”.

Chìm sâu tăm tối: Giống như người đi trong đêm không thấy một vật nào cả, hay như người sinh ra đã mù không có mắt, không thấy màu đen, màu vàng. Sự tăm tối như vậy cũng chẳng đáng nói.

Cái gọi là tối tăm nhất chính là cái ngu tối bó chặt khắp toàn than không còn sót một chỗ nào, đó là sự tối tăm rộng lớn bao phủ chúng sinh, không còn phân biệt được cái gốc cốt yếu của thiện ác, không phân biệt được sự khác nhau giữa trắng và đen, ràng buộc và giải thoát, đạo pháp và thế tục, cũng không biết được đường ác, đường lành, xuất ly sinh tử, diệt hết phiền não, cho nên nói: “Chìm sâu tăm tối”.

Không chịu tìm đèn: Thế nào là đèn? Đó là đèn trí tuệ. Dùng đèn trí tuệ ấy để soi sáng cái gì? Đáp: Biết kết sử nổi lên thì dung đạo pháp để dứt bỏ. Phân biệt rõ cội gốc đường ác, đường lành, ra khỏi sinh tử, phân biệt rõ sự khác nhau giữa trắng và đen, rang buộc và giải thoát, đạo pháp và thế tục, khéo phân biệt đường ác, đường lành, ra khỏi sinh tử, diệt hết phiền não. Trí tuệ ấy soi chiếu các pháp, không chỗ nào là không soi sáng. Thế mà lại nỡ bỏ đi trí tuệ ấy mà đi vào chỗ tăm tối mờ mịt. Cho nên nói: “Sao không tìm đèn sáng”.

***

Các loài hữu hình,

Tản lạc các phương

Xương màu bồ câu

Có gì vui đâu?

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Lúc ấy, có một thầy Tỳ-kheo lạ mỗi ngày đến con đường bên gò mả trên cánh đồng hoang ở ngoại thành, thầy lần theo ruộng của người khác mà đến nơi đó. Người chủ ruộng thấy vậy rất giận dữ, nghĩ rằng sao đạo sĩ này ở đâu mà hằng ngày cứ qua lại đây không lo tu tập gì cả. Ông liền chặn hỏi Đạo nhân:

–Ông là khất sĩ ở đâu mà lại tự do qua lại trong ruộng tôi đến đổi thành lối mòn như thế?

Đạo nhân đáp:

–Tôi có vụ tranh tụng cần tìm người làm chứng.

Lúc ấy, người chủ ruộng này có túc duyên liên quan đáng được độ. Thế nên ông lén theo sau chân Đạo nhân. Đến nơi, ông thấy trong khoảng rộng của gò mả, hài cốt bừa bãi sình trương hôi thối rệu rã, chim thú tranh nhau rỉa ăn làm xương vương vãi khắp nơi. Có thây bị ăn nửa chừng, có thây bị ăn hết, có xác bị trùng dế bới móc giòi tửa rút rỉa, nồng nặc hôi thối, khó ai dám đến gần.

Diều, quạ, chồn, cáo, chó, cú vọ, kên kên, bồ cắt ăn tươi nuốt sống xác chết. Thầy Tỳ-kheo chỉ tay bảo người chủ ruộng:

–Đám chim thú ấy chính là người làm chứng của tôi đấy.

Vị ấy hỏi:

–Đám chim thú này là người làm chứng, nhưng thầy tranh tụng với ai chứ?

Thầy Tỳ-kheo đáp:

–Chính tâm tôi bị bệnh bởi nhiều phiền não tai hại. Nay tôi đến đây quán sát rõ các hài cốt phơi bày dơ bẩn đây, rồi tôi trở về phòng quán xét tự thân mình, thấy từ đầu cho đến chân thật không khác gì chúng. Nhưng tâm ý này cứ luôn rong ruổi theo các pháp huyền ảo, hư ngụy: Sắc, thanh, hương, vị, sự xúc chạm trơn láng.

Nay tôi muốn ngăn chặn từ cái gốc của tâm ấy3. Nay tôi là phàm phu chưa thoát khỏi mọi trói buộc, nhưng tên giặc tâm này nó không chịu ntuân lệnh tôi. Do vậy mà hằng ngày tôi phải đến chốn gò mả hoang vắng này, dùng pháp bất tịnh thuyết phục tâm tôi để cuối cùng khiến cái tâm bất định bướng bỉnh rối loạn kia, nay phải sửa đổi, không gây các ác duyên.

3. Tâm kia phải biết mà phát khởi ý niệm ấy, đừng để dẫn ta vào chốn địa ngục, ngạ quỷ.

Sau khi nghe lời Đạo nhân dạy, người chủ ruộng này lấy tay

gạt nước mắt, nghẹn ngào than thở.

Về ông chủ ruộng, đời Phật Ca-diếp, ông đã tu pháp quán bất tịnh suốt mười ngàn năm, ngay lúc ấy, ông đã phân biệt được ba mươi sáu vật xấu xa nhơ nhớp. Lúc bấy giờ thầy Tỳ-kheo và ông chủ ruộng kia, ngay tại chỗ nghĩa địa hoang vắng đáng sợ ấy đều chứng được đạo Tu-đà-hoàn.

Lúc bấy giờ, với Thiên nhãn trong sạch không vết bợn, Đức Thế Tôn nhìn thấy quả chứng của hai người là do nhân duyên đời trước. Muốn chỉ bày cho kẻ hậu học, để đời sau và hiện đời càng được sáng tỏ về lý ấy, cũng như chánh pháp tồn tại lâu dài, không dứt mất nửa chừng nên Đức Phật nói bài kệ trên.

Các loài hữu hình: Gồm có các phần như: tay, chân, cánh tay, cùi chỏ, eo lưng, khoang bụng, đùi vế, bắp tay, mắt cá chân, gót chân, đầu lâu, mỗi thứ nằm mỗi nơi. Cho nên nói những phần hình các loài hữu hình, tản lạc các phương.

Hình hài thân này như gỗ đá vô tri giác, nhưng vốn được yêu thích, tâm lúc nào cũng lo trang sức, tô điểm cho đẹp với hương hoa, phấn sáp xông ướp, nay thì tản lạc, mỗi món một nơi.

Xương màu bồ câu: Vốn là cái mà trăm ngàn ức chúng sinh thương yêu, ngắm nhìn mãi không chán, nhưng nay thì cũng chính nó mà trăm ngàn ức chúng sinh đều cho là đồ thấp hèn, vừa thấy đã ghê khiếp đến nổi ốc. Cho nên nói: “Xương màu bồ câu”.

Có gì vui đâu: Đời nói có vui, thì đó là phàm phu ngu mê lầm lạc. Cái mà người trí vất bỏ thì kẻ ngu lại ưa thích. Người trí cho là hổ thẹn xấu xa thì kẻ ngu lại nâng niu, thỏa mãn không chịu xả bỏ.

***

Nếu như đầu hôm

Thức vào thai mẹ

Hôm sau đời đổi

Đi mãi không về.

Như lời Đức Phật dạy thì có ba thứ hữu vi. Tướng các pháp hữu vi luôn hưng suy biến đổi. Có người hỏi:

–Nếu muôn vật là thường còn thì tại sao thây ma hài cốt không tồn tại lâu dài? Một trăm hai mươi thời là một ngày đêm, nếu như hình hài kia còn mãi trên thế gian thì thân thể người ta sẽ đầy tràn thế giới?

Đáp rằng:

–Vì chúng sinh kia cùng căn đồng sinh và cùng căn đồng diệt nên hình hài không thể tồn tại lâu dài được, trên cõi đời này, nếu như chúng sinh cùng căn đồng diệt cùng căn đồng sinh thì hài cốt sẽ còn lâu trên cõi đời này. Lại nữa, cùng thức đồng sinh cùng thức đồng diệt thì lúc ấy hài cốt không tồn tại lâu dài trên thế gian. Nếu chúng sinh cùng thức đồng diệt cùng thức đồng sinh thì lúc bấy giờ hình hài sẽ tồn tại lâu dài trên thế gian này.

Lại hỏi:

–Nếu sự già nua tồn tại lâu trên thế gian này, thì tại sao trẻ mới sinh tóc lại không bạc?

Đáp rằng:

–Ấy là bởi đầu tóc có màu trắng thôi chứ không có nghĩa là già nua, suy yếu. Nghĩa này hiểu thế nào? Lúc nương vào các căn thức kia để thọ thân thì liền đó đã có sự biến đổi màu sắc của sự suy yếu già nua rồi. Cho nên mới có việc tóc trắng sinh ra, giống như rượu, bơ, dầu mè có cặn lóng bên dưới. Lúc thọ thân cũng lại như vậy, liền khi ấy đã có sắc suy yếu mà sinh ra tóc bạc vậy. Cho nên nói: “Nếu như đầu hôm, Thức vào thai mẹ”. Như thức của trai hay thức của gái vào thai mẹ là căn cứ vào thời điểm đó, hoặc sinh hoặc diệt, trải qua cả trăm ngàn sự biến đổi, sinh diệt, không dứt, giống như bánh xe quay, không thể tính đếm. Chỉ có Thiên nhãn mới thấy được mà thôi. Lúc đó thức đi (chết) hay đến (sinh than mới), việc ấy không thần chú hay kỹ thuật nào ngăn chận được. Ra đi thì hun hút nhưng đến thì cũng chẳng có dấu vết gì. Thức ở trong thai mẹ, sinh diệt không dừng cũng như vậy, như dòng nước chảy xuôi về Đông không bao giờ chảy ngược lại phía Tây. Thần thức trong bào thai hễ ra đi rồi thì không bao giờ trở lại. Chỉ có Thiên nhãn mới thấy rõ được thần thức trong bào thai đến hay đi.

***

Sáng vừa mới thấy

Tối đã mất rồi.

Hôm qua mới đó

Giờ đã không còn

Ta đang tuổi trẻ

Không cậy vào đâu.

Tuổi trẻ cũng chết

Trai gái vô số.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Sáng hôm ấy, đến giờ Tôn giả A-nan đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Xa thấy ngoài cổng thành có các chàng trai trổi kỹ nhạc vui chơi. Tôn giả A-nan khất thực xong định ra khỏi thành thì thấy chàng ca sĩ nọ đã chết. Đám đông vừa khiêng xác vừa kêu gào khóc than thảm thiết. Lúc ấy Tôn giả A-nan thầm nghĩ: “Lạ thật, sự biến đổi vô thường đến nhanh như thế ư? Vừa rồi vào lúc sáng sớm, ta vào thành khất thực, thấy chàng trai này vui chơi với năm thứ nhạc, giống như vị vua trời, thế mà giờ đây đã bị vô thường bắt đi?” Ra khỏi thành, Tôn giả A-nan về đến tinh xá Kỳ hoàn vén y rửa sạch tay chân, đến chỗ Thế Tôn, lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên. Rồi Tôn giả A-nan quỳ thẳng, chắp tay, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vừa rồi vào buổi sáng, khi vào thành khất thực, con trông thấy một chàng trai trổi kỹ nhạc, tự vui chơi năm dục. Khất thực xong trở về, con thấy chàng trai kia đã chết. Đám đông khiêng xác đi, gào khóc thảm thiết. Bạch Thế Tôn, lúc ấy con nghĩ: “Lạ thật, sự biến đổi vô thường sao đến nhanh như thế ư?

Vừa rồi vào lúc sáng sớm, ta vào thành khất thực, thấy chàng trai ấy còn vui chơi với năm thứ nhạc giống như vị vua trời, thế mà giờ đây đã bị vô thường bắt đi?” Điều mà hôm nay con trông thấy thật quá lạ lùng, chưa bao giờ thấy.

Đức Thế Tôn bảo:

–Này A-nan, việc ấy đâu có gì là lạ? Việc mà Ta thấy còn kỳ lạ hơn việc ngươi thấy bội phần. Lúc nọ, đến giờ, Ta đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực thì lúc ấy, này A-nan, Ta cũng thấy có một chàng hát ca năm thứ nhạc vui chơi trước cổng tinh xá Kỳ hoàn. Bấy giờ, Ta vào thành khất thực, khất thực xong trở ra khỏi thành, Ta thấy chàng trai nọ vẫn còn đang ca hát vui chơi ở đó, y như cũ. Đó là điều Ta thấy, đặc biệt hơn ông bội phần.

Lúc ấy Tôn giả A-nan liền bạch Phật:

–Đó là việc bình thường, đâu có gì là lạ?

Đức Phật bảo ngài A-nan:

–Mạng sống con người qua nhanh như gió khó kiềm giữ lại được. Thế thì lời ông vừa nói có gì là lạ(4)? (4. Chú ý Phật khởi trị A-nan sống chết tức tốc, vậy chuyện thấy người ca sĩ vừa chết đâu có gì lạ.)

***

Lúc đó Đức Thế Tôn quán sát nghĩa này, nghiên cứu tận gốc ngọn vô thường, muốn giúp các Tỳ-kheo thấy rõ pháp này, lại vì muốn cho chúng sinh đời sau biết rõ thêm, khiến chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian nên Đức Thế Tôn liền nói bài kệ Xuất diệu:

Sáng vừa mới thấy

Tối đã mất rồi.

Hôm qua mới đó

Giờ đã không còn.

Ta đang tuổi trẻ

Không cậy vào đâu.

Tuổi trẻ cũng chết

Trai gái vô số.

Sáng vừa mới thấy, tối đã mất rồi: Nghĩa là có hàng trăm, ngàn loài chúng sinh, buổi sáng thấy đó, nhưng tối thì đã mất. Có những chúng sinh nhờ suy nghĩ so lường, căn lành đầy đủ, tâm không lầm loạn, tự biết mạng sống như lửa xẹt từ đá, nó nháng qua rồi tắt mất, thì ai lại sinh tâm tham đắm nó. Chỉ có kẻ thiếu hiểu biết, hạng phàm phu ngu tối mới sinh tâm tham đắm mà thôi.

Hôm qua mới đó, giờ đã không còn: Nghĩa là hôm qua còn thấy đi đứng tới lui, nếu những người ấy biết suy nghĩ, gây trồng các công đức, tâm hăng hái sửa đổi lỗi lầm, bên trong tự nghĩ không có gì đáng vui. Cho nên nói: “Sáng vừa mới thấy, tối đã mất rồi. Hôm qua mới đó, giờ đã không còn”.

Ta đang tuổi trẻ, không cậy vào đâu: Là như kẻ ngu thiếu hiểu biết tự ỷ vào sức mạnh của mình, tha hồ tự tung tự tác theo ý thích, không nghĩ đến sau này. Tự cho mình trẻ đẹp hơn người, còn kẻ khác thì xấu xí hèn hạ, không đáng làm bạn với mình, vì mình tiêu biểu cho trẻ, đẹp, giàu có, danh vọng hơn mọi người. Tự ỷ vào sức khỏe mạnh mẽ của mình, không cần làm bạn với ai, muốn gì được nấy, không ai chống cự lại nổi, tha hồ làm theo ý muốn, không né tránh cả đến bọn cường hào khác.

Những người này không nghĩ đến cái chết chợt tới, không thấy được tai họa sinh tử khổ não. Cho nên nói: “Ta đang trẻ tuổi, không cậy vào đâu”.

Tuổi trẻ cũng chết, gái trai vô số: Giả sử vô số loài chúng sinh gái trai, lớn nhỏ, mà thọ thân hình khí lực sung mãn, của cải vô số, tha hồ làm theo ý muốn, tuổi trẻ sức mạnh. Nhưng trong cuộc đời này, số chết trẻ lại nhiều hơn số chết già. Nối nhau mà ra đi như vậy, nhưng người chết ấy trước khi còn sống họ không biết tu các công đức, gốc của các điều lành không chỗ nương cậy, từ đời này đến đời sau phải trôi lăn trong năm đường ác, không lúc nào dừng nghỉ. Cho nên nói rằng: “Tuổi trẻ cũng chết, gái trai vô số.

Trong thai đã hư, mới ra thai đã chết, có khi ra đời ít lâu rồi chết, có hài nhi chết khi đang còn bồng trên tay”.

Người trẻ chết là hạng trung gian, dần dần theo thứ lớp như trái cây đợi chín. Một đời người là sáu vạn năm hay sáu ngàn năm (dài ngắn khác nhau), trong khi sinh ra đã ẩn chứa sự hoại diệt, ấy là bởi việc hại người kiếp trước. Chữ người ở đây là chỉ cho các vua chúa, nhà giàu, bâc đạo sư, người đi buôn, cha mẹ, bâc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Kẻ nào khởi tâm ác, giết hại những người kể trên thì hoặc đọa địa ngục A-tỳ, hoặc ngục nóng dữ dội, hoặc ngục kêu khóc, hoặc ngục kêu khóc dữ dội, hoặc ngục Đẳng hoặc, hoặc ngục Hắc thằng… Khi hết tội ở địa ngục thì sinh vào loài lục súc, trải qua nhiều kiếp sinh tử qua lại. Đến khi được sinh làm người thì nửa chừng cũng chết trong bào thai. Cho nên nói: “Trong thai đã hư” là vậy.

“Vừa ra khỏi thai đã chết”, nghĩa là có chúng sinh vừa ra khỏi thai mẹ thì chết. Hoặc có chúng sinh, trước muốn làm các công đức, nhưng chưa làm được, vừa ra khỏi lòng mẹ thì chết. Ấy là do đời trước khởi tâm ác giết hại người làm phước kia. Cho nên nói:

“Vừa sinh ra đã chết”. Còn câu: “Có khi ra đời ít lâu rồi chết” chỉ cho loại chúng sinh tu các công đức, đối với các chùa tháp lập ra vườn cây trái, ao tắm, làm cầu, làm nhà xí, nhưng việc làm chưa xong thì bị người giết hại, đó là do đời trước hại người phước đức.

Chết rồi đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ trải qua thời gian lâu dài, khi được sinh làm người thì chỉ mới sinh ra khỏi bào thai, cái chết đã ập đến rồi. Cho nên nói: “Có khi ra đời ít lâu rồi chết”.

Câu: “Chết khi đang còn bồng trên tay” là chỉ hạng chúng sinh đối với chùa tháp đã tu, đã lập các công đức như lập vườn cây trái, ao tắm, làm cầu, làm nhà xí, việc làm vừa xong, công đức chưa được bao lâu thì bị người giết hại. Ấy là do đời trước khởi tâm giết hại người làm phước kia, nên sau khi chết, đọa vào địa ngục.

Tội địa ngục hết rồi thì đọa vào súc sinh, sau đó được sinh lên làm người. Lúc mới còn hài nhi bồng trên tay chưa phân biệt được màu trắng màu đen thì đã bị chết non rồi. Thế nên kệ nói:

Người già, tuổi trẻ

Và hạng trung bình

Lần lượt đến phiên

Như trái chờ chín.

Xưa, Tôn giả Mã Thanh cũng có nói kệ rằng:

Có người chết trong thai,

Có kẻ vừa sinh chết

Tuổi trẻ không khỏi chết,

Già suy cam chịu vậy.

Như cây nở hoa nhiều

Khi đậu trái thật hiếm

Chỉ người chí buông hết

Thần chết chẳng nỡ gọi.

Như loại cây có trái kia lúc nào cũng phát triển thật tốt, hoa nở sum suê, nhưng gặp cơn gió thổi thì bông rụng cả, đậu trái được không bao nhiêu. Hoặc đã đậu trái rồi, nhưng gặp cơn mưa đá cũng bị rụng đi. Có khi mới tượng nụ, chưa thành bông cũng bị rụng rồi.

Có khi thành bông rồi cũng bị rụng mất. Rồi những bông đã thành trái ấy cũng đợi chín mà rụng theo. Loài chúng sinh cũng vậy.

Trong trăm ngàn thân chúng sinh kia thì cũng chỉ một, hai trường hợp ở trong thai, sinh ra, lớn lên, rồi già nua, nhưng rồi cũng đi vào con đường tử biệt ấy, nào ai tránh khỏi tai họa kia. Và trong trăm ngàn kiếp sống ấy, kẻ thọ tới già mới chết chỉ một hai người, còn kẻ chết lúc còn trẻ nhiều không kể hết. Cho nên nói:

Người già tuổi trẻ

Và hạng trung bình

Lần lượt đến phiên

Như trái chờ chín.

***

Mạng như trái chờ chín

Thường lo lúc rơi rụng

Đã sinh thì có khổ

Ai tránh được tử thần?

Thuở nọ, vua Ác Sinh Minh, một hôm với xa giá chỉnh tề cùng đoàn hộ tùng ra dạo chơi ở hậu viên, ngắm xem những hang cây ăn trái thẳng tắp trên đường. Tục lệ nước này trái thật chín mới ăn, không ăn trái sống. Lúc ấy, vua ra lệnh cho người giữ vườn:

–Trái cây nào dù lớn hay nhỏ hễ rụng xuống đất rồi thì không được lượm dâng vua. Kẻ nào phạm luật ấy sẽ bị chém đầu.

Lúc ấy người giữ vườn thầm nghĩ: “Vua Ác Sinh Minh này quá bạo ngược, không đạo đức, giết hại người không tâm thương xót. Nếu ta phạm luật ấy thì sẽ chết bất cứ lúc nào thôi, không tránh khỏi nguy khốn. Nay, cây trong vườn này rất sai trái, nhưng số trái đậu trên cây rất ít mà số trái rụng xuống đất thì nhiều. Nếu vua đòi ta dâng trái, thì không biết lấy đâu mà ra, chi bằng ta trốn đi xuất gia học đạo hay hơn”. Thế rồi, anh leo tường ra ngoài, đến chỗ Đức Phật, năm vóc gieo sát đất, xin Ngài cho làm Sa-môn. Đức Phật liền chấp nhận cho anh ta xuất gia. Nhưng anh ta cứ lặng yên, không tọa thiền tụng kinh gì cả, cũng không học giới luật, A-tỳ-đàm, tự cho hành đạo như vậy là đủ, cũng không nghĩ đến việc rỗi rảnh đi kinh hành, đọc tụng mười hai yếu quyết nhọc nhằn khó được. Chỉ dựa vào ba việc, không nghĩ đến tương lai, trong tâm vui mừng cho rằng: “Ta đã thoát khỏi sự khổ của thân, giờ đây ta nên an vui, đâu cần biết đến những việc khác!”

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn quán biết tâm trạng của vị Tỳ-kheo ấy, muốn giúp thầy thoát khỏi khổ nạn, giúp thầy được ở yên trong ngôi nhà pháp lành, để nhổ gốc khổ sinh tử, đưa vào đường giải thoát, không còn lui sụt. Lúc bấy giờ, giữa đại chúng, Đức Phật liền nói bài kệ Xuất diệu:

Mạng như trái chờ chín

Thường lo lúc rơi rụng

Đã sinh thì có khổ

Ai tránh được tử thần?

Lúc ấy vị Tỳ-kheo nghe lời Đức Phật dạy, trong tâm tự trách, cảm thấy hổ thẹn, rồi ở nơi vắng vẻ, tư duy những lỗi lầm cũ, quán chiếu chánh đạo, ngay tại chỗ ngồi chứng được quả A-la-hán.

***

Như người thợ gốm

Nặn đất thành đồ

Tất cả phải bể

Mạng người cũng thế.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ. Lúc ấy có một người thợ gốm làm các đồ vật bằng sứ, anh không từ chối bất cứ món hàng nào có hình dáng khó nặn. Lúc ấy vua Ba-tư-nặc nước Kiều-tát-la ra lệnh các thợ gốm làm các món đồ dùng. Vì người thợ gốm bận nhiều công việc nên cuối cùng không xong món đồ. Nghe vậy, vua Ba-tư-nặc nổi giận, bảo các quan đến nhà người thợ gốm đạp vỡ hết các món đồ gốm của người thợ. Sợ bị mất mạng nên anh thợ đồ gốm này lén bỏ trốn qua nước Ca-thi. Ở đây, anh lại làm các thứ đồ gốm. Biết vậy, vua Ba-tư-nặc lại sai quan đến đó đập vỡ hết đồ gốm của anh ta. Anh này lại trốn sang nước Câu-tát-la. Ở đây, anh lại làm các thứ đồ gốm. Nghe tin, vua Ba-tư-nặc lại sai các quan đến đó đập phá hết đồ gốm của anh ta. Lúc ấy tài sản đã hết sạch, người thợ này hết phương sinh sống. Cơm không no, quần áo không đủ che thân, thường sợ vua Ba-tư nặc bắt giết. Anh lẩn trốn vào núi sâu, rồi sau đó đến chỗ Đức Phật xin nhập đạo. Đức Phật im lặng, cho phép xuất gia. Nhưng rồi, vị Tỳ-kheo này không để tâm quán chiếu tu tập, cho rằng mình đã thoát khỏi khổ nạn, không còn sợ bị vua giết, ở nơi vắng vẻ không tư duy đạo đức, cũng không học kinh, luật, luận, cũng không phân biệt nghĩa lý; không chịu tu tập đạo pháp xuất thế, không tọa thiền, tụng kinh, giúp đỡ các việc; bỏ cả ba việc, không siêng năng tu tập, cho rằng hành đạo bấy nhiêu là đủ rồi; không hăng hái tinh tấn cầu pháp của bậc Thượng nhân; pháp chưa chứng không siêng năng cầu chứng, quả chưa đắc cũng không siêng năng cầu chứng. Đức Như Lai Thế Tôn dùng Tam đạt trí mà quán sát tâm lý vị Tỳ-kheo này, Ngài dần dần giáo hóa xé tan lưới ngờ vực. Ngài bảo:

–Thầy đã bỏ nghề làm đồ gốm rồi, khỏi buồn lo vì mất mạng, chỉ có thân năm ấm lẫy lừng như đồ gốm. Ấy là nỗi lo sợ lớn lao, không thể tránh khỏi nạn ấy. Đồ gốm dù bể vẫn không sợ, là bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Thân năm ấm lẫy lừng này là hình thức đồ gốm, nếu trước không làm các công đức, phước nghiệp, không tu các gốc lành thì không biết nương cậy vào đâu, cũng không có chỗ để trở về. Thế nên thường phải lo sợ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn quán sát nghĩa này, thấu suốt gốc ngọn, thấy rõ nghĩa này rồi vì muốn chư Tỳ-kheo dứt hẳn mọi thắc mắc và cũng muốn chúng sinh đời sau này thấy rõ chánh pháp tồn tại lâu dài. Khi ấy, ở trước đại chúng, Ngài liền nói bài kệ:

Như người thợ gốm

Nặn đất thành đồ

Tất cả phải bể

Mạng người cũng thế.

Các món đồ dù nung hay chưa nung cũng đều phải bị vỡ, dần dần sẽ trở thành cát bụi, không nên tham đắm. Các loài chúng sinh thọ than năm ấm này là món đồ sẽ bị vỡ, dòng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Chiên-đà-la thọ thân hình, sống lâu chết yểu, giàu có, nghèo hèn, tươi đẹp, xấu xí, hay giàu sang, thấp hèn, khôn hay ngu, tất cả đều đi đến chỗ chết. Vô thường biến đổi đều sẽ vất bỏ. Thầy Tỳ-kheo ở nơi chỗ vắng kia nghe những lời giáo huấn của Như Lai, liền hiểu rõ lý vô thường, thấu suốt nguồn gốc tội phước, hiểu được sự thay đổi hưng suy, vâng theo hạnh diệt độ, thầy liền ở trước Phật chứng quả A-la-hán.

***

Như trên khung dệt

Thoi dệt qua, lại

Chỉ dần dần hết

Mạng người cũng thế.

Thuở xưa, có người giỏi nghề dệt len, nhưng dệt trong giây lát là anh tỏ vẻ mệt mỏi. Nhiều lần được người cha nhắc nhở, nhưng anh bảo cứ thong thả có gì phải gấp. Vừa dệt xong tấm lụa, anh không dệt nữa. Cha anh bảo:

–Dệt xong rồi con còn phải làm những việc khác nữa chứ. Người cha nói như vậy cả mấy mươi lần, đứa con thần thức bị thác loạn nên sau đó bể gan chết trước mặt bố. Thấy con chết, người cha bèn bỏ cả gia nghiệp, xuất gia học đạo. Dù đã xuất gia học đạo, thầy Tỳ-kheo lòng vẫn nhớ con không nguôi, cũng không tư duy đạo đức, chuyên tâm thiền định cầu pháp Thượng thừa, cũng không suy nghĩ Khế kinh, Giới luật, A-tỳ-đàm, cũng không ngồi thiền, tụng kinh, làm việc giúp chúng, lòng cứ nhớ thương đứa con đã chết. Lúc ấy Đức Thế Tôn dùng Tam đạt trí quán biết tâm ý thầy Tỳ-kheo ấy, thấu rõ gốc ngọn, quán rõ ý nghĩa ấy rồi và muốn giúp các Tỳ-kheo dứt hết mọi ngờ vực, khiến cho chúng sinh đời sau thấu rõ chánh pháp sáng suốt tồn tại lâu dài trên thế gian, nên trước đại chúng.

Đức Phật nói bài kệ Xuất diệu:

Như trên khung dệt

Thoi dệt qua, lại

Chỉ dần dần hết

Mạng người cũng thế.

Tất cả muôn vật đều đi đến chỗ chết, vô thường thay đổi đều được vất bỏ ngoài gò mả chốn đồng hoang.

Thầy Tỳ-kheo kia nghe những lời giáo huấn ấy của Như Lai, liền hiểu rõ lý vô thường, thấu suốt nguồn gốc tội phước, hiểu được sự thay đổi hưng suy, vâng theo hạnh diệt độ, liền ở trước Phật chứng được quả A-la-hán.

***

Như kẻ tử tù

Dẫn qua chợ búa

Dần vào cõi chết

Mạng người cũng vậy.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ. Lúc đó vua Ba-tư-nặc, quốc vương nước Kiều-tát-la ra lệnh cho lính canh ngục hãy đem hết bọn trộm cướp chiếu theo luật đem ra chợ xử tử hết. Lúc ấy, có một tên trộm ở trong đám đông liền trốn thoát, rồi y mượn pháp phục giả làm Sa-môn.

Trong tâm tên trộm này luôn nghĩ làm vậy là mình đã thoát khỏi nguy hiểm, không còn lo sợ bị vua giết hại. Ở nơi vắng vẻ, không suy nghĩ đạo đức, không học kinh, luật, luận, cũng không thong hiểu được nghĩa lý, các đạo pháp hóa độ thế gian, cũng không ngồi thiền tụng kinh, làm việc giúp chúng, xa lìa ba việc, không siêng năng tu tập, cho rằng tu đạo như vậy là đủ rồi, không mạnh mẽ tinh tấn cầu pháp của bậc Thượngb nhân. Quả chưa chứng, không siêng năng cầu chứng, những điều chưa được cũng không siêng năng tìm cầu cho được. Đức Như Lai dùng Tam đạt trí quán biết tâm thầy Tỳ-kheo ấy, dần dần giáo hóa, xé tan lưới ngờ vực của vị ấy. Ngài dạy:

–Phải dứt trừ nạn của giặc sinh tử, vì nó còn đọng nhiều oan trái khác nữa. Cái thân năm ấm lẫy lừng này trôi lăn trong năm đường không có ngày nghỉ, bị phiền não kết sử giết hại, đọa vào đường ngạ quỷ, súc sinh.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn quán xét ý nghĩa này, thấu suốt gốc ngọn, muốn cho các thầy Tỳ-kheo dứt hết mọi ngờ vực, khiến cho chúng sinh đời sau thấy được chánh pháp sáng suốt tồn tại lâu dài, nên Ngài nói bài kệ này:

Như kẻ tử tù

Dẫn qua chợ búa

Dần vào cõi chết

Mạng người cũng vậy.

Bấy giờ thầy Tỳ-kheo kia ở nơi thanh vắng suy nghĩ, so lường, tự trách mình, hiểu rõ muôn vật đều vô thường, sống không bao lâu rồi cũng trở về cõi chết, sự thay đổi về hưng suy nào phải chuyện mới mẻ gì, mà đã có từ lâu. Ở trước Đức Phật, vị Tỳ-kheo ấy ăn năn hối cải, chứng được quả A-la-hán.

***

Như dòng sông chảy

Không hề trở lại

Mạng người cũng vậy

Đi không trở lại.

Ngày xưa, có đám đông người ra ngồi bên bờ sông, quan sát dòng nước đã giết hại biết bao nhiêu người, hoặc cha mẹ, vợ con, trai gái bị té xuống sông cũng chết vô số lượng. Người được vớt cứu chỉ bằng một phần vạn. Lần nọ, có một người bị chìm xuống nước sâu được cứu sống bèn đến chỗ Đức Phật xin làm Sa-môn.

Đức Phật liền chấp nhận, cho phép nhập đạo, nhưng thầy Tỳ-kheo ấy không biết suy nghĩ đạo lý, cho rằng mình thoát hẳn tai nạn chết hụt, không còn sợ chết chìm nữa, ở nơi thanh vắng không suy tư đạo đức, không học Khế kinh, Giới luật, luận A-tỳ-đàm, không tìm hiểu nghĩa lý sâu sắc, các pháp ra khỏi thế gian, không tu tập ngồi thiền, tụng kinh, làm việc giúp chúng, lìa hẳn ba việc, cho rằng hành đạo như vậy là đủ rồi, không mạnh mẽ tinh tấn cầu pháp của bậc Thượng nhân, quả chưa chứng không siêng năng cầu chứng, những điều chưa được cũng không siêng năng tìm cầu cho được.

Đức Như Lai Thế Tôn dùng Tam đạt trí quán sát tâm thầy Tỳ-kheo này, dần dần giáo hóa, xé tan lưới ngờ vực, Ngài liền nói với thầy Tỳ-kheo:

–Tránh khỏi nạn giặc sinh tử còn đọng nhiều hoạn nạn khác, thân năm ấm lẫy lừng này trôi lăn trong năm đường không ngừng nghỉ, bị các kết sử giết hại, đọa vào đường ngạ quỷ, súc sinh.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn quán sát ý nghĩa này, tìm xét gốc ngọn, khiến cho các Tỳ-kheo dứt hẳn ngờ vực, khiến chúng sinh đời vị lai thấy được chánh pháp sáng tỏ, tồn tại lâu dài, nên Phật nói bài kệ trên.

 

QUYỂN 2

Phẩm 1: VÔ THƯỜNG (Phần 2)

Như dòng sông chảy

Không hề trở lại

Mạng người cũng vậy

Đi không trở lại.

Thầy Tỳ-kheo kia nghe Đức Phật dạy rồi trong tâm tự hổ thẹn, biết ra tất cả muôn vật đều trở về chỗ vô thường tử biệt, thay đổi không có gì lâu dài, khổ về thương yêu mà phải chia lìa, oán ghét mà phải gặp nhau, nên suy nghĩ rằng không có ta, không có người, không có mạng sống, tâm ý chuyên chánh hướng về Niết-bàn. Bị nước sông nhận chìm không có gì đáng nói, chỉ có dòng sông chết nhận chìm nhiều kiếp không thoát ra được, phải tìm phương cách ra khỏi dòng sông chảy xiết ấy. Sau khi nghe lời Phật dạy, thầy Tỳ-kheo kia tâm ý mở tỏ, dứt mọi ý nghĩ xằng bậy, ở trước Đức Phật liền dứt bỏ được nạn sinh tử, chứng được quả A-la-hán, ba lần tự nói lành thay, do ý nguyện phước báu mà được. Bấy giờ, vô số chúng sinh trong pháp hội nghe vị Tỳ-kheo này chứng quả A-la-hán nên họ đều phát sinh hạnh vô dục thanh tịnh, đều chứng quả Tu-đà-hoàn.

***

Công lao tu tập

Nhiều kiếp mới được

Que vạch, nước rẽ

Rút que, nước hợp.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn Cam-lê, thành Tỳ-da-ly.

Lúc ấy rất đông các vị Tỳ-kheo đang ngắm nhìn phong cảnh đất nước này, dân giàu nước mạnh, sự ăn ở được bình yên, ai nấy sống thỏa tình thích ý với lúa thóc lương thực tràn đầy, nhưng không tuân theo pháp luật, trên dưới chống đối nhau, ai cũng cho mình là chân chánh. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn vì lòng thương xót sự ngu mê của họ, nên Ngài dùng nhiều phương cách dẫn dắt để họ được pháp vị. Đức Phật liền nhóm họp đại chúng bảo các Tỳ-kheo:

–Ai là người có trí tuệ thì qua thí dụ sau đây sẽ tự hiểu. Như đất nước này chợt bị chìm ngập trong làn nước bao la không còn chừa một chỗ nào hết, trong cõi nước đó, có một con rùa mù sống ở trong nước trong vô số trăm ngàn kiếp không thể tính kể, trên mặt nước có một mảnh ván bằng khuỷu tay với một cái lỗ, bị gió trôi dạt. Con rùa mù nọ một trăm năm mới trồi đầu lên ở hướng Đông, thấy gió thổi tấm ván về hướng Nam. Này các thầy, con rùa mù nọ có chui được vào cái lỗ ấy không?

–Dạ không! Bạch Thế Tôn.

–Rồi lại một trăm năm nữa, con rùa ấy trồi lên ở phía Nam, nhìn thấy gió dạt tấm ván ấy bên phía Tây. Này các thầy, con rùa mù nọ có chui được vào lỗ ván ấy không?

–Dạ không! Bạch Thế Tôn.

–Bốn hướng nhìn và trôi dạt cứ thế xa nhau, các thầy nghĩ

sao, con rùa mù ấy có cơ may chui vào được cái lỗ của tấm ván chăng?

–Dạ không! Bạch Thế Tôn.

Lúc ấy các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:

–Thế thì trọn kiếp, con rùa mù kia có gặp được lỗ tấm ván không?

Đức Thế Tôn bảo:

–Việc ấy hẳn là khó vô cùng, nhưng vẫn có lúc gặp được.

Làm thân súc sinh đã khó, từ súc sinh mà được làm thân người lại càng khó hơn. Các thầy phải biết thân người khó được. Có khi được thân người mạng sống lại ngắn ngủi, không giống người xưa tuổi thọ vô lượng. Khi Đức Phật Tỳ-bà-thi ra đời, là Bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Sau khi Ngài nhập diệt, con người sống đến bảy vạn tuổi. Rồi lại có Phật Thi-khí ra đời, là Bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hành Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Sau khi Ngài nhập diệt, con người sống đến sáu vạn tuổi. Bấy giờ có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-xá phù Như Lai, là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn xuất hiện. Sau khi Ngài nhập diệt, con người sống đến năm vạn tuổi. Bấy giờ có Đức Phật hiệu là Ca-cưu-lưu Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đủ mười hiệu xuất hiện ra đời. Sau khi Ngài nhập diệt, con người sống đến bốn vạn tuổi. Bấy giờ có Đức Phật hiệu Ca-na-ca Mâu-ni Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đủ mười hiệu ra đời. Sau khi Ngài nhập diệt, con người sống được hai vạn tuổi. Lại có Đức Phật Ca-diếp Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đủ mười hiệu. Sau khi Ngài nhập diệt, con người sống được một trăm tuổi. Nay Ta ra đời hiệu là Thích-ca Văn Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đủ mười hiệu. Các Tỳ-kheo nên biết, số người sống lâu hơn một trăm tuổi chẳng là bao, còn số sống khoảng trăm tuổi là thường có. Cho nên bảo rằng: Công lao tu tập, nhiều kiếp mới được.

Người xưa nhờ tu nhân tích đức nên tuổi thọ vô lượng, các hạnh lành đầy đủ, không có bệnh tật, ôn dịch, khí độc. Người dân sống lâu tám vạn bốn ngàn tuổi. Thời ấy chỉ có ba tật nạn là tâm dục, đói khát, già yếu. Còn đời nay, năm trược lẫy lừng, tuổi thọ con người rất ngắn, với bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh ràng buộc than người. Tôn giả Mã Thanh cũng có bài kệ:

Các nạn nhóm thành thân

Già chết luôn rình rập

Gươm độc, lửa hừng cháy

Phải chống đỡ vạn bệnh.

Cho nên nói:

Công lao tu tập

Nhiều kiếp mới được

Que vạch, nước rẽ

Rút que, nước hợp.

Như hiện nay, mạng sống con người mong manh không giữ gìn lâu được. Thế thì ai là người còn ham mến cái đời sống này? Chỉ có kẻ phàm phu thiếu hiểu biết mới thích sống trong ba cõi. Người dân nghe xong những điều Đức Phật dạy đều phát tâm thanh tịnh, tu hạnh không lui sụt.

***

Như người cầm gậy

Lùa trâu đi ăn

Già chết cũng vậy

Nó nuôi mạng trùng.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong thành La-duyệt, nước Ma-kiệt-đà, Ngài cùng A-nan đắp y, ôm bát đi khất thực. Trên đường, Ngài thấy người nọ lùa cả ngàn con trâu ra đồng cỏ tốt rồi y đốt khói canh giữ trâu. Đức Phật hỏi ngài A-nan:

–Thầy có thấy người kia lùa bầy trâu chăng?

Ngài A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Bầy trâu này trước kia có đến cả ngàn con, nhưng bởi thả ra đồng chăn giữ không cẩn thận nên bị cọp, thú dữ nhìn thấy bắt ăn thịt hơn phân nửa rồi. Số còn lại không biết lo gì cả cứ thản nhiên húc cụng, đấu đá lẫn nhau, kêu rống inh ỏi. Thương thay sự ngu si vô trí của chúng sao mà quá lắm vậy!

Đức Phật bảo A-nan:

–Con người sống ở thế gian này cũng giống như vậy. Chấp cái tôi, cái ta, không biết vô thường, tham đắm năm dục, nuôi dưỡng thân này thỏa thích tình ý mà tàn hại lẫn nhau, không biết vô thường rình rập đến bất cứ lúc nào. Họ mờ mịt nào biết chuyện gì xảy ra, có khác gì bầy trâu  ọ. Dù được nước ngọt, cỏ non nuôi thân, nhưng đó là rút ngắn mạng sống chứ có ích gì cho bản thân mình.

Đức Phật trở về tinh xá, do sự việc trên nên Ngài khuyên dạy bốn chúng đệ tử. Trong số đó có hơn hai trăm người nghe pháp tâm ý khai ngộ, chứng được sáu thứ thần thông, đắc quả A-la-hán. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có người nghe được lời dạy này mà được giải thoát, có người nghe rồi dùng trí tuệ nhiệm mầu suy nghĩ mà được giải thoát, có người nghe qua thí dụ mà được giải thoát. Có người ngu dốt, nghe một câu kệ mà được độ thoát, ấy là nhờ thí dụ vậy. Bài kệ này nói nhằm vào ý nghĩa đó, mỗi người tùy theo sự hiểu biết mà được độ thoát. Cho nên nói: Như người cầm gậy… là như thế.

***

Ngày nay đã qua

Mạng sống giảm theo

Như cá cạn nước

Nào có vui gì

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Người ta sống trên đời việc làm khác nhau, sự hiểu biết cũng khác nhau. Một ngày trôi qua thì mạng sống cũng giảm theo.

Dù sống trăm tuổi, nhưng ngủ nghỉ cũng mất hết phân nửa thời gian. Đức Phật bèn nói cho hội chúng nghe bài kệ:

Phàm người muốn lập đức

Ngày đêm không để hở

Đêm ngày nhanh như chớp

Mạng người mau cũng vậy.

Lúc ấy người đến tham dự hội quán sát rõ nghĩa ấy mà áp dụng tu hành. Trong một ngày đêm trôi qua có biết bao cơ duyên đưa đến tử biệt. Kẻ ngu nương tựa, đắm nhiễm thân này. Các vị phải siêng năng nhớ nghĩ, phát tâm mạnh mẽ, đừng để mất than này. Cho nên nói:

Ngày nay đã qua

Mạng sống giảm theo

Như cá cạn nước

Nào có vui gì.

Này các thầy Tỳ-kheo, các thầy phải biết rõ lẽ thật ấy. Sông lớn, biển rộng còn có lúc khô, cá lớn ở sâu muôn tầm còn phải phơi lưng lên,  huống gì là nước ít thì làm sao không như thế được? Cũng có lúc mưa cuộn nước lũ tràn ngập các ngòi rãnh, nước cuốn băng băng chảy xiết, tiếng vang ầm ầm khắp bốn phía. Người bên bờ kia gọi người bên bờ này không nghe tiếng nhau. Nhưng rồi, cũng có lúc khe ngòi cạn khô, không một giọt nước nào. Dù chúng sinh trong bốn đường với hình thù khác nhau, nhưng sự sống của ai nấy cũng giảm như cá cạn nước nào có vui gì đâu? Có chúng sinh tuổi thọ rất dài lâu, như chư Thiên sống lâu tám muôn bốn ngàn kiếp, địa ngục sống lâu một kiếp, súc sinh có tuổi thọ đồng với địa ngục.

Còn ngạ quỷ có tuổi thọ không hạn lượng. Như Tôn giả Mãn Nguyện đến giờ đắp y ôm bát vào thành Phất-ca-la khất thực, thời thầy gặp một ngạ quỷ đứng tựa ở cửa thành ấy. Thầy bèn hỏi:

–Ngươi đứng đây để làm gì?

Quỷ nói:

–Thầy có thấy con không?

Thầy Tỳ-kheo nói:

–Ta thấy ngươi.

Quỷ lại nói:

–Chồng con vào thành đến giờ vẫn chưa trở ra, con đứng đây đợi.

Thầy Tỳ-kheo hỏi:

–Chồng ngươi vào thành để làm gì?

Quỷ nói:

–Trong thành này có vị trưởng giả mắc bệnh ung thư lâu ngày, bữa nay u nhọt vỡ mủ, máu chảy đầm đìa, chồng con dắt theo hai ngạ quỷ khác đến đó để ăn uống máu mủ mà sống.

Thầy Tỳ-kheo lại hỏi:

–Chồng người đến thành này bao nhiêu lần rồi?

Vì thành này tọa lạc gần bên bờ sông nên quỷ giơ tay chỉ thành và nói với thầy Tỳ-kheo rằng:

–Bờ bên này và bờ bên kia thành này bồi lở đến nay đã bảy lần rồi, chồng con đã vào thành suốt cả thời gian ấy.

Như vậy, tuổi thọ của ngạ quỷ dài lâu không thể tính kể, cũng không hạn định được. Còn loài người thì tuổi thọ cao nhất là trăm năm, tuy có hơn cũng không được bao người. Cho nên nói:

Như cá cạn nước

Có vui thú gì?

Lời ấy nhắc ai nấy biết đừng để mình bị rơi vào bốn đường.

***

Đêm dài mất ngủ,

Đường xa mỏi mệt

Ngu sinh tử dài

Không biết chánh pháp.

Thuở ấy Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

–Có bốn hạng người đêm ngủ ít mà thức nhiều, bốn hạng đó là: Gái nhớ trai, đêm ngủ ít mà thức nhiều; hai là trai nhớ gái, đêm ngủ ít mà thức nhiều; ba là kẻ trộm, đêm ngủ ít mà thức nhiều; bốn là Tỳ-kheo tu tập thiền định siêng tu chánh pháp, đêm ngủ ít mà thức nhiều.

Thuở Đức Phật ngự tại Kỳ hoàn A-na-luật-mân-a-lam, thuộc thành Xá-vệ, có một vị Phạm chí nhờ tạo lập công đức đời trước, cơ duyên được độ đã đến, ông ấy chợt nghe câu kệ: “Ngu sinh tử dài”, nhưng vị Phạm chí này có nhiều tài sản vật báu, tôi tớ hầu hạ, gia nghiệp đầy đủ, thê thiếp xinh đẹp bâc nhất trên đời, dung nhan không hề khiếm khuyết. Bấy giờ vị Phạm chí suy nghĩ: “Ta nên đến chỗ Như Lai, hỏi rằng đời vị lai có bao nhiêu vị Phật”. Sau khi ra khỏi thành, vị Phạm chí đến tinh xá Kỳ hoàn, tới chỗ Đức Phật, ông thưa hỏi rồi đứng sang một bên, chắp tay bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, con có điều muốn hỏi, nếu Thế Tôn cho phép con mới dám trình bày.

Đức Thế Tôn bảo:

–Ông cứ tự nhiên hỏi, Như Lai sẵn sàng giải đáp.

Vị Phạm chí thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, đời tương lai sẽ có bao nhiêu vị Phật ra đời?

Đức Thế Tôn trả lời:

–Đời tương lai các Đức Phật sẽ ra đời nhiều như cát song Hằng.

Nghe Đức Phật nói vậy, vị Phạm chí chiêm ngưỡng Đức Phật, trong lòng vô cùng vui mừng hớn hở, phát sinh tâm lành: “Các Đức Phật ở tương lai nhiều như cát sông Hằng, ta ở trong pháp của các Đức Phật ấy tu phạm hạnh, làm các công đức, phước lành không mệt mỏi. Hiện nay có nhiều của cải vật báu, kẻ hầu người hạ, gia nghiệp đầy đủ. Vợ con xinh đẹp không hai trên đời. Nay ta nên lập đàn bố thí gia nghiệp này. Ai xin gì cho nấy, không trái ý muốn của họ”. Vị Phạm chí nghe Phật khuyên dạy xong, đi quanh Phật ba vòng rồi chắp tay chào từ biệt ra về.

Trên đường về chưa được bao xa thì Phạm chí chợt nghĩ: “Lúc nãy ta chỉ hỏi Phật về các Đức Phật đời vị lai mà quên hỏi các Đức Phật đời quá khứ. Bây giờ ta phải trở lại chỗ Thế Tôn để hỏi về các Đức Phật đời quá khứ”. Vị Phạm chí liền trở lại chỗ Đức Phật, thưa hỏi rồi đứng sang một bên, bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đời quá khứ có bao nhiêu Đức Phật?

Đức Phật bảo:

–Các Đức Phật ở đời quá khứ nhiều như cát sông Hằng.

Nghe vậy, vị Phạm chí quỳ trước Phật buồn khóc, than rằng:

–Con bị sinh tử ngu si trói chặt lâu dài, nên không được gặp hằng sa chư Phật. Ôi đó là khổ gì?

Rồi ông gieo mình vật vã tự trách:

–Ấy là bởi con sống đời buông lung không có cội gốc chắc thật khiến con mãi là phàm phu, hoặc ở trong cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh chịu khổ đêm dài với núi đao, rừng kiếm, xe lửa, lò than, hay bị đè bẹp dưới núi tuyết, hết kiếp mới được thoát khỏi, hoặc ở trong địa ngục lửa cháy chịu đau khổ vô lượng. Tuy được sinh lên làm người nhưng lại sinh ở vùng biên địa, nên dù có Phật ra đời cũng không được gặp. Trước đây có thầy Tỳ-kheo dạy con rằng: “Ngu si sống trong đêm dài sinh tử”, lời ấy quả là chân thật.

Nay con hết lòng quy y Như Lai và cũng quy y đối với chư Phật tương lai. Con thấy ruộng vườn, vợ con đều là cái bên ngoài, tại sao mình lại tham đắm nó mà bỏ mất lời dạy của bậc Thánh.

Lúc bấy giờ vị Phạm chí cung kính chắp tay, quỳ thẳng trước Phật mà bạch:

–Cúi xin Đức Thế Tôn cho phép con nhập đạo, được tu phạm hạnh.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Các vị hãy dạy trao oai nghi độ cho vị Phạm chí này làm Tỳkheo.

Vị ấy thọ giáo liền được độ làm Sa-môn. Sau đó, vị Tỳ-kheo này ở nơi thanh vắng suy nghĩ so lường sự tu tập của các bậc Thượng nhân. Cho nên người thuộc dòng họ cao quý đi xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia với lòng tin vững chắc, tu phạm hạnh cao thượng, giữ thân lập chứng để tự an vui, sinh tử đã chấm dứt, phạm hạnh đã xong, việc phải làm đã làm, không còn thọ thân nữa. Biết rõ như thật, đạt được đạo quả, chứng quả A-la-hán trong cảnh giới vô dư.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn quán sát nghĩa này, suy nghĩ gốc ngọn, muốn cho các Tỳ-kheo mau được diệt độ, vì chúng sinh đời sau mà hiện bày chánh pháp sáng tỏ, làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian này, nên Thế Tôn nói lại cho Phạm chí bài kệ này:

Đêm dài mất ngủ

Đường xa mỏi mệt

Ngu sinh tử dài

Không biết chánh pháp.

***

Không thể cậy con

Hay cậy cha anh

Bị chết vây ngặt

Chẳng nhờ ai được.

Thuở ấy Đức Phật ngự trong tinh xá Thạch thất, ở phía Bắc đạo tràng vườn Lam-lê, thuộc nước Ma-kiẹt-đà. Lúc ấy, có một chàng thanh niên chuẩn bị ghe thuyền theo người dẫn đường ra biển tìm châu báu. Những kẻ ít vốn cũng dong thuyền cùng đi. Họ bố thí thức ăn cho kẻ nghèo, Sa-môn, Bà-la-môn. Họ ra biển tìm được nhiều châu báu, trở về được bình yên, cùng nhau vui chơi, ăn uống vui vẻ mỗi ngày không dứt. Nhưng trong số ấy, có một chàng trai ăn uống hẩm hút, chỉ ăn gạo rang mà thôi, không thay đổi nếp sống hằng ngày của mình. Nhưng anh ta lại là người tìm được nhiều tài sản vật báu vô lượng. Lúc ấy, người dẫn đường bảo anh ta:

–Hiện nay anh là người có nhiều châu báu nhất, ít ai sánh bằng, vì sao anh ăn xài đạm bạc khốn khổ như vậy? Người ta sống trên đời này, phải thực hành hai việc là bố thí và ăn uống.

Nghe vậy, anh này không chấp nhận lại sinh oán hận, lo buồn. Anh nói với người dẫn đường rằng:

–Nếu tôi ăn xài thì còn đâu để nuôi vợ con.

Về sau, anh gặp bệnh ngặt nghèo, chẳng về đến nhà được mà phải bỏ mạng giữa đường. Người dẫn đường kia bèn nói bài kệ:

Phàm kẻ bỏn sẻn

Chất chứa tiền của

Gây nên oán thù

Dè đâu chết đến.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh không tí bợn nhơ thấy người thanh niên đi tìm châu báu chết giữa đường. Do sự việc ấy, Đức Thế Tôn quán sát nghĩa, suy nghĩ ngọn nguồn, giúp cho các Tỳ-kheo thị hiện diệt độ, vì các chúng sinh đời sau mà thị hiện chánh pháp sang suốt, tồn tại lâu dài trên thế gian, nên Phật nói bài kệ:

Không thể cậy con

Hay là cha anh

Bị chết vây ngặt

Chẳng nhờ ai được.

Lúc ấy đại chúng nghe Đức Phật nói kệ xong, tâm ý đều mở tỏ, hăng hái lập công tu đức, cứu giúp người nghèo thiếu, trì trai giữ giới, ba tháng trường trai hằng năm không hề sai chạy, bốn việc cúng dường như y phục, cơm gạo, giường ghế, đồ nằm, thuốc men chăm sóc bệnh nhân. Ai cần quần áo thì cho quần áo, cần thức ăn cho thức ăn, bảy thứ vật báu như vàng bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, trân châu, hổ phách, ai xin gì cho nấy không trái ý họ. Những vị từ xa đến ở lâu hay ở qua đêm đều được cung cấp đầy đủ. Cả đến hương hoa, đồ trang sức cũng ban cho mà không chút tiếc rẻ.

Vô số đại chúng chán ngán sự sinh tử, dứt bỏ tham đắm, chấp trước, tín tâm vững chắc, xuất gia tu đạo, tu pháp tăng thượng không hề lui sụt, rồi lần lượt chứng được quả A-la-hán.

***

Trăm ngàn chẳng một

Dòng dõi gái trai

Chất chứa của cải

Rồi đều tan biến.

Người sống trên đời, bôn ba rong ruổi khắp nơi, tiền của, long ham muốn không biết thỏa mãn, dù nắng hè thiêu đốt, giá rét ngày đông, đói khát khổ đau, khốn khó lo buồn, được một mất muôn, vậy mà vẫn cảm thấy vui. Họ làm hết mình nhưng khó đạt kết quả, tâm ý không mở tỏ. Đã không dám ăn tiêu, cũng không bố thí cho ai, dù của cải tràn đầy, cũng không khác gì kẻ nghèo thiếu. Còn người ngồi thiền dù đem bảy báu trang sức, tuy mắt nhìn thấy, nhưng lòng không vui. Bởi tâm bỏn sẻn keo kiệt nên trôi lăn trong sinh tử, hết đời này qua đời khác.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn trong sạch không tí bợn nhơ thấy chúng sinh rong ruổi khắp nơi tham cầu tiền của, không biết nghĩ đến ngày mai, ấy đều là do si mê, thấy biết sai lầm. Do sự việc trên, Đức Thế Tôn quán xét ngọn nguồn, dẫn dắt chúng Tỳ-kheo đến với pháp mầu, cũng vì chúng sinh đời sau thị hiện chánh pháp sáng rỡ, làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, được ba đời chư Phật hộ trì, nên Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Trăm ngàn chẳng một

Dòng dõi gái trai

Chất chứa của cải

Rồi đều tan biến.

Bấy giờ, cả mấy ngàn muôn người trong hội chúng nghe lời Phật dạy, lắng tâm, nghe nhận, tùy theo sự ghi nhớ mà được thành quả chứng.

***

Thường rồi cũng hết

Cao rồi cũng rơi

Hợp phải có tan

Sinh phải có chết.

Thuở ấy Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Lúc đó, có một vị Phạm chí lạ đến chỗ Đức Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, thưa Đức Phật:

–Con có điều muốn hỏi, xin Đức Thế Tôn cho phép.

Đức Phật bảo:

–Ông cứ tự nhiên hỏi, Như Lai sẽ giải thích.

Vị Phạm chí bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vì sao mà chúng sinh đời này chuyển sang mỏng manh rồi thành tổn giảm? Ở thế gian không được hưng thịnh như vậy?

Đức Phật bảo Phạm chí:

–Có ba nguyên nhân khiến chúng sinh chuyển sang mỏng manh, rồi thành tổn giảm, làm cho thế gian không thịnh vượng nữa.

Ba nguyên nhân ấy là gì?

Chúng sinh đời nay tham dục, không giữ đạo đức, bỏn sẻn chấp chặt, quen theo tà kiến điên đảo. Chúng sinh này bị ba điều ấy làm ô nhiễm, gió mưa trái mùa, tai ương khí độc lan tràn, ngũ cốc mất mùa, hư hại không gặt hái được. Thức ăn của họ dù chin hay sống chứa đầy mầm bệnh tật lan tràn, khiến người chết chật đường không thể kể hết. Này Phạm chí, đó là là nguyên nhân thứ nhất.

Nguyên nhân thứ hai khiến chúng sinh đời nay chuyển sang mỏng manh, rồi thành tổn giảm như vậy, khiến đời sống không thịnh vượng, rồi gió mưa trái mùa, tai ương khí độc lan tràn, ngũ cốc mất mùa, hư hại không gặt hái được. Không đến ngày chín, nầm non không sinh, khiến nhân dân đói khổ, chết chóc quá nhiều.

Này Phạm chí, đó là nguyên nhân thứ hai.

Nguyên nhân thứ ba khiến chúng sinh đời nay chuyển sang mỏng manh, rồi thành tổn giảm, khiến đời sống không thịnh vượng.

Lại nữa, này Phạm chí, như hiện nay trong nước vua tham dục, không giữ đạo đức, bỏn sẻn chấp chặt, lại quen theo tà kiến sai lầm, cai trị nhân dân không đúng luật pháp, tranh giành đất đai vô độ, mang quân đến biên giới đánh nhau, gây tổn thất cho nhau, gươm giáo cung tên bắn nhau, sát hại vô số không thể kể xiết. Này Phạm chí, đó là nguyên nhân thứ ba.

Ba nguyên nhân ấy khiến cho chúng sinh mắc phải tai ương, đói khổ lan tràn, chém giết vô đạo.

Nói xong, Đức Phật bảo ngài Mục-liên:

–Lưng Ta đau, cần phải về tịnh thất nghỉ. Ông nên bàn luận với vị Phạm chí này, để người đến dự hội, dứt hết thắc mắc.

Ngài Mục-liên đáp:

–Xin vâng, bạch Đức Thế Tôn.

Lúc ấy Đức Thế Tôn xếp y Tăng-già-lê, lấy y Uất-đa-la gối đầu, nằm nghiêng hông bên phải, hai chân chồng lên nhau, buộc niệm trong sự sáng suốt. Bấy giờ, ngài Mục-liên nói với Phạm chí:

–Ngài nên lắng nghe và khéo suy nghĩ.

Phạm chí đáp:

–Tôi rất muốn nghe.

Ngài Mục-liên nói bài kệ:

Hãy xem đất nước này

Và các loại cây trái

Sông phát nguồn từ núi

Sông biển chảy không ngừng.

Người xưa cố gìn giữ

Nhưng nay họ đâu rồi?

Xin quay bánh xe pháp

Chỉ rõ cho trời người.

Nào ai ưa sự chết

Rốt cuộc họ về đâu?

Muốn tìm người xưa cũ

Nay nào thấy một ai?

Nói rộng như văn xưa. Phạm chí nghe xong tâm ý mở tỏ, đi trên vết đạo mầu. Cho nên lời kệ trên nói:

Thường rồi cũng hết

Cao rồi cũng rơi

Hợp phải có tan

Sinh phải có chết.

Bài kệ này nói lên ý nghĩa vừa nói.

Thuở ấy, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ. Lúc ấy, có một người đàn bà góa vừa chết đứa con. Bà buồn bã sầu khổ, bàng hoàng điên dại, không còn biết gì, giống như người khùng. Bà ra khỏi thành đến tinh xá Kỳ hoàn vì bà nghe người ta nói Phật là vị Đại Thánh được trời người tôn kính, Ngài giảng kinh nói pháp làm cho người ta trút sạch nỗi khổ sầu.

Ngài nhìn thấy tất cả và thông suốt tất cả. Vì thế người đàn bà góa này bèn đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ, quỳ thẳng, bạch Phật:

–Thưa Ngài, con vốn hiếm muộn, chỉ có một đứa con, thế rồi bất thần bị bệnh nặng, bỏ mẹ ra đi. Tình mẹ thương con quá nặng không chịu đựng nổi cảnh ấy. Cúi mong Ngài thương xót, rũ sức thần khai hóa cho con được hết nỗi sầu khổ.

Đức Phật bảo:

–Bà hãy mau vào thành, đi qua khắp các hang cùng ngõ hẻm, đến nhà nào chưa từng có ai chết mà xin tí lửa rồi đem về đây cho Ta.

Nghe dạy như vậy, bà vui mừng hớn hở ra đi. Vào thành Xá-vệ, ghé vào một con hẻm, rồi qua nhà nào bà cũng hỏi:

–Nhà ông chưa từng có ai chết phải không? Tôi muốn xin tí lửa đem về cứu con tôi sống lại.

Ai nấy đều bảo:

–Ông bà tổ tiên chúng tôi xưa kia, nay làm sao còn được! Sao bà lại hồ đồ đến đây hỏi chuyện xằng bậy như thế.

Nhà nào bà đến cũng đều nói từng có người chết cả. Bà phờ phạc mệt mỏi vì không tìm được điều cầu xin, đành trở về tay không. Bà bồng đứa bé đến chỗ Đức Phật đảnh lễ dưới chân Ngài và thưa:

–Con vâng lời Ngài dạy vào thành, đến từng nhà xin lửa, ai cũng đều bảo nhà họ từng có người chết, cho nên con đành phải về tay không.

Đức Phật bảo bà ta:

–Người ta sống trên cõi đời này, có bốn việc không thể giữ gìn lâu dài. Bốn việc ấy là: Một là cái gì thường rồi sẽ đi đến vô thường. Hai là giàu sang rồi sẽ nghèo hèn. Ba là có sum họp ắt có lìa tan. Bốn là khỏe mạnh rồi cũng phải chết. Tất cả đều đi đến cái chết, bị cái chết dắt đi là một tai họa mà không một ai thoát khỏi.

Đức Phật bảo bà:

–Giờ đây bà đừng lo buồn nữa. Phải lo bố thí, giữ giới, tu bát quan trai vào các ngày trong tháng, mùng tám, mười bốn, mười lăm trong tháng, rồi tùy theo khả năng của mình mà bố thí cho người nghèo thiếu, cho các Sa-môn, Bà-la-môn từ xa đến, ở lại, hoặc ghé qua. Làm vậy thì được phước không lường.

Bà ấy liền bạch Phật:

–Tình thương con đã ăn sâu vào xương tủy, vì nó mà con không còn tiếc mạng sống.

Lúc bấy giờ, vì muốn làm cho tâm trí người đàn bà này được tỏ ngộ, Đức Phật liền hóa ra bốn hố lửa thật lớn bao quanh bà ta.

Bị nóng quá, bà bèn đưa đứa bé ra che cho thân mình. Đứa bé la toáng lên vì không chịu nổi sức nóng. Đức Phật liền hỏi bà:

–Hồi nãy, bà bảo bà thương con đến tận xương tủy, thà chịu chết chứ không để con chết. Nhưng rồi bị lửa ép ngặt không thể chịu nổi, đáng lẽ bà ráng chịu đựng chứ sao lại đưa đứa bé ra che cho thân mình. Lửa nhỏ ở thế gian nào đáng nói chi! Lửa ở địa ngục thiêu đốt đau khổ khôn lường. Súc sinh khổ vì sống trong ngu si mê hoặc, ngạ quỷ khổ vì mãi bị đói khát do ít phước. Người có khả năng làm lợi ích cho mình thì phải lo hành đạo, tu các việc lành như bố thí, trì giới, nhẫn nhục thì sẽ không bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh chịu các khổ não, được hưởng phước trời người, dần đến Niết-bàn.

Bấy giờ người đàn bà nghe Đức Phật nói pháp mầu cao cả như vậy, bèn tự suy nghĩ, trong tâm tự trách, gạt bỏ được ân ái, dứt hết mọi bám víu, bèn nghĩ rằng cõi đời này không có gì vui. Bà thấy rõ cái khổ của thân năm ấm lẫy lừng. Ngay ở trước Đức Phật bà liền dứt sạch phiền não, được mắt pháp thanh tịnh, chứng quả Tu-đà-hoàn. Bấy giờ Đức Thế Tôn quán sát rạch ròi ý nghĩa ấy, thấu rõ gốc ngọn, giảng nói pháp yếu cho chúng sinh đời sau nên ở trước đại chúng liền nói bài kệ:

Thường rồi cũng hết

Cao rồi cũng rơi

Hợp phải có tan

Sinh phải có chết.

Chúng sinh cũng thế

Đều phải bỏ mạng

Đọa theo tội gây

Tự chịu tội phước.

Tất cả chúng sinh có hình dạng từ loại bò, bay, cựa động, bò trườn ngoằn ngèo, chạy nhảy cho đến thở hít, đều trở về chỗ tiêu ma, không tránh khỏi cái chết, tùy theo việc mình đã làm mà chịu quả báo, làm lành thì hưởng phước, làm ác thì chịu họa, như bong theo hình, không thể trốn được? Do sự việc trên, nên Đức Phật nói bài kệ này:

Làm ác đọa địa ngục

Làm lành được sinh Thiên

Người nào tu nghiệp lành,

Vô lậu nhập Niết-bàn.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt. Lúc ấy, trong thành đang bị bệnh thời tiết, ôn dịch độc hại hoành hành khắp nơi. Người dân chết nhiều vô kể. Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh không chút tì vết thấy những kẻ làm ác khi chết đọa vào địa ngục. Lại có vị Tỳ-kheo vì nhàm chán họa sinh tử và quán thấy thân  bốn đại này không có gì đáng tham đắm, hôi thối khó đến gần, vị ấy liền thị tịch bằng cách nhập vào Niết-bàn vô dư. Khi ấy, Đức Thế Tôn quán sát ý nghĩa này, thấu suốt ngọn ngành, thị hiện ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau và giúp cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên cõi đời mà Đức Thế Tôn nói bài kệ trên. Nghe Đức Phật nói kệ xong, cả đại hội đều phát đạo tâm Vô thượng chánh chân.

***

Trên không hay xuống biển

Chẳng thể vào khe núi

Chẳng bất cứ nơi nào

Mà tránh khỏi thần chết.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương xá. Lúc ấy có bốn anh em Phạm chí nọ, ai nấy đều chứng được năm thứ thần thông nên ai cũng biết mình không thể còn sống bao lâu nữa, chỉ còn bảy hôm nữa thôi. Họ cùng suy nghĩ bàn với nhau rằng: “Anh em bọn ta đều có được năm thứ thần thông, ai cũng có thể dùng thần lực của mình làm nghiêng đổ trời đất này, hay hiện thân thật to lớn, đưa tay rờ mặt trời, mặt trăng. Dời núi, ngăn sông, không có chuyện gì chúng ta không làm được, vậy chẳng lẽ chúng ta không trốn được cái nạn chết này sao?”

Người anh cả nói:

–Ta sẽ ra biển trốn vào khoảng giữa mực nước biển, quỷ vô thường đâu biết ta ở đâu!

Người thứ hai nói:

–Tôi sẽ chui vào bụng núi Tu-di, rồi khép kín mặt ngoài núi không chừa kẽ hở thì quỷ vô thường đâu biết ở đâu!

Người thứ ba nói:

–Tôi sẽ bay lên hư không, ẩn mình không dấu vết thì quỷ vô thường biết tôi ở đâu!

Người thứ tư nói:

–Tôi sẽ trốn vào trong chợ, mọi người mua bán đông đảo, chẳng ai biết ai thì quỷ vô thường chỉ bắt được cùng lắm là một người nào đó, làm sao bắt được cả bốn anh em ta!

Bàn luận xong, cả bốn người cùng đến từ biệt nhà vua, thưa:

–Chúng tôi tính biết chỉ còn sống bảy hôm nữa thôi, nên mỗi người tự tìm cách trốn tránh mong được nhiều phước.

Nhà vua liền bảo:

–Hãy khéo làm thăng tiến phước đức của mình.

Thế rồi họ giã biệt nhau, ai nấy tìm đến nơi mình đã định.

Đúng bảy hôm thì tất cả đều bỏ mạng tại nơi mình đang ở. Người anh thứ ba ở trên hư không thì rơi xuống như trái chín tự nhiên héo rụng. Người quản lý chợ báo lên vua rằng có một Phạm chí vừa mới chết trong chợ. Vua liền tỉnh ngộ nhận thấy họa phước vô thường. Bốn người cùng trốn mà nay một người đã chết thì ba người còn lại làm sao trốn thoát!

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh không chút tì vết mà biết rõ bốn vị Phạm chí muốn trốn tránh vô thường, ai cũng mong sống ở đời mà tránh khỏi nạn chết, nhưng mạng số đã định nên không ai trốn được. Đức Thế Tôn do sự việc trên tìm xét gốc ngọn nghĩa lý, muốn thị hiện ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau và muốn chánh pháp tồn tại lâu dài trên cõi đời mà Ngài nói bài kệ này trước đại chúng:

Trên không hay xuống biển

Chẳng thể vào khe núi

Chẳng bất cứ nơi nào

Mà tránh khỏi thần chết.

***

Già bị đau nhức

Chết, ý ra đi

Vui nhà, ngục trói

Tham, đời không dứt.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt. Có rất nhiều thầy Tỳ-kheo bạch với Đức Thế Tôn:

–Hôm nay, xin Như Lai cho chúng con biết từ nhận thức cuộc đời như thế nào mà Ngài đã từ bỏ cái đẹp nhất, cái vui nhất của cõi đời để xuất gia học đạo?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói rộng về Sinh kinh cho các thầy Tỳkheo ghe:

–Các thầy hãy lắng nghe kỹ, suy nghĩ cho sâu, ghi nhớ vào òng. Hôm nay Ta sẽ nói pháp rất nhiệm mầu.

Các Tỳ-kheo đều thưa:

–Chúng con rất muốn nghe.

Đức Thế Tôn bảo:

–Bây giờ Ta sẽ nói rộng cho các thầy nghe về Sinh kinh. Các hầy ên biết! Vua cha Ta là vua Chân Tịnh ra lệnh cho các quan ằng: “Hôm ay ta muốn ra hậu viên ngắm cảnh vui chơi, hãy mau ửa soạn xa giá đẹp đẽ sang trọng”. Bấy giờ, vị quan đến trước vua hân Tịnh thưa rằng: “Tâu Đại vương, Thái tử muốn ra hậu viên gắm cảnh dạo chơi nên đã bảo sửa soạn xa giá sang trọng, xinh đẹp rồi”. Nghe vậy, vua vui mừng hớn hở, không tự kiềm chế được.

Vua liền bảo vị quan rằng: “Ta cho phép Thái tử ra hậu viên dạo chơi ngắm cảnh, để nhờ đó Thái tử dẹp bỏ những ý tưởng lo buồn”. Rồi Ta lên xe ra đi cùng ba mươi bộ quân, trong đó ngoài bộ xa đi trước dẫn đường và đi sau, còn có hai bên mỗi bên là mười lăm bộ.

Bấy giờ Ta đến hậu viên ngắm cảnh dạo chơi, gặp một cụ già than hình suy yếu, thần sắc thay đổi, da dùn mặt nhăn, đang chống gậy rên rỉ mà lê bước. Lúc ấy, Ta hỏi người đánh xe rằng: “Đây là ai mà thân hình suy yếu, thần sắc thay đổi đến thế?” Người đánh xe thưa: “Đó là một người già, thưa Thái tử.” Ta hỏi: “Già là sao?”

Người đánh xe thưa: “Già là thân hình biến đổi, tuổi cao, mạng sống chỉ còn trong một sớm một chiều. Từ hao mòn mà dần dần đến với cái chết, nên gọi là già”.

Này các Tỳ-kheo, lúc đó Ta lại hỏi người đánh xe: “Ta cũng sẽ già suy như thế không?” Người đánh xe thưa: “Bậc tôn quý như Ngài và trời, người đều phải già suy, không ai tránh khỏi”. Lúc đó, Ta nghĩ rằng: “Hễ ai đã có thân thì phải chịu tai họa này, nghèo hèn hay giàu sang cũng đều như vậy cả”. Ta liền bảo người đánh xe hãy lui xe trở về cung. Ở trong cung, Ta tự giữ sự thanh tịnh mà suy nghĩ về đạo đức.

Lúc bấy giờ, vua cha Ta hỏi người đánh xe: “Thái tử đi dạo chơi ngắm cảnh có vừa lòng chăng?” Người đánh xe thưa: “Thái tử đi dạo chơi nhưng chưa tới hậu viên”. Vua hỏi người đánh xe: “Sao không đưa Thái tử tới hậu viên ngắm cảnh?” Người đánh xe thưa vua rằng: “Ra đi, giữa đường thì Thái tử gặp một người già than hình suy yếu, thần sắc thay đổi, nên Ngài lo nghĩ và bảo quay về”.

Nghe vậy, vua Chân Tịnh tỏ vẻ chán nản. Vua nói: “Ta đã ra lệnh trước cho mọi người ở trên đường phố rằng không được để cho Thái tử nhìn thấy mọi cái gì dơ bẩn, xấu xa. Nếu để cho Thái tử nhìn thấy thì trong khoảng bảy căn nhà ở đó đều bị giết”. Vua liền sai người đi xem xét, nhưng không có nhà nào cả. Vì sao? Vì trời Tịnh cư hóa ra ông lão ấy.

Này các Tỳ-kheo, Ta lại suy nghĩ: “Tuổi già suy yếu chẳng phải hôm nay mới có. Con người khi vừa lọt lòng mẹ, có thân hình là đã có sự già suy rồi, từ khi lọt lòng mẹ rồi đi chập chững ra vào, lớn lên khỏe mạnh, dần dần trở nên suy yếu đều phải gặp tai họa này”.

Này các Tỳ-kheo, lúc đó, Ta thầm nói bài kệ:

Lúc trẻ ý khỏe mạnh

Bị già nua ép ngặt

Hình dung thật khô héo

Hơi tàn nương gậy bước.

Này các Tỳ-kheo, Ta đi dạo chơi gặp cảnh già ấy đầu tiên. Vài hôm sau, Ta lại bảo người đánh xe rằng: “Ta muốn ra hậu viên dạo chơi, ngắm cảnh, vậy hãy mau sửa soạn xe giá.”

Người đánh xe liền đến trước mặt vua Chân Tịnh mà tâu rằng: “Tâu Đại vương, Thái tử muốn đến hậu viên dạo chơi ngắm cảnh. Ngài đã bảo sửa soạn xe giá đầy đủ cả rồi”. Nghe tâu như vậy, vua vui mừng khôn xiết, bèn bảo quan phụ tá: “Ta cho phép Thái tử ra hậu viên ngắm cảnh, dạo chơi, để dứt bỏ những ý nghĩ lo buồn.” Ta liền lên xe, ra đi cùng với ba mươi bộ quân, hai bên mỗi bên có mười lăm bộ, không kể xe dẫn đường và xe đi sau.

Này các Tỳ-kheo, trên đường đến hậu viên để ngắm cảnh, dạo chơi, Ta gặp một người bệnh, thân hình gầy ốm, đang nằm nôn oẹ, đại tiểu tiện. Ruồi nhặng bu đầy mình, từ bụng nước vàng rỉ ra hôi thối, chẳng ai dám đến gần.

Này các Tỳ-kheo, lúc ấy Ta hỏi người đánh xe rằng: “Đây là ai?” Người đánh xe thưa: “Đó là người bệnh”. “Bệnh là sao?” Đáp rằng: “Bệnh là bởi phong đại, hỏa đại trong thân lừng lẫy, tâm không thấy vui. Các bệnh nhóm họp ăn thì không tiêu, ghét nghe tiếng người nói, nên gọi là bệnh”. Bấy giờ Ta hỏi người đánh xe:

“Ta có mắc phải tai họa ấy không?” Người đánh xe thưa: “Từ bậc Tôn quý như Ngài cho đến cả trời, người ai cũng phải bệnh cả”.

Này các Tỳ-kheo, Ta lại nghĩ: “Hễ ai có thân là phải chịu tai ọa ệnh này, không tránh khỏi được. Thế thì còn đến hậu viên gắm cảnh để tìm cái gì nữa?” Ta bèn ra lệnh cho xe lui về cung.

Trong lòng lắng sâu suy nghĩ, Ta muốn tìm cách dứt bỏ tai họa ấy.

Lúc bấy giờ vua Chân Tịnh hỏi người đánh xe: “Thái tử ra hậu viên ngắm cảnh, dạo chơi có vừa ý chăng?” Người đánh xe thưa vua: “Thái tử chưa đi tới hậu viên.” Vua hỏi người đánh xe rằng: “Tại sao không đưa Thái tử đến hậu viên ngắm cảnh?” Người đánh xe thưa rằng: “Trên đường đến đó, Thái tử gặp một người bệnh, thân thể gầy ốm, đang nằm nôn ọe, đại tiểu tiện, ruồi nhặng bu đầy mình. Bụng y rỉ ra nước vàng hôi thối, không ai dám đến gần”. Nghe vậy vua Chân Tịnh chán nản. Vua bảo: “Ta đã ra lệnh trước cho mọi người trên đường phố rằng không được để cho Thái tử nhìn thấy những cái gì xấu xí, hôi thối. Nếu để cho Thái tử nhìn thấy thì trong khoảng bảy căn nhà ở đó đều bị giết”. Vua liền sai người đi xem xét, thì không thấy có nhà nào cả. Vì sao? Vì do trời Tịnh cư biến hóa ra người bệnh.

Này các Tỳ-kheo lúc đó, Ta nghĩ như vầy: “Hễ có thân thì phải có bệnh. Bệnh vốn có từ đời nào, chứ không phải mới có đây”. Lúc ấy vua Chân Tịnh liền nghĩ như vầy: “Những điềm báo trước khi Thái tử đi dạo chơi làm Thái tử lo nghĩ về cõi đời này, không vui thú gia đình, sẽ xuất gia. Vậy, bây giờ ta phải tăng them số người hầu hạ, bảo vệ bên cạnh để làm vui lòng Thái tử.”

Sau đó vài ngày, Ta lại bảo người đánh xe: “Ta muốn đi dạo chơi ngắm cảnh, hãy mau sửa soạn xa giá”. Nghe tin ấy, vua Chân Tịnh vui mừng hớn hở không kiềm chế được, bèn bảo quan phụ tá: “Cho phép Thái tử đến hậu viên dạo chơi, ngắm cảnh để Thái tử dứt bỏ những ý nghĩ lo buồn.” Rồi Ta liền lên xe, ra đi với ba mươi bộ quân, gồm hai với mỗi bên mười lăm bộ và không kể xe dẫn đầu và xe đi sau.

Này các Tỳ-kheo, trên đường đi đến hậu viên, Ta gặp một người chết. Bà con họ hàng đang kêu khóc quanh xác chết, ai nấy đầu tóc rối bù, than trời trách đất.

Này các Tỳ-kheo, lúc ấy Ta hỏi người đánh xe: “Người này là  ai? Tại sao bà con họ hàng đều đầu bù tóc rối như vậy? Họ kêu khóc than trời trách đất quanh kẻ ấy như thế?” Người đánh xe thưa rằng: “Đó là người chết”. Ta hỏi: “Chết là sao?” Người đánh xe thưa: “Chết là xa lìa người yêu mến, mạng sống không còn nữa.

Vĩnh biệt hẳn bà con họ hàng và cả cõi đời này. Lúc ấy thì phong đại đã ngừng, hỏa đại đã tắt, thủy đại không còn hoạt động, địa đại bắt đầu tan rã, mỗi thứ đi về một ngã. Thần thức đi rồi thì cái xác như khúc cây khô, không còn hay biết gì. Đó là chết.”

Này các Tỳ-kheo, bấy giờ Ta hỏi người đánh xe rằng: “Ta có bị chết như thế không?” Người đánh xe thưa: “Từ bậc tôn quý như Ngài cho đến cả trời, người đều phải chết cả, không ai thoát khỏi.”

Này các Tỳ-kheo, lúc ấy Ta nghĩ rằng: “Hễ là người sống trên đời này thì đều phải chết. Thế thì Ta đến hậu viên ngắm cảnh để tìm cái gì nữa?” Ta liền bảo người đánh xe lui trở về cung. Rồi trong lòng lắng sâu suy nghĩ, Ta muốn tìm cách dứt bỏ tai họa chết ấy.

Lúc bấy giờ vua Chân Tịnh hỏi người đánh xe: “Thái tử đến hậu viên ngắm cảnh, dạo chơi có vừa ý chăng?” Người đánh xe thưa rằng: “Thái tử đến hậu viên ngắm cảnh, dạo chơi, nhưng Ngài chưa đến đó, vì giữa đường đi, Ngài gặp một người chết liền quay xe trở về cung”. Nghe nói vậy, vua Chân Tịnh chán nản. Vua nói: “Ta đã ra lệnh trước cho mọi người trên đường phố rằng không được để Thái tử nhìn thấy mọi thứ xấu xí, hôi thối. Nếu để Thái tử nhìn thấy thì trong khoảng bảy căn nhà xung quanh đó đều bị giết”.

Vua liền sai người đi xem xét, thì không thấy có nhà nào cả. Vì sao? Vì người chết đó là do trời Tịnh cư biến hóa ra.

Này các Tỳ-kheo, lúc ấy Ta nghĩ rằng: “Ôi, già, bệnh, chết không sao tránh khỏi được. Nay Ta phải tìm cách khôn khéo mới được, Ta bèn đi xuất gia học đạo.”

Này các Tỳ-kheo, Ta bỏ hết, xuất gia cầu đạo Vô thượng và thành Chánh giác Tối thượng. Nay Ta đã thành Phật độ thoát cho cả muôn dân, là do Ta tích lũy các công hạnh không có tâm luyến tiếc. Hôm nay Ta xuất hiện ở đời và tự mình tu thành Chánh giác.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn quán sát ý nghĩa trên, tìm xét đến gốc ngọn, thị hiện ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, cũng giúp cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên ở trước đại chúng,

Đức Thế Tôn nói kệ:

Già thấy đau nhức

Chết, ý ra đi

Vui nhà, ngục trói

Tham, đời không dứt.

Các thầy Tỳ-kheo nghe Đức Phật nói xong, vui mừng hớn hở, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lạy Phật rồi lui ra.

***

Già thân đổi thay

Như chiếc xe cũ

Pháp dứt được khổ

Phải gắng công học.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thành Xá-vệ. Lúc ấy, có rất nhiều vị Tỳ-kheo bạch Phật:

–Ngày nay, Như Lai tuổi đã cao, da đã nhăn, không còn như xưa kia.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Đúng vậy, đúng như lời các thầy nói. Nay Ta tuy tuổi đã già, nhưng luôn giữ giới, tu phạm hạnh. Các thầy coi thân Như Lai nằm an ổn trên giường cao hay lúc Như Lai đi khắp bốn biển, tuy các thầy luôn luôn lấy lòng tôn kính để báo đáp ân sâu, nhưng từ xưa đến nay, Ta tu hành tâm không kiêu ngạo, nên đã chứng đắc quả Phật. Ta há chẳng bảo rằng thân này già thì hình sắc biến đổi như một chiếc xe đã cũ ư? Cái gọi là xe cũ đây được nhà vua làm ra, hoặc dùng vàng bạc chạm khắc làm ra. Hoặc dùng thủy tinh, lưu ly chen vào các khoảng cách, nhưng trải qua nhiều năm dù tốt rồi cũng phải hư hỏng, huống chi thân bốn đại này do gân xương chằng chịt, máu huyết lưu thông và do nhiều vật gom lại mà thành cái thân này, cha mẹ tạo ra, mười tháng cưu mang ẵm bồng, úm nồng, tránh ướt, trông nom từng lúc mới được thân này. Chỉ có bậc Minh trí mới có khả năng trừ cái khổ này bằng cách dùng chánh pháp dạy bảo kẻ chưa giác ngộ. Thêm vào đó là dùng phương cách tạm thời thích ứng cho mọi nơi mà giảng dạy. Hãy gắng sức tu học, xứng đáng với lời chỉ dạy của Đức Thế Tôn. Dùng sự không dua nịnh để dứt bỏ vọng kiến. Không phạm những lỗi lầm của thân, miệng, ý. Dùng nghĩa bậc nhất để trang bị tất cả. Luôn luôn dạy dỗ chúng sinh không gây ra các tội lỗi mà sa đọa, giúp họ không còn lo lắng sợ sệt nữa. Nghĩa là đệ tử Phật, Thế Tôn, Như Lai, giáo huấn đệ tử thì lấy giới cấm để ngăn ngừa lỗi quấy.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn biết nội tâm của các thầy đã có chỗ hướng về, tìm xét gốc ngọn, thị hiện ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên Đức Thế Tôn ở trước đại chúng nói bài kệ này:

Già thân đổi thay

Như chiếc xe cũ

Pháp dứt được khổ

Phải gắng công tu.

Các thầy Tỳ-kheo nghe Đức Phật nói xong vui mừng làm lễ rồi lui ra.

***

Than ôi! Già đến

Sắc hình biến đổi

Niên thiếu như ý

Già bị dập vùi.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La duyệt. Lúc ấy Tôn giả A-nan đắp y ngay ngắn trịch bày vai bên trái, đến trước Đức Phật, quỳ thẳng, chắp tay bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con thấy thân tướng Như Lai đã biến đổi, các căn đã nhăn nheo, hình trạng đang từ từ khô héo.

Các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân không còn tốt đẹp như ngày nào.

Đức Phật bảo ngài A-nan:

–Đúng vậy, đúng như lời thầy vừa nói, cái già có khả năng biến đổi dung nhan xinh đẹp khác thường trở thành xấu xí quái dị.

Các giác quan đầy đủ, cái già biến đổi thành thiếu khuyết. Cái già kết bạn với bệnh tật và cùng sánh vai với cái chết. Cái già làm cho người trẻ đẹp, mạnh khỏe, giàu sang tiền của tràn đầy trở thành thiếu hụt, giảm sút. Cái già làm cho người thân thể cân đối, bên trong sức mạnh tràn đầy thành lưng khòm, phải chống gậy mà đi.

Cái già làm cho làn tóc xanh mượt như màu mật ong chúa, hoặc là màu đen nhánh biến thành bạc trắng, rụng không còn sợi nào. Cái già làm cho mắt như mắt trâu đầu đàn với tròng trắng tròng đen rạch ròi biến đổi thành màng mây trắng đục. Cái già làm cho vầng trán láng bóng như ánh dầu dưới ánh sáng mặt trời biến đổi thành khuôn mặt nhăn nheo như da bị nám. Cái già làm cho hàm răng trắng bóng như ngọc, sáng như tuyết, mịn màng như sữa bò mới vắt hay bóng mượt như cái bụng nõn nà đầy hơi của loài mực nang, mà răng trên, dưới lại sát đều nhau, nhìn hoài không biết chán bị biến đổi thành lung lay, xiêu lệch rồi rụng, hay bị sâu siết đau nhức vô cùng.

Tóm lại, ngay cả đối với loài Kiền-đạp-hòa, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc, loài người và chẳng phải loài người đều bị cái già biến đổi thành hao mòn suy yếu, không còn lòng hăng hái trẻ trung nữa. Bệnh khổ nhất trong các thứ bệnh không gì hơn bệnh già. Cho nên nói:

Than ôi, già đến

Sắc hình biến đổi

Niên thiếu như ý

Già đến dập vùi.

Thân Đức Như Lai, Thế Tôn được trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Bao quanh thân Ngài là vầng ánh sang tròn, lan tỏa ra bảy thước, không chỗ tối nào không được soi rọi. Ngài lại có tiếng nói với tám âm thanh làm rung chuyển khắp mười phương. Thế mà nó còn bị cái già bệnh hành hạ dày xéo, huống gì là người phàm phu thì làm sao tránh khỏi cái già? Do sự việc này, Đức Thế Tôn suy tìm đến gốc ngọn, thị hiện ngọn đèn sáng lớn cho chúng sinh đời sau, cũng khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên Đức Phật ở trước đại chúng nói bài kệ trên.

QUYỂN 3

Phẩm 1: VÔ THƯỜNG (Phần 3)

Dù sống trăm tuổi

Rồi cũng chết đi

Bị già ép ngặt

Bệnh khổ tột cùng.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ. Ngài giảng nói rộng giáo pháp cho các loài chúng sinh Trời, Người, Rồng, Quỷ. Lúc bấy giờ mẹ vua Ba-tư-nặc già hơn một trăm hai mươi tuổi bỗng bị bệnh nặng không thuốc men nào trị lành, cúng vái thánh thần cũng không cứu được, nên mấy hôm sau thì bà qua đời. Vua và các quan chôn cất bà theo pháp luật của triều đình, với dầu, bơ, hương hoa, các thứ cúng dường. Vua an trí thi hài bà trong thần miếu, cắt người trông coi cúng bái, canh giữ. Tang lễ xong, trên đường về, vua ghé qua chỗ Đức Phật, giữ đúng theo phép vua, ngài và các quan cởi bỏ năm thứ trang sức, tiến đến làm lễ dưới chân Phật. Đức Phật mời vua ngồi rồi hỏi:

–Vua đến đây với y phục còn lấm bụi, thân hình thay đổi. Có chuyện chi mà đến đổi như vậy?

Vua bạch Phật:

–Quốc thái phu nhân hơn một trăm hai mươi tuổi của con bỗng bị bệnh nặng rồi qua đời. Con đưa linh cữu người tẩn táng vừa xong, trên đường trở về, con ghé qua kính viếng Thế Tôn. Đức Phật dùng Tam đạt trí biết việc ấy liền hỏi vua:

–Thế nào đại vương, người sinh ra trên đời này, có ai sống hoài chẳng chết không?

Vua bạch Phật:

–Người ta sinh ra trên cõi đời này không ai là không chết.

Đức Phật bảo vua:

–Từ xưa đến nay, có năm thứ đáng sợ mà không ai tránh khỏi.

Một là không ai tránh khỏi cái già, hai là không ai tránh được bệnh hoạn, ba là không ai trốn tránh được chết, bốn là không ai trốn tránh khỏi sự hao mòn, năm là không ai tránh khỏi sự chấm dứt.

Thế đó đại vương, là năm thứ không ai tránh khỏi. Nó không chờ đợi ai, muôn vật là vô thường, khó giữ lâu được. Một ngày qua đi, mạng sống con người cũng thế, như năm dòng sông miệt mài chảy suốt đêm ngày không ngừng nghỉ. Mạng sống con người cũng trôi qua mau như vậy.

Lúc bấy giờ Đức Phật lần lượt nói pháp nhiệm mầu cho vua Ba-tư nặc nghe; giảng nói về điều cốt yếu của lòng tin không lui sụt, như nói về bố thí, giữ giới thì được sinh lên cõi trời còn nếu nghĩ những việc dâm dục bất tịnh thì phải rơi vào đại họa.

Đức Phật nói với vua:

–Đại vương nên biết, sinh là có già, bệnh phải héo xấu, có hội ngộ thì có chia lìa, đó là lẽ thường trong đời. Mạng sống con người qua mau như tia chớp, như đập đá nháng lửa, nào có gì đáng vui. Là pháp suy hao, biến đổi mà lại muốn cho tồn tại lâu dài thì không thể có được.

Khi ấy, nhân sự việc trên, Đức Thế Tôn thấu suốt gốc ngọn, thị hiện ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, Ngài liền ở trước đại chúng nói bài kệ này cho vua Ba-tư-nặc nghe:

Dù sống trăm tuổi

Rồi cũng chết đi

Bị già ép ngặt

Bệnh khổ tột cùng.

Đức Phật bảo nhà vua:

–Này đại vương, cuộc đời này có những việc ấy, không còn gì thường còn, tất cả đều trở về với sự chết. Không ai thoát khỏi. Từ ngàn xưa, như bậc vua chúa, chư Phật, các vị chân nhân, các vị tiên đã chứng được năm thứ thần thông, tất cả đều đã đi qua, không còn ai tồn tại được. Đừng buồn rầu thương tiếc người chết một cách vô ích mà hãy vì họ làm những việc phước lành, không biết mệt mỏi.

Phước ấy theo người chết như thực phẩm đối với người làm ruộng.

Nhân sự việc này vua nên làm các việc phước lành. Phước giúp đỡ người như người nương gậy cứng mà bước đi.

Đức Phật giảng xong thì vua cùng bốn chúng và những vị đã đến tham dự pháp hội đều vui mừng, quên hết mọi ưu phiền, thoạt nhiên khai ngộ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi ba vòng quanh Đức Phật, rồi làm lễ mà ra về.

***

Ngày nay đã qua

Mạng sống giảm theo

Như cá cạn nước

Nào có vui gì.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Lúc ấy, biển lớn ở phía Nam sóng thần bỗng dâng cao dữ dội, có ba con cá to vượt khỏi vùng biển bơi ngược lên nguồn thượng, sống trong khoảng nước cạn. Chúng bảo nhau: “Ba đứa chúng ta sống chết nguy hiểm, hiện giờ nước tràn chưa rút, ta hãy mau bơi ngược lên thượng nguồn trở về biển”. Nhưng rồi có một chiếc thuyền chắn ngang, khiến chúng không lội qua được.

Con cá thứ nhất dùng hết sức lực phóng qua được chiếc thuyền, con cá thứ hai lại nương vào đám cỏ mà vượt qua được, con cá thứ ba thì yếu sức không qua nổi nên bị người câu cá bắt được. Lúc ấy, người câu cá nói bài kệ:

Cá thứ nhất không thế

Ắt sẽ bị nguy hại

Nương vào đám cỏ dại

Mạng nó được thoát chết.

Con thứ hai cũng thoát

Nên thảnh thơi bơi lội.

Ngu ở eo nước cạn

Đành bị người câu bắt.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh, không chút tì vết thấy ba con cá kia nhảy sóng thoát thân, nhưng hai con thoát được sống, một con mắc cạn. Lại thấy người câu cá làm bài kệ ấy. Nhân sự việc ấy, Đức Thế Tôn suy tìm cội nguồn, thị hiện ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau và muốn cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian này, Ngài liền nhóm họp đại chúng mà nói kệ rằng:

Ngày nay đã qua

Mạng sống giảm theo

Như cá cạn nước

Nào có vui gì?

Nói ngày nay đã qua là kể từ hàng Sát-lợi, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ dù trẻ tuổi, trung niên hay già nua đều sống ngang nhau trong thời hạn một ngày ấy. Ai cũng bị tổn giảm bởi sự trôi chảy của ngày đêm không ngừng nghỉ. Thân mạng thay đổi, khí lực suy yếu. Sự biến đổi ấy mau chóng hơn cá trong hồ cạn nước. Hoặc như các loài chim đang bay trên lưng trời như chim đào sông, chim cốt trắng, chim quán, chim sẻ xanh, hạc nước, quạ, gà ô, cũng đều bị thợ săn, gái trai ở đời đuổi vào lưới rập bắt, hoặc bắt bằng lưỡi câu có mồi. Sống ở chỗ nước cạn thì suốt cuộc đời cả vạn nỗi lo. Sinh ra trong nước thì chết trong nước. Khổ nạn đầy dẫy, có gì đáng vui?

Cho nên nói:

Như cá cạn nước

Nào có vui gì?

***

Đi chẳng trở về

Đêm ngày gắng sức

Như cá bị nướng

Sống khổ, chết nạn.

Thuở ấy, Đức Phật ngự tại đạo tràng Thiện thắng, nước Ma-kiệt-đà. Ở đây, các nhà tu hành nhóm họp ở trên núi cao, hoặc ẩn mình trong hang sâu không xuất hiện, nhưng các người tu hành kia, luôn luôn hành đạo, xem xét thời tiết. Khi tiết xuân về khắp nơi cây cối đâm chồi nảy lộc, lấp lánh như thủy tinh, dần dần nở ra những cánh hoa rực rỡ. Các khe suối nước chảy trong vắt, lặng yên không tiếng động.

Lúc ấy vị đạo sĩ trong tâm tự nghĩ: “Thời gian không thể vay mượn, muôn vật đều sống”. Lúc bấy giờ, người tu hành xuống núi vào xóm làng, khất thực từng nhà, ông thấy gái trai ai nấy ăn uống linh đình cùng nhau vui chơi. Vị tu hành hỏi:

–Họ là ai vậy?

Người kia đáp:

–Ở nhà đó, làng đó, tên họ như vầy, con nhà đó, do cha mẹ nọ sinh ra.

Lúc ấy, vị tu hành tự nghĩ: “Hiện giờ muôn vật này đều đang đâm chồi nảy lộc, biết rằng muôn vật lớn lên từng ngày. Ta phải trở về núi vắng, lặng yên mà tu hành”. Mỗi khi tiết thu sang, vị tu hành lại xuống núi vào xóm làng khất thực từng nhà, thấy các cây cối đều trụi lá. Sương tuyết bao phủ, lá rụng cứng đờ. Ông lại thấy các khe lạch nước bị khô cạn, cứng ngắt đến nỗi ngón tay chọt không lủng. Lúc ấy vị tu hành này trong tâm tự nghĩ: “Hiện nay, bên ngoài muôn vật đang điêu tàn, rơi rụng, không còn sum suê.

Chân thật thay, lời nói ấy!” Ông lại thấy trong thôn xóm, thành quách, gái trai lớn bé dắt dìu nhau đi, gục đầu xõa tóc, đấm ngực lớn tiếng kêu khóc không thôi. Bấy giờ vị tu hành hỏi họ:

–Người ấy là ai mà buồn thương, kêu khóc thảm thiết như thế?

Họ trả lời:

–Thôn đó, nhà đó, con trai chết, con gái chết, hoặc cha mẹ qua đời, thế nên người trong thôn xóm buồn khóc như thế.

Nghe nói vậy, vị tu hành tự suy nghĩ: “Hiện nay, trong lòng người cũng đang điêu tàn. Vậy nên biết rằng dù bên trong hay bên ngoài, mọi vật đều đi tới sự hao mòn suy kém.”

Đạo nhân bèn trở về núi sâu, ngồi kiết già tư duy. Có lúc ông ngồi trên giường dây, có lúc ông ngồi dưới gốc cây, với tâm ý chuyên nhất không khởi loạn tưởng. Ngài quán xét tính chất trong ngoài đều vô thường, bèn khởi ý tưởng mặt trời xoay chuyển không ngừng. Mặt trời xoay chuyển là gì? Là tính từ mùa xuân đến mùa thu, từ mùa thu đến năm, tính từ năm đến tháng, tính từ một tháng đến nửa tháng, tính từ nửa tháng đến vài ngày, tính từ vài ngày đến giờ, tính từ giờ đến ngày đêm, tính ngày đêm đến sự chuyển động, tính từ chuyển động đến hơi thở ra vào, tính hơi thở ra vào đến tận vô dư, cho đến hết tận, mới biết là tận không, muôn vật không có.

Khi đã biết không có thì biết được cái gì khởi dậy từ cái gốc diệt, cũng không dấu vết. Thỉnh thoảng người tu hành hạnh khởi lên dấu vết diệt, không có dấu vết, mới giác ngộ rằng tất cả Như Lai không thường còn, cũng không có hang ổ gì. Có lúc người hành quán xét những việc đã làm từ trước, trải bao tháng ngày mới tiêu diệt hết, nhớ lại lời Phật dạy: “Như Lai cũng nói vô thường là khổ”. Bấy giờ, vị tu hành ấy suy nghĩ rằng: “Sinh tử như vậy, ai dám khẳng định là vui?” Tâm đã chán ngán, không để mình bị dính trong bốn cuồng lưu tham ái, mong đến Niết-bàn, chóng được diệt độ. Trong thời gian đó chứng được các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh, không chút tì vết mà thấy người tu hành ấy đang ở trong núi sâu, siêng năng tu đạo không làm dứt mất dòng Thánh, từ sự việc ấy, tìm tới ngọn ngành, vì muốn chỉ bày ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, cũng khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên Đức Phật nhóm họp đại chúng mà nói bài kệ:

Đi chẳng trở về

Đêm ngày gắng sức

Như cá bị nướng

Sống khổ, chết nạn.

***

Đời người tựa ngày đêm

Hoặc dừng hay đi khắp

Như dòng sông chảy xiết

Trôi xuôi không ngược dòng.

Thuở ấy Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ. Các Đức Phật, Thế Tôn thường khi thuyết pháp là quán xét tâm ý người tùy lúc, tùy hoàn cảnh thích đáng. Các Ngài nhận thấy: Có chúng sinh cho thân mình là thường. Thân năm ấm này hôm qua và ngày nay không có gì đổi khác. Kẻ ngu tâm ý mê mờ nên mới cho rằng thân năm ấm không bị già suy giống như dòng sông chảy xiết, dòng nước chảy trước không phải là dòng nước chảy sau, dòng nước chảy sau không phải là dòng nước chảy trước. Đi thì đi mãi tới thì cũng chẳng ngừng, đời người cũng như thế, cuộc sống trước không giống cuộc sống sau, cuộc sống sau không giống cuộc sống trước. Những ai tu tập công đức như hang Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di quán thân bốn đại này đổi thay mau chóng như nước sông chảy xiết, suy nghĩ rõ ràng để đạt đến cảnh giới vô lậu. Hàng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thì chứng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm. Hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thì chứng quả A-la-hán.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh không chút tì vết, thấy bốn bộ chúng phân biệt rõ về thân năm ấm sẽ đi về dâu. Bấy giờ Thế Tôn tìm tới ngọn ngành của sự việc, làm ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên Ngài nhóm họp chúng Tăng mà nói bài kệ:

Đời người tựa ngày đêm

Hoặc dừng hay đi khắp

Như dòng sông chảy xiết

Trôi xuôi không ngược dòng.

Bốn bộ chúng nghe lời Phật dạy, vui mừng mà lui ra.

***

Già thì thân suy

Bệnh mà qua đời

Thân xác mục rã

Chết lẽ tất nhiên.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong đại giảng đường Phổ tập, bên cạnh ao Di hầu, thuộc thành Tỳ-xá-ly. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Hoặc có chúng sinh tự cậy vào sức trai trẻ, không ai địch nổi, hoặc có người ỷ rằng mình chưa hề bệnh hoạn mà cho rằng mình mạnh khỏe mãi, hoặc có người cậy vào tiền của giàu có vô lượng, hoặc có người cậy vào dòng họ giàu sang đầy đủ. Hoặc có người già sống trong đại chúng bị chê bai là đồ bỏ đi.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn quán xét tâm ý con người thường vướng vào phải, trái. Muốn giúp cho chúng sinh sửa đổi lỗi lầm nên Ngài nói bài kệ này. Lúc ấy các chàng thanh niên thành Tỳ-xá-ly nghe lời dạy ấy thì có người sinh khởi ý niệm vô thường, vô ngã. Người khác thì sinh khởi ý niệm về bất tịnh, chỉ quán. Có người thì có ý niệm về An ban thủ ý, hay Đảnh pháp, Noãn pháp, Nhẫn pháp, Thế gian đệ nhất pháp. Có người chứng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm. Có người phát tâm cầu đạo Vô thượng, hoặc có người cầu đạo Bích-chi-phật, đạo A-la-hán.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng bài kệ này giáo hóa vô số thanh niên thành Tỳ-xá-ly. Nhân sự việc này, muốn tìm ngọn ngành, muốn làm ngọn đèn sáng cho đời sau, khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, Đức Phật ở trước đại chúng nói bài kệ:

Già thì thân suy

Bệnh mà qua đời

Thân xác mục rã

Chết lẽ tất nhiên.

Nghe Đức Phật nói xong, các thanh niên Tỳ-xá-ly làm lễ rồi ra về.

***

Thân này không bền

Trở về với đất

Thần thức lìa rồi

Chỉ còn bộ xương.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn Cam-lê, thành Tỳ-xá-ly.

Lúc ấy có nàng A-phạm-hòa-lợi tự cậy vào sắc đẹp trên đời không hai của mình. Nếu so lên thì bằng Tiên nữ còn so xuống thì vượt hết mọi người. Thân tướng xinh xắn đẹp đẽ, nhìn mãi không biết chán. Lại thêm của tiền trong nhà thì không thể tính kể với ngọc ngà bảy báu tràn đầy.

Lúc bấy giờ A-phạm-hòa-lợi sửa soạn một chiếc xe sang trọng, nàng tự trang điểm lộng lẫy, tắm gội bằng nước hoa thơm, rồi nàng đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy dưới chân Ngài rồi đứng qua một bên. Lúc ấy, có rất nhiều Tỳ-kheo lòng còn là phàm phu chưa đoạn ái dục, khi thấy A-phạm-hòa-lợi đến chỗ Phật thì động tâm ái dục, nổi dậy ý nghĩ bất tịnh. Đức Phật biết tâm ý họ, Ngài liền bảo:

–Thế nào các thầy Tỳ-kheo, A-phạm-hòa-lợi với thân bốn đại hôi hám, là vật dơ bẩn, không có gì đáng ham muốn cả. Các thầy nên biết, cô A-phạm-hòa-lợi sẽ sống không lâu.

Quả nhiên, khi nàng đang nằm trên giường cao sang rộng đẹp với y phục thơm ngát đáng giá cả một ức, bỗng nhiên nàng qua đời trên chiếc giường cao sang ấy, rồi thi thể được đem ra gò mả cách đó một do-tuần. Lúc ấy, nghe vậy, các thầy Tỳ-kheo lấy làm ngạc nhiên. Cái chết sao mà đến quá nhanh, không kể già hay trẻ. Người này xinh đẹp trên đời ít có, nay thân hình kiều diễm ấy bị đem vất bỏ ngoài gò mả.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nhân sự việc ấy thấu suốt ngọn ngành, muốn làm ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, Đức Phật liền ở trước đại chúng nói bài kệ này. Trong bốn bộ chúng, sau khi nghe dạy bài kệ này, có người chợt sinh khởi ý niệm vô thường, vô ngã, người khác thì sinh khởi ý niệm về bất tịnh quán, chỉ quán. Có người thì có ý niệm về An ban thủ ý, hay Đảnh pháp, Noãn pháp, Nhẫn pháp, Thế đệ nhất pháp. Có người chứng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, có người phát tâm cầu đạo Vô thượng. Có người cầu đạo Bích-chi-phật, đạo A-la-hán.

Lúc ấy Đức Thế Tôn dùng bài kệ này giáo hóa vô số thanh niên thành Tỳ-xá-ly. Vì nhân duyên ấy, Ngài nói bài kệ:

Thân không bền lâu

Trở về với đất

Thần thức lìa rồi

Chỉ còn bộ xương.

Lúc bấy giờ các đại chúng nghe lời Phật dạy, vui mừng mà ra về.

***

Thân chẳng giá trị

Chỗ rịn hôi thối

Bị bệnh ép ngặt

Thêm khổ già chết.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn Ni-câu-loại, thuộc nước Ca-duy-la. Người dân nước này thường ỷ cậy vào dòng họ giàu có, thân thể luôn khỏe mạnh cường tráng. Tự khoe khoang việc làm của mình trên đời không ai sánh kịp. Trong bọn họ có một người thuộc dòng dõi khỏe mạnh, nhưng thân anh ta bỗng nổi ghẻ lở, máu tanh rịn chảy ra ngày đêm không ngừng, hôi thối dơ bẩn, khiến anh đau nhức khổ não, hễ ai thấy thì đều gớm ghiếc bịt mũi. Biết rõ tâm trạng anh ấy nên Đức Phật bảo:

–Hễ sống làm người cùng mang thân bốn đại này, thì sáu giác quan tuôn ra chất nước dơ, thân của tất cả mọi người đều giống như căn nhà chứa đầy khổ loạn, đâu có lúc nào dứt được muôn mối khổ não lo buồn.

Lúc ấy những người thuộc dòng họ Thích nghe Đức Phật dạy như vậy thì có người chợt sinh khởi niệm vô thường, vô ngã, người khác thì sinh khởi ý niệm bất tịnh, chỉ quán. Có người thì có ý niệm An ban thủ ý, hay Đảnh pháp, Noãn pháp, Nhẫn pháp, Thế đệ nhất pháp. Có người chứng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, có người phát tâm cầu đạo Vô thượng. Có người cầu đạo Bích-chi-phật, đạo A-lahán.

Lúc ấy Đức Thế Tôn dùng bài kệ này giáo hóa những người trong dòng họ Thích.

***

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Lúc ấy, có một vị trưởng giả thỉnh Đức Phật và Tỳ kheo Tăng đến nhà ông thọ thực. Đến giờ, các thầy Tỳ-kheo đến nhà ông, riêng Đức Phật thì không đến, có người mang phần  thức ăn về cho Ngài. Sở dĩ Như Lai nhờ người mang thức ăn về cho Ngài là vì có hai nguyên do: Một là Đức Phật muốn nói pháp cho các trời nghe, hai là Ngài muốn săn sóc người bệnh.

Sau khi thấy các Tỳ-kheo đã đi thọ thỉnh, Đức Phật lấy chìa khóa lớn mở cửa một phòng thì Ngài thấy một thầy Tỳ-kheo bị bệnh rất nặng, nằm tại chỗ mà đại tiểu tiện, không nghiêng mình xoay trở gì được. Đức Thế Tôn đã biết nhưng cố hỏi:

–Thầy bệnh gì mà nằm trên giường đại tiểu tiện tại chỗ, không xoay trở gì được như thế?

Thầy Tỳ-kheo ấy vốn tính chân chất thực thà, lòng không chút gian dối, trả lời Đức Phật:

–Bản tính con ngu tối, lại thêm lười biếng, khinh mạn, từ bao lâu nay con không hề chăm sóc giúp đỡ ngó ngàng đến ai, thế nên giờ đây không ai chăm sóc con. Giờ đây, con hết sức cô đơn, không người nương cậy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn cúi xuống ẵm thầy Tỳ-kheo ra khỏi phòng, rồi Ngài dọn sạch đồ bất tịnh, giặt giũ đồ ngồi, lại lấy nước sạch tắm rửa thầy Tỳ-kheo này, thay y phục, trải đồ ngồi mới, rồi nâng thầy Tỳ-kheo này đặt lại trong phòng như cũ.

Đức Như Lai dang tay làm gối, rồi bảo thầy Tỳ-kheo ấy:

–Thầy không siêng năng cầu pháp tăng thượng. Nếu siêng năng cầu pháp tăng thượng thì ai chưa đạt sẽ đạt, ai chưa được pháp thì sẽ được pháp, ai chưa chứng quả thì sẽ chứng quả. Nếu ai không hết lòng lãnh thọ pháp này thì chịu nhiều khổ não dữ dội!

Bấy giờ, Đức Phật lần lượt nói với thầy Tỳ-kheo các pháp rất nhiệm mầu. Ngài dùng mọi cách để khiến thầy Tỳ-kheo siêng năng suy nghĩ về đạo đức. Nói xong, Đức Phật liền đứng dậy, trở về phòng, khép cửa lại. Sau đó, Ngài đến giảng đường Phổ hội và bảo các thị giả:

–Các ông nên mau chóng đi mời tất cả các thầy Tỳ-kheo có mặt trong thành Xá-vệ này mau nhóm họp tại giảng đường Phổ hội.

Sau khi chúng Tỳ-kheo đã nhóm họp, Đức Phật liền dạy:

–Này các thầy Tỳ-kheo, hiện giờ ở đây các thầy không có cha mẹ, anh em, cũng không có chị em gái, cũng không có bà con họ hàng, nếu không chăm sóc cho nhau, không quan tâm đến nhau thì thật không nên. Rồi đây, hàng ngoại đạo, dị học, Phạm chí mà nghe biết được, họ sẽ chế cười chúng ta rằng: “Sa-môn của Cù-đàm không có mảy may tâm xót thương, coi mạng sống con người như sỏi đá. Kẻ bệnh nặng gần chết vẫn không ai chăm nom, săn sóc!” Trong khi đó, pháp của Ta thì trang nghiêm, trên dưới hòa thuận. Nếu các thầy vô tình như thế thì đã làm sai lệch pháp chế của Ta. Vậy từ nay trở đi, đệ tử hầu thầy phải kính thờ thầy như cha mẹ, đến chết cũng không bỏ thầy. Còn thầy thì coi đệ tử như hơi thở của mình, lúc nào cũng giữ gìn hơi thở, đến chết cũng không rời bỏ. Thầy trò kính thương lẫn nhau, nghĩa ân suốt kiếp.

Mọi vật dụng có được thì chia nhau bình đẳng. Nếu không có vật dụng cần thiết thì đến nhà tín thí, khuyến khích họ tu phước. Nếu ít người quen biết thì nên đến những nhà buôn bán, mà khất thực.

Khất thực có món ngon thì đem về cho người bệnh, còn món dở thì mình ăn. Ai chăm sóc người bệnh là chăm sóc cho chính mình.

Công đức của việc làm ấy không sai chạy.

Nói về thầy Tỳ-kheo bệnh nặng kia, sau khi Đức Thế Tôn ra khỏi phòng không bao lâu, thầy ấy liền suy nghĩ: “Thân bốn đại này chính là nơi nhóm họp của bao thứ khổ, thế thì có giá trị gì đâu, nó luôn rịn ra những chất dơ bẩn. Bị bệnh ép ngặt, không thoát khỏi già chết. Nay ta phải hết sức cẩn trọng tu hành theo lời Phật dạy.” Ngay lúc ấy thầy Tỳ kheo này xả bỏ thân mạng, nhập Niết-bàn vô dư.

Lúc bấy giờ, có rất nhiều vị Tỳ-kheo lấy chìa khóa mở cửa phòng thì thấy thầy Tỳ-kheo ấy đã qua đời. Các thầy cùng đến bạch Phật:

–Thầy Tỳ-kheo bị bệnh nặng kia đã chết rồi. Không biết thần thức thầy sinh về đâu, thuộc đường nào trong sáu cõi?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Thầy Tỳ-kheo bệnh ấy vốn chứa nhóm nhiều hạnh lành, Ta vừa giảng pháp cho thầy nghe thì tâm ý thầy liền mở tỏ. Sau đó, thầy phát tâm mạnh mẽ quán pháp từ cạn tới sâu rành mạch thứ lớp. Thầy Tỳ-kheo có dòng dõi cao quý ấy giờ đã nhập Niết-bàn.

Các thầy nên cúng dường xá-lợi thầy Tỳ-kheo ấy.

Sau khi quán xét ý nghĩa ấy, muốn chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, làm ngọn đèn sáng lớn cho chúng sinh đời sau, nên

Đức Thế Tôn ở trước đại chúng nói bài kệ:

Thân chẳng giá trị

Chỗ rịn hôi thối

Bị bệnh ép ngặt

Thêm khổ già chết.

Đại chúng nghe pháp xong, vui mừng thực hành.

***

Thân rịn chất hôi thối

Các bệnh tật nhóm họp

Không hoạn, vắng lặng nhất

An ổn dừng nghỉ mãi.

Thân rịn chất hôi thối: Những chất nhơ bẩn của thân thì không ai thích nhìn thấy. Như các thứ ghẻ lở đau nhức, luôn tươm ra các chất nhơ bẩn, chúng đứng đầu các thứ bất tịnh. Pháp vô thường biến đổi sẽ bị tan biến. Trong các thứ khổ não thì thân này là khổ nhất. Nên tìm phương tiện tốt nhất để thoát ra khỏi thân bốn đại này. Phải giỏi tìm được trí tuệ để ra khỏi ba cõi, tất cả các khổ não đều dứt hết, nên gọi là tận, đã rỗng không thì vắng lặng, cũng không còn hai bên: sinh và diệt, dính mắc hay cắt đứt.

Không hoạn, vắng lặng nhất, an ổn không còn ý niệm buồn hay vui, một sự an ổn dừng nghỉ hoàn toàn, vắng lặng bậc nhất, nhập Niết-bàn vô dư.

Lúc ấy những người trong hội nghe Đức Phật nói nghĩa này, đều vui mừng tin nhận, làm lễ Phật rồi lui.

***

Nắng nóng cũng thế

Tuyết lạnh cũng vậy

Kẻ ngu lo toan

Nào biết thay đổi.

Ngày xưa, có vị trưởng giả xây cất nhiều nhà cửa, xuân, hạ, thu, đông đều xây nhà, mặc tình làm theo ý mình, không giữ giới cấm. Ba tháng trong năm, sau này mỗi tháng đều phớt lờ không dè chừng gì cả. Tiền của vô số, nhưng lại rất keo kiệt không hề bố thí cho ai, cũng không cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, cũng không tin rằng có đời này, đời sau, mặc tình buông lung, tham lam keo kiệt khó giáo hóa. Không biết đạo đức, không màng đến vô thường, ông thích cất nhà đẹp, lầu trước dinh sau, nhà hóng mát, nhà ấm cho mùa đông, tòa dọc tòa ngang hơn mười dãy tòa. Thời tiết gió lạnh cắt da nên ông quá đời.

Đức Phật dùng Thiên nhãn thanh tịnh không chút tì vết, Ngài thấy ông trưởng giả đột nhiên qua đời. Trong những ngày còn sống, ông không có lòng thương người, ban bố cho chúng sinh, chỉ có việc bắt người khác phải làm việc nặng nhọc. Ý muốn xây thành quách quy mô rốt cuộc nào được mãn nguyện!

Bấy giờ, ở trước đại chúng, Đức Phật muốn chỉ bày nghĩa ấy, nêu lên nguồn cội, cũng muốn chúng sinh đời sau thấu hiểu vô ngại, lại muốn nêu lên cái đáng khen thì được chính miệng thần của chư Phật, Thế Tôn hiện tại, quá khứ khen tặng, cũng khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian nên Đức Phật liền nhóm họp đại chúng mà nói kệ:

Nắng nóng cũng thế

Tuyết lạnh cũng vậy

Kẻ ngu lo toan

Nào biết thay đổi.

Bấy giờ những người trong hội nghe lời Đức Phật dạy liền vui mừng thực hành.

***

Sinh con mừng vui,

Thương yêu không rời

Kẻ say gặp lũ

Phải bị chết chìm.

Ngày xưa, có một cư sĩ tiền của giàu có vô số, kho tàng đầy ngập bảy báu, có đủ bảy báu như vàng bạc, châu báu, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách. Tôi tớ, voi ngựa, xe cộ, lúa thóc chứa đầy kho lẫm, không thiếu thứ gì. Chỉ thiếu có một điều, ấy là không có con nối dõi tông đường mà thôi. Để sinh được con, ông bà đi cầu khẩn cúng vái khắp các Thần linh. Trên thì ông lạy lục các thần như thần coi nhà cửa, thần coi thành, thần coi bậc thềm, thần coi bờ ruộng, ông cũng quỳ lạy các thần tổ tiên, ông bà cha mẹ, thần núi, thần cây, thần trời đất. Dưới thì ông cũng quỳ lạy các thần ở chỗ dơ dáy, gò nổng, mả mồ. Dù chí thành như vậy, nhưng ông vẫn không mãn nguyện vì chưa sinh được con. Rồi đêm ngày buồn rầu lo lắng dần dần sinh bệnh. Ông nghĩ: “Hiện nay trong nhà ta của cải vô số, những châu báu hiếm có đều ở trong nhà ta. Thế mà không có con để nối dõi. Nếu chẳng may ta qua đời thì tất cả của cải này sẽ sung vào của công.” Nghĩ đến tương lai đau xót ấy, nhưng ông vẫn không biết tính sao. Nhưng may mắn thay, bệnh ông dần dần thuyên giảm. Ít lâu sau, vợ ông sinh được một đứa con trai, thân tướng khôi ngô ít có trên đời, mặt tươi như hoa đào, đầy đủ các tướng tốt. Cha mẹ thấy vậy vui mừng hớn hở.

Ông mời bà con chòm xóm trong làng ăn uống vui chơi, đờn ca múa hát vui chơi suốt ngày. Sau đó, ngủ say như chết, không còn biết gì nữa cả. Lúc ấy, có cơn lũ lụt từ đâu tràn về dâng cao, nhận chìm chết hết, không còn ai sống sót.

Lúc bấy giờ Đức Phật dùng Thiên nhãn thanh tịnh, không chút tì vết, Ngài thấy rõ sự thành bại của vị trưởng giả kia. Nhân sự việc ấy, Ngài suy tìm tận ngọn ngành, muốn cho chúng sinh đời sau hiểu rõ sự việc một cách thông suốt, lại muốn nêu lên cái đáng khen thì được chính miệng thần của chư Phật Thế Tôn hiện tại, quá khứ khen tặng, cũng khiến chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, Đức Phật liền nhóm họp đại chúng nói bài kệ:

Sinh con mừng vui,

Thương yêu không rời

Kẻ say gặp lũ

Phải bị chết chìm.

Các thầy Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, vui mừng thực hành.

***

Có con, có của

Kẻ ngu miệt mài

Thân chẳng của ta

Nói gì con, của!

Ngu dại hết sức

Tự cho mình khôn

Ngu mà bảo khôn

Ấy là quá ngu.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong giảng đường cao lớn bên cạnh ao Di hầu, thuộc thành Tỳ-xá-ly.

Lúc ấy, ở đó có nhiều thanh niên bắn cung rất giỏi, họ bắn đầu các mũi tên dính thẳng vào nhau. Trong những người giỏi bắn tên, họ là những người tài giỏi nhất. Họ tự cậy vào dòng họ cao quý, đời không ai bằng. Họ cho rằng khắp nơi trong cõi Diêm-phùlợi này không còn ai bằng họ. Cái chính đáng lo là người cha nghĩ rằng: “Ngày nay, trên đời không ai sánh bằng con ta, thì đâu có kẻ gian tặc nào dám khi dễ bọn ta”. Người con cũng suy nghĩ là: “Cha ta có nghề giỏi thì chắc chắn sẽ thắng mọi người”. Thế rồi, người nào cũng ỷ lại, cuối cùng thì không ai tự cứu mình được. Cái chết chợt đến thì lo chạy vạy khắp nơi. Cho nên có lời tụng rằng:

Ganh nhau dòng dõi mạnh

Nhìn nhau như anh em

Lúc thần chết đuổi dồn

Bị hại không đường trốn.

Thần chết có số loại

Bà con phải cứu nhau.

Chứa tiền của quá nhiều

Bị giặc cướp nhiễu hại.

Lửa cháy, dùng nước tắt

Lấy lọng che ánh sáng.

Giận lấy thuốc độc trừ

Bùa chú dẹp tà vạy.

Voi dữ dùng móc khiến

Chăn trâu lấy roi quất

Các việc này đều vui

Chết đến khó giữ được.

***

Thế lực vô thường

Không thể nương cậy

Biết chết mất mạng

Nhưng không giữ lâu

Tất cả đều hết

Kẻ không hiểu biết

Bị đời chê bai

Trôi lăn các nẻo.

Lúc ấy, những người thuộc dòng họ Thích trong nước Ca-tỳ-la-vệ nghe Đức Phật nói, họ biết tài nghề bắn cung của mình không ai địch nổi. Thế nên trong trận đánh nhau với vua Lưu Ly, họ đã bắn tên rất tài tình. Địch có người bị trụi hết lông mày, có kẻ không còn râu tóc, nhưng không bị thương tổn gì cả. Sau đó, vua Lưu Ly muốn rút quân về, các quan liền đến can ngăn:

–Những người thuộc dòng họ Thích này vâng giữ Giới luật đều chứng đạo quả, tuy họ có tài bắn cung giỏi, nhưng họ không làm tổn hại ta.

Lúc ấy vua Lưu Ly tiến quân tới, còn quân dòng họ Thích thì rút lui. Họ giữ chặt cửa thành, sai sứ đến thưa với Đức Phật:

–Hôm nay tình thế nguy cấp lắm, vì vua Lưu Ly tấn công tới.

Đức Thế Tôn bảo:

–Nếu mở cửa thì sẽ bị tổn hại, còn đóng cửa thì không bị tổn hại gì!

Khi vị sứ giả kia trở về tới chỗ dòng họ Thích rồi bèn bảo với họ là Đức Thế Tôn có dạy: “Nếu mở cửa thì bị vua Lưu Ly đánh phá giết hại, còn không mở cửa thì ông ta chẳng làm gì được”.

Nghe lời ấy, các vị thuộc dòng họ Thích đóng chặt, canh gác nghiêm ngặt các cửa ra vào. Lúc đó vua Lưu Ly đóng quân ngoài cửa thành, bảo những người thuộc dòng họ Thích:

–Hãy mở cửa thành cho mau, hai bên sẽ hòa thuận, không có việc giết hại nhau.

Bên trong thành, những người dòng họ Thích, bị nghiệp đời trước kéo lôi nên họ đòi mở cửa, còn những người không có nợ đời trước thì đòi phải vâng lời Như Lai dạy là không được mở cửa.

Trước đó, ở bên ngoài thành có tướng Xá Mã Thích, đã đánh nhau với vua Lưu Ly, giết chết bảy muôn người, khiển voi chĩa ngà đâm chết vô số chúng sinh. Tướng Xá Mã Thích bảo vua Lưu Ly:

–Thằng con của nô tỳ hoàng gia sinh ra kia, ngươi chớ có rút lui! Để ta vào thành chuẩn bị chiến cụ sẽ đánh nữa.

Lúc ấy nghe Xá Mã Thích đã giết hại quá nhiều người, những người dòng họ Thích trong thành liền cho người gọi Xá Mã Thích đến quở trách bảo phải ngưng tay:

–Ngươi chẳng phải thuộc dòng họ Thích mà tự xưng họ Thích, làm ô nhiễm dòng họ Thích, ngươi đã làm nhơ danh, vậy hãy ra khỏi nước, không được ở trong thành này. Hãy đi lẹ đi, chớ đứng đó!

Lúc ấy Xá Mã Thích ra khỏi thành. Bấy giờ vua Lưu Ly thúc giục đòi mở cửa. Những người họ Thích có nợ đời trước mới bảo những người họ Thích kia:

–Phải mau mở cửa thành để coi thằng con của nô tỳ hoàng gia sinh ra kia nó làm gì nào?

Những người họ Thích không có nợ đời trước mới bảo với những người thuộc họ Thích kia:

–Như Lai đã dạy là nếu mở cửa thì bị giết tất cả! Không mở cửa thành thì sẽ an toàn.

Lúc bấy giờ vua Lưu Ly lại thúc giục hãy mở cửa thành. Lúc ấy ông Thích Ma-ha-nam nói với vua Lưu Ly:

–Cho tôi xin một điều, nếu cho phép thì tôi mới trình bày!

Vua Lưu Ly bảo:

–Ngươi cứ nói. Ta sẽ không trái lời.

Lúc ấy ông Ma-ha-nam bước đến tâu vua:

–Cho phép trong thời gian tôi lặn xuống sông thì xin vua hãy thả những người họ Thích ra, cho ai nấy được thoát nạn.

Rồi ông Ma-ha-nam nhảy xuống sông, cột tóc mình vào gốc cây và chết chìm dưới đáy nước. Trong thời gian ấy, người họ Thích được thả cho chạy thoát. Sau đó vua Lưu Ly cho người lặn xuống tìm xem tại sao cậu Thích Ma-ha-nam lại ở lâu dưới nước như thế. Người lặn bèn xuống tìm, sau đó nổi lên thưa:

–Ông Thích Ma-ha-nam đã chết dưới đáy nước.

Lúc bấy giờ vua Lưu Ly đem bảy muôn người họ Thích đã chứng quả Tu-đà-hoàn ra chôn sống, rồi còn cho voi dậm đạp chết hết. Ấy là những người họ Thích có nợ đời trước, đành phải chịu chết, không cậy nhờ vào đâu được. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thanh niên Tỳ-xá-ly:

–Hư không có thể trở thành đất, đất có thể trở thành hư không. Một khi nợ đời trước đã chín muồi thì không trốn chạy đi đâu được.

Nhân sự việc ấy, Đức Phật tìm hiểu tận ngọn nguồn, làm ngọn đèn sáng lớn cho chúng sinh đời sau, cũng khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên ở trước đại chúng, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Chẳng nhờ được con

Chẳng nhờ cha anh

Bị chết bức ngặt

Chẳng nhờ được ai.

Hàng tứ chúng nghe Đức Phật nói xong, vui mừng làm lễ rồi ui.

***

Điều đúng nên làm đúng

Làm đúng việc thành đúng

Mọi người tự mệt nhọc

Nào hay già chết đến.

Đói khát thiếu nước uống

Như nai khát chạy quàng

Bị thợ săn bắn trúng

Không nghĩ dứt ái dục.

Không tìm phương tiện hay

Phân tích thân hình này

Già chết bỗng chợt đến

Không đến được Niết-bàn.

Tất cả chúng sinh ý chí và hành động khác nhau, việc làm ũng khác nhau, nên việc tu căn lành cũng không đáng nói. Nhiều gười chăm lo chuyện bên ngoài, không lo nội pháp, không lo mình ẽ chết, cứ tưởng ta sống hoài.

Ngày xưa, ở nước Kế-tân có hai anh em nọ, một người xuất ia tu chứng quả A-la-hán, một người ở nhà trông coi gia nghiệp.

Bấy giờ, người anh thường tới nhà em khuyên lơn, dạy bảo rằng:

–Em nên bố thí, giữ giới, làm các việc lành, còn sống thì được Tiếng khen, sau khi chết thì sinh vào cõi tốt đẹp.

Người em đáp:

–Anh đã bỏ nhà làm Đạo sĩ, không lo việc quan, không nghĩ đến cha mẹ, vợ con, cũng không nghĩ đến tài sản gia nghiệp. Nếu như bị mắng nhiếc làm nhục cũng không buồn rầu. Khi có chuyện vui sướng thì cũng không mừng rỡ.

Người anh nhiều lần khuyên lơn dạy bảo, nhưng người em vẫn không nghe lời. Về sau, người em mắc bệnh chết bất ngờ, bị đọa làm trâu, bị chủ bắt chở muối vào thành. Lúc ấy người anh là A-lahán từ trong thành đi ra, liền đến bên con trâu mà nói kệ:

Chở mang rất nặng nhọc

Bước đi không biếng nhác

Bị người đánh sai khiến

Ngày nay bị khốn khổ.

Xỏ mũi cột dây dàm

Lưng ung nhọt ghẻ lở

Bị ruồi nhặng bu chích

Ngày nay bị khốn khổ.

Ăn toàn là cỏ úa

Uống nước mưa đọng sình

Roi vọt chẳng rời mình

Ngày nay bị khốn khổ.

Đã làm thân súc sinh

Phương cách nào thoát ra?

Vậy hãy chuyên tâm niệm

Tam-miệu-tam-bồ-đề.

Nghe bài kệ ấy, con trâu buồn bã không vui. Người chủ liền hỏi Đạo nhân:

–Ông nói gì mà khiến trâu tôi buồn bã như thế?

Đạo nhân thưa:

–Con trâu này vốn là em tôi.

Nghe vậy, người chủ trâu thưa với đạo sĩ:

–Em ngài, xưa kia là chỗ rất thân thiết với tôi.

Đạo nhân nói:

–Ngày xưa em tôi còn mắc nợ của ông một đồng tiền muối.

Bấy giờ, người chủ trâu bảo trâu:

–Giờ đây, ta thả người, ngươi không còn phải làm việc cho ta nữa.

Lúc đó con trâu liền nhảy xuống vực sâu, dốc lòng nghĩ đến Phật, sau khi chết nó được sinh lên cõi trời. Có những chúng sinh mê luyến cõi đời, đắm say của cải, không biết làm lành, nên sau khi chết đọa vào loài ngạ quỷ. Có những người xuất gia học đạo, cắt đứt ân ái, bỏ tám việc ở đời, tu tâm thanh tịnh.

Giống như câu chuyện về thái tử và cô gái dòng Chiên-đà-la.

Cô đeo chuỗi anh lạc, nhan sắc xinh đẹp như gái trời. Nhìn qua, thái tử muốn cưới làm vợ, nhưng vua cha bảo:

–Theo luật pháp triều đình thì không được cưới người giai cấp khác, không được kết hôn với dân thường, luôn phải kết hôn với hàng trưởng giả, cư sĩ.

Thái tử thưa với vua cha:

–Nếu không cưới được cô gái ấy thì con sẽ tự sát, không thể sống trên cuộc đời này nữa.

Nghe lời đó, giống như đang ăn mà bị mắc nghẹn, nuốt vào không được mà nhả ra cũng không xong, vua liền cho người đến nhà cô gái Chiên-đà-la, nói với cha mẹ cô ta:

–Các người phải gả con gái cho thái tử.

Bà mẹ cô gái nói:

–Nếu thái tử bằng lòng theo thói quen của giai cấp chúng tôi là sát sinh thì tôi mới bằng lòng gả con gái cho.

Sứ giả về tâu, vua bèn bảo thái tử:

–Con phải làm việc sát sinh, bỏ cách sống hoàng gia mà sống theo thường dân. Vì sao lại phải sát sinh để cưới được cô gái ấy?

Thái tử thưa:

–Khi tâm đã tham muốn thì làm việc sát sinh không khó.

Thái tử liền bỏ hoàng cung mà đến nhà sát sinh để xin cưới cô gái. Thái tử phải làm những công việc nạng nhọc như đốn củi, hái rau, mang gùi, quét dọn. Cứ làm thế trải qua thời gian khá lâu.

Một lần, vị quan đại thần bậc nhất ra khỏi thành, trông thấy thái tử, ông hỏi:

–Thái tử đã cưới được cô gái ấy chưa?

Thái tử trả lời:

–Bận rộn nhiều công việc, nên tôi quên mất cô gái, không còn nhớ nữa.

Quan đại thần lại hỏi:

–Xâu chuỗi ngọc anh lạc thơm ấy hiện giờ ở đâu?

Thái tử trả lời:

–Tôi cũng quên mất, chẳng nhớ nó ở đâu.

Quan đại thần thưa thái tử:

–Chẳng những không cưới được vợ, cũng không được xâu chuỗi ngọc, lại mất cả ngôi vua, không đạt kết quả gì, giờ phải làm sao đây?

Nghe vậy, thái tử rơi lệ, buồn bã không vui. Câu chuyện ngụ ngôn này, kể cho mọi người nghe ắt có lợi ích lâu dài.

Còn có thái tử, trưởng giả, cư sĩ xuất gia học đạo, làm các công đức, mong cầu chứng quả A-la-hán, gỡ mình ra khỏi mọi trói buộc ở đời, sống trong cõi dục mà vẫn không dính mắc vào dục, giải thoát kia đây, phân biệt vô minh trí tuệ giải thoát vô ngại, giải thoát thành tựu được thật nghĩa cao quý.

Cha mẹ, anh em thường chê trách người xuất gia. Họ nói:

–Trong loài người hèn kém nhất thì không gì hơn kẻ xuất gia.

Đến từng nhà xin ăn cho đó là việc bình thường. Bị mọi người chế nhạo cười chê, đâu có gì đáng vui? Có lẽ người ta đã dùng bùa chú biến ngươi thành kẻ ăn xin, chi bằng làm người tại gia mà hưởng thú vui năm dục. Ta lập đàn bố thí cầu phước không mệt mỏi, cung cấp cả tương lai, quá khứ và hiện tại, ban phát cho người nghèo cùng thấp kém, cúng dường cho các bậc Sa-môn, Bà-la-môn, lữ khách đi xa. Bốn thứ cúng dường là y phục, thức uống ăn, giường nằm, thuốc men, ai cần áo mặc cho áo mặc, ai cần cơm ăn cho cơm ăn. Hương xông, tràng hoa, khăn tay, sáu món thường dùng trong nhà, đều cung cấp đầy đủ. Xuất gia rất cực khổ?

Bấy giờ, những người học đạo bèn nói với bà con họ hàng:

–Ý chí chúng tôi là muốn học đạo, không thích sống đời tại gia bị ràng buộc vào mọi chuyện đời.

Bà con họ hàng bèn bảo:

–Nếu không ưa thích cuộc sống thế tục thì cứ việc xuất gia.

Rồi những người này bỏ nhà đi học đạo, nhưng họ lại học tập những điều không cốt yếu, không tu hành giáo theo chánh nghiệp, trải thời gian dài, bà con họ hàng đến thăm bèn hỏi:

–Quý vị đã chứng quả A-la-hán chưa?

Các Đạo nhân thưa:

–Từ khi học đạo đến giờ, nay chúng tôi mới nghe danh từ Ala- hán.

Người bà con lại hỏi:

–Lìa bỏ ái dục, không chấp ngã chấp pháp, dứt bỏ vô minh, trí tuệ giải thoát, giải thoát vô ngại, thành tựu được thật nghĩa cao quý, những pháp đầy đủ vừa kể, các vị đạt tới hay chưa?

Các Đạo nhân đáp:

–Các pháp như thế, chúng tôi chưa đạt được. Tên các pháp ấy chúng tôi còn không biết huống gì là thực hành?

Bà con họ hàng cùng hỏi:

–Tại sao các vị đã bỏ nhà, bỏ tài sản, bỏ cả bà con họ hàng, bỏ cả ân ái để đi xuất gia, nhưng lại tu học những pháp không phải chánh pháp, không khác gì người thế tục?

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh, không chút tì vết thấy những lời đối đáp qua lại giữa những đạo sĩ và bà con họ hàng. Ngài biết những đạo sĩ kia học pháp tà, không tu theo chánh lý. Muốn đến giáo hóa họ, Ngài liền hiện đạo lực.

Đức Phật nhân việc ấy, muốn tìm tới ngọn ngành, thị hiện ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, cũng khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên Đức Thế Tôn ở trước hội chúng, nói bài kệ:

Điều đúng nên làm đúng

Làm đúng việc thành đúng

Mọi người tự mệt nhọc

Nào hay già chết đến.

Lúc bấy giờ Tôn giả Mã Thanh lại nói bài kệ:

Tắm gội trau chuốt thân

Ngu khờ không tu thiện

Cái chết bỗng nhiên đến

Như mẹ bồng con chết.

Người ta sống hơn thua, tranh nhau phải, trái, cứ làm theo thói tà, không thuận theo chánh pháp.

Xưa, có hai vợ chồng nọ, chàng trai thì khôi ngô, nàng thì xinh đẹp, đủ các tướng tốt đẹp, các căn đều vắng lặng. Họ cùng kính yêu chiều chuộng nhau, không hề thỏa mãn. Như lời kinh chép thì: Hai vợ chồng bỗng nhiên bị mù mắt, không còn trông thấy nữa.

Hai vợ chồng càng quyến luyến nhau sợ bị người lừa gạt. Chồng sợ mất vợ, vợ sợ mất chồng. Cả hai cùng ngồi bên nhau canh chừng cho nhau không rời xa giây lát. Lúc ấy bà con họ hàng đi khắp nơi tìm thầy về chữa bệnh cho họ. Thời gian sau, cả hai được sáng mắt ra. Chồng thấy nhan sắc vợ thay đổi, không giống như xưa, liền lên tiếng hỏi:

–Ai đã làm thay đổi vợ tôi?

Trong khi đó, vợ thấy dung mạo chồng thay đổi, không giống như xưa, cũng lên tiếng hỏi:

–Ai đã làm thay đổi chồng tôi?

Bà con họ hàng bèn giải thích:

–Dung mạo thời trẻ trung đổi thay trong từng ngày, khi ốm, sức tàn, da dùn, mặt nhăn, mỗi ngày mỗi khác. Thân hình đã già nua mà mong thấy lại sắc trẻ thiếu niên thì khác gì dùi nước đá mong lấy lửa, chẳng là sai lầm lắm ư? Sao hai người cứ kêu khóc mà không nhận ra nhau như thế?

Soi vào gương thì thấy dung nhan thay đổi. Than ôi! Già đến nơi, sắc đẹp không dừng lâu. Oai dung tuyệt vời thì một mai đã khác. Không biết mà cứ lo lắng buồn rầu chỉ càng thêm khổ. Nhân việc này mà Tôn giả Đàm-ma-dã-thế-lợi nói bài tụng rằng:

Giống như người ngủ mê

Trộm khoét tường lấy của

Của tiền mất nào biết

Biết rồi, tìm khắp nơi.

Ngu, ít học buông lung

Tự trầm trong ao tối

Không thấy trộm, mất của

Chống giặc già, không đức.

Cho nên nói: “Quen theo thói tà, trái đạo, mất pháp, bất chợt già chết đến.”

Bấy giờ, mọi người nghe lời ấy đều vui mừng ra về.

***

Cho nên tu thiền định

Hết sinh, không nhiệt não

Tỳ-kheo chán ma quân

Từ đó, thoát sinh tử.

Như Lai nói về: “Vô thường biến đổi, các Tỳ-kheo nghe đều chán ngán muốn lìa bỏ thân này, vì nó là gốc để gìn giữ các nhập.”

Đức Thế Tôn dạy bảo truyền trao chánh nghiệp, tu tập chánh pháp, hoặc khi ở gò mả, dưới gốc cây, hay khi kinh hành ở chỗ trống, ngồi thiền tu định, chớ nên biếng trễ. Bây giờ không siêng năng, về sau ăn năn vô ích. Đó là giới cấm của Tỳ-kheo, cho nên nói rằng:

Cho nên tu thiền định

Hết sinh, không nhiệt não

Từ sáng sớm, giữa trưa, chiều tối, đầu hôm, nửa đêm, gần sáng, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo khi đi, đứng, nằm, ngồi, tới, lui, ngủ, thức, phải luôn nhớ nghĩ thực hành Tam-muội không xen hở.

“Hết sinh, không nhiệt não” nghĩa là thân, miệng, ý không nong bức, không bị lửa kết sử thiêu đốt, tinh tấn, mạnh mẽ. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Đầu bị cháy, áo bị cháy phải đề phòng ra sao?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Cứu đầu, giữ áo là đề phòng.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Không đúng. Như Lai nói là phải nhìn kỹ đầu và áo. Lại còn phải tìm cách dùng pháp lành để dứt bỏ pháp ác, phải dụng ý cho bền chắc. Đối với pháp lành, hoàn toàn không nên vượt qua đầu mối. “Hết sinh, không nhiệt não”: Sinh là tiếp tục còn đời sống, già, bệnh, chết vẫn còn sinh. Buồn rầu, khổ não, qua lại đều có sinh.

Nên khi Phật nói phẩm Vô thường thì Tôn giả A-nan liền nói bài tụng:

Ta nghe việc thuở nọ

Như Lai nói Xuất Diệu

Chúng sinh còn tăm tối

Dùng lòng thương cứu giúp.

Nói vô thường thì bản thân câu nói, ý vị câu nói, câu văn nói, nghĩa của câu nói phải đầy đủ thì miệng nói mới không lầm lỗi.

Câu “Nghe một thuở nọ”: Tôi ấm trì đều hết, có khả năng phân biệt tất cả. Chính từ mạng sống có thân hình mà chịu bao hoạn nạn. Tôi nghe Đức Phật nói sự việc một thuở nọ, như thế chuyên tâm không rối loạn, cũng không có ý niệm nào khác xen vào. Tìm cầu pháp lành căn bản để chỉ bày con đường cho chúng sinh ngu tối. Chúng sinh ở trên đời này giống như người bị mù bẩm sinh không có mắt thì mở mắt cho họ được thấy, dùng tâm

Đại từ nhổ sạch gốc khổ cho họ. Coi chúng sinh như cha mẹ, giảng nói ý nghĩa trên.

***

Phải hiểu cú nghĩa sâu

Khéo trau dồi đạo đức

Mới dứt được các khổ

Đạt tới chỗ vô dư.

Hoặc lấy nghĩa lý câu văn mà dứt bỏ kết sử, không lấy ý vị cũng như nguyên câu văn. Trong kinh Phật cũng nói: “Không tu tập vô lậu thì sao gọi là đúng chánh pháp, vô kết, trừ lậu, không sinh mà nói là sinh”. Đó không phải kinh Phật, hoặc tụng kinh Phật mà không dứt bỏ kết sử.

Cho nên Đức Thế Tôn nói: “Phải hiểu cho sâu ý nghĩa câu văn.”

Lúc bấy giờ, Tôn giả La-vân đến chỗ Đức Phật, lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, xin Như Lai nói pháp cho con nghe để dứt bỏ tâm hữu lậu mà mau chóng được giải thoát.

Đức Thế Tôn bảo La-vân:

–Thầy hãy suy nghĩ các bài về Nhân duyên tạp, sau đó tụng, tụng xong hãy trở lại chỗ Như Lai.

Sau khi tụng Nhân duyên tạp tụng một cách nhuần nhuyễn,

La-vân liền đến chỗ Phật, bạch với Phật rằng:

–Bạch Đức Thế Tôn, con đã tụng Nhân duyên tạp tụng, nhưng tâm hữu lậu chưa giải thoát.

Đức Phật bảo La-vân:

–Thầy nên tụng Ngũ thạnh ấm tạp tụng.

Vâng lời ấy, La-vân liền tụng Ngũ thạnh ấm. Lại nhân lúc khác, La-vân đến chỗ Đức Phật, bạch Phật:

–Con tụng Ngũ thạnh ấm xong, nhưng tâm hữu lậu chưa giải thoát.

Đức Phật bảo La-vân:

–Ngươi hãy tụng Lục cánh lạc tạp tụng.

Vâng lời dạy, La-vân tụng Lục cánh lạc. Thừa thì giờ, La-vân lại đến chỗ Đức Phật bạch Phật:

–Con đã tụng Lục cánh lạc, nhưng tâm hữu lậu chưa giải thoát.

Bấy giờ Đức Phật bảo La-vân:

–Thầy phải quán xét ý nghĩa của nó.

Vâng lời dạy ấy, La-vân tự mình suy nghĩ rõ ràng ý nghĩa ấy, dần dần dứt hẳn kết sử, chứng quả A-la-hán. Ấy là nhờ phân biệt ý nghĩa, cho nên vượt thứ bậc mà chứng quả, dứt hữu lậu thành vô lậu.

Do thế Tôn giả A-nan nói:

–Nhờ hiểu sâu sắc ý nghĩa của câu, khéo trau dồi đạo đức, dùng chánh đạo cắt đứt kết sử, dứt bỏ bảy sử trói buộc, hết hẳn không còn sót, ấy gọi là Niết-bàn. Diệt hết, không còn sinh diệt, không còn dính mắc, dứt bỏ, được an ổn vui sướng. Cho nên nói khéo trau dồi đạo đức mới dứt các nỗi khổ. Khổ là khổ về sinh, về già, về bệnh, về chết, về thương yêu phải chia lìa, về oán ghét mà phải gặp nhau… được đến chỗ vô dư, vô dư là nghĩa bậc nhất, vô thượng, không có lỗi lầm.