PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA BỒ-TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP KINH
Hán dịch: Tam tạng Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Phẩm 1: TRƯỞNG GIẢ HIỀN HỘ

Tôi nghe như vầy:

Thuở nọ Đức Thế Tôn an cư tại nước Xá-vệ, vừa mãn ba tháng hạ liền đi thăm hỏi các vị Tỳ-kheo về việc cắt rọc vải may y phục. Cùng đi với Đức Thế Tôn gồm có chúng Bí-sô một ngàn hai trăm năm mươi vị; ngoài ra có các Bí-sô-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, quốc vương, đại thần, Sa-môn, Bà-la-môn, trưởng giả và các ngoại đạo; cho đến các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâula, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già. Các chúng này luôn tôn trọng cung kính chí thành cúng dường Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nhận sự cúng dường ấy, làm ruộng phước cho đời. Các món cúng dường như đồ ăn, thức uống, y phuc, bồ đoàn, ngọa cụ, thuốc thang và các món thọ dụng khác. Sở dĩ được sự cúng dường như thế, là vì danh tiếng của Đức Thế Tôn vang lừng thù thắng vượt hơn cả thế gian, đầy đủ mười hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Trong hàng Trời, Người, A-tu-la, Samôn, Bà-la-môn, hoặc Ma, hoặc Phạm và tất cả đại chúng thế gian, Đức The Tôn tự dùng thần lực mà chứng thánh quả. Trong lúc du hóa, chánh pháp của Đức Thế Tôn nói ra đầu, giữa, cuối đều thiện, văn nghĩa sâu xa, thuần nhất không xen tạp, tướng mạo tròn đầy, phạm hạnh thanh tịnh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn từ từ đi đến nước Ma-già-đà, rồi lần lượt đến đại thành Vương xá, đến rồi, dừng nghỉ ở núi Thứu phong.

Lúc đó trong thành Vương xá có một vị trưởng giả tên là Hiền Hộ đã từng làm rất nhiều Phật sự và gieo trồng căn lành từ đời Phật quá khứ. Ông ta của cải giàu có, thọ dụng không cùng, vàng bạc châu báu chất đầy kho, chứa nhóm ma-ni, trân châu, xa cừ, san hô, phệ lưu ly và các loại voi, ngựa, trâu, dê cùng với những người nô tỳ hầu hạ kinh doanh phục dịch.

Một hôm, trưởng giả Hiền Hộ nghe Sa-môn Cù-đàm vượt thành xuất gia với ý chí thanh tịnh, hiện nay đang cùng với đại chúng Bí-sô một ngàn hai trăm năm mươi vị đi qua nước Ma-già-đà, rồi lần lượt đến đại thành Vương xá, đang dừng nghỉ ở núi Thứu phong. Sa-môn Cù-đàm công đức to lớn sắc tướng đầy đủ, danh tiếng vang lừng hơn cả thế gian, thành quả Chánh giác, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Thế Tôn tùy theo căn cơ thích ứng tuyên nói chánh pháp đầu, giữa, cuối đều thiện, văn nghĩa sâu xa, thuần nhất không xen tạp, tướng mạo tròn đầy, phạm hạnh thanh tịnh. Sau khi nghe được như thế, trưởng giả Hiền Hộ liền nghĩ: nay ta nên đến chỗ của Sa-môn Cù-đàm thân cận đảnh lễ Đức Phật Như Lai; Ứng Cúng, Chánh đẳng Chánh giác, công đức sắc tướng toàn thiện ấy. Nghĩ thế rồi, trưởng giả Hiền Hộ cùng với năm trăm trưởng giả rời khỏi thành Vương xá đến đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn quấn y cầm bát cùng với chúng Bísô cung kính vây quanh đi vào đại thành Vương xá lần lượt khất thực. Đức Thế Tôn oai nghi nghiêm túc, bước đi nhẹ nhàng, ánh sáng thanh tịnh, chiếu khắp thế gian, mọi cử chỉ đều ngay thẳng thanh tịnh.

Lúc đó, Hiền Hộ cùng với năm trăm trưởng giả, từ xa trông thấy Đức Thế Tôn đang từ từ đi đến, oai dung tướng hảo thanh tịnh đoan nghiêm, các căn điều hòa nhu nhuyến, ý niệm vắng lặng, điều phục khéo léo, như Đại Long vương, như suối chảy trong sạch không nhơ bẩn, có vô số trời người đại chúng theo vây quanh, thân tướng uy nghi như sắc vàng ròng, thân trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Trời mưa các loại hoa to lớn thù thắng vi diệu, hoa mưa đó đầy khắp cả moi nơi; lại có hoa sen bảy báu ngàn ức cánh nở theo bước chân. Đức Thế Tôn đầy đủ vô số trăm ngàn oai nghi công đức đang từ xa đi đến, các trưởng giả đứng phía bên trái đường thấy như vậy rồi sinh lòng tin thanh tịnh đem lòng tin thanh tịnh đến trước chỗ Phật, đến đảnh lễ sát chân cung kính đứng trước Đức Phật.

Lúc đó, Hiền Hộ và năm trăm trưởng giả đều bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn Cù-đàm! Thế Tôn ở trong đại chúng tướng tốt thù thắng; Thế Tôn Cù-đàm ở trong đại chúng oai đức thù thắng; Đức Tôn Cù-đàm ở trong đại chúng danh tiếng thù thắng; Thế Tôn Cù-đàm ở trong đại chúng ánh sáng thù thắng; Thế Tôn Cù-đàm sắc tướng vàng rực tối thượng thù thắng; thân tướng Thế Tôn như Kim Tiên thuở xưa; thân tướng Thế Tôn vi diệu không ai bằng; các căn Thế Tôn đầy đủ pháp hy hữu; Thế Tôn Cù-đàm hơn tất cả thế gian. Con thấy Thế Tôn đầy đủ oai tướng công đức như thế, vậy vì lý do gì mà bỏ thành xuất gia.

Trưởng giả Hiền Hộ liền dùng kệ tán thán:

Con xưa từng nghe Phật Thế Tôn
Danh tiếng tốt đẹp và oai đức
Tướng đẹp tối thượng con nay thấy
Ánh sáng thù thắng đủ như vậy
Thanh tịnh tốt đẹp tướng vàng ròng
Kim sắc cao vời mọi người thấy
Lìa trần không nhiễm ở trong chúng
Như trăng sáng ngời giữa các sao
Con xưa quy mạng Nhân Trung Tôn
Như núi Tu-di cao ngất trời
Như lộng chư Thiên đảnh trang nghiêm
Thứ lớp bao trùm mát tất cả
Tóc trên đỉnh đầu mềm lại bóng
Giống như sắc tướng của Đế Thanh
Cổ thì giống như Khổng Tước vương
Quay về phía phải lại mềm mại
Trán rộng bằng thẳng lại trắng sạch
Đôi mi cũng như cung Đế Thích
Lông giữa chặng mày sáng thanh tịnh
Như vì sao chúa sáng rạng ngời
Hai mắt rất đẹp tướng đáng yêu
Người thấy đều sinh tâm hoan hỷ
Nhìn mãi nhưng vẫn không biết chán
Đảnh lễ Thế Tôn mắt thanh tịnh
Con nhìn sóng mũi Nhân Trung Tôn
Cao ráo ngay thẳng như kim sơn
Môi như hổ phách loại Tần-bà
Thanh tịnh cũng như tịnh bảo châu
Răng thì bóng sáng lại trong sạch
Như sữa như ngẫu và như áp
Chắc chắn thanh tịnh khít bằng thẳng
Tùy chổ động chuyển thật đáng yêu
Các răng nhỏ lớn khít không thô
Bốn răng nhọn bén nhưng không dơ
Cũng như nga vương trong bầy nga
Rạng ngời thanh tịnh trắng như tuyết
Mặt như sơ nhật sáng rạng ngời
Như Ưu-bát-la và màu đồng
Lưỡi luôn trong sạch rộng lại dài
Che khắp cả mặt rất thanh tịnh
Con ở trong trời người Phạm thế
Chưa từng thấy ai tướng như Phật
Vành tai cũng như Sư tử vương
Đủ tướng Sư tử bac vô úy
Con thấy cổ Ngài đủ oai đức
Ăn thức ăn vào đều thanh tịnh
Cổ thì ngay thẳng không cong vẹo
Thường được các vị ngon thượng diệu
Dung nghi đôn hậu lại thù thắng
Bảy chỗ bằng thẳng ai cũng nghe
Tối thắng tốt đẹp Đấng Nhân Trung
Như mặt trời sáng chiếu đảnh núi
Bảy chỗ bằng thẳng ấy đó là
Hai tay, bàn chân và hai vai
Cổ thì bằng thẳng đó là bảy
Tròn đầy thanh tịnh lại sáng ngời
Hai tay tròn trịa dài suôn sẻ
Cũng như Long vương rất thanh tịnh
Không cao không thấp hai tay bằng
Hai tay duỗi xuống dài quá gối
Nửa thân trên như Sư tử vương
Như Ni-câu-đà thân tròn đầy
Như Na-la-diên thân không hoại
Đại lực nhẫn lực đều đầy đủ
Lông trên thân mình mịn nhu nhuyến
Tất cả lông ấy đều quay phải
Không nhiễm bụi trần thân thanh tịnh
Thí như hoa sen không dính nước
Âm tàng ẩn phú rất kín đáo
Cũng như mã vương được điều thiện
Hai vế cũng như cỏ mềm mai
Hai ống quyển đứng rất vững chãi
Gót chân tròn trịa bàn cân xứng
Tay chân đều có màng da mỏng
Lại như nga vương ngón nhỏ dài
Tay chân đầy đủ hai mươi ngón
Ngón tay thon dài móng đỏ hồng
Các lông ngón tay nằm xếp xuống
Dưới lòng chân tướng thiên bức luân
Mắt cá không thô cũng không lộ
Bước đi bằng thẳng không cao thấp
Bước đi cách đất bốn ngón tay
Tướng mạo thù thắng hơn thế gian
Hoa sen đỏ dưới chân Ngài bước
Thế Tôn cất bước không sợ gì
Như Sư tử vương không cao thấp
Không nhanh không chậm mức trung bình
Dạo đi tự tại không sợ hãi
Chư Thiên mưa xuống hoa vi diệu
Trong không tranh nhau trổi âm nhạc
Phi nhân cung kính khởi cúng dường
Đức Phật thần thông tướng hy hữu
Sắc tướng hơn cả Tỳ-sa-môn
Ánh sáng hơn trăm ngàn mặt trời
Công đức Thế Tôn hơn tất cả
Trời, người, ma, phạm và các chúng
Nay trong tâm con có điều nghi
Thần thông của Phật rất tối thượng
Vì thấy những môn công đức gì
Mà đi xuất gia thành Thánh quả.

Lúc đó, Đức Phật bảo Hiền Hộ và các trưởng giả:

–Này các trưởng giả! Ta thấy mười pháp tích tập lại nhiễu loạn thế gian, khổ này rất lớn. Mười pháp đó là:

  1. Sinh nhiễu loạn.
  2. Già nhiễu loạn.
  3. Bệnh nhiễu loạn.
  4. Chết nhiễu loạn.
  5. Lo nhiễu loạn.
  6. Buồn nhiễu loạn.
  7. Khổ nhiễu loạn.
  8. Phiền não nhiễu loạn.
  9. Sầu than nhiễu loạn.
  10. Luân hồi nhiễu loạn.

Mười pháp này tích tập lại nhiễu loạn thế gian. Ta thấy vậy, nên mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, hướng đến chứng quả Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa trên liền nói kệ rằng:

Những kẻ ngu dị sinh
Mắc trong lưới luân hồi
Sinh, sầu than nhiễu loạn
Già, bệnh luôn theo đuổi
Lo, buồn nên khổ não
Chết đến cướp mạng sống
Nếu mong cầu xuất ly
Thoát khỏi lưới ba cõi.

Lại nữa, này trưởng giả! Sân tích tập lại làm tổn hại thế gian, khổ này rất lớn. Tổn hại có mười:

  1. Do tâm của ta, quá khứ đã làm các việc tổn hại.
  2. Khởi lên suy nghĩ, hiện tại làm các việc tổn hại.
  3. Khởi lên suy nghĩ vị lai làm các việc tổn hại.
  4. Vì ngã sở ái khởi lên suy nghĩ, quá khứ chưa làm các việc tổn hại.
  5. Vì ngã sở ái khởi lên suy nghĩ, hiện tại chưa làm các việc tổn hại.
  6. Vì ngã sở ái khởi lên suy nghĩ, vị lai chưa làm các việc tổn hại.
  7. Không phải ngã ái khởi lên suy nghĩ, quá khứ đã từng làm các việc tổn hại.
  8. Không phải ngã ái khởi lên suy nghĩ, hiện tại làm các việc tổn hại.
  9. Không phải ngã ái khởi lên suy nghĩ, vị lai sẽ làm các việc tổn hại.
  10. Khởi suy nghĩ làm các việc vô nghĩa, gây ra mọi lỗi lầm tổn hại.

Mười việc tổn hại này tích tập lại làm tổn hại thế gian. Ta thấy việc đó, vì muốn khiến chúng sinh lìa các tổn hại này, nên phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, hướng đến chứng quả Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc đó, Đức Thế Tôn lập lại nghĩa trên nói kệ rằng:

Chúng sinh nhiều sân hận
Làm tổn hại lẫn nhau
Đã hiện sẽ tổn hại
Thành mười việc tổn hại
Người yêu không sinh hại
Đã làm và sẽ làm
Đang làm cũng như thế
Không thành pháp tổn hại
Ngã không phải bạn yêu
Làm các việc tổn hại
Đã, hiện, sẽ cũng vậy
Sinh tội nghiệp tổn hại
Và lỗi lầm vô nghĩa
Mười tổn hại trói buộc
Ta thấy pháp tổn hại
Mới tịnh tín xuất gia.

Lại nữa, này trưởng giả! Trong mọi thứ kiến, các hiểm ác kiến tích tập lại trong thế gian, khổ này rất lớn. Hiểm ác kiến có mười thứ:

  1. Đối với ngã kiến khởi lên hiểm ác kiến.
  2. Đối với chúng sinh kiến khởi lên hiểm ác kiến.
  3. Đối với thọ giả kiến khởi lên hiểm ác kiến.
  4. Đối với nhân kiến khởi lên hiểm ác kiến.
  5. Đối với đoạn kiến khởi lên hiểm ác kiến.
  6. Đối vơi thường kiến khởi lên hiểm ác kiến.
  7. Đối với vô tác kiến khởi lên hiểm ác kiến.
  8. Đối với vô nhân kiến khởi lên hiểm ác kiến.
  9. Đối với bất bình đẳng kiến khởi lên hiểm ác kiến.
  10. Đối với tà kiến khởi lên hiểm ác kiến.

Ta thấy được mười thứ hiểm ác kiến này rồi, vì muốn chúng sinh phá tất cả các kiến ấy, nên mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, hướng đến chứng quả Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc đó, Đức Thế Tôn lập lại nghĩa trên liền nói kệ rằng:

Ngã, nhân, chúng sinh kiến
Thọ giả kiến cũng thế
Các kẻ ngu dị sinh
Hiểm ác kiến che lấp
Đoạn, thường và vô tác
Tà vô nhân bất bình
Khiến an trụ chánh kiến
Vì thế ta xuất gia
Ta ở trong tăng-kỳ
Na-do-tha trăm ngàn
Vô số câu-chi kiếp
Vì lợi lạc chúng sinh.

Lại nữa, này trưởng giả! Có mũi tên bệnh nặng bắn vào thế gian, khổ này rất lớn. Có mười mũi tên bệnh nặng:

  1. Mũi tên ái.
  2. Mũi tên vô minh.
  3. Mũi tên dục.
  4. Mũi tên tham.
  5. Mũi tên sân.
  6. Mũi tên si.
  7. Mũi tên mạn.
  8. Mũi tên kiến.
  9. Mũi tên thành.
  10.  Mũi tên hoại.

Ta muốn khiến cho tất cả chúng sinh đều nhổ sạch mười mũi tên bệnh nặng này, nên ta mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia hướng đến chứng quả Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc đó, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa trên liền nói kệ rằng:

Tên ái chứa tham lam
Vô trí nên tối tăm
Vô minh si che lấp
Quay tròn trong khổ uẩn
Tên dục theo đó bắn
Tên tham luôn đeo đuổi
Tên sân khởi hôn mê
Tên si phủ che lấp
Tên kiến khởi trái ngược
Mạn, thành, hoại cũng thế
Những kẻ ngu dị sinh
Mới hủy báng lẫn nhau
Hư vọng mất chân thật
Dấy lên sự tranh cãi
Phá tên bệnh thế gian
Chỉ pháp vô sinh Phật
Các chúng sinh thế gian
Thường bị tên bắn vào
Vì cứu hộ dứt trừ
Khiến tất cả lìa khổ.

**********

Lại nữa, này trưởng giả! Các pháp ái, các pháp tích tập kiến lập căn bản ở thế gian, khổ này rất lớn. Nền tảng của ái có mười thứ:

  1. Do ái duyên cho nên khởi lên tìm cầu.
  2. Do tìm cầu, cho nên sinh tham trước.
  3. Do tham trước, cho nên nổi lên ngã kiến.
  4. Do ngã kiến, cho nên chấp quyết định.
  5. Do chấp quyết định, cho nên sinh tham dục.
  6. Do tham dục, cho nên khởi chấp trước.
  7. Do chấp trước, cho nên sinh xan lận.
  8. Do xan lận, cho nên chấp thủ.
  9. Do chấp thủ, cho nên không phòng hộ.
  10. Do không phòng hộ, nên sinh các khổ.

Do không phòng hộ nên mới cầm dao gậy chiến đấu tranh cãi. Vì lý do đó cho nên nói hai lưỡi gây nhiều tội lỗi bất thiện. Ta do thấy được mười thứ nền tảng ái hợp tập thế gian, muốn khiến cho chúng sinh an lập pháp không nền tảng, nên mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, hướng đến chứng quả Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn lập lại nghĩa trên bằng kệ rằng:

Chúng sinh bởi vì ái
Cho nên khởi tìm cầu
Được lợi tham ngã kiến
Vì thọ nên quyết định
Việc này ta sẽ làm
Tham dục càng tăng trưởng
Tham dục tăng trưởng rồi
Chấp trước sinh xan lận
Lỗi xan tham thế gian
Kiên cố lại chấp trước
Do chấp nên không hộ
Tội lỗi cứ khởi mãi
Người ngu do không hộ
Cầm đao gậy tổn hại
Gây ra nhiều tội nghiệp
Về sau khổ càng tăng
Ái duyên tăng trưởng rồi
Mới sinh ra các khổ
Ta chứng quả Bồ-đề
Khiến trụ không căn bản.

Lại nữa, này trưởng giả! Tụ pháp tà định tích tập ở thế gian, khổ này rất lớn. Tà pháp có mười:

  1. Nhận thức tà vạy.
  2. Suy nghĩ tà vạy.
  3. Lời nói tà vạy.
  4. Nghiệp tà vạy.
  5. Mạng tà vạy.
  6. Tinh tấn tà vạy.
  7. Niệm tà vạy.
  8. Định tà vạy.
  9. Giải thoát tà vạy.
  10. Trí tà vạy.

Ta thấy được mười thứ tà định tích tập ở thế gian, khổ này rất lớn. Vì muốn khiến cho tất cả chúng sinh thoát khỏi tà pháp, nên mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, hướng đến chứng quả Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn lập lại nghĩa trên bằng kệ rằng:

Chất chứa các tà kiến
Cảnh giới suy nghĩ tà
Toàn nói lời tà ngụy
Làm các việc tà nghiệp
Tà mạng và tà cần
Tà niệm cùng tà định
Nỗi lên tà giải thoát
Hướng thẳng đến tà trí
Các tụ tà định này
Kẻ ngu si gầy dựng
Khiến chuyển tà theo chánh
Thế nên ta xuất gia.

Lại nữa, này trưởng giả! Đường ác hiểm sâu, tích tập ở thế gian, khổ này rất lớn, dần dần hướng đến nẻo ác, tăng trưởng nẻo ác và làm lớn nẻo ác.

Đó là mười nghiệp bất thiện:

  1. Giết hại.
  2. Trộm cắp. 3. Tà nhiễm.
  3. Nói dối.
  4. Nói thêu dệt.
  5. Nói hai lưỡi.
  6. Nói ác.
  7. Tham lam.
  8. Sân hận.
  9. Tà kiến.

Mười thứ nghiệp bất thiện này dần dần hướng đến nẻo ác, tăng trưởng nẻo ác và mở rộng nẻo ác. Ta thấy vậy rồi, muốn khiến chúng sinh lìa mọi đường hiểm, nên mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, hướng đến chứng quả Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn lập lại nghĩa trên bằng kệ rằng:

Chúng sinh khởi giết hại
Cướp đoạt của người khác
Dục, tà hạnh, biến hành
Mau đọa vào địa ngục
Hai lưỡi và nói ác
Nói dối không quyết định
Người ngu nói thêu dệt
Dị sinh phiền não trói
Tâm tham thích của giàu
Sân gây các lỗi lầm
Tà kiến phá hoại nhiều
Sẽ đọa vào đường ác
Thân có ba nghiệp tội
Miệng bốn nghiệp nên biết
Ý ba nghiệp cũng vậy
Người làm đọa đường ác
Nếu ai tạo các tội
Nhất định đọa đường ác
Nếu lìa ba tội này
Thì không đọa đường ác.

Lại nữa, này trưởng giả! Phiền não, tùy phiền não, các nhơ bẩn tạp nhiễm tích tập thế gian, khổ này rất lớn. Tạp nhiễm có mười:

  1. Nhơ bẩn keo kiệt tạp nhiễm.
  2. Nhơ bẩn phá giới tạp nhiễm.
  3. Nhơ bẩn sân nhuế tạp nhiễm.
  4. Nhơ bẩn biếng nhác tạp nhiễm.
  5. Nhơ bẩn tán loạn tạp nhiễm.
  6. Nhơ bẩn ác tuệ tạp nhiễm.
  7. Nhơ bẩn vô văn tạp nhiễm.
  8. Nhơ bẩn si hoặc tạp nhiễm.
  9. Nhơ bẩn không tin hiểu tạp nhiễm.
  10. Nhơ bẩn không tôn trọng tạp nhiễm.

Mười thứ nhơ bẩn tạp nhiễm như vậy tích tập ở thế gian. Ta thấy vậy rồi, muốn khiến cho tất cả chúng sinh an trụ pháp vô nhiễm, cho nên mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, hướng đến chứng quả Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn lập lại nghĩa trên bằng kệ rằng:

Pháp thế gian liên tục
Mười tạp nhiễm bức bách
Đắm tạp nhiễm hữu vi
Tạm thời không mệt mỏi
Các kẻ ngu dị sinh
Bị nhơ bẩn tham nhiễm
Giới học nhiếp chúng sinh
Nhưng lại hủy giới ấy
Kẻ ngu trái nhẫn nhục
Biếng nhác ít siêng năng
Tâm không thể an định
Ác tuệ thêm đần độn
Xa lìa cả cha mẹ
Tôn trưởng và thầy tổ
Không thấy được ánh sáng
Ác tuệ khởi niệm si
Phật nói pháp thậm thâm
Mà lại sinh hủy báng
Bị si ám che lấp
Không tôn trọng Thánh pháp
Thấy pháp tạp nhiễm rồi
Không còn đắm hữu vi
Không nhiễm ô vô vi
Khiến chúng sinh vắng lặng.

Lại nữa, này trưởng giả! Sợ hãi sinh tử tích tập ở thế gian, khổ này rất lớn. Nó có mười loại:

  1. Xan tham tât đố, che lấp trói buộc, khổ này rất lớn.
  2. Pháp phần vô minh luôn luôn đoanh vây, khổ này rất lớn.
  3. Biển dục lan tràn, khổ này rất lớn.
  4. Trong cái dục ấy, khổ sở gian nan tan hoại, khổ này rất lớn.
  5. Thân ái trói buộc, tên dục bắn vào, khổ này rất lớn.
  6. Khói trần phẫn hận bay mù mịt phát ra lửa dữ, khổ này rất lớn.
  7. Lửa tham thiêu đốt, khổ này rất lớn.
  8. Sân độc che lấp, khổ này rất lớn.
  9. Si chướng như gai nhọn, khổ này rất lớn.
  10. Đồng hoang sinh tử, hiểm nạn ghê sợ, luôn theo đuổi trói buộc, khổ này rất lớn.

Ta thấy được mười thứ khổ này rồi, muốn khiến chúng sinh trừ đoạn, cho nên mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, hướng đến chứng quả Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm lược nghĩa trên bằng kệ rằng:

Sinh, trẻ, già luôn luôn theo đuổi
Sắc tướng hoại là phi sắc tướng
Không niệm không tuệ làm tổn giảm
Pháp này hay hoại tướng thế gian
Bệnh làm giảm mất cả sắc lực
Cướp đi sức mạnh của tinh tấn
Lại còn tổn giảm nơi các căn
Sức lực kém dần nương vào đâu
Sợ chết cũng như La-sát rống
Luôn luôn theo đuổi loài quần sinh
Thời đến mạng hết tâm không yên
Hoại diệt thế gian các thọ mạng
Pháp già, bệnh, chết rất mãnh liệt
Nhiễu loạn các chúng sinh thế gian
Không già, không chết môn an lạc
Ta xuất gia vì siêng cần cầu
Ba lửa thiêu đốt khắp thế gian
Không thấy ai cứu hộ thế gian
Ta khởi lên tâm cứu thế gian
Nguyện rưới cam lồ dập lửa dữ
Chánh đạo thế gian bị phá hoại
Tối tăm mờ mịt lại si ám
Nguyện khai mắt sáng cho chúng sinh
Xuất gia làm sáng lên chánh đạo
Chúng sinh khởi lên tâm si hoặc
Nên bị các chướng nó che lấp
Ta nguyện dứt trừ tâm ác tác
Nên xuất gia rồi nói chánh pháp
Chúng sinh khởi lên chống trái nhau
Tìm cầu lỗi lầm mà đoạn hoại
Nên ta xuất gia lợi thế gian
Nguyện hết chúng sinh dứt sân nhuế
Thế gian cha mẹ rất thân yêu
Chúng sinh mạn tâm không tôn trọng
Muốn khiến bẻ gãy cờ ngã mạn
Nên ta xuất gia vì cứu hộ
Ta thấy chúng sinh tham che lấp
Bởi do của cải nên đọa lạc
Nếu ai hộ trì bảy Thánh tài
Sẽ làm thế gian lìa nghèo khổ
Chúng sinh nổi lên hại lẫn nhau
Vì vô nghĩa lợi nuôi riêng mình
Nhất định phá hoại chính tự thân
Vì thế ta khiến lìa ba cõi
Kẻ ngu không rõ việc nghĩa lợi
Như vậy khắp cả trong ba cõi
Ta muốn lợi ích nên xuất gia
Chỉ cho thế gian pháp chính nghĩa
Chúng sinh chìm đắm trong địa ngục
Thấy chúng chịu khổ não vô cùng
Đủ mọi ác độc không kể hết
Ta xuất gia khiến chúng giải thoát
Chúng sinh nổi lên giết hại nhau
Cứ xoay tròn mãi trong súc sinh
Ta khởi Bi nguyện nên xuất gia
Làm chỗ nương tựa cho chúng sinh
Ta thấy chúng sinh thân ngạ quỷ
Chịu nổi đói khát rất cực khổ
Ta chứng Vô thượng đại Bồ-đề
Thí món cam lồ rất tối thượng
Con người tìm cầu là khổ lớn
Chư Thiên phước hết khổ càng tăng
Biết rõ cực khổ trong ba cõi
Nên ta xuất gia vì cứu vớt
Thế gian có kẻ không tàm quý
Vì muốn mê loạn chúng sinh ác
Không kể quyến thuộc và tôn thân
Muốn ăn nuốt nhau như heo chó
Đắm dục trói buộc vào nữ sắc
Ta thấy chúng sinh bị trói buộc
Khởi không nghĩa lợi tâm kiêu mạn
Nên ta xuất gia vì cứu hộ
Chúng sinh phá hoại không tự tại
Sợ hãi chết đến không giải thoát
Ta xuất gia rồi chứng Bồ-đề
Đều khiến giác ngộ được tự tại
Cư sĩ tại gia không nghĩa lợi
Ta thấy trăm ngàn thứ lỗi lầm
Ta nay muốn chuyển các cõi này
Thảy đều xa lìa nguồn sinh tử.

Lúc đó, Hiền Hộ cùng với năm trăm trưởng giả, nghe Đức Phật dạy thế, đều phát tâm hy hữu, đồng nói như vầy:

–Giác ngộ của Phật thật to lớn, chúng con nay mới biết Ngài là Bậc Chân Giác.

Các trưởng giả đồng thanh nói kệ rằng:

Chúng con gồm năm trăm trưởng giả
Vì sợ già nên đến theo Phật
Xin Phật tuyên nói pháp Vô thượng
Xa lìa nguồn khổ của sinh tử
Thế Tôn viên tịch tướng thanh tịnh
Đã lìa ba cõi được giải thoát
Cứu độ ba cõi môn thành hoại
Lìa nhà ba cõi được tự tại
Lìa tham giải thoát không sợ gì
Lìa trần vô cấu tâm thanh tịnh
Vô thượng thiện điều Đại Đạo Sư
Khai sáng pháp cam lồ vô thượng
Trượng phu vô thượng tướng tối thắng
Trời người thế gian không ai bằng
Bậc Vô Đẳng Đẳng Thế Gian Tôn
Diễn pháp đại Bi thật tối thượng
Dứt các lỗi lầm đoạn ba cấu
Mắt hết tối tăm được thanh tịnh
Cắt đứt lưới si trần ám độn
Tuyên nói pháp ly trần vô biên
Thương xót thế gian không chỗ nương
Cứu vớt người trôi nổi ba cõi
Trong Bi tâm khởi tâm đại Bi
Mau chóng ra khỏi khéo an trụ
Biển sinh tử si ác kiêu mạn
Bệnh khổ làm hại như nước chảy
Chúng sinh chìm đắm không ai cứu
Phật vì thương xót mà cứu độ
Thân Phật thanh tịnh như núi vàng
Đầy đủ trăm tướng sáng rạng ngời
Cam lồ tối thượng đại phạm âm
Lời Ngài diệu bảo nói thắng pháp
Tự tánh các pháp đều thanh tịnh
Xưa nay trong sáng cũng như thế
Không làm, không nhận cũng không mất
Vì kẻ vô văn khéo khai thị
Danh tiếng vô biên làm các thiện
Mười lực vô úy trí tự nhiên
Ý bằng hư không trí vô biên
Khéo nói pháp thệ nguyện Sa-môn.

Lúc đó, Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Năm trăm trưởng giả này thiện căn đã thành thục, vậy nay ta sẽ nói chánh pháp cho họ, làm cho Cư sĩ nơi đây đều trở thành xuất gia, hết các hữu lậu, chứng thành Thánh quả.”

Khi ấy, Đức Thế Tôn ngồi kiết già trên hư không, đồng thời năm trăm trưởng giả sinh tâm ngưỡng mộ sâu xa, phát lòng tin thanh tịnh tôn trọng, cúng dường các món, thân cận Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn bảo năm trăm trưởng giả:

–Này các trưởng giả! Thế gian có các nạn sinh, già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não, sầu than, luân hồi. Vậy các ông có muốn giải thoát các pháp nhiễu loạn đó không?

Lại nữa, thế gian đã làm, đang làm và sẽ làm, ái hay không phải ái, khởi lên việc vô nghĩa, mười việc tổn hại. Như vậy các ông có muốn cầu giải thoát không?

Lại nữa, thế gian trong các kiến có các hiểm ác kiến là ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, đoạn, thường, vô tác, vô nhân, bất bình và tà kiến. Các ông có muốn cầu giải thoát khỏi mười thứ hiểm ác kiến đó không?

Lại nữa, thế gian có mười mũi tên bệnh nặng là ái, vô minh, dục, tham, sân, si, mạn, kiến và thành hoại. Vậy các ông có muốn cầu giải thoát khỏi mười mũi tên bệnh nặng đó không?

Lại nữa, thế gian pháp ái căn bản do ái cho nên tìm cầu; tìm cầu cho nên tham; do tham cho nên có ngã kiến; do ngã kiến cho nên quyết định; do quyết định cho nên tham dục; do tham dục cho nên chấp trước; do chấp trước cho nên xan lận; do xan lận cho nên chấp thủ; do chấp thủ cho nên không phòng hộ; do không phòng hộ nên sinh khổ. Vậy các ông có muốn cầu giải thoát mười pháp căn bản ái đó không?

Lại nữa, thế gian có pháp tụ tà định là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà cần, tà niệm, tà định, tà giải thoát và tà trí. Vậy các ông có muốn giải thoát khỏi mười pháp tà định đó không?

*********

Lại nữa, này trưởng giả! Thế gian có mười nghiệp bất thiện là sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói ác, tham lam, sân hận, tà kiến. Vậy các ông có muốn thoát khỏi mười nghiệp bất thiện đó không?

Lại nữa, thế gian có mười pháp tạp nhiễm: xan lận tạp nhiễm; hủy giới tạp nhiễm; sân nhuế tạp nhiễm; biếng nhác tạp nhiễm; tán loạn tạp nhiễm; ác tuệ tạp nhiễm; vô văn tạp nhiễm; nghi hoặc tạp nhiễm; không tin hiểu tạp nhiễm; không tôn trọng tạp nhiễm. Vậy các ông có muốn thoát khỏi mười thứ tạp nhiễm ấy không?

Lại nữa, thế gian có mười thứ sinh tử sợ hãi: xan tham tật đố che lấp; vô minh trói buộc; biển dục thênh thang; ở trong dục ấy là khổ nạn; tên dục bắn vào; khói phẩn hận bay mù mịt; lửa tham thiêu đốt; biển sân vùi lấp; si chướng như gai nhọn; đồng hoang sinh tử nguy hiểm sợ hãi. Vậy các ông có muốn thoát khỏi mười thứ sinh tử sợ hãi đó không?

Khi Đức Phật vừa hỏi xong, năm trăm trưởng giả đồng thanh bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con đều muốn giải thoát mười thứ nhiễu loạn cho đến mười thứ sinh tử sợ hãi, chúng con đều muốn cầu giải thoát.

Đức Thế Tôn bảo năm trăm trưởng giả:

–Này các trưởng giả! Các ông đều mong cầu giải thoát, nhưng giải thoát ấy cầu từ đâu?

Này các trưởng giả! Mắt không thể giải thoát. Vì sao? Vì mắt vốn không chuyển lại cũng không tạo tác, mắt không suy nghĩ cũng không hiểu biết. Vì thế nên biết, mắt không kiến lập từ ngã.

Này các trưởng giả! Tai, mũi, lưỡi, thân, ý không thể giải thoát. Vì sao? Vì tai, mũi, lưỡi, thân, ý vốn không chuyển cũng lại không tạo tác, ý không suy nghĩ cũng không hiểu biết. Vì thế nên biết, Ý vốn không kiến lập từ ngã.

Sắc không thể giải thoát. Vì sao? Vì sắc không chuyển cũng lại không tạo tác; sắc không suy nghĩ, cũng không hiểu biết. Vì thế nên biết, sắc vốn không kiến lập từ ngã.

Thanh, hương, vị, xúc, pháp không thể giải thoát. Vì sao? Vì pháp không sở chuyển cũng lại không tạo tác; pháp không suy nghĩ cũng không hiểu biết. Vì thế nên biết, pháp vốn không kiến lập từ ngã.

Lại nữa, này trưởng giả! Sắc uẩn không thể giải thoát. Vì sao? Vì sắc uẩn không chuyển, cũng lại không tạo tác; sắc uẩn không suy nghĩ, cũng không hiểu biết. Vì thế nên biết sắc uẩn không kiến lập từ ngã.

Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn không thể giải thoát. Vì sao? Vì thức uẩn không chuyển cũng không tạo tác; thức uẩn không suy nghĩ, cũng không hiểu biết. Vì thế nên biết, thức uẩn không kiến lập từ ngã.

Lại nữa, này trưởng giả! Địa giới không thể giải thoát. Vì sao? Vì địa giới không chuyển, lại cũng không tạo tác; địa giới không suy nghĩ, cũng không hiểu biết. Vì thế nên biết, địa giới không kiến lập từ ngã.

Thủy, hỏa, phong, không, thức giới không thể giải thoát. Vì sao? Vì thức giới không chuyển, cũng không tạo tác, thức giới không suy nghĩ, cũng không hiểu biết. Vì thế nên biết, thức giới không kiến lập từ ngã.

Này các trưởng giả! Nên biết, tất cả các pháp đều khởi lên từ hư vọng phân biệt, lệ thuộc vào duyên yếu kém không có sức lực, từ duyên mà chuyển. Nếu có duyên pháp thì các pháp ấy mới có ra, còn duyên pháp nếu không thì các pháp cũng không. Nhưng trong tất cả pháp có ra đó không có một pháp nhỏ nào có thể hieu biết, cũng không có một pháp nhỏ nào hoặc sinh hoặc diệt, hoặc khởi, hoặc tận. Lại không có một pháp riêng nào là đoạn là thường.

Này các trưởng giả! Vì lý do đó cho nên biết, tất cả các pháp đều từ hư vọng phân biệt mà khởi, trói buộc vào duyên không có sức lực, từ duyên mà chuyển. Nếu duyên có thì các pháp mới có; nếu duyên pháp không thì các pháp cũng không. Nhưng trong tất cả pháp có ra đó, không có một pháp nhỏ nào có thể biết, cũng không có một pháp nhỏ nào hoặc sinh, hoặc diệt, hoặc khởi, hoặc tận; lại không có một pháp riêng nào là đoạn là thường.

Vì thế các ông nên biết, nếu có phân biệt hư vọng, tác ý không đúng lý thì các pháp có ra; còn nếu không phân biệt hư vọng, tác ý đúng lý thì các pháp không có. Nếu tác ý không đúng lý thì vô minh kia có thể hiện diện; nếu tác ý đúng lý thì vô minh không hiện hữu. Do vô minh có cho nên hành có; vô minh không cho nên hành không. Các hành có, cho nên thức có; các hành không cho nên thức không. Thức có cho nên danh sắc có; thức không cho nên danh sắc không. Danh sắc có, cho nên lục xứ có; danh sắc không cho nên lục xứ không. Lục xứ có, cho nên xúc có; lục xứ không, cho nên xúc không. Xúc pháp có, cho nên thọ có; xúc pháp không, cho nên thọ không. Thọ có, cho nên ái có; thọ không cho nên ái không. Ái có, cho nên thủ co; ái không cho nên thủ không. Thủ có, cho nên hữu có; thủ không, cho nên hữu không. Hữu có, cho nên sinh có, hữu không, cho nên sinh không. Sinh có, cho nên lão tử có; sinh không cho nên lão tử không.

Như vậy cái gì gọi là già? Đó là trạng thái suy biến, ho hen, lụm khụm, đi đứng phải chống gậy, các căn thay đổi, mạng sống giảm dần, hành tướng khô gầy. Đó gọi là già.

Sao gọi là chết? Đến lúc chết, các uẩn tan hoại, thân này chôn vào lòng đất, các bộ phận chi tiết bị biến đổi rả ra. Đó gọi là chết. Đây là tướng già; đây là tướng chết, gọi chung là già chết. Pháp sinh có, cho nên già chết có; pháp sinh không cho nên già chết cũng không.

Sao gọi là sinh? Khi thai nhi được sinh ra khỏi bào thai, năm uẩn hòa hợp, lục xứ đầy đủ, các chi tiết đồng phần lần lượt hợp tập.

Đó gọi là sinh. Pháp hữu có, cho nên pháp sinh có; pháp hữu không, cho nên pháp sinh không.

Sao gọi là hữu? Ấy là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu. Đó gọi là hữu. Pháp thủ có, cho nên pháp hữu có; pháp thủ không, cho nên pháp hữu không.

Sao gọi là thủ? Là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã ngữ thủ. Đó gọi là thủ. Pháp ái có, cho nên thủ có; pháp ái không, cho nên pháp thủ không.

Sao gọi là ái? Là sắc ái, tham ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Đó gọi là ái. Pháp thọ có, cho nên ái có; pháp thọ không, cho nên pháp ái cũng không.

Sao gọi là thọ? Là nhãn xúc làm duyên, sinh ra các thọ; Nhĩ xúc làm duyên, sinh ra các thọ; Tỷ xúc làm duyên, sinh ra các thọ; Thiệt xúc làm duyên, sinh ra các thọ; Thân xúc làm duyên, sinh ra các thọ; Ý xúc làm duyên, sinh ra các thọ. Đó gọi là thọ. Pháp xúc có cho nên pháp thọ có; pháp xúc không, cho nên pháp thọ cũng không.

Sao gọi là xúc? Là nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Đó gọi là xúc. Lục xứ có, cho nên xúc có; lục xứ không cho nên xúc pháp cũng không.

Sao gọi là lục xứ? Là nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Đó gọi là lục xứ. Danh sắc có, cho nên lục xứ có; danh sắc không cho nên lục xứ không.

Sao gọi là danh sắc? Là thọ, tưởng, hành, thức. Đó gọi là danh. Thọ xúc tác ý với bốn đại, bốn đại sở tạo gọi là sắc, nói chung lại là danh sắc. Thức pháp có, cho nên danh sắc có; thức pháp không, cho nên danh sắc không.

Sao gọi là thức? Là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Đó gọi là thức. Hành pháp có, cho nên thức có; hành pháp không, cho nên thức pháp không.

Sao gọi là hành? Là sắc biến tư, thanh biến tư, hương biến tư, vị biến tư, xúc biến tư, pháp biến tư. Đó gọi là hành. Vô minh có, cho nên hành có; vô minh không, cho nên hành không.

Sao gọi là vô minh? Không biết đời trước; không biết đời sau; không biết đời trước sau; không biết trong; không biết ngoài; không biết giữa; không biết bốn Thánh đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không biết duyên; không biết trong pháp duyên sinh hoặc hắc hoặc bạch; không biết duyên cùng vơi không phải duyên; không biết đối ngại hay không phải đối ngại; không biết có tội, không tội, không biết chỗ ứng thân gần; không biết thân gần; đối với các pháp không biết không thấy; không có khả năng giác liễu Tam-muội hiện tiền. Đó gọi là vô minh. Vì có tác ý không đúng lý, cho nên có vô minh; không có tác ý không như lý cho nên không có vô minh.

Sao gọi là tác ý không đúng lý? Nghĩa là ta ở đời trước là có hay là không? Ta ở đời trước đã quá khứ hay chưa quá khứ? Ta ở đời trước thuộc vào loài nào? Ta ở đời vị lai là có hay là không? Đời vị lai sẽ ở nơi đâu? Đời vị lai ta thuộc loài nào? Trong nội pháp, cái gì gọi là có ngã, không ngã? Lại sinh nghi hoặc là có hay là không? Cái gì sinh? Cái gì không sinh? Nếu có sinh thì thuộc loài nào? Do tác ý không đúng lý như vậy, cho nên đối với sáu kiến và các kiến khác mà khởi lên. Từ đó khởi lên kiến chấp có ngã, kiến chấp không ngã. Đối với ngã, ngã sở không có khả năng quán đúng lý bình đẳng. Do không quán đúng lý bình đẳng, cho nên mới có sinh khởi các kiến như vậy. Thế nên, có ngã, có thế gian thì là có duyên pháp. Duyên pháp ấy không thường, không sức lực, không chắc chắn, cuối cùng biến hoại. Trong pháp rốt ráo chấp là chánh trụ và chánh an lập. Khi kiến chấp này thành rồi thì gọi là tác ý không đúng lý. Do phân biệt hư vọng mà có, cho nên có tác ý không đúng lý.

Sao gọi là phân biệt hư vọng? Nghĩa là ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, Bổ-đặc-già-la, nho đồng ý sinh, tác giả, thọ giả. Đây gọi là người hư vọng ngu si dị sinh, vô văn, đối với ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả… lại sinh chấp trước. Đây gọi là phân biệt, nói chung là hư vọng phân biệt. Do có hư vọng phân biệt cho nên có tác ý không đúng lý. Phân biệt hư vọng không, nên tác ý không đúng lý cũng không. Do có hư vọng phân biệt và tác ý không đúng lý, cho nên có vô minh. Nếu cả hai pháp này không thì vô minh cũng không. Do vô minh có cho nên các hành mới có; vô minh không thì các hành cũng không. Nói tóm lại, do sinh pháp có cho nên lão tử mới có, do sinh pháp không nên lão tử cũng không.

Này các trưởng giả! Nên biết, tất cả các pháp đều là phân biệt hư vọng, khởi lên rồi trói buộc vào duyên. Các duyên pháp ấy không thường, không sức lực, không chắc chắn, từ duyên chuyển. Do duyên pháp có, cho nên các pháp mới có; do duyên pháp không nên các pháp cũng không. Nhưng đối với các pháp có đó không có một pháp nhỏ nào có thể hiểu biet, cũng không có một pháp nhỏ nào hoặc sinh, hoặc diệt, hoặc khởi, hoặc tận; cũng không có một pháp riêng nào là thường là đoạn.

Này các trưởng giả! Ví như trong ao lớn nước chảy, có các loại trùng cá sinh sống, ý cac ông nghĩ sao? Các loài trùng cá ấy, nương vào sức nào?

Các trưởng giả bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Các loài ấy nương vào sức nước.

Đức Phật hỏi:

–Này các trưởng giả! Các ông nghĩ sao? Nước thật có sức không?

Các trưởng giả bạch Phật:

–Không có, thưa Thế Tôn! Không có, thưa Thiện Thệ!

Đức Phật hỏi các trưởng giả:

–Này các trưởng giả! Nước không có suy nghĩ thì làm gì có sức?

Các trưởng giả bạch Phật:

–Không có sức, thưa Thế Tôn! Không có sức, thưa Thiện Thệ!

Đức Phật bảo các trưởng giả:

–Này các trưởng giả! Hư vọng phân biệt khởi lên các pháp cũng như vậy, không có sức lực, không chắc chắn từ duyên chuyển. Do duyên pháp có, cho nên các pháp mới có; nếu duyên pháp không, thì các pháp cũng không. Nhưng đối với các pháp có đó không một pháp nhỏ nào có thể hiểu biết, cũng không có một pháp nhỏ nào hoặc sinh, hoặc diệt, hoặc khởi, hoặc tận; lại không có một pháp riêng nào là thường là đoạn.

Này các trưởng giả! Nếu suy xét tìm cầu duyên pháp ấy đúng như lý thì thật không thể tin, không thể nào tin, từ đó sinh ra sợ hãi. Do sợ hãi nên dong ruổi bốn phương. Nếu tìm cầu suy xét như lý chắc chắn, thì cái gì là pháp này, cái gì là pháp kia. Khi quán sát được như vậy rồi thì không còn sợ hãi hay dong ruổi nữa. Lại một khi quán sát đúng như lý thì không thấy có một pháp. Do không có pháp nên không dong ruổi. Vì sao? Vì tất cả pháp không có sở đắc, tất cả tâm ý cũng không sở đắc.

Lại nữa, này các trưởng giả! Tất cả pháp vô ngã là vì lìa trần cấu; tất cả pháp không chúng sinh là vì lìa ngã; tất cả pháp không có thọ giả, là vì vượt khỏi tất cả pháp sinh, già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não, sầu than. Tất cả pháp không nhân là vì đoạn ba đời; tất cả pháp không có văn tự, vì lìa tất cả âm thanh ngôn ngữ; tất cả pháp xưa nay không có mảy trần, vì không có sở duyên; tất cả pháp vắng lặng là vì tướng cận tịch; tất cả pháp thông đạt nhất thiết xứ là vì tự tánh như hư không; tất cả pháp nương vào không là vì không quyết định đối hiện; tất cả pháp không lay động là vì không nương tựa; tất cả pháp an trụ thật tế là vì tương ưng với không động không trụ; tất cả pháp không ngôn thuyết là vì lìa sóng ngôn ngữ; tất cả pháp là không sắc tướng là vì lìa hình bóng, hiển sắc và đối ngại sở hành; tất cả pháp là vô đẳng là vì lìa ngã tướng; tất cả pháp không chỗ hiểu biết là vì lìa tâm ý thức; tất cả pháp không hàm tàng vì vượt khỏi cảnh giới của mắt; tất cả pháp không thể tin, vì vượt khỏi cảnh giới tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Đức Phật bảo:

–Này các trưởng giả! Tất cả các pháp không quán, không phải không quán. Vì sao? Vì lìa sinh, trụ, diệt. Tất cả pháp không chuyển không tạo tác, vì là lìa tâm ý thức. Tất cả pháp trói buộc vào duyên, là vì tự tánh không sức lực.

Lại nữa, này các trưởng giả! Mắt là do bốn đại tạo thành, không thường, không có sức mạnh, lại không rốt ráo, là pháp không chắc chắn, không sức lực, là pháp mau chóng mục nát, cho nên không thể tin, nhieu khổ não, tập hợp nhiều thứ bệnh tật. Thế nên, này các trưởng giả! Ý không có nương tựa, cũng không tạo tác; tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Do bốn đại tạo thành không thường, không sức lực, nên không rot ráo, không chắc chắn, không sức lực; là pháp mau chóng mục nát, cho nên không thể tin, mhiều khổ não tập hợp, nhiều bệnh tật. Thế nên, này các trưởng giả! Ý không có nương tựa cũng không tạo tác.

Này các trưởng giả! Các pháp này nên học như vậy: Mắt này như bọt nước, không có bền chắc; mắt như bong bóng nước không có lâu dài; mắt như sóng nắng, sinh từ nghiệp phiền não khát ái; mắt như cây chuối, tự thể không thật; mắt như huyễn hóa, khởi từ điên đảo; mắt như giấc mộng, thấy từ hư vọng; mắt như tiếng vang, bị trói buộc vào duyên; mắt như hình bóng, do nghiệp đối hiện; mắt như mây nổi, tan trong chốc lát; mắt như điện chớp, biến diệt trong khoảnh khắc; mắt này không chủ, cũng như đất; mắt này vô ngã, cũng như nước; mắt này không chúng sinh, cũng như lửa; mắt này không thọ, cũng như gió; mắt này không nhân, cũng như hư không; mắt này không thật, bốn đại là nhà; mắt này là tánh không, lìa ngã và ngã sở; mắt này vô tri, như cỏ, cây, ngói, đá; mắt này không tạo tác, bị sức gió chuyển động; mắt này là không, đầy dẫy bất tịnh; mắt này hư ngụy, tuy được lau rửa trang sức, nhưng rốt cuộc cũng bị tan hoại; mắt này như gò, như giếng, bị già bức bách; mắt này rốt ráo không biên tế, sau đều quy về chỗ chết.

Này các trưởng giả! Các ông nên biết, mắt đã như vậy, nên tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như thế. Nói tóm lại, nên biết tất cả pháp cũng như vậy. Các kẻ ngu dị sinh, đối với tất cả pháp dục liền sinh chấp trước; khiến mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đắm trước vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Lại nữa, đối với sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, thức uẩn, nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới, cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới, địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới, chúng sinh do đắm trước vào các pháp này, cho đến đắm trước vào danh tướng hữu vi, vô vi. Thế nên, này các trưởng giả! Các ông chớ sinh ái trước vào các pháp dục ấy, chớ sinh tham đắm chấp trước vào vợ con, nhà cửa, tiền tài, châu báu mà phải phát lòng tin thanh tịnh xuất gia. Khi đã xuất gia rồi thì không còn sinh dục lạc nữa. Do không còn dục lạc đó, cho nên được đầy đủ tịnh giới, tu trì ba la đề mộc xoa thanh tịnh, viên mãn tất cả các phép tắc oai nghi, cho đến tội nhỏ cũng phải sợ.

Này các trưởng giả! Nếu học như vậy thì sẽ được đầy đủ giới uẩn. Khi được đầy đủ giới uẩn rồi thì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không còn chấp vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nữa.

Không chấp vào sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn; không chấp vào nhãn giới, thức giới, nhãn thức giới, cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới.

Không chấp vào địa giới, hỏa giới, thủy giới, phong giới, không giới, thưc giới. Nói tóm lại, không chấp vào tất cả các pháp. Do không chấp trước cho nên không bị giảm mất. Pháp nào không bị giảm mất? Là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không bị giảm mất. Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn không giảm mất. Nhãn giới, thức giới, nhãn thức giới, cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới không giảm mất. Địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới không bị giảm mất.

Nếu các pháp này không giảm mất thì không có nhiễm ô. Do không nhiễm ô, cho nên mau chóng được khinh an. Pháp nào là khinh an? Là không sở kiến. Nếu không sở kiến thì hướng đến tất cả, không có một pháp nhỏ nào làm chướng ngại. Nếu không chướng ngại thì không hại chính mình, không hại người khác, không hại mình và người. Do không hại cho nên tâm không bị hoại. Vì thế nên có khả năng nhập vào vô dư y thanh tịnh Niết-bàn.

Lại nữa, này các trưởng giả! Nói nhập, vậy nhập vào cái gì? Là không phải mắt sở nhập, không phải tai, mũi, lưỡi, thân, ý sở nhập.

Lại nữa, này các trưởng giả! Nếu chấp rằng mắt thành từ duyên, thì là chấp vào ngã và ngã sở. Do vậy lìa xa Niết-bàn.

Sao gọi là lìa xa Niết-bàn? Vì tham cho nên lìa xa Niết-bàn; vì sân cho nên lìa xa Niết-bàn; vì si cho nên lìa xa Niết-bàn; vì Vô trí cho nên lìa xa Niết-bàn.

Này các trưởng giả! Người vô trí không lìa quá khứ, không lìa vị lai, không lìa hiện tại, vô trí quyết định lìa trí sở sinh.

Sao gọi là trí? Là vô tận trí. Sao gọi là tận trí? Là quá khứ vô tận trí, vị lai vô tận trí, hiện tại vô tận trí, duyên pháp vô trí lìa trí sở sinh. Vô trí lìa trí ấy tức là mắt từ duyên lìa trí sở sinh, nên mắt là vô ngã. Nếu vô ngã thì không có chấp thủ. Nếu không chấp thủ thì là không xả. Nếu không xả thì là giải thoát.

Sao gọi là giải thoát? Là giải thoát ngã chấp, giải thoát chúng sinh chấp, giải thoát thọ giả chấp, giải thoát nhân chấp, giải thoát đoạn, thường chấp, giải thoát tất cả chấp, giải thoát phân biệt chấp. Khi đã không còn phân biệt thì không còn năng phân biệt và sở phân biệt. Pháp không phân biệt cũng không lìa phân biệt.

Sao gọi là không phân biệt? Là không còn phân biệt ngã và ngã sở. Nếu không còn phân biệt ngã thì không còn lấy bỏ. Nếu không còn lấy bỏ thì là nhập vào giải thoát, lìa pháp, lìa trói buộc, hoặc pháp không phải lìa trói buộc, cả hai đều được xuất ly.

Sao gọi là lìa? Là lìa tất cả khổ.

Này các trưởng giả! Các ông nên cầu pháp xuất ly như vậy. Nhưng đối với pháp ấy không có pháp nào có thể chấp thủ. Vì sao? Vì còn chấp thủ thì còn sinh sợ hãi.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa trên bèn lập lại kệ rằng:

Nếu còn chấp pháp thì còn sợ
Do sợ nên đọa vào đường ác
Nếu thấy nhân sợ hãi như vậy
Do biết pháp có nên chấp thủ
Nếu đúng như lý quán chánh đạo
Ánh sáng trí tuệ phá tối tăm
Do thấy được trí tuệ thù thắng
Nên biết dị tánh không thể được
Phải nên quán kỹ các không xứ
Vận động hư giả lại không thật
Trong đó chớ chấp môn an lạc
Thế gian hư cuồng vì khát ái
Biết rõ như thật đối pháp không
Biết các pháp không đều không thật
Ta được an lạc lìa khổ não
Cũng được không động vui tối thượng
Nếu hay hiểu rõ đúng như vậy
Thì biết tất cả pháp đều không
Do vậy thoát khỏi các nhân khổ
Tranh cãi từ đâu mà xảy ra
Bởi do dục vọng sinh chấp trước
Vì chấp nên sinh các phiền não
Chấp đó chính là tên của thủ
Do thủ cho nên sinh ba hữu
Vì hữu có sinh nên luân chuyển
Chấm dưt ba hữu tức không sinh
Pháp già, bệnh, chết cũng không có
Rốt ráo không thọ khổ vô thường
Nên biết không dục thì không thủ
Do không thủ nên không ba hữu
Nếu như hữu dứt tức không sinh
Khổ, già, bệnh, chết đều không thọ
Thế nên, này trưởng giả các ông
Đồng phát xả ly tâm chấp trước
Bỏ các quyến thuộc nhân thương yêu
Mau chóng thành tựu tướng
Bí-sô Biết rằng tài lợi các mong muốn
Phải cần sinh tâm biết vừa đủ
Tùy chổ khiêm cung khởi hạ tâm
Hướng đến mọi người tăng thiện lợi
Chớ khởi ý chấp ta giữ giới
Chớ xem người là kẻ phá giới
Đối với giới tướng trì phạm ấy
Chớ khinh chê người là phạm giới
Ví như nai rừng bị mắc bẩy
Nên biết chính nó tự tổn hại
Quỷ trói buộc tâm hại cũng thế
Hủy người, bị hại cũng như vậy
Người ngu sinh các ý tổn hại
Khen mình chê người tội rất lớn
Người phá giới còn không hủy báng
Huống là người trì giới phạm hạnh
Người học trên chúng đủ dũng trí
Thường tu hạnh tịch tĩnh viễn ly
Lìa bỏ thân mạng không luyến tiếc
Cần cầu pháp giải thoát tịch tĩnh
Các kẻ ngoại đạo và điển chương
Căn bản không lợi đều xa lìa
Ham thích chánh pháp rất thậm thâm
Tuyên nói pháp ấy lý chơn không
Nếu biết tâm căn bản xứ này
Đó là trong ngoài mười hai xứ
Từ đó sinh khởi các nghiệp nhân
Nghiệp xứ cửu trụ gọi tư pháp
Nhãn căn, sắc cảnh hai thứ duyên
Nhãn thức sinh duyên là ba việc
Nếu không hòa hợp thì phá tan
Như không củi, lửa nghĩa như vậy
Như vậy chỗ sinh tất cả pháp
Hòa hợp lẫn nhau nên có sinh
Người tạo, người nhận thảy đều không
Chánh đạo thường hiện các tạo tác
Các pháp trong ngoài được thành thân
Trong đó nên biết pháp ngã không
Người ngu điên đảo tâm chấp trước
Đối ngã, ngã sở không biết gì
Trong mắt không pháp mà lại có
Bên ngoài cũng lại không sở đắc
Vô ngã, vô tác, vô thọ giả
Nên biết các pháp cũng như vậy
Không mắt, biến tư, dục giải thoát
Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy
Sắc không chuyển vào không tạo tác
Nên quán các pháp cũng như vậy
Như nước biển cả nổi cơn sóng
Tạm nổi bọt nước nhưng không thật
Hãy quán kỹ mắt cũng như thế
Không chắc, không lực, như bọt nước
Tự tánh năm uẩn giả hòa hợp
Như bọt nước kia không chắc chắn
Giải thoát tất cả các phiền não
Và sinh, già cùng các ưu não
Ta dạy các ông xuất gia rồi
Hiểu rõ tất cả pháp như huyễn
Không có lừa gạt tâm tín thí
Lại hay cúng khắp mười phương Phật.

Nghe Đức Phật nói chánh pháp thậm thâm, năm trăm trưởng giả được Pháp nhãn tịnh, xa lìa trần cấu ngay ở giữa đường. Ví như áo trắng dễ dính các màu khác, năm trăm trưởng giả này, ở nơi đây xa lìa trần cấu được Pháp nhãn tịnh cũng lại như vậy.

Lúc đó, Đức Thế Tôn lại vì năm trăm trưởng giả tuyên nói pháp yếu, chỉ dạy làm cho lợi ích an vui. Đức Phật dạy:

–Này các trưởng giả! Mắt rất hừng hẫy. Sao gọi là hừng hẫy? Là lửa tham, lửa sân, lửa si hừng hẫy; lửa sinh già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ não hừng hẫy. Ta nói pháp này tự chịu khổ não.

Tai, mũi, lưỡi, thân, ý hừng hẫy cũng vậy. Sao gọi là hừng hẫy? Là lửa tham, lửa sân, lửa si hừng hẫy, lửa sinh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ não hừng hẫy. Ta nói pháp này tự chịu khổ não.

Sắc trần hừng hẫy. Sao gọi là hừng hẫy? Là lửa tham, lưa sân, lửa si hừng hẫy. Các loại lửa thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng lại như vậy.

Lại nữa, này các trưởng giả! Sắc uẩn hừng hẫy.

Sao gọi là hừng hẫy? Là lửa tham, lửa sân, lửa si hừng hẫy. Các loại lửa thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn hừng hẫy cũng lại như vậy. Nghĩa của mười tám giới pháp cũng thế.

Lại nữa, này các trưởng giả! Địa giới hừng hẫy, lửa tham, lửa sân, lửa si hừng hẫy. Thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới hừng hẫy cũng lại như vậy. Lửa tham, lửa sân, lửa si hừng hẫy. Sinh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ não hừng hẫy cũng vậy. Ta nói pháp này tự chịu khổ não.

Lại nữa, này các trưởng giả! Mắt không chấp thủ, nên học như vậy. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng không chấp thủ. Sắc không chấp thủ; thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng không chấp thủ. Phải nên học như vậy.

Lại nữa, này các trưởng giả! Sắc uẩn không chấp thủ. Thọ uan, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn và mười tám giới đều không chấp thủ. Phải nên học như vậy.

Lại nữa, này các trưởng giả! Địa giới không chấp thủ. Thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới cũng không chấp thủ. Phải nên học như vậy.

Lại nữa, này các trưởng giả! Giới này không chấp thủ, giới kia không chấp thủ. Phải nên học như vậy.

Lại nữa, này các trưởng giả! Nếu mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không chấp thủ, thì không có nương tựa. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không chấp thủ, cho nên đối với các xứ không có nương tựa.

Lại nữa, này các trưởng giả! Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn và mười tám giới không chấp thủ, cho nên đối với uẩn giới ấy không có nương tựa.

Lại nữa, này các trưởng giả! Địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới, vốn không chấp thủ, cho nên đối với sáu giới không có nương tựa.

Lại nữa, này các trưởng giả! Giới này, giới kia không chấp thủ, cho nên đối với tất cả thế giới không có nương tựa.

Lại nữa, này các trưởng giả! Nếu tất cả pháp không chấp thủ, thì đối với tất cả pháp không có nương tựa.

Này các trưởng giả! Tất cả pháp không sở đắc, cũng không phải không sở đắc. Nếu có khả năng hiểu rõ không sở đắc, không phải không sở đắc thì có khả năng giải thoát sinh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não. Ta nói pháp này là giải thoát các khổ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, lập lại kệ rằng:

Các thế gian này rất hừng hẫy
Hai lửa sinh tử đốt rụi sạch
Kẻ ngu nhiễu não không ai cứu
Đạo pháp Thánh Ton thường bất diệt
Pháp nào làm ánh sáng thế gian
Có Phật Như Lai nay xuất hiện
Sát-na khéo quán môn chánh đạo
Phát khởi tinh tấn thường kiên cố
Thường quán các pháp không nương tựa
Ánh sáng trí tuệ phá tối tăm
Do thấy nên được tuệ thù thắng
Nên biết dị tánh không thể được
Nếu hay quán sát không nương tựa
Biết rõ tất cả pháp đều không
Biết rõ pháp môn không như vậy
Tâm Bồ-đề không, không sở hữu
Nên biết các pháp tham, sân, si
Ba ngọn lửa này rất mãnh liệt
Đốt sạch thọ mạng cả thế gian
Thùy miên ngủ mãi ngu không biết
Tất cả sinh già và bệnh, chết
Lo buồn khổ não luôn bức bách
Nên biết nhiễu não các thế gian
Tất cả pháp ấy không nương tựa.

Nghe Đức Thế Tôn nói chánh pháp như vậy, năm trăm trưởng giả tâm ý được sáng ra, liền bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Hôm nay chúng con quyết được thiện lợi, đối với pháp Phật phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, lại ở ngay chỗ Phật đầy đủ tịnh giới.

Khi ấy, Đức Phật khen:

–Lành thay, các Bí-sô!

Đức Phật vừa khen xong, râu tóc của các trưởng giả liền rụng, thân mặc ca-sa, thành tướng Bí-sô.

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Các ông thọ trì y ca-sa
Râu tóc tự rụng đều thanh tịnh
Tay cầm bình bát tướng tròn đầy
Tất cả đều thành A-la-hán
Đã chứng quả rồi nương Pháp sư
Đều nói Ốt-đà-nam thanh tịnh
Ở trước hàng trời, người đại chúng
Viên mãn thanh tịnh tướng Bí-sô
Thuở xưa từng ở chỗ chư Phật
Đều tu hạnh bố thí rộng lớn
Một lời lành thay sinh hoan hỷ
Mọi nơi đều tu các thiện pháp
Nay được thấy ta xuất thế gian
Phát tâm thanh tịnh càng tối thắng
Do tâm thanh tịnh tối thắng ấy
Nên được nghe pháp tịnh tối thượng
Nghe Phật dạy rồi chứng Thánh quả
Xa lìa ngã kiến các chấp trước
Hiện tiền pháp không, ngộ viên thành
Đời này đã hết đều giải thoát.