CHÚ GIẢI KINH DUY MA CẬT

Đời Hậu Tần, Ngài Tăng Triệu.

PHẨM 1: PHẬT QUỐC

 

Ngài La-thập nói:

– Từ đầu đến cuối, kinh này đều do nơi Tịnh quốc, cho nên phẩm Phật Quốc được đặt trên các phẩm khác.

Chánh văn: Như thị (như vậy)

Ngài Tăng Triệu nói: Như thị là lời tin thuận. Phàm có tin thì lý được trình bày mới thuận, thuận thì đạo thầy trò mới thành Kinh không có nơi y cứ, không tin thì chẳng thể lưu truyền, vì thế lập lời Như thị. Chánh văn: Ngã văn (tôi nghe) Ngài La-thập nói:

– Nếu chẳng nói là nghe, thì tự ta có pháp, ta đã có pháp thì tình thức có chỗ chấp trước, tình thức đã có chỗ chấp trước thì tranh loạn ắt khởi. Nếu nói ta nghe, thì ta không có pháp nên không có chỗ để chấp trước, được mất thị phi trở về nơi nghe, thế thì ta đã không chấp, người không giành, không chấp không giành, thì tranh làm sao mà sinh được?

Vả lại ái có hai loại:

  1. Ngũ dục ái.
  2. Pháp ái.

Hàng ngoại đạo xuất gia thì thường đoạn dục ái mà chẳng đoạn pháp ái, cho nên tình thức có chỗ chấp trước; còn đệ tử Phật thì đoạn trừ cả hai ái, pháp ái đã dứt thì chấp trước tranh cạnh đều trừ. Đầu một bộ kinh có ghi từ “Tôi nghe”, tức bao hàm ý này vậy.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Người kết tập kinh nêu rõ là chính mình thọ nhận yếu chỉ từ bậc Thánh, chẳng có sự lầm lẫn của việc truyền nghe. Chánh văn: Nhất thời (một thời) Ngài La-thập nói:

– Đó là thời gian thuyết kinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đó là thời gian Đấng Pháp Vương bắt đầu vận chuyển pháp luân đại chúng hoan hỷ tập hội.

Chánh văn: Đức Phật trụ nơi thành Tỳ-da-ly Ngài La-thập nói:

– Đó là nơi Phật an trụ. Tỳ nghĩa là nơi thích nghi cho ruộng lúa, Da-ly là Quảng nghiêm. Đất đai ở đây bằng phẳng, rộng rãi và trang nghiêm nên gọi như thế.

Ngài Tăng Triệu ghi: Tỳ-da-ly là tên một nước, Hán dịch là Quảng nghiêm. Vì đất đai ở đây bằng phẳng rộng rãi và trang nghiêm nên đặt tên như thế.

Chánh văn: Vườn Am-la thọ Ngài La-thập nói:

– Quả của cây Am-la giống như quả đào mà chẳng phải đào.

Ngài Tăng Triệu ghi: Am-la là tên một loài cây, quả của nó giống quả đào mà chẳng phải đào. Trước kia nói là Nại thị, sự việc như đã nói ở kinh khác.

Chánh văn: Cùng với tám ngàn vị đại Tỳ-kheo dự hội

Ngài Tăng Triệu ghi: Tỳ-kheo, Hán dịch là Tịnh khất thực, hoặc dịch là phá phiền não, hoặc là năng trì giới, hoặc là năng bố ma; một từ của Ấn Độ mà gồm bốn nghĩa trên, Trung Quốc không có từ ngữ nào thích hợp để phiên dịch, nên vẫn giữ nguyên danh nghĩa. Có bản khác ghi là Tám ngàn đại Tỳ-kheo Tăng đều dự hội.

Ngài La-thập nói:

– Đây là những người đồng nghe kinh. Nêu thời gian, xứ sở và người nghe để chứng minh cho những điều đã được nghe. Ma-ha, Hán dịch là Đại, đa, thắng. Là hơn hết trong tất cả chúng, được trời người tôn kính, nên nói là đại. Có khả năng chiến thắng chín mươi sáu loại luận nghị, nên gọi là thắng; có số lượng đến tám ngàn vị, nên nói là đa.

Tỳ-kheo, Hán dịch là Phá phiền não, hoặc dịch là Khất sĩ. Vì trừ bỏ năm loại tà mạng, nuôi lớn Pháp thân, nên nói là Khất sĩ. Tỳ-kheo và Bồ-tát chẳng tính chung, là vì Tỳ-kheo đều thuộc nhục thân, Bồ-tát phần nhiều thuộc pháp thân, tức thân khác nhau. Nếu Bồ-tát nhục thân thì chưa chứng chánh vị, tức là tâm khác nhau. Vì hai nhân duyên đó, cho nên chẳng kể chung Tỳ-kheo và Bồ-tát. Sở dĩ trước nêu La-hán, sau kể Bồ-tát vì người đời thường cho Bồ-tát chưa tận trừ các lậu, trí tuệ chưa viên mãn, còn La-hán thì ba lậu đã trừ, trí tuệ đã thành tựu; tùy theo nhân tình suy nghiệm mà đặt trước kể sau.

Chánh văn: Ba mươi hai ngàn vị Bồ-tát

Ngài Tăng Triệu ghi: Bồ-tát gọi đủ là Bồ-đề Tát-đỏa. Bồ-đề là Phật đạo; Tát-đỏa, Hán dịch là Đại tâm chúng sinh. Người có tâm Đại thừa mà vào Phật đạo thì gọi là Bồ-đề Tát-đỏa, không có từ chánh thức để phiên dịch. Bản khác ghi: “Ba mươi hai ngàn vị Bồ-tát đã được đại thần thông”.

Ngài La-thập ghi: Đại sĩ gồm có ba vị là Đại sĩ xuất gia, tại gia, từ phương khác đến. Vả lại bậc thứ nhất thì có thân kết nghiệp, thứ hai thì thuộc pháp thân, trong đó Bồ-tát phần nhiều là pháp thân Đại sĩ, nhưng thân hình ứng cảm đó lại đồng với chúng sinh, nên chúng sinh cảm cho rằng giống với chỗ thấy của mình, mà sinh ý tưởng là thấp kém. Cho nên trước nêu số lớn, sau đó mới nói về đức. Bản Phạm ghi: “Bản sự của trí tuệ thần thông đã làm xong”. Các pháp sáu Độ là nhân của Thần thông trí tuệ, nhân đó tức là bản sự. Chánh văn: Mọi người đều quen biết Ngài Tăng Triệu nói:

– Bậc Đại sĩ sống ở thế gian như mặt trời mặt trăng trên hư không, người có mắt sáng ai mà chẳng nhận biết? Bản khác ghi: “Được đại chúng kính ngưỡng”.

Ngài La-thập nói:

– Bản Phạm ghi là “Nhiều người quen, nhiều người biết”, vì hiển đức hợp thời cơ cho nên mọi người đều quen biết. Mọi người đều quen biết, nên có nhiều người kính ngưỡng. Nghĩa này thì rõ hơn.

Chánh văn: Bản hạnh của đại trí đều đã thành tựu.

Ngài Tăng Triệu ghi: Đại trí tức Nhất thiết chủng trí, trí này lấy các hạnh sáu Độ, sáu Thông làm gốc. Các Đại sĩ đã đầy đủ bản hạnh này.

Chánh văn: Được oai thần của chư Phật kiến lập.

Ngài La-thập nói:

– Được oai thần của Phật kiến lập tức là được chư Phật hộ niệm, được chư Phật hộ niệm thì không có gì có thể ngăn trở phá hoại. Giống như cá con được cá mẹ nhớ nghĩ đến thì sẽ tồn tại.

Ngài Tăng Triệu ghi: Trời vô tư ban mưa móc, nhưng chẳng nhuận thấm cây khô, oai thần của Phật cùng khắp nhưng chẳng kiến lập cho kẻ vô căn. Người được kiến lập thì đạo ắt phải sâu.

Chánh văn: Bảo hộ thành pháp, thọ trì chánh pháp.

Ngài La-thập nói:

– Thành pháp tức là pháp thật tướng làm cho chúng sinh chẳng khởi dị kiến, nên gọi là hộ. Vả lại, tất cả các kinh pháp đều gọi là thành pháp. Giữ gìn, diễn nói chớ làm cho hoại diệt. Người có khả năng giữ gìn chánh pháp cũng bảo hộ pháp thành.

Ngài Tăng Triệu ghi: Bên ngoài làm bức thành hộ pháp, bên trong kiên cố thọ trì.

Chánh văn: Thường rống tiếng rống sư tử (Sư tử hống) Ngài Tăng Triệu nói:

– Sư tử hống là âm thanh vô úy. Phàm nói ra đều không sợ sệt các tà giáo, dị học; giống như tiếng rống sư tử chẳng sợ các thú nhỏ yếu hơn.

Sư tử hống là khéo diễn nói các pháp.

Chánh văn: Danh tiếng vang xa khắp mười phương.

Ngài La-thập nói:

– Trên nói nhiều người quen biết tức là hiện tích ở một phương, thuần giáo hóa ở một cõi nước, chúng sinh đều thấm nhuần ân huệ ấy, lại quen biết được người. Nay nói danh tiếng vang xa mười phương, tức là đạo phong vang xa khiến người nghe tên.

Ngài Tăng Triệu ghi: Hạnh thì khắp cả thiên hạ, danh thì không đâu chẳng vang.

Chánh văn: Làm người bạn chẳng mời mà đến an ủi họ.

Ngài La-thập nói:

– Lợi ích có hai loại: Như đời này, đời sau, chúng sinh dùng lợi giao du, cố mời thỉnh sau đó mới đến, còn bậc Thánh thì do tâm từ mà ứng, cho nên chẳng cầu mà đến, đến ắt là thân thiết, thân thiết thì phải hộ trì, cho nên nói là người bạn chẳng mời.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Người bạn chân thật thì chẳng cần mời thỉnh, như mẹ hiền đến với con ngoan.

Chánh văn: Làm hưng thịnh Tam bảo, chẳng thể đoạn đứt.

Ngài Tăng Triệu ghi: Tiếp nối Phật chủng thì Tam bảo hưng thịnh.

Bản khác ghi: “Hưng long Tam bảo, khiến chẳng đoạn tuyệt”.

Ngài La-thập nói:

– Chẳng phải việc hiển rõ Tam bảo, diễn nói kinh pháp mà đó là nói đến việc tích tập căn lành, gom chứa công đức, dẫn đến thành Phật. Thành Phật thì có pháp, có pháp thì có Tăng, công đức chẳng tuyệt đứt là việc ở kiếp vị lai, còn ở đây nói chẳng tuyệt thì ắt là năng hữu. Vả lại, trong đó có tự hành và hóa tha, ta đã giáo hóa người, người lại hóa độ người khác, ta và chúng sinh đều thành tựu, Tam bảo càng hưng long.

Vì chúng sinh vô tận nên Tam bảo cũng chẳng đoạn đứt.

Chánh văn: Hàng phục ma oán, chế ngự ngoại đạo.

Ngài La-thập nói:

– Ma tức bốn ma. Được Vô sinh nhẫn, phiền não vĩnh viễn đoạn đứt, nên hàng phục được ma năm dục. Được pháp thân thì chẳng chịu sinh thân, nên hàng phục được ma thân. Không có thân thì không có tử, nên hàng phục được ma tử. Không có ba loại ma này thì Ba-tuần chẳng thuận tiện thừa cơ, nên hàng phục được thiên ma. Còn việc chế phục ngoại đạo thì như việc sai Xá-lợi-phất luận với ngoại đạo, trải qua bảy ngày đêm mới thắng được; đây là ví dụ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ma tức bốn ma; ngoại đạo tức chín mươi sáu phái ngoại đạo.

Chánh văn: Đều đã thanh tịnh, vĩnh viễn xa lìa cái và triền.

Ngài La-thập nói:

– Lìa Cái và Triền có ba nghĩa:

  1. Trì giới thanh tịnh thì Cái và Triền chẳng khởi.
  2. Đoạn trừ đạo thế tục, nhưng đoạn mà chưa tận dứt, làm cho nó chẳng khởi, cũng gọi là xa lìa.

Ở đây nói được Vô sinh pháp nhẫn, diệt hết Cái và Triền, tức là lìa.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cái tức Năm cái, triền tức Mười triền, cũng có vô lượng triền. Thân, khẩu, ý, ba nghiệp đều thanh tịnh, thì Triền và Cái chẳng thể trói buộc được.

Chánh văn: Tâm thường an trụ, vô ngại giải thoát.

Ngài La-thập nói:

– Cũng giống như nói bất tư nghị giải thoát. Đối với sự vô ngại, vì vô ngại nên giải thoát, hoặc là một việc cho đến trăm ngàn việc, một nước cho đến hằng sa cõi nước, trong đó thảy đều thông đạt, tự tại vô ngại; nhưng chưa được tất cả đều vô ngại như Đức Phật.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Giải thoát này là sở đắc của Bồ-tát trụ Địa thứ bảy. Được giải thoát này thông đạt vô ngại đối với các pháp, nên tâm thường an trụ.

Chánh văn: Niệm, định, tổng trì, biện tài vô ngại.

Ngài Tăng Triệu ghi: Niệm tức chánh niệm, định là chánh định, tổng trì tức giữ điều thiện chẳng mất, khiến điều ác chẳng sinh. Không để quên sót gọi là trì. Trì có hai loại là hữu tâm tương ưng và bất tương ưng trì. Biện tài tức bảy biện tài. Bốn pháp kể trên là pháp cần yếu của bậc Đại sĩ, cho nên mãi mãi chẳng đoạn. Bản khác ghi: “Niệm ấy chẳng vĩnh viễn đoạn, cho đến thành tựu biện tài”.

Ngài La-thập nói:

– Niệm tức là niệm đạo Vô thượng, chẳng đoạn, tức trong đó chẳng đoạn đứt. Nghĩa chẳng đoạn chung cho cả ba pháp sau. Bồ-tát được bốn pháp này, thâm nhập kiên cố thì thân chẳng mất, trải qua vô lượng kiếp càng thêm sáng tỏ, cho nên nói chẳng đoạn.

Chánh văn: Đầy đủ các hạnh Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ và lực Phương tiện.

Ngài La-thập nói:

– Trên nói niệm đạo chẳng đoạn, niệm đạo chẳng đoạn, nhưng sau phải hành sáu Độ, đầy đủ thì việc của mình mới xong, việc mình đã xong thì dùng phương tiện độ người, độ người rộng khắp chẳng có gì bằng thần thông, thần thông đã đủ mới giáo hóa chúng sinh. Thứ tự như thế, như trong phẩm Tịnh Quốc sau sẽ nói.

Ngài Tăng Triệu ghi: Đầy đủ nghĩa là hạnh vô tướng. Trụ thứ bảy trở lên, tâm trí vắng lặng; vì tâm vô vi nên không đức nào không làm, vì thế bố thí thì cùng tột việc bố thí mà chưa từng có bố thí. Trì giới thì rốt ráo trì giới mà chưa từng trì giới. Bảy đức, công khác nhau mà tướng chẳng khác, nên gọi là đầy đủ. Phương tiện tức là dụng riêng của trí. Trí dùng để thông thấu chỗ sâu xa, đạt cùng chỗ vi diệu và quyết định pháp tướng; không biết mà không gì chẳng biết gọi đó là trí. Tuy đạt được pháp tướng mà chẳng chứng, ở nơi hữu mà chẳng mất vô, tại vô mà chẳng bỏ hữu, hợp với không mà lại giữ các đức, mỗi mỗi đều bình đẳng, cho nên gọi là phương tiện.

Chánh văn: Đạt đến độ vô sở đắc mà chẳng khởi pháp nhẫn.

Ngài La-thập nói:

– Từ lúc có biết đến nay, chưa từng thấy pháp, mà nay mới được tin nhận. Nhẫn chịu chẳng sợ sệt, an trụ chẳng động nên gọi là nhẫn.

Ngài Tăng Triệu ghi: Nhẫn tức tuệ vô sinh. Vì hay kham nhận thật tướng, nên lấy nhẫn làm tên. Đạt được nhẫn này, thì đối với các pháp không giữ không được, tâm tướng vĩnh viễn diệt. Vì thế nói là đạt được vô sở đắc mà chẳng khởi pháp nhẫn.

Chánh văn: Đã có thể tùy thuận chuyển pháp luân bất thoái.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đạo vô sinh không có được mà lại có mất, tức bất thoái. Lưu thông cùng khắp không bị bó buộc bởi một người gọi là luân. Chư Phật đã chuyển luân này, thì các bậc Đại sĩ cũng tùy thuận mà chuyển. Bản khác ghi: “Chuyển pháp luân bất thoái chuyển”.

Ngài La-thập ghi: Pháp luân tức vô sinh nhẫn, vì dùng luân mà trao cho chúng sinh, chúng sinh được luân này, nên gọi là chuyển. Người nhận được thì chẳng thể mất nên gọi là bất thoái chuyển. Tự điều khiển di chuyển tiến lên, cũng gọi là chuyển.

Chánh văn: Khéo hiểu pháp tướng, biết căn cơ của chúng sinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Các tướng trạng khác nhau của tất cả pháp đều hiểu rõ; căn tánh khác nhau của tất cả chúng sinh biết thấu.

Chánh văn: Phủ trùm các đại chúng.

Ngài La-thập nói:

– Bản Phạm ghi: “Chúng chẳng thể che mờ được”. Chúng chẳng thể che mờ là nói các vị ấy siêu xuất. Nay nói phủ trùm đại chúng thì nghĩa cũng giống nhau.

Chánh văn: Được vô sở úy.

Ngài La-thập nói:

– Bồ-tát có bốn Vô úy, chẳng phải lực vô úy của Phật. Sợ hãi sinh là do chẳng đủ, nay đã đầy đủ, cho nên chẳng sợ hãi. Hay thuyết mà chẳng thể hành cũng sinh sợ hãi. Thường thuyết và hành đều có, cho nên không sợ hãi (vô úy). Luôn thuyết luôn hành gọi là pháp tượng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bồ-tát có riêng bốn Vô úy:

  1. Được văn thì tổng trì.
  2. Biết căn khí chúng sinh.
  3. Không thấy có người có khả năng vấn nạn mình mà mình không thể đáp.
  4. Tùy hỏi mà đáp, khéo giải quyết các điều nghi ngờ.

Vì có bốn đức này ánh sáng che phủ các chúng. Chín mươi sáu phái ngoại đạo, mỗi mỗi đều có bộ chúng, nên gọi là các chúng.

Chánh văn: Dùng công đức trí tuệ để tu tâm, dùng tướng tốt và vẻ đẹp trang nghiêm thân, sắc tượng bậc nhất.

Ngài La-thập nói:

– Đầy đủ các đức này, cho nên đạt được sự không sợ hãi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tâm thì dùng trí đức để trang nghiêm, hình thì dùng tướng quý để phục sức. Nghiêm tâm để tiến đạo, nghiêm thân để khác tục.

Chánh văn: Xa lìa tất cả những phục sức thế gian.

Ngài La-thập nói:

– Đầy đủ các sắc tướng anh lạc và vẻ đẹp trang nghiêm, nên không cần các vật trang sức bên ngoài.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vì những người tôn kính hình thể mà hiển thị tướng quý và vẻ đẹp nghiêm thân, há có thể dùng vật thế tục mà nghiêm sức nơi tâm ư?

Chánh văn: Danh tiếng vang cao xa, vượt trên núi Tu-di.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Có người danh cao mà chẳng xa, xa mà chẳng cao. Trước nói mười phương đều nghe là nói xa, ở đây nói vượt trên cả núi Tu-di là nói cao. Cao tức là vượt hơn.

Chánh văn: Lòng tin sâu xa kiên cố, như kim cang.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bồ-tát trụ Địa thứ bảy trở lên đạt được tín tâm vô sinh, nên chẳng thể hủy hoại.

Chánh văn: Dùng pháp bảo chiếu khắp nơi, rưới mưa cam lộ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ánh sáng của Pháp bảo luôn chiếu soi tất cả những ngu si tăm tối. Rưới mưa làm nhuần thấm tất cả sinh tử. Giống như biển có châu báu luôn phóng ánh sáng trừ diệt tối tăm; cũng nhân nơi ánh sáng mà có thể mưa cam lộ nhuần thấm cây khô.

Chánh văn: Âm thanh vi diệu bậc nhất.

Ngài Tăng Triệu ghi: Khác loài thì khác âm thanh, lời nói âm thanh đã hay mà còn thù thắng siêu việt.

Chánh văn: Thâm nhập duyên khởi, đoạn các tà kiến nhị biên có không, không còn các tập khí tàn dư.

Ngài Tăng Triệu ghi: Thâm nhập tức là trí giải ngộ sâu xa. Nếu biết pháp từ duyên khởi thì tà kiến không do đâu để sinh. Còn hai kiến có, không là chúng sinh nhiều hoặc, bậc Đại sĩ đã diệt hết từ lâu, cho nên không còn tập khí tàn dư.

Chánh văn: Diễn nói các pháp không sợ sệt như Sư tử hống.

Ngài La-Thập nói:

– Trên là nói tất cả thời không sợ hãi, ở đây nói thuyết pháp không sợ hãi. Trên nói sư tử hống là nói về đức âm chấn động xa, ở đây là nói về pháp thật tướng có thể thuyết được tất cả đại chúng kính thuận, giống như tiếng rống sư tử, có oai lực làm cho các thú kinh sợ.

Chánh văn: Âm thanh giảng nói như tiếng sấm.

Ngài La-thập nói:

– Chánh trí lưu xuất nhuần thấm như trời mưa. Âm thanh biện thuyết phát ra như tiếng sấm. Người có tuệ thì không có âm thanh luận biện, hoặc có âm thanh luận biện mà không có tuệ. Đã nói không sợ sệt lại nói về tiếng sấm là nói có đủ âm thanh luận biện và tuệ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Pháp âm chấn động vang xa để khai ngộ cho những kẻ mê mờ.

Giống như tiếng sấm mùa xuân phát động thì cây cối nảy mầm.

Chánh văn: Vô lượng, hữu lượng đã quá hạn lượng.

Ngài Tăng Triệu ghi: Đã được Pháp thân, nhập vào cảnh giới vô vi, tâm chẳng thể dùng trí mà cầu, thân chẳng thể dùng hình tượng mà

chấp giữ, cho nên nói là vô lượng. Trụ Địa thứ sáu trở xuống gọi là hữu lượng.

Chánh văn: Gom nhóm các pháp bảo, như người thầy dẫn đường trên biển.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Dẫn dắt chúng sinh vào biển Đại thừa để lấy Pháp bảo, khiến cho tất cả không bị hiểm nạn, giống như người thầy trên biển, khéo dẫn dắt các khách buôn, tất cả đều thấy ánh sáng.

Chánh văn: Liễu đạt nghĩa thâm diệu của pháp.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nghĩa thâm diệu tức thật nghĩa.

Chánh văn: Biết rõ những nơi qua lại và tâm hành của chúng sinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Qua lại trong sáu đường, các tâm hành thiện ác, các ngài đều biết rõ.

Chánh văn: Gần đạt đến Bậc Phật Vô Đẳng Đẳng, đầy đủ các tuệ tự tại như thần lực Vô úy mười tám, pháp Bất cộng.

Ngài La-thập nói:

– Trí tuệ của Phật không có ai sánh bằng, mà chỉ có Phật mới bằng; lại nữa, pháp thật tướng không có gì so sánh bằng, chỉ có Phật mới bằng. Bồ-tát gần đến nhưng chưa đạt, nên nói là gần.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phật đạo siêu tuyệt chẳng có ai sánh được, chỉ có Phật và Phật tự bằng nhau, cho nên nói Vô đẳng đẳng. Sở dĩ luận về đẳng là để nêu lý của Đệ nhất đại đạo không đâu chẳng cùng tột, bình đẳng như hư không, há có lên xuống ư? Tự tại tuệ tức là các việc như mười Lực, bốn Vô úy, mười tám Bất cộng. Bậc Đại sĩ tuy chưa hoàn toàn như trí tuệ Phật, mà chỉ gần đạt đến thôi.

Chánh văn: Đóng bít tất cả các cửa của ác thú mà hiện thân sinh vào năm đường.

Ngài Tăng Triệu ghi: Pháp thân chẳng sinh mà không đâu chẳng sinh, không sinh nên cửa ác thú đóng bít; không đâu chẳng sinh, nên hiện thân trong năm đường.

Chánh văn: Làm bậc Đại y vương, giỏi chữa trị các bệnh, tùy bệnh cho thuốc, khiến đều được chữa lành.

Ngài Tăng Triệu ghi: Pháp dược giỏi trị lành các bệnh, giống như Y vương.

Chánh văn: Vô lượng công đức đều thành tựu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đầy đủ các đức.

Chánh văn: Vô lượng cõi Phật đều trang nghiêm thanh tịnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chúng sinh có nhiều sở thích khác nhau, nên cần phải có vô lượng tịnh độ để đáp ứng với sở thích của họ.

Chánh văn: Những người thấy nghe đều được lợi ích.

Ngài Tăng Triệu ghi: Pháp thân vốn không có hình tướng và âm thanh, chỉ vì tùy ứng chúng sinh mà hiện hình tướng âm thanh; thế thì thấy nghe mà không được lợi ích ư?

Chánh văn: Các việc làm cũng chẳng uổng phí.

Ngài Tăng Triệu ghi: Công đức chẳng phải hư ngụy lập ra. Bản khác ghi: “Việc làm chẳng luống uổng”.

Ngài La-thập nói:

– Việc làm đều thành tựu, tất cả dùng để độ người, cho nên chẳng luống uổng.

Chánh văn: Tất cả các công đức như thế đều đã đầy đủ. Đó là Bồtát Đẳng Quán, Bồ-tát Bất Đẳng Quán, Bồ-tát Đẳng Bất Đẳng Quán.

Ngài La-thập nói:

– Đẳng quán tức dùng bốn Đẳng quán xét chúng sinh. Bất đẳng tức là dùng trí tuệ để phân biệt các pháp. Đẳng bất đẳng tức gồm hai pháp đã nêu.

Chánh văn: Bồ-tát Định Tự Tại Vương Ngài La-thập nói:

– Tự tại trong các định.

Chánh văn: Bồ-tát Pháp Tự Tại Vương.

Ngài La-thập nói:

– Tự tại trong các pháp.

Chánh văn: Bồ-tát Pháp Tướng Ngài La-thập nói:

– Công đức pháp tướng hiện nơi thân.

Chánh văn: Bồ-tát Quang Tướng Ngài La-thập nói:

– Tướng ánh sáng hiện nơi thân.

Chánh văn: Bồ-tát Quang Nghiêm Ngài La-thập nói:

– Dùng ánh sáng trang nghiêm thân.

Chánh văn: Bồ-tát Đại Nghiêm Ngài La-thập nói:

– Thân tướng rất trang nghiêm.

Chánh văn: Bồ-tát Bảo Tích Ngài La-thập nói:

– Tích tập của báu trí tuệ.Chánh văn: Bồ-tát Biện Tích Ngài La-thập nói:

– Tích tập bốn vô ngại biện.

Chánh văn: Bồ-tát Bảo Thủ Ngài La-thập nói:

– Từ tay có lưu xuất ra vô lượng của báu.

Chánh văn: Bồ-tát Bảo Ấn Thủ Ngài La-thập nói:

– Ấn tức là tướng, tay có tướng lưu xuất ra của báu. Cũng có thể nói trong tay có ấn báu (Bảo ấn).

Chánh văn: Bồ-tát Thường Cử Thủ Ngài La-thập nói:

– Hiện dùng bàn tay đại từ vỗ về, an ủi chúng sinh, khiến họ chẳng sợ hãi. Vì thế thường đưa bàn tay hướng về phía mọi người và nói rằng:

“Chớ sợ hãi”.

Chánh văn: Bồ-tát Thường Hạ Thủ Ngài La-thập nói:

– Thường buông tay xuống, biểu thị tâm từ, khuất mình không thể làm tổn thương đến chúng sinh.

Chánh văn: Bồ-tát Thường Thảm Ngài La-thập nói:

– Thương xót nhớ nghĩ đến chúng sinh.

Chánh văn: Bồ-tát Hỷ Căn Ngài La-thập nói:

– Hỷ căn tức là Hỷ đẳng (Hỷ vô lượng), tức đối với pháp thật tướng sinh tâm hoan hỷ và tùy hỷ.

Chánh văn: Bồ-tát Hỷ Vương Ngài La-thập nói:

– Hỷ có hai loại:

  1. Bất tịnh hỷ.
  2. Thanh tịnh hỷ.

Vì đó là tâm hỷ thanh tịnh nên gọi là vương.

Chánh văn: Bồ-tát Biện Âm Ngài La-thập nói:

– Đó là ngôn từ luận biện.

Chánh văn: Bồ-tát Hư Không Tạng Ngài La-thập nói:

– Tuệ tạng thật tướng giống như hư không.

Chánh văn: Bồ-tát Chấp Bảo Cự Ngài La-thập nói:

– Cầm đuốc tuệ báu soi sáng, phá tan đêm tối.

Chánh văn: Bồ-tát Bảo Dũng.

Ngài La-thập nói:

– Mạnh mẽ đối với đức báu, thì cũng được của báu, nên gọi là dũng.

Chánh văn: Bồ-tát Bảo Kiến Ngài La-thập nói:

– Dùng tuệ báu chiếu soi các pháp.

Chánh văn: Bồ-tát Đế Võng Ngài La-thập nói:

– Đế võng kinh gọi là huyễn thuật. Thần biến của vị Đại sĩ này tự tại giống như huyễn hóa, cho nên mượn từ ngữ Đế võng (màng lưới của trời Đế Thích) để đặt tên.

Chánh văn: Bồ-tát Minh Võng Ngài La-thập nói:

– Bồ-tát Minh Võng thuyết pháp, tay có cầm màng lưới phóng ánh sáng.

Chánh văn: Bồ-tát Vô Duyên Quán Ngài La-thập nói:

– Khi quán chẳng chấp tướng vô duyên; cũng có thể nói khi nhập quán sâu xa thì không thấy có cảnh sở duyên.

Chánh văn: Bồ-tát Tuệ Tích Ngài La-thập nói:

– Tích tụ các tuệ.

Chánh văn: Bồ-tát Bảo Thắng Ngài La-thập nói:

– Công đức báu siêu xuất thế gian.

Chánh văn: Bồ-tát Thiên Vương Ngài La-thập nói:

– Thiên Vương có ba:

  1. Giả danh thiên.
  2. Sinh thiên.
  3. Hiền Thánh thiên.

Ở đây nói Thiên vương tức Hiền Thánh thiên.

Chánh văn: Bồ-tát Hoại Ma Ngài La-thập nói:

– Phá hoại ma đạo.

Chánh văn: Bồ-tát Điện Đắc Ngài La-thập nói:

– Y nơi sự mà đặt tên.

Chánh văn: Bồ-tát Tự Tại Vương Ngài La-thập nói:

– Tự tại nơi pháp, giống như vua Tự Tại trước thần dân.

Chánh văn: Bồ-tát Công Đức Tướng Nghiêm Ngài La-thập nói:

– Dùng tướng công đức trang nghiêm thân.

Chánh văn: Bồ-tát Sư Tử Hống Ngài La-thập nói:

– Dùng đại pháp âm khiến cho chúng sinh quy phục.

Chánh văn: Bồ-tát Lôi Âm Ngài La-thập nói:

– Thuyết pháp làm cho trời người hoan hỷ còn kẻ tà ác run sợ, giống như khi tiếng sấm vang có kẻ sợ người vui.

Chánh văn: Bồ-tát Sơn Tương Kích Âm Ngài La-thập nói:

– Dùng đại pháp âm làm tiêu ma ý chí kẻ can cường, âm thanh chấn động, như các núi chạm nhau.

Chánh văn: Bồ-tát Hương Tượng Ngài La-thập nói:

– Có một loài Hương tượng xanh, thân phát ra mùi hương. Vị Bồtát này, thân phát ra mùi hương cũng như thế.

Chánh văn: Bồ-tát Bạch Hương Tượng Ngài La-thập nói:

– Hương ấy rất quý giá, hương nơi thân Đại sĩ cũng như thế.

Chánh văn: Bồ-tát Thường Tinh Tấn Ngài La-thập nói:

– Trước sau chẳng lui sụt.

Chánh văn: Bồ-tát Bất Hưu Tức

Ngài La-thập nói:

– Chưa từng tạm nghỉ.

Chánh văn: Bồ-tát Diệu Sinh Ngài La-thập nói:

– Khi sinh có những điềm kỳ diệu.

Chánh văn: Bồ-tát Hoa Nghiêm Ngài La-thập nói:

– Dùng sức Tam-muội hiện ra các loại hoa, trang nghiêm khắp cả hư không.

Chánh văn: Bồ-tát Quán Thế Âm Ngài La-thập nói:

– Nếu người thế gian, ai gặp hiểm nạn mà xưng niệm danh hiệu ngài và quay về nương tựa, Bồ-tát quán xét âm thanh ấy liền được thoát khỏi. Cũng có thể cho rằng quán xét tâm niệm của người thế gian, gọi là Quán Thế tự tại.

Chánh văn: Bồ-tát Đắc Đại Thế Ngài La-thập nói:

– Có thế lực lớn. Tức dùng Đại thần lực bay qua mười phương, nơi cõi nước mà ngài đến phát ra chấn động sáu cách, tất cả các đường ác đều tiêu diệt.

Chánh văn: Bồ-tát Phạm Võng Ngài La-thập nói:

– Phạm tức bốn phạm hạnh, võng tức số nhiều.

Chánh văn: Bồ-tát Bảo Trượng Ngài La-thập nói:

– Hoặc là vật báu (bảo) hoặc là pháp báu đều lấy làm gậy (trượng).

Chánh văn: Bồ-tát Vô Thắng, Bồ-tát Nghiêm Độ Ngài La-thập nói:

– Làm thanh tịnh cõi nước.

Chánh văn: Bồ-tát Kim Kế Ngài La-thập nói:

– Vàng nơi búi tóc.

Chánh văn: Bồ-tát Châu Kế Ngài La-thập nói:

– Hạt châu như ý (châu) trong búi tóc (kế), thấy tất cả mười phương cõi nước, các hạnh nghiệp và nhân duyên quả báo của chúng sinh.

Chánh văn: Bồ-tát Di-lặc

Ngài La-thập nói:

– Di-lặc là họ, A-dật-đa là tên, là con của một vị Bà-la-môn ở Nam Thiên Trúc.

Chánh văn: Bồ-tát Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi.

Ngài La-thập nói:

– Văn-thù-sư-lợi, Hán dịch là Diệu Đức. Tính từ nhỏ đến lớn, nên hai vị này được nêu lên sau cùng. Vả lại hai vị này đối với cõi này là lớn còn đối với cõi khác là bậc nhỏ, nên cũng có thể xếp sau. Bồ-tát dùng Pháp thân du phương giáo hóa, chẳng biết nơi sinh của ngài. Lại đến cõi Bổ Phật cho nên gọi là Pháp vương tử.

Chánh văn: Ba mươi hai ngàn vị Bồ-tát như thế.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Khen đức mà kể tên, vì thế nêu người để chứng minh cho kinh.

Chánh văn: Lại có Phạm vương Thi-khí…

Ngài Tăng Triệu ghi: Thi-khí là tên của Phạm vương, Hán dịch là Đảnh Kế.

Chánh văn: Từ bốn Thiên hạ khác đến trụ xứ Phật để nghe pháp.

Lại có mười hai ngàn Thiên đế.

Ngài La-thập nói:

– Nếu các Phạm vương này là từ bốn thiên hạ khác đến, tức y cứ theo bốn thiên hạ này mà nói về Phạm vương. Phạm thiên lại có hai loại là Địa thiên và Hư không thiên. Đế Thích cư trụ trên đỉnh núi Tu-di, thuộc về Địa thiên lại là Địa chủ. Nêu Thích tức thuộc Địa thiên, nêu Phạm vương thì thuộc Hư không thiên. Lại nữa, Đế Thích đắc đạo tích, Phạm vương đắc quả Bất hoàn, thường đến nghe pháp nên mọi người đều quen biết. Vì thế đầu kinh đã ghi mọi người đều quen biết, lấy đó để hợp chứng minh. Vả lại tất cả chúng sinh đều tôn sùng Phạm thiên, người được tôn sùng đã đến, thì biết các người khác cũng đến.

Chánh văn: [Cũng từ bốn thiên hạ khác đến hội tòa.]

Ngài Tăng Triệu ghi: Một cõi Phật có trăm ức bốn thiên hạ; một tứ thiên hạ đều có Đế Thích, Phạm thiên, cho nên nói bốn thiên hạ khác; hoặc có thể cho rằng từ cõi Phật phương khác đến.

Chánh văn: Và các trời Đại oai lực khác.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đó là các vị trời lớn khác, ngoài Thích, Phạm kể trên.

Chánh văn: Rồng

Ngài La-thập nói:

Rồng có hai loại là rồng sống ở đất và rồng sống ở hư không.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Rồng có hai loại là loại rồng ở mặt đất (Địa long) và loại sống trên hư không (Hư không long), mỗi loại có bốn loài sinh. Chánh văn: Thần Ngài La-thập nói:

– Thần chịu quả báo thiện ác xen lẫn, giống trời người mà chẳng phải trời, người.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thần chịu quả báo thiện ác xen nhau hình tốt đẹp hơn người mà thua kém trời. Thân mờ nhạt khó thấy. Chánh văn: Dạ-xoa Ngài La-thập nói:

– Dạ-xoa, Hán dịch là quý nhân, cũng gọi là Khinh tiệp; gồm ba loại là loại sống trên mặt đất, loại sống trên hư không và loại Thiên Dạxoa. Loài Dạ-xoa sống ở mặt đất chỉ dùng Tài thí, chẳng thể bay trên hư không. Loại Thiên Dạ-xoa bố thí xe ngựa, nên có thể bay trên hư không. Khi Đức Phật chuyển pháp luân thì loại Dạ-xoa sống ở trên đất xướng cáo cho Dạ-xoa sống trên hư không nghe. Loại này xướng cáo tiếp cho trời Tứ Thiên vương nghe như thế truyền báo đến Phạm thiên.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Dạ-xoa, Hán dịch là Khinh tiệp, gồm ba loại là Địa Dạ-xoa, Hư không Dạ-xoa và Thiên Dạ-xoa, sống ở dưới hai tầng trời, thủ hộ cửa thành của cõi Trời.

Chánh văn: Càn-thát-bà Ngài La-thập nói:

– Đó là Thần âm nhạc của cõi Trời, cư ngụ trong núi báu trên mặt đất. Khi các vị trời muốn tấu nhạc thì trên thân của vị Thần này có hiện tướng báo hiệu, sau đó vị thần này lên cõi Trời.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Là Thần âm nhạc của cõi Trời, cư ngụ ở núi báu trên mặt đất, khi các vị trời muốn nghe nhạc, thì trên thân vị Thần này hiện các tướng lạ, các vị thần này biết được liền lên cõi Trời tấu nhạc.

Chánh văn: A-tu-la Ngài La-thập nói:

– Hán dịch là Bất ẩm tửu, về nhân duyên chẳng uống rượu có ghi trong kinh Tạp Bảo Tạng, đây thuộc về đường ác. A-tu-la nam thì xấu, nữ thì rất đoan chánh, có thế lực rất lớn, thường chiến đấu với trời.

Ngài Tăng Triệu cũng giải thích đồng như trên.

Chánh văn: Ca-lâu-la Ngài La-thập nói:

– Hán dịch là Kim sí điểu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đây là thần Kim sí điểu.

Chánh văn: Khẩn-na-la Ngài La-thập nói:

– Hán dịch là Nhân phi nhân, tức tựa như người mà đầu có sừng, người thấy tự hỏi “là người ư, chẳng phải người ư?”. Do đó mà gọi là Nhân phi nhân. Cũng là Nhạc thần, nhưng nhỏ hơn Càn-thát-bà.

Ngài Tăng Triệu cũng chú thích như thế.

Chánh văn: Ma-hầu-la-già… đều đến pháp hội.

Ngài La-thập nói:

– Đây là loài rồng sống trên đất, di chuyển bằng bụng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ma-hầu-la-già là đại Mảng xà. Tám bộ trên đây đều có Thần lực rất lớn, có thể tự biến hình đến hội tòa nghe pháp.

Chánh văn: Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni

Ngài Tăng Triệu ghi: Tỳ-kheo, nghĩa như đã nói ở trên. Nói Ni là từ ngữ chỉ người nữ. Tám ngàn vị Tỳ-kheo nêu ở trên là nêu riêng những vị đã đắc đạo. Chánh văn: Ưu-bà-tắc Ngài Tăng Triệu nói: – Tức là Tín sĩ nam.

Chánh văn: Ưu-bà-di Ngài Tăng Triệu nói:

– Tức là Tín sĩ nữ.

Chánh văn: Đều đến hội tòa. Bấy giờ, Đức Phật thuyết pháp cho vô lượng, chúng đang cung kính vây quanh nghe; giống như Tu-di sơn vương nổi lên giữa biển lớn. Ngài ngồi trên tòa Sư tử có các báu vật trang nghiêm, oai đức phủ trùm đại chúng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Núi Tu-di tức là núi Kim cang nơi Đế Thích cư trụ, Hán dịch là Diệu cao, nổi lên giữa biển lớn, cao hơn mặt nước ba trăm ba mươi sáu vạn dặm. Đức Như Lai ngồi giữa bốn bộ chúng, oai tướng siêu tuyệt, ánh sáng phủ trùm đại chúng, giống như núi vàng nổi lên giữa biển khơi.

Chánh văn: Lúc bấy giờ, trong thành Tỳ-da-ly có một Trưởng giả  tên là Bảo Tích.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bảo Tích cũng là pháp thân Đại sĩ, thường cùng ngài Tịnh Danh đến gặp Như Lai, cùng nhau hoằng đạo, mà nay chỉ mình ông dẫn mọi người đến trụ xứ của Phật, đó là nguyên do sắp phát sinh việc thăm bệnh, mở cánh cửa vào bộ kinh này.

Chánh văn: Cùng với năm trăm Trưởng giả khác, tất cả đều mang lọng bảy báu đến trước Phật, cúi đầu lễ chân Thế Tôn rồi dâng cúng lọng bảy báu cho ngài.

Ngài Tăng Triệu ghi: Việc làm tôn quý và tốt đẹp nhất ở Thiên Trúc là mỗi người mang lọng bảy báu đến dâng cúng Đức Phật.

Chánh văn: Do oai thần của Đức Phật mà các lọng báu hợp thành một lọng báu, phủ trùm cả tam thiên đại thiên thế giới.

Ngài La-thập nói:

– Hiện việc thần biến này, gồm có hai yếu chỉ:

  1. Hiện vô lượng thần biến để hiển trí tuệ ắt phải sâu xa.
  2. Bảo Tích… dâng hiến vật quý giá ắt sẽ đạt được quả quý giá.

Việc thành tựu ở vị lai ắt cũng kỳ diệu như thế. Đó là nói nhân thì nhỏ mà quả thì lớn.

Chánh văn: mà tướng rộng lớn của thế giới này đều hiện trong đó.

Ngài Tăng Triệu ghi: Lọng báu chẳng rộng mà phủ trùm tám cực, thế giới chẳng hẹp mà lại hiện trong lọng báu.

Chánh văn: Lại các núi Tu-di...

Ngài La-thập nói:

– Tu-di, Hán dịch là Diệu cao. Có mười núi báu, núi Tu-di nằm ở giữa, chín núi kia vây quanh.

Chánh văn: Tuyết sơn, Mục-chân-lân-đà, Ma-ha Mục-chân-lânđà, Hương sơn, Bảo sơn, Kim sơn, Hắc sơn, Thiết vi sơn, Đại thiết vi sơn, biển lớn, sông rạch, dòng suối, khe, nguồn, ngòi, lạch...

Bản khác ghi: “Hiện nơi biển lớn kia”.

Ngài La-thập nói:

– Núi có màu vàng ròng, nước biển trong xanh cùng ánh hiện phát ra, rồi rừng xanh hiển phát, ánh sáng sắc vàng ròng cũng như thế.

Chánh văn: Và mặt trời, mặt trăng, các vì sao, Thiên cung, Long cung, cùng các Tôn thần trong tam thiên đại thiên thế giới đều hiện trong lọng báu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đây là thế giới Phật.

Chánh văn: Hơn nữa, chư Phật trong mười phương và chư Phật đang thuyết pháp cũng đều hiện trong lọng báu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vì sắp hiển bày cõi Phật thù thắng khác nhau, cho nên hiện khắp cả mười phương. Các Trưởng giả tử đều đã phát tâm Từ lâu xa mà chưa tu tịnh độ, nay muốn họ từ nơi tâm đến cúng dường mà khải phát chí cầu Tịnh độ, vì thế nhân có bảo cái mà hiện làm như thế.

Chánh văn: Khi ấy tất cả đại chúng đều thấy thần lực của Phật, đều khen là điều chưa từng có, chắp tay lễ Phật, nhìn ngắm tôn dung của ngài mà mắt chẳng chút tạm rời.

Ngài La-thập nói:

– Tin thích khởi phát bên trong, thì tướng hiện ra bên ngoài.

Chánh văn: Trưởng giả tử Bảo Tích liền đến trước Phật đọc bài kệ khen rằng.

Ngài La-thập nói:

– Trên là dùng thân cúng dường, ở đây là tâm và khẩu cúng dường. Trên là dùng tài vật cúng dường, ở đây là dùng pháp cúng dường. Hơn nữa, đại chúng tuy đã thấy việc biến hiện kia, nhưng chưa biết nguyên do, muốn khiến sự suy tôn vẫn còn, lòng tin thích càng sâu, cho nên mới dùng kệ khen ngợi.

Ngài Tăng Triệu nói: Thân hình lễ kính chưa đủ để diễn tả hết tâm, cho nên cần phải ca vịnh.

Chánh văn: Mắt trong, dài, rộng như sen xanh.

Ngài La-thập nói:

– Mặt là phần quý của thân mà mắt là điểm trọng yếu của mặt, cho nên khen thân hình thì đầu tiên là khen cặp mắt. Vả lại, chư Phật dùng mắt Từ bình đẳng nhìn chúng sinh, kính trọng sự bình đẳng ấy, cho nên khen tặng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trong năm tình (năm căn), trăm vóc thì mắt là tối thượng, vì nhìn dung nhan mà làm kệ, cho nên đầu tiên khen ngợi đôi mắt. Ở Ấn Độ có loại hoa sen xanh, cánh hoa dài và rộng, xanh trắng phân minh, có hình tướng như con mắt của bậc Đại nhân, cho nên lấy đó làm dụ.

Chánh văn: Tâm tịnh đã đạt các thiền định.

Ngài La-thập nói:

– Tâm tịnh thì mắt sáng, cho nên nêu tâm để chứng cho mắt. Vả lại, mắt là cơ quan trọng yếu của thân, tâm là gốc của đức, vì muốn khen ngợi đức, nên tán thán tâm. Nói đạt các thiền định là giải thích vì sao tâm tịnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cái quý của thân là mắt, chủ của đức là tâm, cho nên người làm kệ nêu hai việc này ở đầu bài tụng. Biển thiền định sâu rộng không bờ, nếu chẳng phải là Như Lai có chân tâm thanh tịnh thì chẳng thể đạt đến.

Chánh văn: Tích chứa tịnh nghiệp vô lượng từ lâu, cho nên danh cũng vậy.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vì tích chứa ba tịnh nghiệp từ vô số kiếp về trước, cho nên danh xưng vô lượng.

Chánh văn: Dùng Tịch độ chúng, nêu kính lễ.

Ngài La-thập nói:

– Bản Phạm ghi là: “Tịch đạo”. Tịch đạo tức tám Chánh đạo.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tịch tức là đạo vô vi tịch diệt.

Chánh văn:

Đã thấy Đại Thánh dùng thần biến

Hiện khắp mười phương vô lượng cõi

Trong đó chư Phật diễn nói pháp

Nơi đây tất cả đều thấy nghe.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đã thấy thần biến hợp các lọng báu thành một, đã là việc chẳng thể nghĩ lường, nay trong đó lại hiện cõi nước ở mười phương và chư Phật thuyết pháp, khiến ở cõi Kham nhẫn này, tất cả chúng hội đều thấy nghe, thì thật là việc hiếm có.

Chánh văn:

Pháp lực Pháp vương vượt quần sinh

Thường dùng pháp tài ban tất cả

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vua thế tục thì dùng sức thế tục để hơn nhân dân, nên có thể ban ân một nước, còn Đấng Pháp Vương thì dùng sức pháp siêu việt chúng sinh, nên có thể cứu giúp vô cùng.

Chánh văn: Thường khéo phân biệt các pháp tướng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Các pháp đều có các tướng trạng khác nhau, nhưng khéo phân biệt được tất cả. Từ đây đến câu “Nghiệp chẳng quên” là khen ngợi Pháp thí.

Chánh văn: Nơi Đệ nhất nghĩa thường chẳng động.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đệ nhất nghĩa là nghĩa nhất tướng của các pháp. Tuy phân biệt rõ tướng trạng khác nhau của các pháp, nhưng chẳng trái với nhất tướng. Đây là khen tặng đạo không biến dịch của đấng pháp vương. Động tức là trái nghịch.

Chánh văn:

Đã được tự tại với các pháp

Nên con đảnh lễ Đấng Pháp Vương

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vị vua của thế gian thì tự tại đối với nhân dân, Đấng Pháp Vương thì tự tại đối với pháp. Pháp không có tướng nhất định, chỉ tùy ứng mà luận biện, tức vì người thích khác biệt mà luận về khác biệt nhưng chẳng trái đồng, vì người thích đồng mà luận đồng, nhưng chẳng trái với khác. Đồng và khác tuy luận sai biệt, nhưng đều thích ứng với pháp tướng, cho nên được tự tại.

Chánh văn: Thuyết pháp chẳng có cũng chẳng không.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Muốn nói có thì chẳng tự sinh, muốn nói là không thì duyên hợp liền thành. Hợp thành hình thì chẳng thể gọi là không; chẳng tự sinh thì chẳng thể là có. Vả lại, có có mới có không, không có có thì không nào có.

Có không cho nên có có, không có “không” làm sao có “có”? Thế thì tự có thì chẳng có, tự không thì chẳng không, đây là chánh thuyết của Đấng Pháp Vương.

Chánh văn: Vì nhân duyên nên các pháp sinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cũng do nhân duyên, không cũng do nhân duyên. Vì pháp chẳng phải có không, cho nên nói do nhân duyên sinh. Luận ghi: “Pháp từ duyên, nên chẳng có, vì duyên khởi nên chẳng không”.

Chánh văn: Không ngã, không tạo, không thọ giả.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Các pháp đều từ nhân duyên sinh. Không có một chủ tể chân thật riêng biệt, nên nói không ngã. Nếu có ngã thì tạo tác thiện ác, lãnh thọ họa phước, đã không có ngã thì không tạo tác, không lãnh thọ.

Chánh văn: Các nghiệp thiện ác đều chẳng mất.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nếu không tạo tác, không người lãnh thọ thì lẽ ra không làm thiện được phước, làm ác chiêu họa, nhưng tâm thức của chúng sinh tương tục, đẹp xấu do đó mà khởi, đạo báo ứng liên hoàn tiếp nối nhau, giống như tiếng hòa thì vang thuận, hình thẳng thì ảnh ngay, đây là lý tự nhiên, không sai một mãy may, đâu cần nhờ vào một ngã thường hằng làm chủ tể?

Chánh văn: Đầu tiên hàng ma nơi Phật thọ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bị đạo lực chế phục, ma binh há có thể đối địch lại ư? Từ đây đến câu Lễ biển pháp, là khen công đức của Như Lai lúc mới thành đạo.

Chánh văn: Được Cam lộ diệt.

Ngài La-thập nói:

– Bản Phạm ghi: “Tịch diệt Cam lộ”. Tịch diệt Cam lộ tức pháp thật tướng.

Chánh văn: Thành đạo giác.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đạo đại giác thì vắng lặng vô tướng, vị của đạo ấy làm tâm thần điều hòa như cam lộ. Nơi cây Bồ-đề, trước tiên hàng phục ngoại đạo, sau đó mới thành đạo Đại giác cam lộ tịch diệt, nội ma kết sử tập khí từ đây vĩnh viễn diệt trừ.

Chánh văn: Đã không tâm ý.

Ngài La-thập nói:

– Tức không có ý phân biệt.

Chánh văn: Không thọ hành.

Ngài La-thập nói:

– Tức không có thọ, tưởng, hành.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tâm là thế nào? Do nhiễm hữu mà sinh. Thọ là thế nào? Khổ vui là hành. Bậc Chí nhân thầm biết chân thể vắng lặng rỗng rang, chẳng ôm lòng chấp giữ, tuy vạn pháp đều chiếu soi, nhưng tâm chưa từng có; khổ vui là con đường thẳng mà chẳng lãnh thọ; vật ngã vĩnh viễn vắng lặng; thì đâu có tâm để lãnh thọ? Thọ tức là ba thọ: Khổ thọ, lạc thọ và chẳng khổ chẳng lạc thọ.

Chánh văn: Phá dẹp tất cả các ngoại đạo.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Không có tâm chế phục chúng sinh mà không chúng sinh nào không khuất phục.

Chánh văn: Ba chuyển pháp luân khắp đại thiên.

Ngài Tăng Triệu ghi: Đầu tiên nơi Lộc uyển vì năm người như Câu-lân… chuyển pháp luân bốn Đế khắp cả tam thiên đại thiên thế giới.

Chánh văn: Luân ấy xưa nay thường thanh tịnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Pháp luân hằng tịnh như hư không. Tuy có cổ kim, nhưng chẳng cùng với thời gian di chuyển, chẳng đồng với thế tục đổi dời. Thánh và Thánh tiếp nối truyền thừa, đạo ấy vĩnh viễn chẳng thay đổi.

Chánh văn: Trời, người đạt đạo là minh chứng.

Ngài La-thập nói:

– Tức minh chứng cho thời sơ chuyển pháp luân của Phật.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thời sơ chuyển pháp luân thì năm người như Câu-lân… và tám vạn vị trời đắc đạo, đó là minh chứng đạo này thường thanh tịnh.

Chánh văn: Từ đây Tam bảo hiện ở đời.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đạo giác đã thành thì có Phật bảo; pháp luân đã chuyển tức có Pháp bảo; năm vị xuất gia đắc đạo là Tăng bảo. Ở đây là nói về thời gian đầu tiên.

Chánh văn:

Dùng biện pháp này cứu quần sinh.

Đã thọ, chẳng lui thường vắng lặng.

Ngài Tăng Triệu ghi: Những người bậc Thượng trong chín mươi sáu loại ngoại đạo cũng có thể đoạn kết tập sinh vào cõi Vô sắc, nhưng vì đạo lý ấy chẳng chân, nên lại rơi vào ba đường. Còn Đức Phật dùng diệu pháp bốn Đế cứu độ chúng sinh cả ba thừa, không có việc người đã thọ nhận rồi mà còn trở lại đọa vào sinh tử. Cho nên nói: “Đã thọ thì chẳng lui”; vĩnh viễn vô vi nên nói là “thường vắng lặng”.

Chánh văn: Làm Đại y vương cứu bệnh, chết.

Ngài Tăng Triệu ghi: Sinh già, bệnh, chết là nổi khổ đau nặng nề nhất, Đức Phật dùng thuốc pháp để cứu chữa, cho nên nói là Đại y vương.

Chánh văn: Nên lễ biển pháp đức vô biên.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Pháp luân sâu rộng khó lường, biển pháp chảy khắp bến bờ, vì thế đức ấy cũng vô biên.

Chánh văn: Khen chê chẳng động như Tu-di.

Ngài Tăng Triệu ghi: Lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc là tám ngọn gió pháp chẳng thể làm động Như Lai, giống như bốn ngọn gió thổi vào núi Tu-di.

Chánh văn: Thiện ác đều dùng Từ bình đẳng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Người chặt tay mình, mình chẳng oán, người nịnh bợ mình mình cũng chẳng vui. Thiện ác do người, nhưng tâm Từ chẳng khác.

Chánh văn: Tâm hành bình đẳng như hư không.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phàm có tâm thì có hạn lượng, đã có hạn lượng thì không trùm khắp. Vì tâm bậc Thánh là vô tâm, cho nên bình đẳng như hư không.

Chánh văn: Ai nghe nhân bảo chẳng kính vâng.

Ngài Tăng Triệu ghi: Đức Phật đối với cõi Trời là bậc tôn quý nhất cõi Trời, đối với con người là bậc tôn quý nhất của cõi người. Là tôn quý nhất của trời, người; há trời, người có thể làm được chăng? Cho nên không ai mà chẳng kính vâng.

Chánh văn: Nay dâng Thế Tôn lọng nhỏ này.

Ngài La-thập nói:

– Vui mừng vì vật hiến cúng nhỏ mà thấy được sự biến hiện lớn.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vi tức là nhỏ.

Chánh văn:

Trong đó hiện đủ cõi tam thiên

Cung điện của trời và rồng thần

Loại Càn-thát-bà với Dạ-xoa

Mọi vật thế gian đều thấy rõ

Xót thương thập lực hóa tướng này.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vật phụng cúng rất nhỏ bé, mà cảnh được thấy vô cùng rộng lớn, đó là do Như Lai xót thương mà hiện ra. Nói mười Lực là hiệu khác của Như Lai. Vì Phật đầy đủ mười Lực nên lấy đó làm hiệu. Ngoài mười hiệu ra còn có các danh hiệu khác giống như thế.

Chánh văn:

Thấy việc hy hữu đều khen Phật

Nay con kính lạy Tam giới Tôn.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tức là thấy những việc hiện trong lọng báu.

Chánh văn:

Đại Thánh, chỗ nương của mọi loài

Tâm tịnh quán Phật đều hoan hỷ

Đều thấy Thế Tôn trước mặt mình.

Ngài Tăng Triệu: Pháp thân viên mãn ứng hiện cùng khắp, giống như mặt trăng trên hư không, ảnh hiện khắp trăm sông.

Chánh văn: Đây là thần lực pháp Bất cộng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tức chẳng chung cho Nhị thừa.

Chánh văn:

Phật dùng một âm diễn nói pháp

Chúng sinh tùy loại đều được hiểu

Cho rằng âm Phật đồng với tiếng mình.

Đây là thần lực pháp Bất cộng

Ngài Tăng Triệu nói:

– Một âm của khẩu mật, tất cả các loài đều hiểu được.

Chánh văn:

Phật dùng một âm diễn nói pháp

Chúng sinh tùy thích đều nghe hiểu

Mà đạt thọ hành được lợi ích

Đây là thần lực pháp Bất cộng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đức Phật dùng một âm nói một pháp, chúng sinh tùy điều ưa thích mà nghe hiểu, như người thích bố thí thì nghe Phật nói bố thí, người thích nghe giới thì nghe được giới, mỗi mỗi lãnh thọ khác nhau, đạt được lợi ích khác nhau. Trên là nói một âm mà thích ứng khác, đây nói một pháp mà chỗ thích ứng khác.

Chánh văn:

Phật dùng một âm diễn nói pháp

Có người kinh sợ, kẻ vui mừng

Hoặc sinh xa lìa hoặc dứt nghi

Đó là thần lực pháp Bất cộng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chúng sinh nghe nói khổ báo thì lo sợ, nghe diệu quả thì vui mừng, nghe bất tịnh thì nhàm chán, xa lìa, nghe pháp tướng thì dứt nghi. Chẳng biết một âm mà diễn thuyết thế nào, khiến cho người vui mừng, kẻ sợ hãi khác nhau; vậy Nhị thừa đâu có thể cùng chung được?

Chánh văn: Lạy Đấng Thập Lực đại tinh tấn.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Từ đây trở xuống mỗi mỗi câu đều tán thán đức của Như Lai mà lễ kính.

Chánh văn: Lạy Đấng đã được Vô sở úy.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tức bốn Vô úy.

Chánh văn: Lạy Đấng trụ nơi pháp Bất cộng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đó là mười tám pháp Bất cộng.

Chánh văn:

Lạy Đấng Đạo sư của mọi loài.

Lạy Đấng thường đoạn các kết phược

Lạy Đấng đã đạt đến bờ kia.

Ngài Tăng Triệu ghi: Bờ kia tức là bờ Niết-bàn, Niết-bàn kia há có bờ bến ư? Vì ngã khác với bĩ cho nên mược danh từ bờ để gọi.

Chánh văn:

Lạy Đấng luôn độ các thế gian

Lạy Đấng vĩnh viễn lìa sinh tử

Biết tướng đến đi của chúng sinh.

Ngài Tăng Triệu ghi: Thân hình chúng sinh qua lại trong sáu đường, tâm thức dong ruỗi theo thị phi; tất cả đều rõ biết.

Chánh văn: Khéo được giải thoát nơi các pháp.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ta nhiễm các pháp, cho nên các pháp trói buộc ta. Tâm ta không nhiễm thì vạn sự trói buộc đều giải thoát.

Chánh văn:

Chẳng nhiễm thế gian như hoa sen

Thường giỏi vào nơi hạnh không tịch.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Xuất nhập tự tại mà chẳng trái với tịch diệt, cho nên thường giỏi vào đó.

Chánh văn: Đạt các pháp tướng không ngăn ngại.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vạn pháp sâu xa, ai có thể biết được bờ mé, chỉ có Phật vô ngại, cho nên nói là đạt.

Chánh văn: Lạy Đấng như không chẳng chỗ nương.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tâm bậc Thánh không gá nương, giống như hư không, không y cứ vào đâu.

Chánh văn: Bấy giờ, Trưởng giả tử Bảo Tích nói kệ tán thán xong, liền bạch Đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Năm trăm Trưởng giả này đều đã phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nguyện xin được nghe nói về cõi Phật thanh tịnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– A-nậu-đa-la, Hán dịch là Vô thượng; Tam-miệu Tam-bồ-đề; Hán dịch là Chánh biến tri. Đạo lớn không có gì hơn nên nói là Vô thượng; đạo đó chân chánh, không có pháp nào chẳng biết, nên gọi là Chánh biến tri. Các trưởng giả phát tâm vô thượng đã lâu mà chưa tu Tịnh độ, vì thế cùng đến với Bảo Tích. Đức Như Lai hiện lọng báu để khai phát mầm thiện kia. Đã thấy trong lọng báu hiện các cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm khác nhau, thì tâm ý tôn kính, muốn tu tập, cho nên nguyện được nghe cõi Phật thanh tịnh tốt đẹp mà Phật đã chứng đắc.

Chánh văn: Cúi mong Thế Tôn nói về hạnh Tịnh độ của các Bồtát.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cõi nước sở dĩ là tịnh, đâu phải do trang sức mà có thể thanh tịnh, mà phải do hạnh, cho nên phải nói về hạnh. Phàm hạnh ắt phải do học. Cho nên vì các Bồ-tát mà đặt câu hỏi này là để nêu yếu chỉ hiện lọng báu của Như Lai, cũng là bản ý của việc Bảo Tích và các Trưởng giả cùng đến.

Bản khác ghi: “Hạnh thanh tịnh cõi Phật”.

Ngài La-thập nói:

– Bản Phạm ghi: “Tướng thanh tịnh”, sau đó nói: “Chúng sinh là cõi Phật”, thế thì tướng ấy hiện hôm nay, cho nên sẽ ứng với mai sau.

Chánh văn: Đức Phật nói rằng: “Hay thay! Bảo Tích! Ông vì các Bồ-tát mà hỏi Như Lai về hạnh Tịnh độ, vậy hãy lắng nghe và suy nghĩ thật kỹ, Ta sẽ nói cho ông nghe”. Bấy giờ, Bảo Tích và năm trăm Trưởng giả vâng lời dạy cung kính lắng nghe. Phật dạy rằng: “Này Bảo Tích! Chúng sinh là cõi Phật của Bồ-tát”.

Ngài La-thập nói:

– Bảo Tích hỏi về tướng Tịnh độ, nên trả lời về tướng Tịnh độ. Tướng tịnh tức là nhân duyên của Tịnh độ; nhân duyên Tịnh độ có ba việc:

  1. Công đức của Bồ-tát.
  2. Công đức của chúng sinh.
  3. Chúng sinh.

Ba nhân đã tịnh thì được cõi Tịnh. Nay nói chúng sinh tức là trong nhân nói quả. Trong phần giải thích nghĩa ở sau có đủ ba nhân này.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phàm bậc Chí nhân thì rỗng lặng không hình, tùy vật mà hiện hình, hình không có thật thể thường hằng, huống gì cõi nước lại hằng hữu ư? Phàm muôn vạn hành nghiệp của chúng sinh đều khác nhau, nên việc biến hóa khác nhau, dẫn đến báo ứng cũng chẳng phải một. Như tịnh thì ứng hiện bảo ngọc, uế thì ứng hiện cát sỏi… Đẹp xấu do người, đối với mình thì không định. Cõi nước không định đó chính là cõi chân thật (chân độ). Thế thì cõi nước tịnh hay uế là lệ thuộc nơi chúng sinh, nên nói “Chúng sinh là cõi Phật của Bồ-tát”. Hoặc có thể cho rằng sự tịnh uế của cõi nước lệ thuộc nơi chúng sinh, thế thì cõi báo ứng của chúng sinh chẳng phải là cõi nước của Như Lai; và hiện lọng báu này chưa dụ cho việc cõi báo ứng khác phương sở. Hãy thử luận xem về điều này, phàm Tịnh độ mà Như Lai tu tập lấy vô phương làm thể, nên khiến cho các chúng sinh tu tập hạnh đồng nhìn mà thấy khác. Vì thấy khác nên tịnh uế sinh. Vì không phương sở nên chân độ có hình. Nếu chấp thủ tịnh uế thì là báo độ của chúng sinh. Biết cõi ấy vốn không phương sở, tức là chân độ của Phật. Há có thể cho là hai cõi Phàm Thánh khác phương sở, rồi sau đó luận về tịnh uế ư?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Hạnh Tịnh độ tức tu hành đạt đến Tịnh độ, chứ chẳng phải là tạo ra Tịnh độ, người tạo Tịnh độ tức chúng sinh. Đâu có thể lạm cho là tạo ra; trước không thể không nói về gốc tạo tác là để hiểu nghĩa cốt yếu, sau đó mới nói về hạnh.

Chánh văn: Vì sao? Vì Bồ-tát tuy thuận chúng sinh được giáo hóa mà lãnh lấy cõi Phật.

Ngài La-thập nói:

– Từ đây trở xuống gồm hai chương, nêu ba nhân để giải thích nghĩa. Bản Phạm ghi: “Tùy bao nhiêu chúng sinh được giáo hóa”, tựa như nói tùy người hóa độ nhiều ít mà cõi nước có lớn nhỏ. Nghĩa là tùy thuận dùng pháp gì để giáo hóa chúng sinh, hoặc pháp bố thí, trì giới… Mỗi mỗi đều tùy hạnh tu của họ mà sinh sang nước ấy. Cũng tùy theo ba nhân sâu cạn để thành tựu quả nghiêm tịnh khác nhau. Nếu nhân trì giới thì đất đai bằng phẳng, nếu nhân bố thí thì đầy đủ bảy vật báu, chỉ lược nêu hai pháp, các pháp còn lại tự có thể biết được.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Từ đây trở xuống là giải thích vì sao chúng sinh là cõi Phật. Cõi Phật là ảnh hưởng của chúng sinh. Như hình cao thì ảnh dài, hình thấp thì ảnh ngắn, há mặt trời, mặt trăng có thể khiến cho dài ngắn được ư? Hình tự nhiên như thế. Cho nên tùy theo chúng sinh được hóa độ nhiều ít mà lãnh lấy cõi Phật rộng hẹp. Thế thì cõi Phật là một tứ thiên hạ, hoặc lấy ba ngàn, hoặc hằng hà sa làm một cõi…

Ngài Đạo Sinh nói:

– Phàm cõi nước là bờ cõi của chúng sinh, trong đó không có uế thì gọi là tịnh; không uế là không, bờ cõi là có; có sinh nơi hoặc, thì không sinh nơi giải thoát. Nếu giải thoát thành tựu thì hoặc mới hết. Mới giải thoát là bản hóa tự ứng của Bồ-tát, đến cuối cùng liền khiến thành tựu, thành tựu là cõi thống nhất, có dấu tích thuộc về Phật. Căn cứ theo bản thì tùy thuận chỗ hóa độ, ý nghĩa là lãnh lấy cõi kia, đã nói lãnh lấy cõi kia, thì chẳng phải là tự tạo. Nếu tự tạo thì không có chỗ thống nhất, không có chúng sinh thì thành tựu điều gì?

Chánh văn: Tùy thuận chúng sinh được điều phục mà lãnh lấy cõi Phật.

Ngài La-thập nói:

– Bản Phạm nói là “Tỳ-ni”; Tỳ-ni, Hán dịch là Thiện trị, tức là khéo trị chúng sinh khiến cho bỏ ác mà hành thiện. Tùy theo chúng sinh bỏ ác nhiều ít, hành thiện sâu cạn mà thành tựu cõi nước. Nói điều phục thì ý đồng mà lời khác, cho nên giữ âm Phạm.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tùy theo chúng sinh điều phục sâu cạn mà lãnh lấy cõi Phật tốt xấu.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Hóa tuy đã gồm đủ mà tên thì chỉ mới bắt đầu, cõi kia chẳng chấp nhận không điều phục sinh về, cho nên cần phải luận. Nếu chẳng điều phục thì chẳng có cõi nước đầy đủ bảy báu.

Chánh văn: Tùy thuận chúng sinh hợp với cõi nào để vào được trí tuệ Phật mà lãnh lấy cõi Phật.

Ngài La-thập nói:

– Khi tu tịnh cõi nước thì nghịch quán tâm của chúng sinh đời vị lai; nơi đời vị lai nên hiện cõi nước nào để họ được giải thoát. Trước tiên nơi kiếp vị lai lập cõi nước có hơn kém, sau đó cùng với chúng sinh đồng thâu nhiếp ba nhân để thành cõi nước, khiến chúng sinh kia sinh về. Nói nhiếp tức là nhiếp phục lấy những người mong cầu trước tiên. Ở đây là nói về Phật tuệ, sau đây là nói về Bồ-tát căn, để hiển thị những người được giáo hóa ở vị lai có sâu cạn.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trong tất cả chúng sinh, cũng có người thấy tịnh liền ưa thích mà tiến tu, cũng có người thấy uế nhàm chán mà tiến tu, sự ưa thích nhiều khác biệt, chỉ lược nêu mà thôi. Nhân tuy khác, nhưng chứng nhập Phật tuệ thì chỉ một mà thôi. Cho nên tùy sự thích hợp mà lãnh lấy cõi Phật.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Tùy thuận giáo hóa tuy đã được biếtrõ , nhưng đâu cho lạm dụng cõi nước, nên cần phải nói rõ. Nếu như có lạm dụng thì đồng với kẻ mê hoặc, ắt chẳng thể thành tựu được cõi nước.

Chánh văn: Tùy thuận chúng sinh hợp với cõi nước nào để khởi Bồ-tát căn mà lãnh lấy cõi Phật.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trên là nói nhập Phật tuệ, Phật tuệ là tuệ vô sinh mà Bồ-tát trụ Địa thứ bảy chứng đắc. Ở đây nói Bồ-tát căn, tức là tâm Bồ-đề của Bồtát trụ Địa thứ sáu trở xuống.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Vào Phật tuệ thì cũng đã gồm đủ, nhưng tâm thì mới thuộc khởi đầu, đâu không sâu xa rộng lớn, nên cần phải nói rõ. Nếu chẳng sâu xa rộng lớn, thì không có cõi Nhất thừa.

Chánh văn: Vì sao? Vì Bồ-tát lãnh lấy cõi Phật thanh tịnh là muốn làm lợi ích cho chúng sinh.

Ngài La-thập nói:

– Đây là giải thích vì sao trước lập cõi nước hơn kém, sau mới nói đến hạnh tạo lập. Nếu vì mình mà lãnh lấy cõi Phật, thì tự ý mình mà tạo lập ra cõi nước. Nay đã vì lợi ích chúng sinh, nên phải hợp với chỗ cần cầu của chúng sinh mà tạo ra cõi nước.

Ngài Tăng Triệu ghi: Pháp thân không định, thì nào có cõi nước mà luận tốt xấu, ngoài chỗ này ra thì đâu có tịnh để lãnh lấy; Lãnh lấy cõi tịnh đều là ở nơi người. Cho nên tùy sự thích hợp của chúng sinh mà lãnh lấy cõi Phật.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Nói “Vì sao” là của bốn câu trên tự mình chẳng tạo cõi nước, lại chẳng phải là cõi bờ của người, sau đó mới có thể thành tựu chúng sinh.

Chánh văn: Ví như có người muốn xây dựng nhà cửa cung điện trên đất trống, thì tùy ý không có gì trở ngại.

Ngài La-thập nói:

– Bản Phạm ghi: “Nơi khoảng trống mà tạo lập nhà cửa cung điện thì được tự do, không trở ngại”. Hư không thì chẳng thể dùng làm cung điện nhà cửa, thế thì chẳng thể lìa chúng sinh mà có cõi tịnh. Lại nói rằng: Trong nơi trống không thì làm được nhà cửa, mà chẳng thể dùng không làm nhà cửa, mà phải cần có vật liệu mới tạo thành. Như thế, Bồ-tát tuy biết rõ không, nhưng chẳng thể dùng tâm không mà được, cần phải có ba nhân mới thành tựu cõi nước. Vì ý người khác nhau cho nên văn kinh ghi khác nhau.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Tạo lập nhà cửa dụ cho việc thành tựu chúng sinh. Đất trống là nơi không có phương hướng trở ngại, dụ cho việc lãnh lấy cõi không uế, nếu có uế thì có ngại.

Chánh văn: Nếu làm nơi hư không thì chẳng thành.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Nói nơi hư không nghĩa là không có vật liệu để làm cung điện nhà cửa. Thí dụ cho việc tự tạo cõi nước mà không có chúng sinh để thành lập.

Chánh văn: Bồ-tát cũng như thế, vì thành tựu chúng sinh nên nguyện lãnh lấy cõi Phật.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Chính là xứ vô ngại.

Chánh văn: Nguyện lãnh lấy cõi Phật chẳng phải ở nơi không.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tịnh độ ắt do chúng sinh, thí như xây dựng cung điện ắt phải nương nơi đất, không có đất, không có chúng sinh thì nhà cửa, quốc độ chẳng thể thành tựu. Hàng Nhị thừa lóng tâm nơi hư vô chẳng vì chúng sinh, cho nên không có Tịnh độ.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Chẳng thể không có chúng sinh.

Chánh văn: Bảo Tích nên biết! Trực tâm là Tịnh độ của Bồ-tát.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cõi nước thanh tịnh ắt là do nơi chúng sinh, chúng sinh tinh ắt do nơi các hạnh; trên nói đến chúng sinh để giải thích Tịnh độ, nay nêu đủ các hạnh để nói về lý do thanh tịnh. Phàm hạnh tịnh thì chúng sinh tịnh, chúng sinh tịnh thì cõi Phật tịnh, đây là điều tất nhiên chẳng thể sai khác. Cõi nước không lồi lõm cong gãy là do nơi trực tâm. Cho nên nói Trực tâm là Tịnh độ của Bồ-tát. Đây là trong nhân nói quả, như chỉ vàng làm thức ăn. Trực tâm tức là tâm ngay thật không siểm khúc, tâm này là gốc của vạn hạnh, cho nên lập chương có nêu tâm này.

Chánh văn: Khi Bồ-tát thành Phật, những chúng sinh không siểm khúc sinh sang nước ấy.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Không siểm khúc là tên khác của hạnh trực tâm. Tâm Bồ-tát đã ngay thật thì dạy dỗ người cũng đồng như mình. Cõi của chính mình đã thành, nên khiến người đồng thực hành nhân này. Đây là nói về hóa duyên cùng đến, thì quả báo liên kết nhau, cho nên nghĩa Phật độ mới hiển rõ. Từ đây trở xuống là hai câu đối nhau, hoặc trước sau khác tên, hoặc là trước lược sau rộng, hoặc trước nhân sau quả, để hiển nhân hạnh. Phàm hạnh thiện gồm có hai loại là hạnh thiện và báo thiện. Từ đây trở xuống nêu các pháp tu tập của các chúng sinh sinh về đều là thiện báo.

Ngài Đạo Sinh ghi: Nghĩa lãnh lấy cõi nước thì đã nêu đủ ở trên, bây giờ chỉ nói về nghĩa các hạnh là gốc của Tịnh độ. Chắc chắn có thể lãnh ngộ được cho nên nói “Bảo Tích nên biết!” Tức là biết như trước đã nói. Vì trả lời câu hỏi, cho nên chỉ nêu sự tịnh để biểu thị tâm chân thật không uế. Đó là gốc của thiện hạnh, nên luận đầu tiên. Chúng sinh không siểm khúc là một việc của cõi tịnh. Bồ-tát đều nói đến hạnh ấy, chúng sinh đều nói đến quả báo ấy, mà lập đối thuyết về việc ấy, để nói rằng chúng sinh từ xưa đã thọ sự giáo hóa này nên nay có quả. Hạnh Bồ-tát thành tựu, ứng hiện cõi nước thì thuộc về Phật.

Chánh văn: Thâm tâm là Tịnh độ của Bồ-tát.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Các đức của tâm Bồ-đề rất sâu và kiên cố, cho nên khó đánh bạt thâm tâm.

Chánh văn: Khi Bồ-tát thành Phật những chúng sinh có đầy đủ công đức sinh sang nước ấy.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tâm sâu xa nên đức đầy đủ.

Chánh văn: Tâm Đại thừa là Tịnh đô của Bồ-tát; khi Bồ-tát thành Phật thì những chúng sinh có tâm Đại thừa sinh sang nước ấy.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cưỡi trên xe tám vạn hạnh, chuyên chở tất cả thiên hạ không bỏ sót một người có tâm Đại thừa nào. Trên nói ba tâm là hạnh thứ tự của người mới học. Phàm muốn hoằng đạo thì trước cần phải có tâm ngay thật, sau đó thì vào hạnh mới sâu, vào hạnh đã sâu thì chuyển vận rộng lớn không bờ mé. Đây là thứ tự của ba tâm. Đầy đủ ba tâm này, sau đó mới tu sáu Độ.

Bản khác ghi: “Trực tâm, Thâm tâm và Bồ-đề tâm”.

Ngài La-thập nói:

– Trực tâm là tâm thành thật. Đầu tiên phát tâm, thì đầu tiên ở nơi thành thật. Đạo tâm càng sáng tỏ gọi là thâm tâm; Thâm tâm tăng trưởng rộng lớn chân chánh thú hướng đến Phật tuệ gọi là Bồ-đề tâm . Đây đều là tâm của người được giáo hóa. Còn hạnh của người giáo hóa là dẫn đến Tịnh độ; người lại sinh đến cõi kia, dùng nhân duyên mà thành tựu cõi nước Bồ-tát. Thiện có hai loại là hạnh thiện và báo sinh thiện. Phàm nói chúng sinh sinh sang nước kia có đầy đủ các thiện đều là Báo sinh thiện.

Chánh văn: Bố thí là Tịnh độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật thì tất cả chúng sinh thường thí xả sinh sang nước kia.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ngoài thì xả bỏ quốc thành, tiền tài, thân mạng, trong thì xả bỏ tham ái, tật đố gọi là tất cả đều xả bỏ.

Chánh văn: Trì giới là Tịnh độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, những chúng sinh tu tập mười điều thiện, đầy đủ hạnh nguyện sinh sang nước ấy.

Ngài La-thập nói:

– Trì giới chỉ nói đến đầy đủ nguyện. Vì giới hạnh là hạnh khó hành trì, cũng gồm thâu tất cả thiện, cho nên nguyện được đầy đủ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Mười thiện là giới Bồ-tát, cũng có vô lượng giới, nhưng chỉ lược nêu mười mà thôi. Đầy đủ giới thì không nguyện nào chẳng đạt được, nên nói là viên mãn.

Chánh văn: Nhẫn nhục là Tịnh độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, những chúng sinh có ba mươi hai tướng trang nghiêm sinh sang nước ấy.

Ngài Tăng Triệu ghi: Nhẫn nhục thì dung nhan hòa dịu, cho nên quan hệ đến dung mạo hình tướng, há chỉ có báo hình đoan chánh mà thôi ư?

Chánh văn: Tinh tấn là Tịnh độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật thì những chúng sinh tu tập tất cả công đức sinh sang nước ấy. Thiền định là Tịnh độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, những chúng sinh nhiếp tâm, không tán loạn sinh sang nước ấy. Trí tuệ là Tịnh độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, những chúng sinh được chánh định sinh sang nước ấy.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Được chánh trí tuệ thì quyết định được thật tướng các pháp, thuộc về chánh định tụ trong ba tướng chúng sinh.

Chánh văn: Bốn Tâm vô lượng là Tịnh độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, những chúng sinh thành tựu Từ, Bi, Hỷ, Xả sinh sang nước ấy.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bốn tâm này cùng khắp, không có giới hạn nên gọi là vô lượng.

Chánh văn: Bốn Nhiếp pháp là Tịnh độ của Bồ-tát.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Dùng bốn việc để thu phục chúng sinh nên gọi là bốn nhiếp. Đó là:

  1. Tuệ thí tài và pháp, hai việc bố thí này tùy thuận người cần cầu.
  2. Ái ngữ là tâm yêu mến, lời nói hòa dịu tùy thuận sự ưa thích của người.
  3. Lợi hành, tức tùy thuận sự lợi ích của người mà phương tiện làm lợi ích.
  4. Đồng sự, gặp kẻ ác thì đồng hiện ác, đoạn ác cho người, gặp người thiện thì đồng hiện thiện, tăng trưởng thiện cho họ.

Nên gọi là Đồng sự nhiếp.

Chánh văn: Khi Bồ-tát thành Phật, những chúng sinh được nhiếp phục giải thoát sinh sang nước ấy.

Ngài La-thập nói:

– Hoặc có người thấy Phật mà chẳng giải thoát là do công đức còn cạn mỏng. Thường thực hành bốn Nhiếp pháp ắt là tuệ đạt được sâu xa mà công đức nặng, nên ở trước Phật đạt được giải thoát. Cũng có thể nói rằng bốn Nhiếp pháp có thể làm cho chúng sinh được giải thoát, cho nên trước là hạnh sau đạt đến quả báo giải thoát.

Ngài Tăng Triệu ghi: Giải thoát là bốn Nhiếp pháp thành quả vô vi. Vì đồng hành nên chúng sinh đều được quả này nhiếp thủ.

Chánh văn: Phương tiện là Tịnh độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh đạt được phương tiện vô ngại đối với các pháp sinh sang nước ấy.

Ngài Tăng Triệu ghi: Phương tiện tức là tuệ phương tiện thiện xảo (xảo tuệ). Tích tụ đức nhỏ mà đạt công lớn. Công tuy đã đạt nhưng chẳng lấy làm chứng, vào nơi hữu mà chẳng trái tịch diệt, trụ nơi vô mà chẳng mất việc giáo hóa, không làm mà không gì chẳng làm, phương tiện vô ngại.

Chánh văn: Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là Tịnh độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, những chúng sinh đầy đủ Niệm xứ, Chánh cần, Thần túc, Căn, Lực, Giác, Đạo sinh sang nước ấy.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Niệm xứ tức bốn Niệm xứ, Chánh cần là bốn Chánh cần, Thần túc là bốn Thần túc, Căn tức năm Căn, Lực là Năm lực, Giác tức bảy Giác ý, Đạo tức tám Chánh đạo, tổng cộng ba mươi bảy phẩm, nghĩa ba mươi bảy phẩm có ghi tại một bộ kinh khác.

Chánh văn: Tâm hồi hướng là Tịnh độ của Bồ-tát.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nhị thừa nơi ba cõi, mỗi mỗi đều có hạnh riêng biệt, nếu tâm không cần điều thù thắng thì tùy hạnh mà thọ báo, bậc Đại sĩ thì chuyên tâm nơi Phật đạo, nên có thể xoay tạp hạnh kia hướng về Nhất thừa, đó gọi là tâm hồi hướng.

Chánh văn: Khi Bồ-tát thành Phật thì được cõi nước có đầy đủ các công đức.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Gặp điều thiện thì đều hồi hướng, vậy đức nào mà chẳng đủ. Từ đây trở xuống gồm ba câu, tuy chẳng nói đến chúng sinh, mà nói đến cõi nước thì cũng có chúng sinh.

Chánh văn: Thuyết trừ tám nạn là Tịnh độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, quốc độ sẽ không có ba ác, tám nạn.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thuyết về pháp trừ nạn, nên cõi nước không có tám nạn.

Chánh văn: Tự giữ giới hạnh chẳng chê lỗi người là Tịnh độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, được cõi nước không có danh từ phạm giới.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Danh từ phạm cấm phát xuất từ việc chê người mà chẳng tự giữ luật hạnh.

Chánh văn: Mười thiện là Tịnh độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, thì những chúng sinh không yểu mệnh…

Ngài La-thập nói:

– Xoay pháp thiện hướng về Phật đạo, nên nói là hồi hướng, hồi hướng thì chính mình gồm chung với tất cả chúng sinh, cho nên nói là đầy đủ công đức, đầy đủ công đức thì không có tám nạn, nên nói là thuyết trừ tám nạn, trừ tám nạn là hạnh, nên thọ quả báo không có nạn, đã không có tám nạn thì không có các pháp ác, không có pháp ác thì không có phạm cấm, cho nên kế đó nói đến phạm giới. Nay nói về giới thì nghĩa chẳng tại nơi giới, vì muốn nhân nơi giới để nói về việc chẳng chê lỗi người, chẳng chê lỗi người thì chẳng biết lỗi người, chẳng biết lỗi người thì không có danh từ phạm cấm, lấy đây làm hạnh, cho nên đạt được quả này, đạt được quả này thì các điều ác đều trừ, vì thế kế đến nêu mười thiện.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng có quả báo của sát sinh.

Chánh văn: Giàu to.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Không có quả báo của trộm cướp.

Chánh văn: Phạm hạnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Không có quả báo của tà dâm.

Chánh văn: Lời nói thành thật.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Không có quả báo của vọng ngữ.

Chánh văn: Thường có lời hòa dịu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Không có quả báo của ác khẩu.

Chánh văn: Quyến thuộc chẳng ly tán, khéo hay hòa giải tranh tụng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng có quả báo của lưỡng thiệt.

Chánh văn: Lời nói đều có lợi ích.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Không có quả báo của lời thêu dệt.

Chánh văn: Chẳng ganh ghét, chẳng giận dữ, thấy biết chân chánh thấy chúng sinh, sinh sang nước ấy.

Ngài Tăng Triệu: Tâm ganh ghét, giận dữ và tà kiến là hoạn họa bậc nhất, cho nên lập ba thiện.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Người tu mười thiện hợp với các hạnh nói trên, thành tựu thân, miệng, ý tịnh là gốc của Tịnh độ.

Chánh văn: Như thế, này Bảo Tích! Bồ-tát tùy theo trực tâm mà phát khởi các hạnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phàm tâm ngay thật (trực) thì lòng tin vững chắc, có lòng tin vững chắc thì sau đó mới phát khởi tạo các hạnh. Thế thì khởi đầu của vạn hạnh chỉ là trực tâm ư? Chương này nói về thứ tự trước sau của hạnh. Không chấp tướng nhân, vì thế đầu tiên ở nơi trực tâm và cuối cùng là Tịnh độ. Giống như gieo trồng một hạt nhỏ mà sum suê cả trăm vườn; cây trực tâm là mầm giống, các hạnh nhân đó mà thành tựu, cho nên nói là tùy theo.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Trước tuy nói về các hạnh, mỗi mỗi đều là nhân Tịnh độ, nhưng chưa biết vì sao mà được, cho nên theo thứ tự cần phải nêu lên. Nói như thế tức là các hạnh nói ở trên như ý nêu dưới đây; nói tùy thuận thế lực của trực tâm mà tự nhiên phát khởi tu hành các hạnh.

Chánh văn: Tùy sự phát hạnh kia mà được thâm tâm.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đã có thể phát hạnh thì được đạo tâm càng sâu.

Chánh văn: Tùy thâm tâm mà ý được điều phục.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đạo tâm đã sâu thì ý không còn thô bạo.

Chánh văn: Tùy ý điều phục thì được như thuyết mà thực hành.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tâm đã điều phục thì theo điều đã nghe mà thực hành.

Chánh văn: Tùy thuận như thuyết thực hành thì luôn hồi hướng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nghe rồi luôn thực hành, thì có thể hồi hướng việc làm ấy, chuyên tâm nơi cảnh giới thù thắng.

Chánh văn: Tùy hồi hướng thì đạt được phương tiện.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đã có thể hồi hướng Đại thừa thì Đại phương tiện do đó mà sinh.

Chánh văn: Tùy phương tiện mà thành tựu chúng sinh.

Ngài Tăng Triệu ghi: Phương tiện được lập ra là mong để thành tựu chúng sinh.

Chánh văn: Tùy thành tựu chúng sinh mà cõi Phật thanh tịnh.

Ngài Tăng Triệu ghi: Chúng sinh đã thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh, không uế.

Chánh văn: Tùy cõi Phật thanh tịnh mà thuyết pháp thanh tịnh.

Ngài Tăng Triệu ghi: Ở nơi cõi tịnh thì có thuyết pháp tịnh.

Chánh văn: Tùy thuyết pháp tịnh mà trí tuệ tịnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đã có thuyết pháp thanh tịnh thì trí tuệ thanh tịnh phát sinh.

Chánh văn: Tùy trí tuệ tịnh thì tâm tịnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trí thanh tịnh đã sinh thì tâm tịnh càng sáng tỏ.

Chánh văn: Tùy tâm tịnh mà tất cả công đức đều thanh tịnh.

Ngài La-thập nói:

– Trực tâm tức là dùng tâm chân thành để tin Phật pháp. Tâm thành tín đã lập thì luôn phát khởi thực hành các thiện, các thiện đã được tích tập thì tâm ấy càng sâu, tâm càng sâu thì chẳng rơi vào các ác thú; bỏ ác theo thiện gọi là điều phục, tâm đã điều phục thì gặp thiện liền thực hành, gặp thiện thực hành thì làm được hạnh khó làm, làm được việc khó làm, thì có thể như thuyết mà thực hành; đã như thuyết mà hành thì vạn thiện gồm đủ, vạn thiện gồm đủ nên luôn hồi hướng đến Phật đạo, hướng càng tăng tiến là sức phương tiện. Phương tiện đại khái gồm ba loại:

  1. Khéo nơi tự hành mà chẳng chấp tướng.
  2. Chẳng thủ chứng.
  3. Khéo hóa độ chúng sinh.

Đầy đủ ba nhân này thì luôn thành tựu chúng sinh, đã thành tựu chúng sinh thì ba nhân đầy đủ, ba nhân đầy đủ thì đạt được Tịnh độ, quốc độ đã thanh tịnh thì chúng sinh thuần tịnh, chúng sinh đã thuần tịnh thì chẳng thuyết các giáo khác, cho nên nói thuyết thanh tịnh. Thọ pháp thì đầy đủ ba tịnh sau, đầy đủ ba tịnh sau thì đồng đức với hóa chủ; cho nên nói “Tất cả tịnh”.

Chương trước tuy nói rộng về hạnh thanh tịnh quốc độ mà chưa nói về thứ bậc của hạnh, chương này nói về nghĩa sâu rộng cùng cực chẳng thể đốn siêu, tìm nó thì có đường, bước lên thì có thứ bậc, cho nên nói khởi đầu của phát khởi là khởi tại nơi Trực tâm, cuối cùng thành tựu hoàn toàn thì tất cả đều tịnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tích tụ đức không ngưng nghỉ là muốn làm tịnh tâm, tâm đã tịnh thì không đức nào chẳng tịnh.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Công đức tức là quả thù thắng vi diệu; vốn là chỗ phát khởi, cho nên lấy làm tên.

Chánh văn: Cho nên, này Bảo Tích! Nếu Bồ-tát muốn được Tịnh độ thì nên tịnh tâm mình, tùy nơi tâm tịnh mà cõi Phật tịnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Kết luận để thành tựu nghĩa Tịnh độ. Tịnh độ chính là hình ảnh âm hưởng của tâm vậy. Phàm muốn tiếng vang được thuận thì âm thanh phải hòa dịu, muốn ảnh được ngay thì hình phải thẳng; đây là định số của lý báo ứng.

Chánh văn: Bấy giờ, ngài Xá-lợi-phất nhờ oai thần của Phật.

Bản dịch khác ghi: “Thừa Thánh chỉ của Phật”.

Ngài La-thập nói:

– Thánh chỉ, bản Phạm ghi là thần lực. Thần lực biến chuyển khiến cho người không nghi lại phát sinh niệm nghi.

Chánh văn: Mà suy nghĩ rằng: Nếu Bồ-tát, tâm đã tịnh thì cõi Phật tịnh, vì sao Thế Tôn ta khi còn là Bồ-tát, tâm của Ngài há chẳng tịnh sao, mà cõi Phật chẳng được tịnh như thế?

Ngài Tăng Triệu nói:

– Sự tịnh hay uế của cõi nước thì hàng Nhị thừa chẳng thể nào biết được. Đức Như Lai sắp nói về nghĩa cõi nước thường tịnh, đẹp xấu do chúng sinh, cho nên mới dùng oai thần phát khởi niệm nghi, để sinh đầu mối cho ngôn luận sau này, vì thế mà nói là “Thừa oai lực”.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đã nghe nói sự tịnh liền chấp chặt tại sự, lại mê lầm nghĩa không uế, cho rằng cát đá trái với diệu hạnh, vì thế biểu thị tâm khó quyết định; ngài Xá-lợi-phất thật ra thông đạt tất cả, trụ ở giai vị Bất túc, nhưng có thể vì chẳng ngộ, nên khởi niệm này để trình bày điều chúng hoài nghi, đó là do ứng cơ mà tạo ra, vốn từ nơi Phật tuệ mà hiện. Nay đã nêu chẳng phải là mình nói, há có luống dối ư?

Chánh văn: Đức Phật chẳng biết tâm niệm ấy nên nói rằng: “Mặt trời, mặt trăng há chẳng thanh tịnh ư, mà người mù chẳng thấy?” Xálợi-phất đáp rằng: “Chẳng phải! Bạch Thế Tôn! Đó là lỗi của người mù, chẳng phải là lỗi của mặt trời, mặt trăng!”. “Này Xá-lợi-phất! Vì chúng sinh có tội chướng, nên chẳng thấy cõi Phật thanh tịnh của Như Lai, chứ chẳng phải lỗi ở Như Lai”.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Mặt trời, mặt trăng há chẳng sáng ư? Chẳng thấy được là do mắt mù; cõi Phật há chẳng tịnh ư? Vì do có tội cấu mà chẳng thấy.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Mặt trời, mặt trăng chiếu rọi, tất cả vật đều hiện sắc tướng, mà người mù chẳng thấy, vậy mặt trời, mặt trăng có lỗi ư? Phật cũng thế, khi xưa tu hành là để giáo hóa chúng sinh, không có gì chẳng cùng tận, chẳng có cõi cát đá, nhưng chúng sinh có tội, cho nên thấy cõi uế này mà chẳng thấy cõi không có cát đá kia, lỗi chẳng phải nơi Như Lai.

Chánh văn: Này Xá-lợi-phất! Cõi nước của Ta thanh tịnh như thế mà ông chẳng thấy!

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trước do cõi này mà sinh nghi, nên bây giờ ngay cõi này để nói về tịnh.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đã nói chẳng tịnh là tội nơi chúng sinh, thế thì yếu chỉ về tịnh rõ ràng thuộc về Phật, cho nên nói: “Cõi nước của Ta thanh tịnh”, nhưng Xá-lợi-phất y cứ theo uế để lập nghi là chẳng thấy. Nói “mà” là lời thương xót Xá-lợi-phất.

Chánh văn: Lúc bấy giờ, Phạm vương Loa Kế nói với ngài Xá-lợiphất rằng: “Chớ nên nghĩ như thế! Cho rằng cõi Phật này không tịnh. Vì sao? Vì tôi thấy cõi nước của Đức Thích-ca Mâu-ni thanh tịnh như cung trời Tự tại.

Ngài La-thập nói:

– Cõi Phật thanh tịnh có nhiều bậc khác nhau, hoặc tịnh như Tứ thiên cho đến Lục thiên, hoặc như Phạm thiên cho đến Tịnh cư thiên, hoặc hơn cả Tịnh cư thiên; vượt trên cả Tịnh cư thiên thì chỉ là nơi Bồtát Nhất sinh bổ xứ sinh về. Vì hợp với tâm ưa thích của chúng sinh nên quốc độ hiện chẳng đồng. Cõi mà Loa Kế thấy được thì giống như cung trời Tự tại, đó chỉ là cảnh thấy thích hợp với Loa Kế, mà chưa thấy cùng tận được cõi tịnh ấy. Văn sau nói: “Ví như cõi Phật Bảo Trang Nghiêm”, đầu tiên là cõi tịnh chân báo ứng của Đức Thích-ca, cõi Tịnh tức ở ngay nơi thế giới này, như phẩm Vô Lượng Thọ kinh Pháp Hoa đã nói. Đây là cõi tịnh uế đồng xứ mà chẳng xen lẫn, giống như văn sau nói: “Trong một bát mà có hai món cơm khác nhau, ứng hợp với hai loại chúng sinh”.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phàm đồng âm thanh thì hòa nhau, đồng quan điểm thì thuận nhau. Phạm vương tức là pháp thân Đại sĩ, vì nương theo Phật tuệ, cho nên chỗ thấy đều tịnh, nhân chỗ thấy mà chứng ngộ. Hơn nữa cõi chân thật của Phật vượt ngoài ba cõi, há chỉ tịnh như cung trời Tự tại thôi ư? Đây là Loa Kế nói ra đồng với chỗ thấy của ông vậy. Ngài Xá-lợi-phất ở cõi người thì thấy cõi nước toàn là cát đá, Phạm vương sống ở cõi Trời thì thấy cõi nước như Thiên cung; chỗ thấy của các loài mỗi mỗi cũng bất đồng như thế. Nghĩa về cõi Phật ứng hiện ở tại đây vậy.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Phạm vương Loa Kế tùy thích nói sinh tử, mà lệch suy là mình đồng ở tại ba cõi thọ phước báu là tịnh, biết người không có phước thì nhận lấy cõi uế của Đức Thích-ca, mà cho đó đồng với Thiên cung không khác, để chất vấn việc ngài Xá-lợi-phất không thông đạt là rất mê hoặc vậy.

Chánh văn: Xá-lợi-phất nói rằng: “Tôi thấy cõi này toàn là gò nổng, hầm hố, gai góc, cát sỏi, đất đá, núi non, đầy dẫy dơ xấu như thế”.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Mỗi mỗi đều dùng chỗ thấy của mình để chứng minh.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Tuy có nghe lời nói trước kia, nhưng còn chấp sự dơ xấu, cho nên lại nói điều mình thấy để trình bày chỗ nghi ngờ.

Chánh văn: Phạm vương Loa Kế nói rằng: “Thưa Nhân giả! Vì tâm ngài có cao thấp, chẳng nương vào Phật tuệ, cho nên thấy cõi nước chẳng tịnh vậy”.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vạn sự vạn hình đều do tâm mà thành tựu, tâm đã có cao thấp, thì gò nổng hầm hố hiện ra vậy.

Chánh văn: Thưa ngài Xá-lợi-phất! Bậc Bồ-tát đối với tất cả chúng sinh đều bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh, nương vào Phật tuệ, nên thấy cõi Phật này thanh tịnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nếu có tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, thâm nhập Phật tuệ, vậy tịnh nghiệp đã đồng, thì chỗ thấy cũng đồng.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Tâm đã có cao thấp, tức y cứ vào việc thấy đất đá mà đặt nghi vấn, thế thì đó là căn cứ theo sự hơn kém của chúng sinh. Vả lại, chẳng nương vào Phật tuệ là còn cõi Ứng hóa ư? Ắt đó là chỗ ngộ, cho nên chỉ thấy bất tịnh. Nếu theo lý lìa ác thì chúng sinh ở cõi cát đá và người ở cõi tịnh bình đẳng chẳng khác. Lại nương vào Phật tuệ mà quán, cho nên không gì thấy chẳng tịnh.

Chánh văn: Bấy giờ, Đức Phật dùng ngón chân ấn trên đất, tức thời cõi tam thiên đại thiên liền được bao nhiêu trăm ngàn trân bảo trang nghiêm rực rỡ, giống như cõi Vô lượng công đức bảo trang nghiêm của Đức Phật Bảo Trang Nghiêm. Tất cả đại chúng thấy vậy đều khen là điều chưa từng có, và tự thấy mình ngồi trên tòa sen báu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cõi Phật thường thanh tịnh, đâu có đợi biến hiện mới có trang nghiêm? Ấn ngón chân trên đất là biến đổi chỗ thấy do tội nghiệp sinh của đại chúng vậy. Cõi Bảo trang nghiêm là cõi Tịnh độ thù thắng nhất, nên lấy làm dụ.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Dùng thần lực biến cõi nước là để hiển thị ý nghĩa ra khỏi uế là tịnh, dụ cho việc cát đá tuy uế, nhưng đến khi lìa ác thì đâu có gì khác với tịnh. Vả lại, hiện thần biến này để biểu thị các pháp không có tướng nhất định, hầu ngăn trừ tình chấp về uế, nhận lấy yếu chỉ về tịnh.

Chánh văn: Đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất rằng: “Ông hãy xem cõi Phật thanh tịnh này!”.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Nói “Hãy xem! Tức là hãy nhờ vào cõi nghiêm tịnh để hiểu nghĩa không có uế, đối với thật mà hiện cũng không có sự tịnh độ.

Chánh văn: Xá-lợi-phất nói rằng: “Dạ, bạch Thế Tôn! Từ trước đến giờ con chưa từng thấy, chưa từng nghe, mà nay cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh đều hiện rõ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chỉ cõi tịnh cho người chưa nghe, cũng như khai mở điếc đui để thấy nghe hình ảnh âm thanh vậy.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đã ngộ được nghĩa này mà cứ tự nghi; từ trước gọi là “Vốn”, cho nên nói “vốn chưa thấy nghe”. Từ chỗ chẳng thấy nghe mà ngộ, thì cõi Phật tốt đẹp thanh tịnh đều hiện.

Chánh văn: Đức Phật nói với Xá-lợi-phất rằng: “Cõi Phật của Ta luôn thanh tịnh như thế, nhưng vì muốn độ những người có căn cơ thấp kém, nên thị hiện cõi nước dơ xấu bất tịnh này.

Ngài La-thập nói:

– Nếu tùy theo tội phước mà lập tịnh uế thì chẳng phải là thị hiện, nhưng nói thị hiện, tức phải có nghĩa thị hiện. Tức chư Phật vì chúng sinh mà hiện tịnh ẩn giấu bất tịnh; hiện tịnh ẩn bất tịnh thì không lợi ích cho chúng sinh, vì thế tùy hiện mà chẳng ẩn là nghĩa thị hiện.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nhìn từ Phật mà nói, nên thường tịnh như thế, vì ứng hợp với kẻ hạ liệt bên ngoài, cho nên có bất tịnh đồng như cõi kia.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đã nói là đồng thì không khác với cõi kia. Xót thương kẻ thấp kém, cho nên thị hiện như cõi bất tịnh.

Chánh văn: Ví như chúng Thiên đồng có một loại bát báu ăn cơm, nhưng tùy phước đức mà màu cơm khác nhau. Như thế, Xá-lợi-phất! Nếu tâm thanh tịnh thì liền thấy cõi này có công đức trang nghiêm.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Người mới sinh Thiên, muốn cùng thử biết công đức nhiều hay ít, thì dùng một loại bát báu đựng cơm của cõi Trời, lấy cơm trời cực trắng hay không trắng để so sánh. Nếu người phước nhiều thì khi đưa cơm vào miệng, màu cơm vẫn không đổi, nếu người ít phước khi đưa cơm vào miệng, màu cơm sẽ biến đổi. Trong bát thì cơm vẫn một màu, đến nơi tay thì khác nhau; vậy cơm đâu có khác, khác là do từng vị trời. Như thế cõi Phật khác nhau, theo đó có thể biết.

Ngài Đạo Sinh nói:

– So sánh Phạm thiên và Xá-lợi-phất, nếu tuệ tâm trong lặng sáng tỏ, thì thấy cõi nước có công đức trang nghiêm, nếu từ tâm tối tăm mê mờ mà nhìn thì cho rằng cõi nước là dơ uế, chứ chẳng phải cõi Phật như thế.

Chánh văn: Trong khi Đức Phật hiện ra cõi Phật trang nghiêm này, năm trăm vị trưởng giả được Bảo Tích đưa đến đã đạt được Vô sinh pháp nhẫn, tám vạn bốn ngàn người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phát khởi việc hiện cõi Phật, chủ yếu là vì việc này. Vô sinh pháp nhẫn đồng với Bất khởi pháp nhẫn nói ở trước. Nhẫn tức tuệ tánh. Vì thấy pháp vô sinh, tâm trí vắng lặng, đạt được sự không thoái, nên gọi là Vô sinh pháp nhẫn.

Chánh văn: Đức Phật thâu nhiếp Thần túc, thế giới lại trở về như cũ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng phải là phần của mình thì chẳng thể ở lâu, vì thế trả về chỗ thấy của đại chúng.

Chánh văn: Cầu Thanh văn thừa.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đạo hạ thừa chẳng phải là Độc giác, vì cần phải có thầy chỉ dạy mới thành đạo, nên gọi là Thanh văn thừa, cũng gọi là Đệ tử thừa.

Chánh văn: Ba mươi hai ngàn trời, người, biết được pháp hữu vi vô thường, xa trần lìa cấu, được pháp Nhãn tịnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cõi nước uế mà có thể biến thành tịnh, tịnh mà trở lại uế, do đó mà ngộ được vô thường, nên được pháp Nhãn tịnh. Pháp Nhãn tịnh là thuộc đạo của Tu-đà-hoàn, vừa thấy dấu vết của đạo (đạo tích), nên được tên pháp nhãn, xa lìa tám mươi tám kết sử trần cấu.

Chánh văn: Tám ngàn Tỳ-kheo chẳng thọ các pháp, các lậu đã tận, ý được giải thoát.

Ngài Tăng Triệu ghi: Đạo không chấp trước, đối với các pháp chẳng thọ chẳng nhiễm; lậu tận tức chín mươi tám kết lậu đã tận, cho nên ý được giải thoát, thành A-la-hán.