KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN I

Phẩm 1: PHẦN TỰA

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở giữa cặp cây Ta-la trong khu rừng Kiên cố, cạnh dòng sông Hi-liên, thuộc thành Câu-di-na-kiệt là nơi sinh ra của dòng họ Lực sĩ, cùng với tám trăm ức vị Tỳ-kheo vây quanh. Ngày mười lăm tháng hai, Đức Phật sắp sửa nhập diệt. Bấy giờ các chúng sinh ai nấy đều hớn hở vui mừng, tự xét mình thanh tịnh, không có ý tưởng nghi ngờ chán ghét, bỗng nhiên họ tự thức tỉnh và nhận ra rằng, hôm nay Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác động lòng thương xót thế gian, che chở giữ gìn thế gian, giúp đỡ thế gian, dồn hết sự bình đẳng để xem xét chúng sinh giống như nhìn đứa con một. Đấng tôn quý Đại Mâu Ni tịch diệt điềm đạm bảo cho các chúng sinh biết rằng, Như Lai sắp sửa diệt độ, các vị nào có điều thắc mắc khó giải quyết thì đều nên đến hỏi, gọi là lần hỏi sau cùng. Khi biết được sự việc như thế rồi mọi người đều lo buồn, sầu khổ.

Bấy giờ, từ chính giữa khuôn mặt của mình, Đức Thế Tôn phóng ra đủ mọi ánh sáng màu xanh, vàng, đỏ, trắng, pha lê, hồng, sáng chói rất đỗi khác thường, soi khắp ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến hết thảy cõi Phật trong mười phương. Chúng sinh ở sáu đường được nhờ ánh sáng ấy mà tội lỗi nhơ bẩn và các phiền não thảy đều trừ diệt, ai nấy đều cảm động buồn thảm, nước mắt tuôn như mưa. Mọi người lại nói với nhau: “Này Nhân giả! Kỳ lạ thay! Thế gian trống rỗng. Này Nhân giả! Kỳ lạ thay! Phước của chúng sinh hết rồi! Này nhân giả! Kỳ lạ thay! Pháp khổ tăng thêm! Chẳng bao lâu nữa Đức Như Lai sẽ vào Nê-hoàn. Sao mà chóng vánh quá! Thế gian trống rỗng. Sao mà nhanh chóng quá! Con mắt của thế gian diệt mất. Chúng ta hãy nên cùng nhau mau mau đi đến chỗ Đức Phật để lễ lạy cúng dường, cầu xin khuyến thỉnh Đức Thế Tôn đừng vào Nê-hoàn, hãy trụ ở tuổi thọ một kiếp hoặc giả hơn một kiếp. Nếu như Đức Phật diệt độ thì ai thân thiện từ bi dẫn dắt cho chúng ta, ai cứu giúp các ách nạn cho chúng ta. Vì thế cho nên các Nhân giả có điều gì không hiểu rõ thì nên hỏi Đức Như Lai để được Ngài giải quyết điều thắc mắc”.

Bấy giờ, đại địa chấn động đủ sáu cách. Khi ấy, có tám trăm ức Tỳ-kheo đều là bậc A-la-hán, tâm được tự tại, việc đáng làm đã làm xong, xa lìa các phiền não, hàng phục các căn ví như con rồng lớn, thành tựu không tuệ, đạt được sự lợi ích cho bản thân, quyến thuộc như rừng chiên-đàn, công đức đầy đủ, làm người con chân chính của Đức Phật. Tên của các vị ấy là: Tôn giả Ca-chiên-diên, Tôn giả Bạc-câu-la, Tôn giả Ưu-ba-nan-đà v.v… Sáng sớm, các vị Tỳ-kheo ấy dùng tăm xỉa răng, súc miệng, rửa ráy sạch sẽ, khi ấy có ánh sáng nhiệm mầu chiếu rọi đến thân thể của họ, giống như mặt trời mới mọc, soi sáng cây cối xanh tươi, gân đỏ của ngọn lá thảy đều hiện rõ. Các Tỳ-kheo này cũng như thế, khắp cả thân mình, hết thảy lỗ chân lông máu tuôn chảy như mưa, lòng hết sức khổ đau, vì sự an vui và thương xót các chúng sinh, vì muốn phát khởi phương tiện mật giáo của Đại thừa, vì nhân duyên giáo hóa, các vị ấy súc miệng rửa mặt một cách nhanh chóng, xong xuôi, liền đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu làm lễ dưới chân Ngài, đi quanh trăm ngàn vòng, cung kính thăm hỏi rồi đứng sang một phía.

Lại có hai mươi lăm ức Tỳ-kheo-ni, đều là bậc A-la-hán, tâm được tự tại, việc đáng làm đã làm xong, lìa bỏ mọi phiền não, hàng phục các căn ví như con rồng lớn, thành tựu không tuệ, đạt được sự lợi ích cho mình. Tên của các vị ấy là: Tỳ-kheo-ni Tu-bạt-đà-la là con gái của Câu-lân (Kiều-trần-như), Tỳ-kheo-ni Ưu-bà-nan-đà, Tỳ-kheo-ni Hải Trí v.v… như mặt trời mới mọc, ánh sáng rọi vào cây cối xanh tươi, gân đỏ của ngọn lá thảy đều hiện rõ, các Tỳ-kheo-ni này cũng như vậy, khắp cả thân thể, hết thảy lỗ chân lông máu tuôn chảy như mưa, trong lòng vô cùng đau đớn khổ sở, vì sự an vui và thương xót các chúng sinh, vì muốn phát khởi phương tiện mật giáo của Đại thừa, vì nhân duyên giáo hóa, nên các vị ấy đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu làm lễ dưới chân Ngài, đi quanh trăm ngàn vòng, cung kính thăm hỏi rồi đứng sang một bên.

Lại có các Tỳ-kheo-ni đều là bậc Bồ-tát hùng mạnh ở trong loài người, chứng được mười Địa của Bồ-tát, vì nhân duyên giáo hóa nên hiện làm thân nữ, đi đó đây giáo hóa Bốn vô lượng, có thể thị hiện thành Phật với đủ mọi thứ biến hóa.

Lại có hàng Đại Bồ-tát nhiều như số cát của một sông Hằng, bậc hùng mạnh trong loài người, đều đầy đủ tất cả công đức. Bằng thân phương tiện, các vị ấy rất ưa thích pháp Đại thừa, hướng đúng đắn về Đại thừa, ngưỡng vọng Đại thừa, tham cầu Đại thừa, khát khao Đại thừa, có tài năng khéo léo tùy thuận hết thảy thế gian, độ cho người chưa được độ, giải thoát cho người chưa được giải thoát; ở vô số kiếp, những vị ấy tu tập giới hạnh thanh tịnh và độ thoát chúng sinh; ở vô số kiếp, các vị ấy tu tập giới hạnh thanh tịnh, an ủi chúng sinh; ở vô số kiếp, các vị ấy tu tập giới hạnh thanh tịnh, làm hưng thịnh ba ngôi báu; ở vô số kiếp, các vị ấy tu tập giới hạnh thanh tịnh, vận chuyển bánh xe chánh pháp; ở vô số kiếp, các vị ấy tu tập giới hạnh thanh tịnh, thành đại trang nghiêm; ở vô số kiếp, các vị ấy tu tập giới hạnh thanh tịnh, hành xử kiên cố, những sự việc như thế, vô lượng công đức đều thành tựu hết thảy. Các vị ấy xem xét chúng sinh một cách bình đẳng giống như nhìn đứa con một. Tên gọi của các vị ấy là: Bồ-tát Hải Đức, Bồ-tát Vô Tận Trí v.v… Giống như mặt trời mới mọc, chiếu rọi vào cây cối xanh tươi, gân đỏ của ngọn lá thảy đều hiện rõ, các vị Bồ-tát này cũng như vậy, khắp cả thân thể, hết thảy lỗ chân lông máu chảy như mưa, tâm rất khổ sở đau đớn, vì sự an vui và nhớ nghĩ thương xót tất cả chúng sinh, vì muốn phát khởi phương tiện mật giáo của Đại thừa, vì nhân duyên giáo hóa, cho nên những vị ấy đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu làm lễ dưới chân Ngài và đi quanh trăm ngàn vòng, họ cung kính thăm hỏi rồi đứng sang một bên.

Lại có hàng Ưu-bà-tắc vâng giữ năm giới, nhiều gấp đôi số cát của sông Hằng, họ hết sức ưa thích tất cả các pháp đối trị: khổ và vui, thường và vô thường, cái ta và không phải cái ta, không và chẳng phải không, nương dựa và không nương dựa, chúng sinh và phi chúng sinh, thường hằng và không phải thường hằng, tốt và không phải tốt, hữu vi và vô vi, Nê-hoàn và không phải Nê-hoàn, ưa thích pháp đối trị một cách sâu xa như thế, họ muốn nghe nghĩa lý vi diệu và nêu cao giáo pháp lớn lao. Ở trong vô số kiếp, họ thanh tịnh tu hành phạm hạnh mà không làm hỏng mất, muốn thực hành Đại thừa và giảng nói rộng rãi cho mọi người, tu tập giới hạnh thanh tịnh và muốn học Đại thừa kiên cố, muốn học thuận theo thế gian, muốn học độ thoát thế gian, muốn học làm hưng thịnh Ba ngôi quý báu, muốn học chuyển bánh xe pháp, muốn học đại trang nghiêm, đầy đủ vô lượng công đức như thế, xem xét chúng sinh một cách bình đẳng giống như trông nhìn đứa con một. Tên gọi của các vị ấy là: Ưu-bà-tắc Quang Vô Cấu Xưng Vương, Ưubà-tắc Thiện Đức v.v… các vị Ưu-bà tắc như thế, số lượng nhiều bằng số cát của hai sông Hằng. Vào lúc sáng sớm, vì để cúng dường Đức Như Lai, cho nên mỗi người đều làm năm ngàn giường màn bằng cây chiên-đàn, giường màn bằng gỗ trầm thủy, giường màn bằng các thứ quý báu, giường màn thiên hương và giường màn hoa uất kim hương. Toàn bộ các giường màn đều dùng hương thơm của cây ngưu-đầuchiên-đàn để xông ướp và trang nghiêm bằng mọi thứ bảy báu kỳ diệu, đồng thời trang hoàng lưới đan bằng dây vàng dùng để phủ lên trên; màu xanh phát ánh sáng xanh, màu vàng phát ánh sáng vàng, màu đỏ phát ánh sáng đỏ, màu trắng phát ánh sáng trắng, màu hồng phát ánh sáng hồng, màu pha lê phát ánh sáng pha lê, màu ngọc như ý phát ánh sáng ngọc như ý, dùng các màu sắc lẫn lộn như thế để trang nghiêm. Màn che bao quanh thù thắng và hiếm có, đều dùng lưới bảy báu giăng phủ lên trên, giáp vòng bốn mặt thì treo những phướn báu, lấy đủ mọi thứ hương thơm lẫn lộn để tô lên các vật ấy. Sợi tơ vàng dệt làm dây tua, bên trong tấm màn quý báu ấy với các thứ màu sắc lạ thường trang hoàng giống như trên, bảy thứ quý báu được dệt xong để làm nệm, cỏ huân thơm tho mềm mại dùng để lót vào bên trong chiếc nệm ấy. Mỗi một chiếc giường màn được chở bằng xe báu, chiếc xe ấy được trang hoàng bằng bảy món quý báu tốt đẹp uy nghiêm, trước và sau xe đều có cờ phướn và lọng tán quý báu, từng mỗi chiếc phướn lọng đều làm bằng lưới bảy báu, được trang nghiêm bằng bảy báu màu xanh, vàng, đỏ, trắng và bốn loài hoa: ưu-bát-la, bát-đàm-ma, câu-mâu-đầu, phânđà-lợi, cũng được trang hoàng bằng bảy thứ châu báu như trước, kết mọi thứ quý báu lẫn lộn để làm tràng hoa. Bức tranh vẽ trên vải bông màu trắng tốt đẹp và hiếm thấy về những câu chuyện bản sinh ở thời quá khứ của Đức Như Lai, biểu hiện đức Bồ-tát từ khi bắt đầu phát tâm tu hành cho đến lúc Ngài thành Phật, giữa quãng thời gian ấy, Ngài thọ thân và tu hành đủ mọi khổ hạnh, không có chuyện nào mà chẳng ghi lại và phô bày ở đây.

Nhiều người đứng hai bên đường trỗi lên những khúc nhạc, các nhạc khí ấy đều dùng bảy vật quý báu để chế tạo. Âm thanh của chúng hòa nhã, đều phát ra tiếng vô thường, khổ, không.

Mọi người đều nói: “Kỳ lạ thay! Thế gian trống rỗng!”. Họ buồn rầu gào khóc, nước mắt tuôn trào, tiếng than làm chấn động trời đất. Để cúng dường Đức Phật, mỗi người mang theo bên mình đủ thứ bột thơm mịn màng của loại hoa nổi tiếng, họ lại còn sắm sửa các món ăn có mùi vị rất ngon, dùng nước khe núi và đun nấu bằng thứ củi thơm, khiến cho đồ ăn mềm nhuyễn, đầy đủ hương vị.

Lại nữa, ở bên trong và ngoài khu rừng Kiên cố được vẩy nước quét dọn rồi trải cát bằng bảy báu, áo báu được xông ướp hương thơm để phủ lên trên. Chung quanh khu rừng người ta đặt ba mươi hai hàng tòa sư tử đều được trang nghiêm bằng bảy thứ quý báu, chạm trổ hoa văn năm màu sáng loáng, tòa ngồi ấy được xông ướp đủ thứ hương thơm diệu kỳ, rồi trải nệm bằng bảy báu lên trên đó.

Mọi việc xếp đặt xong xuôi, các vị ấy suy nghĩ: “Tất cả chúng sinh muốn có những thứ cần dùng, ta thảy đều bố thí. Như áo quần, đồ ăn thức uống, của cải, châu báu, đất nước, thành trì, vợ con, đầu, mắt, tủy, não, máu, thịt, cơ thể v.v… Các hạng người giàu có, nghèo khổ, sang trọng, hèn hạ, tùy theo sự cần dùng, ta đều khiến cho mỗi người được dồi dào, đầy đủ. Chỉ có điều là, trừ những sự bố thí không được thanh tịnh như sắc dục, thuốc độc, cho đến làm hại chúng sinh v.v…

Các vị Ưu-bà-tắc ấy phát khởi tâm Bồ-tát rồi suy nghĩ: “Chúng ta cầm giữ giường màn, xe báu, các thứ tài vật, đồ dùng, để cúng cho Đức Phật và chư Tăng, ấy là sự cúng dường và bố thí lớn lao cuối cùng”. Mỗi người đều suy nghĩ thế này: “Đức Phật và đại chúng nhận lấy phẩm vật cúng dường của chúng ta rồi, hôm nay Đức Như Lai sẽ vào Nê-hoàn”. Suy nghĩ như thế xong, tâm của họ buồn bã rối bời. Ví như mặt trời mọc soi chiếu cây cối xanh um, gân đỏ của ngọn lá hiện rõ toàn bộ, các vị Ưu-bà-tắc cũng như vậy, khắp cả cơ thể, máu chảy ra từ lỗ chân lông như mưa, thân tâm đau đớn, buồn rầu nức nở, nước mắt đầm đìa.

Lại nữa, ở bên cạnh khu rừng Kiên cố, các vị ấy đặt để trướng màn to lớn được trang nghiêm bằng bảy thứ quý báu, cao rộng uy nghiêm đẹp đẽ lên đến ranh giới hư không. Ở bên trong bức màn ấy, họ thiết lập tòa nhà ăn bằng bảy thứ báu, bày biện đầy đủ xong xuôi rồi, họ bèn đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu làm lễ dưới chân Phật, phướn lọng cúng dường đầy khắp cả hư không, họ đốt hương và rải hoa dường như mây mưa. Ai nấy đều xót xa mến mộ, buồn thảm làm cảm động đến trời đất, họ đấm ngực kêu gào, nước mắt tuôn chảy như mưa. Mọi người lại bảo với nhau: “Kỳ lạ thay! Thưa nhân giả! Thế gian trống rỗng, sao mà con mắt của thế gian diệt nhanh quá vậy!”. Với đầu và mặt chạm sát đất, họ cùng lên tiếng thỉnh cầu Đức Phật: “Xin nguyện Phật và chư Tăng thương xót chúng con, cùng với các đại chúng đều nhận lời mời của chúng con. Nhận lời mời của chúng con rồi sẽ vào Nê-hoàn. Xin cho chúng con dọn bữa ăn cúng dường Phật và đại chúng để chúng con được phước thí sau cùng”. Đức Thế Tôn biết thời nên im lặng mà chẳng nhận lời. Mọi người thỉnh cầu ba lần như thế, Đức Phật cũng im lặng.

Bấy giờ, tất cả các vị Ưu-bà-tắc hết lòng trông mong, họ buồn rầu khổ não như người cha hiền từng chỉ có một đứa con, nó mắc bệnh chết, chôn cất xong trở về, nên buồn bã khổ não. Sự ưu sầu khổ não của các vị Ưu-bà-tắc cũng như vậy, họ làm lễ rồi đứng qua một bên.

Lại có các Ưu-bà-di đông gấp ba số cát của sông Hằng, họ đều giữ năm giới cấm, công đức đầy đủ, hiện làm hình dáng người nữ để hóa độ chúng sinh. Họ quở trách thân mình giống như bốn con rắn, có tám muôn hang ổ vi trùng ăn mòn thân thể ấy, thân này hôi thối bị mê hoặc bởi sự ham muốn. Ví như thây chết không có một tí gì đáng được ưa thích, tấm thân bất tịnh này có chín lỗ thường rỉ; máu, thịt, gân, xương cùng nhau nương gá để làm tòa thành giả tạo; tay chân, lóng đốt dùng để đánh lùi quân địch; móng tay, răng, tai, mắt dùng để làm cửa hang; tâm và pháp giả tạo không thật dùng làm bức ngăn cửa; buông lung, ngang bướng, ngạo mạn lấy làm lầu nhà; giặc ác, ý tưởng, tâm vương ở bên trong thành ấy; tham lam lợi lộc, phóng đãng, buông thả ruổi giong theo sáu cảnh. Như thành quách giặc giả này là nơi chư Phật vứt bỏ, song kẻ phàm phu ngu dốt lại ưa thích, quỷ La-sát tham dục, tức giận, ngu si nương dựa và dừng trụ ở trong thành đó. Như rừng rậm mọc những cây y-lan không có gì đáng yêu thích; bọt nước tích tụ, cây chuối không có sự bền chắc; ánh điện chớp, tiếng vang, sóng nắng, bóng trăng đáy nước, huyễn hóa gion g như ngọn sóng cả của biển khơi; dòng nước chảy xiết trên đám cỏ đứng thẳng phút chốc cỏ ngã rạp; đồi núi, gò đất, rừng rậm tràn đầy nhơ nhớp xấu xa; loài cáo, sói, chim cắt, kên kên, quạ, cú mèo, chó đói, các lũ sâu bọ dữ dằn tranh giành nhau trú ngụ ở trong đó, giống như tấm thân dơ bẩn này sao có thể chung sống nổi. Nếu lấy một sợi lông để chấm lấy từng giọt nước trong biển cả thì còn có thể biết được số lượng, thân thể như cây cối độc hại này có bốn trăm lẻ bốn mầm bệnh, vô lượng các thứ uế tạp không thể nào tính kể và nói hết.

Như Đức Thế Tôn nói thí dụ, chặt cỏ cây trong thiên hạ để làm thẻ, nghiền vụn đất đá khắp quả đất thành bụi bặm, còn có thể đếm biết được số lượng; thân này bất tịnh, vô lượng xấu ác tạp nhạp, số lượng ấy hơn hẳn con số ở trên. Thân ấy tai hại làm diệt mất các pháp lành, các vị Ưu-bà-di ấy có thể vứt bỏ thân này giống như nhổ bỏ nước bọt, thực hành không, thực hành vô tướng và vô tác; ưa thích Đại thừa một cách sâu xa và thường giảng nói cho mọi người.

Tên gọi của các vị đó là: Ưu-bà-di Kỳ-bà-thi-lợi, Ưu-bà-di Thắng-mạn, Ưu-bà-di Tỳ-xá-khư v.v… Vào lúc sáng sớm, ánh sáng soi chiếu rồi, tức thời họ biết được điềm ấy, mỗi người bèn mau vội sắm sửa các thứ cúng dường nhiều gấp bội hơn ở trước. Họ đi đến chỗ Phật, đầu và mặt làm lễ sát đất để cầu thỉnh Đức Phật và chư Tăng, song Đức Thế Tôn chẳng nhận lời, họ lo buồn, khổ não đứng ở một bên.

Lại có các đồng tử thuộc dòng họ Ly-xa ở trong thành Tỳ-xá-ly, số lượng đông gấp bốn số cát của sông Hằng, nhập chung với những người ở bên ngoài thành đến đây, cộng với các vị vua, quan lớn ở đất nước biên giới của cõi Diêm-phù-đề, mọi người đều ưa thích chánh pháp và tu tập giới hạnh một cách thuần túy, thành tựu các đức hạnh, làm khuất phục những kẻ học theo đạo khác và kẻ làm lộn xộn chánh pháp. Họ có khả năng ban bố pháp không sợ hãi và diễn thuyết pháp tạng vô tận cho mọi người ở khắp nơi, toàn bộ có năng lực tu tập giáo pháp vi diệu như nước cam lộ mà chư Phật đã nói, bẻ gãy và khuất phục lời luận bàn không chính đáng của ngoại đạo và các loài ma; tự nắm giữ việc thực hành giới luật, khiến cho hàng Tăng già giữ giới đắc lực và được an ổn, bản thân thì giữ gìn, phụng hành giới luật, ưa thích nghe giáo pháp Đại thừa và giảng nói rộng rãi cho mọi người, đức từ bi thương xót tất cả chúng sinh khắp nơi như đã nói trên.

Tên gọi của các vị ấy là: Đồng tử dòng họ Ly-xa tên Tịnh Ly Cấu Tạng, đồng tử dòng họ Ly-xa tên Thường Khoái Tịnh, đồng tử dòng họ Ly-xa tên Hằng Thủy Ly Cấu Tịnh v.v… Những vị thuộc dòng họ Lyxa đó, mỗi người đều lo liệu sự sắm sửa tám mươi tư ức chiếc giường màn bằng gỗ chiên-đàn, giường màn bằng gỗ trầm thủy, giường màn Uất-kim, giường màn làm bằng gỗ cây bách, giường màn làm bằng gỗ thơm Đâu-lâu. Mỗi chiếc giường cũng đều có tám mươi bốn ức hoa văn chạm trổ, trang hoàng bằng bảy báu và được trang hoàng năm màu sáng rỡ như trước một cách uy nghiêm. Mỗi vị sắm sửa tám vạn bốn ngàn con ngựa báu, tám vạn bốn ngàn con voi chúa cao lớn, tám vạn bốn ngàn báu có bốn ngựa kéo, toàn bộ đều lấy xâu ngọc báu Thần châu sáng rỡ thắt quấn vào để trang sức, đoan nghiêm đẹp đẽ, đi nhanh như cơn gió lốc.

Lại nữa, họ còn bày biện tám vạn bốn ngàn viên ngọc quý Minh nguyệt, sáng rỡ cả ngày liền đêm; cờ phướn, lọng, hoa, màn che, châu báu quý giá, lụa trắng, tranh vẽ theo thứ tự như trước. Chiếc lọng được trang sức bằng hoa quý báu ấy rộng một do-tuần; lụa mịn màng và màu sắc rực rỡ dùng để vẽ hình tượng rộng ba mươi hai do-tuần; màn che cao to ấy lộ rõ mỗi bức một trăm do-tuần; cờ phướn ấy mỗi lá dài một ngàn do-tuần, được trang hoàng bằng bảy thứ quý báu uy nghiêm như trước; mùi thơm của bữa cơm bốc lên xông tỏa một do-tuần. Họ xếp đặt giường nằm và tòa ngồi ở rừng Kiên cố, cung cấp đồ dùng để cúng dường toàn bộ đều chu đáo. Các vị ấy đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu thỉnh cầu Đức Phật, làm lễ xong rồi đứng sang một bên.

Lại có các vị đại trưởng giả ở trong cõi Diêm-phù-đề, số đông gấp năm lần số cát của sông Hằng, họ rất mực ưa thích chánh pháp, tu tập giới hạnh một cách thuần túy, thành tựu thuần thục mọi đức hạnh, thành tựu được mọi đức hạnh, làm cho kẻ học theo đạo khác và kẻ gây rối loạn chánh pháp phải khuất phục. Tên gọi các vị đó là: Nhật Nguyệt Quang Vương, trưởng giả Chiêm Bặc Hoa Thủ, trưởng giả Pháp Thủ. Các vị như thế cộng thêm con trai và con gái của họ, số đông bằng năm lần lượng cát bên bờ sông Hằng. Vào lúc hừng sáng, nương theo uy thần của Đức Phật, họ sắm sửa vật dụng cúng dường, số lượng lại tăng gấp bội so với các đồng tử dòng họ Ly-xa ở trước. Mọi người đi đến chỗ Đức Phật và cúi đầu cầu xin Phật, làm lễ dưới chân rồi đứng sang một bên.

Lại có bà con thân thuộc bên nội và bên ngoại của nhà vua trị vì thành Tỳ-xá-ly, cùng hàng vua chúa, người dân dã chốn xóm làng thành ấp lớn nhỏ, chủ quản cõi Diêm-phù-đề. Ngoài A-xà-thế ra, các vị vua còn lại như vua Nguyệt Ly Cấu Tạng, vua Nhật Ly Cấu v.v… số đông gấp sáu lần lượng cát bên bờ sông Hằng, mỗi vị vua đem theo một trăm tám mươi vạn ức quyến thuộc, toàn bộ đều là người khỏe mạnh, sức lực giống như con voi to khỏe, đi nhanh tuồn như cơn gió lốc. Họ rất mực ưa thích chánh pháp, tu tập giới hạnh một cách thuần túy, thành tựu mọi đức hạnh, làm cho kẻ học theo đạo khác và kẻ gây rối loạn chánh pháp phải hàng phục. Các vật phẩm cúng dường do họ làm ra chuyển thêm gấp bội, hơn hẳn số lượng của các vị trước đây. Mọi người đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu cầu thỉnh Phật, làm lễ dưới chân rồi đứng sang một bên.

Lại có phu nhân và cung nữ hầu hạ trong cung của các nhà vua lớn nhỏ chủ quản cõi Diêm-phù-đề, số đông gấp bảy lần lượng cát bên bờ sông Hằng. Trừ vua A-xà-thế ra, phu nhân và cung nữ đều nhàm chán mối họa của thân nữ, họ tu hành hạnh không, rất mực ưa thích Đại thừa, giảng nói rộng rãi cho mọi người công đức của việc tu hành toàn bộ giống như đã nói ở trước. Tên gọi của các vị Ưu-bà-di ấy là: Phu nhân Tam Giới Diệu, phu nhân Niệm Đức v.v… Các vật phẩm cúng dường do họ làm ra lại gấp bội, hơn hẳn các vị trước đây. Vào lúc sáng sớm, họ đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu thỉnh cầu Đức Phật, làm lễ dưới chân rồi đứng sang một bên.

Lại có chúng sinh ở các cõi trời đông nhiều gấp tám lần số cát sông Hằng, như Thiên tử Câu Phổ Minh v.v… Họ đều ưa thích Đại thừa và giảng nói rộng rãi cho mọi người. Các vị ấy tu hành giới hạnh thanh tịnh, khao khát và ngưỡng mộ Đại thừa. Nếu các loài chúng sinh ưa thích Đại thừa thì các vị ấy đem pháp Đại thừa để thỏa mãn khao khát ngưỡng mộ của chúng sinh ấy, chúng sinh tu hành giới hạnh thanh tịnh và ham thích Đại thừa, thì các vị ấy làm cho chúng sinh vững chắc nơi Đại thừa, giác ngộ Đại thừa, đối với pháp Đại thừa họ chẳng khởi lên tâm ganh ghét và kiêu mạn. Các vị ấy hàng phục người học theo đạo khác và kẻ gây rối loạn chánh pháp, hộ trì chánh pháp, tu hành giới hạnh thanh tịnh, tùy thuận thế gian, độ cho người chưa được độ, giải thoát cho kẻ chưa được giải thoát. Họ muốn quay bánh xe pháp, muốn làm hưng thịnh Ba ngôi báu mãi mãi khiến cho không dứt, muốn dựng lập đại trang nghiêm. Các việc như thế, vô lượng công đức hết thảy đầy đủ. Họ đem lòng từ và bình đẳng đối với chúng sinh giống như đứa con một.

Vào lúc sáng sớm, ánh sáng chiếu rọi xong, những vị ở cõi trời ấy hiểu được tướng điềm ứng hiện này, họ đều suy nghĩ: “Chẳng bao lâu nữa Đức Như Lai sẽ vào Nê-hoàn”. Các vị ấy đi đến chỗ Đức Phật, nhìn thấy mọi thứ vật phẩm cúng dường, mỗi vị nói với nhau:

–Các ông hãy nhìn xem, vật dụng cúng dường ở chốn nhân gian kia thật trang nghiêm đặc biệt, giống hệt ở cõi trời. Cúng dường Đức Như Lai là sự cúng dường sau cùng, bữa cơm và các thứ vật phẩm cúng Phật và Tăng là cuộc đại thí cuối cùng, thế mà hôm nay Đức Thế Tôn thảy đều chẳng nhận. Này các nhân giả! Hôm nay chúng ta nên làm việc bố thí sau cùng cho Đức Phật, chư Tăng và các quyến thuộc để hoàn thành đại thí đến bờ bên kia. Hôm nay Đức Như Lai và Tăng chúng cùng với hàng bà con thân thuộc thương xót nhận sự cúng dường bố thí lần sau chót của chúng ta rồi Ngài sẽ vào Nê-hoàn. Đức Phật ở đời khó gặp, việc bố thí rốt ráo sau cùng lại khó khăn gấp bội. Kỳ lạ thay! Thưa Nhân giả, thế gian trống rỗng, con mắt của thế gian sao mà diệt mất nhanh chóng đến thế!

Các chúng sinh ở cõi trời ấy đều suy nghĩ: “Chúng ta cũng nên cúng dường Đức Như Lai”. Lập tức, các vị ấy sắm sửa vật dụng cúng dường tốt đẹp hơn hẳn nhân gian gấp bội phần, giường màn, xe cộ, cờ phướn, lọng hoa, bức vẽ, màn che, hết thảy đều dùng hương thơm cõi trời, hàng tơ lụa cõi trời, của báu cõi trời thật trang nghiêm để trang hoàng, vật dụng cúng dường đã sắm sửa xong. Các vị ấy đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu làm lễ dưới chân Ngài, đi quanh trăm ngàn vòng, cung kính thăm hỏi sức khỏe rồi đứng sang một bên.

Lại có các Long vương từ bốn phương đến, số đông gấp chín lần số cát của sông Hằng. Tên của các vị đó là: Long vương Hòa-tu-cát (Rồng chín đầu), Long vương Nan-đầu-ưu-bát-nan-đà v.v… họ có đầy đủ các đức, thương xót thế gian. Vào lúc sáng sớm, ánh sáng chiếu rọi rồi, mỗi vị đều suy nghĩ: “Chẳng bao lâu nữa Đức Như Lai sẽ vào Nêhoàn”. Họ sắm sửa các vật dụng cúng dường tốt đẹp hơn hẳn gấp bội vật dụng cúng dường của những vị ở cõi trời và cõi người. Các vị ấy đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu thỉnh cầu Phật, đi quanh trăm ngàn vòng rồi đứng sang một bên.

Lại có các vị vua trong loài quỷ thần, Tỳ-sa-môn v.v… số đông gấp mười lần lượng cát của sông Hằng. Vật dụng cúng dường của tất cả quỷ vương làm ra, toàn bộ đều giống như trước. Họ đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu thỉnh cầu Phật, đi quanh trăm ngàn vòng rồi đứng sang một bên.

Lại có vua của loài Già-lưu-la, số đông nhiều bằng hai chục lần số cát của sông Hằng, như là Già-lưu-la vương Long Oán v.v… Vua của loài Kiền-thát-bà, số đông gấp ba mươi lần số cát của sông Hằng, như là Kiền-thát-bà vương Na-la-đạt v.v… Vua của loài Khẩn-na-la, số đông bằng bốn mươi lần số cát bên bờ sông Hằng, như là Khẩn-na-la vương Khoái Kiến v.v… Vua của loài Ma-hầu-la-già, số đông gấp năm mươi lần số cát của sông Hằng, như là Ma-hầu-la-già vương Đại Khoái Kiến v.v… Vua của loài A-tu-la có số đông bằng sáu chục lần số cát của sông Hằng, như là A-tu-la vương Du Không v.v… Vua của loài Đàna-bà số đông gấp bảy mươi lần số cát của sông Hằng, như là vua Pháp Thủy Ly Cấu Thắng v.v… Vua của loài La-sát, số lượng đông gấp tám chục lần số cát của sông Hằng, như là La-sát vương Quảng Bố Úy v.v… Vua chủ quản rừng rậm có số đông bằng chín mươi lần số cát của sông Hằng, như là Tùng lâm chủ vương Nhạo Hương v.v… Vua Trì chú có số lượng gấp ngàn lần số cát của sông Hằng, như là Trì chú vương Đại Huyễn v.v…. Chúng dục sắc nhiều gấp một ức lần số cát của sông Hằng như là Dục sắc Thiện Hiện v.v… Chúng Thiên nữ nhiều gấp trăm ức lần số cát của sông Hằng như là Thiên nữ Lam-bà v.v… Phụ đa vương số đông gấp ngàn ức lần lượng cát của sông Hằng như là Phụ-đa vương Túc-quân-để v.v… Hàng Thiên tử số đông gấp trăm ngàn ức lần số cát của sông Hằng như là bốn vị Thiên vương v.v… Vua thần gió nhiều gấp trăm ngàn ức lần số cát của sông Hằng; vua thần ưa thích mây mưa nhiều gấp một ức lần số cát của sông Hằng, hết thảy vua Tịch tĩnh mây mưa ở thế gian, các vị vua như thế, vào lúc sáng sớm, ánh sáng soi chiếu rồi, họ nghĩ tướng điềm ấy, mỗi người thuộc phái Vũ chúng, đem gấp bội vật dụng cúng dường của người và trời, tất cả đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu thỉnh cầu Phật, đi quanh trăm ngàn vòng rồi đứng sang một bên.

Lại có loài voi chúa tỏa ra mùi thơm số nhiều gấp hơn hai chục lần số cát của sông Hằng, như con voi đầu đàn mắt xanh pha lẫn đỏ, thân mình có sắc vàng óng v.v… các con voi chúa ấy tùy theo sức lực của mình, có khả năng chọn lấy các thứ cỏ thuốc thơm và các loại hoa nổi tiếng như Ưu-bát-la, Bát-đàm-ma, Câu-mâu-đầu, Phân-đà-lợi v.v… to lớn giống như bánh xe ở trong núi Tuyết, cùng các thứ hoa mọc ở núi, sông, trên cạn, dưới nước, dùng để trang nghiêm giường màn và vật dụng cúng dường. Tiếng kêu thương gào rống của chúng làm chấn động trời đất: “Sao mà nhanh quá! Thế gian trống rỗng, sao mà con mắt của thế gian diệt mất nhanh chóng quá vậy!”. Chúng đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu làm lễ dưới chân Ngài rồi đứng sang một bên.

Lại có vua trong loài sư tử số nhiều gấp ba lần số cát bên bờ sông Hằng, như vua sư tử có tiếng gầm thét vang động v.v… chúng đều bố thí sự không sợ hãi cho chúng sinh một cách rộng khắp. Cùng với vua trong các loài chim Ca-lăng-tần-già v.v… Vật dụng cúng dường của các loài chim đó làm ra hết thảy giống như vật dụng cúng dường của voi chúa.

Lại có vua trong các loài trâu và loài dê, chúng đi đến rừng Kiên cố sản sinh ra thứ sữa thơm hảo hạng, sữa đều chảy tràn đầy hết thảy ao và hầm hố. Lại có các vua trong loài ong mật đều đem mật thơm chứa đầy ăm ắp ở trong ao và hầm ấy. Các loài như thế bằng số cát của sông Hằng, tất cả đều đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu làm lễ dưới chân Ngài rồi đứng sang một bên.

Lại có tiên nhân chứng được năm thần thông, số đông gấp vạn lần số cát bên bờ sông Hằng, cùng với tất cả vị tiên ở bốn châu thiên hạ đi theo, như tiên nhân Nhẫn Nhục v.v… làm đủ mọi thần lực, tất cả vật dụng cúng dường đều tốt đẹp hơn trước kia bội phần. Họ đi đến chỗ Đức Phật, đem tóc mình trải xuống mặt đất, cúi đầu sát dưới chân Phật rồi đứng sang một bên.

Bấy giờ, hàng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni ở mười sáu nước lớn, chỉ trừ hai chúng của Tôn giả Đại Ca-diếp và Tôn giả A-nan, số còn lại đều tập họp chật cả một do-tuần, tất cả đều giống như trước. Vào buổi sáng sớm, chúng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu làm lễ dưới chân Phật, đi quanh hàng trăm ngàn vòng rồi đứng sang một bên.

Lại có các vua thần núi nhỏ, vua thần núi lớn; các vua thần loài quỷ, vua thần núi Tu-di ở khoảng giữa thế giới, số đông gấp muôn lần lượng cát bên bờ sông Hằng, vua thần ăn các thứ cây, lá, hoa, quả và đủ mọi loài có sự sống, đều có sức thần thông phóng ra ánh sáng rực rỡ. Các vị ấy đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu làm lễ dưới chân Ngài, rồi đứng sang một bên.

Lại có các thần, Thiên tử, các vua lớn, vua nhỏ ở khắp tám con sông lớn, biển cả, quả đất, số đông gấp trăm ngàn muôn lần số lượng cát của sông Hằng, các vị ấy đều có sức thần thông, phóng ra ánh sáng rực rỡ che lấp hơn cả ánh sáng của mặt trời và mặt trăng. Ở khu rừng Kiên cố tuôn ra nước cam lồ chảy lặng lờ và trong vắt đầy cả dòng sông Hi-liên, đâu đâu cũng làm thềm đường bằng bảy thứ báu, khiến cho các chúng đến tụ họp uống nước ấy mà không biết chán.

Bấy giờ, về phía Bắc ngoảnh về hướng Nam và vùng đất của các người thuộc dòng họ Lực sĩ sinh ra, tự nhiên có tòa giảng đường Thiện pháp được kiến trúc nhiều tầng gác, hoa văn trang trí được tô vẽ chạm trổ bằng bảy thứ báu rất trang nghiêm, năm màu sáng rỡ. Vườn, rừng, hoa quả, ao tắm, suối nước trong veo cũng tự nhiên hóa thành, ví như khu vườn Hoan hỷ ở cung trời Đao-lợi, thật đáng yêu thích vô cùng. Các hàng trời, người, A-tu-la ở nơi đó đều trông thấy tướng Nê-hoàn của Đức Như Lai, ai nấy đều thương tiếc, lo lắng rầu rĩ, thở than.

Lại có một ức a-tăng-kỳ các Thiên tử của bốn vị Thiên vương, toàn bộ đều đến tập họp, mỗi người bảo nhau: “Các ông hãy nhìn xem, những vị trời, người, A-tu-la này, vì việc cúng dường Đức Như Lai lần sau chót, nên họ đã làm ra các thứ cúng dường đặc biệt rất mực tốt đẹp và dọn đủ mọi thứ đồ ăn thức uống này. Đức Phật cùng đại chúng nhận sự cúng dường kia xong thì Ngài sẽ vào Nê-hoàn. Chúng ta cũng nên sắm sửa mọi vật dụng cúng dường tốt đẹp gấp bội hơn các vị kia”. Các Thiên tử sử dụng toàn là hoa trời, hương thơm cõi trời, thức ăn cõi trời, như hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha Mạn-đà-la; hoa Ca-câu-la, hoa Ma-ha Ca-câu-la; hoa Mạn-thù-sa, hoa Ma-ha Mạn-thù-sa; hoa Tán-đa-na, hoa Ma-ha Tán-đa-na, dùng đủ mọi thứ hoa trời và các thứ hương thơm cõi trời như thế, để làm vật dụng cúng dường rồi đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu thỉnh cầu Ngài rồi đứng sang một bên.

Thích-đề-hoàn-nhân cùng với vô số chúng ở cõi trời Ba Mươi Ba sắm sửa vật dụng cúng dường, cho đến vật dụng cúng dường của vua tầng trời thứ sáu (Trời Tha Hóa Tự Tại) cùng với các hàng quyến thuộc làm ra, các thứ ấy chuyển thành tốt đẹp gấp bội phần các vật phẩm trước kia. Trừ các vị ở bốn cõi trời Vô sắc giới (Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ) và cõi trời Vô tưởng thuộc sắc hữu (tức sắc giới), số chư Thiên còn lại cũng sắm sửa vật dụng cúng dường chuyển thành tốt đẹp gấp bội hơn trước kia.

Bấy giờ, Phạm Thiên vương coi giữ thế giới Ta-bà cùng với các Phạm thiên tử và vô lượng quyến thuộc, mỗi vị tỏa ra ánh sáng từ thân thể mình soi khắp cả bốn châu thiên hạ, khiến các ánh sáng phát ra từ thân thể của hàng trời và người ở cõi Dục đều bị che lấp chẳng hiện.

Khắp nơi đều mưa xuống áo trời và hoa nổi tiếng cõi trời, cung cấp sắm sửa thức ăn cõi trời. Từng chiếc cờ phướn trời, lọng trời, từ khu rừng Kiên cố lên đến cõi Phạm thiên. Bày biện mọi đồ cúng xong, các vị ấy đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu thỉnh Phật rồi đứng sang một bên.

Lại có A-tu-la vương Tỳ-ma-chất-đa-la cùng với vô lượng bà con thân thuộc A-tu-la đi theo. Vị ấy phóng ánh sáng từ thân mình soi khắp bốn châu thiên hạ, các ánh sáng từ thân thể của Thích-đề-hoàn-nhân và các Phạm vương đều bị che lấp, chẳng hiện ra. Họ cũng sắm sửa bữa cơm và các vật dụng cúng dường, các lọ báu của họ thảy đều bao phủ khắp cả một ngàn tiểu thế giới. Bày biện mọi thứ cúng dường xong, họ đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu thỉnh cầu Phật rồi đứng sang một bên.

Bấy giờ, ma trời Ba-tuần và vô lượng chúng nữ thiên thần ác ma đi cùng, liền dùng sức thần thông mở toang khắp hết thảy các cánh cửa địa ngục, tùy theo chúng sinh ở địa ngục kia có điều gì mong muốn và ưa thích, thì thiên ma đều cứu giúp và cung cấp cho họ.

Lại nữa, thiên ma còn bảo khắp các chúng sinh ở địa ngục để nói cho họ biết:

–Này các ngươi, các ngươi phải nên nhớ nghĩ đến Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác mà vui mừng lần sau chót. Đây chính là năng lực của các ngươi vốn có thể tu hành trong khả năng của mình, để có được lợi ích và phước đức, điều đó sẽ khiến cho các ngươi gặt hái được niềm an vui lâu dài, mãi mãi được thoát ra khỏi nỗi khổ sở gay gắt ở chốn địa ngục.

Do nhờ uy đức và thần lực của Đức Như Lai, khiến cho tâm niệm của ma Ba-tuần chuyển thành hòa giải và khuất phục, cùng với hàng bà con thân thuộc đi theo, họ mang mọi thứ binh khí dùng để đánh nhau như dao, kiếm, cung tên, dùi vàng, búa lớn, rìu, thừng lưới, móc dài, toàn bộ đều trang nghiêm. Chúng sinh ở địa ngục sống trong cảnh đêm dài tăm tối si mê, xa lìa chánh pháp, chịu đủ bao nỗi đớn đau khổ sở, ngọn lửa rừng rực đốt cháy thành quách và nhà cửa, chợt nổi lên đám mây rồi mưa xối xả, khiến cho lửa cháy thảy đều tắt ngấm.

Bấy giờ, chúng sinh ở cảnh địa ngục lìa khỏi khổ đau để được yên lành, lìa bỏ khổ đau và được yên lành rồi, mỗi một các ma cùng với quyến thuộc của mình sắm sửa mọi vật dụng cúng dường tốt đẹp hơn các vị ở trước gấp bội phần, họ bèn đi đến chỗ Đức Phật rồi cúi đầu thỉnh cầu Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con chỉ có một niềm ước mong rằng Thế Tôn thương xót mà thu nhận sự cúng dường của chúng con. Thế Tôn thu nhận vật dụng cúng dường của chúng con rồi, nếu có thiện nam hay thiện nữ nào gọi danh hiệu Ma-ha-diễn (Đại thừa) hoặc chân thật, hoặc giả dối, chúng con đều phải nên gìn giữ những vị ấy và làm cho họ không có sự sợ hãi mà nói bài chú:

Sá sí tra tra la, đà sí lỗ lâu lệ, ma ha lỗ lâu lệ, a la, ma la, đa la, tất ba la.

Bài chú ấy có năng lực khiến cho những người có tâm trí tán loạn được thiền định sâu xa huyền diệu, bài chú ấy có năng lực khiến cho các người sợ hãi lìa khỏi các sự sợ hãi, bài chú này có năng lực khiến cho người làm pháp sư có tài biện luận thông suốt không có sự gián đoạn, bài chú này có năng lực hàng phục hết thảy ngoại đạo. Các người có khả năng hộ trì chánh pháp, được bài chú này che chở giống như đem gươm thần, chú thuật được con nói ra này chính là lời chân thật, như người nào có năng lực thọ trì bài chú này, nếu ở chốn đồng không mông quạnh, có loài thú độc địa hung dữ làm hại, gặp nạn lụt lội, lửa cháy v.v… người ấy hoặc trì chú, hoặc nói bài chú, thì mọi tai nạn thảy đều tiêu trừ, giống như con rùa giấu kín sáu chi (bốn chân, đầu và đuôi) trong mai. Hôm nay, chúng con đều đã lìa bỏ tất cả các sự dua nịnh, tà vạy của ma. Chỉ có điều là ước mong Đức Thế Tôn xót thương mà thu nhận sự cúng dường của chúng con, đồng thời mong muốn Ngài chứng thực điều sở đắc và khen ngợi về bài thần chú mà con đã nói ra.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền bảo với ma:

–Ta chẳng thọ nhận đồ ăn của các ngươi cúng dường, song vì sự an ủi cho tất cả chúng sinh, nên Ta sẽ thọ nhận pháp cúng dường là bài thần chú của ngươi.

Các ma thỉnh cầu ba lần như thế, thì ba lần Đức Thế Tôn cũng im lặng mà chẳng thọ nhận.

Khi ấy, ma Ba-tuần và ma Thiên nữ cúi đầu làm lễ dưới chân Đức Phật rồi đứng về một phía.

Lại có vua cõi trời Đại Tự Tại và vô lượng các Thiên tử Đại lực đi cùng. Họ phóng ra ánh sáng rực rỡ chiếu rọi khắp ba ngàn đại thiên thế giới, các ánh sáng phát ra từ thân thể của chư Thiên nơi cõi trời Phạm thiên, cõi trời Đế thích, cho đến chúng A-tu-la thảy đều bị che lấp không hiện rõ. Các vị ấy sắm sửa mọi vật dụng cúng dường tốt đẹp gấp bội vật dụng cúng dường của các vị trước. Ánh sáng của lọng trang sức bằng hoa soi chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, trăm ức vầng mặt trời và mặt trăng thảy đều giống như mực đen tích tụ, ánh sáng chẳng hiện rõ.