KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: NÊU BÀY KHẮP CHỐN

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ngự tại giảng đường Phổ thắng thuộc địa phận nước Ma-kiệt-đà cùng với đông đủ chúng đại Tỳ-kheo gồm mười ngàn vị Tỳ-kheo và một vạn năm ngàn vị Bồ-tát. Tất cả các bậc Đại thánh thảy đều vân tập đến đạo tràng. Đó là những bậc đức hạnh gồm đủ, không hề xa rời các pháp Tổng trì, chí nguyện rộng lớn bao trùm khắp mọi nơi chốn, thông đạt mọi thứ biện tài, dứt trừ sạch hết bao lớp lưới nghi hoặc, thần thông tự tại, giảng giải nêu bày mọi nẻo diệu nghĩa, sử dụng các phương tiện quyền xảo để sự hành hóa luôn thích nghi, thuận hợp, thể hiện lòng Từ bi đến mọi hàng chúng sinh thấp kém, dẫn dắt họ đạt đến bờ giác ngộ.

Các bậc ấy luôn thực hiện thông suốt các pháp Tam-muội chánh thọ của Đức Như Lai, được chư Phật khen ngợi, được chư Thiên cùng chúng nhân cung kính. Do mọi sở nguyện đều tự tại nên các vị ấy không còn bị một chướng ngại nào, có thể du hóa đến khắp các xứ sở lãnh vực thù thắng đặc biệt với những Thần túc biến hóa gồm đủ các hình tướng, đã hàng phục hết thảy các thứ ma, thông tỏ mọi nẻo ánh sáng của các pháp cũng như phân biệt các pháp, cùng thấu đạt ngọn nguồn mọi lối tu chứng, quan sát và nhận biết mọi cội rễ tạo tác từ xa xưa của chúng sinh, diễn giải tường tận, thích ứng các đạo phẩm Không, Vô tướng, Vô nguyện. Các bậc ấy đối với tám sự việc ở đời không còn tham đắm, vướng mắc; lại luôn mở rộng lòng Từ bi lớn lao hơn nữa để cứu độ chúng sinh; thân, khẩu, ý luôn được giữ gìn để dứt mọi nẻo tà kiến; chí luôn dốc tinh tấn, tâm bền chắc như kim cương. Tuy trải qua vô số kiếp phải chịu nhiều khó khăn, khổ nhọc, nhưng tâm họ luôn dũng mãnh, không hề biểu lộ sự mỏi mệt, chán nản; ở nơi đại chúng luôn hiện rõ oai nghi của bậc Sư tử; thuyết phục, chế ngự mọi luận thuyết ngoại đạo, khiến cho đại chúng không hề thoái chuyển đối với chánh pháp, dùng các nét đặc trưng của đạo giác ngộ để ấn chứng, trao truyền. Mọi nơi chốn du hóa của chư Phật thảy đều đi đến khắp, xem đấy đều là những chốn tu tập nhằm đạt tới nẻo Chánh giác, đem lại vẻ tôn nghiêm, thanh tịnh cho đạo tràng với vô lượng nét nguy nga cao tột.

Các bậc đó dù đang hành hóa hay tọa thiền đều luôn hội nhập vào cõi trí tuệ vô bờ, tâm luôn an vui, dứt sạch mọi nỗi khiếp nhược, các pháp được diễn giảng luôn bình đẳng, không phân biệt. Đối với những người đã thành hay chưa thành đạo Vô thượng đều luôn xem như đồng loại. Đối với những lời khen ngợi, ca tụng về tên tuổi, công lao luôn có được sự an nhiên, tự tại, dốc tu các pháp thâm diệu, theo đúng các đều cốt yếu để giảng dạy, làm sáng tỏ đạo pháp. Ở nơi đạo chúng luôn thể hiện hình tướng uy nghiêm, tươi sáng, rạng rỡ. Mọi nẻo thông đạt của thần thông và trí tuệ thâm diệu, thật không thể nêu bày, lường tính; chỉ trong chốc lát như búng ngón tay, có thể đi đến khắp vô lượng quốc độ của chư Phật để cúng dường các bậc Chánh giác trong mười phương.

Tôn hiệu của các vị ấy là Bồ-tát Hoan Diệu, Bồ-tát Sơn Lôi, Bồ-tát Tuệ Mật, Bồ-tát Phổ Minh, Bồ-tát Tế Bỉ, Bồ-tát Tổng Trì, Bồtát Kim Cang, Bồ-tát Thạch Ma Vương, Bồ-tát Lôi Chấn, Bồ-tát Vũ Đế, Bồ-tát Thiện Toán, Bồ-tát Trí Tích, Bồ-tát Pháp Thượng, Bồ-tát Tức Ý, Bồ-tát Trừ Huyễn, Bồ-tát Thiện Xứng, Bồ-tát Hư Không Tạng, Bồ-tát Uy Lực, Bồ-tát Diễm Quang, Bồ-tát Thức Cơ, Bồ-tát Tận Tuệ, Bồ-tát Vô Biên Tế, Bồ-tát Kiên Cố Chí, Bồ-tát Nguyệt Quang, Bồ-tát Pháp Xí, Bồ-tát Vô Kiến, Bồ-tát Vô Đẳng, Bồ-tát Nhật Thạnh Minh…, vô số các vị Bồ-tát như vậy khắp các thế giới chư Phật trong mười phương thảy cùng vân tập đến thế giới Ta-bà để được nghe Đức Như Lai thuyết giảng về pháp Anh Lạc Đại Trí Căn Môn (cội rễ của cửa ngõ dẫn tới trí tuệ lớn rộng trang nghiêm) hướng đến Bồ-tát tạng, với sự thể hiện vô lượng các phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Lại có các bậc Bồ-tát trong Hiền kiếp như Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, mười sáu vị Đại thánh trong nhóm Bồ-tát Bạt-đà-hòa, tám vị Đại thần sĩ, Đế Thích, Tứ Thiên vương, cùng với chư Thiên nhân các cõi Đao-lợi thiên, Câu-diễm thiên, Đâu-thuật thiên, Bất kiêu lạc thiên, Hóa tự tại thiên, Ma Tử Đạo sư, Phạm Thiên vương, Phạm Tịnh Thiên vương, Thiện Phạm Thiên vương, Phạm Cụ Túc Thiên vương, Đại thần diệu thiên, Tịnh cư thiên, Ly cấu quang thiên, cho đến tận cõi Nhất thiện trú thiên. Các vị Thiện thần ở cõi trời Yến cư các vị thần núi non, thần cây cối, thần Kim sí điểu, cùng với hết thảy các vị thần tôn quý khác, mỗi mỗi vị đều tự bày tỏ sự tôn kính hết mực. Cùng với tám bộ chúng là Thiên, Long, Quỷ thần, A-tu-la, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc, nhân với phi nhân, mỗi vị đều cùng với đám quyến thuộc đi đến nơi chỗ Phật, cung kính đảnh lễ xong rồi đứng hầu bên cạnh. Các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh tín sĩ, Thanh tín nữ, mỗi người đều biểu lộ sự cung kính, đến trước Đức Phật đảnh lễ rồi lui ra an tọa một bên.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn được hàng trăm hàng ngàn chúng đệ tử đông đảo như vậy vây kín xung quanh đã ung dung bước lên tòa Sư tử cao rộng, uy nghiêm, thanh tịnh để vì đại chúng thuyết giảng về pháp Anh lạc.

Đức Phật ở giữa đại chúng, giống như ngọn Tu-di sừng sững, ánh sáng như màu vàng ròng, oai thần rạng ngời, không gì trong đời có thể sánh được, uy nghi đạo đức lồng lộng, vô lượng, phóng ra ánh hào quang lớn, tỏa chiếu khắp mọi nơi, lại dùng diệu lực thần thông biến hóa, tạo sự cảm ứng cả mười phương. Cùng lúc, giữa không trung bỗng hiện ra trăm ngàn lọng báu Anh lạc cùng với đủ loại châu báu phủ giăng khắp hướng. Các thứ châu báu vô giá tỏa ra ánh sáng chói lòa cả hư không, lơ lửng bàng bạc khắp cả đều từ những loại châu báu ấy phát ra; màu sắc, hình tượng không gì sánh bằng. Cũng trên khoảng không đó lại hiện ra những đám mây mỏng, mưa xuống vô vàn hoa hương tung rải đầy khắp mặt đất. Lại phát ra những âm thanh lớn vang động cả mười phương thế giới.

Lúc này có một vị Bồ-tát tên là Phổ Chiếu, nương theo uy thần của Phật, liền rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật, quỳ gối, chắp tay cung kính, thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Hiện nay mọi chỗ thần biến đã hiện ra và còn đang tiếp diễn, thật là điều chưa từng thấy nghe. Như vậy là ứng hợp với điềm lành gì? Kính mong Bậc Đại Thánh giảng giải ý nghĩa ấy, khiến cho các vị trong chúng hội dứt sạch hết mọi hồ nghi.

Đức Phật bảo Bồ-tát Phổ Chiếu:

–Bồ-tát hãy trở về an tọa nơi chỗ cũ của mình. Ta sẽ vì Bồ-tát mà nêu bày rõ ràng, đầy đủ về ý nghĩa của pháp Anh lạc, chỉ rõ cội rễ các pháp môn tu tập để vượt qua mọi nẻo vọng tưởng, thông tỏ mọi hướng ánh sáng giác ngộ, tiếp cận với Nhất thiết trí.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại dùng thần thông để xem chỗ nhập Định ý của các vị Bồ-tát. Pháp ấy gọi là Đạo thọ Anh lạc, đem lại sự thanh tịnh cho các bậc Đại sĩ, làm trang nghiêm đạo tràng, nhận rõ con đường của chánh pháp để dứt hết mọi thứ sợ hãi, hội nhập vào biển trí tuệ của các Bậc Giác Ngộ mà có được mọi tự tại, nẻo đi vào cửa đạo ấy không làm mất các thứ biện tài. Đức Thế Tôn lại dùng thần lực Anh lạc, ở nơi tòa báu ấy diễn giảng thông suốt, rõ ràng về đại Bất thoái chuyển, giải bày về mọi pháp giới là không, là không thực có, quan sát về căn tánh lợi độn của chúng sinh, tâm ấy luôn kiên cố để quyết đoán tất cả các pháp, dứt trừ mọi phiền não cấu nhiễm, thuận theo những điểm chính yếu của giáo pháp. Đó là sự tin tưởng hoạt dụng không còn chút tham đắm, vướng mắc, ứng đối luôn thông suốt, đi lại luôn ung dung, thuyết giảng về trí tuệ vô ngại, hoàn toàn dứt hết mọi thứ trói buộc, chấp trước; tích chứa bao lớp công đức nhưng không ôm lòng mong cầu. Các pháp được thuyết giảng chính là sự xét đoán kỹ lưỡng về sự thật, chân lý, biểu hiện của chân như, không vướng vào các pháp hữu vi với mọi nẻo phát triển, diễn biến; xem mọi hình tướng đều là vô tướng, là do sự tương hợp mà hiện hữu, thông tỏ tính chất thâm diệu của mười hai duyên khởi, suy cứu đến mọi ngọn nguồn, vượt qua mọi giới hạn.

Lúc ấy, Bồ-tát Phổ Chiếu lại từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước chỗ Đức Phật cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con muốn được nêu lên chỗ mình cần hỏi, mong Thế Tôn chấp nhận thì con mới dám bày tỏ.

Đức Phật nói:

–Lành thay! Bồ-tát cứ việc nêu ra những điều mình muốn hỏi, nếu có những chỗ còn nghi ngờ thì cũng nên trình bày đầy đủ, Như Lai sẽ vì Bồ-tát mà giảng giải tường tận.

Bấy giờ Bồ-tát Phổ Chiếu thấy Đức Phật chấp thuận nên hết sức vui mừng và thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là pháp Anh lạc nơi thân tướng của Bồ-tát? Thế nào gọi là Bồ-tát dứt trừ các vọng kiến? Thế nào gọi là Bồ-tát dấy khởi các pháp xuất thế gian? Thế nào gọi là Bồ-tát du hóa đến các thế giới? Thế nào gọi là Bồ-tát gần gũi với Như Lai? Thế nào gọi là Bồ-tát không theo con đường sinh ra từ thai mẹ? Thế nào gọi là Bồ-tát khi sinh ra đã thâu tóm được thần thức không còn bị tán loạn? Thế nào gọi là Bồ-tát luôn dốc sức tin tưởng, tinh tấn? Làm sao Bồ-tát dứt được nẻo vị kỷ đối với chính mình? Thế nào gọi là Bồ-tát cứu độ mọi thứ hệ lụy, khổ não? Thế nào gọi là Bồtát thực hiện sự bố thí về của cải và chánh pháp? Thế nào gọi là Bồtát nhận rõ về diệu nghĩa không? Thế nào gọi là Bồ-tát dứt bỏ hết mọi lớp ngăn che vây bủa? Thế nào gọi là Bồ-tát làm rạng rỡ giới pháp? Thế nào gọi là Bồ-tát nghe pháp không hề biết chán nản? Thế nào gọi là Bồ-tát vui thích với các pháp Chỉ quán? Thế nào gọi là Bồtát dốc tu tập giới luật thanh tịnh? Thế nào gọi là Bồ-tát phát nguyện lìa bỏ các pháp thế gian? Thế nào gọi là Bồ-tát lìa bỏ gia nghiệp? Thế nào gọi là Bồ-tát không còn tham đắm, vướng mắc? Thế nào gọi là Bồ-tát luôn gồm đủ mọi oai nghi thích hợp? Thế nào gọi là Bồ-tát luôn thận trọng về ngôn ngữ, tâm không hề sai trái? Đó là những điều con xin hỏi và mong được lãnh hội diệu nghĩa cùng yếu chỉ của chúng.

Đức Phật bảo Bồ-tát Phổ Chiếu:

–Lành thay! Lành thay! Bồ-tát đã có thể hỏi Như Lai về những ý nghĩa như thế. Bồ-tát nên dốc tâm lắng nghe, khéo suy nghĩ và ghi nhớ, gạt bỏ khỏi tâm mình những vướng bận khó lìa bỏ đối với mọi tạo tác của hàng phàm phu.

Bồ-tát Phổ Chiếu thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con xin dốc lòng lãnh hội các pháp của Bậc Đại Thánh.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Phổ Chiếu:

–Tu tập theo con đường Bồ-tát phải nên nhớ nghĩ về mười đức để đem lại sự trang nghiêm nơi thân tâm mình; thân, khẩu, ý đối với các pháp không nên nói nhiều về chỗ yếu kém của người, với các bạn đồng học không được dấy tâm khinh mạn, tâm luôn bình đẳng, không tăng giảm như hư không, lìa bỏ mọi nẻo ác cùng các tâm niệm hại người. Xem mọi chúng sinh không khác với bản thân mình, nhờ thân mà đạt được chí nguyện với mọi hiểu biết vô tận. Lại đem bốn chân lý đúng đắn về cuộc đời để giảng dạy trao truyền cho mọi chúng sinh, tâm luôn giữ được sự tịch tĩnh, an nhiên, nhờ đấy đạt được những thành tựu từ sự thức tỉnh giác ngộ.

Lại dùng các thứ trí tuệ làm trang nghiêm tươi đẹp cho các pháp môn thâm diệu, nhằm dẫn dắt hàng Nhị thừa đạt đến chỗ diệu lý của Đại thừa để dốc sức học hỏi, nhận thức thông đạt về các pháp, tu tập theo nẻo công đức, hạnh nguyện của Như Lai, giáo hóa dẫn dạy để lần lượt đạt đến kết quả, không đi theo nẻo bạo lực, phóng dật, tự tu tỉnh đối với những lỗi lầm của chính mình, không nên chú ý quá vào chỗ thua kém của kẻ khác, vượt qua mọi thứ khó khăn để luôn vui thích với đạo pháp, thực hiện các pháp Định tịch tĩnh để dứt bỏ vọng loạn, xua trừ các mối nghi hoặc, cùng những tâm niệm mong cầu, ỷ lại. Đối với những kẻ còn do dự thì nên giúp họ có được hoàn cảnh để tỉnh ngộ, luôn giữ vững đạo tâm là nơi chốn đạo nên gốc của mọi đức hạnh.

Lại gắng giáo hóa mọi người khiến họ không hủy hoại giới cấm, thường đem lòng thương xót rộng lớn vì con người mà thuyết giảng kinh pháp, du hóa đến mọi thế giới không lúc nào xa lìa chư Phật; luôn nêu bày, chỉ rõ sự giữ gìn giới luật để đạt đến Nhất thiết trí.

Lại đem các pháp Anh lạc tỏa sáng làm tăng thêm sự trang nghiêm của chư Phật, làm thanh tịnh chốn đạo tràng tôn quý. Ánh sáng của các pháp Anh lạc ấy không đâu là không tỏa chiếu khắp, cả đến cõi tam thiên đại thiên thế giới, ngăn che ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, khiến chúng như không còn phát ra ánh sáng nữa. Chính sự thần diệu của các pháp ấy đã khiến cho các bậc Phạm thiên, Đế Thích, Tứ Thiên vương với mọi uy quang vốn có của mình, như đều bị chìm mất đi, không còn xuất hiện. Ánh hào quang của Như Lai là ánh sáng của Bậc Chánh Giác, thật khó tính lường được: riêng tỏa sáng, riêng hiển lộ, không gì có thể sánh kịp. Đó gọi là sự tu tập theo con đường Bồ-tát tạo được sự tỏa chiếu khắp mọi nơi chốn, với mười đức Anh lạc để tự tô điểm.

Luôn nhớ nghĩ về chư Phật, cúng dường chư Như Lai, tán dương giáo pháp của Bậc Giác Ngộ; khuyến khích, hướng dẫn chúng sinh, đưa họ đến với cửa đạo. Lại kêu gọi, thúc đẩy chúng sinh phát thệ nguyện lớn lao, với nẻo chốn hướng tới là được nghe danh hiệu của chư Phật, sẽ dốc nuôi dưỡng những mầm chồi tốt đẹp, nguyện được sinh về quốc độ ấy. Chí nguyện lớn lao, rộng khắp, dứt sạch mọi khiếp nhược, hòa nhập vào cõi trí tuệ thâm diệu của Bậc Giác Ngộ, không hề hổ thẹn vì phải tham vấn những điều tầm thường, luôn an vui với các pháp vi diệu. Đó chính là sự nhu hòa không tự tôn tự đại, vui thích với cuộc sống ẩn cư, dứt bỏ mọi tham lam ganh ghét. Thấy có kẻ tu tập hành hóa thì nên thay họ mà bày tỏ nỗi vui mừng, dùng diệu lực của các công đức để làm trang nghiêm cây Bồ-đề. Đem diệu lực của phước báo, của tâm tịnh cùng diệu lực của sự nuôi nấng, diệu lực của sự giải thoát tại các trú xứ của những Bậc Giác Ngộ. Luôn dùng các pháp ấy để nuôi dưỡng muôn loài; luôn đem lòng Từ, Bi, Hỷ, Hộ gắn bó với chúng sinh, giúp đỡ cho những kẻ còn bị trói buộc, vướng mắc; tháo gỡ, nhổ sạch mọi gốc rễ hệ lụy đó; quán tưởng thấu đạt về ba đời là không khứ, lai cũng như hiện tại; mọi nẻo báo ứng của thiện ác đều không có nơi chốn phát sinh, các pháp tương tục tự sinh tự diệt, không thấy có pháp nào sinh hay pháp nào diệt. Tâm dứt mọi tưởng niệm về ngã nhân thọ mạng, cũng không có đi tới, lui về cùng nơi chốn hướng đến. Lại đem các pháp không ấy để trang nghiêm các căn. Ta ngày trước thành tựu quả vị Phật-đà đều từ pháp Không thanh tịnh, dứt mọi tưởng niệm để đạt đến Chánh giác. Tu tập, vun trồng gốc của điều lành, không tạo tác mọi sự trói buộc, dấy khởi các pháp thiện, dứt bỏ các hành phóng dật, xua trừ mọi việc thế gian, không hành xử theo các pháp thế tục. Mọi pháp được diễn nói là nhằm truyền bá rộng khắp mười phương, gần gũi, hầu hạ, lễ bái chư Phật Thế Tôn. Mọi sự bố thí luôn được thanh tịnh, lìa tham, dứt dục. Tâm ý luôn trong lành, tươi tỉnh, không chút cấu uế, trí tuệ rộng mở đến tận cùng với mắt luôn tiếp nhận, lãnh hội, thông đạt. Ba ngại, sáu trần thảy được diệt sạch. Đó gọi là các pháp Anh lạc của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nên phát tâm với thệ nguyện lớn lao, dùng các pháp Anh lạc làm trang nghiêm Trí tuệ ba-la-mật, thuận theo căn tánh của chúng sinh mà trao truyền các pháp. Như chỗ trí tuệ lãnh hội được mà có thể kiến lập, hành hóa luôn ứng hợp theo đấy, không hề thoái chuyển. Ý nguyện luôn vững chắc, gắn bó với bạn lành. Mọi sự hành hóa cùng ngôn từ giảng dạy, chung cuộc không hề hư dối. Mọi ý niệm luôn cung kính, không trái với các hành động tạo tác đã có. Tâm dốc theo đường trí tuệ sâu rộng, nhận lấy, giữ gìn không hề để mất mát. Luôn một lòng tâm niệm không còn thác loạn, phải rõ bệnh nặng nhẹ thì sau đấy mới theo đó mà cho thuốc thích hợp. Ý vui với nhẫn nhục. Đi đứng luôn đúng pháp. Mọi sự bố thí tài vật cũng không được nghiêng ngã theo lối riêng tư. Tâm ý luôn giữ trong lành, tĩnh lặng, xua sạch hết mọi phiền muộn, rối rắm. Gốc rễ của mọi sự học tập là tâm được an tịnh, không còn giong ruổi, trôi nổi. Người muốn được nghe pháp thể hiện sự tìm cầu thì phải luôn nêu bày, chỉ dẫn, khiến họ nhận thức được những điểm cốt yếu của đạo pháp. Ví như thấy kẻ bị nguy khốn, tự họ không thể vượt qua được, thì nên mau chóng thi ân giúp đỡ, kể cả việc ban cho những thứ châu báu quý giá. Lại dùng gốc của các pháp lành để tạo nên những hành động khác thường, cao xa, khuyên người giữ giới. Chính từ trí tuệ lãnh hội được mà thành tựu đạo Bồ-tát.

Giả sử kẻ tu học ở nơi hàng Phạm chí thì lại cũng nên kiến lập như thế, rõ về chỗ phát sinh việc tu học là không rời nhẫn nhục, lìa bỏ mọi ràng buộc của gia đình để tinh tấn tu tập. Quan sát thấu đạt về lẽ vô thường là gốc của mọi nhân duyên. Đối với mọi yêu ghét không hề dấy hai tưởng. Đấy chính là bình đẳng, khiến cho các loài chúng sinh đạt được pháp nhẫn Vô sở tùng sinh. Phải luôn dựa vào lòng thương rộng lớn vô bờ, từ đấy lần lượt giáo hóa, khuyên dẫn đến việc thực hiện các pháp với những thệ nguyện rộng lớn, thể hiện qua hết thảy các nẻo hành hóa, khiến mọi người đều nghe biết. Tánh vốn tĩnh lặng, trong lành với nhận thức không hề phân biệt ta tôi. Nhất tâm thiền định nhằm làm phát khởi trí tuệ, khiến cho ánh sáng đạo pháp không bị đoạn tuyệt, mọi nơi chốn hiện bày ấy đều không xa lìa bốn ân, luôn cứu giúp bao kẻ bị nguy ách, khiến họ có được an lành, thường giữ gìn nơi thân miệng, tránh mọi lỗi lầm để khỏi phạm vào ba việc. Kiến lập các pháp Vô thượng chánh giác, ý rõ nẻo dừng dứt để tiếp cận với pháp tánh chân như nhằm dốc tu tập, không để thất tán. Đấy gọi là chỗ kiến lập các pháp Anh lạc của Bồ-tát chiếu tỏa khắp chốn.

Lại nữa, này Bồ-tát Phổ Chiếu! Bồ-tát lại phải nên tư duy, cân nhắc để tu tập một cách thích hợp các pháp Ba-la-mật, thực hành bố thí, tu trì giới luật, dung mạo luôn hòa nhã, nhẫn nhục. Luôn tinh tấn giữ vững nẻo tịch tĩnh, không làm mất chốn dừng lặng của tâm ý.

Lại nương theo ánh sáng của Bậc Giác Ngộ để dốc tâm thực hiện các pháp thiền định, lãnh hội một cách sâu xa bốn Thánh đế, chính là chất cam lộ của đạo pháp để tu tập nhằm đạt tới sự giải thoát, không còn trở lại con đường hư dối, đó gọi là nơi làm trang nghiêm tươi đẹp cho trí tuệ. Phải nên dốc sức để thanh lọc tâm ý, đối với mọi sở hữu có thể bố thí mà không chút luyến tiếc; khai mở, giáo hóa, tạo nên những công đức lớn lao, chỉ rõ cánh cửa Không, giải thoát. Như đối với kẻ hiện đang tạo tác thì phải rủ lòng dẫn dạy, rộng tiếp mọi chúng sinh để tùy thuận hóa độ họ, thể hiện đức độ nhân ái, nhu hòa thù thắng, thông tỏ các hoàn cảnh thích nghi cùng với ngần ấy thứ loài. Nêu bày rõ về tâm Từ bi đó, không còn vướng mắc chuyện vui khổ, thể hiện lòng Từ bi thương xót đối với hết thảy, không hề lẫn tránh những trường hợp khó khăn, nguy kịch. Luôn thức tỉnh chúng sinh, giáo hóa thuận hợp với chánh pháp, tâm bố thí cứu giúp hiện bày khắp cõi đời, luôn hộ trì để đạt được thành tựu, ánh sáng của các pháp Anh lạc, không đâu là không tỏa sáng rạng rỡ. Lòng thương xót rộng lớn trùm khắp tất cả các loài, tế độ khiến họ đạt đến bờ giác ngộ. Chính điều ấy đã khiến cho có người chọn lấy cuộc sống ẩn dật xa lánh, tiêu trừ mọi nẻo mờ tối, khiến cho bóng tối hoàn toàn bị đẩy lùi. Dùng diệu lực của tinh tấn vô úy để thương xót, nuôi dạy hết thảy những ai lầm lỗi, đoạn trừ già, bệnh, cùng dứt các hành vi buông lung. Nơi bậc Đạo sư đi đến, nên theo đấy mà giáo hóa mọi người. Chốn dung nạp rộng lớn như biển cả nên luôn nghe ngóng để giúp đỡ kẻ khác. Khai mở, giáo hóa chúng sinh còn bị cuốn theo phiền não, khiến họ dứt mọi vọng tưởng. Nơi chốn sinh hoạt như hoa nhưng không tham đắm. Thông tỏ tất cả các pháp vốn thanh tịnh, tĩnh lặng. Đối với các giáo pháp được đem ra diễn giảng, luôn nêu rõ tính chất nhân duyên, chỗ tạo dựng gốc của mọi công đức nên cố gắng học hỏi để đạt đến. Do lòng thương tưởng đến bao nỗi khổ ở đời nên dốc chí dạy muôn loài. Như hư không chẳng thật, cũng không phải thật có. Thông tỏ các pháp thế gian như bọt nước, như trò huyễn thuật. Chúng sinh vì không tỉnh ngộ nên tham luyến không rời. Tuy ở nơi gia đình nhưng có thể lìa bỏ mọi nạn trong cuộc sống. Đạo nhãn thanh tịnh cũng như hoa sen. Thần thức lồng lộng, thật chẳng thể lường tính. Chính điều đó khiến cho các loài chúng sinh trong thế giới đều cùng ca ngợi mà chẳng rõ ngọn nguồn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Phổ Chiếu:

–Phàm an tọa nơi đạo pháp phải thông tỏ tính chất không khứ lai của các pháp. Nếu còn thấy có khứ lai thì còn vướng mắc trong vòng tưởng chấp. Phân biệt nhận rõ tội phước, cũng không dấy khởi tưởng diệt. Tất cả thảy đều tự nhiên, là không, không thực có. Mọi hình tướng hiện có đều không chủ thể, cũng không có gốc ngọn, đuôi đầu và cũng không do nguyện cầu mà có thể thu đạt được. Phải nên tự mình tiếp cận, lãnh hội các pháp theo chiều hướng ấy. Đó gọi là Bồ-tát hướng đến con đường giải thoát của các Bậc Giác Ngộ.

Lại phải nên nhận rõ các pháp ba đời, nhận biết rõ là không hai nẻo, không ta không người; cùng với các cảnh giới đều là hư vọng, không chốn có. Nếu nhận thấy có sự đi lại thì đó chính là các pháp của duyên khởi báo ứng. Không khởi không diệt nên thuận hợp với đạo pháp để giáo hóa. Tính toán nhận biết về thanh là có âm, nhưng âm không hình tượng. Phân biệt về văn tự thì thảy đều là không thực. Tất cả mọi ánh sáng thấu đạt ấy không gì là không thông suốt. Các pháp Anh lạc của Bồ-tát đều là chân thật, không hư dối, cũng không bị ngăn ngại, dứt trừ mọi che phủ thì thảy là không còn chốn ác. Như tạo lập mọi nơi chốn hiện bày là đều xuất phát từ chỗ ham muốn. Ví chẳng có tạo lập thì điều ấy thích ứng việc tu tập bố thí. Tâm luôn thận trọng để lìa bỏ những thứ khó lìa bỏ. Giữ vững lấy tâm ấy thì ứng hợp với giới luật. Thấu đạt các pháp là như thiên, không trụ cũng không cội rễ, chốn cõi. Phải siêng năng tu tập tư duy để kiến lập cảnh giới. Tinh tấn thiền định nhằm thu giữ ba nẻo thân, khẩu, ý. Ánh sáng trí tuệ tự chiếu tỏa, xua tan mọi thứ cấu uế. Đấy là trí diệu.

Này Bồ-tát Phổ Chiếu! Lại nhận biết thần thông với chốn đạt đến đã có sự báo ứng ấy, dùng Thiên nhãn đó thì liền có được những lãnh hội thấu triệt, thảy đều do dốc tu hạnh bố thí, giữ giới. Luôn thuận theo chánh kiến, không hề hủy hoại hay sai phạm. Tu tập các pháp Anh lạc nhằm đạt đến sự thấu đạt của Thiên nhĩ. Hành hóa luôn nhớ nghĩ để khuyến khích, hỗ trợ tạo nhân phát tâm Bồ-đề, hoặc lại thành tựu được những thần thông về nhận thức suy niệm. Nhớ nghĩ về đời quá khứ thảy đều là tự nhiên. Dốc lòng vì mọi loài chúng sinh mà vun công chứa đức. Mỗi người luôn tự chế ngự, tự trách về những điều chưa đạt được trong quá trình tu chứng. Đạt được thần thông, đem lại sự biến hóa vô tận. Lìa bỏ nẻo vướng chấp của thức nhờ các pháp thiền định tư duy. Luôn tạo sự bình đẳng theo đường bất nhị. Điều ấy sẽ giúp cho việc lãnh hội nhân duyên kết quả của mọi báo ứng. Dùng ánh sáng trí tuệ của thần thông để tiêu diệt bao thứ cấu nhiễm. Nhân từ pháp Tam-muội đó để tiếp cận thông suốt các pháp của Bậc Giác Ngộ mà hội nhập vào nẻo bất nhị, dứt sạch hết các pháp hữu lậu. Không đánh mất đạo tâm cùng khiến người tu tập đức hạnh, tăng thêm sự hâm mộ đối với các tập tục thế gian. Đức của sự bố thí là tuy có sự thi ân mà không hề mong cầu báo đáp, khiến cho vô số người vui thích với công việc của đạo pháp, có thể thông tỏ mọi sự việc, không gì là không thông suốt. Từ đấy có thể khiến phụng hành các pháp của Bồ-tát, thảy đều từ tinh tấn dứt bỏ biếng trễ mà có được. Thể hiện lòng Từ bi cứu giúp hết thảy muôn người khiến họ thành tựu trên con đường tu học. Vì nhằm đem lại lợi ích cho chúng sinh nên không hề tiếc cả thân mạng. Không tham đắm về bản thân cùng các thứ của cải châu báu. Nơi chốn sinh ra nhân đấy mà tôn phụng đạo nghĩa. Đối với chỗ mong cầu của những người đi trước cũng không nên ngờ vực. Không nên do dự trong việc dùng tín thí để tạo được văn tuệ. Các chốn hành hóa, trao truyền, giảng dạy thảy cùng nhằm đem lại tin tưởng, ích dụng. Như Lai là Bậc Chánh Giác Vô Thượng nên không gì có thể ngăn ngại. Mọi nẻo hành hóa luôn tịch tĩnh, dứt hết phóng dật. Nhẫn nhục bền vững, an vui với cuộc sống nhàn tĩnh.

Lại dốc lòng hóa độ chúng sinh, luôn tự trách về những điểm mình chưa đạt được. Thực hiện các pháp thiền định chánh thọ là cánh cửa giải thoát, xua sạch vọng động. Luôn sử dụng thần thông để đem lại sự vui thích cho chính mình.

Lại dùng ánh sáng vô tận của công đức tạo được sự thích nghi với mọi hoàn cảnh. Luôn nhận rõ tất cả chương đoạn, câu văn, nghĩa lý. Tiêu trừ hết sạch các mối lo lắng không còn nơi chốn chứa dấu. Luôn dốc tâm để khai mở con đường trí tuệ của Bậc Giác Ngộ. Chỉ rõ cho vô số người thấy được các quả của sự báo ứng. Luôn đầy đủ các đức, thể hiện sức dũng mãnh không vì chuyện xâm hại kẻ khác, hiểu rõ ba đời thảy đều không chốn có. Mọi sự việc của quá khứ, vị lai, hiện tại đều không hề tăng thêm hay giảm bớt, sau đó mới thích ứng cho việc tu tập Trí tuệ ba-la-mật. Có thể sử dụng bố thí để tự phát tâm Bồ-đề, mong muốn đem lại cho chúng sinh hết thảy mọi sự an lạc. Tự phá tan các thứ phiền não trói buộc, thân tâm thanh thản dứt mọi lo lắng. Nếu bị người dùng gậy gộc đánh đập thì thảy nên nhẫn nhục như mình. Gốc của mọi công đức luôn đầy đủ để tăng thêm sự dốc tâm tu tập các giáo pháp của Phật cùng khuyến trợ mọi chúng sinh cũng đi theo con đường ấy. Xuất gia học đạo, tự xem xét những sự việc xấu ác lộ rõ nơi tính chất bất định của muôn vật, thu giữ mọi nẻo ác để đạt được cứu cánh của sự tu tập. Nẻo hành hóa các nghiệp lành khiến tâm luôn được an vui, có được trí tuệ thâm diệu mà không mang lòng giận dữ. Dốc tin tưởng giữ gìn giới luật để tự đạt được các đức lành.

Lại đem thân hòa nhã, luôn biết hổ thẹn để khỏi bị lầm lạc. Luôn gắn bó với các chí nguyện cao xa thần diệu, không gần gũi với sự thô bạo dung tục. Nhớ nghĩ về địa ngục với bao nỗi thống khổ trong cảnh nước sôi lửa dữ. Ca ngợi mọi phước đức của chư Thiên nhận được với bao cảnh an lạc vô bờ. Dứt mọi âu lo để có được sự an nhiên tĩnh lặng, không còn trở lại nẻo tham dục. Như có chỗ thi ân giúp đỡ thì nên tự dứt bỏ ba thứ tưởng lầm xấu. Tâm không chỉ dựa cậy ở bên trong mà cũng không nhận lấy trần cảnh bên ngoài. Tu tập đạo pháp để dứt hết mọi thứ mong cầu, vin bám. Trí tuệ nhận rõ để tâm tự giác ngộ về diệu lý Không, Vô tướng, Vô nguyện. Từ đó kiến lập cánh cửa giải thoát, dứt trừ mọi thứ điên đảo để không còn chỗ nào bị chúng xâm chiếm, lôi cuốn. Đó gọi là các pháp Anh lạc của tâm Bồ-tát Phổ chiếu không còn chút tham đắm.

Ý ấy được bình đẳng, thấu đạt về không, về không gì mà không trùm khắp. Xua sạch mọi vọng tưởng, thực hiện đầy đủ sự bố thí, tâm ý luôn được điều phục để có tự tại an lạc. Nếu vì người mà thuyết giảng giáo pháp thì luôn gắn với diệu lý Không. Lòng từ bi thương xót tất cả, nẻo hành hóa không hề bị mất mát, hao tổn. Quan sát mọi chúng sinh về chỗ nhận thức và thọ nhận giáo pháp, biết rõ về căn tánh cùng chí hướng của họ để việc hóa độ, dẫn dắt được thuận hợp. Ở những nơi chốn du hóa luôn vì mọi người mà làm kẻ dẫn đường, tu tập theo đúng nẻo ánh sáng của Bậc Giác Ngộ để làm cho diệu nghĩa của đạo lý được hiển bày, với lòng Từ bi vô bờ là nhằm khai thị hóa độ bao người. Cũng luôn sử dụng diệu lực của các phương tiện quyền xảo đi vào trong các hàng ngoại đạo với những học thuyết khác nhau, thuận theo phép tắc của họ, kể cả việc tế tự nơi các đền đài, xem rõ chí hướng để nhân đó độ thoát họ, khiến cho các hàng Phạm chí dấy khởi phước đức vô lượng. Hoặc ở trong chốn đầy dẫy kẻ xấu ác, trộm cướp thì phải khéo léo dẫn dắt một cách ổn thỏa, thể hiện rõ hạnh tu tập của mình, duyên theo đó để hóa độ vô số chúng sinh. Ở từ thời xa xưa, công đức đã luôn đầy đủ, khiến mọi người trông thấy thảy đều vui mừng, không ai là không cung kính. Luôn tạo nên những trận mưa đạo pháp đầy vị cam lồ để diệt trừ mọi thứ phiền não, sân hận từng trói buộc chúng sinh. Như đối với các bậc tiền nhân đã đem ngần ấy phiền não đến để xâm phạm, hủy báng thì cũng không nên quá lo lắng, chán nản mà nên vì họ tuyên giảng, chỉ dẫn các pháp an nhiên tĩnh lặng, biết rõ chỗ dấy khởi ấy là chẳng phải chân thật.

Này Bồ-tát Phổ Chiếu! Như thế là chỗ tu tập của Bồ-tát đem lại sự trang nghiêm cho tâm ý. Nhờ đấy mà trong mọi nơi chốn du hóa của mình luôn có được an lạc, tự tại. Không thấy, không chấp vào chỗ an lạc, an lạc trong diệu lý “vô sở lạc”, lấy pháp tánh chân thực ấy mà đạt được sự an lạc trọn vẹn. Nhận biết rõ về căn bản các nẻo hướng đến của chúng sinh để từ đấy cứu độ họ, khiến vượt thoát được, không còn bị các thứ phiền não cấu nhiễm. Mọi tai họa nguy hại thảy đều được xua sạch hết. Luôn giữ gìn chế ngự tâm để có được bình đẳng như hư không, phân biệt bốn đại với mọi nẻo hưng khởi, hoại diệt nhằm giáo hóa chúng sinh mà giảng giải các điều ấy. Chỗ thuyết giảng luôn chân thật, chính đáng, không có sự yêu ghét riêng tư. Hàng phục và trừ bỏ hết thảy mọi tâm tà kiến, vững tâm tu tập các pháp Anh lạc, tức là giương cao ngọn cờ kiên cố với từng ấy các phẩm đạo pháp mà cùng tham dự trận chiến đấu. Cũng như vị tướng của một đạo quân đông đảo, dũng mãnh đã hàng phục được quân địch bên ngoài, khiến chúng quy thuận pháp luật. Như đi vào các tập tục ở đời để nêu bày giáo pháp thì luôn sẵn sàng giảng giải về việc giữ giới để có được phước báo sinh lên các cõi trời, mọi nẻo tạo tác về đức đều có báo ứng, dùng điều ấy để tế độ, đưa họ đến giải thoát.

Phàm là Bồ-tát, luôn tự mình thuận với các pháp Anh lạc, tâm từ lúc đầu chưa từng theo bạn xấu ác mà tỏ lời, về sau mới bảo toàn hạnh của bậc Đại sĩ. Tâm ý luôn giữ lấy thanh tịnh, trong lành, trọn dứt mọi phân chia ta tôi. Tâm luôn được giữ vững, an định như núi.

Từ đấy mọi nẻo hành hóa không hề thiếu sót hay thất tán. Trí tuệ trùm khắp lên tất cả, cũng như ánh trăng lúc mới tỏa chiếu, nếu ở nơi đại chúng thì không một ai có thể sánh kịp. Đó gọi là Bồ-tát tu tập các pháp Anh lạc tỏa chiếu đầy khắp hết thảy mọi lãnh vực.

Tỏ ngộ lẽ hư tịch, không, không chốn có, ngay nơi sinh ra luôn được thấy ánh sáng đạo pháp. Mọi hướng nghe ngóng, học hỏi liền được lãnh hội thấu đáo, dẫn tới việc thành tựu Phật đạo. Luôn nhớ nghĩ để giảng giải, nêu bày về những điểm cốt yếu của cội rễ các pháp môn. Tự kiến lập các nẻo hành hóa, không có nơi chốn nào bị xâm hại. Nhận ra bản tánh của các pháp là sinh diệt một cách như nhiên, vượt qua tám pháp ở đời không hề bị trở ngại, thân khẩu tâm ý chưa từng khinh xuất. Lại dùng trí tuệ phương tiện để cứu độ chúng sinh, nhất là hạng cùng khổ, nguy khốn, khiến họ được no đủ. Tâm luôn được giữ vững, an định như đất, không phạm phải ba thứ lỗi lầm. Mỗi ngày luôn tiến tới với đạo pháp, không buông lung, phóng túng, đạt được pháp không thoái chuyển, thể hiện sự kiên cố của tâm, không cần dấy khởi pháp nhẫn mà như luôn có nơi hiện tiền, đầy đủ mười lực vô úy, chánh quán giác đạo, xua trừ mọi phân biệt về tôi ta cùng ngã, nhân, thọ mạng. Tư duy để nhận rõ các pháp hữu vô, tạo được sự biến hóa cảm ứng đến vô lượng cõi Phật, tất cả đều từ thần thông mà có được tự tại.

Bồ-tát ở những nơi chốn tuyên giảng luôn nêu bày ngôn từ trang nghiêm, vượt trội hơn mọi thứ kiến thức nhưng không mong cầu được đáp lại. Tâm luôn hướng về đạo chân chánh, dứt mọi điên đảo. Có được biện tài thông suốt nên không hề bị vấp váp, ngừng trệ. Mọi nẻo lui tới đều đầy đủ khắp lượt mà không dấy tưởng tham đắm, dứt trừ tất cả mọi kết sử với lắm lớp buộc ràng cùng với bao loại kiêu mạn tự tại cũng đều bị diệt sạch hết, không chút sót sẩy. Âm thanh cùng tiếng vang ấy như tiếng sư tử rống lên. Lại cũng như tiếng sấm sét vang rền không ai là không nghe tiếng. Từ đó tạo lập một cách vững chắc để đạt tới cứu cánh cho đến khi diệt độ. Phát ra các đám mây Anh lạc vô bờ, diễn nói các pháp như tiếng sấm rền thúc giục, tỏa sáng như ánh điện chớp, mưa xuống các vị pháp giải thoát để tuyên giảng bảy thứ Giác ý. Luôn nhớ nghĩ đến chánh pháp thanh tịnh, không lìa Tam bảo. Tâm như vầng trăng sáng, không chút nhiễm ô, mọi nẻo qua lại đều thông tỏ, luôn gắn bó với chánh nghiệp, đầy đủ các hình tướng thù thắng của các pháp. Đó gọi là Bồ-tát tu tập các pháp Anh lạc tỏa chiếu mọi nơi chốn vô cùng tận. Luôn thông đạt nhanh nhạy các mức độ thiện thượng trung hạ và trung gian, đem lại ánh sáng rạng rỡ nhưng vẫn không đánh mất giới luật. Hằng sa các bậc Thánh giác ngộ trong đời quá khứ, tương lai, không bậc nào là không ca ngợi đức hạnh của các vị Bồ-tát ấy.

Này Bồ-tát Phổ Chiếu! Đấy chính là kho chứa các đạo phẩm diệu pháp của những bậc Hiền thánh, là các pháp môn châu báu nêu bày chẳng thể nào hết được.