LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử.
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 1: DUYÊN KHỞI

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đến ngụ tại khu rừng Chiết-lộ-ca, gần ấp huyện Ba Ba, nơi sinh sống của số đông các lực sĩ.

Bấy giờ, trong ấp huyện, tại thôn Đông Tây nơi các lực sĩ thường đến tụ họp vui chơi gọi là Ốt-bạt-nhã-ca-cựu-chế-đa, vừa mới xây xong một đài trang sức bằng ngọc quý. Nơi nầy chưa hề có một vị Sa-môn hay Bà-la-môn, lực sĩ nào đến ở và sử dụng các tiện nghi. Khi biết được Đức Thế Tôn cùng quý Tăng sĩ Bí-sô vừa đến ngụ nơi khu rừng gần đó, thì họ hết sức vui mừng, hội họp nhau lại và bàn: “Chúng ta vừa mới sửa sang xây dựng xong tòa đài đẹp tuyệt ấy. Vậy trước hết nên thỉnh Phật cùng các thầy Bí-sô có phước điền vô thượng đến ở tại đây. Nhân đó nghề nghiệp của chúng ta sẽ phát đạt, có bao nhiêu tiền bạc để chi dụng, do đó an ổn vui sướng, suốt đêm an giấc chẳng lo toan chi, như thế chẳng tốt lắm sao?”.

Các lực sĩ sau khi bàn luận xong, đều chiêu tập bạn bè và bà con quyến thuộc cùng ra khỏi ấp Ba Ba đến thẳng chỗ Như Lai. Đến nơi cùng lễ dưới chân Phật, đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi cùng ngồi sang một phía.

Bấy giờ, Đức Bạc-già-phạm dùng lời lẽ hiền hòa dịu dàng thăm hỏi an ủi các lực sĩ và bà con quyến thuộc của họ, lại đem đủ các pháp môn mầu nhiệm để chỉ bày dạy bảo, và khích lệ khen ngợi hết sức vui vẻ. Khi nói xong thì Đức Phật im lặng ngồi yên.

Đám người lực sĩ khi nghe Đức Phật nói pháp xong thì vui mừng hớn hở, liền đứng dậy và chấp tay cung kính cùng bạch Phật:

– Lực sĩ chúng con, trong ấp nầy thường đến tụ tập vui chơi ở thôn Đông Tây nơi Ốt-bạt-nhã-ca-cựu-chế-đa, vừa mới xây dựng một đài trang sức bằng ngọc quý, nhưng chưa có vị Sa-môn hay Bà-la-môn và các lực sĩ nào đến ở đó cả. Nay mong Thế Tôn thương xót chúng con, Ngài hãy cùng quý vị đệ tử đến ở nơi ấy, khiến chúng con được nhiều lợi ích, luôn được an ổn hạnh phúc.

Khi ấy, Đức Như Lai thương xót họ liền đem chúng đệ tử đến ở tại đây. Nhân đấy Ngài dùng pháp âm vi diệu vì các lực sĩ giảng nói những sự sai khác của quả báo bố thí, hỏi qua đáp lại mãi đến đêm xuống đã lâu. Đám người lực sĩ cùng số quyến thuộc được nghe pháp hết sức vui mừng đồng lễ Phật rồi ra về.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-tử:

– Lưng Ta khá đau, cần phải nghỉ ngơi. Vậy thầy hãy thay Ta giảng nói các pháp thiết yếu cho chúng Bí-sô, chớ nên bỏ phí thời giờ vô ích.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-tử yên lặng vâng lời. Bấy giờ, Đức Phật liền dùng bốn lớp Ốt-đát-la-tăng trải làm ngọa cụ, xếp y làm gối rồi thẳng mình chồng chân nằm nghiêng về hông mặt, thâu giữ tâm đúng pháp nhập quang minh tưởng. Trong khi nhập định vẫn đầy đủ các niệm chánh tri nhưng tâm thì yên lặng vững vàng, bất động như ngọn núi Đại Bảo.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử bảo chúng Bí-sô:

– Vùng đất Ba Ba nầy trước đây có một vị Đạo sĩ, giữa chốn đông người đã tự phong mình là bậc Tôn sư. Sau khi người ấy qua đời chưa đầy một tháng thì các hàng đệ tử bày ra việc kết bạn thành từng đôi một. Cả hai người mãi phân vân tranh cãi nhau, có khi lại miệt thị chê bai dữ dội. Ai nấy tự bảo chỉ mình là kẻ thông suốt giáo luật của thầy mà không phải là ai khác. Chỉ có mình hiểu rõ luật pháp ấy thì lời phán quyết của mình mới đúng lý hợp nghi thức. Sự việc nầy đối với các ông là dứt phần. Thế là những điều thầy, dạy ai nấy tự cho là của riêng mình, tự tiện đổi trước ra sau, hoặc thêm hoặc bớt, phân chia chi li vụn vặt và lập thành nhiều môn phái khác nhau. Rồi tranh giành ngôi vị hơn thua, nên khích bác, tranh luận. Để tránh lỗi lầm, khó khăn, họ càng chê bai, bài xích lẫn nhau. Tuy có tranh luận, nhưng không bàn về đạo lý mà chỉ phun ra những dao mác bén nhọn để tàn hại nhau. Những kẻ tín đồ bạch y tin theo đạo đó thấy đám đệ tử tranh chống nhau như thế liền nổi giận, khinh bỉ bỏ đi.

Tôn giả Xá-lợi-tử lại bảo đại chúng:

– Ông Đạo sĩ ở thôn Ba Ba lìa thân tộc ấy chủ trương: Nói ác là phải chịu khổ, chẳng thể ra khỏi (giải thoát), chẳng thể đạt đến chánh giác. Đây là pháp hư hoại không thể đạt đến, không thể nương nhờ. Trái lại Đức Như Lai bậc Chánh Đẳng Giác, là vị Đại sư của chúng ta, có giáo pháp chủ trương: Nói thiện được thiện, luôn được giải thoát, xuất ly, có thể đạt đến giác ngộ hoàn toàn (chánh giác), là pháp chẳng hư hoại, có thể đạt tới, có chỗ nương nhờ. Chúng ta hiện nay được nghe những giáo pháp Phật nói, hiện Ngài đang còn sống đây, hãy hòa hợp kết tập lại thành pháp Tỳ-nại-da. Chớ nên để sau khi Như Lai nhập Niết-bàn rồi thì có việc đệ tử đệ tử tranh cãi chống đối nhau. Trái lại ta sống rất hòa thuận, siêng năng tuân giữ các pháp luật phạm hạnh thanh tịnh. Thương xót hàng trời, người ở thế gian, khiến họ thọ hưởng được nhiều phước báo an lạc thù thắng.