KINH ĐẠI LÂU THÁN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Sa-môn Pháp Lập và Pháp Cự
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 1: DIÊM-PHÙ-LỢI

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật cùng với chúng Đại Tỳ-kheo hai ngàn năm trăm vị du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xávệ.

Lúc bấy giờ, sau giờ thọ thực, chúng Tỳ-kheo tập hợp tại giảng đường, cùng nhau ngồi bàn luận:

–Thật là lạ lùng chưa từng có! Trời đất này hình thành như thế nào và hoại diệt như thế nào?

Từ xa, Đức Phật nghe rõ lời nói ấy của các Tỳ-kheo, sau giờ thọ thực, cùng ngồi bàn luận tại giảng đường. Đức Phật liền đứng dậy đi đến giảng đường, ngồi xuống, rồi hỏi các Tỳ-kheo:

–Các thầy đang tập hợp để bàn luận việc gì?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Sau bữa cơm, chúng con tập hợp tại giảng đường, cùng bàn luận: “Thật lạ lùng chưa từng có! Trời đất hình thành như thế nào và hoại diệt như thế nào?” chỉ cùng nhau bàn luận việc đó mà thôi. Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các vị có muốn nghe Như Lai nói để biết về thời kỳ hình thành và hoại diệt của trời đất không?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Nay đã đến lúc, xin Đấng Thiên Trung Thiên vì các Tỳ-kheo chúng con nói cho biết về thời kỳ thành, hoại của đất trời. Tỳ-kheo chúng con nghe lời Phật dạy, sẽ phụng trì.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ! Nay Ta vì các ông mà nói.

Các Tỳ-kheo bạch:

–Bạch Thế Tôn, chúng con rất muốn nghe để biết.

Phật dạy:

–Này các Tỳ-kheo, nếu khi một mặt trời, mặt trăng xoay vần chiếu sáng bốn châu thiên hạ, thì bốn ngàn thiên hạ ở thế giới đó, có một ngàn mặt trời, mặt trăng, có một ngàn núi chúa Tu-di, có bốn ngàn thiên hạ, bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn cung rồng lớn, bốn ngàn đại Kim sí điểu (chim lớn cánh vàng), bốn ngàn đường ác, bốn ngàn đường ác lớn, bảy ngàn các loại cây lớn, tám ngàn các loại núi lớn, một vạn các loại địa ngục lớn, gọi đó là một Tiểu thiên thế giới bằng một ngàn Tiểu thế giới. Một ngàn Tiểu thiên thế giới như vậy thì gọi là Trung thiên thế giới. Một ngàn Trung thiên thế giới như vậy thì gọi là Tam thiên thế giới. Sự thành, hoại thiêu hủy hết, gọi đó là một cõi Phật.

Phật dạy:

–Này các Tỳ-kheo, cõi đất ấy rộng sáu trăm tám mươi vạn dotuần, biên giới vô hạn; cõi đất đó ở trên nước, nước đó rộng bốn trăm sáu mươi vạn do-tuần, biên giới không giới hạn, ngăn ngại; gió lớn giữ nước, gió đó trải rộng hai trăm ba mươi vạn do-tuần, biên giới không giới hạn.

Này các Tỳ-kheo, biển lớn đó sâu tám trăm bốn mươi vạn dotuần, biên giới không bờ, không đáy.

Này các Tỳ-kheo, núi Tu-di ăn sâu xuống biển lớn tám vạn bốn ngàn do-tuần, cao cũng tám vạn bốn ngàn do-tuần, phía dưới hẹp, trên hơi rộng, trên đỉnh bằng phẳng. Đủ bốn chủng loại chúng sanh ở trên đó, đầy ấp không có chỗ trống; các đại tôn thần cũng ở trên đó, các tôn thần lại tôn một vị thần lớn, tất cả đều ở trên đó. Cung trời Đao-lợi ở trên núi Tu-di. Qua khỏi trời Đao-lợi, trên đó có cõi Diệm thiên; qua khỏi cõi Diệm thiên, có trời Đâu-suất; trên cõi trời Đâu-suất, có trời Ni-ma-la; qua khỏi trời Ni-ma-la, trên đó có trời Ba-la-ni-mật-hòa-da-việt-trí; qua khỏi đó, trên có trời Phạm-cadi; qua khỏi cõi trời ấy, trên có cõi Thiên ma. Cung điện của cõi đó rộng, dài hai mươi bốn vạn dặm, cung điện có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp đường đi, bảy lớp hàng cây; chung quanh đều dùng bảy báu: vàng, bạc, pha lê, lưu ly, mã não, chơn châu đỏ, xa cừ chạm trổ vô cùng đẹp đẽ. Vách vàng cửa bạc, vách bạc cửa vàng; vách lưu ly cửa pha lê, vách pha lê cửa lưu ly; vách chơn châu đỏ cửa mã não, vách mã não cửa chơn châu đỏ; vách xa cừ cửa bằng các báu. Trang trí tuyệt đẹp, dùng toàn bảy báu: Lan can bằng vàng, trụ bằng vàng thì bậch thang bằng bạc, lan can bằng bạc, trụ bằng bạc thì bạch thang bằng vàng; lan can bằng lưu ly, trụ bằng lưu ly thì bậc thang bằng pha lê; lan can bằng pha lê, trụ bằng pha lê, thì bậc thang bằng lưu ly; lan can bằng chơn châu đỏ, trụ bằng chơn châu đỏ, thì bậc thang bằng mã não; lan can bằng mã não, trụ bằng mã não thì bậc thang bằng chơn châu đỏ; lan can bằng xa cừ, trụ bằng xa cừ thì bậc thang dùng tất cả vật báu để làm. Đường bằng vàng thì lề đường bằng bạc; đường bằng bạc thì lề đường bằng vàng; đường bằng lưu ly thì lề đường bằng pha lê; đường bằng pha lê thì lề đường bằng lưu ly; đường bằng chân châu đỏ thì lề đường bằng mã não; đường bằng mã não thì lề đường bằng chơn châu đỏ; đường bằng xa cừ thì lề đường bằng tất cả vật báu. Cây, gốc, thân bằng vàng thì cành, lá, hoa, quả bằng bạc; cây, gốc, thân cây bằng bạc thì cành, lá, hoa, quả bằng vàng; cây, gốc, thân cây bằng lưu ly thì cành, lá, hoa, quả bằng pha lê; cây, gốc, thân cây bằng pha lê thì cành, lá, hoa, quả bằng lưu ly; cây, gốc, thân cây bằng chơn châu đỏ thì cành, lá, hoa, quả bằng mã não; cây, gốc, thân cây bằng mã não thì cành, lá, hoa, quả bằng chơn châu đỏ; cây, gốc, thân cây bằng xa cừ thì cành, lá, hoa, quả bằng tất cả vật báu. Trang trí tuyệt đẹp, đều dùng bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não. Trên cửa có mái che, trên lan can có đường đi, dưới lầu có vườn, có nhà. Đất mát sanh các loại hoa, các loại cây, các loại lá. Các loại hoa sum suê, tỏa ra các mùi thơm; các loại chim bay, loại nào cũng hót lên tiếng thương yêu.

Qua khỏi cõi Thiên ma, trên có trời Phạm-ca-di; qua khỏi trời Phạm-ca-di, trên có trời A-vệ-hóa; qua khỏi đó, trên có trời Thủ-bìcân; qua khỏi cõi ấy, có trời Tỷ-hô-phá; qua khỏi đấy thì có trời Vô nhân tưởng; qua khỏi cõi ấy có trời A-hòa; rồi đến trời Đáp-hòa; đến cõi trời Tu-đạt-xưng; trời Tu-đà-thi; trời A-ca-ni-trá; trời A-yếtthiền; trời Thức tri; trời A-nhân; trời Vô hữu tư tưởng diệc bất vô tưởng. Cho đến ở trên cõi đó có loài người; sanh, già, bệnh, chết, không vượt qua khỏi số phận như thế.

Phật dạy:

–Tỳ-kheo, tường thành của núi chúa Tu-di làm bằng bốn báu:

lưu ly, pha lê, vàng, bạc. Phía Bắc núi chúa Tu-di có cõi tên là Uấtđơn-việt, mỗi mặt rộng dài bốn mươi vạn dặm, bốn phương bằng phẳng. Phía Đông núi chúa Tu-di có cõi tên là Phất-vu-đãi, mỗi mặt rộng dài sáu mươi vạn dặm, chu vi tròn đầy. Phía Tây núi chúa Tu-di có cõi tên là Câu-da-ni, mỗi mặt rộng dài ba mươi hai vạn dặm, như hình bán nguyệt. Phía Nam núi chúa Tu-di có cõi tên là Diêm-phùlợi, mỗi mặt rộng dài hai mươi tám vạn dặm. Bắc rộng, Nam hẹp, hông phía Bắc của núi chúa Tu-di, ánh thiên kim chiếu sáng cõi phương Bắc. Hông phía Đông của núi chúa Tu-di, ánh thiên ngân chiếu sáng cõi phương Đông. Hông phía Tây của núi chúa Tu-di, có ánh pha lê cõi trời chiếu sáng cõi phía Tây. Hông phía Nam của núi chúa Tu-di, ánh lưu ly cõi trời chiếu sáng cõi phía Nam. Cõi phương Bắc có cây tên là Ngân hành, vòng thân hai trăm tám mươi dặm, cao bốn ngàn dặm, cành lá tỏa ra hai ngàn dặm. Cõi phía Đông có cây lớn tên là Điều hành, vòng thân hai trăm tám mươi dặm, cao bốn ngàn dặm, cành lá tỏa ra hai ngàn dặm. Cõi Câu-da-ni có cây tên là Cân hành, vòng thân hai trăm tám mươi dặm, cao bốn ngàn dặm, cành lá tỏa ra hai ngàn dặm; trên cây ấy có con trâu đá, cao bốn mươi dặm. Cõi Diêm-phù-lợi có cây tên là Diêm-phù, cao bốn ngàn dặm, vòng thân hai trăm tám mươi dặm, cành lá tỏa ra hai ngàn dặm. Kim sí điểu vương và rồng có cây tên là Câu-lợi-đàm, cao bốn ngàn dặm, vòng thân hai trăm tám mươi dặm, cành lá tỏa ra hai ngàn dặm. A-tu-luân có cây tên là Thiện trú quá độ, cao bốn ngàn dặm, vòng thân hai trăm tám mươi dặm, cành lá tỏa ra hai ngàn dặm. Phía Bắc của biển lớn có cây tên là Diêm, cao bốn ngàn dặm, vòng thân hai trăm tám mươi dặm, cành lá tỏa ra hai ngàn dặm. Cõi phía Bắc, trong khu đất bao la có rừng cây tên là Am, mỗi mặt dài rộng hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Diêm-phá, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Đa, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Na-đa, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Nam, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Nữ, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Tiểu nhi, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Bách, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Chiên đàn, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Khư-bát, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Bannại, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Tỷ-la, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Đại lợi, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Nại, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là An thạch lựu, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Sao-la, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Pha-pha, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Pha-long, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là A-ma-lặc, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là A-lệ-lặc, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Tỳ-ê-lặc, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là vi, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Trúc, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Tha-la, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Hiệp-la, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Qua, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Đại qua, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Thoát hoa, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Dục pha, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Tu nữ hoa, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Bì-la, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Hòa sư, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Da-di, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Đầu tiên, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm; lại có rừng cây tên là Bồ đào, mỗi mặt rộng dài hai ngàn dặm.

Qua khỏi đó là vùng đất trống; trên vùng đất trống ấy, lại có ao hoa Ưu-bát hai ngàn dặm, ao hoa sen hồng hai ngàn dặm, ao hoa sen trắng hai ngàn dặm, ao hoa sen vàng hai ngàn dặm, ao hoa sen xanh hai ngàn dặm.

Qua khỏi đó rồi, là vùng đất trống, trên vùng đất trống đó có biển Uất thiền, từ phương Đông và phương Tây chảy vào biển lớn. Trong biển Uất thiền ấy, thấy dấu vết của Chuyển luân vương quan sát thiên hạ, có dấu tích của Chuyển luân vương hiện ra khi du hành.

Phía Bắc của biển Uất thiền có núi tên là Uất-đơn-gia.

Phật dạy:

–Này các Tỳ-kheo, núi ấy rất vui, cây cối xinh tươi, sanh lá, trổ hoa, ra quả rất thơm tho, chỗ nào cũng có thú và chim, không có thứ gì khác.

Phật dạy:

–Này các Tỳ-kheo, núi Uất-đơn-gia đó rất vui, đẹp đẽ, cao vòi vọi. Núi Uất-đơn-gia có núi nhỏ tên là Tu-đát-na, núi này có tám vạn cái hang, có tám vạn con voi ở trong đó, bảy ngày ăn một bữa, có sáu cái răng, trên to, dưới nhỏ, khoảng giữa răng nanh và răng thường, có vàng trám kín.

Qua khỏi núi Tu-đát-na, có núi tên là Đông vương rất cao, hơn một ức, phần trên núi đó cao bốn ngàn dặm. Trên núi ấy, có ao tên là A-na-đạt, rộng, dài hai ngàn dặm, cát dưới đáy đều là vàng, nước mát lạnh, êm ả, trong suốt, dùng bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não làm bờ; bốn phía ao có tường; dưới đáy cũng có bài trí bảy lớp lan can, bảy lớp hàng cây, bao bọc xung quanh; đường đi bằng bảy báu, phối trí đẹp đẽ. Ao của Long vương A-nậu-đạt, bốn phía ao có thềm; thềm bằng vàng thì bậc thang bằng bạc, thềm bằng bạc thì bậc thang bằng vàng; thềm bằng lưu ly thì bậc thang bằng pha lê; thềm bằng pha lê thì bậc thang bằng lưu ly; thềm bằng chơn châu đỏ thì bậc thang bằng mã não, thềm bằng mã não thì bậc thang bằng chơn châu đỏ; thềm bằng xa cừ thì bậc thang bằng bảy báu. Trên thềm có mái che, có lan can, có đường đi qua lại, có lầu. Trong ao đó, có hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng, hoa sen vàng; cũng có loại hoa màu lửa, màu vàng ròng, màu xanh, màu hồng, màu đỏ, màu trắng vây quanh. Hoa lớn như bánh xe, cọng lớn như trục bánh xe, nếu chích vào thì nhựa chảy ra như mùi sữa, vị ngọt như mật. Cung của Long vương A-nậu-đạt ở trong ao đó, tên là Bát-xà-đâu. Long vương A-nậu-đạt ở trong ấy. Long vương này có những gì quý? Vì sao gọi là Long vương A-nậu-đạt? Trừ Long vương A-nậu-đạt, các Long vương khác trong thiên hạ, đều bị ba sức nóng thiêu đốt, Long vương A-nậu-đạt không bị ba sức nóng thiêu đốt. Lại nữa, ngoài Long vương A-nậu-đạt, còn các Long vương khác trong thiên hạ đều bị cát nóng rơi trên thân, thiêu đốt cháy vảy; vảy cháy rồi, thiêu đốt da; thiêu đốt da rồi, thiêu đốt gân; thiêu đốt gân rồi, thiêu đốt xương; thiêu đốt xương rồi, thiêu đốt tủy; bị thiêu đốt rất thống khổ; trừ Long vương A-nậu-đạt, các Long vương khác đều bị nóng, riêng Long vương A-nậu-đạt thì không bị nóng. Vì vậy gọi là A-nậu-đạt. Đó là việc thứ nhất.

Lại nữa, trừ Long vương A-nậu-đạt, các Long vương khác trong thiên hạ, khi khởi lên việc dâm dục, hướng đến nhau, thì bị gió nóng thổi đến trên thân, thiêu đốt thân rồng, liền mất nhan sắc, trở thành thân rắn, thật là kinh khủng, không vui! Các Long vương khác trong thiên hạ, trừ A-nậu-đạt, đều bị nóng, riêng Long vương A-nậu-đạt không bị nóng, vì vậy, gọi là A-nậu-đạt. Đó là việc thứ hai.

Lại nữa, các Long vương trong thiên hạ, trừ Long vương A-nậuđạt, các Long vương khác đều bị các Kim sí điểu vương xông vào cung điện, tất cả đều sợ bị ăn thịt. Nếu Kim sí điểu khởi ý nghĩ muốn xông vào cung của Long vương A-nậu-đạt, thì liền lại nghĩ sẽ tự chuốc lấy vô số tai biến vào thân. Trừ Long vương A-nậu-đạt, các Long vương khác trong thiên hạ, đều bị sức nóng dữ dội ấy, chỉ riêng

Long vương A-nậu-đạt thì không bị nóng, vì vậy gọi là A-nậu-đạt. Đó là việc thứ ba. Do ba sự việc này, nên gọi là Long vương A-nậuđạt.

Phía Đông có con sông lớn, một dòng chảy xuống, chia thành năm trăm nhánh sông khác, chảy quanh Long vương A-nậu-đạt, rồi chảy về hướng Đông vào biển lớn; phía Nam Long vương A-nậu-đạt, có dòng sông lớn tên là Hòa-xoa, chia thành năm trăm nhánh sông khác, chảy quanh Long vương A-nậu-đạt, rồi chảy vào biển lớn phía Nam; phía Tây Long vương A-nậu-đạt có dòng sông lớn, tên là Tínđà, chia thành năm trăm nhánh sông khác, chảy quanh Long vương A-nậu-đạt, rồi vào biển lớn phía Tây; phía Bắc Long vương A-nậuđạt, có dòng sông lớn, tên là Tư đầu, chia thành năm trăm nhánh sông khác, chảy quanh Long vương A-nậu-đạt, rồi vào biển phía Bắc. Phía Nam núi Đông vương có nước tên là Duy-da-ly; phía Bắc Duy-da-ly có bảy ngọn núi đen, phía Bắc núi đen có bảy vị tiên Bàla-môn ở đó, một là Cơ-cơ-du, hai là Thí-nê-lê, ba là Uất-đơn, bốn là Thiên, năm là Ca-xà, sáu là Ưu-đa-la, bảy là Ba-bi-đầu. Có núi tên là Hòa-đàm-ma. Qua khỏi bảy vị tiên Bà-la-môn, ở phía Bắc có núi tên là Càn-đàm-ma-ha-thuật, trong có hai cái hang, cái thứ nhất tên là Họa, cái thứ hai tên là Thiện, đều dùng bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não, tạo thành, tô điểm mịn màng như áo lụa. Phía Bắc hang Họa có cây lớn tên là Thiện trú, có tám ngàn cây lớn vây quanh. Dưới cây lớn Thiện trú, có voi chúa tên là Thiện trụ ở dưới, có tám ngàn con voi đi vòng chung quanh; phía Bắc cây lớn Thiện trú có ao tắm tên là Ma-na-ma được làm bằng bảy báu: vàng, bạc, pha lê, lưu ly, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não; bên bờ hào có tám ngàn ao tắm bao bọc chung quanh, nước trong các ao ấy đều mát lạnh, êm, đẹp, trong trẻo, cát dưới đáy đều là vàng, dùng bảy báu: vàng bạc, pha lê, lưu ly, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não làm bảy lớp lan can, bảy lớp đường đi, bảy lớp hàng cây, bao bọc chung quanh. Cái ao ấy tuyệt đẹp. Lan can bằng vàng, trụ bằng vàng thì bậc thang bằng bạc; lan can bằng bạc, trụ bằng bạc thì bậc thang bằng vàng; lan can bằng lưu ly, trụ bằng lưu ly thì bậc thang bằng pha lê; lan can bằng pha lê, trụ bằng pha lê thì bậc thang bằng lưu ly; lan can bằng chơn châu đỏ, trụ bằng chơn châu đỏ thì bậc thang bằng mã não; lan can bằng mã não, trụ bằng mã não thì bậc thang bằng chơn châu đỏ; lan can bằng xa cừ, trụ bằng xa cừ thì bậc thang bằng tất cả vật báu. Đường bằng vàng thì lề đường bằng bạc; đường bằng bạc thì lề đường bằng vàng; đường bằng lưu ly thì lề đường bằng pha lê; đường bằng pha lê thì lề đường bằng lưu ly; đường bằng chơn châu đỏ thì lề đường bằng mã não; đường bằng mã não thì lề đường bằng chơn châu đỏ; đường bằng xa cừ thì lề đường bằng tất cả vật báu, đều dùng bảy báu tạo thành, rất đẹp. Cây, cành, gốc bằng vàng thì thân, lá, hoa, quả bằng bạc; cây, cành, gốc bằng bạc thì thân, lá, hoa, quả bằng vàng; cây, gốc, cành bằng lưu ly thì thân, lá, hoa, quả bằng pha lê; cây, gốc, cành bằng pha lê thì thân, lá, hoa, quả bằng lưu ly; cây, gốc, cành bằng chơn châu đỏ thì thân, lá, hoa, quả bằng mã não; cây, gốc, cành bằng mã não thì thân, lá, hoa, quả bằng chơn châu đỏ; cây, gốc, cành bằng xa cừ thì thân, lá, hoa, quả bằng tất cả vật báu; dùng bảy báu tạo thành bốn mặt chung quanh ao Ma-na-ma, rất đẹp. Dùng bảy báu: vàng, bạc, pha lê, lưu ly, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não làm thềm vàng, bậc thang bạc; thềm bạc, bậc thang vàng; thềm pha lê, bậc thang lưu ly; thềm lưu ly, bậc thang pha lê; thềm chơn châu đỏ, bậc thang mã não; thềm mã não, bậc thang chơn châu đỏ; thềm xa cừ, bậc thang bằng tất cả vật báu; dùng bảy báu làm rất đẹp. Trên thềm có mái cong che; trên lan can có đường đi; dưới lầu có vườn, nhà, có ao tắm, cây cối sanh ra các loại hoa, các loại quả, tỏa ra các mùi thơm; trong đó cá các loài chim bay, cùng hót lên tiếng thương yêu. Trong ao Ma-na-ma, có hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen trắng, hoa sen đỏ; trong đó có cái màu hồng, cái màu vàng ròng, cái màu xanh, cái màu vàng, cái màu đỏ, cái màu trắng, đủ các loại màu xen lẫn; các loài hoa vây quanh ấy lớn như bánh xe, cọng của các loài hoa ấy lớn như trục bánh xe. Chích vào hoa ấy thì nhựa của nó chảy ra như sữa, vị nó như mật. Voi chúa Thiện trụ khi khởi ý nghĩ muốn vào trong ao tắm rửa cho thỏa thích, thì liền nghĩ đến tám ngàn voi chúa khác. Khi ấy tám ngàn voi chúa đó nói: “Voi chúa Thiện trụ đã nghĩ đến chúng ta”, liền cùng nhau đến trước chỗ voi chúa Thiện trụ ở. Khi ấy voi chúa Thiện trụ cùng với tám ngàn voi chúa đi đến ao Ma-na-ma. Trong đàn voi, có con cầm lọng, cầm quạt đi vòng chung quanh. Giữa lúc ấy, có con voi rất hăng say tên là Cơ-na ở trước ca múa, biểu diễn các loại nhạc hay.

Khi ấy voi chúa Thiện trụ vào trong ao Ma-na-ma tắm rửa, diễn các loại nhạc hay, cùng nhau vui chơi thỏa thích. Trong đàn voi, có con rửa vòi, miệng cho voi chúa; có con rửa ngà, đánh răng; có con gội đầu, có con kỳ lưng; có con rửa bụng, có con rửa bắp vế, có con rửa đầu gối; có con rửa chân, có con rửa đuôi; có con nhổ gốc hoa, rửa để cho voi chúa ăn, có con lấy vòi quấn lấy hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng xoa lên đầu voi chúa.

Bấy giờ, voi chúa Thiện trụ tắm rửa thoái mái, ăn uống xong, liền đến dưới bóng cây Thiện trú; đến lượt tám ngàn con voi chúa lần lượt vào ao đó để tắm rửa, tấu lên các loại nhạc hay, cùng nhau ăn uống thỏa thích, rồi cùng nhau quay về chỗ voi chúa Thiện trụ.

Lúc ấy voi chúa Thiện trụ cùng với đông đủ tám ngàn voi chúa, trước sau vây quanh, trở lại bên cây Thiện trú. Trong đàn voi đó, có con cầm lọng che cho voi chúa, có con cầm quạt quạt; phía trước có tấu nhạc hay và ca múa. Về đến khu rừng Thiện trú, voi chúa đứng, nằm, đi lại tùy thích; tám ngàn voi chúa khác, mỗi con cũng tùy ý đứng nằm, đi lại nơi khu rừng cây ấy theo ý muốn. Trong tám ngàn cọi cây của đàn voi, có cây chu vi bốn trượng, chín thước; có cây chu vi năm trượng, sáu thước; có cây chu vi sáu trượng, ba thước; có cây chu vi bảy trượng, bảy thước; có cây chu vi tám trượng, bốn thước; có cây chu vi chín trượng, một thước; có cây chu vi chín trượng, năm thước; có cây chu vi mười một trượng, hai thước. Cội cây của voi chúa Thiện trụ, chu vi của thân mười trượng, chín thước. Khi cành lá của tám ngàn cây ấy rơi rụng, thì gió liền thổi sạch. Lúc tám ngàn voi chúa ấy đại tiểu tiện, thì các quỷ thần dọn sạch.

Phật dạy:

–Này các Tỳ-kheo, voi chúa Thiện trụ oai thần tôn quý, lớn lao đến như thế, loài súc sanh say máu mà còn được như vậy!