SỐ 224
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: ĐẠO HÀNH

Đức Phật ngự trong núi Kỳ-xà-quật gần thành La-duyệt-kỳ cùng với các vị đại Tỳ-kheo đông không kể xiết. Các đệ tử như Tôn giả Xá-lợi-phất, Tu-bồ-đề… và vô số các vị Đại

Bồ-tát như Bồ-tát

Di-lặc, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi…

Bấy giờ nhằm ngày rằm thuyết giới, Đức Phật bảo Tubồ-đề:

–Hôm nay là ngày hội lớn của Bồ-tát, ông hãy thuyết pháp Bát-nhã ba-la-mật cho các Bồ-tát để họ tu học.

Xá-lợi-phất thầm nghĩ: “Hôm nay nếu Tôn giả Tu-bồ-đề thuyết pháp Bát-nhã ba-la-mật cho các Bồ-tát thì đó là do tự sức của Tôn giả hay là nhờ oai thần của Phật?”

Tu-bồ-đề biết ý nghĩ của Xá-lợi-phất, liền nói với Xálợiphất:

–Đệ tử của Phật đâu dám tự ý thuyết pháp, pháp được tuyên thuyết đều nhờ vào oai thần của Phật. Vì sao? Vì pháp Phật nói, y vào đó tu học đều có chứng đắc. Rồi đều y theo pháp ấy lần lượt truyền dạy cho nhau để đều được chứng đắc. Trong Chánh pháp, không bao giờ có tranh cãi. Vì sao? Vì lúc nghe thuyết pháp không ai tự cảm thấy không thích thú. Thiện nam, thiện nữ nên theo đó mà tu học.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Phật bảo con thuyết pháp Bát-nhã ba-la-mật cho các Bồ-tát. Bồ-tát phải theo pháp này tu học để được thành tựu. Phật bảo con nói với Bồ-tát nhưng với Bồ-tát mà có danh tự tức là chấp trước vào Bồ-tát. Có danh tự tức chẳng phải là danh tự, thì làm sao trong pháp này có danh tự gọi là Bồ-tát, mà thật ra hoàn toàn không thấy có pháp gọi là Bồ-tát. Pháp Bồ-tát và danh tự Bồ-tát hoàn toàn không có, cũng không thấy có Bồ-tát, cũng không thấy có pháp của Bồ-tát thì làm sao có Bồ-tát để dạy Bát-nhã ba-la-mật! Bồ-tát nghe nói pháp Bát-nhã ba-la-mật này mà tâm không chán ngán, không kinh, không khiếp, không ghét, không sợ thì Bồ-tát phải nghĩ là học như thế, phải nghĩ là trụ như thế. Hễ người vào trong pháp này, thì tâm chẳng nên nghĩ mình là Bồ-tát. Vì sao? Vì có tâm tức là chẳng phải tâm.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Vì sao có tâm tức là chẳng phải tâm?

Tu-bồ-đề đáp:

–Vì tâm cũng chẳng có, cũng chẳng không, cũng chẳng thật có, cũng chẳng biết được chỗ trụ.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Vì sao tâm cũng chẳng có, cũng chẳng không, cũng chẳng thật có, cũng chẳng biết được chỗ trụ. Như vậy cũng chẳng có, cũng chẳng không, cũng chẳng có “có tâm”, cũng chẳng không “không tâm”?

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng thế, cũng chẳng có “có tâm”, cũng chẳng không “không tâm”.

Xá-lợi-phất khen:

–Hay thay, Tu-bồ-đề! Người học vì muốn thành Phật mà học Phật thì không thể không nghe nói đến bậc trụ trí tuệ thân không (Tu-bồ-đề), vì Tôn giả là người bậc nhất thuyết pháp về trí tuệ thân không. Bồ-tát từ trong pháp này được không thoái chuyển (A-duyviệt trí). Người nào học pháp Không này thì chẳng bao giờ còn đánh mất Bát-nhã ba-la-mật. Như vậy là do Bồ-tát đã trụ trong Bát-nhã ba-la-mật. Người muốn học pháp A-la-hán thì phải nghe Bát-nhã bala-mật, phải học tập, phải thọ trì. Người muốn học pháp Bích-chiphật thì phải nghe Bát-nhã bala-mật, phải học tập, phải thọ trì. Người muốn học pháp Bồtát thì phải nghe Bát-nhã ba-la-mật, phải học tập, phải thọ trì. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu nên Bồ-tát cần phải học.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Con nghĩ kỹ, vì tâm của Bồ-tát chẳng thật có, cũng chẳng thể biết chỗ trụ, cũng chẳng thể thấy nó ở đâu, cho nên Bát-nhã ba-lamật của Bồ-tát chẳng thể nói, danh tự Bồtát cũng chẳng thể nói. Bồ-tát không có chỗ trụ, hoàn toàn không thật có, cũng không ra, cũng không vào, cũng không trụ, cũng không dừng. Vì sao? Vì danh tự Bồ-tát hoàn toàn không thật có, không trụ, không dừng. Bồ-tát nghe nói Bátnhã ba-la-mật-đa như thế, tâm không chán ngán, không kinh, không khiếp, không ghét, không sợ. Vì bước vào quả vị không thoái chuyển nên biết không còn lui sụt.

Bồ-tát tu thực hành Bát-nhã ba-la-mật không trụ trong sắc, không trụ trong thống dương (thọ), tư tưởng, sinh tử (hành), thức. Vì sao? Vì trụ trong sắc là tu hành bằng vọng thức, trụ trong thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức là tu hành bằng vọng thức. Chẳng nên tu hành bằng vọng thức. Nếu trụ trong đó, nghĩa là chẳng tuân theo lời dạy của Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì tu hành bằng vọng thức, nên chẳng tu thực hành Bát-nhã ba-lamật. Bồ-tát chẳng tu thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì chẳng đắc trí Nhất thiết trí.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát phải tu thực hành Bát-nhã ba-la-mật như thế nào để đắc Bát-nhã ba-la-mật?

Tu-bồ-đề đáp:

–Bồ-tát tu thực hành Bát-nhã ba-la-mật không chấp sắc, không chấp thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức. Chẳng chấp sắc tức là không sắc, chẳng chấp thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức tức là không có thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức. Cả Bát-nhã ba-la-mật cũng không chấp. Vì sao không chấp? Vì như bóng không thật có, không thật có nên không chấp. Bồtát tu thực hành Bát-nhã ba-lamật, không chấp tất cả danh tự, vì thế Tam-muội không có hai bên, không có chính giữa. Các bậc A-la-hán, Bích-chi-phật không thể sánh bằng.

Lại nữa Xá-lợi-phất! Bồ-tát không chấp trí Nhất thiết trí. Vì sao? Vì Bồ-tát không nên mang ý tưởng thấy trí Nhất thiết trí, dù nghĩ muốn thấy cũng không bao giờ thấy được, thì cũng như đạo nhân khác chẳng tin trí Nhất thiết trí. Vì sao? Vì họ chấp có thân. Giả sử vị đạo nhân ấy tin Phật. Tin Phật rồi, phản lại tiểu đạo để vào trong Phật đạo. Hễ vào trong Phật đạo rồi thì người ấy chẳng còn chấp, nghĩa là chẳng chấp sắc, thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức. Chẳng chấp rồi nhưng cũng chưa hiểu, vẫn chưa thành tựu, cũng chẳng thấy trí này, nghĩa là chẳng thấy trí này ở nơi sắc bên trong, cũng chẳng thấy trí này ở nơi sắc bên ngoài, cũng chẳng thấy trí này ở chỗ khác, cũng chẳng thấy trí này ở nơi thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức bên trong, cũng chẳng thấy trí này ở nơi thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức bên ngoài, cũng chẳng thấy trí này ở chỗ khác, cũng chẳng nhờ pháp khác mà được giải thoát. Vì học được Phật pháp mới rõ biết là nhờ pháp này mà được giải thoát, rồi cho rằng: Pháp này đồng với Nê-hoàn. Bồ-tát chớ làm như thế, đừng thấy pháp từ bên trong, bên ngoài, rồi nói là đồng với Bát-nhã ba-la-mật. Tất cả đều không nhận theo thì ai là người đắc pháp, không nắm không buông, cũng không có ý tưởng về Nê-hoàn, vì thế Bồ-tát cũng không chấp cả Bát-nhã ba-la-mật, cũng không chấp sắc, thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức, cũng chẳng ở giữa chừng mà Bátnêhoàn thì ắt đầy đủ mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng của Phật. Bồ-tát đã tu thực hành Bát-nhã bala-mật thì phải thấy điều gì? Và Bát-nhã ba-la-mật này trụ ở đâu? Pháp Bát-nhã ba-lamật này hoàn toàn không thật có, hoàn toàn không thể biết chỗ trụ, thế nên Bồ-tát phải nghĩ rằng: “Bồ-tát nào nghe Bát-nhã ba-la-mật này mà không chán ngán, không kinh, không hãi, không ghét, không sợ thì biết Bồ-tát ấy không lìa Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát cần phải biết rõ như vậy.”

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát do đâu hiểu Bát-nhã ba-la-mật? Có phải là do sắc lìa ngay nơi sắc; thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức lìa ngay nơi thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức; Bát-nhã ba-la-mật lìa chính Bát-nhã ba-la-mật hay không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Đúng thế!

Xá-lợi-phất khen:

–Hay thay, Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát lìa các pháp ấy thì liền tự đạt đến trí Nhất thiết trí.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng thế! Bồ-tát lìa các pháp ấy liền tự đạt đến trí Nhất thiết trí. Vì sao? Vì trí Nhất thiết trí không từ đâu sinh, cũng không từ đâu ra. Bồ-tát như vậy mau gần thành Phật. Bồ-tát tu thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì không ngăn cách với trí Nhất thiết trí.

Xá-lợi-phất nói:

–Vị Bồ-tát tinh tấn nói như vầy: Nếu như hành sắc tức là hành tưởng (chấp tướng), sinh sắc hành tức là hành tưởng, quán sắc hành tức là hành tưởng, diệt sắc hành tức là hành tưởng, không sắc hành tức là hành tưởng, thức hành lập ra vì muốn thủ đắc, ấy là hành tưởng, hành thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức tức là hành tưởng, sinh thức hành tức là hành tưởng, quán thức hành tức là hành tưởng, diệt thức hành tức là hành tưởng, không thức hành tức là hành tưởng. Bồ-tát này vì hành tưởng và chấp lấy cái hành ấy nên chẳng thâu giữ được Bát-nhã ba-la-mật, nghĩa là chẳng thực hành Bát-nhã ba-lamật. Nếu Bồ-tát muốn thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì đừng có hành tưởng (chấp tướng).

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật như thế nào? Tu-bồ-đề đáp:

–Chẳng hành sắc, chẳng sinh hành, chẳng quán sắc hành, chẳng diệt sắc hành, chẳng không sắc hành, chẳng hành thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức chẳng sinh thức hành, chẳng quán thức hành, chẳng diệt thức hành, chẳng không thức hành. Chẳng hành sắc, chẳng hành sắc tưởng, chẳng hành sắc sinh, chẳng hành sắc quán, chẳng hành thức diệt, chẳng hành thức không, cũng không chấp, cũng không hành, cũng không chấp hành, không chấp không hành, không cũng không hành, cũng không đình chỉ hành, như vậy là không chấp. Vì sao? Vì tất cả pháp không từ đâu đến cũng không bị mang đi đâu. Đại Bồ-tát không chấp danh tự đối với tất cả pháp danh tự, vì thế Tam-muội không có hai bên, không có chính giữa, các vị A-la-hán, Bích-chi-phật không thể biết đến. Đại Bồ-tát tu theo Tammuội này chóng được thành Phật.

Tu-bồ-đề nương nhờ oai thần của Phật nói lời này:

–Bồ-tát đều được mang danh tự không thoái chuyển, được Đức Phật quá khứ thọ ký thành Phật, tu theo Tam-muội này, nhưng cũng chẳng chấp Tam-muội, cũng chẳng có ý tưởng về Tam-muội, cũng chẳng cho là Tam-muội, cũng chẳng nhớ về Tam-muội, cũng chẳng nghĩ là trụ Tam-muội, cũng chẳng nói là Tam-muội của tôi. Người đã tu theo pháp này thì không có nghi.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Làm thế nào để tu theo Tam-muội này? Bồ-tát đã được mang danh tự không thoái chuyển, được Đức Phật quá khứ thọ ký thành Phật có thể thấy được chỗ trụ của Tam-muội này không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Không thể thấy được. Này Xá-lợi-phất! Thiện nam tử cũng chẳng biết cũng chẳng hiểu.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Vì sao chẳng biết, chẳng hiểu?

Tu-bồ-đề đáp:

–Cũng không đắc Tam-muội, cũng không có Tam-muội, cũng không có danh tự Tam-muội.

Đức Phật dạy:

–Hay thay, này Tu-bồ-đề! Như ta đã nói ông là người khéo trụ nơi trí tuệ thân không. Ông nói như thế là vì các Bồ-tát, là vì thuận theo giáo pháp Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát học như thế tức là học Bát-nhã ba-la-mật.

Xá-lợi-phất bạch Đức Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bồ-tát học như thế tức là học Bát-nhã ba-la-mật.

Xá-lợi-phất hỏi Đức Phật:

–Học như thế là học pháp nào?

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát học như thế là học pháp không có gì để học. Vì pháp vô sở đắc, đừng ngu si như trẻ con học.

Xá-lợi-phất thưa:

–Ai có thể đắc pháp này?

Đức Phật dạy:

–Không có đắc, do thế mà đắc pháp vô sở đắc. Đừng ngu si như trẻ con học, cho rằng có giả danh thì chẳng thể đắc mà muốn học tập pháp này thì đúng là mang hai lớp ngu si, cũng chẳng biết, cũng chẳng hiểu, cũng chẳng rõ pháp. Vì sao? Vì học danh tự cũng là sắc, vì muốn đắc pháp này thế nên không rõ pháp sở niệm, cũng chẳng chứng pháp này, vì không hiểu, không tin nên không trụ trong pháp này, rồi nói là có thân, vì thế ngu si như trẻ con học.

Xá-lợi-phất bạch Đức Phật:

–Bồ-tát học như thế là chẳng học pháp nào cả! Đức Phật dạy:

–Học như thế là chẳng học pháp nào cả! Phật chẳng học như thế mới chính là học, nên Phật được thành Phật. Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Nếu có người hỏi: Người huyễn hóa có tu học thì họ có thể chứng đắc Phật quả và thành Phật không? Hoặc hỏi phải lấy pháp nào để chỉ dạy họ?

Đức Phật dạy:

–Ta hỏi lại ông, tùy ý ông đáp. Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao, huyễn cùng sắc có khác nhau không, huyễn cùng với thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức có khác nhau không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, vâng! Huyễn không khác sắc.

Sắc là huyễn, huyễn là sắc. Huyễn không khác thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức. Đức Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào, có phải là theo năm ấm khởi vọng tưởng không đúng pháp đặt ra giả danh Bồ-tát không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Đúng thế, bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bồ-tát tu học muốn thành Phật chỉ cần học huyễn mà thôi. Vì sao? Vì người huyễn phải tu học pháp huyễn, nghĩa là phải tu học năm ấm sắc thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức như huyễn, sáu suy (sáu căn) như huyễn, nói là chỉ có giả danh, gọi là năm ấm, sáu suy.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Có Bồ-tát mới học nào nghe lời dạy này mà không sợ hãi chăng?

Đức Phật dạy:

–Nếu Bồ-tát mới học mà gặp phải thầy ác và theo học với thầy ác thì có sợ hãi. Còn nếu Bồ-tát mới học gặp được thầy lành và theo học với thầy lành thì không sợ hãi.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Ai là thầy ác của Bồ-tát? Và làm sao biết được? Đức Phật dạy:

–Thầy ác là người không tôn trọng Bát-nhã ba-la-mật, bảo người lìa bỏ tâm Bồ-tát, trở lại dạy học các tạp kinh, ưa thích các tạp kinh, còn dạy học các kinh nói về đạo pháp A-lahán, Bích-chi-phật và khuyến khích đọc tụng. Hoặc nói việc ma, ma, nhân đó làm hư hỏng Bồ-tát. Hoặc đem những nỗi nhọc nhằn khổ sở trong sinh tử nói ra để chứng tỏ đạo Bồ-tát không thật có.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Ai là thầy lành của Bồ-tát? Làm sao biết được? Đức Phật dạy:

–Thầy lành là người tôn trọng Bát-nhã ba-la-mật, luôn luôn dạy người khiến cho việc học thành tựu và nói việc ma để Bồ-tát hiểu biết mà phòng hộ.

Tu-bồ-đề thưa hỏi Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Vì sao gọi là Bồ-tát? Thế nào là đúng nghĩa Bồ-tát?

Đức Phật dạy:

–Người nào học và hiểu biết các kinh pháp, biết rõ hết các kinh pháp, thì được gọi là Bồ-tát.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Người hiểu biết rành rẽ hết các kinh pháp nên được gọi là Bồ-tát. Vì sao còn gọi là Ma-ha-tát?

Đức Phật dạy:

–Ma-ha-tát nghĩa là bậc cao quý nhất trong hàng trời, người.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Con cũng thích nghe nói vì sao gọi là Ma-ha-tát?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Nếu ông thích nghe, Phật sẽ vì ông nói. Ma-ha-tát nghĩa là người tự thấy rõ hết, tự biết rõ hết mọi điều ở khắp mười phương của người trong thiên hạ, biết tuổi thọ của người, biết có ác hay không ác, vui hay không vui, có chí hay không chí, hiểu rõ căn tánh của họ mà thuyết pháp nhưng không chấp trước, thế nên gọi là Ma-ha-tát.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Con xin hỏi về Ma-ha-tát. Vì sao gọi là Ma-ha-tát? Giả sử tâm Bồ-tát này không có ai sánh bằng, không có tâm nào có thể bì kịp thì tâm của các vị A-la-hán, Bích-chi-phật không thể sánh bằng. Tâm Phật cũng vậy, là tâm không chấp trước, tâm không ra, không vào. Nếu tâm Phật không ra, không vào là tâm không chấp trước, nên được gọi là Ma-ha-tát, cao tột không có ai sánh bằng.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Vì sao tâm của Bồ-tát không chấp trước?

Tu-bồ-đề đáp:

–Vì tâm không sinh nên không chấp trước?

Bân-kỳ-văn-đà-phất (Mãn Từ Tử) bạch Phật:

–Vì sao gọi Bồ-tát vì mọi người mà mặc áo giáp đại công đức phát tâm hướng đến Đại thừa?

Phật nói:

–Đúng thế! Bồ-tát vì mọi người mà mặc áo giáp đại công đức, phát tâm hướng đến Đại thừa.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Vì sao Bồ-tát vì mọi người mà mặc áo giáp đại công đức? Do đâu mà biết Đại Bồ-tát vì mọi người mà mặc áo giáp đại công đức? Đức Phật dạy:

–Tâm của Đại Bồ-tát nghĩ thế này: “Ta phải độ vô lượng, vô biên người khiến cho họ đều Bát-nê-hoàn. Bát-nê-hoàn như thế mà trong pháp ấy không thấy có một người nào được Bát-nê-hoàn. Vì sao? Vì vốn là không. Ví như nhà huyễn thuật biến hóa ra hai tòa thành lớn ở chỗ đất trống và biến hóa ra người đầy trong thành, rồi chặt đầu hết những người được biến hóa ra ấy. Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, trong hai thành đó, có người bị tử thương chăng?

Tu-bồ-đề đáp:

–Bạch Thế Tôn, không!

Đức Phật dạy:

–Đại Bồ-tát độ vô lượng, vô biên người, khiến họ đều Bát-nêhoàn mà không thấy có một người nào được Bát-nêhoàn. Bồ-tát nào nghe lời nói này mà không kinh, không sợ, không giận, không bỏ đi theo đạo khác, thì biết đó là Bồ-tát vì mọi người mà mặc áo giáp đại công đức.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Như con đã được nghe lời Phật dạy, con nghĩ: “Bồ-tát không vì mọi người mà mặc áo giáp đại công đức. Vì sao? Bồtát làm như thế, vì trí Nhất thiết trí không tạo tác, mọi người cũng không tạo tác, thì Bồ-tát vì ai mà mặc áo giáp đại công đức! Sắc không nhiễm, không buộc, không mở.

Bân-kỳ-văn-đà-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Sắc không nhiễm, không trói, không mở; thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức cũng không nhiễm, không trói, không mở là nghĩa gì?

Tu-bồ-đề đáp:

–Sắc không nhiễm, không trói, không mở; thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức cũng không nhiễm, không trói, không mở. Bân-kỳ-văn-đà-phất hỏi:

–Thế nào là sắc không nhiễm, không trói, không mở? Thế nào là thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức cũng không nhiễm, không trói, không mở?

Tu-bồ-đề nói với Bân-kỳ-văn-đà-phất:

–Vì sắc như huyễn nên không nhiễm, không trói, không mở. Vì thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức như huyễn nên không nhiễm, không trói, không mở. Vì vô biên nên không nhiễm, không trói, không mở, ví như hư không không nhiễm, không trói, không mở. Thế nên Đại Bồ-tát mặc áo giáp đại công đức.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Vì sao phát tâm hướng đến Đại thừa? Thế nào là Đại thừa? Đại thừa trụ ở đâu? Đại thừa từ đâu ra? Ai là người thành tựu Đại thừa?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đại thừa không có chính giữa, không có hai bên. Tu-bồ-đề hỏi Phật:

–Con muốn biết Đại thừa từ đâu ra? Từ ba cõi mà ra và trụ vào trí Nhất thiết trí hay cũng không từ trong ba cõi sinh ra, không có sinh ra lại ở vị lai. Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Vì sao? Đức Phật dạy:

–Nếu đã sinh ra rồi mà vị lai còn sinh lại nữa thì thành ra có hai pháp. Giả sử có hai pháp thì không thật có pháp Đại thừa. Nếu không đắc pháp Đại thừa thì do pháp nào mà đi ra khỏi ba cõi.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Đại thừa có nghĩa là người nào trụ trong ấy thì trong trời người không có ai sánh bằng. Đại thừa rộng lớn bằng hư không. Như hư không che chở vô lượng, vô số người, Đại thừa cũng che chở vô lượng, vô số người, nên gọi là Đại thừa. Đại thừa nghĩa là chẳng thấy có đến, cũng chẳng thấy có đi, cũng chẳng thấy chỗ trụ, cũng chẳng thấy có chính giữa và hai bên, cũng chẳng thuộc thấy nghe, cũng không phải là đối tượng để thấy, cũng không thấy ở ba cõi. Bạch Đức Thiên Trung Thiên, vì thế cho nên gọi là Đại thừa. Đức Phật dạy:

–Hay thay, này Tu-bồ-đề! Vì thế gọi là Đại thừa.

Bân-kỳ-văn-đà-phất bạch Phật:

–Đức Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề thuyết Bát-nhã ba-lamật, nhưng nay vì sao Tôn giả lại nói Đại thừa?

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Tu-bồ-đề nói các nghĩa của Đại thừa phải chăng không trái với Bát-nhã ba-la-mật? Đức Phật dạy:

–Nếu nói các nghĩa Đại thừa không trái với Bát-nhã bala-mật là nói đúng với Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bồ-tát cũng không nghĩ quá khứ, vị lai, hiện tại. Vì sắc vô biên nên Bồ-tát cũng vô biên. Sắc cùng với Bồ-tát không thể nắm, không thể bắt. Tất cả Bồ-tát không thể nắm, không thể bắt, thì chỗ nào là Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát? Phải từ đâu mà nói Bồ-tát đều không thể thấy, cũng không thể biết chỗ nơi? Phải từ đâu mà nói Bát-nhã ba-la-mật khiến Bồ-tát được gọi trở lại là Bồ-tát?

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Tại sao nghĩ rằng chỉ là giả danh mà thôi? Thế nào là ý? Ý không có chỗ nơi, ý không có hình tướng hay ý vốn là pháp có hình tướng. Thế nào là sắc? Sắc chẳng thể được thấy, cũng không có thân thì trong pháp này chỗ nào có sắc! Thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức chẳng thể được thấy, Bồ-tát cũng chẳng thể được thấy. Bồtát và thức (năm ấm) hoàn toàn không biết chỗ nơi cũng chẳng thể thấy. Tất cả Bồ-tát hoàn toàn không có chỗ nơi, hoàn toàn không thể thấy, thì chỗ nào là Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát? Như vậy nói Bồ-tát đều chẳng thể được thấy, cũng chẳng thể biết chỗ nơi, hoàn toàn không thật có thì phải từ trong pháp nào mà thuyết Bát-nhã ba-la-mật, thế nên giả danh gọi là Bồtát.

–Đúng thế, đúng thế! Tưởng về giả danh cũng không có, giả danh cũng không có tưởng thì chỗ nào là ý? Cái gì được đặt tên là ý? Đến chỗ gốc thì ý này sinh, ý thì không có tướng, do đâu mà biết thức không thật có. Nắm đến gốc thì cũng không có đối tượng bị nắm thì do đâu có thức? Tướng của pháp như thế, tướng cũng không có gốc. Nếu như tướng không có gốc thì pháp cũng không có ai tạo tác, cũng không có gốc. Pháp vốn không có gốc thì từ đâu mà thuyết pháp. Bát-nhã ba-la-mật cũng không khác, cũng không có gốc.

Pháp của Bồ-tát cũng vô sở đắc. Nếu có người nào hành đạo Bồ-tát, nghe lời nói này mà không kinh, không sợ, không ghét, thì biết đó chính là người thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Người thực hành Bát-nhã ba-la-mật cần phải suy nghĩ chín chắn như vậy. Ngay lúc ấy chẳng nhập vào sắc. Vì sao? Vì sắc không sinh tức là chẳng phải sắc. Nếu như vậy chẳng phải sắc tức là không có sắc, cũng không có sinh. Từ trong pháp này mà vô sở đắc thì gọi là bổn vô (chân như) ở trong pháp sắc. Bổn vô này là pháp mà Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật phải nhận thấy, là pháp mà Bồ-tát phải tư duy thâm nhập. Bấy giờ Bồ-tát cũng không nhập vào thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức. Vì sao? Vì thức không sinh tức là chẳng phải thức, cũng chẳng ra từ trong thức, cũng chẳng vào từ trong thức.

Pháp này hoàn toàn không thật có.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề:

–Tôi nghe Tôn giả thuyết pháp, nói rằng Bồ-tát hoàn toàn chẳng sinh. Nếu Bồ-tát hoàn toàn chẳng sinh thì Bồ-tát đâu cần tu các hạnh khổ của đạo Bồ-tát, đâu cần vì mọi người ở khắp mười phương mà tu các hạnh khổ khó làm?

Tu-bồ-đề đáp lời Xá-lợi-phất:

–Tôi cũng không cho rằng có Bồ-tát tu các hạnh khổ khó làm. Lúc hành đạo Bồ-tát, Bồ-tát tự nghĩ: “Ta không xem đây là hạnh khổ khó làm.” Vì sao? Vì tâm Bồ-tát chẳng nên nghĩ rằng: “Ta nhẫn chịu các khổ khó làm.” Tâm Bồ-tát chưa từng có ý nghĩ như thế và cũng đừng nên nghĩ như thế. Vì muốn làm cho vô lượng, vô số người an ổn nên nghĩ họ như cha, như mẹ, như con, như bản thân không khác, thường nên xót thương nghĩ đến họ. Bồ-tát phải gìn giữ tâm như thế. Tất cả Bồ-tát chẳng thấy, cũng chẳng biết chỗ nơi. Pháp bên trong, pháp bên ngoài cũng vậy. Phải nghĩ như thế, phải làm như thế. Bồtát làm như thế chẳng cho là nhẫn chịu các khổ. Này Xá-lợiphất, giả sử nói như thế, thì chẳng thấy Bồ-tát có sinh, vì Bồtát thì không sinh.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề:

–Giả sử Bồ-tát không sinh, trí Nhất thiết trí cũng không sinh.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng thế, trí Nhất thiết trí không sinh.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề:

–Giả sử nói như thế về Bồ-tát, nghĩa là Bồ-tát chẳng thấy sinh vì Bồ-tát không sinh.

Xá-lợi-phất nói tiếp với Tu-bồ-đề:

–Giả sử Bồ-tát không sinh thì trí Nhất thiết trí cũng không sinh.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng thế, trí Nhất thiết trí không sinh.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề:

–Giả sử trí Nhất thiết trí không sinh cho đến đắc Thiền cũng không sinh.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng thế, cho đến đắc Thiền cũng không sinh.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề:

–Trong pháp này, Bồ-tát không sinh. Vì Bồ-tát không sinh nên trí Nhất thiết trí cũng không sinh. Vì pháp trí Nhất thiết trí không sinh, nên cho đến đắc Thiền đầy đủ cũng không sinh. Cho đến đắc pháp Thiền cũng không sinh, ấy là Bồ-tát vô sở đắc, là trí Nhất thiết trí vô sở đắc.

Tu-bồ-đề nói:

–Pháp không sinh đắc không sinh, cũng đắc pháp không sinh, cũng chẳng phải không đắc không sinh.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề:

–Giả sử chẳng phải không có không sinh đắc pháp không sinh, vì thế nên đắc pháp không sinh.

Tu-bồ-đề nói:

–Giả sử pháp không sinh mà sinh thì lại chẳng phải là không sinh, vì thế nên đắc không sinh.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề:

–Này Tu-bồ-đề! Giả sử không sinh chẳng phải là không sinh, thế nên, thưa Tôn giả, không sinh mới là không sinh.

Tu-bồ-đề nói với Xá-lợi-phất:

–Không sinh là không sinh khởi sự thích nghe. Này Xálợiphất! Không sinh sự ưa thích nên gọi là thích.

Tu-bồ-đề nói với Xá-lợi-phất:

–Không khởi sự sinh nghe tức là nghe.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề: – Nghe lời nói đó.

Tu-bồ-đề nói với Xá-lợi-phất:

–Chẳng phải không có lời nói, ấy là nói mà không nói, ấy là thích mà không thích, cho nên nói, cho nên thích. Xá-lợi-phất khen:

–Hay thay, này Tu-bồ-đề! Tôn giả là người bậc nhất trong hàng đệ tử thuyết pháp. Vì sao? Vì Tôn giả Tu-bồ-đề đã tùy theo câu hỏi mà đáp.

Tu-bồ-đề nói với Xá-lợi-phất:

–Việc thuyết pháp khắp mười phương của đệ tử Phật cũng không biết người được giáo hóa từ đâu lại, cứ tùy theo điều hỏi mà giải đáp. Vì sao? Vì pháp trong mười phương cũng không biết từ đâu sinh.

Xá-lợi-phất nói:

–Hay thay, này Tu-bồ-đề! Tôn giả từ trong pháp nào độ Bồtát?

Tu-bồ-đề đáp:

–Từ trong Bát-nhã ba-la-mật-đa sinh. Khi nghe nói pháp này hoặc khi được đọc pháp này, Bồ-tát tin hiểu, không nghi. Bồtát phải biết dù có theo thì pháp này cũng chẳng thêm, hay dù không theo thì pháp này cũng chẳng giảm.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề:

–Theo thì pháp này cũng chẳng thêm, không theo thì pháp này cũng chẳng giảm. Theo pháp này dạy mọi người. Ai theo pháp này thì đều trở thành Đại Bồ-tát không sót người nào.

Vì sao? Vì mọi người đều học pháp này mà pháp này vẫn tiếp tục như cũ.

Tu-bồ-đề nói:

–Hay thay! Tôn giả Xá-lợi-phất! Việc lý giải này đúng như lời Tôn giả nói, không khác. Vì sao? Vì phải quán niệm kỹ càng về thân người, phải thấu rõ như vầy: Thân người có ngần ấy thứ rỗng không thì ý niệm cũng có ngần ấy thứ rỗng không. Biết thân người thật khó biết rõ thì ý niệm của nó cũng thật khó biết rõ.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát cần phải học như thế, cần phải hành như thế.