SỐ 200
SOẠN TẬP KINH MỘT TRĂM TRUYỆN NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt chi
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: BỒ-TÁT THỌ KÝ

1- Truyện Bà-La-Môn Mãn Hiền Thỉnh Phật Từ Xa

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương xá.

Bấy giờ, ở phương Nam có một vị Bà-la-môn tên Mãn Hiền, là người có vô lượng tài bảo nhiều không thể tính kể, có thể ngang bằng với trời Tỳ-sa-môn. Ông là người có đức tin hiền thiện, bản tánh đằm thắm mềm mỏng, tự làm lợi ích cho mình và cho người, thương xót chúng sinh như mẹ thương con. Đối với ngoại đạo, Mãn Hiền mở các hội lớn, dọn bày nhiều món ngon, thường cúng dường trăm ngàn người ngoại đạo, mong được sinh lên cõi trời Phạm thiên.

Bấy giờ Mãn Hiền có một người bạn thân từ thành Vương xá, đến nước này, tới chỗ Mãn Hiền, khen ngợi tất cả công đức của Phật, Pháp, Tăng:

–Có bậc tiếng tăm vang xa, tam đạt trùm khắp, được gọi là Bà-già-bà. Hiện giờ Ngài ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà ở thành Vương xá, được Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩnla-na, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân, quốc vương, trưởng giả và dân chúng đều cúng dường, tôn trọng, khen ngợi sự tu tập của Ngài có ý vị  hoàn hảo và nhiệm mầu trùm khắp thế giới. Tất cả chúng sinh đều kính trọng và thương mến.

Mãn Hiền nghe bạn khen ngợi công đức của Phật, sinh tâm kính tin, bèn lên lầu cao, tay cầm hương hoa, quỳ thẳng chắp tay, từ xa kính thỉnh Đức Thế Tôn mà nói như vầy:

Nay, nếu Đức Như Lai thật có công đức, xin hãy khiến cho mùi hương do con đốt bay tỏa khắp thành Vương xá và hoa con rải đây sẽ biến thành lọng hoa trong hư không ngay trên đảnh Đức Phật.

Khi Bà-la-môn Mãn Hiền phát lời thệ như thế xong, hương hoa liền bay đến biến thành lọng hoa ngay trên đảnh Đức Phật; khói hương phủ khắp thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả A-nan thấy sự biến hóa đó, liền bước ra bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, mây hương ấy từ đâu bay đến?

Đức Phật bảo A-nan:

–Ở phương Nam có một quốc gia tên là Kim địa, quốc gia ấy có vị trưởng giả tên là Mãn Hiền từ xa đã kính thỉnh Ta và chư Tỳ-kheo Tăng. Ta sẽ đến quốc gia ấy thọ Mãn Hiền cúng dường, các thầy đều hãy tự nương vào thần thông đến quốc gia ấy thọ thỉnh.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, nương hư không đến quốc gia ấy. Cách đền thờ không xa, Đức Phật dùng thần lực che khuất một ngàn Tỳ-kheo, chỉ hiện một mình Ngài tay cầm bình bát, đến chỗ Mãn Hiền.

Nghe Đức Phật đến, trưởng giả Mãn Hiền dẫn năm trăm đồ chúng mỗi người đều bưng trăm món ăn uống dâng lên Đức Như Lai.

Mãn Hiền thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm ngàn mặt trời, khoan thai nhẹ bước, oai nghi trang nghiêm. Mãn Hiền bước đến lễ dưới chân Phật, bạch:

–Lành thay! Thưa Thế Tôn, cúi xin Ngài rủ lòng Từ bi thương xót, hôm nay xin Phật thọ nhận các vật thực cúng dường của chúng con.

Phật bảo Mãn Hiền:

–Nếu ông muốn cúng dường, hãy bỏ thực phẩm vào bát này.

Mãn Hiền và trăm đồ chúng, mỗi người đều tự tay bỏ thức uống ăn mà mình mang theo vào bát Phật, nhưng bỏ mãi vẫn không đầy, mọi người đều cho là kỳ lạ.

Nhờ thần lực này mà tâm mọi người liền được điều phục, bát của ngàn vị Tỳ-kheo cũng đều đầy thức ăn; các Tỳ-kheo bỗng nhiên lại hiện ra và nhiễu quanh Đức Phật, Thế Tôn.

Lúc ấy trưởng giả khen là việc chưa từng có, liền gieo năm vóc sát đất, phát thệ rộng lớn:

–Nguyện nhờ công đức căn lành cúng dường này, ở đời vị lai nếu có chúng sinh đui mù tối, con nguyện làm cho họ được mắt sáng; chúng sinh không nơi nương tựa, con nguyện làm nơi nương tựa; chúng sinh không ai cứu giúp, con nguyện cứu giúp họ; chúng sinh chưa giải thoát, con nguyện làm cho họ được giải thoát; chúng sinh chưa an ổn, con nguyện làm cho họ được an ổn; chúng sinh chưa vào Niết-bàn, con nguyện cho họ được vào Niết-bàn.

Trưởng giả phát lời nguyện ấy xong, Phật mỉm cười. Từ khuôn diện Ngài phát ra ánh sáng năm màu, chiếu soi khắp thế giới, lại biến thành rất nhiều màu sắc, ánh sáng này nhiễu Phật ba vòng, rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bước ra bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến cho Như Lai mỉm cười như vậy.

Cúi mong Đức Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Phật bảo A-nan:

–Nay ông có thấy trưởng giả Mãn Hiền cúng dường Ta không?

Ngài A-nan bạch:

–Vâng. Bạch Thế Tôn, con có thấy.

–Trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp nữa ở đời vị lai, Mãn Hiền sẽ đầy đủ Bồ-tát hạnh, tu tâm đại bi, tròn đủ sáu Ba-la-mật, sẽ được thành Phật hiệu là Mãn Hiền, hóa độ chúng sinh nhiều không thể hạn lượng, vì vậy mà Ta mỉm cười.

Lúc Phật nói về việc nhân duyên của Mãn Hiền, trong đại chúng có người chứng quả Tu-đà-hoàn, có người chứng Tư-đà-hàm, có người chứng quả A-na-hàm, có người chứng quả A-la-hán, có người phát tâm Bích-chi-phật, cho đến có người phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


2- Truyện Nàng Danh Xưng Thỉnh Phật

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại giảng đường Trùng các, bên bờ sông Di hầu, thành Tỳ-xá-ly.

Bấy giờ Đức Phật đắp y, ôm bát dẫn các Tỳ-kheo vào thành khất thực, lần lượt đến nhà trưởng giả Sư Tử. Trưởng giả có người con dâu tên là Danh Xưng. Danh Xưng thấy thân tướng uy nghiêm của Phật có rất nhiều, tướng hảo, trang nghiêm, nàng bèn hỏi mẹ chồng:

–Thân Phật như vậy, con có thể đạt được không?

Mẹ chồng liền đáp:

–Nếu ngay từ hôm nay con có thể tu tập các công đức, phát tâm rộng lớn vô thượng thì con cũng đạt được tất cả tướng tốt như thế.

Danh Xưng nghe xong bèn cùng mẹ chồng sắm sửa lễ vật, mở hội thỉnh Phật cúng dường.

Sau khi Phật và đại chúng thọ thực xong, Danh Xưng lại rải các thứ hoa cúng dường trên đảnh Phật. Lúc ấy trên hư không hoa tự nhiên kết thành chiếc lọng và trong mỗi bước đi đứng của Phật, lọng hoa ấy cũng theo sát không rời.

Danh Xưng thấy sự biến hóa, trong lòng vui mừng khôn xiết, nàng liền gieo năm vóc sát đất; rồi phát thệ nguyện rộng lớn:

–Với công đức cúng dường này, con nguyện trong đời vị lai; nếu có chúng sinh mù tối, con nguyện làm cho họ được mắt sáng; chúng sinh không nơi nương tựa; con nguyện làm chỗ nương tựa cho họ, chúng sinh không ai cứu giúp; con nguyện cứu giúp họ; chúng sinh chưa được giải thoát, con sẽ làm họ được giải thoát; chúng sinh không an ổn, con nguyện làm họ được an ổn; chúng sinh chưa vào Niết-bàn, con nguyện giúp họ vào Niết-bàn.

Thế Tôn nghe Danh Xưng phát tâm rộng lớn như thế, Ngài liền mỉm cười. Từ khuôn mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu soi khắp thế giới, lại biến thành rất nhiều sắc, ánh sáng này nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bước ra bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến cho Như Lai mỉm cười như vậy, cúi xin Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Phật bảo A-nan:

–Nay ông có thấy nàng Danh Xưng này cúng dường Ta không?

Ngài A-nan bạch:

–Vâng. Bạch Thế Tôn, con có thấy.

–Nhờ công đức căn lành của việc phát tâm rộng lớn của nàng Danh Xưng hôm nay, trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp nữa ở đời vị lai, Danh Xưng sẽ đầy đủ hạnh Bồ-tát, tu tâm đại bi, tròn đủ sáu Ba-la-mật, sẽ được thành Phật hiệu là Bảo Ý, độ khắp chúng sinh, không có hạn lượng. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Khi Phật nói về việc nhân duyên của nàng Danh Xưng, trong đại chúng có người chứng quả Tu-đà-hoàn, có người chứng Tư-đà-hàm, có người chứng quả A-na-hàm, có người chứng quả A-la-hán, có người phát tâm Bích-chi-phật, cho đến có người phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


3- Truyện Gã Nan-Đà Lười Biếng Gặp Phật

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả là người giàu có vô lượng, tài bảo nhiều không thể tính kể. Trưởng giả chỉ có một người con tên là Nan-đà, tính rất lười biếng, thường ham thích ngủ nghỉ, không chịu làm việc, nhưng lại rất thông minh, không ai sánh kịp.

Trong lúc nằm ngủ, vẫn nghe được kinh luận, nghĩa lý nào cũng thong suốt. Trưởng giả thấy con mình thông minh, hiểu rõ kinh luận, bèn nghĩ rằng: “Ta nên thỉnh sáu vị giáo chủ ngoại đạo như ngài Phú-lan-na,… đến nhà để dạy dỗ Nan-đà.”

Suy nghĩ xong, trưởng giả liền làm các món ngon vật lạ, rồi thỉnh sáu vị giáo chủ ngoại đạo đến để cúng dường.

Sau khi sáu vị thọ thực xong, trưởng giả thưa:

–Con chỉ có duy nhất một đứa con, nhưng nó rất lười biếng, ngủ mãi không chịu dậy. Cúi mong đại sư hãy dạy dỗ nó giùm con, để nó biết lo sửa sang gia nghiệp và học tập kinh luận.

Khi ấy sáu vị giáo chủ ngoại đạo liền cùng nhau đến chỗ Nan- đà. Nan-đà vẫn thản nhiên nằm không chịu ngồi dậy, huống chi nghĩ đến việc trải tọa cụ mời sáu vị ngồi. Trưởng giả thấy vậy trong long rất khổ não buồn rầu không vui.

Bấy giờ Đức Thế Tôn thường rủ lòng Đại bi, sáu thời trong một ngày đêm luôn quán sát chúng sinh xem ai chịu nhiều khổ não, liền đến chỗ người ấy nói pháp cho nghe giúp họ được mở tỏ, Phật thấy trưởng giả ưu sầu vì con, đang ngồi chống cằm. Phật liền hướng dẫn các Tỳ-kheo đến nhà trưởng giả.

Lúc ấy bỗng nhiên Nan-đà kinh sợ đứng dậy, trải đồ ngồi thỉnh Đức Phật an tọa, bước tới lễ dưới chân Đức Phật rồi lui lại ngồi sang một bên. Phật liền nói pháp bằng mọi cách cho Nan-đà nghe và quở trách những lỗi lầm của sự lười biếng. Nan-đà tự trách ăn năn sinh tâm kính tín đối với Thế Tôn.

Đức Phật đưa cho Nan-đà một cây gậy bằng gỗ chiên-đàn và bảo:

–Nếu ngươi có thể siêng năng, dụng tâm chút ít, hãy gõ vào cây gậy này. Nó sẽ phát ra âm thanh rất dễ thương. Khi nghe âm thanh ấy, ngươi sẽ thấy mọi vật nằm trong đất.

Nan-đà liền nhận chiếc gậy, gõ vào phát ra âm thanh, quả nhiên thấy được mọi vật chôn giấu dưới đất. Nan-đà vui mừng khôn xiết, tự nghĩ: “Nay ta siêng năng, chỉ dụng tâm chút ít mà còn được lợi ích như thế, huống chi ta cố gắng nỗ lực, thì ở đời vị lai sẽ được nhiều lợi ích to lớn không gì hơn. Vậy hôm nay ta phải siêng năng, cố gắng hết sức để ra biển tìm châu báu”. Nghĩ xong, Nan-đà liền thông báo cho mọi người biết:

–Ai muốn ra biển để tìm nhiều châu báu, ta sẽ là người dẫn đầu đoàn người đi buôn.

Dân chúng ai nấy đều tranh nhau quyết tâm ra biển để tìm châu báu quý giá. Họ tìm được nhiều trân bảo và tất cả đều an ổn trở về, sắm sửa các thức ăn ngon để thỉnh Phật và chúng Tăng cúng dường.

Sau khi Phật và chúng Tăng thọ thực xong, Đức Phật liền nói pháp cho Nan-đà bằng mọi cách. Nan-đà được mở tỏ tâm ý, liền gieo năm vóc sát đất và phát thệ nguyện rộng lớn:

–Với công đức căn lành của việc cúng dường này, con nguyện ở đời vị lai nếu có chúng sinh mù tối, con nguyện làm cho họ được sang mắt; chúng sinh không nơi nương tựa, con nguyện làm nơi nương tựa; chúng sinh không ai cứu giúp, con nguyện cứu giúp họ; chúng sinh chưa giải thoát, con sẽ giúp họ được giải thoát; chúng sinh không an ổn, con nguyện làm cho họ được an ổn; chúng sinh chưa vào Niết-bàn, con nguyện giúp họ vào Niết-bàn.

Nan-đà phát nguyện xong, Phật mỉm cười. Từ khuôn mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu Phật ba vòng, rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Lúc ấy Tôn giả A-nan bước ra bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến cho Như Lai mỉm cười như vậy?

Cúi mong Đức Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Nay, ông có thấy gã lười biếng ra biển tìm châu báu, sắm sửa các thức ăn ngon để cúng dường Ta không?

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Vâng. Bạch Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật dạy:

–Gã lười này ở đời vị lai trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp nữa, sẽ được thành Phật hiệu là Tinh Tấn Lực, hóa độ chúng sinh rộng khắp, không thể hạn lượng. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


4- Truyện Năm Trăm Người Đi Buôn Ra Biển Tìm Châu Báu

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một người dẫn đầu đoàn người đi buôn dẫn năm trăm người đi buôn ra biển để tìm châu báu. Thuyền hỏng, họ phải trở về, ngày đêm quỳ lạy các vị Thần để được giúp đỡ. Họ lại ra biển lần thứ hai, lần thứ ba, thuyền cũng bị hỏng như trước.

Nhờ có phước đức nên người dẫn đầu không bị chết ngoài biển, ông về được đất liền, trong lòng khổ não, thầm nghĩ: “Ta thường nghe có Đức Phật, Thế Tôn đã chứng được Nhất thiết trí, chư Thiên và loài Người không ai sánh kịp. Ngài thương xót chúng sinh, làm lợi mình, lợi người. Bây giờ, ta sẽ xưng niệm danh hiệu Đức Phật ấy để ra biển, nếu được an ổn trở về, Ta sẽ cúng dường Ngài phân nửa số châu báu”.

Nghĩ xong, người dẫn đầu đoàn người đi buôn liền tụ tập những người đi buôn cùng nhau ra biển. Ông xưng niệm danh hiệu Phật, quả nhiên tìm được nhiều châu báu và an ổn trở về. Nhưng khi về nhà, ông nhìn các vật báu, trong lòng tham tiếc chẳng chịu cúng Phật, suy nghĩ: “Nếu phải cúng dường phân nửa số châu báu này, thì ta không hứa, chi bằng ta đưa hết số châu báu này cho vợ, rồi sẽ xin bà một ít tiền ra chợ mua hương thơm, mang về tinh xá Kỳ hoàn đốt cúng dường Phật”.

Suy nghĩ xong, như dự định, vị ấy xin vợ được hai đồng tiền, liền ra chợ mua hương thơm, mang đến tinh xá Kỳ hoàn đốt lên cúng Phật

Đức Phật dùng thần lực khiến khói hương lan tỏa, xông khắp tinh xá Kỳ hoàn. Vị ấy thấy khói hương len sâu vào đến trước Phật liền ăn năn tự trách: “Nay vì sao đối với Phật Thế Tôn ta lại tiếc rẻ vật báu ấy mà không cúng dường. Như Lai thật sự có thần lực, làm cho khói hương xông khắp tinh xá Kỳ hoàn, thật là ít có. Vậy ta phải sắm sửa các món uống ăn ngon, rồi thỉnh Phật và chúng Tăng về nhà cúng dường”.

Nghĩ xong, ông liền quỳ thẳng, chắp tay thỉnh Phật, Thế Tôn.

Đức Phật hứa khả. Ông vội trở về nhà lo sắm sửa đầy đủ các thức uống ăn. Sáng hôm sau, đến giờ ông cho người đến bạch Phật:

–Thức ăn đã sắm sửa đầy đủ, cúi xin Phật biết cho đã đến giờ.

Lúc bấy giờ, Đức Như Lai đắp y, cầm bát dẫn các Tỳ-kheo đến nhà vị ấy thọ thực. Sau khi thọ thực xong, Đức Phật nói về tội lỗi xấu xa của tính tham lam bỏn sẻn. Ông liền lấy châu báu rải cúng dường trên đảnh Phật. Lúc ấy trên không trung châu báu tự nhiên biến thành lọng báu. Mỗi bước đi, đứng của Phật, lọng báu ấy cũng theo che chở không rời.

Ông liền gieo năm vóc sát đất, phát thệ nguyện rộng lớn:

–Với công đức căn lành của việc cúng dường này, con nguyện ở đời vị lai, nếu có chúng sinh mù tối, con nguyện làm cho họ được mắt sáng; chúng sinh không nơi nương tựa, con nguyện làm nơi nương tựa; chúng sinh không ai cứu giúp, con nguyện cứu giúp họ; chúng sinh chưa giải thoát, con sẽ làm cho họ được giải thoát; chúng sinh không an ổn, con nguyện làm cho họ được an ổn; chúng sinh chưa vào Niết-bàn, con nguyện giúp cho họ vào Niết-bàn.

Nghe vị ấy phát nguyện xong, Đức Phật liền mỉm cười. Từ khuôn mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu Phật ba vòng, rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bước ra bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không mỉm cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến Như Lai mỉm cười như vậy? Cúi mong Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Nay ông có thấy vị thương chủ này cúng dường Ta với tâm hổ thẹn hay không?

A-nan đáp:

–Vâng. Bạch Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật dạy:

–Hôm nay, nhờ cúng dường Ta mà vị ấy không bị đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ; được sinh lên cõi trời, cõi người, thường hưởng thọ sự vui sướng. Ba a-tăng-kỳ kiếp sau, vị ấy sẽ được thành Phật hiệu là Bảo Thạnh, độ thoát chúng sinh không thể tính được số lượng. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


5- Truyện Chàng Tu-Ma Nghèo Khổ Cúng DườngPhật  Một Ít Sợi Chỉ

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một người thợ dệt tên là Tu-ma, là người cùng khổ, trong nhà không có được thăng thóc đấu gạo, hằng ngày

phải dệt mướn cho người để kiếm sống.

Một hôm, ông suy nghĩ: “Trước kia ta không biết bố thí, cho nên nay phải chịu nghèo khổ như vầy. Nếu đời nay ta lại không chịu bố thí, thì chắc chắn đời sau sẽ nghèo cùng hơn nữa, vì thế, ta phải cố gắng tìm cầu ít vật để bố thí, mong kiếp sau ta được quả báo tốt”.

Sau đó, Tu-ma tìm được một ít sợi chỉ, bèn trở về nhà. Vào trong một con hẻm, từ xa trông thấy Đức Thế Tôn đắp y ôm bát, hướng dẫn các Tỳ-kheo vào thành khất thực, Tu-ma liền đến trước Phật dâng cúng những sợi chỉ ấy lên. Đức Phật liền nhận. Ngài bèn thị hiện y mình bị rách, dùng chỉ ấy để vá. Tu-ma thấy Thế Tôn vá y bị rách, trong lòng vui mừng, bước tới dưới chân Phật và phát thệ nguyện rộng lớn. Tu-ma ở trước Phật nói kệ:

Vật cúng tuy ít ỏi
Gặp ruộng phước lành lớn
Dâng cúng Thế Tôn rồi
Thệ nguyện sẽ thành Phật
Độ khắp các chúng sinh
Số ấy không thể lường.
Thế Tôn uy đức lớn
Sẽ chứng biết việc này.

Lúc ấy Thế Tôn đáp lại bằng bài kệ:

Nay, ngươi được gặp Ta
Quy y phát tâm thí
Vị lai sẽ thành Phật.
Danh hiệu là Thập Diên
Tiếng khen khắp mười phương
Độ chúng sinh vô lượng.

Sau khi nghe Phật nói kệ, Tu-ma sinh tâm rất kính tin, bèn gieo năm vóc sát đất, phát thệ nguyện rộng lớn:

–Với tất cả công đức cúng dường các sợi chỉ này, con nguyện đời sau, nếu có chúng sinh mù tối, con nguyện làm cho họ được mắt sáng; chúng sinh không nơi nương tựa, con nguyện làm nơi nương tựa; chúng sinh không ai cứu giúp, con nguyện cứu giúp họ; chúng sinh chưa giải thoát, con sẽ giúp họ được giải thoát; chúng sinh không an ổn, con sẽ làm cho họ được an ổn; chúng sinh chưa vào Niết-bàn, con nguyện giúp họ vào Niết-bàn.

Tu-ma phát nguyện xong, Phật bèn mỉm cười.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bước ra bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ. Có việc gì khiến Như Lai mỉm cười như vậy, cúi xin

Đức Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Nay, ông có thấy chàng Tu-ma nghèo khổ cúng dường Ta mấy sợi chỉ và phát thệ nguyện rộng lớn chăng?

A-nan đáp:

–Bạch Đức Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật dạy:

–Tu-ma cúng dường Ta mấy sợ chỉ với tâm ân cần, kính trọng, đời vị lai sẽ được thành Phật hiệu là Thập Diên, độ khắp chúng sinh, không thể hạn lượng. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


6- Truyện Trưởng Giả Bà-Trì-Gia Bị Bệnh Nặng

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả tên là Bà-trì-gia, là người có tính xấu, hay tức giận, không một ai thích thân thiện, nhưng ông rất kính tin sáu vị Giáo chủ ngoại đạo.

Một thời gian sau, Bà-trì-gia bị bệnh nặng, không ai chăm sóc việc ăn uống và thuốc men, mạng sống chỉ còn trong gang tấc. Ông bèn suy nghĩ: “Nay ta lâm vào cảnh khốn khổ thật là đúng lắm, nếu ai có thể cứu mạng, ta sẽ hầu hạ người ấy suốt đời một cách tốt đẹp.”

Ông lại nghĩ: “Chỉ có Đức Thế Tôn là cứu được mạng Ta”. Vì nghĩ như vậy nên Bà-trì-gia sinh tâm ân cần, kính trọng đối với Đức Phật và khao khát muốn được thấy Đức Thế Tôn.

Bấy giờ Đức Phật thường rủ lòng Đại bi, sáu thời trong một ngày đêm thường quán sát chúng sinh, xem ai bị khổ não thì Ngài sẽ đến cứu giúp và dùng lời dịu dàng để nói pháp, làm cho họ được vui mừng.

Nếu có chúng sinh nào sa vào đường ác, Ngài sẽ tìm cách cứu giúp để họ được sinh lên cõi trời, cõi người, chứng được đạo quả.

Khi ấy Như Lai quán sát thấy trưởng giả bị bệnh nặng thân thể tiều tụy, không ai chăm sóc, không người nuôi dưỡng. Đức Phật liền phát ra ánh sáng chiếu trên thân thể người bệnh, khiến vị trưởng giả cảm thấy mát mẻ, tâm hồn tỉnh táo, vui mừng khôn xiết.

Lúc ấy Bà-trì-gia liền gieo năm vóc sát đất, quy mạng Như Lai. Biết Bà-trì-gia căn lành đã thành thục, đáng được sự giáo hóa, Đức Phật liền đến nhà Bà-trì-gia. Bà-trì-gia bỗng nhiên kinh sợ đứng dậy, chắp tay đón rước, thốt lên:

–Lành thay! Thế Tôn. Bà-trì-gia bèn trải đồ ngồi thỉnh Phật an tọa. Đức Phật hỏi Bà-trì-gia:

–Nay ông bị bệnh khổ, vậy chỗ nào đau nhiều nhất.

Trưởng giả đáp:

–Cả thân tâm con đều chịu khổ não.

Lúc ấy Đức Phật nghĩ: “Trong nhiều kiếp Ta tu tâm từ bi, thệ nguyện cứu chữa các chúng sinh bị bệnh cả thân lẫn tâm”.

Bấy giờ trời Đế Thích biết được ý nghĩ của Đức Phật, liền đến Hương sơn hái một loại thuốc tên là Bạch nhũ, cung kính dâng Thế Tôn. Thế Tôn được thuốc, bèn trao cho Bà-trì-gia. Bà-trì-gia uống hết thuốc, được khỏi bệnh, thân tâm vui sướng, càng sinh thâm tâm kính tin Đức Thế Tôn. Bà-trì-gia liền sắm sửa các thức ngon cúng dường Đức Phật và Tỳ-kheo Tăng, sau đó lại dâng cúng những chiếc y tốt đẹp giá trị bằng trăm ngàn lạng vàng lên Đức Phật và Tăng, rồi phát thệ nguyện rộng lớn:

–Nguyện đem công đức căn lành cúng dường này, như nay Thế Tôn trị hết các bệnh thân tâm của con, được an vui, con nguyện đời sau cũng chữa trị các bệnh thân tâm của chúng sinh, giúp họ được an vui.

Trưởng giả Bà-trì-gia phát thệ nguyện xong, Phật liền mỉm cười. Từ khuôn mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bước ra bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến cho Như Lai mỉm cười như vậy?

Cúi xin Đức Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Nay ông có thấy trưởng giả nhờ hết bệnh, mà bày soạn cúng dường cho Như Lai và Tỳ-kheo Tăng chăng?

A-nan bạch Phật:

–Vâng. Bạch Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật dạy:

–Bà-trì-gia ở đời vị lai sẽ được thành Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni, độ khắp chúng sinh, không thể hạn lượng. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


7- Truyện Người Giữ Ao Của Vua Rải Hoa Cúng Phật

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại vườn trúc Ca-lan-đà trong thành Vương xá.

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc chưa nghe có Phật, sáu thời trong một ngày đêm, vua thường đem hương hoa cúng dường các Thiên thần.

Khi Đức Phật ra đời, thành Bậc Chánh Giác, vì muốn giáo hóa vua Ba-tư-nặc nên Ngài đắp y ôm bát đến gặp vua. Vua Ba-tư-nặc thấy Đức Phật ánh sáng chiếu khắp trời đất, oai nghi khoan thai, vượt hẳn thế gian, trong lòng vui mừng thỉnh Phật an tọa, cho dọn bày các món ăn ngon cúng dường Thế Tôn. Thọ trai xong, Đức Phật nói pháp cho vua nghe bằng mọi cách. Sau khi nghe Phật nói pháp, vua Ba-tư-nặc càng kính tin Như Lai, không còn phụng thờ lễ bái Thiên thần. Sau đó mỗi ngày ba lần, vua đều đem hoa cúng dường Như Lai.

Hôm ấy, người giữ ao, sau khi đem hoa cho vua, tự mình lấy một bông hoa định đem ra chợ bán. Trên đường đi, người giữ ao gặp một ngoại đạo.

Ngoại đạo hỏi:

–Ngươi đem hoa này đi bán phải không?

Người ấy đáp:

–Vâng! Tôi muốn bán.

Khi ấy trưởng giả Tu-đạt cũng đến hỏi người ấy:

–Anh cầm hoa này có bán không?

Người giữ ao cũng nói:

–Muốn bán.

Lúc ấy người ngoại đạo và trưởng giả Tu-đạt cùng tranh nhau mua hoa, nâng giá lên đến trăm ngàn lượng vàng mà vẫn chưa thôi.

Người bán hoa hỏi ngoại đạo:

–Ông mua hoa để làm gì?

Người ngoại đạo đáp:

–Để cúng dường trời Na-la-diên cầu phước.

Anh lại hỏi trưởng giả Tu-đạt:

–Ông mua hoa để làm gì?

Trưởng giả Tu-đạt trả lời:

–Để cúng Phật.

Người giữ ao hỏi:

–Phật là người thế nào?

–Đức Phật là Bậc thấy suốt việc quá khứ, hiểu rõ việc vị lai, là Bậc tôn kính trong ba cõi, được chư Thiên, loài Người kính ngưỡng.

Người bán hoa nghe nói, trong lòng vui mừng, suy nghĩ: “Trưởng giả là người dè dặt, suy xét kỹ lưỡng, không vội vàng hấp tấp, vậy mà  hôm nay vì một cành hoa này mà muốn mua với giá trăm ngàn lượng vàng”. Nghĩ xong, người ấy cầm hoa định bỏ đi, trong tâm nghĩ: “Chắc chắn phải có sự lợi ích lớn nên hai người không kể mắc rẻ, nhất định muốn mua.”

Bấy giờ người bán hoa liền bảo hai vị:

–Hoa của tôi không bán, tôi muốn tự mình đem hoa cúng dường Thế Tôn.

Tu-đạt nghe nói, vui mừng khôn xiết, liền dẫn người cầm hoa đến gặp Đức Phật Thế Tôn. Vị ấy thấy Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu khắp như trăm ngàn mặt trời.

Liền sinh tâm kính tin, rải hoa mình đang cầm lên thân Phật. Hoa ở trong không trung tự nhiên biến thành lọng hoa, mỗi bước Phật đi, đứng, lọng hoa cũng theo che chở không rời.

Người giữ ao thấy sự biến hóa, liền gieo năm vóc sát đất, phát thệ nguyện rộng lớn:

–Nhờ công đức căn lành rải hoa cúng Phật này, con nguyện ở đời vị lai, nếu có chúng sinh mù tối, con nguyện làm cho họ được mắt sáng; chúng sinh không nơi nương tựa, con nguyện làm nơi nương tựa; chúng sinh không ai cứu giúp, con nguyện cứu giúp họ; chúng sinh chưa giải thoát, con sẽ giúp họ giải được giải thoát; chúng sinh chưa vào Niết-bàn, con nguyện giúp họ vào Niết-bàn:

Người giữ ao phát nguyện xong, Đức Phật mỉm cười. Từ khuôn mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu Phật ba vòng, rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bước tới bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không bao giờ mỉm cười một cách vô có, có việc gì khiến Như Lai mỉm cười như vậy? Cúi mong Đức Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Nay, ông có thấy người giữ ao rải một cành hoa lên mình Ta để cúng dường hay không? Ở đời vị lai, qua ba a-tăng-kỳ kiếp nữa, người ấy sẽ được thành Phật hiệu là Hoa Thạnh, độ thoát chúng sinh không có hạn lượng. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


8- Truyện Hai Vị Phạm Chí Tranh Cãi Về Như Lai

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có hai vị Phạm chí một người tin sâu Phật pháp, thường nói về các công đức của Như Lai, rằng Ngài là Đấng Trung Tôn bậc nhất trong ba cõi. Vị Phạm chí thứ hai thì bị vướng mắc tà kiến sâu nặng, nói rằng đệ tử của giáo chủ sáu phái ngoại đạo là bậc nhất, không ai sánh bằng, Cứ rối rắm như thế, nên họ tranh cãi nhau mãi. Khi tin này đến tai vua Ba-tư-nặc, vua cho mời hai Phạm chí đến hỏi lý do tại sao có sự tranh cãi. Vị Phạm chí kính tin ngoại đạo nói:

–Ngài Phú-lâu-na… mà tôi thờ phụng thật sự có thần lực hơn hẳn Sa-môn Cù-đàm kia.

Vua lại hỏi vị Phạm chí có tâm kính tin Phật:

–Sa-môn Cù-đàm, mà ông thờ phụng có thần lực gì không?

Phạm chí đáp:

–Sa-môn Cù-đàm mà tôi thờ phụng có thần lực không ai sánh bằng.

Sau khi nghe hai vị Phạm chí nói, vua Ba-tư-nặc bảo hai vị rằng:

–Các khanh mỗi người đều tự khen ngợi vị Thiên thần mà mình thờ phụng là bậc nhất, trong bảy ngày nữa ta sẽ vì các khanh triệu trăm ngàn vạn dân chúng đến tại một sân trống để xem sự thần nghiệm. Vậy các khanh hãy tự mình đốt hương, rải hoa, rưới nước rồi thỉnh thầy mình đến trong hội để cúng dường.

Nghe vua nói, hai Phạm chí cùng chấp nhận. Đến ngày thứ bảy, vua ra sắc lệnh cho dân chúng nhóm họp. Hai Phạm chí đứng trước đám đông, mỗi vị đều phát lời thệ nguyện. Vị Phạm chí kính tin Phú-lâu-na… liền cầm hương hoa và tịnh thủy đứng trước mọi người cầu nguyện:

–Nếu ngài Phú-lâu-na…, bậc mà tôi thờ phụng thật có thần lực xin hãy làm cho hương hoa và tịnh thủy này nương hư không đến chỗ thầy tôi, để thầy biết sự cầu nguyện của tôi mà đến trong hội này; còn nếu ngài không có thần lực thì hương hoa và tịnh thủy  không bay đi được. Cầu nguyện rồi, vị Phạm chí tin Phú-lâu-na tung hương hoa và tịnh thủy. Nhưng các thứ ấy đều rơi xuống đất, nằm yên tại chỗ.

Mọi người thấy không có linh nghiệm, đều cho rằng:

–Phú-lâu-na… thật sự không có thần lực gì, chỉ thọ nhận nhận sự cúng dường của chúng tôi và nhân dân trong nước, một cách luống uổng.

Sau khi mọi người nói như vậy, vị Phạm chí có tâm kính tin Phật cũng tung hương hoa và tịnh thủy lên hư không, rồi phát lời thệ nguyện:

–Nếu Như Lai thật sự có thần lực, thì xin khiến cho các hoa có mùi thơm và tịnh thủy mà tôi rải này bay đến chỗ Ngài, Ngài cũng biết tâm con mà đến trong hội này.

Phạm chí vừa nói dứt lời, liền tung hương hoa và tịnh thủy lên thật xa, khói hương bay tỏa khắp thành Xá-vệ; các hoa được tung lên hư không liền biến thành lọng hoa, che phía trên Như Lai và theo từng bước chân Ngài đi, đứng, lọng hoa cũng theo che chở không rời; còn nước tịnh thủy thì như lưu ly từ xa tung rải trên đất trước mặt Thế Tôn.

Lúc ấy Đức Thế Tôn liền hiện ra trước mặt mọi người.

Bấy giờ, mọi người thấy sự biến hóa như vậy đều khen là việc chưa từng có; họ càng sinh kính tin và không còn thờ phụng các ngoại đạo.

Bấy giờ lời nguyện của Phạm chí kia đã thành tựu, Phạm chí liền năm vóc sát đất, phát thệ nguyện rộng lớn:

–Với tất cả công đức đốt hương, rải hoa, vẩy tịnh thủy này, con nguyện đời vị lai nếu có chúng sinh mù tối, con sẽ làm cho họ được mắt sáng; chúng sinh không nơi nương tựa, con nguyện làm nơi nương tựa; chúng sinh không ai cứu giúp, con nguyện sẽ cứu giúp họ; chúng sinh chưa giải thoát, con sẽ giúp họ được giải thoát; chúng sinh chưa vào Niết-bàn, con sẽ giúp họ vào Niết-bàn.

Phạm chí phát nguyện xong, Đức Phật mỉm cười. Từ khuôn mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, rồi trở lại nhập vào đảnh Đức Phật.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bước ra bạch Đức Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không mỉm cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến cho Như Lai mỉm cười như vậy? Cúi mong Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Nay, ông có thấy vị đại Phạm chí kia dùng hương hoa và tịnh thủy cúng dường Ta không?

A-nan bạch Phật:

–Vâng. Bạch Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật dạy:

–Đời vị lai, trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp nữa, vị đại Phạm chí ấy sẽ được thành Phật hiệu là Bất Động, độ thoát chúng sinh không có hạn lượng. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


9- Truyện Phật Nói Pháp Và Xuất Gia Cho Hai Vị Vua

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có hai vị quốc vương thường hay tức giận tranh chấp với nhau, giết hại nhiều dân chúng. Vua Ba-tư-nặc thấy hai vị vua ấy cứ trôi lăn trong chỗ sống chết, sợ rằng khó có thể cứu vớt. Từ trong chỗ sống chết muốn được sự hòa giải giữa hai quốc vương, vua Ba-tư-nặc liền đến gặp Phật, bước tới dưới chân Đức Phật rồi lui ngồi sang một bên, bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn, hôm nay Như Lai là Đấng Pháp Vương Vô Thượng, quán sát chúng sinh có chúng sinh nào bị khổ nạn thì đến cứu giúp, có khả năng hòa giải sự tranh chấp. Nay, hai vị quốc vương thường chiến đấu với nhau gây nhiều thiệt hại, kết oán thù đã lâu chưa hòa giải được. Cúi mong Đức Thế Tôn từ bi hòa giải cho hai vị vua ấy, để họ không tranh chấp với nhau nữa.

Đức Phật liền chấp nhận. Hôm sau, Đức Phật đắp y ôm bát, dẫn các Tỳ-kheo đến vườn Lộc dã, nước Ba-la-nại.

Lúc ấy hai quốc vương đang dàn trận đánh nhau. Trong đó, một  quốc vương vì yếu hèn sinh tâm rất sợ hãi bèn lui về chỗ Phật ngự, đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên.

Đức Phật liền nói bài kệ vô thường cho vua nghe:

Có cao rồi có rơi
Có thường rồi có hoại
Có sinh phải có chết
Có hợp ắt có tan.

Quốc vương nghe Đức Phật nói kệ xong, tâm ý mở tỏ chứng quả Tu-đà-hoàn, liền ở trước Phật cầu xin xuất gia.

Lúc ấy Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Bấy giờ quốc vương râu tóc tự rụng, thân mặc pháp phục, liền thành Sa-môn, siêng năng tu tập, chứng quả A-la-hán.

Quốc vương thứ hai nghe tin Phật đã hóa độ vị vua kia và cho xuất gia, trong lòng thanh thản không còn lo sợ gì. Vua cũng đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Phật rồi ngồi sang một bên, nghe Phật nói pháp, trong lòng rất vui mừng và thỉnh Đức Phật, Phật liền hứa khả. Vua trở về nước mình sắm sửa các thức ăn ngon, thỉnh Phật và chúng Tăng vào cung cúng dường.

Đức Phật và các Tỳ-kheo thọ thực xong, quốc vương liền đến trước Phật phát thệ nguyện rộng lớn:

–Với công đức căn lành cúng dường này, con nguyện ở đời vị lai nếu có chúng sinh mù tối, con nguyện giúp họ được mắt sáng; chúng sinh không nơi nương tựa, con nguyện làm nơi nương tựa; chúng sinh không ai cứu giúp, con nguyện sẽ cứu giúp họ; chúng sinh chưa giải thoát, con sẽ giúp họ được giải thoát; chúng sinh chưa vào Niết-bàn, con sẽ giúp họ vào Niết-bàn.

Quốc vương phát nguyện xong, Đức Phật liền mỉm cười. Từ khuôn mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bước ra bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến Như Lai mỉm cười như vậy? Cúi mong Đức Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Ông có thấy vua Bàn-già-da cúng dường Ta không?

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Vâng. Bạch Thế Tôn, con có thấy.

Phật dạy:

–Nhờ cúng dường Ta nên vị vua ấy không bị đọa vào đường ác, thường sinh lên cõi trời, cõi người thọ hưởng sự vui sướng, qua ba a-tăng-kỳ kiếp nữa, sẽ được thành Phật hiệu là Vô Thắng, độ khắp chúng sinh không thể hạn lượng. Vì vậy nên Ta mỉm cười.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


10- Truyện Trưởng Giả Làm Vua Bảy Ngày

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc và vua A-xà-thế thường hay tức giận tranh chấp với nhau, hai bên thường đem bốn thứ binh: Tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh giao chiến với nhau. Lúc ấy quân vua Ba-tư-nặc bại trận đến ba lần, quân lính tan tát; chỉ còn một mình vua chạy thoát vào thành, nên vua rất buồn khổ, hổ thẹn ngã lăn ra đất, bỏ ăn bỏ ngủ.

Khi đó, có vị trưởng giả có rất nhiều tài bảo không thể tính kể.

Trưởng giả nghe vua sầu não, bèn đến tâu vua:

–Hạ thần có nhiều vàng bạc, châu báu muốn dâng cho đại vương. Đại vương hãy mua voi ngựa, tuyển mộ binh lính để chiến đấu, sẽ thắng được vị vua kia. Nay cớ chi đại vương phải lo buồn như vậy?

Vua liền chấp nhận. Sau đó trưởng giả xuất ra nhiều châu báu để hiến cho vua. Vua Ba-tư-nặc liền cho tuyển mộ binh lính, đi khắp các nước để cầu sách lược.

Lúc ấy có một người thanh niên khỏe mạnh đến xin gia nhập vào quân đội của vua. Một hôm, người thanh niên này đến tinh xá Kỳ hoàn, có nghe hai tướng sĩ bàn luận với nhau về cách chiến đấu. Một tướng sĩ nói:

–Khi chiến đấu nên cho quân khỏe mạnh đi trước, kế đến là quân khỏe vừa và sau cùng là quân yếu.

Nghe được lời bàn luận ấy, người thanh niên về trình báo lên vua về cách chiến đó. Vua Ba-tư-nặc nghe xong, cho tập hợp bốn binh chủng, y theo lời bàn luận của người tướng sĩ ấy, cho lính khỏe đi trước, lính yếu theo sau. Khi ra trận giao chiến, quả nhiên vua Ba-tư-nặc thắng được quân địch, thâu được nhiều voi ngựa và bắt được vua A-xà-thế. Vua Ba-tư-nặc vui mừng cùng vua A-xà-thế ngồi trên xe báu, về đến chỗ Đức Phật. Đến nơi vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, từ trước đến nay đối với vị vua ấy, hoàn toàn con không có oán hận gì. Nhưng vị vua ấy đối với con lại sinh tâm oán thù. Tuy nhiên, phụ vương của vua A-xà-thế đối với con là bạn thân cho nên con không nỡ sát hại vua ấy. Con muốn thả vua ấy trở về nước ông.

Lúc đó, Đức Phật khen vua Ba-tư-nặc:

–Lành thay! Lành thay! Đối với người thân cũng như không thân, tâm thường bình đẳng. Đó là điều Thánh hiền thường khen ngợi.

Đức Phật liền nói kệ cho vua nghe:

Thua thì sinh lo sợ
Thắng thì tâm vui mừng
Nay ông thả vua ấy
Cả hai đều vui vẻ.
Nếu vứt bỏ hơn thua
Là điều vui hơn hết.

Vua Ba-tư-nặc nghe Phật nói kệ xong, liền thả vua A-xà-thế về nước ông. Sau đó, vua Ba-tư-nặc tự mình trở về nước Xá-vệ, tự nghĩ:

“Sở dĩ Ta chiến thắng là nhờ vị trưởng giả kia hiến cúng tiền bạc châu báu để tuyển mộ tướng sĩ, nay mới thắng trận”. Nghĩ xong, vua liền cho mời vị trưởng giả đến, nói:

–Ta nhờ khanh cung cấp trân bảo để tuyển mộ quân lính, chiến đấu được thắng trận. Nay ta sẽ đền ân khanh, ta cho khanh tùy ý ước nguyện.

Lúc ấy vị trưởng giả quỳ xuống tâu với vua:

–Xin đại vương đừng bắt tội thì hạ thần mới dám nói.

Vua bảo:

–Ta cho phép khanh nói.

Vị trưởng giả tâu:

–Nay hạ thần muốn thay đại vương làm vua trong bảy ngày để trị vì thiên hạ.

Vua Ba-tư-nặc liền chấp nhận để thỏa mãn ước nguyện của trưởng giả. Vua cho đánh trống, chính thức lập trưởng giả lên ngôi làm vua và đánh trống thông báo cho dân chúng trong nước hay biết, khiến đều được tự tại.

Lúc ấy trưởng giả làm vua cho người đem sắc lệnh ban đến các tiểu quốc, lệnh ban: “Trẫm cho phép các tiểu vương được bãi việc triều chính trong bảy ngày, để đến triều bái ta, quy y Tam bảo, thỉnh Phật cúng dường.”

Bảy ngày trôi qua, trưởng giả rất vui mừng, gieo năm vóc sát đất, phát thệ nguyện rộng lớn trước Phật:

–Với công đức bảy ngày làm vua, con nguyện ở đời vị lai nếu có chúng sinh mù tối, con nguyện làm cho họ được mắt sáng; chúng sinh không nơi nương tựa, con nguyện làm nơi nương tựa; chúng sinh không ai cứu giúp, con nguyện cứu giúp họ; chúng sinh chưa giải thoát, con sẽ giúp họ được giải thoát; chúng sinh chưa vào Niết-bàn, con sẽ giúp họ vào Niết-bàn.

Trưởng giả phát nguyện xong, Đức Phật liền mỉm cười. Từ khuôn mặt Phật phát ra ánh sáng năm màu, ánh sáng này nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi trở lại nhập vào đảnh Phật.

Bấy giờ Tôn giả A-nan bước ra bạch Phật:

–Như Lai là Bậc đáng tôn trọng, Ngài không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ, vậy có việc gì khiến Như Lai mỉm cười như vậy? Cúi mong Đức Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Ông có thấy vị đại trưởng giả làm vua bảy ngày không?

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật dạy:

–Trưởng giả ấy nhờ công đức thỉnh Ta, nên qua ba a-tăng-kỳ kiếp nữa ở đời vị lai, sẽ được thành Phật hiệu là Tối Thắng, độ khắp chúng sinh không có hạn lượng. Vì vậy Ta mỉm cười.

Khi Phật nói về truyện nhân duyên của vị trưởng giả làm vua, có người chứng quả Tu-đà-hoàn, có người chứng quả Tư-đà-hàm, có người chứng quả A-na-hàm, có người chứng quả A-la-hán, có người phát tâm Bích-chi-phật, có người phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.