SỐ 186
PHẬT NÓI KINH PHỔ DIỆU
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt chỉ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: BÀN VỀ GIÁNG THN

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ, cùng với đông đủ chúng đại Tỳ-kheo, một vạn hai ngàn người và Bồ-tát, ba vạn hai ngàn người. Tất cả là những bậc đã đạt trí tuệ và thần thông tự tại vô ngại, chỉ còn thọ sinh một lần nữa sẽ thành Chánh giác. Các vị đã từng bỏ thân mạng bố thí, trì giới trong sáng, nhẫn nhục, điều phục ý, nhất tâm, tinh tấn, trí tuệ, phương tiện, khéo léo, vượt trên tất cả, hiểu rõ vạn pháp thảy đều như huyễn, như ngựa đồng hoang, như bóng, như tiếng vang, như cây chuối, như huyễn hóa, như bóng trăng, đều vô sở hữu. Đối với những việc có lợi, không lợi, khen chê, khổ vui, có tiếng, không danh tiếng, đều tự tại an nhiên, đã vượt qua tất cả các pháp sở hữu đó của thế gian, thần thông du hóa tự tại, đạt các pháp tổng trì, một mình du hóa khắp ba cõi, như mặt trời chiếu sáng. Các bậc Bồ-tát với chí nguyện đầy đủ, thường qua lại trong năm đường để cứu giúp những khốn nguy ách nạn, phân biệt biện tài, định ý vô ngại, đều là do tự bản thân mình đã hoàn thành pháp nhẫn một cách trọn vẹn. Các ngài trụ chỗ vô trụ để độ thoát khắp mười phương. Tên của các ngài là Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Tổng Hào Vương, Bồ-tát Sự Tử Anh, Bồ-tát Cát Nghĩa Ý, Bồ-tát Tịch Ý Hạnh, Bồ-tát Phân Biệt Biện Tài, Bồ-tát Đãi Vô Sở Úy, Bồ-tát Tấn Tịch, Bồ-tát Đại Ai. Các bậc Bồ-tát Thượng Thủ như vậy gồm có cả thảy là ba vạn hai ngàn người.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang du hóa tại thành Xá-vệ. Nơi đây, trên từ vua quan, đại thần, hào tộc, trưởng giả, cho đến vạn lớp dân chúng thảy đều cùng nhau cúng dường y phục, ẩm thực, giường nệm, ngọa cụ, thuốc men, tất cả đều được đầy đủ, an ổn, và danh xưng tốt đẹp sau đây về Đức Phật được đồn khắp mười phương, đó là Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, đang giảng dạy đạo ý nghĩa, ở đầu, giữa, cuối đều thiện, nghĩa lý thông suốt nhiệm mầu, rỗng lặng, thích hợp cho việc tịnh tu phạm hạnh.

Bấy giờ, đang đêm có các Thiên tử cõi Tịnh cư tên là Tịch Nhiên Tôn cùng với Thần Diệu Thiên, Hoan Lạc Thiên, Gia Hoan Thiên, Chiên-đàn Thiên, Đại Duyệt Thiên, Huỳnh Nhiên Thiên, Tôn Tịch Luật Thiên và vô số Thiên tử khác trời Tịnh cư, oai thần rực rỡ, hào quang sáng chói chiếu khắp rừng Kỳ thọ, cùng nhau đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui đứng qua một bên và bạch Phật:

-Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con từng nghe có kinh điển tên Phổ Diệu Đại Phương Đẳng, phân biệt cội gốc các đức hạnh của Bồ-tát từ cung trời Đâu-suất giáng thần nhập mẫu thai. Thời gian ở trong thai vui vẻ phát triển. Vì muốn hiển bày sự thù đặc lại hiện đản sinh. Tất cả đều là vì lập các pháp hạnh.

Lúc ở chốn cung điện cùng thể nữ hưởng thọ dục lạc, hiểu rõ các môn nghệ thuật, thị hiện học tập thơ văn, toán số, thuốc thang trị bệnh, bắn cung, cỡi ngựa, đánh quyền, biểu diễn ném voi… chứng tỏ đạo lực siêu việt quần sinh, thành tựu đầy đủ các hạnh Bồ-tát, qua lại khắp nơi, quả thật là bậc siêu việt thù thắng, tiếng tốt đồn khắp, dùng Bồ-tát lực để tự an vui, hàng phục quân ma, đầy đủ thập lực, vô úy của Như Lai, ban bố, tuyên dương vô lượng kinh điển của chư Phật, mở bày giảng dạy vô lượng giáo pháp mà các Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác trong quá khứ đã từng giảng dạy.

Đạo nghĩa ngàn xưa cũng giống như các Đức Thế Tôn: Phật Liên Hoa Thượng, Phật Pháp Anh, Phật Định Quang, Phật Đức Anh, Phật Pháp Tạo, Phật Tiên Thiên, Phật Đế Anh, Phật Tập Kim Cang, Phật Chúng Tôn, Phật Tuyết Tượng, Phật Nhạo Thanh Tịnh, Phật Xuất Gia Lạc Hạnh, Phật Hoa Anh, Phật Thắng Nham, Phật Thiện Minh, Phật Thiện Diệu, Phật Tiên Huân, Phật Thắng Luân, Phật Hân Lạc, Phật Thiên Hoa, Phật Luân Cát Tường, Phật Thiện Thủ, Phật Thiên Hỷ, Phật Trụ Giác, Phật Trụ Thí, Phật Đế Pháp Phổ Xưng, Phật Thị Thế Thiện Diệu, Phật Biện Phổ, Phật Bảo Xưng, Phật Oai Cường, Phật Phạm Thần, Phật Vô Úy Thiện Hóa, Phật Thiện Âm, Phật Mục Duyệt, Phật Tích Đức, Phật Âm Vũ, Phật Diệu Nhan, Phật Thọ Thần! Phật Dữ Nhân Du, Phật Mỹ Cầu, Phật Hàng Oán, Phật Cúng Dường, Phật Duy Vệ, Phật Thức-khí, Phật Tùy Diệp, Phật Câu-lưu-tần, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp, là các Đấng Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác từ xưa đến nay đã từng mở bày con đường giáo hóa.

Lành thay, cúi xin Đức Thế Tôn vì lòng thương xót đối với tất cả quần sinh mà ngày hôm nay cũng mở bày giảng giải giáo pháp như vậy. Cúi xin Đức Thế Tôn vì thương tưởng đến số đông, an ủi cho số đông mà cứu độ thế gian và nhân loại khắp mười phương. Vì các hàng Đại thừa mà chỉ dạy giáo pháp này, để bẻ dẹp hết tất cả những tà thuyết dị học của ngoại đạo, nhiếp phục các loài ma, tuyên bố các hạnh nghĩa của Bồ-tát. Những ai nguyện thực hiện hạnh Đại thừa Bồ-tát thì tự mình phải nỗ lực tinh tấn hộ trì chánh pháp khiến ngôi Tam bảo được tồn tại dài lâu, không để cho bị dứt mất và đầy đủ thân Phật hiện khắp mười phương.

Khi ấy Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của các Thiên tử bằng cách im lặng, vì muốn khiến cho tất cả chúng sinh thảy đều được thọ ân.

Khi ấy các Thiên tử thấy Đức Phật lặng im nhận lời thỉnh cầu thì trong lòng rất vui vẻ, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, đi quanh Phật ba vòng, dùng hoa thiên tâm tung rải để cúng dường Phật, rồi bỗng nhiên biến mất, cùng nhau trở về Thiên giới.

Sáng hôm sau, Đức Thế Tôn với hàng đệ tử Bồ-tát và Thanh văn vây quanh, nhóm họp tại giảng đường Ca-lê. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo chư Tỳ-kheo.

-Khi hôm, vào lúc nửa đêm có các Thiên tử cõi Tịnh cư cùng với quyến thuộc đến đảnh lễ sát chân Ta và chắp tay thưa: “Xin Đức Thế Tôn vì tất cả chúng con mà giảng dạy lại kinh Đại Phương Đẳng Phổ Diệu để cho hết thảy quần sinh đều được nhờ ân”. Khi ấy Ta im lặng nhận lời thỉnh cầu. Các Thiên tử thấy ta nhận lời, vui mừng phấn khởi rồi bỗng nhiên biến mất, cùng nhau trở về Thiên giới.

Bấy giờ hội chúng nghe Đức Phật kể lại chuyện trên, vui mừng khôn xiết, cùng nhau đến trước Phật bạch:

-Cúi xin Đấng Thiên Trung Thiên, hãy vì chúng con giảng giải những lời hỏi ấy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Bồ-tát và Thanh văn:

-Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì các thầy giảng lại những lời dạy cao quý mà tất cả các Đức Như Lai đã từng giảng dạy để cứu giúp hết thảy chúng sinh.

Này các thầy Tỳ-kheo, sao gọi là pháp Đại Phương Đẳng trong kinh Phổ Diệu?

Bấy giờ, Bồ-tát ở cõi trời Đâu-suất trông thấy cả trăm ngàn chư Thiên đều cung kính Bồ-tát đã đạt đến quả vị Bất thoái chuyển, cùng nhau hết lời ca ngợi, tiếng vang mười phương, các nguyện hoàn mãn, hiểu rõ tất cả tạng pháp của chư Phật, thanh tịnh vô cấu. Với đạo nhãn và trí tuệ của bậc Thánh, tâm niệm, trí định qua lại khắp nơi. Bản tánh cao thượng kiên cố, hổ thẹn vì chưa hóa độ quần sinh. Tâm niệm rộng rãi cao xa tự tại, các hạnh Bố thí, Trì giới, Nhẫn, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ đều uyên thâm. Dùng đại phương tiện để hóa độ bốn Đẳng tâm: đại Từ, đại Bi, Hỷ, Hộ (Từ, Bi, Hỷ, Xả) truyền rộng giáo pháp. Dùng ba Đạt với thần thông vô cực không chướng ngại, để mở bày Thánh tuệ vĩnh viễn không còn bị che lấp tăm tối, thuần thục đạo nghiệp với ý chỉ, ý đoạn, thần túc, căn, lực, giác ý, đạo nghiệp, chỉ, quán, vắng lặng, đầy đủ tất cả đạo phẩm của chư Phật, đạt đến cùng tột ngọn nguồn, công lao phước lộc không thể đo lường, thành tựu tướng hảo trang nghiêm tự thân ở trong cảnh giới ấy lâu dài thường được tự tại.

Vị ấy nhân từ, hòa thuận không tranh cãi, lời nói và việc làm luôn đi đôi. Ý nghĩ, lời nói không hề sai trái, tâm ý ngay thẳng, không nịnh hót quanh co. Nghĩ đến người oán kết thì tự nhún nhường, không tự đại, tự cao, tâm bình đẳng với tất cả chúng sinh, chưa từng có sự thiên lệch; cúng dường vô số trăm ngàn các Đức Phật thuở trước. Vì chúng sinh nhận chịu những hoạn nạn tai ương, xem thấy vô lượng chúng Bồ-tát, tỏ rõ nguồn gốc của họ. Thích, Phạm, Tứ Thiên vương, Diệu thiên, Thiên, Long, Quỷ thần, Duyệt-xoa, Kiền-đà-la, không một ai được thấy mà không mừng vui, thưa hỏi và nhận lãnh lời dạy bảo.

Vị ấy phân biệt rõ ràng gốc ngọn của từng bài, từng câu xong, đem vô vi nhập vào hữu vi, tùy thời cơ phương tiện mà mở bày giáo hóa. Tâm niệm chứa đựng giáo pháp, hiểu rõ tất cả những gì chư Phật đã giảng dạy không rốì rắm, không còn quay trở lại, thẳng hướng đến tổng trì, vào sâu tạng pháp, dong thuyền pháp lớn, dạo trên mười hai biển để tiếp độ các hạng chúng sinh, dạy ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tập trung trí tuệ sâu xa vào pháp bảo, làm vị thầy dẫn đường vĩ đại vượt qua bốn dòng, các nguyện đầy đủ, hàng phục ma oán, khéo ngăn chận các đường thuộc về tà thuyết dị học của ngoại đạo; mở bày giáo hóa cho tất cả trụ vào chỗ kiên cố; tuy ở chốn trần lao mà đã có nơi quay về; vì mọi người làm vị thầy dẫn đường, vững chắc như kim cang, hành từ bi không chướng ngại; chí tánh an hòa, tích lũy sức tinh tấn; vì giáo pháp ưu việt thâm sâu, tùy phương tiện khéo léo. Ở giữa chúng, hùng như sư tử, khả năng định ý không thể đo lường, giống như hoa sen mọc trong bùn lầy mà không bị nhơ nhớp. Giữ gìn giới cấm, học rộng nghe nhiều, chưa từng buông lung. Lòng từ trùm khắp mười phương, chưa từng có tâm gia hại. Nước tâm lắng trong chưa từng nhiễm trước. Vượt tám pháp thế gian, tâm như khối báu lớn. Phước lộc Thánh tuệ đạt được thật vô cùng. Nhóm công, vun đức, dồn chứa đạo nghiệp, rõ suốt trí tuệ Phật, khai mở thành Pháp, tiêu trừ những hoạn nạn cho chúng sinh, khéo khai ngộ cho họ. Dùng bốn phép Thần túc thông vượt qua bờ bên kia, chí đặt ở ba cửa giải thoát, làm sáng tỏ môn nhất tâm giải thoát vắng lặng, thanh tịnh, chói sáng, tịch lặng.

Ở chỗ am thất thanh vắng như núi non, đồng trống, dạo chơi nơi rừng pháp, thực hành Cụ túc giới, Thập lực, Vô úy, chưa từng khiếp nhược, đã vượt thoát sinh tử, không còn nghi ngờ.

Không sợ hãi vượt qua vô số các phái dị học ngoại đạo, giống như sư tử dạo đi giữa đám hươu nai, xả bỏ buông lung, không giữ ý riêng. Giả sử có chỗ luận bàn thì rống lên tiếng rống của sư tử, oai hùng trong loài người.

Đạo tràng thiền định trí tuệ giải thoát, phóng ánh sáng lớn chiếu soi đến tận những chỗ tối tăm, khắp nơi thảy được nương nhờ ánh sáng của đạo. Các chúng tà dị học giống như con đom đóm, chẳng ích lợi gì cho thế gian. Ngu mê tâm tối che lâp ánh sáng nguồn tâm. Phát khởi sức đại đạo, việc làm tinh tấn. Tuyên bày công lao đức hạnh, oai thần vời vợi, trừ những thứ tối tăm, đầy đủ sự trong sáng, mọi người thấy đều hoan hỷ. Đối với quốc độ của chư Phật, không còn có chướng ngại. Nhổ phăng những khốn cùng nguy ách, tẩy rửa những bụi bặm nhớp nhơ. Đối với pháp môn giải thoát, nhất tâm, tỉnh thức, điều hòa, hiểu rõ, thông suốt, thiền tư, sáng tỏ để mở bày giáo hóa bốn bộ chúng, chư Thiên và dân chúng thực hành Thật giác ý, dồn chứa cái quý báu của đạo, điều phục tâm chúng sinh, tùy bệnh cho thuốc, khiến không ôm ấp sự xấu ác, thực hành mười nghiệp lành, lấy đó làm của cải giàu có; vâng giữ đầy đủ không trái với việc làm thù thắng của Đấng Pháp Vương, là chuyển bánh xe báu, chuyển dòng Luân vương, thành tựu tất cả, sâu xa khó lượng. Tất cả pháp bảo nghe mãi không chán, trí tuệ không cùng, không tận.

Bấy giờ tất cả những việc như đây không thể hạn lượng, không thể thí dụ, giống như sông biển là chỗ tóm thâu trí tuệ. Như đất, nước, lửa, gió, tâm kia đều bình đẳng. Vững mạnh không lay động như núi Tu-di. Tiêu sạch các trói buộc dính mắc, như ánh sáng mặt trời chiếu sáng những chỗ nhớp nhơ. Tâm như hư không.

Tại cung điện lớn sắp đặt ở đó các thứ sàng tòa đủ hai vạn hai ngàn. Vì cửa ngõ, mái hiên cửa sổ, giảng đường, lầu gác trang hoàng nghiêm chỉnh, dựng các tràng phan bảo cái. Tịnh xá được rải san sát các thứ hoa sen xanh, phù dung. Các chúng ngọc nữ có đến trăm ngàn ức, cùng nhau trổi các thứ nhạc hay và rải các thứ hoa đủ loại không thể kể hết. Các loại cây quý thứ lớp thẳng hàng. Đất đai sạch sẽ bằng thẳng, không gồ ghề. Hương thơm xông khắp, chim le le, nhạn, loan đủ loại nhiều vô số ức bơi lội trong ao, phát ra các âm thanh hòa nhã, thấy, nghe, đùa giỡn như tiếng đại pháp, tiêu trừ tất cả nạn khổ của trần dục, nhiếp phục các sự mỏi mệt, chán nản, tự đại, cống cao, Tâm luôn vui vẻ, nhớ nghĩ việc cao xa; do đó thành tựu được pháp lớn không cùng tột. Dùng các loại âm thanh vi diệu của tám vạn bốn ngàn loại nhạc hay để diễn bày, giảng dạy. Do phước đức của Bồ-tát chứa nhóm từ nhiều đời trước, tự nhiên tuyên xuất bài kệ vi diệu này:

Chứa công dồn đức hạnh
Tuyên bố đủ pháp âm
Tâm Ngài gắn liền đạo
Tạo trí tuệ sáng suốt
Đủ vô lượng thế lực
Vứt bỏ các sở hữu
Phân biệt giải tận gốc
Các nghi của chư Thiên
Ý thanh tịnh không nhơ
Không tỷ vết xen tạp
Vứt bỏ sạch ba độc
Vắng bặt sân, nhuế, hận
Lắng trong hết các cấu
Tâm Ngài như ngọc sáng
Từ xưa cho đến sau
Thường ưa thích bố thí
Tiếng vang từ dòng họ
Giới, tịnh hạnh, điều hòa
Tinh tấn, thiền, trí tuệ
Làm theo muôn ức pháp
Vô số tiếng khen ngợi
Nói pháp muôn ức Phật
Thương xót các chúng sinh
Chỉ xem xét hiện thời
Mà hiểu biết sau trước
Trần cấu của sinh tử
Quán sát bản hạnh Ngài
Thiên, Long, các Quỷ thần
Trải trăm ngàn ức kiếp
Ưa nghe không chán mỏi
Trí tuệ thiện không lười
No đủ không đói khát
Các ngươi tuy ngưỡng mộ
Ưa pháp không thích dục
Tánh không còn cấu uế
Thương xót trời người đời
Ở na-thuật ức năm
Nghe pháp tâm không bỏ
Hoặc ngưỡng mộ ca tụng
Quán các nạn địa ngục
Mắt thông suốt không vướng
Thấy muời phương chư Phật
Đã được nghe pháp này
Kinh này đời tôn trọng
Đời trước gieo diệu đức
Ở cung trời Đâu-suất
Càng được trời thương mến
Ưa mưa xuống thiên hạ
Đã vượt khỏi dục gỉới
Và sắc giới ức năm
Đều cùng mến mộ Thánh
Phật vô lượng kiết tường
Hàng phục các nghiệp ma
Giáo hóa các dị học
Quy Phật thật dễ dàng
Lại xét lúc này đây
Trần Lao đời hưng thạnh
Diễn bày mây chánh pháp
Tinh tấn mưa cam lộ
Tiêu cấu uế trời, người
Tôn y hiểu các bệnh
Trao thuốc để trị liệu
Chỉ ba cửa giải thoát
Chóng lập nhà vô vi
Thí như sư tử rống
Các trùng nhỏ khiếp sợ
Với tiếng sư tử rống
Phật hàng ma, dị học
Tay cầm đèn minh triết
Sức tinh tấn vượt lực
Tổng trì gần trước mắt
Hàng phục thắng chúng ma
Bốn Thiên vương xa thấy
Muốn dâng bát lên Ngài
Thiên, Đế, Phạm, ức năm
Vừa sinh, đến phụng kính
Thảy đều dâng lời khen
Dòng báu, các họ quý
Bậc trời người tôn kính
Tu hành đạo Bồ-tát
Về sau tại ba cõi
Sáng báu lại hơn hẳn
Như ma-ni vô cấu
Nổi mây, mưa thiên hạ
Các tiếng âm nhạc hay
Diễn xuất biết ba âm
Ý mến thương khuyên giúp
Xem xét nay đúng lúc.

Bấy giờ Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Khi ấy Bồ-tát dùng các thứ nhạc hay tuyên bày pháp âm. Ra khỏi đại cung điện có đại giảng đường tên là Diễn thí pháp. Bồ-tát lên ngồi trên tòa sư tử nơi giảng đường kia, các Thiên tử theo học nghiệp Đại-thừa, hạnh bình đẳng, từ bi, cũng đều lên giảng đường lớn này, mọi người theo thứ lớp ngồi vào chỗ của mình đều cùng theo học, bỏ lại chúng ngọc nữ và các Thiên tử. Mỗi người đến nhóm họp, các chúng quyến thuộc của mỗi người đem theo có đến sáu mươi sáu ức, đều cùng bàn tán: “Chủng tộc nào đáng cho Bồ-tát hiện sinh vào?” Có người cho rằng: dòng họ Duy-đề thuộc đất nước Ma-kiệt rất là hưng thịnh, nay Bồ-tát nên giáng thần mẫu thai ở nơi ấy. Có người cho: Bồ- tát không nên sinh vào đất nước kia, vì lẽ gì? Vì dòng Duy-đề ấy người mẹ thuộc dòng họ chân chánh nhưng dòng họ của người cha không chân chánh, thuộc giống binh nô: hung bạo không hiền lành, không đáng ưa thích. Dòng họ đó phước đức ít oi không đầy đủ. Đất đai thành ấp không có hoa viên, ao tắm tốt đẹp. Đã là chỗ biên địa thì không nên sinh ở đó.

Có người luận rằng: Câu-tát-la là một nước lớn, dòng họ to lớn, quyến thuộc đông đúc, Bồ-tát nên giáng thần ở nước ấy. Có người cho rằng: Bồ-tát không nên giáng thần cõi kia. Vì lẽ gì? Bởi vì Câu-tát-la vốn dòng họ Ma-đằng đến sinh sống nơi đó, cha mẹ dòng họ đều không chân chánh, thuộc hạng hạ liệt, thấp hèn, không phải là chỗ đáng cho bậc thầy của trời ưa chuộng. Xứ sở ấy phước lộc mỏng manh, thấp hèn, thô bỉ, tánh hạnh không hòa, không có các thứ trân châu quý báu khác lạ cùng những thức ăn quý, bổ để có thể cúng dường lên bậc Thánh, vườn quán, ao tắm cũng rất sơ sài, đã là chốn biên vực thì không nên tôn ngưỡng.

Có người nói: Hòa-sa là một nước lớn, quốc vương thuộc dòng họ cao sang, dân chúng đông đúc, thạnh vượng, ngũ cốc dẫy đầy, Bồ-tát nên giáng thần nước kia. Hoặc có người lại bảo: Bồ-tát không nên giáng thần nơi đó. Vì lẽ gì? Quốc vương nước kia thuộc dòng họ thấp kém, hợp chủng, không phải cao đức. Đất không có oai thần, phải lễ tiết từ nước khác để lập thành nước mình. Cha mẹ không chân thành, không được thong dong. Do vì lẽ ấy không nên sinh vào nước kia.

Lại có người nói rằng: Duy-da-ly là một thành vô cùng rộng lớn, nhân dân phồn vinh an ổn, thịnh vượng vui vẻ, không có các nạn. Cửa nhà, mái hiên chạm trổ hoa văn, lầu gác, bao lơn trang hoàng rực rỡ. Ao tắm, vườn quán, nam nữ dạo chơi cùng khắp trong đó. Nhà cửa của dân chúng ngay hàng thẳng lối, Bồ-tát nên giáng thần vào nước kia. Lại có người nói: Bồ-tát không nên giáng thần nơi ấy. Vì lẽ gì? Dân chúng nước kia thường hay tranh cãi, bất hòa, không có hạnh thanh tịnh; chỉ có hình thức bên ngoài chứ không có thực lực bên trong, không tu đạo pháp, không biết tôn ti. Mỗi người tự cho mình là hơn hết, là duy nhất, không tự nhún nhường, không tuân theo giáo pháp, không kính phục bậc cao đức. Do đó cho nên không đáng tôn phục.

Lại có người nói rằng: nước Đăng thọ này thuộc dòng họ hào cường, sự nghiệp to lớn, tài năng số một, không có ai vượt khỏi, Bồ-tát nên giáng thần vào nước ấy. Lại có người nói rằng: Ở đó cũng không nên. Vì lẽ gì? Vì người cõi đó hung hăng ngỗ nghịch, việc làm thì dối trá, tánh khí lại hung ác, cứng cỏi khó dạy, cười chê người, tự đại, cho mình là hơn, không có sự nghiệp tu hành. Do đó, Bồ-tát không nên sinh vào cõi kia.

Các Bồ-tát và Thiên tử ai nấy đều cùng nhau luận bàn xem xét khắp các quốc độ lớn trong thiên hạ. Các dòng họ lớn của các vua, các địa vị giàu sang, quý trọng, đều xem xét hết, nhưng hết thảy đều không vừa ý.

Bấy giờ trong chúng hội có một vị Thiên tử tên là Tràng Anh thực hành đạo Bồ-tát đến địa vị Bất thoái chuyển, thông suốt về Đại thừa, bảo với các Bồ-tát và các Thiên tử:

-Này chư hiền, chúng ta nên cùng nhau đến thưa hỏi Bồ-tát, dòng họ nơi nào là dòng họ sau cùng rốt ráo để Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ giáng thần mẫu thai.

Tất cả cùng nhau đi đến chỗ Bồ-tát, tới trước chắp tay thưa:

-Cúi xin đấng Chánh sĩ cứu cánh Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ, Ngài sẽ giáng thần vào chỗ nào, dòng họ nào và công đức ra sao?

Bồ-tát đáp:

-Nước nào, dòng họ nào có sáu mươi đức, bậc Nhất sinh bổ xứ mới nên giáng thần. Những gì là sáu mươi?

  1. Cõi nước rộng lớn, dòng họ tịch lặng.
  2. Mọi người đều tôn trọng, kính ngưỡng.
  3. Dòng họ không tạp nhạp.
  4. Sinh chỗ trang nghiêm đẹp đẽ.
  5. Dòng họ chân chánh.
  6. Đúng hạnh của kẻ nam người nữ.
  7. Ý chí tháo vát kiên cường.
  8. Trước sau đều trượng phu.
  9. Học theo nghề nghiệp tốt.
  10. Đức hạnh bền chắc.
  11. Làm người giản dị.
  12. Được mọi người khen ngợi ưa thích.
  13. Ý chí hành động dũng mãnh.
  14. Ở chỗ tôn quý.
  15. Chí hạnh không cùng.
  16. Nữ hạnh trong trắng.
  17. Nam tử đông nhiều.
  18. Chỗ sinh không sợ.
  19. Không có tật đố, xan tham.
  20. Trí tuệ sáng suốt.
  21. Có nhiều nghệ thuật.
  22. Dứt sạch nẻo ác.
  23. Ăn uống tùy ý.
  24. Được tự do.
  25. Bạn lành đông nhiều.
  26. Tuy ở chỗ có trùng thú mà không bị hại.
  27. Dòng họ ôn hòa, lương thiện.
  28. Chuộng tu đạo đức.
  29. Không có tham dục.
  30. Không có sân hận.
  31. Không ôm ấp ngu si tăm tối.
  32. Vui vẻ, không cống cao.
  33. Tướng tốt trùm khắp.
  34. Dốc lòng tin vào đạo.
  35. Ưa thích bố thí.
  36. Xuất gia bền bỉ.
  37. Thế lực vượt xa.
  38. Chỗ dạo chơi thù thắng.
  39. Không ai là không cung kính.
  40. Chư Thiên phụng thờ.
  41. Quỷ thần vâng lệnh.
  42. Ngạ quỷ quy ngưỡng.
  43. Không có oán kết.
  44. Tiếng đồn khắp nơi.
  45. Chủng loại hàng đầu.
  46. Tánh hạnh tự tại.
  47. Quyến thuộc mạnh mẽ.
  48. Không bạn bè náo loạn.
  49. Bạn bè cao thượng.
  50. Hiếu thuận cha mẹ.
  51. Kính trọng Sa-môn, Phạm chí.
  52. Tiền của giàu có, nghề nghiệp tinh xảo.
  53. Nhiều kho tàng của báu, ngũ cốc.
  54. Bảy báu dồi dào.
  55. Voi ngựa vô số.
  56. Độc lập, tự chủ.
  57. Tôi tớ, tiểu đồng để sai khiến nhiều vô số.
  58. Nghĩa lợi như ý.
  59. Không ai có thể hơn.
  60. Nhân từ trùm khắp.

Đó là sáu mươi đức.

Khi ấy các Bồ-tát và các Thiên tử nghe kể sáu mươi chủng tánh thanh tịnh như vậy mới biết sự đặc thù, hết sức vui mừng, sung sướng, đến trước bạch với Bồ-tát:

-Kính bạch Bồ-tát, dòng họ nơi nào mà công đức huân tập rực rỡ đầy đủ như đây?

Bồ-tát đáp:

-Nay dòng họ Thích này rất thịnh vượng, ngũ cốc dẫy đầy, thanh bình an vui, đời sống dân chúng rất sung túc, hưng thạnh, là do trồng các gốc đức. Nước Ca-duy-la-vệ mọi người hòa thuận, trên dưới nương nhau, tâm niệm hòa hợp, bảo vệ tình hình chung, có ba loại kho chứa của, không còn tai ương, bỏ các tà kiến. Tất cả dòng họ Thích đều khát ngưỡng đạo Nhất thừa, kính thờ bậc trưởng thượng tôn túc. Cư sĩ, đại thần, quyến thuộc hòa ái với nhau, sắc tướng xinh đẹp vào bậc nhất.

Đức vua Bạch Tịnh tánh hạnh rất hiền từ, nhân đức. Phu nhân của vua tên là Khiết Diệu, thùy mị, tánh tình ôn hòa, nhân từ bác ái, nhan sắc không ai bằng, tâm không thay đổi, chưa có con nối dòng, bà nhàm chán thế tục, học đạo không mỏi mệt, giống như Thiên ngọc nữ, ai trông thấy cũng hoan hỷ, không có thói thường của nữ nhân, lời nói chí thành không thô bỉ hung ác, trừ bỏ sân hận, không đi truyền nói việc của người này người kia, ưa thích bố thí, gìn giữ giới cấm không hề bị khiếm khuyết, kính trọng chồng, đúng lúc, tâm không thay đổi, thường định an lành. Màu tóc xanh biếc, sắc mặt sáng sủa, vui tươi, nghĩ kỹ trước khi nói. Dòng họ đó nhân hòa, tánh nết ngay thẳng, không dua nịnh quanh co, thường biết hổ thẹn, tính tình chính chắn không hời hợt. Ba cấu nhẹ mỏng, nhẫn nhục hàng đầu, tay chân mềm mại giống như hoa sen. Giữ gìn thân, khẩu, ý vững như kim cang, như ngọc nữ báu, đức vốn thanh tịnh, năm trăm đời trước đã từng làm mẹ Bồ-tát. Dòng họ Thích luôn luôn khát khao trông đợi nên Ta đến giáng thần vào thai bà.

Ngài liền đọc bài kệ:

Người thanh tịnh ưa pháp
Ngồi pháp tòa sư tử
Tự nhiên trời vây quanh
Buồn bã nên Bồ-tát
Bàn khắp nơi giảng đường
Dòng nào rất hiền lương
Bồ-tát nên giáng thần
Cha mẹ thuần chân chánh
Xem khắp trong thiên hạ
Vua, chư hầu, họ lớn
Cùng chung lòng suy nghĩ
Dòng Thích sạch không tỳ
Vua Bạch Tịnh tối thắng
Đặc thù trong hàng vua
Giàu có thêm không bệnh
Cung kính thường hành pháp
Tất cả đều quy ngưỡng
Mến họ Thích thuần hòa
Giảng đường, vườn quán tốt
Nên giáng thần Ca-duy
Hoàn thành thế lực lớn.
Ba mươi hai sức voi
Học thuật vượt không cùng
Thân chết không bị hại
Bạch Tịnh không tự đại
Đứng đầu ba ngàn cõi
Ý vui như Thiên đế
Hoàng hậu tên Khiết Diệu
Đẹp như ngọc nữ trời
Hình thể rất thanh khiết
Chư Thiên nhân trông thấy
Nhìn mãi không chán mệt
Không vết như ngọc báu
Nói dịu dàng ngay thẳng
An ổn không tranh cãi
Sắc mặt thường tươi vui
Luôn hành pháp hổ thẹn
Lìa mạn, không khinh dễ
Không nghe lời nịnh hót
Thường thương ưa bố thí
Sạch tà, hành mười thiện
Thân, khẩu, ý chân thật
Đã vượt tánh nữ nhân
Chưa từng có sơ suất
Không ham vinh thế tục
Long cung và thế gian
Không ai thể sánh kịp
Xứng đáng mang thai Thánh
Xưa kia năm trăm đời
Thường làm mẹ Bồ-tát
Bạch Tịnh đáng làm cha
Ngài hay ban đức thần
Thấy lành, siêng tu hành
Vâng thờ, thường kính pháp
Ngài luôn luôn thanh bạch
Với mươi hai vô dục
Tới lui ở trong nước
Ngủ nghỉ và đi đứng
Sáng soi xứ sở Ngài
Tịnh quang diệt các tội
Tuy chỗ trời, thần, người
Không dám có tâm dục
Thấy người không nết na
Xem họ như mẹ con
Hoàng hậu phát tịnh nghiệp
Sinh trưởng tại cung vua
Tôn quý không ai hơn
Danh xưng vang dội khắp
Vương hậu thật xứng đáng
Người tôn quý tối thượng
Nên đến cõi lành ấy
Ta chọn để giáng thần
Thiên hạ không ai hơn
Mang thai bậc Thánh tôn
Hoàng hậu Diệu đủ đức
Mới có thể kham nhận
Chư Thiên hỏi Đại Thánh
Bồ-tát trí thanh tịnh
Đều khen vua và hậu
Nên sinh dòng Thích-ca.