BÁO ỨNG HIỆN ĐỜI
TẬP III
Hạnh Đoan biên dịch

 

19. PHẢI THẤY ƯU ĐIẾM CÙA NGƯỜI

Một chiều mùa thu năm ngoái, mười mấy vị cư sĩ Thạch gia trang đến Ngũ Đài Sơn. Trong đó có một bà hơn năm mươi tuổi, đang ở tại nhà khách hướng Hòa thượng Diệu Pháp kể lẻ nỗi khổ tâm của mình:

– “Bạch sư phụ! Con quy y Phật 4 năm rồi, cứ rằm, mồng một là ăn chay, nhưng thân thể không được khỏe lắm.

Nửa năm trước con gặp một vị thiện tri thức, mới hiểu ra nếu muốn thân hoàn toàn không bịnh, mạnh khỏe, thì phải dứt tuyệt ăn mặn, chẳng nên ăn máu thịt chúng sinh. Khống ngờ sau khi con đoạn tuyệt thịt cá rồi thì thân ngày một khỏe hơn, lúc này mới biết ăn tam tịnh nhục chỉ là phương tiện tạm.

Kể từ đó, con thường khuyên con cái ăn chay để tránh tương lai bị bịnh. Nhưng chúng chẳng những không nghe, lại còn dè bĩu, cho là con học Phật ngày càng mê tín, khờ khạo. Chẳng những chúng ngược ngạo khuyên con ăn thịt, thậm chí còn cố tình mua ba ba tươi sống về, nói là muốn cho con tẩm bổ, khiến con nổi dóa.

Vì vậy mà con thường cùng chúng tranh cãi, nhưng chẳng ai nghe ai, khiến cho trong nhà không khí rất căng thẳng. Mới đây có lần, con thực sự nhịn không nổi, phải đến tá túc tại nhà một người bạn. Sau đó thì các con cũng tới xin lỗi, rước con về. Nhưng hễ đến bữa ăn là trong lòng mỗi người đều cảm thấy rất khó chịu.

Con nghĩ muốn xuất gia, nhưng lại lo chùa không thu nhận. Tính vào viện dưỡng lão, lại sợ họ không giúp ăn chay tốt. Hiện con đang rất khổ tâm, xin Hòa thượng từ bi chỉ giáo”…

Hòa thượng Diệu Pháp từ đầu đến cuối ngồi xếp bằng im lặng lắng nghe.

Khi bà nói xong, ngài mở mắt bảo:

-“Người học Phật phải biết sống hòa thuận với đại chúng, đây là tập cho mình thói quen biết tôn trọng người. Khi lựa chọn tín ngưỡng, thậm chí dù đối với con cái, cũng Không nên cưỡng ép, bắt chúng phải phục tùng, vâng theo. Bà hi vọng con mình tin Phật, ăn chay, cố nhiên là vì muốn tốt cho chúng. Thế nhưng, cũng phải biết quan sát căn cơ mà dạy, không nên gấp rút nôn nóng muốn mau thành. Làm vậy sẽ bị phản tác dụng, khiến các con đối với Phật giáo phát sinh hiểu lầm, chống kháng.

Trong lúc ăn cơm, có thể dùng một bàn hai mâm, không nên “vì con ăn thịt mà oán giận chúng”. Bà phải thường tự hỏi: “Bản thản mình giới sát đoạn thịt… đã lâu chưa?” Nếu như tu tốt thì vì sao hôm nay vẫn chưa thoát ly lục đạo? Phật Bồ-tát không hề khư khư chấp trước bất xả như chúng ta.

Do vậy, muốn hóa độ người phải nghiên cứu thời cơ và phương pháp, trừ thuyết giáo bằng lời ra, cần phải dùng thân giáo, điều này rất quan trọng.

Thí như khi các con thấy bà học Phật ăn chay khí sắc ngày càng tốt, thân thể ngày càng khỏe, tâm thái ngày càng hiền hòa, an lạc; tự nhiên chúng sẽ tin phục Phật pháp. Dần dần nhờ vào sự thay đổi chuyền tốt âm thầm của bà mà các con được cảm hóa, sẽ tự động hướng bà nương tựa. Đương nhiên muốn hóa độ người khác thì điều quan trọng nhất là bản thân mình phải dốc sức hành cho tới nơi, chánh mà không tà, giác mà không mê, muốn người sửa chánh thì trước tiên mình phải chánh bản thân.

Ngoài ra, bà phải làm được việc này, thường nói ba điều tốt:

1. Phải thường nói con cái tốt, dù không tốt cũng nói tốt.

2. Phải thường nói sính hoạt tốt, dù không tốt cũng nói tốt.

3. Phải thường nói thân quyến bạn bè tốt, dù không tốt, cũng nói tốt.

Ba điều này từ đây trở về sau, những bậc làm trưởng bối phải ghi nhớ trong lòng, để sẵn nơi khóe miệng. “Tri túc là thường lạc” mà.

Bất luận là con cái hay thân bằng, láng giềng, cho dù trước đây họ đối với mình không vừa ý, nhưng nhờ bà luôn ẩn ác dương thiện, biết lấy đức báo oán, thì lâu dần, đối phương sẽ sinh tâm ản năn hổ thẹn, sửa lỗi và thay đổi. Nếu thường nói ba điều tốt, tất nhiên sẽ được mọi người tôn kính, cuộc sống của bà tự nhiên sẽ ngày càng tuyệt hơn.

Ngược lại, nếu bà cứ sợ người không tôn trọng mình, lúc nào cũng lên mặt trưởng bối, luôn cậy uy, ỷ thế, ra vẻ kẻ cả, ta đây! – sống mà luồn soi mói, tỉm cách bắt lỗi người, như vậy rất là sai, rất trái với hạnh nguyện, sẽ tạo nên vực ngăn cách cùng con cái, thân quyến, bạn bè. Hành xử như vậy sẽ khiến phát sinh xung đột không ngừng, dẫn tới lòng mình và người đều… nổi oán khí xung thiên!

Cũng đồng một lý này, công phu “ba điều tốt” rất hợp cho mọi người ứng dụng. Nếu như chẳng thực hành được, thi cho dù là già hay trẻ, chồng hay vợ, xuất gia hay tại gia, đều sẽ ôm phiền não vồ tận”…

Bà nọ nghe sư phụ khai thị xong, không ngừng gật gù, mọi rầu rĩ héo xào đà tan biến, gương mặt mùa thu ủ rũ của bà đã chuyển sang sắc xuân hớn hở, ấm áp.

Phật pháp đúng là diệu pháp, Hòa thượng Diệu Pháp thật là diệu pháp, Ngài luôn đem Phật lý tinh thâm khéo léo giảng giải cho đạo và đời cùng hiểu, viên dung vô ngại, hết nghi.