Pan-Ka-Ja-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: paṅkajapa; “Liên hoa sinh Bà-la-môn”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ. Ông là đệ tử của Sa-ra-ha (s: saraha), sống khoảng đầu thế kỉ thứ 9.
Tương truyền ông là một Liên Hoa tử, là người sinh ra trong một đoá sen. Gần nơi ông sinh có một bàn thờ, thờ tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, nhưng ông không biết, cứ tưởng đó là tượng của Ðại Thiên (s: mahādeva) và ngày nào ông cũng mang hoa đến cúng dường. Lần nọ vị Ma-ha Tất-đạt Long Thụ (nāgārjuna) đi qua đền thờ, mang theo một cánh hoa cúng thì Quán Thế Âm hiện ra, ban phép lành cho Long Thụ bằng cách đặt lại một cánh hoa trên đầu. Pan-ka-ja-pa lấy làm giận hỏi Long Thụ tại sao ông dâng cúng suốt 12 năm mà thần không hiện ra còn với Long Thụ thì chỉ cần một lần duy nhất. Long Thụ nói tâm ông chưa thanh tịnh, ông liền xin thụ pháp. Long Thụ giảng:
Nhờ tu tập từ bi,
mà dục lạc thế gian,
cùng tâm thức vô thuỷ,
trở về thành một mối.
Vì trong chính tri kiến,
không hề có phân biệt,
đó là Quán Thế Âm.
Ông nghe lời dạy lĩnh hội ngay và chỉ sau bảy ngày, ông đạt thánh quả. Sau khi giáo hoá được nhiều người, ông biến mất vào cõi của các vị Không hành nữ (s: ḍākinī).