KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 5: NÓI VỀ VIỆC CÚNG DƯỜNG BẰNG PHÁP THÍ

Bấy giờ, Đức Phật nói với Bồ-tát Hỷ Vương:

–Bồ-tát chớ nên đem các thứ như y phục, thực phẩm cúng dường, thể hiện sự tôn phụng Như Lai và cho đấy là sự cúng dường bậc nhất. Muốn thực sự cúng dường Phật, phải nên dùng pháp để cúng dường mới đúng là phụng sự Như Lai. Vì sao? Vì về thời quá khứ xa xưa, trải qua vô số kiếp không thể tính kể, có Đức Phật hiệu là Kim Long Quyết Quang, thọ mạng của Đức Phật này là vô hạn lượng, quốc độ tên là Vô lượng tịnh, chúng hội đạo tràng cũng không thể lường tính hết được.

Khi ấy, có một vị Pháp sư tên là Vô Hạn Lượng Bảo Âm, hành hóa vào đời cuối của thân mạng sau rốt, đã dốc học theo pháp Tammuội kia. Còn lại, hết thảy các vị Tỳ-kheo khác thì không mấy quan tâm đến pháp bảo đó. Vị Pháp sư này không hề biết khiếp sợ, cũng không tham luyến đối với thân mạng mình, vì thế lại càng siêng năng tinh tấn diễn giảng pháp Tam-muội đã học được. Vị Pháp sư đi vào nơi núi cao, ăn uống bằng những loại hoa quả trong rừng.

Lúc này, cõi trời Tứ Thiên vương cũng như chư Thiên, nhân ở các cõi trời cao hơn, cho đến chư Thiên ở cõi trời thứ hai mươi bốn là A-ca-nị-trá, thảy đều đến để lãnh hội kinh do vị Pháp sư nêu giảng. Vô số chúng dân nhiều nơi đều cùng nhớ đến vị Pháp sư, tâm luôn luyến tiếc, buồn rầu, mong muốn được trông thấy ông ta, cũng là để tỏ lòng kính phục đối với thanh danh và được nghe pháp âm quen thuộc.

Thời ấy, có vị vua tên là Sử Chúng Vô Ưu Duyệt Âm, là bậc Chuyển luân thánh vương đã đến thẳng trú xứ của vị Pháp sư kia dốc tâm lãnh hội pháp Tam-muội ấy. Đã được nghe, nhà vua hoan hỷ và muốn làm đẹp lòng vị Pháp sư nên cung kính thưa:

–Theo ý riêng, thì ta nên tuyên giảng truyền bá khắp nơi pháp bảo này, khỏi phải lo sợ gì. Tôi sẽ thân hành sai khiến người cùng nhau túc trực để bảo vệ. Sẽ khiến ba vạn người luôn có mặt bên cạnh Pháp sư. Hiện nay tôi cùng ở đây, chớ có lo ngại gì về những khó khăn. Tôi sẽ đích thân hộ vệ, vì đây là pháp bảo của Phật đã từng thuyết giảng, rất khó được nghe.

Thế rồi vị Chuyển luân vương bèn sai một ngàn người con của mình, đều là hạng dũng mãnh, kiệt xuất, một người có thể địch ngàn người, tất cả được dùng để bảo vệ vị Pháp sư. Còn ba vạn người túc trực kia thì thường đem các món ăn ngon cúng dường vị Pháp sư, tất cả đều thể hiện sự an ổn theo chỗ mà họ tạo được một cách thuận tiện nhất. Vị Pháp sư thường đem tâm hòa nhã hành xử, không hề dấy ý xâm phạm hay mưu hại gì. Do vậy mà đã trao truyền những gì họ cần và hết thảy đều nhận được đầy đủ. Như thế là vị Pháp sư ấy đã tạo lập được oai lực từ uy thần của pháp bảo kia. Trong nửa kiếp đã diễn giảng về pháp Tam-muội đó. Do gốc của công đức đã vun trồng nên hết thảy các vị Vương thái tử đều tạo được cuộc sống hòa hợp. Một ngàn vị ấy cùng với đám quyến thuộc trải qua tám mươi kiếp được thấy sáu mươi ức ba-na-thuật triệu triệu chư Phật Thế Tôn, đều theo chư Phật để có được pháp Tam-muội ấy. Theo như sở nguyện của tâm, tất cả đều được thọ nhận để giữ gìn các cõi Phật.

Này Bồ-tát Hỷ Vương! Bồ-tát muốn biết vị Pháp sư thời ấy hẳn là một người nào xa lạ chăng? Chớ nên nghĩ như thế, vị đó hiện tại chính là Đức Phật A-di-đà. Còn vị quốc vương bấy giờ mang tên là Vô Ưu Duyệt Âm chính là Đức Phật A-súc. Một ngàn vị Vương thái tử kia chính là một ngàn vị Phật xuất hiện trong Bạt-đà kiếp này.

Đức Phật nói tiếp:

–Này Bồ-tát Hỷ Vương! Bấy giờ ba van người được nhà vua sai khiến làm công việc túc trực giữ gìn vị Pháp sư ấy, nay chính là Bồ-tát Hỷ Vương cùng với ba ngàn vị Bồ-tát. Thời ấy, do vun trồng công đức nên theo thệ nguyện của mình mà có được phước báo lớn, dẫn tới sự an định thuận hợp, luôn tôn kính đối với pháp bảo Tammuội, cùng thực hiện con đường tu tập theo hạnh Bồ-tát.

Này Bồ-tát Hỷ Vương! Muốn tu học đạt được pháp Tam-muội đó thì phải đem tâm cung kính thọ trì kinh sách, đọc tụng, lãnh hội thấu đáo, thuyết giảng, cho đến dốc tâm ý phụng hành. Đức Phật bèn đọc tụng:

Muốn thí hết thảy, an chúng sinh
Gồm đủ các kho đầy ngàn, ức
Nếu có phát tâm giữ đạo quý
Phước công đức ấy khong thể ví
Giả như chúng sinh trong mười phương
Đều khiến thành tựu quả Duyên giác
Suốt trong một kiếp cúng dường đủ
Phước ấy chẳng sánh phát tâm đạo
Đều khiến chúng sinh thành Phật đạo
Theo nơi an ổn cúng một kiếp
Nếu có phát tâm giữ đạo quý
Phước ấy lớn lao chẳng thể ví
Nếu kẻ dốc cầu các pháp Phật
Mà chẳng dấy khởi phát tâm đạo
Chẳng bằng giữ lấy bốn câu tụng
Phước ấy như theo giữ tâm đạo
Giả như chúng sinh nơi đời này
Thảy đều tạo lập giữ Phật đạo
Nếu nghe câu ấy mà kính thọ
Phước ấy vượt hơn, tâm dứt sợ
Trăm ngàn ức kiếp như hằng sa
Hết thảy châu báu đầy các cõi
Thường đem cúng dường chư Bồ-tát
Giữ một câu tụng kệ thù thắng
Pháp Tam-muội ấy chẳng thể bàn
Nếu thọ giữ trọn bốn câu tụng
Công đức ấy đem giúp Phật đạo
Thảy đều hoan hỷ như chẳng dứt
Mạng khi lâm chung vô số Phật
Tự nhiên hóa hiện nơi trước mắt
Chư Phật khắp cõi trong mười phương
Cùng giúp dấy khởi bốn câu tụng
Mạng khi lâm chung vô số Phật
Đến giúp tâm ấy chẳng chợt quên
Theo đúng sở nguyện nhận chốn sinh
Do diệu lực pháp Tam-muội ấy
Thân luôn an ổn, tâm luôn hòa
Đến tận cõi trời, Thánh hiền an
Chẳng rõ thống khổ đến Phật đạo
Mà khuyên giúp đó gọi dũng mãnh
Vào trăm ngàn ức vô lượng cửa
Kho sáng tối thắng tỏa vô cùng
Uy lực ta trụ tụng tuyên giảng
Nên gắng tu tập pháp Tam-muội
Chư Phật ở đấy nên tụng, giảng
Do vậy mà phải gắng tinh tấn
Chư Phật hiện tại năng tu hành
Chẳng đạt, đời sau mang nặng hối
Liền thấy pháp ấy ở nơi tay
Thanh tịnh hòa hợp cùng phụng hành
Đều là con ta hóa vô tận
Thừa Phật trước sau hiện tâm Từ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thuyết giảng về pháp Tam-muội xong, lại dùng pháp ấy mà nhập chánh thọ. Bồ-tát Hỷ Vương cũng thực hiện pháp Tam-muội đó với việc chọn lựa các nhân để hội nhập bảy mươi thứ chánh pháp. Sự chọn lựa ấy chứng tỏ uy thần lớn lao của pháp Tam-muội.

Lúc này, bên trong kinh thành Duy-da-ly cũng như các khu vực ở ngoài thành, mỗi nơi đều có đến tám vạn bốn ngàn dân chúng tụ họp, cùng một tâm niệm và nói với nhau:

–Đức Như Lai là Bậc Chánh Giác Vô Thượng, không dễ gì được gặp trong đời. Ở cõi thế gian hàng bao nhiêu năm mới có một vị Phật xuất hiện, nên ít có dịp được thấy, cùng nghe Đức Phật thuyết pháp. Những nơi chốn nào được Đức Phật thương tưởng, nhớ nghĩ đến nhiều thì những nơi ấy được nhiều an lành, yên ổn. Đức Phật còn rủ tâm Từ bi đối với chư Thiên cùng mọi người trong mười phương. Hiện nay, nơi tĩnh thất, Đức Phật đang nhập pháp Tammuội. Chúng ta nên mau đến khuyến thỉnh Đức Như Lai ra khỏi pháp chánh định kia để tiếp tục thuyết giảng.

Tức thì đám dân chúng đông đảo gồm cả dân trong và ngoài kinh thành Duy-da-ly ấy cùng nhau tìm đến chỗ Hiền giả Xá-lợiphất, thưa với Hiền giả:

–Phật xuất hiện ở đời là điều ít có. Những người có được tâm tin đối với Phật cũng đâu phải là điều dễ dàng. Thân mạng con người khó được, chánh pháp giải thoát khó gặp, nếu Đức Như Lai cứ an trụ mãi trong pháp Tam-muội thì ai là người có thể dẫn dắt chúng tôi được tiếp tục trông thấy tâm Từ bi ban phát khắp tất cả mọi loài?

Hiền giả Xá-lợi-phất nghe đám đông dân chúng thành Duy-daly trình bày như thế liền rời khỏi chỗ ngồi, sửa lại y phục, rồi đến ngay chỗ Đức Phật, đứng yên nơi phía trước, cất tiếng thưa nhẹ nhàng, lại búng ngón tay thật mạnh, rồi dùng tay vỗ vào hai đầu gối, ý là muốn cho Đức Như Lai từ trong pháp Tam-muội được nhận biết, nhưng vì Đức Phật đang còn nhập chánh định nên Hiền giả không rõ là Đức Như Lai thực hiện pháp Tam-muội này như thế nào. Hiền giả Xá-lợi-phất bèn đến chỗ Hiền giả Mục-kiền-liên, đầu đuôi kể lại hết sự việc vừa rồi cho Hiền giả Mục-kiền-liên nghe. Hiền giả Mụckiền-liên liền vận dụng diệu lực thần thông của mình, khiến cho khắp Tam thiên đại thiên thế giới đều vang động, rồi Hiền giả đứng nơi cõi Phạm thiên nói lớn:

–Xin được trông thấy Đức Như Lai ra khỏi pháp Tam-muội!

Rốt cuộc, vẫn không thể lay chuyển được Đức Như Lai. Bấy giờ, hai vị Hiền giả này liền tìm đến chỗ Hiền giả A-nhã-câu-luân cùng các vị Hiền giả khác như Ba-đề, Phi-phá, Đại Xứng, Kiêuhằng-bát, La-vân, Phân-nậu, Tu-bồ-đề, Ca-chiên-diên, Ca-diếp, Anan, Phân-na, Dư Đại, Kiếp-tân-nô, Hòa Lợi, Bồ-tát Di-lặc cùng với năm ngàn vị Bồ-tát khác, tất cả cùng đi đến chỗ Phật, nhiễu vòng quanh Đức Thế Tôn, rồi các vị, mỗi người lần lượt ngồi vào chỗ mình thường ngồi.

Lại có Tứ đại Thiên vương, Thiên đế Thích, Diễm thiên, Đâuthuật thiên, Hóa tự tại thiên, cùng với chư Thiên, nhân trong cõi Dục số lượng không thể tính kể, mỗi mỗi vị đều xa giá nghiêm trang cùng đến nơi chỗ Phật an tọa, tất cả đều cung kính đảnh lễ ngang chân Phật, lui ra và đứng qua một bên, thảy đều chắp tay, thân hướng về Đức Phật, bày tỏ mối sau cảm kính mộ. Các vị Phạm thiên, Quang âm thiên, Thanh tịnh thiên, Ly giới thiên, cho đến Tịnh thân thiên, số lượng chư Thiên tử không thể tính kể hết, tất cả đều một lòng cung kính đảnh lễ hướng về Phật, mong muốn Đức Thế Tôn ra khỏi pháp Tam-muội.