ô trượng na quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(烏仗那國) Ô trượng na, Phạm: Udyàna. Cũng gọi Ô tôn quốc, Ô trường quốc, Ô triền quốc, Ô trành quốc. Tên 1 nước xưa ở phía bắc nước Kiện đà la thuộc miền Bắc Ấn độ, tương đương với giải đất đồi cao ở mạn nam dãy núi Hindu kush hiện nay, phía đông cách sông Ấn độ (Indus) và nước Ô thích thi, đối diện với nước Ca thấp di la. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 3, nước này chu vi hơn 5.000 dặm, các thung lũng liên tiếp, dân chúng sùng tín Phật pháp Đại thừa, có hơn 1.400 ngôi chùa và hơn 10.000 vị tăng. Xứ này là nơi đức Phật Thích ca giáo hóa, cho nên có rất nhiều di tích liên quan đến sự tích tiền thân của đức Phật, như: Suối A ba la long (Phạm: Apalàla) là nơi Phật hàng phục rồng dữ, núi Hê la (Phạm: Hila) là nơi đức Phật bỏ mình để được nghe nửa bài kệ khi tu hạnh Bồ tát ở quá khứ… Tại đây còn có các di tích khác như: Chỗ đức Phật chẻ xương làm bút, lột da làm giấy để viết chép kinh điển hầu được nghe chính pháp; nơi cắt thịt mình để cho chim ưng ăn khi là vua Thi tì ca; nơi dùng mỏ mổ vào vách núi tìm nước suối để cho bầy chim công giải khát khi là chim công chúa; nơi chích máu thân mình để bố thí cho 5 quỉ Dạ xoa, khi là vua Từ lực… Ngoài ra, cách thủ phủ thành Muígali hơn 1.000 dặm về phía tây bắc, tức vùng phụ cận sông Darel có tôn trí pho tượng bồ tát Di lặc do ngài Mạt điền địa khắc tạo. Ngài Mạt điền địa là vị A la hán được vua A dục phái đến nước này để truyền bá Phật pháp. [X. Cao tăng Pháp hiển truyện; Khai nguyên thích giáo lục Q.6]. (xt. Uất Địa Diên Na).