ô đồ quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(烏荼國) Ô đồ, Phạm:Ođra. Tên 1 nước xưa ở Đông Ấn độ, vùng đất tương đương với Orìssahiện nay, thường bị lầm là nước Ô trành (Phạm:Udyàna). Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 10, khí hậu xứ này nắng ấm, phong tục mạnh dạn, dáng người cao lớn xinh đẹp, rất ham học và kính tin Phật pháp; có hơn trăm ngôi chùa và hơn vạn vị tăng, tu học cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Vùng đông nam nước này gần bờ biển, có thành Chiết lợi đát la, là con đường quan trọng của các nhà buôn và lữ khách từ phưong xa qua lại bằng đường biển. Thành này chu vi hơn 20 dặm, chắc chắn, cao to, có nhiều vật quí hiếm. Vùng biên giới Tây nam có núi Khang đạc (Phạm: Khandagiri), đối diện với núi Ưu đà da (Phạm:Udayagiri) ở phía bắc. Trong núi có nhiều hang động, đều là di tích của Kì na giáo, được tạo lập vào khoảng thế kỉ II trước Tây lịch. Lúc ngài Huyền trang đến Ấn độ (đầu thế kỉ VII), Phật giáo nước này đang thịnh. Năm Trinh nguyên 11 (795) đời vua Đức tông nhà Đường, vua nước Ô đồ tự tay chép kinh Hoa nghiêm bản tiếng Phạm (40 quyển) để dâng cho vua Đường. [X. Đại từ ân tự Tam tạng pháp sư truyện Q.4; Giải thuyết tây vực kí; Đông nam Ấn độ chư quốc đích nghiên cứu].