Nói về Tăng

 

Nam mô A Di Đà Phật.

Tăng nói theo nghĩa thông thường là các người tu học Pháp Phật ở các Chùa, Thiền viện, các Tịnh Xá, các Phương Tăng. Là người nam nhận Giới của nam Tì Kheo. Là Nữ nhận Giới của nữ Tì Kheo. Phải giữ ba Giới cấm. Một là không hút thuốc và các chất gây nghiện như thuốc Phiện, thuốc lá, thuốc lào. Hai là không uống rượu và các chất có chứa cồn. Ba là không ăn năm loại rau cay độc của Thế gian như tỏi, hành, kiệu, hẹ, hành tây. Phải tu mười Giới thiện là không sát sinh ăn thịt, không dâm dục, không trộm cướp, không nói dối, không nói ác, không nói hai lời, không nói thêu dệt, không tham muốn, không thù giận, không ngu si. Phải mặc áo Pháp, phải xin cơm để tự nuôi sinh sống. Phải giữ bốn uy nghi đi đứng nằm ngồi. Phải cúng dưỡng Phật Pháp Tăng, đọc Kinh nhớ Phật, dẫn hướng chúng sinh. Tu sáu hòa kính là Thân hòa cùng ở, Miệng hòa không tranh cãi, Giới hòa cùng tu, Ý hòa cùng vui vẻ, Lợi hòa cùng chia đều, Thấy hòa cùng hiểu. Cùng với rất nhiều Giới, Luật nghi thức khác.

Tăng nói theo nghĩa rộng là tất cả Đệ tử của Phật, đã nguyện tự nhận Trở về nương theo Phật Pháp Tăng, đã nhận Giới hạnh Thanh tịnh, nguyện tu hạnh Thanh tịnh. Phát tâm Phật Bồ Đề, Đại Từ Đại Bi cầu Đạo bình đẳng. Đã là Đệ tử của Phật thì từ Bậc Bồ Tát một lần sinh thành Phật như Di Lặc Bồ Tát. Như Quan Thế Âm Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là hai Phật Quá khứ, vì thương xót chúng sinh không ở trong Niết Bàn Phật, nguyện hiện nay làm Bồ Tát. Các Bồ Tát lớn nhất đã được Phật nhớ truyền cho Bậc Phật, tức là các Bồ Tát đang làm Phật. Như Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát cùng với vô lượng vô biên các Bồ Tát khác. Các Phật khi chưa được thành Phật cũng đều là Tăng như Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Phật Dược Sư. Kể cả các Thầy của các Phật này như Thế Tự Tại Vương Phật, Đại Thông Trí Thắng Như Lai cũng như thế. Tăng đã có ở Thế giới Sa Bà đất Diêm Phù Đề của chúng ta, tới hiện nay ít nhất là mười ba tỷ bốn trăm ba mươi triệu năm. Vì Phật A Di Đà và Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật cách đây mười ba tỷ bốn trăm ba mươi triệu năm. Chưa kể các Thầy của Phật A Di Đà và Phật Thích Ca là Thế Tự Tại Vương Phật, Đại Thông Trí Thắng Như Lai và các Phật khác thành Phật trước Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật A Di Đà. Thậm chí còn có nhiều Phật thành Phật trước cả Thế Tự Tại Vương Phật và Đại Thông Trí Thắng Như Lai. Nói cho tới cùng thì Phật Pháp Tăng sinh ra tồn tại cùng với Thế gian vũ trụ. Chỉ có thịnh suy theo tâm của chúng sinh.

Trong Kinh Tập hợp Việc làm Trước kia của Phật-Phật Bản Hành Tập Kinh có một Phẩm Hai nhà buôn dâng cơm. Sau khi hai nhà buôn dâng cơm và Phật ăn xong. Đã gọi hai người buôn đó ban cho Trở về nương theo Phật Pháp Tăng và ban cho năm Giới hạnh. Do vậy người đời đầu tiên nhận Trở về nương theo Phật Pháp Tăng là người tu Tại gia. Sau đó mới tới các Trời Phạm khuyên mời Phật nói Pháp. Phật nhận lời mời và nói Pháp cho nhóm năm người A Nhã Kiều Trần Như. Họ là người Xuất gia tu Đạo tiên, đều chứng quả Thanh Văn, La Hán. Đây cũng là Đệ tử Xuất gia đầu tiên ở thời Phật Thích Ca xuất hiện ở đất Diêm Phù Đề thành Phật. Tên Tăng bắt đầu có từ khi có năm người chứng quả Thanh Văn, La Hán.

Người Xuất gia là người rời bỏ gia đình, việc nhà việc đời tục. Xa lánh với xã hội phàm tục, như ở Chùa, thiền viện, kể cả ở rừng núi hang động, nơi núi rừng vắng đồng hoang. Với mục đích là không bị đời thường lôi kéo cản trở việc tu Đạo. Giúp cho họ dễ tu học hơn người tu Tại gia. Người Xuất gia mà tâm còn để ở việc đời tục, việc gia đình, còn tham muốn thù giận, tham lợi dưỡng, ngu si, ghen ghét, đố kỵ, phân biệt sang hèn, thiện ác, giàu nghèo, không quan tâm tới chúng sinh đói khổ, ốm đau bệnh tật, không chuyên tâm Đạo Pháp. Nhận Bố thí tiền tài vật, đồ dùng, thức ăn, quần áo, đồ ngủ, thuốc bệnh của chúng sinh, mà không chuyên tâm tu Đạo, tạo Phúc Tuệ cho bản thân và cho chúng sinh, là mất tâm thương xót, tâm Bình đẳng, tâm Đại Từ Bi. Những người như thế không có tên là gì cả. Không có tên là Xuất gia, không có tên là người tục. Chắc chỉ có tên là Địa ngục.

Người Tại gia là người ở nhà lo việc gia đình xã hội, mà tâm vẫn lo tu học Pháp Phật. Nếu người ở gia đình toàn tâm toàn ý tự Trở về nương theo Phật Pháp Tăng tu hành Đạo Pháp như người Xuất gia chỉ khác là không tham dâm, tà dâm. Là người nhận vui sướng ở đời mà không bị lây nhiễm. Là người có tâm Phật Bồ Đề kiên cố. Đó là người thân ở gia đình, tâm là Xuất gia. Người đó sẽ được Đạo quả cao hơn người Xuất gia. Các Phật đều hiện sinh ở Nhân gian, tự mình tu tự mình chứng thành Phật, chẳng có ngày nào gọi là tu Tại gia hay tu Xuất gia.

Như Phật nói trong Kinh Tạng Phật. Tới thời Pháp hết Tăng chia ra thành năm bộ phận. Trong đó có một bộ phận đúng bị yếu thế xa rời nơi Chùa, tu hành ở nhà hay nơi rừng núi vắng. Tới thời Pháp hết Ma biến thành Tăng ở trong Chùa  dạy chúng sinh Đạo Ma. Hay nói theo cách khác là tới thời Pháp hết, sống ở Chùa  chủ yếu là các Ma hóa thân làm Tăng tu học và dạy Đạo Ma.

Người tu hành gọi là Tăng sống ở nơi Chùa, Thiền viện, phương Tăng chỉ xuất hiện khi Phật sinh ra ở Thế gian và tồn tại trong thời Pháp đúng và thời Hình bóng Pháp, còn sau đó chỉ là Tăng giả.

Ở thời không có Phật sinh ở Thế gian. Các Tăng là các Bồ Tát, Bích Chi Phật, Thanh Văn La Hán sinh ra là người thường, sống một mình ở rừng núi, hoặc ở gia đình tự mình tu học, hướng dẫn chúng sinh. Hay nói dễ hiểu là thời không có Phật sinh ở Thế gian, vẫn có Tăng ở Thế gian tu học giáo hóa chúng sinh. Họ là người thường đơn lẻ ở gia đình hoặc ở rừng núi vắng. Là các Cư Sĩ, Trưởng Giả, các nam Phật Tử, các nữ Phật Tử, các người hiện ra là tu ngoài Đạo khác để giáo hóa chúng sinh ngoài Đạo, người tu ở trong núi rừng…

Do vậy người đời cũng đừng quá cố chấp việc này. Tự mình và khuyên con cháu tu học Phật Pháp từ nhỏ. Thậm chí có thể khuyên con cháu học Phật Pháp từ khi ở trong thai mẹ. Nghĩa là người mẹ này tu Tại gia hàng ngày đọc Kinh nhớ Phật. Đứa trẻ đó cũng tu theo mẹ của nó. Khi trẻ đó sinh ra nhất định sẽ xinh đẹp, cao lớn, thông minh Trí tuệ, dễ nuôi, dễ thành đạt như mong nguyện. Do vậy tu Tại gia hay Xuất gia, đều là rất tốt, cũng được lợi ích rất lớn. Người đời tu học theo nguyện, theo Nhân duyên đời trước. Nếu họ nguyện tu Tại gia thì họ sẽ tu Tại gia. Nếu họ nguyện tu Xuất gia thì họ tu Xuất gia, không có ai ngăn cản được họ. Kể cả Phật Thánh Thần tiên cũng không thể ngăn cản. Chứ đừng nói là cha mẹ người thường. Nên cũng đừng sợ là con cháu tu từ nhỏ sẽ bỏ nhà đi Xuất gia mất người nối dõi. Mới lại gia đình nếu có một người tu Đạo Phật, được Đạo Giải thoát, thì bảy đời tổ chín ngành được siêu thoát. Đây không phải là Phúc Đức to lớn nhất, rất hiếm có như hoa Ưu Đàm ba nghìn năm mới nở một lần của gia đình họ tộc đó hay sao ?

Xuất gia hay Tại gia chỉ là Phương tiện hoàn cảnh của người tu Đạo. Nhưng có việc hiện nay là người tu Xuất gia có ý không coi trọng người tu Tại gia. Đó là một sai lầm nghiêm trọng dẫn tới người tu Xuất gia tự tạo Nghiệp quả cho họ, mất tâm lợi ích, tâm thương xót, tâm Bình đẳng tâm tôn trọng, tâm Đại Từ Bi. Những người như thế cũng chỉ có tên là Địa ngục.

Nam mô A Di Đà Phật.
Phật Tử Bùi Đức Huề biên soạn 6/2014.