Nói về Con người
Phật Tử Bùi Đức Huề biên soạn

 

Nam mô A Di Đà Phật.

Con người được sinh ra có hai phần chính. Một là phần Thân, hai là phần tâm hay là tâm thức.

Phần thân thể con người.

Thân thể con người do bốn loại vật chất chính hòa hợp mà tạo thành. Gồm có nước đất gió lửa, gọi là bốn Lớn.

Một là Nước gồm có máu, mủ, nước mắt, nước mũi, bọt nước dãi và các loại nước khác gọi chung là Nước.

Hai là Đất gồm có xương, khớp, thịt, da, lông, tóc, móng tay, móng chân. Các khoáng chất như sắt, can xi, phốt pho và các loại khoáng chất, vật chất khác gọi chung là Đất.

Ba là Gió là sự chuyển vận của máu, vận chuyển của hệ thần kinh, sự trao đổi biến hóa của các vật chất, các tế bào, các vi trùng, vi khuẩn trong cơ thể tạo thành giòng thành luồng như gió. Như tim không đập máu không lưu thông thì con người cũng chết. Hoặc máu không lưu thông đến phần nào của cơ thể thì phần đó bị hủy hoại.

Bốn là Lửa tức là sự nóng lạnh của cơ thể. Khi cơ thể ấm nghĩa là còn lửa thì còn sống. Khi thân thể giá lạnh nghĩa là lửa đã mất thì hết sống. Nóng là hệ quả của gió.

Phần tâm thức của con người.

Tâm thức con người được hình thành do trông thấy, nhận thức, suy tưởng, thực hiện mà tạo ra. Tâm thức còn có tên khác là tâm linh, tâm hồn, Thần minh, linh hồn, vong linh, chân linh. Tâm thức này là dạng vật chất không phải của Thế gian, như ánh hào quang vậy, cho nên không trông thấy. Người đời nói chung, đặc biệt người theo chủ nghĩa duy vật nói là không có. Thậm chí nói chết là hết cho nên thoải mái làm theo ý mình không có kiêng kị e dè, sợ hãi bất cứ việc gì. Làm đủ mọi điều sai trái ác độc.

Tâm thức còn có tên gọi khác là Căn thức thứ bảy. Nó bao hàm cả sáu Căn thức kia là : Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý nghĩ. Hào quang chính là tâm thức thứ bảy. Người mạnh khỏe lương thiện thì vầng hào quang sáng rộng mạnh và rõ ràng. Như vầng quang thân của Đức Phật Thích Ca chiếu sáng bảy thước. Khi người chết sáu Căn thức của bản thân bị hủy hoại. Nhưng Căn thức thứ bảy không bị phá hỏng. Cho nên khi người chết tâm thức thứ bảy vẫn tồn tại và nghe thấy ta nói, trông thấy chúng ta và mọi vật của Thế giới của chúng ta, vẫn nói với chúng ta. Mà chúng ta không trông thấy họ, không nghe được họ nói. Do vì cảnh giới của người chết và ta khác nhau. Ta đang ở cảnh giới của người Phàm tục. Người chết ở trong cảnh giới tâm thức thứ bảy.

Tâm thức thứ bảy không nằm ở trong thân không nằm ở bên ngoài thân. Mà nằm ở sáu Căn trần là : Sắc thân, âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, phương pháp. Tâm thức này ghi nhớ tất cả các hành vi, hành động, lời nói, công việc, màu sắc, mùi vị và các loại khác. Nó được ghi lại thông qua sáu Căn thức của thân thể là mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý nghĩ của từng người. Tâm thức này tồn tại lâu dài qua nhiều đời nhiều Kiếp nương nhờ vào thân thể của người và thân thể khác. Khi thân thể lạnh giá và hủy hoại, thì tâm thức thứ bảy rời bỏ không nương nhờ nữa. Lúc này tâm thức thứ bảy phải đi tìm nơi nương nhờ thân thể khác. Tùy theo hành vi, hành động, công việc, nghề nghiệp khi còn sống hay gọi là Nghiệp đã làm mà được thân nương nhờ khác sau khi chết.

Người làm ác thì nhận lấy thân đời sau là Ma, Quỷ, Súc sinh, A tu la. Người làm việc thiện thì được nhận thân đời sau là người, Thần Tiên, người Trời. Tu Đạo Phật thì được thân hiện ra là La Hán, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Các Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, La Hán, Thanh Văn và các Thần Tiên khác, nếu không nhận sinh làm người thì ở trong thân Pháp. Là Thân của tâm thức và có năng lực biến hóa theo nguyện của chúng sinh. Như thân Pháp của Phật A Di Đà cao mười hai nghìn tỷ Na do tha cây số. Thân Pháp của Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát là một tỷ sáu trăm triệu Na do tha cây số. Với thân Pháp lớn như thế chỉ có Bồ Tát từ bậc bảy trở lên mới có thể trông thấy. Các Bồ Tát bậc dưới, Duyên Giác, La Hán, Thanh Văn, Thần Tiên và người đời, nếu không dựa vào uy Thần lực của Phật thì cũng không trông thấy. Do không trông thấy cho nên nói là không có.

Con người sau khi chết phần lớn thường bị đọa xuống do ác bẩn đục, nhận lấy thân Ma, Quỷ, Súc sinh, do tạo ra Nghiệp tội sát sinh, ăn thịt và các tội ác khác. Sau khi hết tội ở loài Súc sinh thì lại được làm người. Nên mới có việc con người sinh vào năm con chuột, trâu, hổ, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, lợn. Đây chính là thân đời trước của người mới được sinh. Theo các năm sinh đó mà có các tính cách, công việc, lý trí, tình cảm, sướng khổ, tai ương ách nạn khác nhau. Ngoài ra theo giờ sinh mà có số Sáu Đạo như từ cõi Phật, cõi Trời, cõi Nhân gian, cõi A tu la, cõi Súc sinh, cõi Quỷ, cõi Ma. Nếu như người sinh năm con ngựa. Sinh vào giờ Ngọ là từ cõi Phật tới. Hoặc giờ Dần là từ cõi Trời tới. Người này được cuộc sống tốt đẹp hơn người có các giờ sinh khác. Hay người sinh năm con Khỉ, sinh giờ Dần là từ cõi Trời đến. Người tuổi con Khỉ sinh vào giờ Dần sướng hơn người tuổi khỉ có giờ sinh khác. Cho nên con người sinh ra hơn nhau chính là giờ sinh.

Do vậy người đời mới có câu ca : Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi. Tôi nay ngậm ngùi tuổi Thân. Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân. Sinh được giờ Dần thì sướng bằng Tiên. Vì con ngựa con dê chỉ ăn cỏ không ăn động vật. Là loài vật thiện. Tuổi Ngọ lại nằm ở cung cõi Phật. Tuổi Dê lại nằm ở cung cõi Nhân gian. Con Khỉ ăn thực vật là chính nhưng cũng có lúc ăn động vật. Cho nên cũng chưa phải là hoàn toàn thiện. Tuổi Thân nằm trong cung cõi Trời. Sinh giờ Dần cũng là từ cõi Trời tới. Do vậy họ được sung sướng tốt đẹp hơn người sinh giờ khác.

Con người sinh ra do tâm tưởng của cha mẹ, cho nên khi sinh ra dung mạo, tâm tính, tính cách hầu hết là giống cha mẹ. Nhưng không phải là giống hoàn toàn mà có sai khác, do năm sinh và giờ sinh khác nhau. Cha mẹ sống làm nghề gì thì con cái sau này dễ làm theo nghề đó, đặc biệt là nghề nghiệp của người mẹ. Bởi do khi đứa trẻ ở trong bụng mẹ đã biết và học lấy việc làm của mẹ. Cho nên người xưa chọn vợ cho con, chọn gia đình giòng giống cũng là lý đó.

Vì thế có câu ca : Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Nghĩa là cháu học được cái xấu của mẹ, thông qua cái xấu của bà truyền sang mẹ.

Hay lại có câu ca : Con Vua thì lại làm Vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa. Nghĩa là con Vua học nghiệp làm Vua của cha mẹ từ trong thai và sẽ làm Vua. Con Phật học nghiệp Phật và sẽ làm Phật.

Do vậy muốn cho con cháu sinh ra xinh đẹp, các Căn đầy đủ, dễ nuôi, dễ dạy bảo, ít bệnh tật, ít tai ương và dễ thành đạt. Thì cha mẹ ông bà và người trong gia đình phải làm thiện. Tu thiện sẽ được quả thiện. Làm ác sẽ được quả ác. Thiện luôn luôn thắng ác. Đó là chân lý đúng tồn tại vĩnh viễn cùng với loài người, Thế gian, Vũ trụ. Chân lý vĩnh hằng không bao giờ thay đổi.

Được làm người thực khó. Có người phải qua triệu năm, tỷ năm, thậm chí hơn mười lăm tỷ năm mới lại được làm người, chỉ vì do làm ác. Cho nên cần phải quý trọng sinh mệnh. Cần phải tu thiện để không bị đọa lạc. Cầu Đạo Phật để tìm con đường Giải thoát mình và giúp Giải thoát người. Nghe được Pháp đúng rất khó và gặp ngay Phật lại càng khó hơn.

Mong các chúng sinh thận trọng suy xét, tìm lấy cho mình quyết định đúng và con đường đi đúng. Để không uổng phí được làm người.

Nam mô A Di Đà Phật.
Phật Tử Bùi Đức Huề biên soạn 7/2014.