NỔI ĐAU MẤT MẸ CHẲNG PHẢI CỦA RIÊNG AI….

 

Làng tôi nằm dọc theo bờ sông hiền hòa bốn mùa xanh ngắt, nơi đây là thiên đường của lũ trẻ nhà quê – là nơi chúng tôi tung tăng bơi lội để trốn cái nắng nóng của mùa hè oi ả.

Cũng trên dòng sông đó, cả lũ thả trôi bè chuối, mặc cho dòng nước đẩy đưa, vô tư ngắm trời xanh mây trắng, thong thả nghe tiếng chuông chùa ngân lúc hoàng hôn.

Chính tiếng chuông ấy là âm thanh dẫn dắt tôi những bước đầu tiên vào chốn thiền môn mà sau này cả đời tôi gắn bó. Từ một đứa trẻ ngây ngô nơi đồng quê, tôi trở thành chú Điệu ngày ngày học hỏi kinh luật, tập tành chấp tác và giờ đây khi đã là Sư cô trụ trì, tôi vẫn không thể nào quên mùa Vu lan ấy.

Đó là mùa Vu lan đầu tiên theo mẹ lên chùa, cảm giác thật lạ – chút ấm áp bình yên, chút e dè lo sợ nhưng hơn hết là cảm giác thân quen như vốn dĩ tôi đã và sẽ thuộc về nơi này. Ngày ấy, đứa trẻ non nớt như tôi cứ nằng nặc đòi bằng được đóa hồng trắng cài lên áo cho giống mẹ thay vì đóa hồng đỏ thắm. Và chỉ ngừng khóc khi được Sư cô trụ trì nhẹ nhàng giải thích ý nghĩa của màu sắc hoa hồng cài áo.

Đó còn là mùa Vu lan đầu tiên xa mẹ. Dù đã chọn con đường xuất gia tu tập nhưng chú Điệu vẫn khóc nhiều vì nhớ nhà, nhớ những giọt nước mắt thầm rơi của mẹ trong lần đầu lên chùa thăm con khi thấy con gầy vì chưa quen cuộc sống nơi chùa nghèo.

Tôi nhớ túi quà quê toàn những thứ mình thích mà mẹ khệ nệ mang lên, nhớ đóa hồng ngày nào mẹ âu yếm cài cho con trong những mùa Vu lan trước…

Rồi những mùa Vu lan cứ lần lượt trôi qua… Cảm giác an yên về sự hiện hữu của mẹ cứ ngỡ mãi an trú trong tôi khi năm nào tôi cũng hạnh phúc cài trên áo đóa hồng đỏ thắm. Tôi quên, khi mình càng trưởng thành thì mẹ cũng già đi theo năm tháng. Mẹ ít lên thăm và tôi cũng hiếm về nhà. Thỉnh thoảng tôi nhận được từ người cùng quê vài bó sen cùng túi trái cây với lời nhắn từ mẹ: “Nhờ cô cúng Phật”. Mẹ vẫn còn dù tay đã run, không còn gói cho tôi những chiếc bánh dừa mà tôi yêu thích. Gối mẹ đã chùng để không còn lên thăm tôi với câu nói mặc định: “Mô Phật! Cô ráng giữ gìn sức khỏe, tu hành tinh tấn”.

Quy luật sinh, lão, bệnh, tử luôn vận hành trong cuộc sống con người và mẹ tôi cũng không thể nào tránh khỏi quy luật ấy. Như Thiền sư Nhất Hạnh đã viết trong Bông hồng cài áo: “Tai nạn lớn nhất đã xảy ra cho tôi rồi!”. Cái cảm giác nhận được tin mẹ mất làm tôi như nghẹn thở, không có từ ngữ nào diễn tả được nỗi đau mất mẹ. Dù nương tựa cửa thiền đã nhiều năm, dù quán vô thường trong cuộc đời là cõi tạm nhưng tôi đã khóc thật nhiều – những giọt nước mắt chảy ngược vào trong tim. Tôi mất mẹ thật rồi!

Mùa Vu lan đầu tiên không còn mẹ – một mùa báo hiếu mà cả cuộc đời này tôi không thể nào quên. Giọng bỗng nghẹn khi đọc lời tác bạch, tay bỗng run khi cầm đóa bạch hồng, nén nỗi đau để nhớ lời Phật dạy trong kinh Báo Ân: “Mẹ có bi ân, bi ân của mẹ dù có nói ngàn kiếp cũng không thể hết… Dù có cúng dường hàng trăm hàng ngàn các vị có giới đức thần thông trong ngàn kiếp không bằng một niệm hiếu thuận…”.

Mẹ ơi! Trong tứ trọng ân , không có ân nào bằng ơn Cha nghĩa Mẹ.Trong mùa Lễ Vụ Lan năm nay, dù ở cảnh giới nào, mong Mẹ mãi an vui.

Mẹ đi rồi bếp nhà sao vắng lạnh.Cơm chín rồi còn ai gọi về ăn. Mẹ đi rồi giậu mồng tơi buồn úa. Sân sau nhà gà con gọi nỉ non.khi còn Mẹ con hay làm Mẹ giận.

Mẹ mất rồi con xin lổi cùng ai?

Nổi đau mất Mẹ chẳng phải của riêng ai, vậy nên những ai đang còn Mẹ, đang còn niềm hạnh phúc được cài đoá hồng đỏ hãy luôn hiếu thuận và hãy luôn ghi nhớ lời Phật dạy trong Kinh Vu Lan để mổi mùa Vụ Lan báo hiếu là dịp ta chuyển đi thông điệp nhân văn và nhân nghĩa của đấng sinh thành.

Vũ Thị Mỹ Hạnh
(Ghi theo lời kể của Sư Cô Chúc Liên _ Chùa Bửu sanh Bình Dương )