nội đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(內道) Đối lại: Ngoại đạo. Để đối lại với các giáo môn khác, Phật giáo gọi giáo pháp của mình là Nội đạo. Về vấn đề phân biệt Nội đạo và Ngoại đạo có nhiều thuyết khác nhau. Cứ theo kinh Niết bàn quyển 17 (bản Bắc) thì đạo có 2 loại là Thường và Vô thường. Đạo của Nội đạo gọi là Thường, đạo của Ngoại đạo gọi là Vô thường. Cũng kinh Niết bàn (bản Bắc) quyển 35 nói rằng Phật tính tức là Nội đạo, vì Bồ tát dù tu tập ngoại đạo trong vô lượng kiếp, nhưng nếu lìa nội đạo thì không thể thành Vô thượng chính đẳng chính giác. Lại theo luận Nhị giáo của ngài Đạo an thì giáo pháp cứu thân hình gọi là Ngoại, giáo pháp cứu tinh thần gọi là Nội; Phật giáo là Nội, Nho giáo là Ngoại. Thông thường, Phật giáo dùng 3 pháp ấn các hành vô thường, các pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh để phân biệt Nội đạo và Ngoại đạo. Tuy nhiên, Đại thừa vô tướng thì không hạn cuộc ở trong thuyết này, như Thập nhị môn luận sớ cho rằng đạo không nội, ngoại, tùy theo đạo của người thực hành mà phân biệt nội, ngoại; tức đứng trên lập trường Trung đạo thì không chấp trước tướng sai biệt nội ngoại, nhất dị.