LÔ SƠN LIÊN TÔNG BẢO GIÁM

Đời Nguyên, Phổ Độ biên tập.

NÓI CHÁNH HẠNH NIỆM PHẬT

Cõi Thường quang vốn không sắc tượng, nếu có cảm ứng thì có hình tướng, đạo Bồ-đề đã khai mở con đường chính yếu, không đi thì không đến.

Kinh Duy-ma chép: Năm trăm trưởng giả tử, Bảo Tích bạch Phật: Con đã phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề, nguyện được đến cõi Phật thanh tịnh, xin Phật nói việc làm của các Bồ-tát ở cõi ấy.

Phật bảo: Này Bảo Tích! Chúng sinh là Tịnh độ của Bồ-tát.

Pháp sư Triệu nói: Bậc chí nhân thấu suốt vô tượng, ứng theo vật mà có hình tướng, hình tướng không có thường thể, huống chi đất nước mà có thường ư? Bởi vì việc làm của chúng sinh khác nhau cho nên cảm ứng thân hình không giống nhau. Người tu Tịnh nghiệp thì được vãng sinh cõi tịnh, dùng ngọc báu trang nghiêm, người nhiều thiện ác thì sinh vào cõi uế, dùng cát sỏi làm đồ trang sức. Đẹp, xấu, ta người ở nơi mình, không nhất định, cho nên cõi nước không nhất định gọi là chân độ.

Cõi tịnh hay uế trói buộc chúng sinh, cho nên nói: Các loài chúng sinh là Tịnh độ của Bồ-tát.

Cõi tịnh của Đức Như Lai lấy vô phương làm thể nhưng vì hạnh nghiệp của chúng sinh khác nhau nên thấy khác. Vì chấp vào dị kiến nên sinh vào cõi tịnh hoặc cõi uế khác nhau. Vô phương nên chân độ có hình tướng ư? Nếu chấp cõi tịnh, uế thì đó là quả báo của chúng sinh, nhưng quả báo chúng sinh vốn là vô phương là sự chân của cõi Phật, há gọi là cõi khác, chỗ khác, hai cõi Phàm, Thánh rồi sau phân biệt thành tịnh hay uế sao?

Pháp sư Đạo Sinh nói: Hành giả Tịnh độ, đi đến cõi tịnh mà chẳng tạo, nếu muốn tạo ra cõi nước đó là chúng sinh. Dù cho lạm tạo trước phải rõ được việc tạo nền móng để biểu dương ý nghĩa tận cùng, sau đó mới giảng nói thực hành.

Pháp sư La-thập nói: Bảo Tích hỏi tướng Tịnh độ, Đức Thế Tôn đáp chúng sinh là Tịnh độ của Bồ-tát. Vì nói Nhân trong Quả.

Quốc sư Thanh Lương nói: Trong tâm chư Phật, chúng sinh mới thành Phật, trong tâm chúng sinh Tịnh độ niệm niệm chứng chân. Kinh nói: Bồ-tát tùy chúng sinh được giáo hóa lấy cõi tịnh làm nhiêu ích các chúng sinh thí như có người muốn xây một ngôi nhà theo ý mình ở khoảng đất trống thì không trở ngại, còn nếu muốn xây trên hư không thì không thể nào được. Bồ-tát cũng giống như thế. Vì muốn thành tựu chúng sinh cho nên nguyện thành tựu cõi Phật, chẳng phải ở hư không. Nên biết: Trực tâm, thâm tâm, Đại thừa tâm là Tịnh độ của Bồ-tát.

Pháp sư Triệu nói: Cõi được thanh tịnh là do chúng sinh. Chúng sinh thanh tịnh là do các hạnh. Hạnh thanh tịnh thì chúng sinh tịnh, chúng sinh thanh tịnh thì cõi Phật tịnh. Lý này hẳn không sai khác. Cõi nước không dơ bẩn, khúc khuỷu phát xuất từ tâm ngay thẳng (trực tâm). Cho nên trực tâm là Tịnh độ của Bồ-tát. Trực tâm nghĩa là ngay thẳng, chất thực, không dua nịnh. Tâm ấy là gốc muôn hạnh.

Pháp sư Đạo Sinh nói: Trồng tâm gieo đức, rễ chắc khó nhổ đó là thâm tâm. Nương vào tám muôn hạnh, nâng đỡ tất cả mọi người không bỏ sót một ai, đó là tâm Đại thừa. Ba tâm này người mới học phải thực hành nó, muốn mở mang đại đạo thì trước phải trực tâm. Tâm đã chân trực thì sau đó mới thực hành được sâu, hạnh đã sâu thì vận dụng giáo hóa cùng khắp, không bờ mé. Tuần tự thực hành ba tâm này đầy đủ rồi, sau đó tu Lục độ cho đến muôn hạnh.

Pháp sư La-thập bảo: Trực tâm là tâm thành thật, khởi đầu của phát tâm ở nơi thành thật, hiểu đạo thêm sáng tỏ gọi là thâm tâm, hướng thẳng đến Phật tuệ gọi là tâm Đại thừa.

Kinh nói: Bố thí, Giữ giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ là Tịnh độ của Bồ-tát, bốn tâm vô lượng, bốn nhiếp pháp là Tịnh độ của Bồ-tát, phương tiện là Tịnh độ của Bồ-tát, ba mươi bảy phẩm là Tịnh độ của Bồ-tát, hồi hướng là Tịnh độ của Bồ-tát, thập thiện là Tịnh độ của Bồ-tát. Như thế Bồ-tát Bảo Tích theo trực tâm của mình mà có thể phát khởi thực hành, tùy sự phát khởi thực hành mà được thâm tâm, tùy thâm tâm ấy mà thực hành, thực hành thì có thể hồi hướng, tùy theo hồi hướng ấy mà có phương tiện, tùy theo phương tiện ấy mà thành tựu chúng sinh, tùy theo thành tựu chúng sinh mà cõi Phật thanh tịnh, tùy theo cõi Phật thanh tịnh mà nói pháp thanh tịnh, tùy nói pháp thanh tịnh mà trí tuệ tinh, tùy trí tuệ tịnh mà tâm tịnh, tùy theo tâm mình tịnh mà tất cả công đức thanh tịnh. Pháp sư La-thập nói: Trực tâm dùng thành tâm mà tin Phật pháp, tín tâm đã lập thì sẽ làm các việc lành, các việc lành đã tích tụ thì tâm ấy chuyên sâu, thâm tâm đã vững chắc thì không rơi vào các việc ác, bỏ ác theo lành gọi là điều phục tâm, tâm đã điều phục thì gặp điều thiện, hạnh này gặp thiện thì những việc khó làm sẽ làm được, việc khó làm mà làm được thì muôn điều lành vẹn toàn, cho nên hồi hướng Phật đạo. Hồi hướng tinh tấn là phương tiện lực. Then chốt của phương tiện có ba:

  1. Mỗi việc lành đều ở nơi hành động của mình mà không chấp tướng.
  2. Không chấp chứng.
  3. Khéo giáo hóa chúng sinh

Đủ ba điều này thì đến được Tịnh độ.

Cõi nước đã thanh tịnh thì chúng sinh thuần tịnh, chúng sinh đã thuần tịnh thì phước đức bằng với Hóa chủ. Cho nên nói là đều tịnh, các kinh tuy nói rộng các hạnh của Tịnh độ nhưng chưa rõ giai vị gần xa của nó, ở đây sẽ giải thích rất tường tận và sâu rộng, không thể vượt lên, phải tìm cầu đường lối của nố, có thứ tự, cho nên nói vết tích của phát hạnh bắt đầu ở trực tâm, trực tâm tức là chân tâm. Tâm này tất cả chúng sinh ai ai cũng có, chỉ vì mê mờ không biết, không hiểu. Cho nên Lục tổ Đại Sư nói: Một niệm bình trực tức là Di-đà, một niệm tà lệch tức là chúng sinh. Vì con người ở cõi uế trược hiện làm những việc vô minh: Miệng nói trực tâm mà việc làm nhiều dối trá, chìm đắm trong bể khổ nên không thể thoát ra. Cho nên Phật từ bi thương xót người kia, chỉ bày họ bằng phương tiện, hướng dẫn họ bằng niệm Phật để điều phục tâm tán loạn, giúp họ bỏ tà ác mà quay về chánh đạo. Tức là chúng sinh sinh về Tịnh độ, cho nên Luận Bảo Vương nói: Hạt châu trong sáng thả vào nước đục, nước đục ấy không thể không lắng trong. Đưa tưởng Phật vào loạn tâm, loạn tâm không thể không thành Phật. Cho nên, nhờ niệm Phật mà trực tâm hiển lộ, nhờ trực tâm mà làm các việc lành, làm các việc lành nên được sinh về Tịnh độ, há chẳng phải là phương tiện trí lực của Phật, Tổ ư?

Pháp sư Triệu nói: Người chứa nhóm công đức cho nên tâm tịnh, tâm tịnh thì không có công đức nào không tịnh.

Pháp sư Đạo Sinh nói: Công hạnh là nhân cao quý của Tịnh độ, công đức là quả cao quý của Tịnh độ. Nhân quả Tịnh độ là ảnh hưởng của tâm, cho nên muốn sinh về Tịnh độ thì phải làm cho tâm mình thanh tịnh, tiếng vang theo âm thanh, hình ngay thì bóng thẳng.

1. Công phu tu tiến.

Thuyết Tịnh độ Duy tâm đã nói rõ, mọi người phải biết tu thân rồi sau muốn chứng được đạo này phải lấy chánh tín làm cửa vào, lấy tu tâm làm Chánh hạnh, Chánh hạnh tức là công bỏ ra, là việc được làm. Công hạnh này gọi là Tịnh nghiệp, tức là tư lương vãng sinh Tây phương. Hạnh nghiệp này tùy theo sự tu tập của người. Bởi vì năng lực của tất cả mọi người có căn cơ lớn nhỏ, trí có cạn, có sâu, cho nên hạnh nghiệp khác nhau. Người thượng căn thượng trí thì ngay đó tự ngộ, hiểu được bản tâm của mình, thấy được bản tánh mình tức là Di-đà. Đây là cảnh giới vô trụ, vô y tối thượng thừa, trong muôn người không có một, còn người chưa đốn ngộ thì phải tin chắc cõi Tịnh độ, nhất tâm niệm Phật dần dần tiến tu, nương nguyện lực nhiếp giữ của Đức Phật A-di-đà, tự mình nhất niệm chân thật, hạ thủ công phu giống như ôm cây cầu mà tắm, trong ngàn người không sót một người.

Tuy nói pháp môn niệm Phật nhưng kỳ thật ý bao gồm vô tận. Cho nên Tổ sư lập giáo, lợi độn đều thâu nhiếp, có Thật, có Quyền, có sâu, có cạn, có nhanh, có chậm, ai ai cũng tu trì được. Người thượng căn tham cứu ngồi thiền, người trung căn quán tưởng, trì niệm, ngày đêm sáu thời lễ bái chuyên ròng niệm Phật cho đến mười niệm thành tựu, tất cả công đức ở sự nhất tâm. Việc tu tập hành trì mỗi người đều có hành tướng, thứ lớp, tầng bậc, tùy theo năng lực mà hành trì đều có thể tiến thú, hạnh môn này mới thành tựu quả Phật, là con đường Bồ-đề, cần phải tự tín tự hành, tự tu, tự độ, quan trọng là ở chỗ lập chí lớn, phát đại nguyện, tự nỗ lực công phu, hướng về phía trước chớ cho là dễ làm. Ví như mái hiên một trăm hai mươi cân đến lúc sụp đổ nếu có thể tự mình gánh vác đúng thời được mới là xong chuyện, quyết định không phải chỉ ở biết nói. Rộng hóa độ người có duyên, chắc chắn không ở nơi việc có truyền trao, làm việc uyển chuyển chắc chắn không ở sự xây dựng đạo tràng cho rộng, đốt nhiều hương đèn. Vì kẹt vào sự tướng mà hiểu lầm chánh lý, thuận theo thanh sắc mà trái với chân tông, đếm của báu cho người khác mà mình không được nửa đồng xu, bán thuốc hay mà bệnh mình không cứu được. Cho nên Tổ sư Tuệ Viễn nói: được đến cõi ấy (Cực lạc) cũng giống như ngọn đèn đốt trong ngôi nhà tối, người không làm chủ tâm ý thì đồng với người thấy ngón tay mà quên, mặt trăng, không ngộ vô tâm, chính khi động niệm đều là tà thì mặt trời trí tuệ lại ẩn trong mây đen, khách trần vọng động che lấp gương tâm liền sinh ra suy nghĩ, lo lắng giao nhau chạy, tình dục lăng xăng, điều phục mãi không được, chế ngự thì giống như buộc nơi vô ký, uổng công đứng nơi cao phẳng vốn là việc ít có, bèn cùng với các tà mệnh, chỉ bày sắp đặt không có đầu mối thì khó gọi là chánh định, không cầu vào pháp giới, mãi mãi nhốt mình nơi chốn bụi trần. Hễ người tu Tịnh độ thì phải hiểu rõ giáo môn để đối phó với sinh tử chứ không chỉ nói suông rồi thôi; phải nghĩ đến vô thường mau chóng, thời gian không đợi người, phải ý cứ vào một pháp môn để tiến tu, đạt đến mục đích mới được. Nếu nửa tiến nửa lùi, nửa tin nửa nghi thì rốt cuộc cứu vớt được ai? Làm sao thoát khỏi luân hồi? Nếu tin thì từ nay hãy phát tâm mạnh mẽ, một bề tinh chuyện, không kể là hiểu hay không hiểu, thấy tánh hay không thấy tánh, vẫn chấp trì một câu Nam-mô A-di-đà Phật. Giống như dựa vào ngọn núi Tu-di, muôn vật như lung lay nhưng núi Tu-di không hề lay động. Chuyên tâm nhất ý, hoặc tham niệm quán niệm, nhớ nghĩ mười niệm, hoặc niệm thầm, chuyên niệm, buộc niệm, lễ niệm, niệm ngay tại đây, thường nhớ thường nghĩ, buổi sáng cũng niệm, buổi chiều cũng niệm, đi cũng niệm, ngồi cũng niệm, tâm niệm không luống qua, niệm Phật không lìa tâm, ngày ngày giờ giờ không luống bỏ, miên mật giống như gà ấp trứng, lúc nào cũng phải tiếp hơi nóng vào trứng. Niệm Phật cũng vậy; tịnh niệm nối nhau, lại thêm trí tuệ thì biết Tịnh độ tức là tâm mình. Đây là công phu tu tiến của người thượng trí, lấy định làm chủ, nương vào định được an ổn. Cho dù gặp cảnh khổ vui, thuận nghịch hiện tiền cũng chỉ niệm Nam-mô A-di-đà Phật, không một niệm nào khác làm thay đổi tâm mình, không một niệm làm tâm lui sụt, không một niệm tạp tưởng, tâm thẳng đến vô sinh, dứt sạch các niệm khác thì chắc chắn sinh về thế giới Cực lạc Tây phương. Nếu thường dụng công như thế thì các vô minh sinh tử, nghiệp chướng trong nhiều kiếp tự nhiên tiêu trừ, các trần lao tập khí tự nhiên sạch hết, liền thấy Đức Phật A- di-đà, không lìa bổn niệm. Công thành hạnh mãn, nguyện lực giúp sức, đến lúc qua đời chắc chắn sinh lên thượng phẩm, nếu năng lực chưa đầy đủ thì phải tùy khả năng tu tập, chưa thể chuyên tâm, công phu phải sáng tối lễ niệm. Cho dù gia duyên ràng buộc cũng không quên xưng danh hiệu Phật A-di-đà ít nhất là mười niệm. Ngày ngày thường dụng tâm, tinh tấn tu tập, chứa nhóm công hạnh, phát tâm thệ hết đời này cùng sinh về thế giới An lạc này, có thể gọi là nước phải chảy ra biển, mây chắc chắn trở về núi.

2. Những vật dụng hằng ngày giúp ích cho đạo.

Bồ-tát tại gia niệm Phật, hằng ngày nhận thức ăn cúng dường của đàn tín, ngồi hưởng trời người cúng dường đều là phi thường đạo không bằng cả đời có ý tu hành, đâu có chướng ngại làm việc, hoặc làm ruộng, gieo trồng, hoặc kinh doanh ở chợ búa, hoặc nhà giàu có nhiều của cải, hoặc mưu cầu sự sống hàng ngày nên phải tư duy tinh cần thì không lười biếng, tiết kiệm thì có dư. Lấy đây mà tu thân thì mới là Phật tử. Nếu cũng xa hoa, lười biếng, không tiết kiệm, tiêu điều xơ xác, dù muốn tu hành cũng không thể được. Nếu tin hiểu thì tất cả mưu cầu sinh sống ở đời đều thuận với chánh pháp, khéo tay hay làm thì ích lợi chúng sinh; muốn tu chánh nhân Tịnh nghiệp nên lấy việc sinh sống đời mình làm trợ đạo. Cho nên lão Hoàng ở Đàm châu thường gõ sắt để tu hành, cư sĩ Bàng Uẩn bán tre trúc làm bờ rào để nuôi đạo; họa tượng Di-đà làm nghề nghiệp; tôn kính am Phật, thắp đèn để nuôi thân, đáng gọi là “một ngày không làm một ngày không ăn”.

3. Làm phước trợ duyên.

Có đệ tử tu Tịnh nghiệp, hỏi Đạo sư Liên Tông Từ Chiếu rằng: Đệ tử chuyên tu Tam-muội niệm Phật thì có được thực hành bố thí, giữ giới, cúng dường làm phước không?

Sư đáp: Ông thường chuyên niệm Phật A-di-đà, nếu không giữ giới thì có tội hủy phạm; nếu không bố thí thì tăng trưởng nghiệp tham lam, keo kiệt; nếu không cúng dường Tam bảo thì có tâm ngã mạn; nếu không cung kính tất cả thì mắc tội khinh thường mọi người. Cho nên hủy phạm thì đọa địa ngục, tham lam keo kiệt thì đọa ngạ quỷ, ngã mạn thì thường đọa vào đường ác, khinh người thì đời đời nghèo hèn.

Nếu có nghiệp ác, chướng ngại như thế muốn sinh về Tịnh độ, có được chăng?

Người niệm Phật như thế cũng giống như mới cấy mạ xuống ruộng mà muốn thu hoạch ngay thì không thể nào được. Cho nên pháp sư Triệu nói: Hữu vi tuy ngụy nhưng nếu bỏ đi thì khó thành Phật đạo, vô vi tuy thật mà chấp thì tuệ tánh không sáng. Ông muốn tu Tam-muội niệm Phật được sinh Tịnh độ chóng thành quả Phật Bồ-đề thì phải chuyên lấy niệm Phật làm Chánh hạnh; lấy phước đức làm kiêm tu, đêm ngày thường siêng cúng dường Tam bảo, lễ bái, sám hối, bố thí, giữ giới để gột sạch Tam nghiệp, thêm lớn tịnh duyên, không làm các việc ác, tu tập các việc lành, hồi hướng tất cả các thiện căn về Tịnh độ, thành tựu công đức niệm Phật, mau chứng quả Bồ-đề. Có thể gọi là thuyền xuôi theo dòng thì đỡ phải chèo chống.

4. Bỏ ác làm lành.

Tịnh độ Thập môn giáo giới ghi: Người tu Tịnh độ nên bỏ ác làm lành mới được thành tựu công đức. Nếu người nào tuy niệm Di-đà nhưng tâm đầy dẫy sự ghen ghét thì ngầm gọi là dao nhọn, lúc sắp qua đời họ bị gió thổi như dao cắt xẻ thân thể thành trăm mảnh đau đớn vô cùng. Hoặc nói ta là người giữ giới còn người khác không giữ giới, rồi sinh kiêu mạn với sư tăng, khinh chê tất cả. Nên hiện đời gặp tai họa, tuổi thọ ngắn ngủi, bệnh lao ói ra máu mà chết. Nếu người niệm Phật mà bụi trần chưa sạch, thì lúc niệm ác khởi lên nên tự mình xem xét. Người có tâm keo kiệt, tham lam, tâm giận giữ, tâm si mê, tâm ghen ghét, tâm lừa dối, tâm phân biệt, tâm cống cao, tâm tà vạy, tâm tà kiến, tâm khinh mạn, tâm năng sở và cảnh giới thuận nghịch, tùy theo sự tiêm nhiễm mà sinh ra tất cả tâm bất thiện. Nếu lúc các tâm ấy khởi lên phải lớn tiếng niệm Phật, đưa niệm trở về chánh niệm, chớ để cho tâm ác nối nhau, cho đến dứt sạch tất cả, không bao giờ để nó sinh trở lại. Tất cả tâm tin sâu xa, tâm chí thành, tâm phát nguyện, tâm hồi hướng, tâm Từ bi, tâm khiêm nhường, tâm bình đẳng, tâm phương tiện, tâm nhẫn nhục, tâm giữ giới, tâm hỷ xả, tâm thiền định, tâm tinh tấn, tâm Bồ-đề và tất cả tâm lành thường nên giữ gìn. Lại phải xa lìa phi phạm hạnh, dứt trừ các luật nghi xấu, gà chó heo dê tất cả không nên chứa nuôi, săn bắn, chài lưới đều không nên làm. Nên biết các bậc thượng thiện ở nước Cực lạc do lìa bỏ duyên ác, tu theo thiện nghiệp mà được sinh về Tịnh độ, không lui sụt Bồ-đề. Người niệm Phật nên học theo Phật, phải bỏ ác làm lành, làm gương sáng, răn dạy người khác. Người nào nương theo đây mà tu hành, thì đó chính là Chánh hạnh của Tịnh độ. Có thể nói mây vô tận gió quét sạch tất cả, một vầng trăng sáng chiếu lòng người.

5. Cứu giúp chốn tối tăm.

Sa-môn Thích tử, Bồ-tát tại gia tu Tịnh nghiệp Tây phương nên mở rộng tâm Từ bi rộng lớn, đúng như pháp tinh tấn tu hành, khéo vâng theo lời Phật dạy. Hiểu rõ nhân quả, phân biệt phải trái, tích tụ tư lương là phước, trí xuất thế gian, có trọn vẹn, công đức cao vời của bậc đại trượng phu. Cho nên Đức Thích tôn nhiều lần dặn dò đệ tử mình, tùy theo chỗ ở phải ban bố pháp thực, cứu giúp tất cả hữu tình trong pháp giới, giúp họ hết đói khát, khổ cực, giáo hóa khiến cho họ cùng đến Bồ-đề. Nếu không thí thực, không có tâm từ bi thì chẳng phải là đệ tử ta. Ấy là hạng người ác. Trong các kinh có văn tự rõ ràng, quán sát kỹ, thấy tất chúng sinh không rõ tự tánh, keo kiệt tham lam, ganh ghét, sân giận, ngu si, ở trong các cõi người, trời, quỷ, súc sinh, địa ngục, A-tu-la bị đói khát ép ngặt, đau buồn, khổ não trong đêm dài tăm tối, mong ra khỏi nhưng không có dịp. Suy theo lý thì họ đều là cha mẹ đời trước của ta. Như lời Phật dạy thì họ đều là kẻ oán người thân nhiều kiếp với ta. Vì thế chúng ta phải vận dụng tâm từ bi của Quán Âm, hạnh nguyện

của Phổ Hiền, thề cùng cứu độ tất cả thoát khỏi đắm chìm. Người có sức thì trì trai, thiết lễ cúng dường. Người không đủ sức thì chú nguyện vào thức ăn, rồi bố thí cho chúng sinh. Công đức cao quý của thí thực rộng lớn vô lượng, đầy đủ ích lợi, nói không thể nào cùng, chỉ lược nêu một vài việc, báo khắp các hiền giả. Tâm bố thí vừa phát khởi thì diệu hạnh mở bày, đầy đủ ba đàn, viên tu Lục độ, tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, khéo nhóm họp phước trí xuất thế, mãi mãi làm tư lương Tịnh độ, xây dựng nền tảng, viên thành thể dụng. Cho đến chôn cất xương khô, an táng các thây chết bị phơi nắng, rộng vì các u hồn sám hối thay họ. Làm cầu cống để cho người qua lại, thức ăn, tiền tài tùy khả năng mình mà bố thí. Mỗi lần nhìn thấy người nghèo cùng, đói lạnh thì rất đau đớn thương xót, còn những người già cả cô quạnh, tàn tật thì càng thương xót gấp bội. Thường có tâm cứu giúp với tất cả tình thương chân thật. Tu tất cả thiện căn, nguyện tất cả chúng sinh được thành Phật. Đem những lợi lạc cao quý này, hồi hướng Tây phương, mong khắp hữu tình cùng lên bờ giác. Vì thế Tiêu Lương Võ Đế tu nghi thủy lục, Tam tạng Bất Không có phép cứu giúp người cô quạnh. Có thể nói một trận mưa khắp sa giới, tâm người như sống lại.

6. Phóng sinh.

Muốn đến Bồ-đề, lấy tâm từ làm gốc. Người tu Tịnh nghiệp cứu sinh vật là việc trước tiên. Nhìn thấy chim bay, thú chạy, các loài bơi lội, hoặc bị giăng lưới, hoặc bị bắt nhốt trong lồng, xỏ quai hàm, bẻ cánh, cột chân, treo ngược, đem đến chỗ nước sôi lửa bỏng, hay sắp sửa để lên dao thớt thì nó buồn bã, sợ hãi, hoảng hốt, trông về trời xa mà hồn vía tiêu tan, nhớ về rừng suối mà nát gan. Tuy biết muôn phần chết nhưng còn mong một chút sống sót, trông ngóng, kêu thương để cầu cứu giúp. Vì thế, người đệ tử Phật phải thương xót đem tiền của ra để chuộc mạng nó, rồi mở lồng, cởi trói, cắt dây, cho uống nước, đốt hương chắp tay chú nguyện, làm pháp thí xong từ từ thả chúng ra, hoặc thả ở ao hồ, hoặc nơi rừng vắng. Tất cả đều nhờ Phật đạo khai mở tâm từ bi. Cho đến trên thì loài người, dưới đến loài kiến dế. Chẳng những phải cứu sống mà còn phóng sinh, phóng sinh tự nhiên tuổi thọ nhờ đó được kéo dài, hồi hướng Tây phương, nguyện khắp chúng sinh cùng thành Phật đạo. Cho nên trưởng giả cứu sống cá, sa-di cứu kiến, Trịnh Xương Đồ đốt lưới, Thiền sư xây ao phóng sinh. Dương Bảo trị bệnh cho chim sẻ, Mẫn Trọng thả tôm tép, ngao, hến, Thiền sư Nguyên có làm bài tụng răn sát, Thiền sư Mãn nói giới phóng sinh. Đáng gọi là ân cần giải kết đinh hương, thả ra đầu cành xuân tự tại.

7. Tu Lục độ muôn hạnh.

Lục độ là: Bố thí, Giữ giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ; cũng gọi là Lục Ba-la-mật. Nếu người niệm Phật chuyên tu Tam- muội, học pháp xuất thế gian thì phải đạt đến chỗ chí thiện. Phải biết Lục độ muôn hạnh không lìa nhất tâm, ở trong nhất tâm ấy, tất cả pháp đều đầy đủ. Như tắm trong biển lớn thì đã dùng nước các sông, Như trăm thứ hương thơm làm thành viên, nếu đốt một viên thì đầy đủ các mùi thơm, như người tìm của báu được hạt châu như ý thì tất cả các của báu sinh ra vô cùng. Vì sao biết được như vậy? Vì trì một câu A-di-đà Phật nên được Tam-muội. Trong một niệm tương ưng với lý thì các pháp hiện tiền, Lục độ muôn hạnh tất cả đều đầy đủ. Bố thí thì tâm không còn tham đắm, giữ giới thì không khởi vọng duyên, nhẫn nhục thì năng sở đều quên, tinh tấn thì tâm không xen hở, thiền định thì động tĩnh đều vắng lặng, trí tuệ thì không lập một mảy may. Bấy giờ, trong một độ xuất ra vô lượng độ, trong mỗi độ như lưới trời Đế Thích. Chỉ cần biết một tâm vốn không thì tự nhiên muôn hạnh đầy đủ. Cho nên tám vạn bốn ngàn pháp môn, tám vạn bốn ngàn trí tuệ, tám vạn bốn ngàn công đức đều từ trong tâm một niệm niệm Phật mà xuất ra. Trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Hiền Thủ nói: Này các Phật tử! Trong bất cứ lúc nào, khéo dùng tâm ấy thì được tất cả công đức nhiệm mầu tốt đẹp. Có thể nói một tánh thông suốt tất cả tánh, một pháp bao gồm tất cả pháp.

8. Duy-ma-cật chỉ bày tám pháp Tịnh độ của Bồ-tát.

Kinh Duy-ma-cật ghi: Bồ-tát ở thế giới Chúng Hương hỏi rằng: Bồ-tát thành tựu những pháp gì, ở thế giới này hành không thương tổn được sinh về Tịnh độ?

Duy-ma-cật đáp: Bồ-tát ở cõi này thành tựu tám pháp hành không bị thương tổn, được sinh về Tịnh độ. Tám pháp là:

  1. Làm lợi ích chúng sinh không cầu đền ơn.
  2. Thay thế chúng sinh chịu khổ.
  3. Làm tất cả công đức lành nguyện cho chúng sinh hưởng hết.
  4. Bình đẳng với mọi người, nhún nhường mà không tự ti mặc cảm.
  5. Đối với các Bồ-tát xem trọng họ như Phật.
  6. Kinh chưa được nghe, khi nghe đến không nghi ngờ.
  7. Không chê pháp tu của Thanh văn, không ganh tị khi thấy họ được cúng dường. Không vì lợi mình mà trong đó thường điều phục tâm mình.
  8. Thường xét lỗi mình, không nêu lỗi người khác, luôn giữ nhất tâm, cầu các công đức.

Đó là tám pháp mà Bồ-tát ở thế giới Ta-bà hành không bị thương tổn sẽ được sinh về Tịnh độ.

9. So sánh sự khó dễ của việc tu hành.

Cõi Ta-bà ô trược nhiều nỗi khổ đau, muốn cầu đạo thì rất khó thành tựu. Tịnh độ an vui, nhiều điều tốt lành mà còn được địa vị không lui sụt. Người xưng danh hiệu Phật, được chư Phật che chở mà vãng sinh, người phát tâm Bồ-đề được ánh sáng Phật Di-đà soi chiếu làm tăng tiến, Bồ-tát La-hán làm bạn với họ, cây cối, chim, nước đều niệm Phật, bên tai thường nghe pháp mầu, trong tâm dứt hẳn tham, sân, vui sướng vô cùng, thọ lượng vô tận, vừa sinh về Tịnh độ, liền được không lui sụt. Lẽ nào so sánh với cõi trời cõi người gặp nhiều việc trái ý. Bậc thiện căn trên đường quyền thừa (tam thừa) ít khi được tròn đầy, ba bậc hiện chưa lên Thập địa, vẫn chưa thấy đạo mà mất niệm, Ngài Xá-lợi- phất chứng Lục trụ gặp duyên ác cũng thối tâm. Cho nên trong hội Pháp Hoa năm ngàn người đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi của mình. Trong Kinh Bảo Tích ghi: Mất đạo do các quán. Phật tại thế còn vậy, sao ngày nay không như vậy. Hoa Nghiêm Hợp Luận hỏi rằng: Kinh Niết-bàn ghi: “Nghe hai chữ Thường trụ, còn được bảy kiếp không đọa vào địa ngục.” Kinh Hoa Nghiêm ghi: Nếu nghe tên Như Lai và nghe Ngài thuyết pháp thì dù không tin hiểu cũng có thể tạo thành hạt giống.” Vì sao tâm Bồ- tát Lục trụ và Bồ-tát Địa tiền vẫn còn nói là lui sụt?

Đáp: Từ phàm phu vào đạo, thắng giải chưa thành, chưa đắc cho là đắc, liền sinh kiêu mạn, không gần bạn tốt, không kính người tài giỏi. Vì lười biếng, kiêu mạn nên ở mãi cõi trời, cõi người. Tùy theo duyên thuận, nghịch, niệm ác vừa sinh liền đọa địa ngục. Nếu một lòng tin tưởng, không kiêu mạn, thường mong gặp bạn lành thì không phạm lỗi này. Vì sao? Vì tâm Bồ-tát Lục trụ và Tam hiền chưa lên Thập địa, nói chung chưa thấy đạo, hạnh nghiệp tu hành đều là hữu vi. Hễ có vô minh đều phải chiết phục, có sức mạnh thì không lui sụt. Còn trong Bát địa, mới nhập vô công dụng hạnh. Ấy mới biết hàng Tam thừa trải qua tăng-kỳ kiếp mà công hạnh không thành. Môn niệm Phật trong thời gian búng ngón tay đã bước lên địa vị không lui sụt. Vì vậy người sinh về Tịnh độ chỉ có thiện không có ác, ở địa vị không lui sụt thì chắc chắn thành Phật. Cho nên kinh Di-đà ghi: “Cõi nước An lạc, chúng sinh vãng sinh về đó đều không lui sụt.” Than ôi! Người mới phát tâm, niềm tin chưa sâu nếu không có tha lực thì khó tiến tu. Thề nguyện sâu xa của Đức Phật hễ ai có duyên đều được che chở, tiếp dẫn. Nên tin rằng người học đạo ở các pháp môn khác như kiến bò lên núi cao, vãng sinh Tịnh độ như xuôi buồm đi thuận gió, Phật Di-đà tiếp dẫn thẳng đến Bồ-đề, các Hiền Thánh dìu dắt vượt qua ba cõi. Thượng phẩm thì chứng quả vị Phật, hạ sinh còn hơn sinh ở cõi trời. Mọi người tin như vậy, chớ nghi ngờ, cùng tu không lui sụt.

10. Ngài Thiên Thai chỉ dạy hai hạnh môn chán ghét và ưa thích

Luận Thập Nghi ghi: Muốn sinh về Tịnh độ phải có đủ hai hạnh chán ghét và ưa thích.

Hạnh chán ghét: Thường quán thân này máu mủ, phẩn tiểu chảy lan tràn, hôi thối, dơ bẩn. Đầu tiên quán con người từ tình dục, tham ái sinh ra, đó là hạt giống dơ bẩn. Thứ hai, quán tinh huyết cha mẹ hòa hợp, đó là thọ sinh dơ bẩn. Thứ ba, lúc ở trong thai tạng tức là chỗ ở dơ bẩn. Thứ tư, ở trong thai mẹ thì chỉ ăn huyết mẹ tức là thức ăn dơ bẩn. Thứ năm, đủ mười tháng thì từ cửa mình sinh ra, tức là sợ sinh dơ bẩn. Thứ sáu, trong thân máu mủ tức là toàn thân dơ bẩn. Thứ bảy, sau khi chết sình trướng, tan rã tức là rốt ráo dơ bẩn. Quán thân mình đã như vậy thì quán thân người khác cũng như vậy.

Kế đến quán cảnh uế trược của cõi Ta-bà, cõi Ta-bà nhiều khổ đau cùng nhóm họp các khổ sinh, già, bệnh, chết, oán ghét lại gặp nhau, thương yêu phải xa lìa, lo buồn khổ não, ba đường, tám nạn, luân hồi trong sáu đường, đất, nước, gió, lửa, vô thường bại hoại, tham, sân, si, mạn, nghi gặp những cảnh này phải nên sinh tâm chán ghét, phát sinh hạnh chán ghét thì Tịnh độ sẽ thành tựu.

Hạnh ưa thích: Cầu sinh về Tịnh độ vì muốn nhổ sạch tất cả gốc khổ của chúng sinh. Cho nên tâm phải khởi tưởng ưa thích cõi Tây phương. Cõi ấy trăm báu trang nghiêm, đất vàng, rừng ngọc, ao hoa, ánh sáng rực rỡ, thần thông tự tại, mặc tình qua lại, mãi mãi không còn sinh tử, không còn khổ não. Gặp Phật A-di-đà tướng tốt sáng ngời, pháp môn tự ngộ, y thực tự nhiên, các môn khoái lạc, cho nên phải ưa thích.

11. Đạo tràng Tịnh nghiệp.

Tịnh nghiệp là diệu hạnh vô tướng, vô vi. Là huyền tông không ô nhiễm, không dính mắc.

Đạo tràng là nơi chư Phật ba đời trụ trì, là nơi của Bồ-đề, chánh giác. Lẽ nào số lượng của danh tướng có thể đo lường được? Chẳng phải năng sở của trí thức mà có thể thuật lại. Phải lấy thành kính làm trang nghiêm, diệu hạnh làm quy tắc, vì thế trong kinh Duy-ma-cật có trình bày các tướng của đạo tràng, trong pháp xã của Pháp sư Tuệ Viễn có bài tựa về tiết độ. Cho nên giải thích nghĩa này phải nhập vào Thật tướng, cảnh và trí hòa hợp, sự và lý cũng như vậy. Hương thơm của năm phần pháp thân, đuốc trí tuệ soi sáng, dứt bặt suy nghĩ, lo âu, đó gọi là trai giới thanh tịnh, trang nghiêm gọi là bình đẳng cúng dường. Đi, đứng, nằm, ngồi không lìa đạo tràng, tất cả hành động, việc làm đều là Phật sự; niệm niệm Di-đà xuất thế, tâm tâm Bồ-tát phát sáng, hạnh hạnh đều là Tây phương, mỗi bước đều đến bảo sở, không có một pháp nào chẳng phải là chánh pháp. Cất một tiếng mà tròn đầy các tiếng, phát một niệm thì được trời, rồng che chở, ra một lệnh thì quỷ vương mất hồn. Cho nên hội Linh Sơn nghiễm nhiên vẫn còn. Ấy gọi là chân pháp cúng dường Như Lai. Nói về công đức thì vô lượng vô biên, nói về quả báo thì khó suy nghĩ bàn luận. Lấy đó cầu phước thì phước nào không đến, lấy đó độ sinh thì tất cả chúng sinh đều được độ. Ấy gọi là công đức chân thật, ấy gọi là đạo tràng Tịnh nghiệp.

Ôi! Nay đời Mạt pháp có hạng người ngu si không cứu xét tự tâm, không biết Phật lý, chấp vào ngoại cảnh cho là thật, một bề chấp tướng tu hành, bên này mở mấy đạo tràng, chỗ kia tính đèn nhang mấy cân, nơi nào đó hóa độ được bao nhiêu người, sám hối lúc nào, đếm hóa duyên bao nhiêu? Ta là đạo sư họ Trương truyền tông, người khác là đệ tử sư trưởng Lý, kia hiệu chữ Phổ tự, y đây tông chữ Giác mà không cần suy nghĩ cội gốc từ đâu đến. Mỗi người đều cạnh tranh chi phái mình không phải là chỗ này. Lại nói càn nói bậy, động một tí là mình đúng, người sai, giải thích sai lầm kinh Phật, mật truyền ngụy giáo, miệng khoe khoang làm cho rối rắm, tranh giành mình người, luận bàn cao thấp, nhiều thiếu sót sinh ra nhiều việc xấu xa, không biết hổ thẹn mới thành như thế, nào biết xấu hổ, sợ hãi với điều gì. Đem đạo Tịnh độ biến thành hội trường tạp kịch, lấy danh hiệu Di-đà muôn đức để hát xướng. Họ làm mất đi chánh nhãn của Tổ sư, làm cho giáo môn Liên tông ngày càng tàn lụn. Người đạt đạo thấy vậy buồn thương, người trí thức xét thấy thì kinh ngạc. Lại có người đánh chũm chọe mà niệm chân ngôn, pha trộn sự ứng phó của tăng môn, chú nguyện vào nước, vẽ bùa để bàn về hoạ phước, bắt chước việc làm của thầy đồng bóng, sai sử các vị trời, đuổi vong thâu quỷ, mạ nhục Tam bảo, cứu bệnh đuổi tà, trăm kiểu kỳ quặc, muôn thứ khác lạ, chạy vạy bôn ba, làm tôi tớ cho kẻ khác, vội vàng gấp gáp, không quan tâm, dạy bảo môn đồ. Đọc tụng thì mười sai hết chín, lúc lễ niệm thì la lối, hét hò, khai kinh thì ngủ gật, thâu kinh thì nói chuyện riêng gia đình. Chụm đầu bàn luận làm rối loạn tâm hồn, làm cho ít thành nhiều, chỉ cải vã nhau ầm ĩ, không nghĩ đến nhân quả, không biết tội lỗi, mượn danh Phật tổ mở rộng pháp môn, nhận sự lễ bái cúng dường của trời, người. Đẹp thì vốn đẹp nhưng thiện thì chưa thiện, nếu là người hành trì giới của Phật ở cửa Phật thì nên học đạo của Như Lai, tụng kinh Phật, hành hạnh Phật, mới hết tâm nguyện của Tổ sư mà còn chưa thể nhập Thánh vượt phàm, chỉ sợ không đức độ mà được cúng dường. Như giẻ lau bàn không thể không dơ bẩn, đối với tự thân như đá mài dao, không tránh khỏi sự tiêu hao bản thể. Nếu đã giác ngộ chỉ thích hồi đầu, trước phải đầu Phật trì trai, cuối cùng làm việc gì? Nếu không thể cứu khỏi sự sinh tử thì đâu bằng tự lui về tu trì, chuyên niệm Phật Di-đà, khẩn cầu sám hối, gần gũi người trí, tham cứu Phật lý, hướng về nơi vắng lặng, thể cứu tâm vương, mau khiến cho biển nghiệp dừng sóng, hiển bày ly châu (hạt châu quý giá) chiếu khắp trời đất, việc mình thành tựu, lợi lạc chúng sinh. Nếu gặp được đạo tràng ứng cúng chớ buông lung xem thường, phải tiết độ để không làm trái, tuân theo trai giới và văn kinh để vâng giữ Phật pháp, hiện tại được Tam-muội niệm Phật. Chỉ có đây là pháp môn an vui, trên báo đáp bốn ơn, dưới cứu giúp ba đường, thật không uổng là một Phật tử, không cô phụ tâm linh của mình. Tín nguyện giúp nhau, hành giải đầy đủ. Như thế bước đi tức là Di-đà hiện tại, từ đây tu trì thật là con mắt của trời, người, là nhân duyên lớn. Há có bổ ích nhỏ nhoi sao? Biết chăng: Núi xanh nơi cao thấy trời rộng, sen trắng lúc nở nghe mùi thơm của nước.

12. Tự mình tu tập, hóa độ người khác.

Phật dạy: Tự mình chưa được độ mà trước muốn độ người, thì đó là Bồ-tát phát tâm, tự mình giác ngộ đã viên thành rồi giác ngộ người khác, thì đó là Như Lai ứng thế. Cho nên Tổ sư Liên tông sáng lập pháp môn niệm Phật, hành giải tương ưng, lợi mình lợi người, giáo hóa chúng sinh có phương pháp, dạy người bằng lý, gọi đó là Đạo sư, chuyên lấy Tam-muội niệm Phật chỉ dẫn người khác, khiến cho mọi người thoát ra khỏi thế gian ô trược, vì thế dạy truyền khắp thiên hạ, mọi người đều kính ngưỡng.

Nay, có người làm thầy đã không thông đạt đạo này, lại chấp vào danh tướng, tập trung nhiều đồ chúng, không tu hạnh chân thật. Do đó chỉ có tên suông, không có pháp để làm thầy người khác, muốn được mọi người cung kính tôn trọng nhưng không có đức độ để thọ nhận sự cung kính, thật đáng hổ thẹn!

Trong kinh chép: “Hễ muốn độ người, thì trước tiên phải cầu tự độ.” Ngài Duy-ma-cật nói: “Đau khổ của mình không cứu được thì làm sao cứu được đau khổ của người khác?” Lại kinh Địa Ngục Báo Ứng ghi: “Mình không thanh tịnh mà dạy người thanh tịnh, thì không thể có việc đó”. Luận Trí Độ ghi: “Thí như có hai người, mỗi người đều có người thân bị chết chìm, một người nóng nảy nhảy ngay xuống nước để cứu, vì không có phương tiện nên cả hai đều bị chết chìm, còn người kia dùng phương tiện là thuyền bè cứu họ, nên được thoát nạn chết chìm. Vì thế làm một người thầy có tâm độ người mà không có trí độ người, thì làm sao quy phục người khác được? Trong bụng thì rỗng tuếch mà tâm lại cống cao, không chịu gần gũi bậc minh sư, chỉ biết kiêu căng thọ nhận sự lễ bái, cúng dường của người khác. Vì tham tiếng tăm tốt mà thật đặt nền móng của tai họa. Ví như người thường vọng xưng là đế vương thì tự nhận lấy sự chết chóc. Hai việc trước gọi là không có phương tiện cứu người, lẽ nào dám vọng làm ư? Hễ muốn làm thầy người, muốn độ đệ tử thì phải quán chiếu trên từ nguyên nhân tu hành của các Phật tổ, dưới biết được cội nguồn của đạo, chánh ấn truyền tông, pháp môn niệm Phật mỗi thứ tìm tòi nghiên cứu rõ ràng, tự tin tự hành, mỗi mỗi tu trì, mỗi mỗi thành tựu, tự lợi rồi mới lợi tha. Ấy là nương theo thuyền nguyện lực lớn của Phật Di-đà cứu vớt chúng sinh chìm đắm trong biển khổ. Mình người đều lợi lạc, không phải là thích hợp sao? Ấy gọi là dùng sự giác ngộ của giác ngộ người sau tự tin pháp môn này, cũng dạy người tin pháp môn này. Tự mình thực hành đạo này, cũng dạy người đạo này, tự mình nguyện vãng sinh Tịnh độ, cũng dạy người phát nguyện vãng sinh Tịnh độ, tự mình thấy bản tánh Di-đà, cũng dạy người thấy bản tánh Di-đà. Dụng tâm như thế há không phải là thực hành hạnh Bồ-tát ư?

Thầy và đệ tử, mỗi người lãnh thọ chánh nhân, cùng thực hành chánh đạo, lần lượt hóa độ tất cả chúng sinh đến tận đời vị lai, khiến họ đều giác ngộ Phật thừa, cùng ra khỏi sinh tử. Công đức này há dễ đo lường được ư?

Chúng ta phải lấy điều này mà làm thầy người, còn có gì hơn? Nếu không như vậy thì hai đường mê ngộ, phải chịu quả báo chánh tà khác nhau, có thể nói rằng lông vàng trong hang sinh sư tử, dã hồ dưới núi hiện chồn hoang.

13. Dùng việc xem xét tâm.

Tự Hành Lục của Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ ghi: Khâm phục bậc Thánh xưa không khoe khoang tài giỏi, bậc Tiên hiền ngàn xưa không phô bày đức độ. Đạo Phật hưng khởi giáo lý, trước mình tu hành, sau hóa độ người khác, Nho học nêu cao nghĩa cử nhưng không tránh khỏi quan hệ thân thuộc.

Sư thường dạy đệ tử rằng: “Nhân xem Hoằng minh tập thấy các bậc tiên đức thường xem xét lại Tam nghiệp.” Tình chê trách còn mê muội, yếu chỉ để đạt đến mục đích chưa sáng tỏ. Do đây dùng sự kiểm xét tâm, thấy sự tu tập của mình chưa đến đâu càng làm thêm sợ hãi, hổ thẹn. Thế nào là xem xét? Tức là xem xét thân này của ta, từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến tối, từ tối đến sáng, cho đến một thời, một khắc, một niệm, một sát-na có bao nhiêu tâm, bao nhiêu hạnh, bao nhiêu điều lành, bao nhiêu điều ác, bao nhiêu tâm muốn dứt bỏ phiền não, bao nhiêu tâm muốn hàng phục ma oán, bao nhiêu tâm nhớ nghĩ đến Tam bảo, bốn đế, bao nhiêu tâm ngộ được khổ, không, vô thường, bao nhiêu tâm nhớ nghĩ báo đáp ơn từ của cha mẹ, bao nhiêu tâm nguyện thay thế chúng sinh chịu khổ, bao nhiêu tâm phát nguyện thực hành đạo Bồ-tát, bao nhiêu tâm muốn bố thì, trì giới, bao nhiêu tâm muốn nhẫn nhục tinh tấn, tâm nào muốn thiền định, hiển bày trí tuệ, bao nhiêu tâm muốn Từ bi cứu độ năm đường, bao nhiêu tâm muốn khuyến khích làm những việc khó làm, bao nhiêu tâm muốn vượt khỏi sự mong cầu, hoàn thành những việc khó làm, tâm nào muốn chấp nhận khổ đau để xây dựng Phật pháp, tâm nào muốn thành Phật hóa độ chúng sinh. Như trên là xem xét tâm. Kế đến là xem xét khẩu, về thời khắc thì như trên xem xét tâm, từ sáng trở đi đã giảng nói được bao nhiêu câu có ý nghĩa sâu xa, đã đọc được bao nhiêu kinh điển, đã tụng được bao nhiêu văn tự nói về lý, đã khen ngợi được bao nhiêu công đức của Phật, đã được bao nhiêu lần phát nguyện hồi hướng. Cuối cùng xem xét thân, thời khắc cũng như trên, gặp người lạy Phật đã được mấy bận, mấy lạy; đã được mấy lần gặp người lạy Pháp lạy Tăng; đã được bao nhiêu lần quét tháp, lau chùa, đã bao nhiêu lần đốt đèn, xông hương, rải hoa cúng dường; đã bao nhiêu lần quét dọn bụi bặm, đã bao nhiêu lần cung kính nhiễu Phật mười vòng, trăm vòng, ngàn vòng. Xem xét như thế, hiểu lý thì ít, trái đạo thì nhiều, nghiệp trong sạch thì không đáng nói, còn phiền não chồng chất, chướng ngại tràn đầy, ngày càng chứa nhóm thì do đâu được giải thoát? Vì thế xem xét như trên, không có công phu để tự cứu mình, làm sao có thời gian rảnh rỗi mà nói việc tốt xấu của người? Cho nên phải quở trách xem xét Tam nghiệp để biết được việc làm của ta, cái nào thiện, cái nào ác. Vì thế, nếu không tự mình quở trách, xem xét trước thì lấy gì giáo hóa chúng sinh? Bồ-tát vì muốn độ chúng sinh nên trước phải tự mình tu hành. Vì vậy, kinh Tịnh Danh ghi: Bồ-tát dùng của cải vô lượng cứu giúp người nghèo khổ; giữ giới thanh tịnh để dạy những người phá giới; dùng hạnh nhẫn nhục, hòa nhã khuyên giải những người sân giận. Dùng tinh tấn nhắc nhở những người lười biếng, nhất tâm thiền định thâu nhiếp những người loạn động; dùng định, tuệ dẫn dắt những người vô tri.

Lại trong kinh ghi: Mình giữ giới khuyên người khác giữ giới, mình thiền định khuyên người khác thiền định. Luận Đại Trí Độ ghi: Đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni không bỏ phước xỏ kim, Tổ sư Bồ-tát Long Thọ giải thích rằng: “Như ông già một trăm tuổi múa là vì sao? Vì để dạy con cháu.” Huống chi chưa đạt đến địa vị rốt ráo thì toàn là pháp môn tự lợi. Từ sơ tâm Thập Tín lần lượt đến Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, thẳng đến Đẳng giác, trước khi thành Phật, địa vị Phổ Hiền vẫn là tự lợi. Về lợi tha thì lên địa vị Diệu giác, đến sau khi thành Phật thì Phổ Hiền mới gọi là lợi tha.

Nhân được nghe thầy thuyết, ghi chép chỉ được hai, ba. Đã xem xét hạnh đối trị thì môn nhiếp hóa không mất, thừa, giới đều cần kíp, quyền thật song hành, thể dụng thu nhiếp nhau, lý sự vô ngại. Nay xin trích dẫn quy bài kệ ở sau tập Vạn Thiện Đồng Quy để nói lên sự tu tập viên thành.

Tụng rằng:

Bồ-đề không phát mà phát

Phật đạo không cầu nên cầu

Diệu dụng không làm mà làm

Chân trí không nghĩ mà nghĩ

Khởi thương, giác ngộ đồng thể

Thực hành từ, nhập vô duyên

Vô sở xả mà hành thí

Không chỗ giữ mà đủ giới

Tiến tu không chút vọng động

Nhẫn nhục không làm thương tổn

Bát-nhã ngộ cảnh vô sinh

Thiền định biết tâm vô trụ

Xét vô thân mà có tướng

Chứng vô thuyết mà nói năng

Kiến lập đạo tràng như huyễn

Trang nghiêm thế giới tánh không

Bày ra các thứ huyễn hóa

Cúng dường tâm vương Như Lai

Sám hối tánh tội vốn không

Khuyến thỉnh pháp thân thường trụ

Hồi hướng nhưng không thật có

Phước vui theo bằng chân như

Khen ngợi kia đây hư huyễn

Phát nguyện năng sở bình đẳng

Lễ bái ảnh hiện pháp hội

Hành đạo bước đến chân không

Đốt hương thơm đạt vô vi

Tụng niệm thông sâu Thật tướng

Rải hoa nói lên vô trước

Búng tay biểu thị khử trần

Thí là độ môn tiếng vang.

Tu tập muôn-hạnh không hoa

Thâm nhập pháp tánh, duyên sinh

Thường dạo pháp môn như huyễn

Thề dứt không nhiễm trần lao

Nguyện sinh duy tâm Tịnh độ

Thực hành trong lý Thật tướng

Vào ra quán môn vô ngại

Hàng phục ma quân bóng gương

Làm nhiều Phật sự trong mộng

Độ khắp chúng sinh như huyễn

Cùng chứng Bồ-đề vắng lặng.