ninh mã phái

Phật Quang Đại Từ Điển

(寧瑪派) Tạng: Rĩin-ma-pa. Một trong những biệt phái của Phật giáo Tây tạng. Vào thế kỉ XI, XII, những tăng sĩ Tây tạng được gọi chung là Tam sách nhĩ: Sách nhĩ ba thả thích ca sinh, Sách nhĩ quýnh hỉ nhiêu trát ba, Sách nhĩ quýnh trác bồ ba và Nhung khước cát tang ba. Phái này thờ ngài Liên hoa sinh làm tổ khai sáng, nương vào mật chú và sự tu tập mà Ngài truyền vào Tây tạng để thành lập phái này. Lúc đầu, không có tên phái, nhưng từ hậu kì của Phật giáo Tây tạng, có những giáo phái khác phát sinh, mà phái này vẫn tu theo mật chú cựu dịch của tiền kì, vì thế, để phân biệt với các giáo phái mới phát sinh tu theo kinh điển tân dịch của hậu kì, nên phái này tự gọi là phái Ninh mã. Tiếng Tây tạng Rĩin-ma, Hán dịch là Cựu, Cổ cựu(xưa, cũ), cho nên phái Ninh mã hàm ý là phái Cựu, hoặc phái Cổ cựu; cũng tức là phái lấy kinh điển cựu dịch làm căn bản, là Mật giáo được truyền vào thời kì đầu. Lại vì tăng sĩ của phái này đội mũ màu đỏ, nên có biệt danh là Hồng giáo.Phái này thờ ngài Phổ hiền làm Phật bản sơ, mật điển căn bản là 18 bộ Đát đắc la trong Bí mật bộ của Đại tạng kinh Tây tạng, nhưng thông thường chỉ có 8 bộ được hành trì là: Văn thù thân, Liên hoa ngữ, Chân thực ý, Cam lộ công đức, Quyết sự nghiệp(5 bộ này được gọi là Ngũ bộ xuất thế pháp), Sai khiển phi nhân, Mãnh chú chú trở và Thế gian cúng tán(3 bộ này thuộc về thế gian pháp). Giáo pháp của phái này lấy Đại viên mãn pháp làm chính truyền. Ngoài ra, mật pháp thuộc Huyễn biến mật tạng và Tâm bộ do ngài Vô cấu hữu hoằng truyền; Kim cương quyết pháp, Mã đầu minh vương pháp và Chư thần hộ pháp do ngài Liên hoa sinh hoằng truyền; Văn thù pháp do ngài Tĩnh tạng hoằng truyền; Chân thực loại pháp do ngài Hồng ca la hoằng truyền vàmật pháp thuộc Vô thượng du già bộ do ngài Mặc na lakhất đahoằng truyền…đều là những Mậtpháp đặc biệt của phái này. Giáo nghĩa của phái này chia giáo pháp của đức Phật nói trong 1 đời làm 3 bộ, 9 thừa như sau: 1. Thanh văn thừa. 2. Độc giác thừa. 3. Bồ tát thừa. 4. Tác du già thừa (Sự bộ). 5. Phương tiện du già thừa(Hành bộ). 6. Du già thừa. 7. Đại du già thừa(Sinh khởi đại du già). 8. Tùy du già thừa(Giáo a nậu du già). 9. Vô thượng du già thừa(Đại viên mãn a để du già). Trong đó, 1, 2, 3 là bộ thứ nhất, thuộc về Hiển giáo, do Hóa thân Phật Thích ca mâu ni tuyên thuyết, gọi là Cộng tam thừa; 4, 5, 6 là bộ thứ 2, thuộc về Mật giáo, do Báo thân Phật Kim cương tát đỏa và Đại nhật Như lai tuyên thuyết, gọi là Mật chú ngoại Tam thừa hoặc Ngoại mật thừa; 7, 8, 9 là bộ thứ 3, do Pháp thân Phật Phổ hiền tuyên thuyết, gọi là Vô thượng nội Tam thừa hoặc Nội mật thừa, là Mật pháp đặc biệt của phái Ninh mã. Nương vào 9 thừa Hiển, Mật trên đây mà tu tập theo thứ lớp, lấy pháp Hỉ kim cương trong Vô thượng du già làm chỗ rốt ráo nhất, hành trì theo thế tục, không giữ luật nghi, lấy đó làm tu quán để tự hiển hiện trí thanh tịnh, khế chứng lí không mà được giải thoát. Đến thế kỉ XVI, XVII, phái này mới có các chùa viện tương đối qui mô, từ sau thời Đạt lai Lạt ma đời thứ 5 trở đi thì phát triển rất mạnh. Các chi phái nổi tiếng thuộc giáo phái này thì có: Phái Lạp tôn (Tạng: Lhlatsun-pa), phái Cát nhĩ thác (Tạng: Kartok-pa), phái Na đạt (Tạng: Na-dakpa), phái Mẫn châu lâm (Tạng: Mindollinpa), phái Đa cổ trát (Tạng:Dorjetakpa) v.v… Trong đó, 2 phái trước đặt tên phái theo tên người sáng lập, 2 phái sau đặt tên phái theo tên chùa viện. Các chùa nổi tiếng của phái này, ngoài chùa Đa cổ trát và chùa Mẫn châu lâm ra, còn có các chùa Trúc tinh và Cát thỏa ở Tây bộ tỉnh Tứ xuyên của Trung quốc. [X. Đông á Phật giáo sử (Kim sơn Chính bảo); The Buddhism of Tibet by L.A.Waddell; Die Religionen Tibets by H. Hoffmann]. (xt. Tây Tạng Phật Giáo).