niết bàn

Phật Quang Đại Từ Điển

(涅槃) Phạm: Nirvàịa. Pàli: Nibbàna. Cũng gọi: Nê hoàn, Nê viết, Niết bàn na, Niết lệ bàn na, Nê phạ nam, Nặc phạ nam.Hán dịch: Diệt, Tịnh diệt, Diệt độ, Tịch, Vô sinh. Đồng nghĩa: Trạch diệt, Li hệ, Giải thoát. Hoặc gọi là Bát niết bàn (Bát, dịch âm của tiếng Phạm Pari, nghĩa là hoàn toàn, dịch ý là Viên tịch), Đại bát niết bàn (Đại nghĩa là thù thắng, cũng gọi Đại viên tịch). Niết bàn nguyên nghĩa chỉ cho sự thổi tắt, hoặc biểu thị trạng thái thổi tắt, về sau được chuyển dụng để chỉ lửa phiền não thiêu đốt đã bị dập tắt, là cảnh giới hoàn toàn giác ngộ. Cảnh giới này vượt ngoài sinh tử(mê giới), cũng là mục đích thực tiễn cuối cùng của Phật giáo, cho nên được xếp vào 1 trong những pháp ấn, gọi là Niết bàn tịch tĩnh. Về Niết bàn, Đại thừa và Tiểu thừa giải thích có khác nhau: 1. Theo Tiểu thừa(Phật giáo bộ phái): Niết bàn là trạng thái diệt hết phiền não. Trong đó lại chia ra Hữu dư y Niết bàn(gọi tắt: Hữu dư Niết bàn)và Vô dư y Niết bàn (gọi tắt: Vô dư Niết bàn). Hữu dư y Niết bàn nghĩa là phiền não tuy đã bị diệt hết, nhưng nhục thể(tức y thân)tàn dư còn lại; Vô dư y Niết bàn nghĩa là phiền não đã hết mà y thân cũng không còn, tức là trạng thái khôi thân diệt trí. Hữu bộ chủ trương Niết bàn là 1 thực thể tồn tại, nhưng Kinh lượng bộ thì cho rằng Niết bàn chỉ là giả danh của cái trạng thái đã diệt hết phiền não, chứ tự nó không có thực thể. 2. Theo Đại thừa: – Trung luận chủ trương Thực tướng là Niết bàn, Thực tướng cũng tức là tính không, là pháp do nhân duyên sinh ra, bởi thế Niết bàn và sinh tử thế gian không có sai khác. – Kinh Niết bàn quyển 3 (bản Nam) cho rằng Niết bàn có 8 vị: Thường, hằng, an, thanh tịnh, bất lão, bất tử, vô cấu và khoái lạc. Nếu đem 8 vị này phối với 4 đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Niết bàn thì thường và hằng làThường, an và khoái lạc làLạc, bất lão và bất tử làNgã, thanh tịnh và vô cấu làTịnh. – Tông Duy thức chủ trương Niết bàn có 4 loại: Bản lai tự tính thanh tịnh Niết bàn, Hữu dư y Niết bàn, Vô dư y Niết bàn và Vô trụ xứ Niết bàn. Trong đó, Bản lai tự tính thanh tịnh Niết bàn(gọi tắt: Bản lai thanh tịnh Niết bàn, Tính tịnh Niết bàn)là chỉ cho Chân như, nghĩa là tướng của hết thảy sự vật xưa nay vốn là lí thể của Chân như vắng lặng. Vô trụ xứ Niết bàn là nương vào trí tuệ mà xa lìa phiền não chướng và sở tri chướng, không bị vướng mắc trong cõi mê sinh tử. Lại vì lòng đại bi nên hoạt động trong cõi mê để cứu giúp chúng sinh mà không bị kẹt nơi cảnh giới Niết bàn. Đây là 1 đặc sắc về Niết bàn của Phật giáo Đại thừa. – Tông Địa luận và tông Nhiếp luận chia Niết bàn làm 2 loại là: Tịnh tính Niết bàn và Phương tiện tịnh Niết bàn. – Tông Thiên thai thì chia Niết bàn làm 3 loại là: Tịnh tính Niết bàn, Viên tịnh Niết bàn và Phương tiện tịnh Niết bàn (cũng gọi Ứng hóa Niết bàn – đức Phật vì cứu độ chúng sinh nên thị hiện thân giả huyễn, khi nhân uyên độ sinh đã hết thì vào Niết bàn). – Tông Tịnh độ gọi thế giới Cực lạc của đức Phật A di đà là thành Niết bàn, cũng gọi là Vô vi Niết bàn giới. – Hàng Thanh văn, Duyên giác vào Vô dư Niết bàn, sau đó lại hồi tâm chuyển hướng Đại thừa giáo, gọi là Vô dư hoàn sinh. Đồng thời, Niết bàn là xa lìa tướng trạng sai biệt của hết thảy các pháp, nên cũng gọi là Li tướng. [X. kinh Tạp a hàm Q.18; kinh Niết bàn Q.33 (bản Bắc); phẩm Như lai thọ lượng trong kinh Kim quang minh tối thắng vương; luận Đại tì bà sa Q. 28, 33, 34; luận Câu xá Q.6].