niên phần độ giả

Phật Quang Đại Từ Điển

(年分度者) Cũng gọi Niên liệu độ giả, Niên phần học sinh, Niên phần giả, Niên phần. Tiếng dùng của Phật giáo Nhật bản. Chỉ số người nhất định được độ cho xuất gia do nhà nước chấp nhận. Nguồn gốc của chế độ này bắt đầu từ bao giờ thì không được rõ, nhưng ở Nhật bản, vào thời Nại lương (Nara) đã có rồi. Các tông phái, các chùa lớn lúc bấy giờ, tổ chức các cuộc thi tuyển, số thí sinh do nhà nước ấn định, người trúng tuyển được độ cho làm sa di; sau khi thụ giới, trong khoảng 6 đến 12 năm, phải học các bộ kinh luận đã được chỉ định, tất cả phí tổn đều do nhà nước chi cấp. Sau, theo tờ biểu của ngài Tối trừng dâng trình vào niên hiệu Đại đồng năm đầu (806), vua chế định Niên phần độ giả cho các tông là: Tông Thiên thai, tông Hoa nghiêm, tông Luật, mỗi tông 2 người; tông Tam luận và tông Pháp tướng, mỗi tông 3 người. Về sau, số Niên phần độ giả dần dần tăng gia thì mỗi chùa đều có chế độ này. Đến cuối thế kỉ X, chế độ này dần dần suy thoái ở Nhật bản. Tại Trung quốc, thời xưa cũng có chế độ tương tự như Niên phần độ giả của Nhật bản. Cứ theo Ngụy thư Thích lão chí, vua Văn thành nhà Bắc Ngụy từng hạ lệnh cho các châu, quận, huyện xây cất chùa tháp, đồng thời cho phép những người tính hạnh chân thật, thuần hậu muốn trở thành sa môn, thì bất luận lớn bé đều được xuất gia. Về số người xuất gia thì qui định: Châu lớn 50 người, châu nhỏ 40 người, những nơi xa xôi thì mỗi nơi 10 người. Đến năm Thái hòa 16 (492), vua Hiếu văn đế ban chiếu cho châu lớn 100 người, châu vừa 50 người, châu nhỏ 20 người xuất gia làm sa môn. Ngoài ra, Đại từ ân tự Tam tạng pháp sư truyện cũng có nói sơ lược về chế độ này.