niệm phật vãng sinh nguyện

Phật Quang Đại Từ Điển

(念佛往生願) Cũng gọi Nhiếp thủ chí tâm dục sinh nguyện, Chư duyên tín nhạo thập niệm vãng sinh nguyện, Văn danh tín nhạo thập niệm định sinh nguyện, Thập niệm vãng sinh nguyện, Xưng danh vãng sinh nguyện, Chí tâm tín nhạo nguyện, Đệ thập bát nguyện. Thệ nguyện thu nhiếp lấy những người niệm Phật sinh về Tịnh độ của đức Phật A di đà, là nguyện thứ 18 trong 48 nguyện của Phật A di đà… Kinh Vô lượng thọ quyển thượng (Đại 12, 268 thượng) nói: Nếu tôi thành Phật, chúng sinh ở 10 phương, dốc lòng tin ưa, muốn được sinh về cõi nước của tôi, cho đến niệm 10 niệm mà không được sinh thì tôi không thành chính giác, chỉ trừ những người tạo tội ngũ nghịch và hủy báng chính pháp. Vì thệ nguyện của Phật A di đà sâu nặng như thế, cho nên phàm những người xưng niệm danh hiệu Phật, có đầy đủ tâm chí thành, tâm sâu xa và tâm hồi hướng phát nguyện, cầu vãng sinh, thì chắc chắn sẽ được Phật tiếp dẫn. Cứ theo Vãng sinh lễ tán của ngài Thiện đạo thì từ ngữ cho đến 10 niệm trong văn nguyện, có hàm ý là cho đến 10 tiếng, tức chỉ niệm 10 lần câu Na mô A di đà Phật cũng được sinh về Tịnh độ. Vì đức Phật A di đà đã thành Phật rồi và hiện đang ở cõi Tịnh độ, nên lời thệ nguyện của Ngài không hề hư dối. Về từ ngữ cho đến 10 niệm có nhiều thuyết. Ngài Đàm loan chủ trương cho đến 10 niệm là niệm liên tục không giá đoạn; các ngài Nguyên hiểu, Pháp vị, Huyền nhất… thì cho đó là 10 pháp 10 niệm: Từ, bi, hộ, pháp… nói trong kinh Di lặc phát vấn. Ngài Nghĩa tịch thì cho niệm tức hàm ý thời gian, xưng niệm 6 chữ danh hiệu 1 lần là 1 niệm, 10 lần tức thành 10 niệm, trong mỗi niệm ấy tự nhiên đầy đủ 10 pháp 10 niệm từ, bi v.v… Trong Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập, ngài Nguyên không, người Nhật bản, cho rằng giữ giới, tụng kinh, thực hành 6 độ, công đức tuy rất lớn, có thể hồi hướng vãng sinh, nhưng đều không thù thắng bằng công đức xưng danh niệm Phật, cho nên chỉ lấy 1 hạnh niệm Phật làm bản nguyện vãng sinh mà thôi. [X. Vãng sinh luận chú Q.hạ; Vô lượng thọ kinh nghĩa sớ Q.thượng (Tuệ viễn); Quán niệm pháp môn]. (Xt. Tứ Thập Bát Nguyện).