NIỆM PHẬT TAM MUỘI BẢO VƯƠNG LUẬN

SỐ 1967

QUYỂN TRUNG

Đời Đường, chùa Thảo đường, núi Tử các. Sa-môn Phi Tích soạn.

8. CHUYÊN CHÚ NIỆM MỘT CẢNH PHẬT HIỆN TẠI:

Hỏi: Về việc niệm chúng sinh là chư Phật vị lai, tôi đã biết huyền nghĩa và sự lý sâu rộng rồi. Tuy nhiên, tu như thế e tâm tán loạn khó kiểm soát. Nay tôi muốn hợp nhất, muốn chuyển hướng về Tây phương Cực lạc, niệm một Đức Phật (A-di-đà), ngõ hầu đạt được địa vị Bất thoái chuyển, dứt trừ tâm hữu lậu, chèo thuyền trong ao huỳnh kim (Liên trì), lễ Đức A-di-đà trên điện ngọc, thấu suốt ba đời, thấm nhuần ngôi cửu phẩm, như thế có được hay không?

Đáp: Trong luận Thập Trụ Tỳ-bà-sa của Bồ-tát Long Thọ tạo, giải thích kinh Hoa Nghiêm, phẩm Dị Hành Đạo có nói: “Đạo Bồ-tát có hạnh khó làm, như kẻ chèo thuyền trên đường lộ; có hạnh dễ làm như chèo thuyền trên mặt nước.” Lực bản nguyện của Đức Phật A-diđà làvô cùng tận. Nếu có chúng sinh nào nghe danh hiệu Ngài, sinh lòng tin tưởng, muốn sinh về thế giới Cực lạc, thì kẻ đó như thuyền gặp nước, lại có gió lớn, chỉ một lát chèo đã đi nghìn dặm, đến bờ không có gì là khó. Nhờ lực bản nguyện đó mà phụ thân của Đức Phật và sáu vạn quyến thuộc giòng họ Thích-ca đều được vãng sinh Cực lạc. Do vì, Đức Phật A-di-đà và chúng sinh ở thế giới Sa-bà có duyên sâu nặng với nhau. Nay ông chuyên chú vào một cảnh để tu hành, đó là phương pháp rất hay để thấu suốt trọn vẹn chư Phật ba đời.

Hỏi: Người tu hành nếu chuyên chú vào một cảnh, thì dễ thấu suốt chư Phật ba đời, điều này là chắc thật. Nhưng xưng danh hiệu Đức Phật A-di-đà, cầu nguyện vãng sinh thế giới Cực lạc cũng là pháp hữu vi hư ngụy, e gió nhiều thời sóng to, tâm khó chánh định. Sao không từ bỏ mọi ý tưởng rong ruổi bên ngoài, chỉ cần nhiếp tâm vào trong cho phù hợp với ý chỉ vô vi?

Đáp: Pháp hữu vi tuy ngụy, nhưng bỏ nó thì đạo nghiệp không thành. Pháp vô vi tuy chân nhưng chấp trước vào nó thì tuệ tâm không trong sáng. Kinh nói: “Chán lìa công đức hữu vi, đó là nghiệp ma, đắm

trước vào công đức vô vi, đó cũng là nghiệp ma.” Nay trong ông còn tràn đầy tâm chán lìa và ưa thích giao tranh thì làm sao giải thoát ra khỏi lưới ma được.

Lại nếu Thánh hiền nhiếp tâm rồi cho đó là trong, phàm phu ý tưởng rong ruổi rồi cho đó là ngoài, rong ruổi bên ngoài là loạn, nhiếp tâm bên trong là định; lại sự rong ruổi trong ngoài, không phải là sự nhiếp tâm của niệm Phật Tam-muội. Khi chú giải kinh Duy-ma, Pháp sư La-thập có kể câu chuyện: “Ở nước nọ có một cô gái thân thể sắc vàng ròng. Có người con trưởng giả tên Đạt-mộ-đà-la đem ngàn lượng vàng mời vào rừng trúc. Lúc đó, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi biến thành một vị cư sĩ đứng giữa đường, thân mặc áo bằng ngọc báu rất đẹp. Cô gái thấy cư sĩ trong lòng ưa muốn chiếc áo. Bồ-tát Văn-thù nói: “Cô muốn được chiếc áo ngọc báu này thì nên phát tâm Bồ-đề.” Cô gái hỏi: “Thế nào là phát tâm Bồ-đề?” Bồ-tát Văn-thù đáp: “Chính là thân cô.” Cô gái hỏi: “Sao là thân tôi?” Bồ-tát Văn-thù đáp: “Bồ-đề tánh rỗng rang, thân cô cũng rỗng rang, cho nên chính là thân cô vậy.”

Cô gái này xưa cũng từng ở pháp hội ngài Ca-diếp gieo trồng các căn lành, rộng tu trí tuệ. Do vậy, nghe lời Bồ-tát nói, liền chứng Vô sinh pháp nhẫn. Sau khi chứng Vô sinh pháp nhẫn, cô bèn đối trước Bồ-tát bày tỏ sám hối lỗi lầm ham muốn ái dục của mình, sau đó quay ra đi với người con trưởng giả vào rừng. Khi vào trong rừng, cô gái hóa hiện thân mình chết, sình thúi hôi dơ. Người con trưởng giả thấy vậy, sinh tâm lo sợ, đi đến hỏi Phật. Phật vì người đó mà thuyết pháp, người đó nghe pháp cũng chứng được Vô sinh pháp nhẫn.

Lúc chưa chứng quả đại giác, tức chưa rảnh việc làm, cho nên gọi là nhẫn. Như quán tướng thân mình và quán thật tướng của thân Phật, thì thân người nữ rỗng rang, thân Phật cũng rỗng rang, chưa từng có sự sai khác. Thế thì nghĩa Bồ-đề lại có sự sai khác hay sao?

Do như thế, nên tất cả pháp hữu vi đều là pháp vô vi, tất cả trong ngoài đều chẳng phải trong ngoài. Song, tại hữu mà chưa từng có hữu, hữu mà thường có vô; tại vô mà chưa từng có vô, vô mà thường có hữu. Đã như thế thì ông còn lo gì nơi Phật có tướng, nơi tâm có niệm sao.

9. ĐỜI NÀY ĐỜI SAU TÙY THUỘC VÀO MỘT NIỆM VÀ MƯỜI NIỆM:

Hỏi: Nói về đạo dễ làm và khó làm, quán thân tức là Bồ-đề, yếu chỉ đó đã rõ ràng không còn thắc mắc. Song, con người ở đời thật mau chóng, chẳng khác gì chớp lóe lửa xẹt, một niệm si lạc thì hối hận không kịp. Người tu hành đối với thân còn không tham tiếc, thì đối với thân tham tiếc làm gì. Nhưng tôi chỉ sợ một hơi thở ra không hơi thở vào là đã qua đời sau, như cỏ bông gió cuốn không biết đi về đâu? Mong ngài chỉ dạy pháp một niệm và mười niệm, để cho tôi có thể dự bị đời sau?

Đáp: Chúng ta gặp được pháp môn Tịnh độ là có phước nghiệp và công đức lớn. Hàng Nhị thừa ngưng trong cảnh hư vô, đắm trước ngoan không, sợ hãi các tướng, không nhớ nghĩ chúng sinh, vì thế không có Tịnh độ, chỉ duy Đại thừa mới có Tịnh độ.

Trong kinh Bi Hoa nói: “Đức Phật A-di-đà , tiền thân là vị Chuyển Luân vương, tên là Vô Tránh Niệm. Vị Luân vương có bảy báu, ngàn con, hết thảy đều đầy đủ. Nhờ có sự dẫn dắt của Thiện tri thức là đại thần Bảo Hải, nhà vua đối trước Bảo Tạng Như Lai phát tâm Bồ-đề, nguyện giữ lấy thế giới Cực lạc. Như vậy, trong tất cả các kinh, biết tên các vị Phật, Bồ-tát Thanh văn đều là ngàn người con của Ngài thuở xưa. Vị thái tử đầu tên Bất Thuấn là Quán Thế Âm Bồ-tát, vị thứ hai là Ma ni, là Ngài Đại Thế Chí Bồ-tát, vị thứ ba tên Vương Chúng là ngài Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, vị thứ tư tên Năng-già-nô là ngài Kim Cương Trí Huệ Quang Minh Bồ-tát,vị thứ năm tên Vô Úy là ngài Liên Hoa Tôn Như Lai, vị thứ sáu tên Yểm-bà-la là ngài Hư Không Quang Minh Bồtát, vị thứ bảy tên Thiện Tý là ngài Sư Tử Hương Bồ-tát, vị thứ tám tên Miên Đồ là ngài Phổ Hiền Bồ-tát, vị thứ chín tên Mật Tô, tức là ngài A-súc-bệ Phật.

Thái tử Mật Tô, từ lúc phát Bồ-đề tâm cho đến khi thành Phật, mỗi khi đi đứng, ở từng mỗi bước chân, tâm niệm Ngài luôn nghĩ đến chư Phật. Do nhân duyên như thế, ngày nay Ngài thành Chánh giác làm giáo chủ ở cõi Diệu Lạc. Chúng ta khi đi kinh hành trên đường rộng, hoặc bước vào rừng sâu, không khác gì cái thấy của thái tử Mật Tô. Như thế, khi chúng ta vào nơi náo nhiệt, hay ở chốn bình an với đủ vẻ trang nghiêm, hoặc đang cưỡi ngựa xe vội vã, há chẳng thể dụng tâm niệm Phật trong từng bước, từng bước một được hay sao? Chúng ta nếu làm được như thế thì so với tiết tháo người xưathì không có gì là sai khác vậy.

Con người ở đời, lúc ăn uống, vui chơi, giao tế… trong vòng sinh tử, chưa có khi nào mà có thể vượt ra ngoài hơi thở. Nhưng một hơi thở ra mà không trở lại, là đã thuộc về đời sau, đúng như lời ông nói: Con người niệm Phật ở đời phần nhiều lấy báu ngọc, thủy tinh, kim cương, hạt Bồ-đề, các thứ gỗ… làm chuỗi niệm Phật. Còn ta thì lấy hơi thở ra vào làm chuỗi báu, mỗi khi xưng danh hiệu Phật, tùy theo hơi thở ra vào mà có được sự nương tựa lớn, như thế thì còn lo sợ gì hơi thở ra không trở lại là thuộc về đời sau ư?

Tôi thường đi đứng nằm ngồi đều dùng xâu chuỗi hơi thở này mà niệm Phật. Giả sử có hôn mê, thì cũng ngậm Phật mà ngủ, tỉnh giấc lại tiếp tục niệm. Như vậy, trong cơn mộng, dù chưa tự chủ cũng thấy Phật. Như cọ cây lấy lửa, khói là tướng báo hiệu của lửa, thấy có khói nhất định lửa sắp có, cũng như người tu trong mộng thấy Phật thường xuyên, còn lo gì Tam-muội không thành. Người tu như thế, tương lai sẽ được thấy Phật, thân cận với Phật và được Phật thọ ký. Được như thế rồi thì muôn vật không mất một điều gì. Ông hãy nên cố gắng!

Hỏi: Một niệm là vãng sinh hay mười niệm là vãng sinh. Hai điều này điều nào là đúng, xin ngài giải thích?

Đáp: Chỉ cần một niệm, quyết định được vãng sinh Tịnh độ, chứng ngôi Bất thoái chuyển. Đây là điều đúng vậy. Như lời Phật đã dạy, người nào phạm tội làm thân Phật ra máu, phá hủy kinh điển, đánh mắng các vị Tỳ-kheo, tạo đủ ngũ nghịch trọng tội. Khi một niệm cực ác thành thì đọa vào địa ngục Vô gián nhanh như tên bắn. Nay người niệm Phật, vãng sinh Tịnh độ là do một niệm cực thiện thành. Sự vãng sinh về Tịnh độ nhanh như co duỗi cánh tay. Một niệm trước là ngũ ấm diệt, một niệm sau ngũ ấm sinh. Giống như ấn sáp in vào vật, giở ấn lên thì thành văn. Như thế người được vãng sinh không cần đợi đến niệm thứ hai, huống gì là mười niệm.

Đánh tăng mắng Phật, tuy không phải là tội nghịch, nhưng cũng đồng loại với tội ngũ nghịch. Lại một niệm đọa lạc tam đồ, như trong kinh nói: “Xưa có vị Sa-di rất thích ăn tô lạc, đến khi lâm chung chỉ vì ham thích mà đời sau đọa làm côn trùng trong tô lạc. Lại như vợ của trưởng giả Đại Tát-bà, một hôm ngồi soi mình trước kính, khởi tâm đắm trước thân thể, về sau bà đi thuyền gặp nạn gió thổi chìm, do niệm ái trước thân thể mà chết làm con giòi ở trong tử thi, không chịu lìa ra. các việc đọa lạc khổ đau như thế, vốn do chỉ một niệm, chẳng đợi đến mười niệm. Lại như trong kinh Vô Lượng Thọ có nói, chỉ cần một niệm niệm Phật lúc lâm chung, quyết định được vãng sinh về thế giới Cực lạc. Sở dĩ trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói mười niệm vãng sinh là có lý do. Bởi vì người đang mắc bệnh gầy yếu, khí lực hao tổn, vô cùng yếu đuối, cho nên phải xưng danh hiệu A-di-đà mười niệm để phụ trợ cho tâm niệm bên trong. Nếu tâm niệm mạnh mẽ không hôn mê, thì chỉ cần một niệm niệm Phật quyết được vãng sinh.

10. TÂM NÀY LÀ PHẬT, TÂM NÀY LÀM PHẬT:

Hỏi: Như kinh Quán Vô Lượng Thọ đã nói: “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật.” Thế tại sao chúng ta lại phải động tâm niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà và thường quán tưởng thế giới Cực lạc ở phương xa. Vả lại, nếu niệm chư Phật ở gần và cung kính chư Phật vị lai, thì đó đều là cầu ở ngoài tâm, sao gọi tâm này là Phật được?

Đáp: Câu ông nêu ra là không đúng. Ông chỉ biết dẫn kinh nhưng hoàn toàn không biết nghĩa lý của kinh. Kinh Quán Vô Lượng Thọ là bộ kinh thuyết minh về việc trì danh hiệu Phật A-di-đà. Nhờ sự niệm Phật mà Phật từ tâm tưởng sinh, nói tâm này là Phật. Sao ông lấy trộm pháp quán Di-đà mà trở lại chê bai tâm Di-đà. Nếu như thế, không niệm Phật mà nói tâm này là Phật, không tưởng ác mà nói tâm này là ác được sao? Cả hai điều đó là không đúng. Huống gì vị giáo chủ thế giới Cực lạc là Đức A-di-đà chí tôn, thì mười vạn ức núi Tu-di cũng không thể làm chướng ngại nhãn căn Ngài được. Hằng hà sa ánh sáng tướng hảo đều là do tự lực bản nguyện của Ngài tạo thành, và đối với chúng sinh vãng sinh cõi Cực lạc, thì trong khoảng co duỗi cánh tay liền được vãng sinh, sao còn lo ngại đường đi gần xa?

Hỏi: “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật.” Tôi xin cung kính tin lý này. Nhưng kinh Quán Vô Lượng Thọ này có thuyết minh về mười sáu phép quán và hoàng hậu Vi-đề-hy đã chứng đắc. Trong mười sáu phép quán, thì có thể quán tưởng băng, mặt trời, núi vàng sáng chói… Còn các pháp như ánh sáng của ma, ánh sáng của Phật, quán thân mình, quán thân người đều có tướng chánh tà lẫn lộn, làm sao chúng ta có thể phân biệt được. Với khúc mắc đó, xin Ngài chỉ bày, để người niệm Phật, dù tu tập một mình không gần thầy hướng dẫn, vẫn có thể an tâm tu tập?

Đáp: Việc quán tưởng băng là gốc mở rộng để quán tưởng đất lưu ly, quán tưởng mặt trời, là để dần dần hướng đến ánh sáng bạch hào. Nếu tướng từ tưởng mà hiện thì gọi là mình, là chánh. Không theo tưởng hiện thì gọi là người, là tà. Nếu quán tưởng tướng bạch hào, bạch hào chưa hiện, chưa tưởng mắt xanh, tướng mắt xanh lại hiện, chỗ này là trái với tâm quán tưởng, như thế là sai lạc? Quán tưởng về các pháp khác cũng như vậy.

Lại tướng ánh sáng của ma thì có hình bóng chóa mắt, tướng ánh sáng của Phật thì không có bóng chóa mắt. Do đó bài kệ trong kinh Lăng-già có nói:

Cõi Phật hơn tất cả,

Thanh tịnh diệu trang nghiêm:

Rực rỡ như lửa lớn,

Ánh sáng soi cùng khắp

Sáng bừng không hại mắt,

Bao trùm hết ba cõi.

Hỏi: Như thế thì ánh sáng hiện ra, bừng sáng và hại mắt là ánh sáng của ma. Còn ánh sáng hiện ra, bừng sáng và không hại mắt là ánh sáng của Phật sao?

Đáp: Nếu là ánh sáng chân thật, thì làm cho người niệm Phật thân tâm được lặng yên thanh tịnh. Còn ánh sáng ngụy tạo thì khiến cho người niệm Phật thân tâm xao động hoảng hốt. Vì vậy, trong kinh Niếtbàn có nói: “Lặng trong thanh tịnh, là chân giải thoát. Chân giải thoát chính là ánh sáng của Như Lai.”

Hỏi: Đấng chí nhân xưa nay vốn không động tưởng, mà nay ta lại dùng tư tưởng há chẳng phải là sai lầm ư?

Đáp: Hoàn toàn không sai lầm, như kinh Đại Oai Đức Đà-la-ni nói: “Người nào muốn vượt thoát sự trói buộc ba cõi, cần phải phát tâm ham muốn, thích tưởng nghĩ điều vô dục.” Nay cũng như thế, chúng ta muốn tu pháp niệm Phật, cần phải có tâm tưởng, tưởng các pháp vô tưởng. Vì thế, kinh Phương Đẳng Hiền Hộ có nói: “Trong lòng ham muốn ác tưởng người nữ, trong mộng sẽ thấy người nữ. Lòng ham muốn lành tưởng Phật, trong giấc mộng sẽ thấy Phật.”

Chúng ta cần phải biết, hai tư tưởng đây là đồng là tưởng, nhưng tánh thiện ác cách biệt như trời vực. Đang nghe nói đó là tưởng mà chán bỏ nó. Tuy không chửi mắng Phật, phá hủy kinh điển, cũng vẫn chỉ được sinh về nơi thiên cung Vô tưởng. Nếu ai cố chấp vô tưởng rồi dèm pha việc tưởng Phật, hạng người đó gọi là hủy báng Pháp. Vì tội hủy báng Pháp, quyết sẽ đọa địa ngục mười phương, khó có ngày thoát khỏi, làm sao có được sự sinh về cõi cung trời. Giả sử có được sinh lên thiên cung Vô tưởng, thì đó cũng là trời ngoại đạo, hoàn toàn không phải là con đường giải thoát. Kinh Niết-bàn nói: “Hễ ai nghe tiếng trống độc, dù ở xa hay gần đều phải chết.” Sự sai lầm này cũng như vậy, người nào nghe theo việc phế bỏ tư tưởng, tất dù xa gần đều đọa địa ngục. Kinh nói: “Có khi cách mặt đất một thước hai thước, du hành qua lại” là ý ở chỗ này. Người phế bỏ tư tưởng như thế thì làm sao vượt ra ngoài sự lưu chuyển của tam giới, làm sao được vãng sinh nơi chín phẩm liên hoa. Huống nữa. việc làm chìm ghe hay nổi ghe, đều là do nước nổi hay nước cuốn. Cũng vậy, tư tưởng vọng tức là chúng sinh, tư tưởng chân tức là 502 chư Phật. Lìa ra ngoài tư tưởng thì gọi là cái gì.

Hỏi: Sự đã giải thích, còn lý thì như thế nào?

Kinh Ban-chu Tam-muội có nói: “Tâm khởi tưởng tức là si mê, vô tưởng tức là Niết-bàn.” Nay Ngài nói phải dùng tư tưởng, e như thế không trái với lý kinh hay sao?

Đáp: Điều này chẳng trái với lý kinh. Nếu trong tâm còn giữ tưởng Phật, thì trong tâm thường tưởng đến Phật. Còn bằng bỏ tư tưởng Phật, chấp lấy ác thủ không đó không phải là vô tưởng mà chính là đại si mê. Chúng ta ngày nay sở dĩ hiểu được Phật, đều do tư tưởng mà sinh, không có Phật thì không có tưởng, như thế làm sao có si mê. Đó chính là pháp quán Không Tam-muội, chẳng phải là tà kiến.

Nay ông lại hỏi về lý đó như thế nào. Xét người nào đã thể hiện được bản tánh chân thật lặng lẽ, thì tâm người đó thường rỗng rang như hư không, không thể hoại diệt. Tuy vạn pháp rọi chiếu nhưng tâm chưa từng có niệm. Đó là chân trí vô duyên, bởi do không có niệm mà gọi tên, còn tục trí hữu duyên bởi do tưởng niệm mà sinh. Lại nữa, tưởng chẳng khác không, không chẳng khác tưởng. Đây gọi là lý đệ nhất nghĩa trung đạo, là hiển bày pháp thân.

Không tức là tưởng, gọi là lý tục đế, hằng sa vạn đức đều nương vào tục đế, đây là hiển bày Báo thân. Tưởng tức là Không, gọi là lý chân đế, phá trừ hai mươi lăm hữu, chứng đắc hai mươi lăm Tam-muội, thường Không tịch tĩnh hóa hiện, hòa quang lợi vật, đây gọi là Hóa thân. Như thế là lấy tam quán quán tam đế, chứng đắc tam đức, thành tựu tam thân, cho đến thập chủng tam pháp, có gì mà chẳng chứng được. Thế mà muốn loại bỏ tưởng thanh tịnh, giữ lấy tưởng vô tưởng hay sao, đã bế tắc nơi cửa thiền định, mà còn có thể rộng rãi với việc thành Phật ư?

Kinh Lăng-già Mật Nghiêm nói: “Thà chấp có như núi Tu-di,” nghĩa là còn tin có nhân quả, còn giữ tư tưởng niệm Phật, lâm chung được vãng sinh về thế giới Cực lạc. Lại nói: “Không nên chấp không như hạt cải” nghĩa là không tin có nhân quả, hủy báng pháp niệm Phật, quyết định khi lâm chung sẽ đọa địa ngục A-tỳ. Đây quả thật là điều đáng sợ.

11. MẶT DAY VỀ HƯỚNG TÂY NIỆM LỚN TIẾNG:

Hỏi: Tưởng tức là vô tưởng, tôi nghe theo lý này. Còn như trong kinh Phương Đẳng nói: “Người nào tu pháp môn vô thượng thậm thâm diệu thiền định, nên tưởng liên tục tướng bạch hào của Phật kèm theo xưng danh hiệu Phật để được thắng định. Sau khi tâm đã khế hợp với định rồi, thì tâm và Phật cả hai đều mất.” Điều này có thể tin. Nhưng xét việc mặc niệm lặng lẽ (niệm thầm) thì Tam-muội tự đến, cần gì phải to tiếng niệm Phật mới thành tựu chánh đạo?

Đáp: Đúng như ông hỏi, to tiếng niệm Phật cũng không có gì sai, mà trái lại ông hỏi như thế là làm rõ công năng của nó. Tại sao? Bởi việc thiết yếu để trừ tâm tán loạn là giữ tiếng niệm Phật làm cho có tiếng. Tiếng niệm Phật nếu không rõ ràng, thì tâm niệm rời rạc, hoang mang khó định, còn tiếng niệm Phật rõ ràng, thì tâm được chuyên nhất, không còn lo nghĩ, đây là nghĩa thứ nhất. To tiếng niệm Phật, tiếng vang ra thì mọi tai họa xung quanh đều tiêu, công đức tòng lâm ngày càng sung mãn, đây là nghĩa thứ hai. To tiếng niệm Phật thì dễ cảm đến thần lực của chư Phật, Bồ-tát khiến sinh ra các tướng lành, như Phật phóng hào quang, hoa báu rơi xuống lác đác như mưa, đây là nghĩa thứ ba. To tiếng niệm Phật là một phương tiện trợ niệm thần diệu, giống như khiêng khúc cây nặng không khiêng đi nổi, nhưng chỉ một tiếng hô mà dắt đi nổi, đây là nghĩa thứ tư. To tiếng niệm Phật thì có năng lực hàng phục các ma não, giống như trong trận chiến, biết sử dụng tiếng trống để đàn áp tinh thần đối phương thì chắc được thắng địch, đây là nghĩa thứ năm.

To tiếng niệm Phật có công đức như thế sao lại bỏ đi. Nếu người nào chưa đạt được hai pháp quán tưởng và tịnh niệm, định và tuệ tương ứng thì làm sao thấu rõ được ý Phật. Không nên cho rằng mỗi khi định và tuệ quân bình, thì tâm và Phật đều mất, như lời ông nói. Vì vậy trong bài tựa của Niệm Phật Tam-muội, ngài Tuệ Viễn ở Lô sơn có nói: “Xét về công đức cao siêu và tu trì dễ tiến, thì niệm Phật là pháp đứng đầu.”

Còn nói về niệm thầm, nếu tâm chuyên chú lắng nghe danh hiệu Phật, thì các trần lụy thảy đều tiêu tan, các tình niệm trệ ngăn thảy đều sáng thông, đó chẳng phải là chỗ chí diệu của thiên hạ để mọi người noi theo pháp chấp trì Phật hiệu hay sao. Lại để tán thán công Đức Phật hiệu, kinh Hoa Nghiêm có nói: “Thà chịu vô lượng khổ, được nghe danh hiệu Phật; không thọ mọi điều vui; chẳng nghe tiếng Phật hiệu.”

Lại nữa, âm thanh Phật hiệu càng vang xa, đó là mầm mống phát sinh các điều thiện. Giống như tiếng sấm mùa xuân, làm khởi động sự phát triển các loại thảo mộc, sao lại xem thường tiếng niệm Phật lớn tiếng được.

Hỏi: To tiếng và nhỏ tiếng niệm Phật, công đức sai khác, tôi xin ghi nhận điều này. Nay xin hỏi, mười phương đều có chư Phật, sao chỉ 50 quay về hướng Tây, như thế có gì chướng ngại hay không?

Đáp: Câu hỏi ông vừa nêu ra là chẳng đúng. Điều này chính trong các kinh Phương Đẳng Đức Phật đã có nói rõ ràng, chẳng phải là do người sau này tự tiện bày ra. Ông sao lại đi hủy báng kinh Phương Đẳng ư?

Hỏi: Xin ngài giải thích giáo nghĩa ngồi day mặt về hướng Tây. Lý ở nơi nào?

Đáp: Cũng có cái lý của nó. Như có người si mê, thấy Bồ-tát Quán Thế Âm có mười một mặt, bàn vấn nạn như thế này: “Sao Bồ-tát lại không là mười hai mặt.” Nếu chúng ta tùy theo đó mà trả lời, họ lại vấn nạn ngược lại “Sao không lại là mười một mặt.” Nay ông muốn lấy đông để nói tây, việc ấy cũng như người si mê vậy.

Giống như người mê ngủ chưa tỉnh, nếu giữ được thân này khiến được tỉnh táo, để tâm duyên theo một hướng không rời, quyết có thể tỉnh ngộ, còn hạng như thế mà không tỉnh ngộ, thì không làm sao có thể giáo hóa được, họ chỉ là những người đáng thương mà thôi.

Lại trong kinh Thắng Thiên Vương, phẩm Nhị Hạnh có nói: “Như Lai có tám mươi tướng hảo. Trong đó có tướng hảo quang minh công đức có tên là Hướng về khắp tất cả chúng sinh không từ bỏ một ai.” Như Đức Phật, ngài không bao giờ xoay lưng mà thường hướng mặt về chúng sinh, chứ chẳng phải như người bệnh nặng, không muốn thấy và nghe tiếng ai. Quả thật ngài là bậc rất đại Từ đại Bi.

Đại sư Trí Giả lúc còn thơ ấu, ngài thường có thói quen khi nằm thì chấp tay, khi ngồi thì day mặt về hướng Tây. Lần hồi về sau, lúc ngài đọc qua bốn mươi tám đại nguyện Phật A-di-đà và chín phẩm vãng sinh, liền cảm được ánh sáng chiếu khắp núi, nhạc trời rền vang. Sau khi viên tịch, ngài liền được vãng sinh thế giới Cực lạc. Như thế, pháp niệm Phật day về hướng Tây, không phải là việc đáng tuyên dương sao.

Hỏi: Pháp niệm Phật day về hướng Tây, tôi kính ghi nhận. Còn ý nghĩa Ban châu như thế nào, xin ngài giải thích?

Đáp: Ban Châu là tiếng Phạm, xứ này dịch là Hiện tiền, có nghĩa là tư duy về Phật liên tục, thì Phật sẽ hiển hiện trong định. Còn pháp chín mươi ngày hành đạo, chỉ là việc trợ duyên cho pháp tu Ban Châu, chứ không phải là nghĩa chính.

Hỏi: Ý nghĩa Ban Châu là chỗ diệu nghĩa của pháp môn Tịnh độ, tôi đã nghe đầy đủ. Nhưng vào thời cận đại ngày nay, đã có được mấy người sau khi vãng sinh Tịnh độ, trở lại báo tin. Như thế thì chúng ta làm sao biết là đã đến chỗ ấy?

Đáp: Pháp sư Tuệ Viễn vào đời Tấn ở Lô sơn là vị khởi xướng pháp môn Tịnh độ. Tuệ Viễn được Tam tạng Phật-đà Bạt-đà-la truyền dạy pháp Niệm Phật Tam-muội. Ngài cùng với đệ tử Tuệ Trì, cao tăng Tuệ Vĩnh nhóm họp các sĩ phu, quan lại về hưu, người ẩn dật như Tông Nạp, Trương Dã, Lưu Di Dân, Lôi Thứ Tông, Châu Tục Chi, Tạ Linh Vận, Khuyết Công Tắc… cả thảy gồm một trăm hai mươi ba vị cùng nhau tu Tịnh độ, đục núi làm bài minh phát nguyện cầu vãng sinh. Bài minh do Lưu Di Dân trước tác, đại lược như sau:

“Buông xả vòng thế gian chìm đắm, tỉnh ngộ kiếp vô thường chóng vánh, rõ ba báo thường xuyên thôi thúc, biết hiểm nguy thoát khỏi đường ra. Do đó tập hợp các hiền sĩ cùng chí hướng, ngày đêm kính cẩn chuyên cần, mong cầu Đức A-di-đà từ bi tế độ. Dùng diệu quán đại nghi để khai mở tâm hồn, luyện trí quán chiếu luôn rõ ràng chính trực. Để tâm thức nhờ đó mà tỉnh ngộ, thể xác nhờ đó mà đổi thay, mượn thân giả tạm để vào Thánh chúng, nép bóng huỳnh kha chư Phật để trưởng dưỡng tâm linh, mặc áo giải thoát bay nơi cõi Cực lạc có ao sen bát đức, thổi ngọn gió thơm thanh tịnh trở về độ kẻ cùng đường lầm lạc. Thân hết mọi an nguy mà luôn luôn hòa mục, tâm vượt cả khổ vui vẫn tự tại tươi vui. Trông xuống tam đồ thì hun hút, nhìn lại thiên cung thì đã bỏ xa. Theo con đường Thánh chúng, mong được về nơi cõi tịch tịnh Niết-bàn.” Ông nên xét kỹ, đạo vi diệu như thế, tại sao chẳng hoằng dương.

Pháp sư Tuệ Viễn có viết lời tựa trong cuốn Niệm Phật Tam-muội rằng: “Sao gọi là Niệm Phật Tam-muội? Nghĩa là nhớ chuyên, tưởng lặng vậy. Nhớ chuyên thì chí không dời đổi, tưởng lặng thì khí thanh thần sáng. Trí thanh thì trí giác soi khắp, thần sáng thì rọi khắp các chỗ tối tăm. Hai món này tự nhiên thầm hợp nhau, chung hội lại mà thành ra chỗ dụng chí cực. Lại các môn Tam-muội, tên của nó rất sâu xa, nhưng trong xét công đức rất cao vời và tu rất dễ tiến, thì pháp Niệm Phật Tam-muội là đứng đầu. Nếu lấy chỗ chuyên của mỗi định, thì không thể lấy định nào là hay và định nào là dở.”

Lại Tạ Linh Vận có làm bài vịnh cảnh Tịnh độ như sau:

“Pháp Tạng tôi vốn ở cung vua; lòng say mến đạo bỏ quốc thành; thành tâm phát khởi bốn tám nguyện; mong cứu khắp cùng các chúng sinh; lập một tịnh bang đầy thắng diệu; ai nấy đều đủ vẻ tinh anh; không già nua không điều đau khổ; nương đài sen hóa hiện du thành.”

Nay ông hỏi rằng chưa thấy người nào vãng sinh trở lại báo tin.

Tôi xin trả lời. Ở triều Tấn, có ông Khuyết Công Tắc, nguyện sau khi vãng sinh trở lại báo tin cho bạn bè. Về sau ông mất, một đêm nọ các người bạn ở trong chùa Bạch mã tại Đông kinh đang làm lễ giỗ ông. Lúc đó, bỗng nhiên chánh điện, vườn rừng trở nên sáng lòa màu vàng kim, trong hư không vang ra tiếng nói: “Tôi là Khuyết Công Tắc, trước đây có nguyện cầu vãng sinh về nước Cực lạc, nay đã đạt thành sở nguyện, nên tôi trở lại báo tin cho các vị hay.” Nói xong, các tướng lạ đều ẩn mất. Nhân sự kiện này, Chi Đạo Lâm có làm bài kệ tán thán sau:

Lành thay! Khuyết Công Tắc

Rung động cả đại thiên

Thân sinh nơi Tây vực

Để dấu lại kinh đông

Giữa trời bỗng qua lại

Vang tiếng hiện dung hình

Nay ta kính ca ngợi

Thiệt là chuyện linh thông.

Lại, Ngu Hiếu Kính cũng có làm kệ tán thán:

Lành thay! Khuyết Công Tắc

Trước nếm pháp vị ngọt

Biết tôi muốn mong cầu

Đạo ấy thật là quý

Nên hiện ánh sắc quang

Diệu tướng thật rõ ràng

Không quên nguyện xưa cũ

Về lại vãng Tây phương.

12. MỘNG TỈNH ĐỀU CHỈ LÀ MỘT TÂM BỞI RÕ TAM MUỘI:

Khuyết Công Tắc sau khi vãng sinh hiện tướng ánh sáng kim sắc trở lại báo tin, tôi đã từng nghe chuyện này. Có điều, đức Phật vốn dạy tất cả các pháp đều là huyễn mộng. Như thế không biết Đức Phật ta niệm và cảnh Tịnh độ ta sinh có phải là huyễn mộng hay không? Nếu cảnh đó chẳng phải là huyễn mộng, thì Phật là ở ngoài tâm, còn nếu là huyễn mộng, thì Phật ở trong mộng. Ví như cảnh trong mộng được vàng, nhưng tỉnh mộng rồi thì không được gì cả. Tôi e sợ chí thành khẩn thiết tưởng niệm ba thân, rốt cùng thành ra hư vọng. Xin ngài Từ bi vì tôi mà giảng điều này.

Đáp: Đức Phật được niệm và cảnh Tịnh độ được sinh đều chẳng phải là cảnh huyễn mộng. Tại sao biết được điều này. Nếu người tu niệm Phật Tam-muội, như cảnh trong mộng được vàng, tỉnh rồi không còn, thì đồng với hư vọng, cứu cánh vãng sinh Tịnh độ, rõ ràng như thế, cớ sao cho là vọng? Như người tập luyện pháp thiên nhãn, đầu tiên tưởng tượng ánh sáng của viên ngọc lửa, tưởng mãi không ngừng, thì sau thật sự phát được thiên nhãn, điều này cũng bảo là vọng được sao? Sao đồng với cảnh khác, là cảnh được vàng rốt cuộc không có được? Thế nên, đừng xem vật ở xa bằng con mắt cận thị, rồi cho là huyễn mộng, đừng bao giờ cho rằng pháp niệm Phật vãng sinh toàn là cảnh huyễn mộng.

Lại kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm, Phật và chúng sinh cả ba đều không sai khác. Tâm mê giống như người mộng, thì chính pháp giới chúng sinh cũng là cảnh mộng. Tâm ngộ giống như người tỉnh, thì một pháp giới chư Phật là cảnh thật. Mê và ngộ xưa nay cũng chỉ ở một tâm.

Mộng và tỉnh chưa từng riêng hai chỗ.”

Kinh đã nói: “Rõ vọng vốn là chân, thì thấy được Đức Phật Lôxá-na cũng như mộng” cũng nào sai. Đây là điều do tâm suy xét mà thấy vậy.

13. NIỆM BA THÂN PHẬT ĐỂ PHÁ TRỪ BA CHƯỚNG:

Hỏi: Chư Phật có ba thân. Nhớ niệm ba thân này là thế nào, mong ngài chỉ bày để khỏi có chỗ hiểu sai lạc?

Đáp: Tam thân của Phật là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Pháp thân như thể tánh mặt trăng; Báo thân như ánh sáng mặt trăng và hóa thân như là hình bóng của mặt trăng in trên nước. Trong muôn ngàn mặt nước đều có ánh trăng. Như vậy, trăng này nhiều hay chỉ có một. Không thể nói là một vì mặt trăng hiện trên mặt nước thường sai khác. Cũng không thể nói là nhiều, vì hư không chỉ có một mặt trăng. Như chữ Phạm thư y, thấy điều sai khác và có rất nhiều nghĩa.

Kinh nói: “Hoặc hiện thân cao trượng sáu, ngang tám thước, đều là Phật ở trong nước tâm của chúng sinh.” Như thế, Phật xưa nay vốn không có hình dáng, làm sao lại có hai hình? Do đó, cõi tịnh hay cõi uế đều ở trong tâm mình vậy.

Nếu muốn dùng pháp ba thân để phá trừ ba chướng, thì ngay đây nên xét rõ: Thân Phật đó là do từ tu Chỉ Quán mà sinh. Nếu Chỉ và Quán không quân bình thì ba chướng sẽ phát khởi. Người niệm Phật tu Chỉ tâm trầm, thì chướng hôn ám hiện khởi, làm chướng ngại cho hóa thân Phật. Lúc đó nên dùng pháp Quán để phấn chấn tâm bằng cách niệm tưởng ánh sáng bạch hào của Phật, mà phá trừ hôn ám. Nếu tu Quán tâm phù động, tất không có điều ác nào mà không tạo, làm chướng ngại Báo thân, thì nên trở lại tu Chỉ để ngăn ngừa các điều ác bằng cách niệm tưởng về các nhân lành xưa của Phật. Ngài có hằng sa công đức, trí tuệ viên mãn, do đó mà chứng được Báo thân, phá trừ chướng ác niệm. Còn nếu chướng nhị biên (đoạn và thường) phát động, sinh ra nhiều hiện tượng lạ lùng, vạn tướng lạ lùng, vạn tướng lầm lạc, mềm cứng phá rối làm chướng ngại Pháp thân Phật, thì dùng pháp trung đạo Đệ nhất nghĩa Không để phá trừ nó, như bài kệ sau nói:

Không sắc không hình tướng

Không căn không trụ xứ

Vì không sinh không diệt

Kính lễ Vô sở quán (Phật).

Lý vô sở quán này như luồng gió cực mạnh, thổi tan đám mây mù dày đặc, làm hiện bày rõ ràng mặt trăng báu pháp thân thanh tịnh, phá trừ các chướng phiền não ngăn ngại bức bách. Tùy theo bệnh mà cho thuốc, không ngoài các điều này. Ta đã đồng hóa với người, người cũng đồng hóa với ta, vật và ta như nhau thì Tam-muội tròn đầy mạnh mẽ.

Chúng sinh vô tận thì Tam-muội cũng vô cùng.

Sáu điều tôi trình bày trên đây đều là nói về pháp niệm Phật Adi-đà hiện tại để thông suốt ý nghĩa niệm chư Phật ba đời. Nói rộng ra thời như các tập: An lạc tập; Thiện Thai Thập Nghi luận; Thích quần nghi luận của Pháp sư Hoài Cảm; Vãng sinh truyện; Pháp bảo nghĩa luận của thiền sư Trù … đã giảng giải đầy đủ. Cũng như trong Vô thượng thậm thâm diệu thiền môn truyện tập pháp bảo của thiền sư Phi Tích đã nói rõ ràng.

 

Pages: 1 2 3