Niệm Phật Hiệu Nghiệm

Hòa Thượng Thích Khánh Anh

RÚT MỘT HAI TÍCH VÀ THUẬT
MỘT CHUYỆN THẤY BIẾT
DỊCH VÀ CHÉP
THÍCH KHÁNH ANH


NGƯỜI
SANG NIỆM PHẬT

Người sang là ông Vương Nhựt Hưu, ở xứ Long Thơ, đời Tống, bên Tàu, vì thi đậu cao, làm quan đến chức Quốc học sĩ, nên gọi người sang. Ông chép sách lục kinh huấn truyện nhiều đến mấy mươi vạn tiếng, để dạy các thí sanh, bấy giờ, giữa học giới ai cũng tôn trọng ông là bực thầy cả.

Không bao lâu, ông tự nguyện giác ngộâ, từ chức, về đem cả sách vở, giáo khoa, đều bỏ đi, ông nói: “Đây đều cái nghề học để làm ăn với đời đó thôi, chứ phi cái pháp cứu cánh; ta nay chỉ lo về Tây phương là hơn”. Từ đấy ông tinh tiến niệm Phật tuổi sáu mươi, áo vải, ăn rau, mỗi ngày giữ lạy Phật đủ số 1000 lạy, đến khuya mới nghỉ.”

Ông chép Tịnh Độ Văn 10 cuốn, để khuyên người niệm Phật, trước khi thác ba ngày, ông đi khắp giáp để từ biệt tất cả bà con, kẻ quen biết, có câu rằng: “Sau nầy chẳng còn lại thấy nhau nữa”.

Đến giờ, trước thì ông tụng kinh, lạy Phật, như thường lệ, sau thì ông cất giọng lớn tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, xướng như thế rồi, ông tự nói: Phật đến rước tôi! Bỗng ông vẫn đứng, hai tay cầm xâu chuỗi mà hắt hơi bằng cách như cây cột đứng trơ trơ!

Người ta thấy có hai đồng tử đều bận áo xanh, dẫn ông đi về phía Tây, từ đó nhân dân trong vùng, cảm đức ông khai hóa nên nhà nào cũng thờ ảnh của ông để kỷ niệm.

NGƯỜI HÈN NIỆM PHẬT

Người hèn là Bà Thôi ở Trí Châu, đời Tống, vì ở vú cho người ta, nên gọi là người hèn. Dù là ở đợ nhưng bà vẫn một lòng ăn tương rau.

Bản tính rất tốt, rất thiệt thà, chẳng thể cái lẽ gì hơn với đồng bạn! Nên chuyện nói năng đều chịu phần thua thiệt mà thôi!

Chủ mẫu là bà Triều phu nhân chăm lo thiền học, nghĩa là tập học pháp tham thiền; bà Thôi thường hầu ở bên, có biết niệm Nam mô A-di-đà Phật, lòng thành chẳng ngớt, vì tưởng niệm mãi nhưng không thể lần chuỗi được, vì tay mắc bận việc bổn phận nên chỉ niệm lầm thầm hoài như thế, chả biết đã mấy nghìn muôn biến!

Năm lên 72 tuổi, đau bịnh bại phong, không xuống khỏi giường huống là đi đứng được! Nhưng lại càng niệm Phật chuyên cần hơn trước.

Tự nhiên cứ ngâm bài kệ rằng:

Tây phương nhứt lộ hảo tu hành
Thượng vô điều lãnh hạ vô khanh,
Khứ thời bất dụng chước hài miệt,
Cước đạp liên hoa bộ bộ sanh”.

Niệm Phật như đường rất phẳng bằng;
Không đèo hiểm trở chẳng hầm ngăm;
Khi đi chả nhọc mang giầy vớ;
Mỗi bước đạp trên mỗi đóa sen!

Ngoài câu niệm Phật, miệng bà không ngớt ngâm bài kệ trên; người ta hỏi bài thơ đó của ai? Thì bà đáp rằng: của tôi làm. Người ta hỏi: chừng nào bà đi trên con đường ấy. Bà đáp: giờ thân bữa nay khởi hành.

Quả nhiên, bỗng hết bịnh tê bại, bà đi đứng lại như trước, đúng giờ thân, ngồi, tắt thở! Chủ mẫu rất thương kính! Rước thầy, đúng theo tăng pháp: thiêu mà chỉ còn cuống lưỡi không cháy, vẫn tươi như cánh sen đỏ!

NGƯỜI CÙI NIỆM QUAN ÂM

Thuở nhà Đàng, có chú Cai, người ở tỉnh Trường Sa, theo đi chinh man, tánh ưa đi bắt cá, bắn chim; bữa nọ bắt được một con bạch qui (rùa trắng) đem về làm thịt ăn, nhân đó, cả thân thể nổi ghẻ lở lói, lông nheo, chưn mày, tóc râu, ngón tay ngón chưn đều rụng rớt, trụi lủi, rên siết! Nhưng chưa chịu chết! Hằng ngày vẫn la lết xin ăn ở chợ bên nước An Nam.

Bữa nọ, có một nhà Tăng (thầy tu Phật) thấy thương! Bảo rằng: Chú nên hồi đầu, ăn năn, sám hối, phát tâm niệm đức Quan Thế Âm Bồ-tát, nếu chú chăm tinh tấn được, sẽ được quả báo tốt.

Người ta thấy chú Cai lạy Sư và thụ giáo, rồi niệm Nam mô Quan Thế Âm Bồ-tát… bất kỳ đi, ngồi chỗ nào ai cũng thấy niệm hoài, không nín, không ngại gì ai cả! Ít lâu người ta thấy chú: lành hết ghẻ chốc, lông tóc mọc ra, thân thể tốt lại như xưa!

Chú bèn tìm nhà Tăng trước, xin thọ qui, giới, kế xuất gia, pháp hiệu là Thích Trí Ích.

Đến chỗ nền nhà cũ của ông Mã Phục Ba tướng quân, Thích Trí Ích, trước thì lập cái thảo lư tại đó, ở tu, sau dần dần kiến thiết nên một ngôi tịnh xá, nguy nga, chúng Tăng ở tu học rất đông, mà thiện tín tới lui cũng không ít.

Lúc trở về nhà, Thích Trí Ích lại chuyên tâm niệm Phật đến khi sắp qua đời, ông biết trước ba ngày, từ giã chúng Tăng, bổn đạo, rồi ông cứ ngồi niệm Phật mãi đến giờ tắt thở!

NGƯỜI LÁC NIỆM PHẬT

Nhà sư hiệu là Khánh Tựu, người làng Chú Tượng, ở chùa của làng Phú Nhiêu, tỉnh Quảng Ngãi; trung niên xuất gia, mặc dầu tôi kêu bằng ông dượng bên ngoại, vì theo pháp thế gian, chứ cũng là vai huynh trong nhà đạo, vì cũng cầu pháp đồng một thầy.

Từ 40 tuổi, phát sanh bịnh lác, da thứa lười xước, cào cấu, lả lúa! Thuộc trị đủ phương, rốt cũng tiền mất tật còn! Người ta cho là một trong bốn chứng nan y! Thôi! Vô phương khả đảo! Hữu Phật thị cầu; hằng ngày lạy sám hối và niệm Phật luôn, chỉ lúc ngủ là không niệm.

Đến ngoài 60 tuổi, bỗng nhiên lành bịnh, da thứa bóng loáng, trắng hồng, trông tốt hơn hồi trẻ! Bấy giờ dù đã già, đã xuất gia, ở chùa làng nhưng cũng vẫn còn vợ, con theo làm đồ đệ, chung ở, hộ vệ việc chùa.

Một hôm, đương mạnh, la mệt. Kế nói: không xong! Ta sắp về Tịnh độ. Vậy con Đạt (con gái của ông) mầy xuống Bồ-đề (làng) mời ông Huệ Pháp lên đây, hộ niệm giùm cho thầy: Dì Đạt xuống tới vam, gặp Huệ Pháp, tỏ lời mời… thầy Huệ Pháp hẹn: Em về thưa dượng, để sáng mai anh qua, giờ vì việc trai đàn trên suối buồng, mà anh là phần công văn, để anh cậy người thay thế đã…

Dì Đạt về thưa lại, ông Khánh Tựu than: “Sáng mai ông mới qua thì thầy đâu còn đây! Vì tối nay đã theo Phật rồi. Thôi Thầy tự độ lấy Thầy, đem chuông mõ đây, đánh chuông trống lên, thắp hương đèn trên chùa đi”

Ban đầu ông còn ngồi đánh chuông mõ, niệm ra tiếng, riết rồi nằm, chắp tay niệm thầm, chỉ nhóp nhép, chặp lâu vùng niệm lớn một câu A-di-đà Phật, tắt hơi!

NGƯỜI CÚM NIỆM PHẬT

Người cúm là người đau cái bịnh cúm, nghĩa là: hai tay hai chân đều cúm co, chèo queo lại mà run lẩy bẩy, còn cái miệng thì nó kéo xẹo qua bên đây, rồi chặp lâu, nó lại kéo xẹo qua bên kia, cứ mãi như vậy mà rên la thiếu điều dội ngược lên, ai thấy cũng bắt rùng mình nhảy nhổm người.

Người mắc chứng bịnh ấy, là anh Huỳnh An, anh con nhà bác của hai huynh Khánh Nghị, Khánh Thuyên ở làng Năng An, tổng Lại Đức, phủ Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên Huỳnh An là người: hễ lúc mưa thì vác cây dọc đi nom nom bờ tre, hoặc lùm cây để rình đâm cu, chim đương núp mưa trên bụi, với lúc xâm xẩm tối, cũng đi dọc như thế. Hễ bắt được con nào chết thì thôi, nếu còn sống thì anh ta bắt treo cánh, tréo giò, buộc xỏ xâu nó lại. Hoặc lúc trời chạng vạng, đi rình bắt chim mía, bắt con nào thì bẻ cánh, bẻ cẳng bỏ vô giỏ hay cái đụt…

Đến cơn phát sanh chứng bịnh cúm, ban đầu ai cũng tưởng anh ta mắc tà, bị ma gì, rước thầy bùa, chạy thầy pháp chữa chuyên, thư ém đủ vành mà rốt cũng vô hiệu! Đến chừng hết phương rồi, hai anh Khánh Nghị, Khánh Thuyên thấy khổ lòng thương, buộc miệng niệm Phật. Lạ thay! Sao lại bớt run? Thấy thế niệm nữa, ủa! Sao lại bớt la! Cả nhà thấy vậy xúm lại niệm Phật. Bấy giờ anh hết rên la, mà miệng hết méo, cũng niệm Phật được. Nhân thấy có hiệu nghiệm, chính anh An tự niệm riết tới, dần dần tay chơn giãn ra, hết cúm! Mạnh lại như thường!

Từ đấy, Huỳnh An phát tâm xuất gia và mãi mạng phóng sanh để chuộc tội.

NGƯỜI ÁC NIỆM PHẬT

Sách Qui Nguyên Trực Chỉ chép rằng: bên Tàu, đời Đường, có ông làm hàng thịt, tên là Trương Thiện Hòa, chuyên nghề xẻ trâu hay bò đem bán để sanh nhai. Lúc sắp chết, tự thấy bầy trâu bò đến, thốt tiếng người để đòi thường nhân mạng!

Bấy giờ Thiện Hòa rất sợ hãi! Hối vợ con đến chùa rước thầy về để tụng kinh sám hối; Sư đến, khuyên rằng: trong kinh Thập Lục Quán nói: “Lúc lâm chung, nếu có ác tượng hiện ra trước mặt thì chí tâm niệm Phật cũng được vãng sanh”.

Thiện Hữu nói: Cái ác tướng của địa ngục nó đến gấp quá rồi!

Đó rồi, không kịp lấy lấy cái lư hương, thiết bàn ghế gì ông liền tay tả cầm lửa, tay hữu đốt hương, ngồi day mặt về hướng Tây, chăm niệm Nam mô A-di-đà Phật…

Niệm như thế, chưa đủ mười lần, ông đã tự nói: bầy trâu bò đã đâu mất hết rồi, úy! Phật đến kìa! Mô Phật, lạy Phật độ con… Cảm đội ơn Sư; nầy, vợ con nên niệm Phật, thôi tôi xin từ giã!

Thế là ông tắt hơi.

Ôi! Câu niệm Phật hay vô cùng! Vì đã siêu đặng oan hồn của bầy trâu, lại độ được người làm ác; thế phải chăng: mê nhứt kiếp, ngộ nhứt thời? Vậy biết rằng: thiện ác, mê ngộ… cũng chỉ nhứt tâm, hễ tâm mê thì có tội, nên ác tướng hiện tiền; tâm ngộ thì có phúc nên Phật tướng đến tiếp. Tỷ như: còn ngủ mê, nên thấy chiêm bao; lúc tỉnh ngộ rồi, chỉ có “lòng sáng biết” mà thôi, lòng sáng biết ấy là Phật, kêu bằng “tâm tức Phật” và gọi “nhứt thế do tâm tạo” rất đúng!