niệm phật

Phật Quang Đại Từ Điển

(念佛) Phạm: Buddhànusmfti. Pàli:Buddhànussati. Trong tâm nhớ nghĩ về Pháp thân của Phật(lí niệm Phật), quán tưởng thân tướng cụ thể của Phật, hoặc quán tưởng công đức của Phật, cho đến miệng xưng niệm danh hiệu của Phật… đều gọi là niệm Phật, là 1 trong những phương pháp tu hành cơ bản của Phật giáo. Trong đó, niệm Phật theo lí pháp, gọi là Pháp thân niệm Phật; trong tâm nhờ nghĩ về công đức và thân tướng của Phật, gọi là Quán tưởng niệm Phật; còn miệng xưng niệm danh hiệu Phật thì gọi là Xưng danh niệm Phật. Tiểu thừa chỉ niệm Phật Thích ca mâu ni, Đại thừa thì chủ trương trong 10 phương 3 đời có vô số Phật, cho nên danh hiệu Phật được niệm cũng rất nhiều. Nhưng thông thường thì niệm Phật A súc, Phật Dược sư,Phật Di lặc, Đại nhật Như lai, Phật A di đà v.v…Trong đó, đối tượng chính là Phật A di đà, cho nên niệm Phật A di đà được xem như niệm tất cả chư Phật. Trong các kinh A hàm, niệm Phật tức là bày tỏ lòng qui kính, lễ bái, tán thán, nhớ nghĩ đối với đức Phật Thích ca mâu ni. Nhờ công đức niệm Phật mà diệt trừ tham sân si, được sinh lên cõi trời, được chứng nhập Niết bàn. Trong các kinh Đại thừa như: Bát chu tam muội, Đại A di đà quyển hạ, phẩm Hiền thủ trong kinh Hoa nghiêm quyển 7 (bản dịch cũ)… đều có lập pháp môn Niệm Phật Tam Muội, tức buộc tâm vào danh hiệu của 1 đức Phật, quán tưởng 32 tướng hảo của Phật, cứ như thế niệm niệm nối nhau không dứt, thì có thể ở trong định thấy được Phật, cũng được sinh về cõi Phật. Tại Trung quốc, đối với việc niệm Phật, các sư nêu ra nhiều thuyết: 1. Trong luận Thích tịnh độ quần nghi quyển 7, ngài Hoài cảm nêu ra 2 loại Niệm Phật tam muội là Hữu tướng niệm Phật tam muội và Vô tướng niệm Phật Tam muội, cho rằng: Nếu muốn được Vô tướng niệm Phật tam muội thì phải niệm Pháp thân Phật, còn muốn được Hữu tướng niệm Phật tam muội thì niệm Báo thân Phật và Hóa thân Phật. 2. Trong Ngũ phương tiện niệm Phật môn, ngài Trí khải nêu ra 5 loại niệm Phật pháp môn: a) Xưng danh vãng sinh niệm Phật tam muội môn: Lúc hành giả niệm Phật thì phải khởi tâm muốn sinh về Tịnh độ. b) Quán tướng diệt tội niệm Phật tam muội môn: Nhất tâm quán tưởng tướng hảo của Phật phóng ra ánh sáng, ánh sáng ấy chiếu soi tất cả tội chướng, khiến đều tiêu diệt. c) Chư cảnh duy tâm niệm Phật tam muội môn: Đức Phật mà hành giả quán tưởng là từ nơi tự tâm hành giả mà ra, chứ không có cảnh giới nào khác. d) Tâm cảnh câu li niệm Phật tam muội môn: Chính cái tâm quán tưởng của hành giả cũng là không, chẳng có tự tướng. e) Tính khởi viên thông niệm Phật tam muội môn: Hành giả tiến vào thiền định sâu xa, lặng bặt, buông bỏ tất cả tâm thức, ý thức, được chư Phật 10 phương gia bị, hộ niệm, nhờ đó, cửa trí tuệ mở ra, tự tại vô ngại, thành tựu công đức viên mãn. 3. Trong Hoa nghiêm kinh sớ quyển 56, ngài Trừng quán cũng nêu ra 5 loại niệm Phật pháp môn: a) Duyên cảnh niệm Phật môn: Duyên theo cảnh mà niệm Phật. b) Nhiếp cảnh duy tâm niệm Phật môn: Thu nhiếp cảnh vào tâm… c) Tâm cảnh câu mẫn niệm Phật môn: Tâm và cảnh đều bặt… d) Tâm cảnh vô ngại niệm Phật môn: Tâm và cảnh không ngăn ngại nhau. e) Trùng trùng vô tận niệm Phật môn: Lớp này lớp khác, lớp lớp vô tận. 4. Trong Hoa nghiêm kinh hành nguyện phẩm biệt hành sớ sao quyển 4, ngài Tông mật nêu ra 4 loại niệm Phật: a) Xưng danh niệm: Chuyên tâm xưng niệm danh hiệu của Phật. b) Quán tượng niệm: Quán niệm tượng Phật. c) Quán tưởng niệm: Quán tưởng thân tướng tốt đẹp của Phật. d) Thực tướng niệm: Quán xét tướng chân thực của mình và tất cả các pháp. 5. Trong luận Niệm Phật tam muội bảo vương, ngài Phi tích nêu ra 3 pháp niệm Phật: a) Niệm hiện tại Phật: Chuyên chú vào 1 cảnh mà viên thông 3 đời. b) Niệm quá khứ Phật: Biết Phật và chúng sinh mê ngộ khác nhau, nhưng nhân quả của Phật và chúng sinh thì giống nhau. c) Niệm vị lai Phật: Nghĩ tất cả chúng sinh đều bình đẳng, đều là Phật vị lai. Ngoài ra, Đại Phật đính thủ lăng nghiêm kinh Viên thông sớ quyển 5 của ngài Truyền đăng và Ngẫu ích tông luận quyển 7 của ngài Trí húc, nêu ra 3 loại Niệm Phật: a) Niệm tha Phật: Niệm cảnh công đức trang nghiêm của Phật A di đà, hoặc niệm tướng hảo của Ngài, hoặc niệm pháp môn, thực tướng của Ngài. Đây là pháp môn tu hành của ngài Tuệ viễn và các sư ở Lô sơn. b) Niệm tự Phật: Quán xét cái tâm 1 niệm hiện tiền không có thể tính, lìa các lỗi lầm, đầy đủ trăm giới và mọi tính tướng, cùng với chư Phật 3 đời bình đẳng không 2, nếu quán xét rõ ràng đến được nhất tâm bất loạn, thì Tam muội liền thành, hoát nhiên phá trừ vô minh, vào cảnh minh tâm kiến tính. Đây là pháp môn tu hành của các sư thuộc Thiền tông và tông Thiên thai. c) Tự tha câu niệm: Tâm quán xét cùng với Phật và chúng sinh cả 3 không sai khác; biết rõ chúng sinh là chúng sinh trong tâm của chư Phật, mà chư Phật tức là chư Phật trong tâm của chúng sinh, cả 2 cảm ứng đạo giao, tự tha không cách nhau. Đây là pháp môn tu trì của các ngài Vĩnh minh, Diên thọ và Sở thạch Phạm kì. Vãng sinh yếu tập quyển hạ, phần cuối của ngài Nguyên tín, người Nhật, thì chia pháp môn niệm Phật làm 3 loại: a) Tầm thường niệm Phật: Niệm Phật hằng ngày. b) Biệt thời niệm Phật: Niệm Phật có thời gian và nơi chốn nhất định. c) Lâm chung niệm Phật: Niệm Phật lúc hấp hối mong được Phật đến đón. Ngoài ra, nhiều người kết đoàn với nhau cùng tu pháp môn niệm Phật, gọi là Niệm Phật hội, Niệm Phật giảng, Kết xã niệm Phật. Ngôi nhà dùng làm nơi tu hành niệm Phật, gọi là Niệm Phật đường. Niệm Phật liên tục gọi là Bất đoạn niệm Phật, Thường niệm Phật; tĩnh tâm niệm Phật gọi là Định tâm niệm Phật; thời khóa niệm Phật hằng ngày gọi là Nhật khóa niệm Phật… Còn có các pháp môn niệm Phật như: Nhiếp tâm niệm Phật, Sổ tức niệm Phật, Tham cứu niệm Phật, Khán thoại niệm Phật, Thích ca niệm Phật, Quan âm niệm Phật, Dược sư niệm Phật, Di lặc niệm Phật v.v… Tóm lại, ý nghĩa đích thực của việc niệm Phật là từ nơi miệng niệm Phật tiến vào niệm Phật trong tâm, niệm niệm không quên, cũng tức niệm này là Phật, thì niệm niệm thành Phật. [X. kinh Tạp a hàm Q.33; kinh Trì trai trong Trung a hàm Q.55; kinh Xà ni sa trong Trường a hàm Q.5; kinh Na tiên tỉ khưu; phẩm Niệm Phật trong kinh Phật tạng Q.thượng; luận Đại trí độ Q.21; luận Nhiếp đại thừa Q.hạ; phẩm Dị hành trong luận Thập trụ tì bà sa Q.5; phẩm Niệm Phật Q.9; luận Phân biệt công đức Q.2; Quán niệm pháp môn; Tư duy lược yếu pháp]. (xt. Ngũ Hội Niệm Phật, Thiên Thai Tông, Tịnh Độ Tông, Thiền Tông).