ni bạc nhĩ

Phật Quang Đại Từ Điển

(尼泊爾) Cũng gọi: Ni ba la quốc, Nê bà la quốc, Niết ni lạt quốc, Ni bát lạt quốc. Tên cũ của nước Nepal hiện nay. Nước này nằm ở Trung nam á, phía nam Tây tạng, núi Hi mã lạp nhã (Malaya) chiếm hết 90% đất đai, thủ đô là Katmandu. Dân cư khoảng hơn 4 triệu người và hầu hết sống bằng nghề nông, tương đối còn nghèo đói, lạc hậu. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 7, nước Ni bạc nhĩ chu vi hơn 4 nghìn dặm, dân cư tin cả tà lẫn chính, tu học cả Đại thừa và Tiểu thừa. Quốc vương thuộc dòng dõi Sát đế lợi và rất kính tin Phật pháp. Đây là ghi chép về tình hình nước Nepal vào thế kỉ VII. Trong khi Phật giáo suy tàn ở Ấn độ thì tại Ni bạc nhĩ Phật giáo vẫn hưng thịnh. Phật giáo được truyền đến đây vào thời vua A dục, hiện nay ở gần Katmandu vẫn còn 1 ngôi chùa Phật được xây dựng vào thời đó. Khi ngài Huyền trang đến Ấn độ, chúng tăng nước này có khoảng hơn 2 nghìn vị. Từ đó về sau, Phật giáo dần dần hòa nhập với tín ngưỡng Thấp bà giáo mà hình thành Phật giáo Đát đặc la. Từ thế kỉ XVIII trở về trước, nước Ni bạc nhĩ lần lượt bị Ấn độ, Tây tạng và các dân tộc du mục ở vùng Trung á khống chế, cho mãi đến năm 1768, Quốc vương Prithwi Narayan Shah thuộc tộc Gurkhas ở miền Tây nổi dậy, thống nhất đất nước, dời đô về Katmandu, đó là vị Thủy tổ của vương triều Ni bạc nhĩ. Phật giáo thời đó rất hưng thịnh, sau suy dần, cho đến nay ở Katmandu, Rhatgon, Patan… vẫn còn có hơn 2 nghìn 7 trăm ngôi chùa viện. Trong nước Ni bạc nhĩ có vườn Lam tì ni, nơi đức Phật giáng sinh và các di tích cổ của thành Ca tì la vệ. Hiện nay, nước Ni bạc nhĩ có các tín ngưỡng tông giáo như: Ấn độ giáo(quốc giáo), Lạt ma giáo, Phật giáo, Hồi giáo… Trong đó, tín đồ Phật giáo chiếm 10% dân số toàn quốc, tập trung ở Katmandu và vùng biên giới phía bắc. Ni bạc nhĩ có nhiều kinh điển Phật giáo bằng tiếng Phạm. Từ đầu thế kỉ XIX, các nhà học giả như: B. H. Hodgson, D. Wright, Bendall người Anh, S. Lévi người Pháp và Hà khẩu Tuệ hải, Thần lượng Tam lang, Cao nam Thuận thứ lang… người Nhật đã nối tiếp nhau đến Ni bạc nhĩ để sưu tầm và đã phát hiện 1 lượng lớn kinh sách Phật giáo bằng tiếng Phạm. Những kinh sách này đã giúp ích rất nhiều cho công trình nghiên cứu Phật giáo cận đại. Theo sự khảo chứng của các học giả thì Ni bạc nhĩ là nơi bắt nguồn của Phật giáo Tây tạng. Các kinh thuộc Mật bộ trong tạng kinh Tây tạng phần lớn đã được dịch ra ở Ni bạc nhĩ. [X. Pháp uyển châu lâm Q.16; Cựu đường thư Tây nhung liệt truyện thứ 148; History ofNepàlby D. Wright; Le Népal par Lévi; On Yuan Chwang vol. II by T. Watters]. (xt. Ni Bạc Nhĩ Phật Giáo).