ni bạc nhĩ phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(尼泊爾佛教) Phật giáo ở nước Ni bạc nhĩ. Mối quan hệ giữa Phật giáo và nước Ni bạc nhĩ phải kể từ thời đức Phật, bởi vì thành Ca tì la vệ, nơi thủa xưa đức Phật sinh ra, chính là phần đất thuộc miền Tây của Ni bạc nhĩ gần biên giới Ấn độ. Tương truyền, vào thế kỉ thứ III trước Tây lịch, lúc đi chiêm bái các nơi Phật tích, vua A dục đã từng xây 5 ngôi tháp ở nước này và nay là những di tích xưa nhất hiện còn tại Ni bạc nhĩ. Cứ theo Đại đường tây vực kí của ngài Huyền trang thì khi ngài đến đây vào thế kỉ thứ VII, Phật giáo và Ấn độ giáo ở Ni bạc nhĩ vẫn thịnh hành như ở thời đức Phật vậy. Còn theo Đại đường cầu pháp cao tăng truyện quyển thượng của ngài Nghĩa tịnh, thì Ni bạc nhĩ có ngôi chùa Thiên vương rất lớn, chư tăng trong chùa này rất giỏi về Phạm ngữ và Phạm thư. Người con nuôi của bà công chúa Văn thành xuất gia cũng trụ ở chùa này. Từ thế kỉ VII đến thế kỉ IX, Ni bạc nhĩ bị lệ thuộc Tây tạng, về sau được độc lập. Vào đầu thế kỉ XIII, Phật giáo Ấn độ bị quân Hồi giáo bách hại, rất nhiều tăng sĩ lánh nạn đến Ni bạc nhĩ, đồng thời mang theo nhiều kinh điển, gây nên 1 thời kì toàn thịnh của Phật giáo ở Ni bạc nhĩ. Rất tiếc là những kinh điển ấy không được bảo quản chu đáo, nên đã bị mối mọt hủy hoại. Mãi đến thế kỉ XIX, học giả người Anh là ông B. H. Hodgson mớiphát hiện kinh điển Phật bằng tiếng Phạm. Sau khi ông Hodgson công bố tin này (năm 1826), giới học thuật rất kinh ngạc. Đương thời, các học giả sưu tập được 381 bộ kinh Phật chép tay bằng tiếng Phạm và phân phối đến các Đại học: Calcutta, Oxford, London, Paris… để được nghiên cứu. Ông E. Burnouf người Pháp nhân đó mà trứ tác cuốn Introduction à l’histoire du Bouddhisme indien (Ấn độ Phật giáo sử tự thuyết) và dịch bộ kinh Pháp hoa ra tiếng Pháp dưới tựa đề: Le Lotus de la Bonne Loi, từ nguyên bản Phạm ngữ. Từ năm 1873 đến năm 1876, Đại học Cambridge của nước Anh cũng sưu tầm được 325 bộ kinh Phật tiếng Phạm. Rồi đến các học giả người Nhật bản là các ông: Hà khẩu Tuệ hải, Cao nam Thuận thứ lang, Thần lượng Tam lang… cũng có được 1 số lớn kinh tiếng Phạm chép tay và cất giữ tại các Đại học Tokyo, Kyoto… Từ thế kỉ VIII đến nay, Phật giáo Ni bạc nhĩ đã trải qua nhiều thăng trầm biến đổi, trong 1 thời gian dài đã rơi vào tình trạng suy đồi. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, có chính phủ giúp đỡ nên Phật giáo mới dần dần được khôi phục. Năm 1956, Đại hội Phật giáo thế giới được tổ chức tại đây.Trong số các kiến trúc hiện còn tại Ni bạc nhĩ thì có chùaSvayambhù-nàtha ở Katmandu là nổi tiếng nhất, chùa tháp Buddha-nàtha là nơi mà người Tây tạng sống ở Ni bạc nhĩ rất tôn kính, tháp Changu Narayan khá đẹp, được xây dựng vào năm 1703. Những chùa tháp cổ này vì đã qua nhiều lần sửa chữa, nên không còn giữ được phong cách kiến trúc của thế kỉ XV trở về trước nữa. Ngoài ra, người Ni bạc nhĩ tôn thờ lốt chân của đức Phật và bồ tát Văn thù, sùng bái chày Kim cương (Phạm: Vajra), Linh (Phạm: Liíga). Chày Kim cương tượng trưng đức Phật, Linh tượng trưng Bát nhã (trí tuệ). Chày Kim cương và Linh cũng còn tượng trưng cho Mạn đồ la Kim cương giới và Thai tạng giới Mật giáo. [X. Đại đường tây vực kí Q.6, 7; Ni bạc nhĩ quốc chi Phật giáo (Lai duy, Hiện đại Phật giáo học thuật tùng san 83); History of Nepal by D. Wright, Cambridge 1877; Encyclopaedia Britanica vol. 16 Nepal; Unknown Nepal by R. N. W. Bishop, London 1952].