Những Xử Sĩ Vãng Sanh

Đại Sư Châu Hoằng biên soạn

IV. Những Xử Sĩ Vãng Sanh

Có người hỏi:

– Vì sao không nghe nói Tịnh Danh và Bàng Uẩn cầu vãng sinh Tịnh độ?

Đáp:

– Ông hãy tự đánh giá, nếu thấy mình không bằng hai người đó thì cầu vãng sinh là chuyện tất nhiên, không cần phải bàn luận. Giả sử Đức Kim Túc Như Lai tái sinh cũng đâu ngại gì không gặp được Phật A-di-đà! Nếu không được như vậy thì Tịnh Danh đâu thể hầu cận Đức Phật Thích-ca, và Bàng Uẩn cũng không cần tham kiến Mã Tổ. Vả lại, chẳng phải Tịnh Danh đã nói “Tâm tịnh thì cõi nước tịnh” sao? Chẳng phải Bàng Uẩn nói “Không làm bạn với vạn pháp” sao? Một mai ông đặt chân lên tịnh địa, ông sẽ tự nghĩ không ngờ “Tự mình vốn thanh tịnh”. Rồi ông sẽ tự nghĩ “Không ngờ mình không làm bạn với vạn pháp, không ngờ Tịnh Danh và Bàng Uẩn thường ở Tịnh độ”. Đâu còn gì để nghi ngờ!

Đại Sư Châu Hoằng

Cao Hạo Tượng

Cao Hạo Tượng sống vào đời Lương, quê ở Đông Bình, ông đóng cửa tĩnh tọa chuyên tụng kinh Vô Lượng Thọ. Một hôm, trong khi thiền định, ông thấy thân mình ngồi trên hoa sen hồng ở trong hồ. Ban đầu chưa thấy Đức Phật, nhưng sau đó không lâu, ông thấy mình đứng trên hoa sen thành tâm lễ Phật,rồi quán tưởng Phật có ánh sáng màu vàng từ xa chiếu lại.

Vào một đêm nọ, ông thấy chúng bồ-tát đến rước và ngay lúc đó ông qua đời.

Ghi chú:

Ngày xưa có hai vị tăng quán tưởng hoa sen nở và búp, về sau cả hai đều được vãng sinh Tịnh độ. Hạo Tượng thấy mình ngồi trên hoa sen hồng, đó cũng là vì thành tâm quán tưởng nên mới được như vậy!

Chu Tục Chi

Chu Tục Chi sống vào đời Tống, người ở Nhạn Môn, mới mười hai tuổi đã thuộc năm kinh, rành ngũ vĩ nên có hiệu là Thập Kinh Đồng Tử. Công danh, quyền cao chức trọng ông đều chẳng màng đến, chỉ thích ở nơi thanh vắng. Ông thờ ngài Tuệ Viễn ở Lô Sơn làm thầy và tham gia vào đạo tràng Bạch Liên xã.

Khi Văn Đế lên ngôi có mời ông đến đàm đạo, thảo luận. Vua rất vui khi bàn luận với ông. Có người hỏi:

– Ông là xử sĩ, sao còn lui tới trong cung?

Ông nói:

– Người có chí theo đuổi chốn quan trường thì dù trời đất, sông nước thênh thang đối với họ cũng như gông cùm, xiềng xích.Trái lại, kẻ chẳng màng quyền lợi, công danh thì dù ở giữa triều đình hay phố chợđối với họ cũng như đang ở chốn núi non hoang vắng, u nhàn.

Vì thế, người thuở ấy gọi ông là Thông Ẩn tiên sinh. Về sau, ông đến cư trú tại Chung sơn, chuyên tâm niệm Phật. Càng về già ông càng siêng năng niệm Phật hơn. Bỗng một hôm, ông ngước mặt lên trời nói rằng: “Phật đến rước tôi!”. Nói rồi, ông chắp tay và qua đời.

Ghi chú:

Chu Tục Chi đã xem chốn triều đình, phố chợ giống như núi non, thì cũng có thể xem Ta-bà giống như Tịnh độ. Thế nhưng, ông vẫn siêng năng niệm Phật cầu sinh Tịnh độ.Ông đích thực là người biết cân nhắc lợi hại.

Người xưa có câu: “Núi non, đồng bằng đều là Tây phương, ai chưa đến nhà, xin chớ hí luận”.

Cư sĩ họ Cố

Vào đời Đại Minh có người tên Cố Nguyên, quê ở Kim Lăng, tự lấy hiệu là Bảo Tràng cư sĩ. Lúc trẻ ông đã có tài thi phú, giỏi thảo thư. Đến tuổi trung niên ông một lòng chuyên tu tịnh nghiệp. Sau đó, ông bị bệnh nhẹ, liền cho mời tất cả bạn đạo tăng tục tổ chức hội “Thập niệm A-di-đà Phật” xướng niệm liên tục.

Một hôm, ông nói với mọi người:

– Tôi nhất định sẽ vãng sinh.

Mọi người hỏi:

– Vì sao ông biết chắc như vậy?

Ông nói:

– Tôi thấy Phật A-di-đà hiện thân đầy trong hư không, thấy thế giới kim sắc của Ngài và thấy Đức Phật lấy y ca-sa trùm lên người tôi. Tôi cũng thấy mình ngồi trong hoa sen.

Lúc ấy, mọi người đều nghe có hương thơm của hoa sen. Các con ông đau buồn khóc than không dứt. Cư sĩ nói: “Các người nói tôi đi đâu? Nơi nào cũng chính là nơi này. Nếu ở đây đã sáng tỏ thì bất cứ nơi nào cũng rõ ràng”.

Ông lại nói với mọi người: “Các vị đừng nói nhiều mà nhiễu loạn tâm tôi, chư Phật đã đến ở trên hư không đợi rước tôi, qua canh ba tôi sẽ đi”. Đến canh ba, ông vui vẻ mỉm cười mà qua đời. Tiên sinh Thiếu Tông Bá và Ân Thu Minh đều có ghi lại chuyện vãng sinh của ông.

Ghi chú:

Thân đã ngồi trong hoa sen thì chắc chắn sẽ vãng sinh. Nơi đâu cũng chính nơi này, đi thì thật không đi. Nếu cư sĩ Bảo Tràng vãng sinh đương nhiên không sinh vào trung phẩm và hạ phẩm.

Cư sĩ họ Đỗ

Vào đời Đại Minh có cư sĩ họ Đỗ, quê ở huyện Uyển Bình, phủ Thuận Thiên. Ông ở ẩn trong một trai đường đổ nát của chùa Thụy Quang thuộc Tây Sơn, chẳng màng đến chuyện gia đình, chuyên tâm niệm Phật suốt ba mươi năm.

Một hôm, có người cùng làng với ông tên Đồng Quảng Sách đến chỗ ông. Cư sĩ hỏi:

– Ông từ đâu đến đây?

Quảng Sách đáp:

– Từ Hàng Châu đến đây.

Cư sĩ hỏi tiếp:

– Ông là người Hàng Châu. Vậy ông có biết ngài Châu Hoằng ở chùa Vân Thê không?

Quảng Sách đáp:

– Ngài Vân Thê là thầy của tôi.

Đối đáp đến đó, cư sĩ chắp tay niệm Phật, không nói thêm lời nào. Trước khi sắp qua đời ông lễ sám suốt chín ngày liền. Khi lễ đến đoạn sám văn khẩn thiết, tự nhiên ông rơi lệ, nghẹn ngào. Từ đó, ông không ăn, chỉ uống ít nước. Đến khi lễ sám xong, ông ngồi ngay thẳng mà qua đời. Mười ngày trôi qua mà dung mạo của ông vẫn tươi tắn như lúc còn sống. Nhiều người trông thấy có mây năm màu bao quanh trên nhà ông.

Cư sĩ họ Ngô

Vào đời Đại Minh, có vị cư sĩ họ Ngô, quê ở Nhân Hòa, húy là Đại Ân, biệt hiệu là Ngưỡng Trúc. Ông là người hiếu thảo, thành thật, thích tu nhân tích đức, hay phóng sinh, cứu giúp, che chở những người gặp cảnh nghèo khó. Nhờ vậy mà cảm được quả báo ở trong tối thì gặp ánh sáng, thuyền ngược gió gặp nguy hiểm mà được bình an. Và từ đó, ông một lòng hướng về giáo pháp, ngày đêm siêng năng tụng kinh, niệm danh hiệu Phật A-di-đà không biết mệt mỏi.

Ngày mùng 3 tháng 5, niên hiệu Vạn Lịch thứ 40 (1612), ông từ biệt mọi người, ngồi kết già mà qua đời. Ngày ấy, trong nhà có hương thơm lạ, thần sắc của ông tươi sáng. Điềm lành vãng sinh của ông về sau được Ấn Trì Nghiêm Quân ghi lại đầy đủ trong truyện.

Cư sĩ Hoa

Cư sĩ Hoa sống vào đời Minh, người Giang Can, tính tình nhân hậu, chất phác, thật thà và ngay thẳng. Khi còn ở tuổi trung niên, được giao làm chức Chư tử, về già ông ở một mình không màng thế sự, sáng tối chỉ chuyên tâm niệm Phật. Đến lúc sắp lâm chung, ông biết trước giờ chết, liền tắm rửa, thay đổi y phục, đến chỗ làm việc, chỉnh lại áo mão, ngồi ngay thẳng, từ biệt mọi người rồi qua đời. Trước đó, con ông đã chuẩn bị sẵn một cỗ quan tài, nhưng đến khi ông chết thì đổi lại cái khám, giống như cái khám thường dùng để tẩm liệm các sa-môn. Ngày đưa tiễn ông đi an táng, người đến xem đông nghịt, kẻ xa người gần đều ngưỡng mộ ông.

Thập Như cư sĩ

Vào đời Đại Minh có cư sĩ họ Ngô, quê ở Tân An, húy là Kế Huân, tự là Dụng Khanh, biệt hiệu là Thập Như cư sĩ. Bản tính ông ít nói, cứng rắn như thân cây, thẳng thắn như tên bắn, thích làm các việc thiện. Ông thích làm việc thiện mà không hề biết chán giống như sương rơi. Những năm cuối đời, ông để tâm nghiên cứu Phật pháp, trì chú Vãng sinh, niệm hồng danh Đức Phật A-di-đà. Mỗi ngày ông đều đặt ra thời khóa, dù nóng hay lạnh ông vẫn thực hành đầy đủ không để gián đoạn.

Có lần ông bị rơi xuống sông, nhưng có một vật gì đó đỡ chân, ông bị trôi đi mười dặm, bỗng ông nhảy vọt lên đứng trên thuyền. Bấy giờ, mọi người đều cho rằng, ông nhờ nguyện lực của Phật mới có được việc như thế. Sau đó, đột nhiên sau lưng ông mọc một cái mụn độc. Có nhiều người cũng bị mụn như vậy nhưng họ đều không chịu nổi sự đau đớn đó. Nhưng cư sĩ vẫn điềm nhiên nói cười như người không có bệnh gì. Không lâu sau, ông chính niệm qua đời.

Bấy giờ, bạn của con ông tên Dư Chương Tử là người thiện tín đã kể chuyện của ông. Vì lời nói chân thật nên tôi (Châu Hoằng) thuật lại việc của ông vãng sinh như vậy.

Nho sinh Dương Gia Y

Vào đời Đại Minh có người tên Dương Gia Y, tự là Bang Hoa, quê ở Thái Hòa, là con của một gia đình danh giá. Năm mười ba tuổi, ông đã biết giữ giới không sát sinh, dù đó là chấy rận cũng không hề làm tổn thương. Năm hai mươi ba tuổi, đến Nam Ung học tập không được bao lâu sau, ông bị bệnh.

Vào ngày mùng 9 tháng 10 năm Ất Tị, niên hiệu Vạn Lịch (1605), ông qua đời. Trước khi qua đời, ông nằm mộng thấy mình đi đến địa ngục, gặp Địa Tạng đại sĩ ở điện Minh Dương. Khi tỉnh dậy, ông lo phóng sinh và mời chư tăng về nhà tụng kinh, niệm Phật.

Một hôm, ông gọi người đến và bảo: “Tôi sắp đi rồi. Hoa sen xanh đã hiện ra trước mắt tôi, lẽ nào không phải là cảnh Tịnh độ sao?”. Từ đó, ông ngày đêm niệm Phật không dứt. Một hôm, ông bảo mọi người tắt ngọn nến và nói: “Mọi người nhờ nến để thắp sáng, nhưngtôi không cần nến. Tôi thường ở trong ánh sáng”.

Có người hỏi:

– Ông thấy điều gì?

Ông nói:

– Hoa sen nở bốn màu.

Hỏi:

– Ông có thấy Đức Phật A-di-đà không?

Đáp:

– Tôi thấy Đức Phật A-di-đà hiện thân một nghìn trượng.

Hỏi:

– Ông thấy bồ-tát Quán Thế Âm không?

Đáp:

– Bồ-tát Quán Thế Âm cũng hiện thân cao lớn bằng thân Đức Phật A-di-đà.

Hỏi:

– Ông thấy bồ-tát Thế Chí không?

Đáp:

– Không thấy.

Nói dứt lời, đột nhiên ông đứng phắt dậy niêm hương và liên tục xưng tán: “Công đức của Phật A-di-đà không thể nói, không thể nói, không thể nói! Tôi đã được sinh lên thượng phẩm rồi”. Nói xong, ông an nhiên qua đời.

Ghi chú:

Bang Hoa có chí hiếu học, từng đọc qua tất cả các loại sách. Về sau, ông chỉ chuyên tâm nghiên cứu kinh sách Phật. Đặc biệt, chỉ để tâm nghiên cứu pháp môn Tịnh độ của Phật giáo. Đến lúc sắp qua đời, ông nói: “Công đức của Phật A-di-đà không thể nói!”. Ông nói ba lần như vậy. Đó là ông ta thấy thật, nói thật.

Người anh kế của ông là Gia Tộ thuật lại việc vãng sinh của ông và thề rằng: “Nếu tôi nói xằng bậy sẽ bị đọa vào địa ngục Bạt thiệt”. Anh của ông cũng thấy thật, nói thật. Vậy những ai không tin về Tịnh độ hãy nên suy nghĩ lại.

Dữu Tiễn

Dữu Tiển sống vào đời Lương, người ở Tân Dã. Vua Lương Võ cho gọi ông vào cung làm chức Hoàng môn thị lang nhưng ông không vào. Ngày đêm sáu thời ông chuyên tâm niệm Phật. Một đêm nọ, ông thấy vị đạo nhân tự xưng là Nguyện Công, gọi Dữu Tiển là Thượng Hạnh tiên sinh và trao cho ông một nén hương rồi bỏ đi. Bốn năm sau, Nguyện Công lại đến, ông liền qua đời. Bấy giờ, trong không trung có tiếng bảo rằng: “Thượng Hạnh tiên sinh đã sinh về An Dưỡng!”.

Đường Thế Lương

Đường Thế Lương sống vào đời Tống, người ở Cối Kê, giữ giới nghiêm cẩn, siêng năng niệm Phật. Về già, ông bị bệnh nhưng vẫn không dừng niệm Phật. Ông tụng kinh A-di-đà hơn mười vạn lần. Một hôm, ông nói với người trong nhà: “Phật đến rước tôi!”. Nói xong, ông lễ Phật và ngồi ngay thẳng qua đời.

Bấy giờ, có một người tên Lợi Hành nghỉ qua đêm trong núi Đạo Vị, nằm mộng thấy ở phía tây có ánh sáng lạ và tràng phan, hoa đẹp, nhạc trời, đồng thời nghe trên không trung có tiếng bảo rằng: “Đường Thế Lương đã vãng sinh Tịnh độ!”.

Nho sinh Đường Thể Như

Vào đời Đại Minh có người tên Đường Diên Nhậm, quê ở Lan Khê thuộc tỉnh Chiết Giang, hiệu là Thể Như cư sĩ, bản tính hiếu thảo, thuần hậu, chất trực. Thuở nhỏ ông được vào học ở các trường và rất có tiếng tăm. Một hôm, ông nhận ra cái học thế gian cũng chỉ là vô thường. Từ đó, ông dốc lòng đến với đạo. Ông đến tham học với ngài Vân Thê và được ngài chỉ cho pháp môn Niệm Phật tam-muội. Kể từ đó, ông nỗ lực tu hành. Ông hành trì suốt mười ba năm không một ngày xao lãng và chỉ dốc lòng cầu sinh Tây phương.

Đến niên hiệu Vạn Lịch, nhằm năm Quý Mão (1603), ông ngộ diệu lý của Phật pháp. Vào một buổi sáng giữa mùa đông lúc ông 60 tuổi, bỗng ông gọi các con lại nói: “Vào ngày 11 tháng giêng, cha sẽ đi”. Trước đó mấy ngày, ông vẫn lễ Phật tụng niệm như ngày thường. Đến ngày đã định, ông rửa tay, súc miệng, chỉnh y phục, ngồi ngay thẳng, tay kết ấn, miệng niệm Phật, mỉm cười và qua đời, như nhập thiền định.

Ghi chú:

Khi Cư sĩ sắp qua đời, các người con hỏi:

– Việc đại nhân qua đời có cần báo cho ngài Vân Thê biết để ghi vào trong truyện vãng sinh không?

Cư sĩ nói:

– Nhất định phải báo cho thầy tôi biết, nhưng đừng nói quá, nên nói đúng sự thật. Thậm chí có ghi vào truyện hay không, việc ấy thầy tôi tự có ý kiến. Chứ đừng vì không được ghi vào truyện mà có thái độ giận hờn và oán hận.

Than ôi! Như thế có thể thấy được công phu hàm dưỡng của ông ấy, suốt đời tin tưởng tuyệt đối vào Tịnh độ, không chút nghi ngờ và mỉm cười mà qua đời. Như vậy chắc chắn ông sẽ vãng sinh, đâu có gì phải nghi ngờ!

Hà Đàm Tích

Hà Đàm Tích sống vào đời Nguyên, năm lên mười tám tuổi thụ giới bồ-tát và chuyên tâm niệm Phật. Một đêm nọ, vào lúc canh tư ông nghe tiếng trống, lập tức ngồi dậy tụng kinh, niệm Phật. Có người bảo:

– Còn sớm quá!

Ông nói:

– Tôi thấy Phật đem phướn và hoa đến rước.

Nói dứt lời, ông nhắm mắt qua đời.

Nho sinh Hác Hi Tải

Vào đời Đại Minh có người tên Hác Hi Tải, quê ở Tiền Đường, pháp danh Quảng Định, là người trung tín, khiêm nhường. Ở trường học, ông thường lấy đức hạnh để khuyên dạy học trò. Đến cuối đời, ông nương theo Phật, sớm tối ngồi thiền, tụng kinh không biết mệt mỏi. Tháng 2, mùa xuân năm Tân Hợi, niên hiệu Vạn Lịch (1611), ông bị bệnh. Mỗi khi ngủ dậy, ông thường nói: “Tôi nằm mộng thấy tôi vào ở trong núi cầu gặp Phật, nhưng chưa gặp được Phật mà chỉ thấy rất nhiều loại chim tụ tập”.

Nhiều ngày như vậy, đến ngày 27 vào giờ ăn cơm, ông bỗng ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ và gọi người con là Thế Hàn lại nói: “Hôm nay đặc biệt là ngày hệ trọng”. Rồi ông quay lại bảo người nhà chuẩn bị tiền bạc cho ông. Một lát sau, ông lại nói: “Trước đây ta sợ gặp quan có việc cần dùng đến tiền, nhưng nay không cần dùng nó nữa”. Đến canh ba đêm đó, ông nói: “Có hai đồng tử đến rước ta. Ta thấy Đức Phật ngồi trên đài hoa sen hiện ra trước mắt”. Nói dứt lời, ông nằm thế cát tường mà qua đời.

Hoàng Đả Thiết

Hoàng Công sống vào đời Tống, người ở Đàm Châu, ông xuất thân từ quân ngũ. Ông sống bằng nghề thợ rèn. Trong khi trui rèn, ông luôn miệng niệm Phật không dứt. Một hôm, không bị bệnh, ông nhờ người hàng xóm viết giúp bài tụng:

Chập chập cheng cheng,
Luyện lâu thành cứng
Thái bình sắp đến
Tôi về Tây phương.

Nói vừa dứt lời, ông qua đời. Bài tụng ấy được lưu truyền khắp Hồ Nam và từ đó có rất nhiều người niệm Phật.

Ghi chú:

Hoàng Công là một trường hợp đặc biệt, không người nào có thể làm như ông. Chỉ là miệng không ngừng niệm Phật, nhưng ở đời có mấy ai chịu làm như thế, mà cứ đi tìm sự cầu kì, cao siêu. Ôi! Chẳng phảiđó là không thích cách đơn giản, lại đi tìm cách khó khăn sao?

Kế Công

Kế Công sống vào đời Tống, là một thợ rèn ở Đào Nguyên, Tứ Minh. Năm 70 tuổi thì hai mắt ông bị mờ. Bấy giờ, trong làng có ông Học dụ Tảm Định Quốc ấn tống tấm Phách khòa đồ để khuyên người niệm Phật. Lúc đầu, Kế Công nhận được một tấm, ông niệm ba mươi sáu vạn câu, khi niệm đến tấm thứ tư thì hai mắt sáng lại. Ông niệm suốt ba năm được mười bảy bản. Một hôm, ông đang niệm Phật thì đột ngột qua đời. Trải qua nửa ngày, ông sống lại và nói: “Đức Phật dạy chia sáu bản cho Học dụ Tảm Định Quốc là người đầu tiên khuyến đạo; một tấm biếu cho ông Lí Nhị là người in”. Ông dặn con đến cám ơn họ. Nói xong, ông tắm rửa, thay y phục xoay mặt về hướng tây mà qua đời.

Khuyết Công Tắc

Khuyết Công Tắc người nước Tấn. Ông vào tu trong đạo tràng Bạch Liên xã ở Lô Sơn và qua đời ở đó. Sau đó, một người bạn của ông cư trú tại chùa Bạch Mã ở Lạc Dương, làm lễ cúng giỗ cho ông, nửa đêm bỗng toàn bộ chính điện chùa Lâm Mộc đều biến thành màu vàng ròng và trong hư không có tiếng bảo: “Tôi là Khuyết Công Tắc. Tôi cầu sinh về Cực Lạc nay đã được vãng sinh rồi”. Nói dứt lời, ông liền biến mất.

Ghi chú:

Những người lúc lâm chung hiện điềm lành rất nhiều. Nhưng người qua đời rồi sau đó mới hiện ánh sáng màu vàng ở nơi khác; trong không trung báo mộng đã vãng sinh như trường hợp của ông Khuyết Công Tắc thì thật là hiếm có.

Cư Sĩ Lâm Khán Trị

Dịch âm: 

Kim trì hạn đàm tứ biên khai
Hỷ thị Lâm quân thứ đệ tài
Thỉ tín Tây phương chư thượng thiện
Chơn năng thừa nguyện hóa thân lai.

Dịch giả tạm dịch:

Ao báu sen vàng rộ nở hoa
Đón mừng Khán Trị trở về nhà
Đồng hàng Bồ Tát ngôi thượng phẩm
Thừa nguyện hóa thân lại Ta bà.

Đại sư Ngẫu Ích nói: “Chư Phật vốn vì thương xót quần mê, tùy cơ ứng hóa, dầu là quy nguyên vô nhị, mà phương tiện thì có nhiều môn. Nhưng trong tất cả muôn phương tiện, muốn cầu môn phương tiện thẳng tắt nhất, viên đốn nhất, thì không gì bằng môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Lại ở trong tất cả pháp môn niệm Phật, muốn cầu môn giản dị, ổn đáng nhất, thì không gì bằng môn TÍN, NGUYỆN, CHUYÊN TRÌ DANH HIỆU. Pháp môn Tịnh độ, lợi ích sâu rộng, từ khi đại pháp (pháp Phật) ở phương Tây (Tây vực: Ấn Độ) truyền đến phương Đông này, đem những hàng phàm phu trơn (chỉ hạng người rất tầm thường) nương vào tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây phương, nhờ đó ra khỏi được cuộc đời ngũ trược mà lên được cửu phẩm liên hoa, nhiều không thể tính đếm. Trong đó có lão cư sĩ Lâm Khán Trị, vị liên hữu ở liên xã Đài Trung, tín nguyện kiên cố thật tâm niệm Phật, vào ngày 15 tháng 4 năm Dân quốc thứ 81 (13 tháng 3 năm Nhâm Thân ÂL) biết cả giờ đi, chánh niệm rõ ràng, vãng sanh nhẹ nhàng tốt đẹp, hưởng thọ được tám mươi sáu tuổi. Nay xin kính thuật lại sự tích vãng sanh của bà để lợi ích cho người có duyên, thấy người giỏi, suy nghĩ cố gắng sao cho bằng, đồng niệm A Di Đà, đồng sanh An Dưỡng, và cầu nguyện Lâm lão cư sĩ, sớm thừa nguyện trở lại, quảng độ chúng sanh mãn Bồ Đề nguyện.

Lão cư sĩ Lâm Khán Trị sinh tại trấn Lộc Cảng, huyện Chương Hóa, tỉnh Đài Loan vào ngày mùng 7 tháng 3, năm năm trước Dân quốc, tức năm 1906 (1911 – 5 = 1906) nhằm ngày 18 tháng 2 năm Đinh Mùi ÂL, cha là Lâm Luyện Công, mẹ họ Thái, thuộc gia đình có danh vọng, đáng tiếc cho Lâm lão cư sĩ tuổi nhỏ đã mất cha, kế tiếp lại mất mẹ, nếm đủ cái khổ vô thường của thế gian. Lâm lão cư sĩ từ lúc vỡ lòng ở tư thục đã có tâm ham học không biết mệt, học thuộc Tứ Thư Ngũ Kinh, nhờ đó mà đạt được nền móng tốt đẹp của Hán học, đối với việc học Phật sau này rất có ích.

Lâm lão cư sĩ căn lành đời trước sâu dày, năm 35 tuổi nghe được một cao tăng ở Đài Loan là pháp sư Bân Tông tuyên giảng Phật pháp, thể hội được cái khổ của luân hồi lục đạo, liền phát tâm học Phật, ăn chay, và bà đã từng quy y với pháp sư Vô Thượng, được pháp danh là Pháp Viên. Năm Dân Quốc thứ 38, nhờ lão cư sĩ Lại Luyện Lương giới thiệu được học với ân sư Tuyết Lô Lý Bính Nam, được ân sư ban cho tên tự là Huệ Trị, mùa đông năm Dân quốc thứ 41 vâng mệnh ân sư tham gia lần truyền giới đầu tiên kể từ sau khi Đài Loan được khôi phục ở chùa Đại Tiên ở Đài Nam, cầu thọ tại gia Bồ Tát giới với lão hòa thượng Khai Tham làm vị Ưu Bà Di Bồ Tát giới trọn đời. Từ đó thường đi theo thầy rộng kết pháp duyên, đến khắp nơi trong toàn tỉnh tuyên dương pháp môn Tịnh độ, phụ tá trợ giúp ân sư tạo dựng những đạo tràng hoằng pháp lợi sanh như liên xã của Phật giáo ở Đài Trung v.v… và do được nhiều người trọng vọng nên bà được suy cử làm hội trưởng Liên nghị của mấy chục ban niệm Phật (Hội liên nghị: liên kết hữu nghị giữa các ban), bà được hầu hết các liên hữu đều quen biết.

Điều may mắn tốt đẹp nhứt trong đời của Lâm lão cư sĩ là gặp được ân sư Tuyết Công, người bà luôn rất cung kính nhắc đến, người đã chỉ dạy cho bà pháp môn Tịnh độ. Bà thường tự than là phàm phu nghiệp chướng không thể nương nhờ được nguyện lực rộng lớn của Phật A Di Đà, quyết là khó trong đời này ra khỏi được luân hồi, cho nên đối với ân sâu nuôi lớn huệ mạng của ân sư, luôn ghi khắc trong lòng, xem ân sư như cha lành, thường nhắc đến lời dạy của ân sư: “Người tu theo Tịnh độ, quan trọng nơi thực tiễn, nếu như tu mà không có niệm Phật thì cũng đồng với nói ăn (không no được), đếm tiền (tiền của người ta), không có sự lợi ích thiết thật, nói một trượng vẫn không bằng làm một tấc”. Hằng lấy đây tự sách tấn và khuyên người. Và lấy lời dạy của ân sư: “Đạo tràng là nơi thành tựu đạo nghiệp cho chúng sanh” để thường tự nhắc nhở, bà chỉ biết lo dứ tác làm lành, không tham danh lợi, thật tâm niệm Phật, ngay đời này thành tựu được đạo nghiệp mới đủ để trên đền bốn ân nặng, dưới cứu ba đường khổ, cũng là không uổng công một đời học Phật của mình.

Lâm lão cư sĩ do vì đầy đủ cả nền tảng Phật và Nho, cho nên ngài Tuyết Công gởi gắm hy vọng rất nhiều vào bà, trông mong có thể cùng nắm tay hoằng dương pháp môn Tịnh độ thù thắng, do đó mà cố gắng dạy và giao cho nhiều trách nhiệm quan trọng hơn. Ngài Tuyết Công dạy: “Một kinh thông rồi các kinh đều thông”. Trước khi học giảng phải có sự chuẩn bị dồi dào đầy đủ (hiểu rõ giáo lý cơ bản) trước khi giảng, tự viết bài nháp, những điều nói ra phải có căn cứ, nên theo các bản các Tổ đã chú giải, không được nói bừa bãi ý riêng của mình, nên theo khuôn phép của việc học giảng, phải rất cẩn thận và có tinh thần trách nhiệm, mới không trái với nhân quả. Lâm lão cư sĩ phát tâm học giảng “Kinh Phật thuyết A Di Đà”. Tuyết Công đề cập kinh này là kinh sâu nhất, khó giảng nhất, có được danh xưng tốt là “Kinh Hoa Nghiêm tiểu bản”. Lâm lão cư sĩ từng có lần đang lúc học giảng có chỗ lệch lạc, lúc đó Tuyết Công ân sư quát cho một tiếng và thuận tay lấy cây quạt xếp ở trong tay gõ lên đỉnh đầu một cái, lúc đó Lâm lão cư sĩ xấu hổ đến nước mắt chảy dài, do đó mà cố công học tập. Qua mấy ngày sau cuối cùng bỗng nhiên hiểu rõ cái đoạn kinh văn khó hiểu kia, các vị liên hữu cười nói: “Đây là ân sư giúp cho chị tiêu nghiệp chướng, khai phát trí huệ đó!”. Lâm lão cư sĩ thì càng cảm nhận sự quan trọng của việc học Phật ắt phải có sự truyền thừa của thầy.

Lâm lão cư sĩ nhờ được sự chăm sóc dạy bảo nghiêm khắc của ân sư, hơn nữa tự bản thân có tâm từ bi tha thiết, thể hình cao lớn (thể lực tốt), âm thanh to rõ, biện tài vô ngại, cho nên từ năm Dân quốc thứ 40 lúc liên xã thành lập hai đoàn hoằng pháp của hai chúng nam và nữ, bà trở thành một nữ kiện tướng hoằng pháp khéo giỏi thuyết pháp độ chúng. Lúc bà thuyết pháp, nắm chắc và chú trọng về nhân quả và hai nguyên tắc lớn về lợi ích của niệm Phật, không nói những lời huyền hoặc, lạ kỳ, chú trọng vào việc làm thực tế và sự hành trì chân thật. Mặc dù vì chúng sanh căn tánh không đồng, cho nên rộng thuyết các kinh pháp, nhưng nhứt định tuân theo lời dạy của thầy, các chỗ giảng dạy đều quy nạp về Tịnh độ để hiển bày cái chỗ thù thắng của pháp môn niệm Phật, nhưng chúng sanh chủng loại muôn ngàn sai khác, trên đường thuyết pháp cũng có khi gặp phải những nhà chuyên môn (các tông phái khác) đến vấn nạn. Như có một lần nọ lúc thuyết pháp ở Ngọc Lý, có một người không tin Tịnh độ đến vặn hỏi rằng: “Bà nói người niệm Phật sau khi mạng chung, thì thần thức vãng sanh Tây phương, thần thức hình dạng ra sao đem đây cho tôi xem!”. Bà đáp: “Những lời ông vừa nói đó, hình dạng ra sao đem đây cho tôi xem!”. Người kia ngậm miệng không nói được, bà lại đáp thêm: “Nói cho rõ một chút, như ban đêm ông nằm mộng thấy cái này cái kia, đó là thần thức vậy”. Người kia do đó mà trở lại phát tâm dẫn người đến nghe pháp, những việc độ người học Phật giống như thế, được nghe nói luôn”.

Lâm lão cư sĩ thường đề xướng kiến lập “Phật hóa gia đình” (cả gia đình đều theo Phật, học Phật – lời dịch giả) nghĩa là cư sĩ tại gia đã có gia quyến nên phải cảm hóa cả nhà cùng học Phật để giảm bớt chướng ngại của học Phật và vãng sanh. Điều bà vui thích nhất là khi có liên hữu nào khuyên được song thân niệm Phật thành tựu cho song thân vãng sanh Tây phương, bà khen điều đại hiếu rất mực của con người là ở chỗ này (có thể làm được như thế). Lâm lão cư sĩ khéo nói những lời tốt đẹp thường vào những dịp hôn lễ theo đạo Phật của các liên hữu, bà chúc cho gia đình sẽ thành Phật hóa gia đình. Bà nói “Phật hóa gia đình là nguồn động lực để xã hội được an định”. Lâm lão cư sĩ trong việc hoằng pháp cũng đặc biệt quan tâm đến đạo nghiệp của các liên hữu và gia quyến, từ mùa Xuân năm Dân quốc thứ 44, bà cúng ngôi nhà của mình để thiết lập cơ sở hoằng pháp và nhờ ân sư đặt tên là cơ sở hoằng pháp Luân Tự. Đó là cơ sở hoằng pháp sáng lập đầu tiên của Liên xã, Lâm lão cư sĩ tự đảm nhiệm làm chủ giảng, lãnh chúng niệm Phật và nghiên cứu Phật pháp. Mãi đến trước khi vãng sanh, hơn ba mươi năm thuyết pháp không ngớt, các liên hữu, những bà con hàng xóm, con cháu quyến thuộc… được nhờ lợi ích không ít. Lâm lão cư sĩ từ năm Dân quốc thứ 25, kết hôn với lão sư sĩ Lý Cư, vợ chồng rất tôn trọng kính nhường nhau, năm năm mươi lăm tuổi có được ba con vừa trai vừa gái, cháu chắt có hơn ba mươi người, cả nhà tài giỏi, thành đạt, an vui, xứng đáng làm điển hình cho “Phật hóa gia đình”. Những công đức về ngôn giáo và thân giáo của Lâm lão cư sĩ không thể kể hết. Vào tháng 2 năm Dân quốc thứ 80, ông Lý chồng của bà mệnh chung an lành và tốt đẹp tại nhà cao, thọ chín mươi lăm tuổi, toàn thể con cháu hết sức vâng lời của Lâm lão cư sĩ y theo Phật dạy như pháp trợ niệm và tiết kiệm, xử lý tốt những việc còn lại, bà con hàng xóm và các liên hữu đều kính phục vô cùng.

Lâm lão cư sĩ ngoài việc tự tu và hóa độ người, lại còn có quyển “Những Truyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe” mà bà đã thâu thập ghi chép rất cần mẫn không mệt mỏi, được nhờ ân sư Tuyết Công viết chữ kỷ niệm và ban cho lời tựa (lời đầu sách), từ tháng 8 Dân quốc thứ 58, xuất bản lần đầu là 5.100 quyển, đến trước khi vãng sanh, tổng cộng xuất bản 56 lần, số sách hơn trăm ngàn quyển, còn các nơi khác ấn hành kết duyên cũng không tính đếm được, nội dung trong sách này cũng có được mấy truyện được sát nhập vào quyển “Tịnh độ Thánh hiền lục”, đồng thời có người nương theo nội dung sách này mà chế tác ra băng cát-sét và phát thanh trên đài truyền thanh, có thể nói là rộng kết nhân duyên với Tây phương được hàng vạn người và những người đọc sách này mà phát tâm niệm Phật cũng nghe thấy rất nhiều, thậm chí có người ở ngoài nước xa xôi cũng nhân xem đọc sách này mà riêng đến Đài Loan cầu kiến sách này cảm hóa người rất sâu, từ đây mà ta có thể thấy một phần, những sách còn lại của bà để lại còn có: “Phật thuyết A Di Đà Kinh Khẩn thuyết”, “Khuyến tu niệm Phật pháp môn thiển giảng”, v.v…

Lâm lão cư sĩ nhiều năm kinh nghiệm tu hành, bà cho là người có thể biết niệm Phật cầu sanh Tây phương, đó là căn lành phước báo lớn nhất trong đời người, bà thường nói: “Tu hành không có tu gì khác, chỉ cần biết được mối đường, nếu biết được mối đường thì việc sanh tử đồng thời dứt”. Và thường tán thán: “Pháp môn niệm Phật là vô thượng chí bảo”. Lão cư sĩ sớm đã tùy duyên thuyết pháp độ chúng, tuổi già càng thêm gắng sức công phu niệm Phật, tự nói tu hành nên nhân lúc trẻ, tự biết mình lúc tuổi trẻ may mắn nhờ ân sư chỉ đạo, đặt được nền móng niệm Phật, nếu không thì tuổi tác ngày càng cao, thể lực suy yếu dần, sẽ hay có cảm giác lực bất tòng tâm. Bà lại khuyên những người già càng nên gấp rút niệm Phật, cầu sanh Tây phương, nếu không thì số ngày còn lại không nhiều, nếu vô thường chợt đến thì là bỏ lỡ việc lớn vãng sanh, quả báo sau này không thể lường được!…

Lâm lão cư sĩ thường ở hộ trì tại Liên xã hơn bốn mươi năm, trong thời gian dài huân tập ở các hội giảng kinh thuyết pháp Phật và Nho, bà càng thể hội được sự quan trọng của hành giải tương ưng (hiểu biết và thực hành đi đôi – dịch giả chú), đến hai năm trước khi vãng sanh, thời khóa hàng ngày của bà đã sáu vạn câu Phật hiệu mỗi ngày, lúc tự tu, hai mắt khép lại, tay cầm chuỗi, tác kim cang niệm, lúc cùng tu thì niệm Phật ra tiếng theo chúng, gần như ngoài lúc ăn, ngủ ra, trọn ngày đều tắm gội trong danh hiệu Phật. Lâm lão cư sĩ thọ trì giới “không nói lỗi của tứ chúng”, bà cho rằng “Hòa là quý”, gặp việc nghịch ý phật lòng, đều là nghiệp chướng hiện tiền, càng phải niệm Phật mạnh hơn, cầu Phật gia bị. Bà thích nhất câu nói này của Ấn Quang tổ sư: “Phải nên phát nguyện nguyện vãng sanh, du sơn ngoạn thủy mặc người tham, Tịnh độ Cực lạc tự do mình không chịu về, nếu muốn về liền được, trăng gió của quê mình có ai tranh!”. (nguyên âm chữ Hán bài kệ này: “Ưng đương phát nguyện nguyện vãng sanh. khách lộ khê sơn nhậm bỉ luyến. Tự trị bất quy, quy tiện đắc. Cố hương phong nguyệt hữu thùy tranh”). Bà đặc biệt đặt bài kệ này ở đầu án thư để nhắc nhở mình, là làm khách ở Ta Bà, Cực lạc mới là quê hương. Và ở liêu phòng của bà, bốn vách chung quanh không có gì, chỉ có đặt bản viết của ẤÂn Quang đại sư đã viết: “Nhất tâm niệm Phật” để sách lệ tự thân tinh tấn niệm Phật, và bà đã hiểu sâu sắc câu nói của ân sư Tuyết Công trước khi vãng sanh đã nhiều lần nhắc nhở: “Ít nói một câu chuyện. Nhiều niệm một câu Phật. Đánh chết được vọng niệm. Pháp thân ngươi hiển lộ”. Thật là một minh chứng tu hành ở hoàn cảnh ác liệt trong thời mạt pháp này!

Lâm lão cư sĩ vào năm 60 tuổi đã chuẩn bị xong những công việc sau khi mất. Hai năm trước khi vãng sanh lại dặn dò các việc phải chú ý lúc lâm chung, một tuần lễ trước lúc vãng sanh liền hướng vào các liên hữu nói: “Tôi sắp về nhà rồi”. Lại liên tục khen rằng: “Thật sự là có thế giới Cực Lạc”. Hai ngày trước lúc vãng sanh, tự biết sức khỏe đã suy yếu, do con cháu thỉnh về nhà, các liên hữu và quyến thuộc niệm Phật đưa bà cùng về nhà. Sau giờ ngọ một ngày trước khi vãng sanh, bà nói với các liên hữu: “Đã thấy Phật A Di Đà, chắc chắn được nhờ Phật tiếp dẫn vãng sanh”. Cuối cùng, 7 giờ 20 phút sáng ngày hôm sau, ở tại nhà một mình, trong tiếng trợ niệm “A Di Đà Phật” của các liên hữu và quyến thuộc, bà chánh niệm rõ ràng, trong khoảnh khắc bà quy Tây một cách nhẹ nhàng và tốt đẹp, đến sau khi vãng sanh hai mươi bốn giờ, trong thời gian đó tiếng niệm Phật không ngớt, lúc thay y phục ai nấy đều rất vui nhìn thấy mặt mày bà tươi vui cũng như dung mạo hiền lành lúc còn sống, những người thấy nghe khen ngợi mãi, chúc mừng bà đã được như nguyện vãng sanh Cực Lạc. Lâm lão cư sĩ vào ngày 26 tháng 4 năm Dân quốc thứ 81 được cử hành lễ cáo biệt và trà tỳ, các liên hữu hẹn nhau đến niệm Phật đông đến đường sá bị tắt nghẽn, đủ thấy sự tu trì lúc bình thời của bà công phu không có uổng, sức cảm hóa người rất sâu. Sau khi hỏa táng lại được mấy trăm viên xá lợi. Đây cũng hiển lộ cho thấy công phu niệm Phật của bà rất sâu dầy, nhân quả không sai!

Đại sư Thiện Đạo nói: “Nếu luận về học hiểu, thì tất cả pháp môn đều phải học, nếu luận về tu trì, nên chọn lựa pháp khế lý, khế cơ, mới có lợi ích chân thật”. Một pháp niệm Phật nhân gồm quả hải, quả suốt nguồn nhân là khế lý khế cơ nhất, thật là bản hoài của Đức Thế Tôn xuất thế độ sanh khiến tất cả đều có thể ngay đời này dứt được sanh tử. Chúng ta từ sự tích thành kính niệm Phật của Lâm lão cư sĩ cuối cùng được vãng sanh Cực Lạc mà nghiệm ra, tin mà có chứng cứ. Khắp nguyện những ai thấy nghe rõ chân thật niệm Phật, đồng sanh Cực Lạc, đồng thành chánh giác, thì may mắn lắm vậy! Và Lâm lão cư sĩ với thân nữ tại gia lại được sự tự độ và độ người mấy mươi năm, cuối cùng vãng sanh Liên Bang một cách nhẹ nhàng và tốt đẹp. Đây cũng đồng với hai câu: “Thỉ tín Tây phương chư thượng thiện. Chơn năng thừa nguyện hóa thân lai” của Tuyết Lô lão nhân vậy!.

Kim trì hạn đàm tứ biên khai
Hỷ thị Lâm quân thứ đệ tài
Thỉ tín Tây phương chư thượng thiện
Chơn năng thừa nguyện hóa thân lai.

Dịch giả tạm dịch:

Ao báu sen vàng rộ nở hoa
Đón mừng Khán Trị trở về nhà
Đồng hàng Bồ Tát ngôi thượng phẩm
Thừa nguyện hóa thân lại Ta bà.

Liên Hoa Thái công

Liên Hoa Thái công sống vào đời Minh, người đất Việt, cả đời sống hiền lành, chất phác, ngày đêm chuyên tâm niệm Phật không chút xao lãng. Sau khi qua đời, trên nắp quan tài bỗng mọc lên một đóa hoa sen. Bà con thân thuộc trong làng đều rất ngạc nhiên. Vì thế, ông có hiệu là Liên Hoa Thái Công.

Lý Tri Dao

Lý Tri Dao sống vào đời Đường, rất giỏi về giáo lý Tịnh độ. Ông tập họp được nhiều người mở Ngũ hội niệm Phật. Sau đó, ông mắc bệnh, bỗng nói: “Phật đến rước tôi”. Rồi ông tắm rửa, thay y phục và bảo người mang lò hương ra sảnh đường để ông lễ Phật. Bỗng ông nghe trong không trung có tiếng nói: “Có người dẫn ông về Tịnh độ, người đó dắt ông đi trên cầu vàng”. Nghe xong, ông lên giường ngồi ngay thẳng và qua đời. Lúc ấy,mọi người nghe có hương thơm lạ.

Lục Nguyên Đạo

Lục Nguyên Đạo sống vào đời Tống, hiệu là Tỉnh Am cư sĩ, cư ngụ tại Hoành Khê, Minh Chi. Sáng sớm thức dậy, ông đốt hương ngồi ngồi thiền, mắt không nhìn chỗ nào khác. Trước khi lễ Phật, tụng niệm ông tự đọc bài kệ:

Sáng sớm rửa tay mở kinh ra
Không cầu nhiều phúc và trừ tai
Việc đời chấm dứt không lưu luyến
Kiếp hỏa sáng soi múa một hồi.

Sau này, ông niệm Phật, tụng kinh không nhanh không chậm, âm thanh nối nhau như xâu tràng hạt, mỗi ngày tụng một biến kinh Pháp hoa và niệm danh hiệu Phật A-di-đà một vạn tiếng, một lòng cầu sinh Tây phương. Ngày mùng 6 tháng 4, ông tắm rửa, thay y phục xong liền qua đời. Hưởng thọ 85 tuổi. Khi tẩn liệm bỗng nghe có hương thơm của hoa sen xông lên ngào ngạt, mọi người đều không biết hương thơm ấy từ đâu bay lại. Lúc đến gần để đậy nắp quan tài thì biết là hương thơm từ trong miệng của ông bay ra.

Lục Tuấn

Lục Tuấn sống vào đời Tống, người ở Tiền Đường. Lúc trẻ ông phục vụ cửa quan một thời gian khá lâu, sau đó ông bỏ đi và chuyên tu pháp môn Tịnh độ. Mỗi ngày ông đến trước Phật đỉnh lễ sám hối, nước mắt lăn dài trên má. Có người bạn đồng tu đến nói cho ông nghe điều kiện để được sinh về Tịnh độ. Mới nói được hơn mười câu, ông nghẹn ngào rơi lệ. Khi sắp lâm chung, ông mời luật sư Viên Tịnh đến giảng về Tây phương Tịnh độ và tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ. Khi tụng đến Thượng phẩm, bỗng luật sư Viên Tịnh nói:

– Ông có thể đi được rồi đó!

Lục Tuấn nói:

– Phật và bồ-tát chưa đến, tôi phải đợi các Ngài.

Một lát sau, bỗng nhiên ông đứng dậy đi đến chiếc giường trúc, ngồi ngay thẳng xoay mặt về hướng tây và qua đời.

Ghi chú:

Kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Người nào nghe nói về Đức Phật A-di-đà mà cảm động rơi lệ, ấy là thiện căn đời trước của người đó đã chín muồi”. Sự rung động, nghẹn ngào rơi lệ của Lục Tuấn vốn xuất phát tự đáy lòng rồi thể hiện ra ngoài mặt mũi, chắc chắn ông sẽ được vãng sinh. Nay đâu thể cười cợt mà bàn luận về Tịnh độ.

Lưu Thông Chí

Vào đời Đại Minh có người tên Lưu Thông Chí, quê ở kinh đô, siêng năng, tha thiết niệm Phật. Năm năm mươi hai tuổi, ông mắc bệnh và càng cố gắng niệm Phật nhiều hơn. Bấy giờ, có người hàng xóm tên là Lý Bạch Trai đã qua đời trước, sau đó Lưu Thông Chí mới tắt thở, từ sáng đến trưa bỗng nhiên sống lại và nói với người nhà rằng: “ Tôi vừa thấy một chiếc thuyền, người trên thuyền bảo là thuyền này đi về Tịnh độ. Trên thuyền đó chở ba mươi sáu người, Lý Bạch Trai cũng có mặt trên thuyền. Tôi cũng ở trong số ba mươi sáu người đó, nhưng do y phục của tôi chưa được sạch sẽ, lại quên mang tràng hạt, nên các người kia bảo tôi trở lại thay y phục và lấy tràng hạt. Thuyền đang cập bến chờ tôi”.

Người nhà vội vàng thay y phục và lấy tràng hạt đeo vào cổ ông, bỗng chốc ông qua đời.

Ngô Tử Chương

Ngô Tử Chương sống vào đời Nguyên, người ở Tô Châu. Gia đình ông nhiều đời làm nghề thuốc. Ông cùng với anh là Tử Tài theo học với hòa thượng Vân Ốc, siêng năng niệm Phật. Cả nhà của ông rất tôn sùng Phật pháp. Đến niên hiệu Chính Gian, ông không bị bệnh, ngồi chắp tay niệm Phật và qua đời.

Nguyên Tử Bình

Nguyên Tử Bình sống vào đời Đường, ông ở trong chùa Quan Âm, Kinh Khẩu, chuyên tâm niệm Phật. Bỗng một hôm, nghe trong không trung có tiếng nhạc, ông liền ngồi xoay mặt về hướng tây và qua đời. Lúc ấy, có hương thơm lạ ngào ngạt suốt mấy ngày không hết.

Nguyên Tử Tài

Nguyên Tử Tài là người đời Đường, sống trong chùa Quán Âm ở Nhuận Châu, chuyên tụng kinh A-di-đà và niệm Phật. Bỗng một hôm, ông mắc bệnh nhẹ, ban đêm nghe trong không trung có hương thơm và tiếng nhạc, lại thoáng nghe như có tiếng người nói rằng: “Nhạc đơn giản đã qua, nhạc êm dịu sẽ đến, ông nên chuẩn bị đi!”. Nghe dứt lời, ông niệm Phật và qua đời. Lúc ông qua đời, có hương thơm lạ phảng phất liên tục suốt mấy ngày không dứt.

Ông già Phần Dương

Ông già Phần Dương sống vào đời Đường, ông đến núi Pháp Nhẫn và ở nhờ trong một căn phòng trống, ngày đêm chuyên tâm niệm Phật. Niên hiệu Trinh Quán thứ năm (631), lúc ông sắp qua đời, có ánh sáng chiếu soi khắp nơi, ông ngồi xoay mặt về hướng tây qua đời. Có người thấy ông ngồi trên đài hoa bay đi.

Phạm Nghiễm

Phạm Nghiễm sống vào đời Tống, người ở Nhân Hòa, không màng đến việc thế gian. Con của ông không gánh vác nổi chuyện gia đình, nhưng ông vẫn không quan tâm đến mà chỉ nói: “Từ nay ta chỉ là khách trong gia đình này thôi!”. Hằng ngày, ông tụng kinh Pháp hoa, niệm Phật A-di-đà không chút xao lãng. Bỗng một hôm, ông nằm mộng thấy bồ-tát Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà phóng ánh sáng màu vàng đến và báo ông rằng: “Sáng mai vào giờ Mão, ông sẽ mạng chung!”. Sáng hôm sau, Phật và bồ-tát đến rước, Phạm Nghiễm ngồi ngay thẳng chắp tay qua đời.

Cư sĩ Qua Quảng Thái

Vào đời Đại Minh có cư sĩ Qua Dĩ An, pháp danh Quảng Thái, quê ở Tiền Đường, bản tính hiếu thảo, hay làm thiện, tu nhân tích đức, nhưng ông làm một cách thầm lặng không muốn mọi người biết. Đến lúc tuổi già, ông dốc lòng phụng thờ Phật. Ông cùng với ngài Linh Chi và nhiều vị tăng, tục khác, mỗi năm vào hai ngày xuân xã[36] và thu xã[37] cùng nhau kết hợp niệm Phật. Ông thường tụng Hoa nghiêm và Tịnh độ ngũ kinh.

Một hôm, ông bỗng nói với mọi người: “Sắp đến ngày đi rồi, nên tôi phải chuẩn bị tư lương để về Tây phương”. Nói rồi, ông vào tịnh thất thiết lập thời khóa tụng niệm, sớm tối hành trì không dừng. Ông dự định sẽ ra đi vào ngày 21 tháng Chạp. Hai đêm trước khi ông qua đời, vợ con vây quanh nghẹn ngào, ông mỉm cười nói: “Có sinh ắt có diệt, sao lại ủ rũ như thế! Tôi mới xuất thần đến Tịnh độ, đích thân hầu hạ Đức Phật A-di-đà. Các người chớ vì chút tình cảm mà làm loạn chính niệm của tôi”. Rồi ông dặn đi dặn lại kẻ tăng, người tục niệm Phật trợ lực cho ông, đừng để xen tạp niệm.

Đến ngày giờ đã định, ông lặng lẽ ra đi.

Ghi chú:

Có vị tăng xuống âm phủ thấy Cư sĩ ngồi yên trong tịnh thất, kinh sách để đầy ghế, ngoài sân có nhiều trúc vàng, đá núi, cảnh trí đẹp vô cùng chẳng khác động tiên.

Đáng lẽ Cư sĩ phải sinh về Cực Lạc rồi, tại sao còn ở dưới âm phủ? E là thường ngày tha thiết tụng kinh, nhưng vì chí nguyện tụng kinh của ông chưa mãn, do đó, sau khi mãn nguyện sẽ vãng sinh!

Quách Đại Lâm

Vào đời Đại Minh có người tên Quách Đại Lâm, quê ở Thang Âm, là người ngay thẳng, trong sạch, thanh cao, có tâm thoát tục. Về sau, ông gặp được một vị tăng dạy niệm Phật. Từ đó, ông một lòng cầu sinh Tịnh độ.

Năm ông bảy mươi sáu tuổi, một hôm ông không bệnh nhưng bỗng nhiên từ biệt các con và nói: “Giờ Ngọ ngày mai cha sẽ đi”. Ngày mai, đến giờ đã định ông ngồi ngay thẳng mà qua đời.

Thẩm Thuyên

Thẩm Thuyên sống vào đời Tống, nhà ở Tiền Đường, ông cùng với vợ tên Thi Thị chuyên tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Thường ngày nếu làm được việc lành gì đều hồi hướng cầu sinh Tịnh độ. Về sau, hai vợ chồng lần lượt qua đời đều cảm ứng hóa Phật cầm tích trượng tiếp dẫn đi.

Tổ Hương

Vào đời Minh có người tên Tổ Hương, quê ở Tân Dụ, Giang Tây, cư trú tại chùa Long Đàm, Sơn Đông, chuyên tu tịnh nghiệp. Bấy giờ, có cư sĩ Vương Kiệt dựng một thảo am và mời ông đến đó ở. Ở chưa được bao lâu, ông nói với Vương Kiệt:

– Vào ngày nọ tôi sẽ về nhà.

Mọi người đều nài nỉ ông ở lại.

Tổ Hương nói:

– Tôi về nhà An Dưỡng.

Đến ngày ấy, ông trải tòa ngồi xoay mặt về hướng tây mà qua đời. Thi thể ông được mọi người đặt trong khám đưa vào núi, bỗng nhiên phát ra lửa và tự thiêu cháy.

Cư sĩ Tôn Đại Vu

Vào đời Đại Minh có người tên Tôn Thúc Tử, pháp danh Đại Vu. Từ nhỏ, ông đã tỏ ra là một người thông minh, lanh lợi, dũng cảm. Năm mười hai tuổi, theo cha là cư sĩ Kính Ngô đỉnh lễ bốn mươi tám lời nguyện trước tượng Đức Phật A-di-đà. Sau đó, ông vào chùa Vân Thêthụ trì năm giới. Khi trở về nhà, ông tuyệt đối không ăn những thức ăn có ngũ tân và máu thịt. Ông không giao du với ai, cũng không tụng đọc nữa, chỉ chuyên tâm niệm Phật. Vì nhất quyết lấy cho được đài vàng, nên ông siêng năng, chịu khổ không tiếc thân mạng.

Không lâu sau, ông nằm mộng thấy có hai vị tì-kheo cầm hoa sen dùng nhất tâm Tịnh độ ấn khả. Lại thấy đạo nhân[38] tụng kinh Kim cương suốt một ngày một đêm. Ông bỗng giật mình ngồi dậy và nói: “Đức Phật A-di-đà, bồ-tát Quán Thế Âm đều đến rước tôi”. Nói dứt lời, ông kết Kim cương quyền ấn, dõng dạc niệm danh hiệu Phật A-di-đà mấy tiếng rồi an nhiên qua đời.

Bấy giờ, nhằm ngày 11 tháng 11 năm Tân Hợi, niên hiệu Vạn Lịch (1611). Ông có trước tác Tịnh độ thập nhị thời ca lưu truyền ở đời.

Chuyện vãng sinh của ông được ghi lại rõ ràng, đầy đủ trong Tây sinhtruyện của Ngô Thái Sử.

Ghi chú:

Ngô Thái Sử và cư sĩ Quán Ngã đều cho rằng mộ của Đại Vu quanh năm mọc nấm linh chi. Năm ông qua đời, quả thật có loại nấm linh chi lớn bằng cái đấu, quý như vàng, như ngọc, như bánh xe màu hồng phấn.Có thể nói đó là bằng chứng của điềm lành vãng sinh. Vì thế, Tôn Thúc Tử được ghi vào trong Tây sinhtruyện. Lời nói của Trưởng giả Thái Sử là chân thật, nên tôi (Châu Hoằng) mới ghi lại đây.

Tôn Lương

Tôn Lương sống vào đời Tống, người ở Tiền Đường, sống ẩn dật để xem Đại Tạng. Đặc biệt, ông rất thông thạo ý nghĩa của kinh Hoa nghiêm. Ông thụ giới bồ-tát với luật sư Đại Trí và mỗi ngày niệm Phật đến vạn tiếng. Ông niệm như vậy suốt hai mươi năm mà không lúc nào ngừng nghỉ. Bỗng một hôm, ông bảo người nhà thỉnh chư tăng đến niệm Phật để trợ giúp cho ông vãng sinh. Chư tăng đến niệm Phật chưa được bao lâu thì ông nhìn lên trời nói rằng: “Phật và bồ-tát mang hoa sen đến rồi!”. Nói dứt lời, ông nằm xuống và qua đời.

Ghi chú:

Hoa nghiêm hiệp luận ghi:

Bồ-tát cầu sinh Tịnh độ vẫn chưa thông suốt được đại đạo Nhất thừa. Thế thì, Tôn Lương đã nắm được nghĩa lý cốt tủy của kinh Hoa nghiêm, vì sao còn cầu sinh Tịnh độ?

Bởi vì, trong bộ Hoa nghiêm hiệp luận nói cốt để phá trừ chấp kiến cho hàng phàm phu chấp tướng. Đây là người mới thông hiểu Sự Tịnh độ mà chưa thấu tỏ được Lý Tịnh độ. Còn Tôn Lương thì cả Sự lẫn Lý đều đã thông suốt; nghĩa là đối với ông thế giới Hoa Tạng và Cực Lạc Tây phương chỉ có một chứ chẳng phải hai. Cho nên, Tôn Lương cầu sinh về đó là sự thật, chẳng có gì phải nghi ngờ. Những ai luận bàn về việc vãng sinh Tịnh độ phải lấy phẩm Hạnh nguyện của kinh Hoa nghiêm làm cơ sở, và dùng bộ Hiệp luận để tham khảo.

Tôn Trung

Tôn Trung sống vào đời Tống, người ở Tứ Minh, sớm ưa thích cõi Tây phương. Ông xây một cái am ở phía đông Quận Thành để niệm Phật. Một thời gian sau, ông bị bệnh, thỉnh một trăm vị tăng đến niệm Phật liên tục; bỗng ông nhìn lên hư không chắp tay kết Song ấn, rồi an nhiên qua đời. Tất cả người trong thành đều nghe có tiếng nhạc và hương thơm lạ, dần dần bay về hướng tây rồi biến mất. Ba người con của ông bắt chước theo ông niệm Phật và cũng ngồi vãng sinh.

Tống Mãn

Tống Mãn sống vào đời Tùy, người ở Thường Châu, ông dùng đậu để đếm số lần niệm Phật. Số đậu mà ông tích chứa được qua ngày tháng niệm Phật là ba mươi thạch. Vào tháng 9, niên hiệu Khai Hoàng thứ tám (588), sau khi thiết trai cúng dường chư Tăng xong, ông ngồi ngay thẳng qua đời. Lúc ấy, mọi người thấy hoa trời rải xuống và mùi hương thơm lạ, thấy ông nương hư không bay về hướng tây.

Trần Quân Chương

Trần Quân Chương sống vào đời Nguyên, người ở Hoàng Nham, hiền từ ít nói. Năm bốn mươi tuổi, ông cùng với Thất Diệp Thị tụng kinh Pháp hoa và chuyên tâm niệm Phật. Năm sáu mươi tuổi, ông bị bệnh nặng. Một đêm, ông bảo người con tên Cảnh Tinh đỡ ngồi dậy, ông nói:

– Cha đi đây.

Người con hỏi:

– Cha đi đâu?

Ông đáp:

– Chẳng có chỗ nào để đi.

Ông lại nói: “Sau khi cha chết nên thiêu theo cách người xuất gia”. Nói xong, ông chắp tay niệm “Nam mô A-di-đà Phật” và qua đời.

Trịnh Mục Khanh

Trịnh Mục Khanh sống vào đời Đường, người ở Vinh Dương, cả nhà đều tu niệm Phật. Khoảng niên hiệu Khai Nguyên (713), ông bị bệnh nặng, có người khuyên nên ăn cá, thịt cho mau khỏe, nhưng ông kiên quyết không ăn. Biết mình không sống nữa, ông đốt hương cầu vãng sinh thì bỗng có hương thơm lạ xông lên ngào ngạt, ông an nhiên qua đời. Cậu ông là Thượng thư Tô Đĩnh nằm mộng thấy trong ao báu có hoa sen nở và thấy Trịnh Mục Khanh ngồi trên đó.

Trương Nguyên Tường

Trương Nguyên Tường sống vào đời Đường, thường ngày ông chuyên tâm niệm Phật mãi không dứt. Một hôm, ông vội nói với người nhà: “Đức Phật A-di-đà đang đợi, sau bữa ăn trưa xong, tôi sẽ đi với Ngài!”. Ăn trưa xong, ông đốt hương ngồi kết già xoay mặt về hướng tây mà qua đời.

Trương Thuyên

Trương Thuyên sống vào đời Tấn, là anh em bà con của Trương Dã. Ông có phẩm chất thanh cao, tinh thần thoát tục. Trong lúc cày bừa ông luôn mang kinh theo bên mình không tạm rời. Nhiều lần ông được mời ra làm quan nhưng đều từ chối. Ông chỉ vui với cái nghèo của mình. Về sau, ông được đề cử giữ chức Huyện lệnh huyện Tầm Dương, ông cười nói: “Người xưa chọn những nơi vắng vẻ để an thân”.Vậy, bỏ cái khí tiết của mình để nhận lãnh bổng lộc thì có gì là vinh quang?

Rồi ông vào Lô Sơn, tham gia đạo tràng Bạch Liên xã của ngài Tuệ Viễn và chuyên tâm nghiên cứu kinh điển, thông hiểu rất nhiều kinh luận. Đến niên hiệu Cảnh Bình thứ nhất (423), đời Tống, ông không bệnh, nằm xoay về hướng tây niệm Phật và qua đời.

Từ Lục Công

Từ Lục Công sống vào đời Tống, người ở Gia Hưng, làm nghề nông. Hai vợ chồng ông ăn uống đạm bạc, chuyên tâm niệm Phật. Năm bốn mươi tuổi, biết trước mình sắp chết nên ông làm sẵn cái khám. Sau khi thay y phục, ông mang giày cỏ vào ngồi ngay thẳng trong khám. Bỗng chốc ông nói: “Phật đến rước tôi”. Nói dứt lời, ông qua đời.

Vương Điền

Vương Điền sống vào đời Tống, hiệu là Vô Công Tẩu, người ở Tứ Minh. Dù là yếu chỉ Thiền tông hay giáo môn của Thiên Thai, ông đều thông suốt cả. Ông có soạn bộ Tịnh độtự tín lục. Những ngày cuối đời, ông chuyên tâm niệm Phật và ngồi xoay mặt về hướng tây mà qua đời. Lúc ấy, có hương thơm lạ xông lên ngào ngạt. Sau khi hỏa thiêu xong, thâu được 108 viên xá-lợi lớn như hạt đậu.