NHỮNG NGƯỜI CON PHẬT
Hồi ký Hạnh Đoan (viết xong 2011)
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Nhà tôi nằm trước con sông Đồng Nai to rộng. Cả làng ai cũng câu cá, chỉ gia đình tôi là không – do ba má tôi cấm sát sinh triệt để nên chị em tôi chẳng bao giờ có cảnh mò cua bắt ốc, xúc tép gì… Thức ăn chính hằng ngày của chúng tôi là muối xả và rau dại mọc quanh vườn. Nếp sống của gia đình tôi khiến chòm xóm thấy lạ nên họ thường trêu chọc mỗi khi bắt gặp chị em tôi ôm rổ ra vườn hái rau:

– Đừng hái bây! Ai da! Ai da! Coi chừng nó… đau.

Cả nhà tôi sống nhờ vào huê lợi thu họach từ vườn bưởi. Bưởi Biên Hòa ngon nổi tiếng. Tôi nhớ trong vườn nhà tôi có đủ thứ bưởi, bưởi Ổi, bưởi Cóc, bưởi Đường, bưởi Thanh. Tất nhiên vị ngọt nơi mỗi loại bưởi là chính, nhưng bưởi Ổi phảng phất mùi ổi, bưởi Đường ngọt như mật, bưởi Thanh ngọt thanh tao… loại nào cũng ngon lìm lịm… Khi Bà cố tôi mất, cây trái trong vườn chết theo một nửa, tới má tôi qua đời, chúng héo tàn thêm mớ nữa.

Đồng lương khiêm tốn của ba tôi nuôi nổi năm đứa con và hai đứa cháu ăn học là hay lắm rồi. Chúng tôi ăn uống đạm bạc và chẳng biết trồng rau làm rẫy gì. Ngoài giờ học ra, hễ rãnh rỗi là con nít cả xóm tụ lại nhà tôi nô đùa, chơi đủ trò: tạt lon, u mọi, tắm sông… Vì nhà tôi không có người lớn, ba tôi đi làm xa nên chỗ chúng tôi thành điểm hội tụ hấp dẫn, chị hai chị ba tôi nghiễm nhiên thành thủ lĩnh đám lâu la, cùng tổ chức học và chơi rất ra trò.

Khi tôi lên bốn, mẹ tôi mất. Nửa khuya, chột bụng muốn đi ngoài, tôi lay chị Thủy, réo gọi inh ỏi:

– Chị! Dẫn em đi cầu…

Cái tuổi mười ba ham ăn mê ngủ, nằm xuống là say giấc nồng, dễ gì chịu tỉnh mộng? Chị Thủy thèm ngủ quá, mắt nhắm tít nhưng miệng vẫn lên tiếng dọa tôi:

– Nè, nè! Con gì nó… hụ kìa!

Tôi dỏng tai nghe ngóng, tim đập thùi thụi, hình như có con gì nó… hụ thiệt, thế là tôi im bặt, không lay chị, không đòi đi ngoài nữa mà tôi đi… trong.

Sáng ra, chị Thủy mới thấy điều tai hại không dẫn tôi đi ngoài, chị cầm kéo cắt bỏ chéo mùng bị dính bẩn, vứt luôn cái quần ngát hương thum thủm của tôi. Vậy là xong.

Năm tuổi, thấy các chị bơi lội chơi đùa rất vui, giòng nước trong xanh đầy mời gọi… tôi thèm lắm. Thế là tôi đứng trên bờ réo gọi, vòi vĩnh:

– Cho em tắm với…

Chị Thủy cười bảo:

– Nhảy xuống đây!

Tôi nhảy thẳng xuống và… chìm tận đáy sông. May là con sông nước không chảy xiết, mọi người mò vớt được tôi, đem lên cấp cứu kịp thời.

Chị Thủy thất kinh nói:

– Ai mà biết biểu nhảy là nó nhảy liền, không sợ gì hết chứ?…

Năm tôi lên sáu, một buổi chiều trời chập choạng tối. Bỗng dưng chị Thủy từ ngoài hớt hãi chạy vào lôi xệch tôi, kéo xuống gầm giường ẩn trốn cùng chị. Tôi kinh hoàng lắm, vì gan dạ như chị Thủy mà còn phải trốn nữa kìa…Lát sau, tôi nghe tiếng chân dậm thình thịch trên nền nhà, rồi một ông kẹ mặc áo thụng đen, miệng khè lửa, bước vào, tôi sợ kẹ… cắn quá, run bần bật.

Sau này lớn lên 16-17 tuổi rồi, mà vẫn còn ngờ nghệch, tôi hỏi chị Thủy:

– Nhà mình có… ông kẹ thiệt hả chị?

Chị Thủy bật cười:

– Kẹ nào? Anh Bi giả chứ ai?

– Sao cái miệng… khè lửa thấy ghê vậy?

Thì ảnh ngậm đầu nhang cháy trong miệng… mới dọa em được chớ!

Ra là vậy. Tôi lớn lên trở thành nhút nhát, có tính hay sợ ma, sợ kẹ, tất cả là tại anh, tại chị!

Bây giờ chị Thủy không còn đem kẹ hoặc ma hay “con gì hụ”… để dọa tôi nữa, chị tiếp tục hù tôi kiểu khác:

– Mày mà không đi tu, mê ở ngoài đời, sau này khổ chết luôn!

Tim tôi lại đập thùi thụi, ông kẹ thì tôi “thấy” rồi, “con gì hụ” cũng nghe rồi, nhưng… khổ? – “Khổ chết luôn” (?) thì chưa biết, (tôi chưa hình dung được, nhưng cũng sợ đến ám ảnh… thêm vào đó ba tôi cũng thích tôi đi tu)… Thế là sau nhiều ngày băn khoăn, suy tư, tôi quyết định xuất gia ‘tránh khổ”.

Giòng sông Đồng Nai vào mùa nắng nước trong xanh, tôi có thể trầm mình cả ngày trong đó, nhưng người lớn chẳng ai để tôi toại ý. Với tôi, giòng sông không là nguồn cung cấp cá tôm mà là “tuyệt cảnh”. Vì mặt tiền nhà tôi hướng ra sông, thường xuyên đón gió mát lồng lộng thổi vào. Lúc ăn cơm tôi có thể vừa bưng chén cơm ra trước hiên, vừa nhai cơm vừa ngắm ghe thuyền qua lại. Những khi buồn tôi có thể ra ngồi trên chiếc cầu bắc ra sông… tôi là út, nhỏ nhất, lúc đó mới bốn năm tuổi… ba tôi đi làm xa, tôi qua hàng xóm chơi, anh chị đi học hết và khóa kín cửa nhà – khiến tôi về, không vào được – thế là tôi chỉ còn nước đi xuống cây cầu bắc ra sông, ngồi khoanh tay úp mặt vào đầu gối, buồn thỉu buồn thiu. Có lần bà con lên thăm, thấy tôi ngồi một mình, chung quanh nước mênh mông, họ bật khóc vì sợ tôi sơ sẩy chết chìm.

Buổi tối, anh chị em tôi cùng kéo ra bờ sông. Leo hết lên chiếc giường tre đóng trên sông, cùng nằm ngắm trăng, trò chuyện, vui đùa. Tôi gọi chiếc giường – vì nó giống hệt cái giường, ba phía có thành cao hướng ra sông, chỉ có một mặt là đóng gá vào vách bờ để chúng tôi tiện lên xuống, bước ra vô dễ dàng.

Khi tôi đi tu, nhà cũng đã bán, vườn bưởi điêu tàn, chỉ có giòng sông không thể mang theo, giòng sông chứa đầy kỷ niệm và niềm yêu thích của tôi.

Vậy thì làm Ni có vui không?

Có lần tôi nhận cú phone của chị X (một người quen) chị bảo:

– Chị vừa nói chuyện với sư cô H, hợp lắm, thật là thích! Cổ cũng ghét Ni giống như chị! -Mấy bà Ni là nghiệp nặng, nhiều chuyện! Chị có tiền thì chỉ thích cúng Tăng, cúng Ni đâu có phước đức gì!

Chị nói một thôi một hồi, không để tôi lên tiếng. Thật tình, tôi khó mà thốt được nên lời… Chị X thường xuyên gọi điện cho tôi để “xả xú bắp” kiểu này, những lúc đó tôi chỉ có im lặng nghe và cảm thấy thương Ni dào dạt.

Tôi là Ni, chị chê Ni thì cũng giống như chê tôi. Mà lạ, bị chê dù đúng cũng khó thông cảm, được khen dù trật sao dễ tiếp thu và lòng cứ vui phơi phới như thể mình hay thiệt vậy (?).

Mà hình như phái nữ có nghiệp nặng thiệt – Nhất là sinh làm phụ nữ Ấn Độ và Trung Hoa, chẳng sướng như phụ nữ Tây phương. VN bị Trung Hoa đô hộ ngàn năm, cũng chịu ảnh hưởng Trung Hoa rất sâu. Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ, truyền sang Trung Hoa rồi tới VN (nếu tính theo hướng Bắc truyền) VN cũng cập nhật nồng hậu quan niệm trọng nam khinh nữ dày đặc của Ấn-Hoa, nên phụ nữ tha hồ “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” . Bên Trung Hoa, ngày xưa hễ sinh bé gái là người ta thường thả trôi sông. Còn Ấn Độ? Cách đây mười mấy năm, tình cờ tôi xem phóng sự trên ti vi, thấy chiếu cảnh các cô gái 15-16 của các gia đình nghèo bên Ấn Độ được cha mẹ đem ra chợ bày bán, họ ngồi buồn hiu. Ai có tiền thì mua đem về làm nô lệ, xử dụng tùy ý. Một bà già Ấn tâm sự với phóng viên: Bà ta đã giết năm đứa con gái, vì mỗi lần siêu âm, hễ phát hiện là nữ thì gia đình chồng bắt phá ngay. Hiện thời bà có ba con trai đều đã trưởng thành, nhưng chúng chẳng ngó ngàng hay chăm sóc gì đến bà.

Như vậy đủ thấy, phụ nữ thời này cách Phật mấy ngàn năm, mà số phận đáng thương dường ấy, thế thì vào thời xưa, những khổ đau mà họ phải gánh chịu chắc là nặng nề và “đậm đặc” hơn nhiều. Cho nên, dùng từ “nghiệp nặng” dành cho phụ nữ xem ra vẫn còn nhẹ lắm lắm…

Còn bị phê phán: “Nhiều chuyện” thì sao? – Có câu tục ngữ “Ba bà bốn chuyện”, người ta còn ví von: “ Đem một con vịt thả vào giữa mấy bà thì thành cái chợ!” chứ chẳng ai ví: “…thả vào chỗ mấy ông”, nên có lẽ miêu tả này cũng không oan. Nhưng tôi cũng có thể nói: “Đem con vịt thả vào chỗ mấy ông sẽ thành… tiệc nhậu!”

Những câu chị X phàn nàn thật ra vẫn còn ít – Bởi chỉ có vài ba! Tôi là Ni, tự xét riêng phần mình cũng thấy tật tánh đã lên tới hàng tá! Nói đúng hơn, mớ tính xấu (tôi chưa gột hết kịp) mang theo từ vô thủy đến giờ, e còn cao hơn núi, không phải ra công san một cái là nó bằng liền. Chưa kể là tỉnh kịp thì buông, không tỉnh kịp thì bị nó xỏ mũi kéo chạy dài dài…

Nhưng mà, tính xấu có nhiều bao nhiêu không không quan trọng, quan trọng là chịu sửa. Phật đã xác nhận: Phái nữ có thể tu đắc quả, có thể chứng thánh; có thể giác ngộ, giải thoát…

Thật ra, Tăng hay Ni đều là con phật, đồng gánh trọng trách hoằng truyền phật pháp, hóa độ chúng sinh. Đồng là thầy, là bậc đàn anh, đàn chị có bổn phận dìu dắt đàn em, chỉ đường giúp chúng sinh thoát khổ lìa mê.

“Chẳng sợ người trách mình, chỉ sợ mình tệ hơn người ta nói”. Cho dù bị người chê trách, nói mình có nhiều thói hư tật xấu, nhưng nếu tự kiểm bản thân, xét thấy những tật xấu ấy không hề hiện hữu, hoặc đã được gột sạch hết – thì có gì đáng để phiền lòng? – Như lá sen dù xuất thân từ bùn, một khi đã vươn lên vượt khỏi bùn nhơ thì dù có đem vài giọt bùn trét lên, lá sen vẫn vô nhiễm.

Thật thú vị khi sen được lấy làm biểu tượng trong đạo. Chúng ta sinh ra giữa hồng trần, đi giữa hồng trần, còn là chúng sinh thì ắt phải có đủ thói tật phàm phu (Không có mới lạ)! Một vị minh sư đã nói: “Là phàm phu thì ai cũng có lắm tật – nếu không có – thì không phải là phàm phu”.

Nhưng tu – có nghĩa là buông bỏ, là chuyển phàm thành thánh, là noi gương theo phật, hành những gì phật đã làm. Thì có nghĩa gì đâu những lời bình phẩm “Nam trọng nữ khinh”, “Tăng quý Ni tiện”. Đôi khi những lời bình phẩm bất chợt đó còn là những lời cảnh tỉnh rất tốt, giúp ta luôn nhớ để tự kiểm lại mình, để xét xem bản thân còn nhiều thói hư tật xấu hay không.

Vậy thì chiếc áo – hay hình hài ta khoác bên ngoài – không quan trọng, quan trọng là phẩm cách, là cái tâm, là cốt lỏi bên trong. Là nam hay nữ, Tăng hay Ni, mang thân phận quý nhân hay tiện nhân không quan trọng, quan trọng là tâm cống hiến độ sinh, là tấm lòng yêu thương vị tha, là những lợi ích mà ta đem đến được cho đời.

Ta có được đấng đạo sư là Phật, vậy mà dường như có lúc ta quên tấm gương sáng chói của Ngài. Giáo sư Max Miller, một Học giả người Đức đã tán thán: “Đức Phật là hiện thân của tất cả các đức hạnh mà Ngài thuyết giảng. Suốt 45 năm dài hoằng pháp, Ngài đã chuyển tất cả những lời nói của mình thành hành động. Luân lý, giáo pháp đạo đức căn bản của đức Phật là hoàn hảo nhất mà thế giới chưa bao giờ biết đến”.

Còn Tiến Sĩ S. Radhakrishnan đã ca ngợi ngôn ngữ thiện lành của Thế Tôn: “Không một lời thô bạo nào được thấy thốt ra từ nơi đức Phật trong cơn tức giận, chưa từng có một lời thô bạo nào được thấy thốt trên môi đức Phật kể cả trong lúc tình cờ”.

Phật là vậy đó, ta là con Phật nhưng giống ngài ít quá. Nhất là nữ giới, khẩu nghiệp vẫn còn tùy tiện phóng túng, (chẳng chịu gìn lời như giữ mạng). Thế tôn luôn nhắc nhở: “Họa nằm trong miệng, ác nghiệp của khẩu đốt hết rừng công đức”… nhưng ít ai lưu tâm. Người ta có thể cúng dường, bố thí nhiều, nhưng không để ý đến việc cẩn ngôn, hình như bỏ tài vật ra biếu, cúng… thì dễ; còn tu sửa mình (không tốn tiền) lại quá khó ? Chúng ta thường xuyên quên pháp ái ngữ Phật dạy – không nhớ đến Ngài đã cư xử, nói năng như thế nào. Đó là lý do vì sao tôi cứ nghe mãi những câu hỏi: “Má con hay đi chùa nhiều, mà sao còn chửi dữ quá?” – Câu hỏi làm tim tôi nhức nhối, xốn xang.

Có lần tôi chứng kiến cảnh người mẹ thoa thuốc cho con, đứa con hoài nghi thì bà bảo: – Tao thoa mà không lành thì mày… chặt tay tao đi! (kết quả vẫn không lành).

Hoặc giả, một cô gái giận người bạn ở trọ chung, đùng đùng xách hành lý đi, nói: “Tao mà còn quay lại đây nữa thì tao thề làm… gái!” nhưng rồi sáng hôm sau cô vẫn quay trở lại như chưa từng xảy ra việc gì. Thật ra, những chuyện này đâu cần phải dùng từ thô bạo đến vậy, khi mà tất cả nhân xấu mình gieo đều phải thọ báo, có đáng tiếc hay không?

Có lẽ sẽ có người bảo: Những nhân vật tôi nêu lên thuộc tầng lớp phụ nữ bình dân trong thế gian, họ là phàm phu, là người đời – không phải tu sĩ! Chẳng nên đòi hỏi thái quá – Vậy thì tôi xin kể thêm về một phụ nữ thứ ba! Thật ra việc tu sửa dành chung cho đạo lẫn đời, tu một chút là được lợi một chút. Giống như chúng ta giữ vệ sinh nhà tốt, thì ta hưởng bầu không khí thoáng sạch, người lân cận cũng được khỏe lây. Ta vệ sinh, khử bụi trong tâm tốt thì ta hưởng an lạc, người chung quanh cũng được vui lây.

Tôi có người bạn gái (đạo Chúa) rất thân tên Nga, Nga rất mê ăn bún riêu cua, chẳng biết Phật là gì. Nhưng giao du với tôi, Nga cũng nghiên cứu Phật chút chút, ăn chay chút chút. Rồi Nga sang định cư Mỹ, thỉnh thoảng phone về hỏi chuyện đạo với tôi, luôn yêu cầu tôi thấy Phật pháp có gì hay thì nhớ chia sẻ, phần Nga sẽ ráng tu, nguyện cùng làm pháp lữ.

Nói ra thật xấu hổ. Tôi không giỏi giang – nhưng vì tình bạn, đành nhận hứa sẽ giải đáp mọi thắc mắc của Nga trong khả năng mình –

Bước đầu tập tu, Nga kể mình tập ăn chay ngày, dần dần ăn chay tháng, nhưng ba năm gần đây Nga thông báo với tôi là đã ăn chay trường, và hôm qua Nga phone về kể tiếp: Nga nguyện đời đời ăn chay. Tôi nghe Nga nói lòng bồi hồi sung sướng, mừng như bắt được vàng.

Nga sống độc thân, có toàn quyền lựa chọn tín ngưỡng theo ý mình, và cuối cùng Nga đã đến với Phật. Dù đến với đạo muộn, tuy là cư sĩ nhưng Nga lại là đứa con rất ngoan với Phật.

Nga kể tôi nghe chỗ Nga làm có mấy cô bạn đồng nghiệp, thấy kiểu sống của Nga cũng rùng rùng tập tu theo. Họ cùng ước hẹn: “Không nói dối và nguyện cẩn ngôn tối đa” như phật dạy.

Thế là quỹ nộp phạt được lập ra, ai mê muội buông lời lỗi sẽ phải nộp phạt, mỗi lỗi là 1USD. Tiền này được dùng vào việc làm phước.

Tôi hỏi Nga: – Tình hình diễn tiến thế nào?

Nga kể: – Mới đầu tụi em nộp phạt đừ luôn, con heo tha hồ no căng! Cô biết tại sao không? -Có hai mẹ con bà Mỹ vào tiệm, nhỏ Ngọc chủ tiệm bảo em săn sóc người mẹ, vì tính cô con gái khó chịu, kỳ cục hơn. Em phán ngay: “Mẹ cũng mad như con chứ kém gì đâu!”…Thế là phải nộp phạt!

– Rồi sao nữa?

Vài người khách vào, tụi em quen tật bình phẩm rồi, nên mở miệng: – Tên này mập, xấu, nhìn mắc cười quá!… vậy là – nộp phạt tiếp!

– Làm nail cho khách thì phải trò chuyện với họ, họ mới vui, mới hoan hỉ “boa” và không “đỳ” mình. Họ hỏi em vì sao ngày nghỉ mà vẫn chịu khó đi làm siêng năng ? Em đáp liền: “ Chồng nhiều con đông thì phải lo làm chứ!

Lại bị phạt – cái tội nói dóc – Ngọc còn nhắc em: – Không có mà nói cho có! Kiếp sau gặp phải cảnh nhiều chồng con đông y như lời đã nói cho Nga… chết luôn! Em hoảng quá, nộp 2USD cho hai lỗi…

– Nhưng mấy tháng nay thì tiến bộ rồi, chẳng đứa nào dám hó hé, bép xép nhiều nữa nên nộp phạt cũng ít đi. Nhờ vậy tụi em giữ được nghiệp thiện cho miệng. Vậy chứ những lúc ế khách, vắng khách dễ phạm lỗi lắm. Bởi không có khách thì xúm nhau nói chuyện, mà đã nói chuyện thì không dính lỗi này cũng phạm lỗi kia. Thế là tụi em quyết định nói chuyện… bằng tiếng Anh, vừa trau giồi Anh ngữ, vừa tránh được phạm lỗi. Vì nói tiếng Việt diễn tả dễ nên phạm lỗi rất nhanh. Còn tiếng Anh do tụi em không giỏi nên phải động não rất lâu để tìm từ cho đúng, nên lỗi không kịp phát sinh, nhờ vậy mà yên… Con heo bây giờ ốm rồi. em khám phá ra một điều: Phóng túng lời cũng thành thói quen, mà lưu tâm giữ gìn riết cũng tạo thành tập quán rất hay. Càng tu càng thấy vui, nhất là khi mình bỏ được cái tệ. Không những chỉ có niềm vui về mặt đó mà còn nhiều phương diện khác nữa… nhưng em nói với cô như vầy có rơi vào lỗi khoe khoang không?

– Không! Không phải khoe đâu, Nga đang chia sẻ kinh nghiệm tu mà, có tiến bộ thì phải nói cho cô mừng chứ!

– Vậy thì báo tin mừng cho cô, cuối tuần này có giới đàn, em sẽ đi thọ Bồ tát giới… em nhớ lời cô khuyên, lúc nào cũng nuôi dưỡng, ráng phát huy tâm từ bi và trí tuệ, sau mỗi thời kinh em có hồi hướng công đức cho mấy con cua hồi xưa em giết chúng…

Buông điện thoại xuống, tôi và Nga đều vui. Hình như tôi rất giỏi khuyên người những điều mình chưa làm được. Nga là cư sĩ, nhưng tu vượt qua mặt tôi cái vù, nếu tôi mà nộp phạt như Nga, chắc là tôi sạch túi.

Rõ ràng phụ nữ mà chịu tu cũng… rất dễ thương (Phải không?). Mong sao những người con Phật đều giống Ngài – dù là nam hay nữ, dù là là Tăng hay Ni – tất cả đều sẽ hành xử như Phật, đều có đầy đủ đức tính bao dung, vị tha, hào hiệp… để dìu dắt chúng sinh – làm rạng danh Như Lai – đem giáo pháp ngài truyền bá khắp nơi, khiến mọi người đều hưởng được niềm an lạc.