như ý thông

Phật Quang Đại Từ Điển

(如意通) Cũng gọi Như ý túc thông, Thân như ý thông, Thân thông, Thần cảnh trí chứng thông, Thần cảnh trí thông, Thần túc thông. Sức thần thông có thể bay đi vô ngại và tự tại chuyển biến cảnh giới, hóa hiện các loài như người… Là 1 trong 5 thần thông, 1 trong 6 thần thông. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 5 thì có 3 loại Như ý: Năng đáo, Chuyển biến và Thánh như ý. Trong đó, Năng đáo (có thể đến nơi)lại chia làm 4 thứ: 1. Thân có thể bay đi, như chim không bị ngăn ngại. 2. Dời xa lại gần, không đi vẫn đến. 3. Biến mất ở nơi đây, hiện ra ở đằng kia.4. Chỉ một niệm liền đến. Chuyển biến có nghĩa là lớn có thể biến thành nhỏ, nhỏ có thể biến ra lớn, một biến ra nhiều, nhiều biến thành một… Tức là đối với mọi vật đều có thể chuyển biến một cách tự do, tự tại. Thánh như ý nghĩa là quán tưởng vật chẳng vừa ý và nhơ nhớp trong 6 trần thành vật trong sạch; quán tưởng vật vừa ý và trong sạch thành nhơ nhớp. Pháp Thánh như ý này chỉ Phật mới có được. Như ý thông nói trên là do tu 4 Như ý túc(4 thần túc)mà lần lượt sinh ra, chứ chẳng phải được liền 1 lúc. Lại nữa, trong Như ý thông thì 4 thứ Năng đáo tương đương với 3 thứ thần dụng là Vận thân, Thắng giải và Ý thế được nói trong luận Đại tì bà sa. Còn Chuyển biến tương đương với Thế tục sở hân(cái mà người thế tục thích), Thánh như ý tương đương với Thánh giả sở nhạo (điều mà bậc Thánh ưa)… Do đó đủ biết những điều mà 2 bộ luận này(tức Đại trí độ và Đại tì bà sa)nói phần nhiều giống nhau. Ngoài ra, luận Du già sư địa quyển 37, đem Thần cảnh trí thông (Như ý thông) của Phật và Bồ tátchialàm 2 thứ là Năng biến thông và Năng hóa thông. Trong đó, Năng biến thông có 18 thần biến là: Chấn động (làm rúng động khắp tất cả thế giới), Xí nhiên (lửa cháy bừng bừng), Lưu bố(ánh sáng chiếu khắp nơi), Thị hiện(tùy theo ý muốn mà thị hiện), Chuyển biến (biến vật này thành vật khác), Vãng lai(tùy ý muốn mà qua lại khắp nơi không gì làm cho trở ngại được), Quyển (biến xa thành gần), Thư(biến gần thành xa), Chúng tượng nhập thân(cóthể làm cho các hình tượng như người, vật đi vào thân mình), Đồng loại vãng thú(có thể đi đến các chúng Sát đế lợi, Bà la môn cho đến chư thiên… đồng hóa như họ về sắc tướng, ngôn ngữ… để diễn nói chính pháp), Hiển(hiện thân 1 cách tự do, tự tại trăm nghìn lần trước đại chúng), Ẩn (có thể ẩn giấu thân mình trăm nghìn lần 1 cách tự tại), Sở tác tự tại(trong tất cả thế giới của loài hữu tình có thể đi lại tự tại, không bị trở ngại), Chế tha thần thông(có năng lực chế phục thần thông của kẻ khác không cho biến hiện),Năng thí biện tài(nếu khi chúng sinh hết khả năng biện luận thì có khả năng ban cho sức biện tài), Năng thí ức niệm(đối với chính pháp, nếu chúng sinh không ghi nhớ được thì có thể ban cho sức ghi nhớ),Năng thí an lạc(có thể ban cho những người nghe pháp niềm yên vui khiến thân tâm được lợi ích)và Phóng đại quang minh(dùng thần thông phóng ra vô lượng ánh sáng, làm các Phật sự giúp cho chúng sinh được vô lượng lợi lạc). Năng hóa thông thì có 3 thứ biến hóa là: Hóa thân, Hóa cảnh và Hóa ngữ. [X. luận Đại tì bà sa Q.141; luận Câu xá Q.27; luận Tập dị môn túc Q.15; luận Thành thực Q.16; Thập địa kinh luận nghĩa kí Q.8]. (xt. Thập Bát Biến, Ngũ Thông, Lục Thông, Tứ Thần Túc).