như ý luân mạn đồ la

Phật Quang Đại Từ Điển

(如意輪曼荼羅) Mạn đồ la lấy bồ tát Quan âm Như ý luân làm vị Trung tôn mà kiến lập. Có nhiều thuyết khác nhau: 1. Cứ theo phẩm Đàn pháp trong kinh Như ý luân đà la ni, thì Mạn đồ la này chia ra Nội viện và Ngoại viện, ở chính giữa Nội viện vẽ 1 hoa sen nở gồm 32 cánh, trên đài sen đặt bồ tát Thánh quán tự tại Như ý luân 2 tay. Bốn phương vẽ tượng minh vương Viên mãn ý nguyện, bồ tát Đại thế chí, minh vương Quan thế âm mã đầu và minh vương Quan thế âm tứ diện. Bốn góc thì vẽ bồ tát Bạch y quan thế âm mẫu, bồ tát Đa la, La sát nữ nhất kế và bồ tát Tì câu chi. Bốn phương của Ngoại viện thì vẽ trời Đế thích, vua Diêm ma, Thủy thiên và trời Đa văn, 4 góc là thần Hỏa thiên, vua La sát, vua Phong thiên và vua Đại tự tại thiên. Xen vào đó còn vẽ các tượng Nhật thiên tử, Nguyệt thiên tử, Địa thiên thần, Đại phạm thiên vương, A tố la vương và minh vương Thủy phược bà ca. 2. Cứ theo Biệt tôn tạp kí quyển 18, thì Nội viện có 1 vòng tròn to bằng bánh xe lớn, ở giữa vòng tròn là tượng bồ tát Quan thế âm Như ý luân 2 tay; 4 phương và 4 góc đặt 8 vị Đại Quan âm gồm minh vương Viên mãn ý nguyện…(như đã nói ở trên). Bốn góc phía ngoài vòng tròn vẽ hình 4 vị bồ tát Nội cúng dường: Hí, Man, Ca, Vũ. Bốn phương của Ngoại viện đặt 4 Nhiếp bồ tát: Câu, Sách, Tỏa, Linh và 4 góc là 4 bồ tát Ngoại cúng dường: Hương, Hoa, Đăng, Đồ. Còn mặt đông của Ngoại viện là Nguyệt thiên, Đa văn thiên; mặt nam là Tự tại thiên, Phạm thiên, Đế thích thiên, Hỏa thiên, mặt tây là Địa thiên, Diệm ma thiên; mặt bắc là La sát thiên, Nhật thiên, Thủy thiên và Phong thiên. Ngoài ra, kinh Thất tinh như ý luân bí mật yếucó nêu Mạn đồ la Thất tinh như ý luân, ở giữa cũng an trí bồ tát Quan âm Như ý luân 2 tay làm trung tâm, nhưng 4 chung quanh thì vẽ 7 ngôi sao Bắc đẩu và thần Quỉ tử mẫu.