như lai tiếu bồ tát

Phật Quang Đại Từ Điển

(如來笑菩薩) Như lai tiếu, Phạm: Tathàgata-hàsa. Hán âm: Đát tha nga tha ha sa. Vị Bồ tát ngồi ở phía cực nam trong nội viện Thích ca của Hiện đồ mạn đồ la Thai tạng giới, Mật giáo. Vị tôn này vốn là tướng răng của đức Như lai, biểu thị cho cái đức hoan hỉ của Ngài, tương đương với bồ tát Như lai thần (môi)hoặc bồ tát Như lai khẩu(miệng)ở viện Biến tri trong Mạn đồ la do A xà lê truyền. Mật hiệu là Hoan hỉ kim cương, Phá nhan kim cương. Hình tượng vị tôn này toàn thân màu da người, ngồi xếp bằng trên hoasen đỏ, miệng mở răng lộ, cánh tay phải giơ lên, lòng bàn tay úp xuống, đặt ở gần miệng; tay trái nắm lại để ở cạnh eo, cầm hoa sen nở. Chủng tử là (hà) hoặc (ha#). Hình tam muội da là hoa sen nở. Ấn khế và chân ngôn thì dùng ấn khế và chân ngôn của bồ tát Kim cương tiếu. (xt. Như Lai Thần Bồ Tát). NHƯ LAI TRANG NGHIÊM TRÍ TUÊ QUANG MINH NHẬP NHẤT THIẾT PHẬT CẢNH GIỚI KINH Cũng gọi Như lai nhập nhất thiết Phật cảnh giới kinh, Trí tuệ trang nghiêm kinh, Như lai trang nghiêm Phật cảnh giới kinh. Kinh, 2 quyển, do ngài Đàm ma lưu chi dịch vào năm Cảnh minh thứ 2(501) đời Bắc Ngụy, được thu vào Đại chính tạng tập 12. Nội dung kinh này tường thuậtviệc đức Phật tuyên thuyết pháp bất sinh bất diệt, mở bày bản nghĩa pháp thân Như lai, đạo lý phương tiện thị hiện và đại dụng tùy cơ giáo hóa; đồng thời, nói rõ về nghĩa bồ đề và hạnh Bồ tát cho Đồng chân Diệu cát tường (Văn thù sư lợi)nghe. Kinh này còn có 3 bản dịch khác là: 1. Đại thừa nhập chư Phật cảnh giới trí quang minh trang nghiêm, do ngài Pháp hộ dịch vào đời Tống. 2. Độ nhất thiết chư Phật cảnh giới trí nghiêm kinh. 3. Bản dịch tiếng Tây tạng. Trong các bản dịch trên, bản của ngài Hộ pháp có nội dung rộng nhất, còn bản Độ nhất thiết chư Phật cảnh giới trí nghiêm kinh thì vắn tắt hơn cả và rất gần với nguyên bản.[X. Ancient Khotan, Plate CIX].