như lai thiền

Phật Quang Đại Từ Điển

(如來禪) I. Như Lai Thiền. Chỉ cho Thiền định của Phật địa, là 1 trong 4 loại thiền, có xuất xứ từ phẩm Tập nhất thiết pháp trong kinh Đại thừa nhập lăng già quyển 3. Tức là thiền định tiến vào đất Như lai, chứng được 3 thứ vui của Thánh trí, thị hiện diệu dụng rộng lớn không thể nghĩ bàn làm lợi ích cho chúng sinh. II. Như Lai Thiền. Một trong 5 loại thiền(Ngũ vị thiền). Trong Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự quyển thượng, phần 1, ngài Tông mật chia thiền định làm 5 loại, trong đó, loại thứ 5 Tối thượng thừa thiền được gọi là Như lai thanh tịnh thiền, gọi tắt là Như lai thiền, cũng gọi Nhất hạnh tam muội, Chân như tam muội. Chỉ thú của loại thiền này là trực ngộ tâm mình xưa nay vốn thanh tịnh, không có phiền não, đầy đủ trí tính vô lậu. Tâm thanh tịnh này không khác với Phật, tâm này tức là Phật, vì thế nên ngài Tông mật gọi đó là Như lai thanh tịnh thiền và cho đó là thiền do môn hạ Tổ Đạt ma trao truyền cho nhau. Nhưng từ giữa đời Đường trở về sau, Thiền tông nhân thịnh hành các phương thức bất lập văn tự, kiến tính thành Phật, như đánh hét, tọa thiền… trong việc tiếp hóa người học; thêm nữa, đương thời Như lai thiền lại bị kẹt vào danh tướng nghĩa giải mà không đạt đến mùi vị thiền chân thực do Tổ sư Đạt ma từ Ấn độ truyền sang. Vì thế, Thiền sư Tuệ tịch ở Ngưỡng sơn mới lập ra tên gọi Tổ sư thiền, lấy đây làm tâm ấn do Tổ Đạt ma truyền, biểu thị ý nghĩa các Tổ sư dùng tâm ấn tâm trao truyền cho nhau để phân biệt với các loại thiền khác trong nội giáo. [X. chương Ngưỡng sơn Tuệ tịch trong Cảnh đức truyền đăng lục Q.11]. (xt. Ngũ Vị Thiền, Tổ Sư Thiền).