như lai tạng kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(如來藏經) Kinh, 1. Có 2 bản dịch ra chữ Hán. 1. Đại phương đẳng Như lai tạng kinh, do ngài Phật đà bạt đà la (Phạm: Buddhabhadra, Giác hiền – 359-429) dịch vào năm Nguyên hi thứ 2 (420) đời Đông Tấn, được thu vào Đại chính tạng tập 16. 2. Đại phương quảng Như lai tạng kinh, do ngài Bất không Kim cương (Phạm: Amoghavajra, 705-774) dịch vào khoảng năm Đại lịch (746-771), đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 16. Hai bản dịch trên đây chỉ khác nhau chút ít, nhưng nội dung bản dịch của ngài Bất không tương đối phong phú và rõ ràng hơn bản dịch của ngài Phật đà bạt đà la. Ngoài ra, hiện còn có bản dịch Tây tạng. Kinh này có 4 lần được dịch ra chữ Hán, nhưng hiện nay chỉ còn bản dịch thứ 3 và thứ 4. Bản đầu tiên do ngài Pháp cự dịch vào đời Tây Tấn, cứ đó suy ra ta có thể biết kinh Như lai tạng đã được truyền vào Trung quốc khoảng thế kỉ III Tây lịch. Vì kinh này giải thích rõ về Như lai tạng (Phạm: Tathàgata-garbha) nên gọi là Như lai tạng kinh. Nội dung nói rõ mặc dù chúng sinh sống trong phiền não khổ đau, nhưng Như lai tạng cũng không vì thế mà bị nhiễm ô; đồng thời, dùng 9 thứ thí dụ để thuyết minh tự tính thanh tịnh của Như lai tạng. Phần thí dụ này chiếm phần lớn bộ kinh. Về hình thức thì sau mỗi đoạn văn trường hàng(văn xuôi)đều có kệ trùng tụng (văn vần lập lại ý chính trong đoạn văn xuôi). Nội dung kinh chỉ nhấn mạnh đến Như lai tạng chứ không nói rõ về mối quan hệ giữa Như lai tạng và thức A lại da. Cứ theo hình thức nội dung và niên đại phiên dịch mà suy đoán, thì kinh này là tác phẩm xuất hiện sớm nhất trong số các kinh luận nói về Như lai tạng. Ý chỉ nòng cốt: Như lai tạng của hết thảy chúng sinh là thường trụ bất biến trong kinh này sau được kinh Niết bàn kế thừa và triển khai thành thuyết Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính.