như lai tạng duyên khởi

Phật Quang Đại Từ Điển

(如來藏緣起) Cũng gọi Chân như duyên khởi. Chỉ cho tâm tự tính thanh tịnh của Như lai tạng sinh khởi hết thảy muôn pháp, loại thứ 3 trong 4 loại duyên khởi. Tư tưởng Duyên khởi luận này được nói rõ ràng trong kinh Lăng già và kinh Mật nghiêm. Nghĩa là Như lai tạng 1 mặt thường trụ bất biến, đồng thời, mặt khác, lại tùy duyên khởi động mà biến sinh ra muôn vật. Tiến trình Như lai tạng tùy duyên khởi động là: Trước hết, nhất tâm của Như lai tạng bị ác tập của vô minh từ vô thủy đến nay huân tập(xông ướp)mà thành thức A lại da(Tàng thức), kế đó là từ Tạng thức hiện khởi muôn vật, nhưng bản tính của Như lai tạng vẫn không bị tổn hại, mà lại trở thành mối quan hệ Như lai tạng là thể, còn Tàng thức là tướng. Lại nữa, thực thể của Như lai tạng có 2 nghĩa Chân như môn và Sinh diệt môn. Đứng về phương diện Chân như môn mà nói, thì thể của Như lai tạng là nhất vị bình đẳng, tính không sai khác; còn đứng về phương diện Sinh diệt môn mà bàn, thì Như lai tạng tùy duyên nhiễm tịnh mà sinh khởi các pháp, như theo duyên nhơ nhớp mà sinh ra 6 đường, theo duyên trong sạch mà biến hiện ra 4 Thánh v.v… [X. kinh Nhập lăng già Q.1, 2, 7; kinh Đại thừa mật nghiêm Q.hạ; Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí Q.trung, phần đầu]. (xt. Tứ Chủng Duyên Khởi).