như lai tạng

Phật Quang Đại Từ Điển

(如來藏) I. Như Lai Tạng. Phạm: Tathàgata-garbha. Chỉ cho pháp thân Như lai xưa nay vốn thanh tịnh(tức là tự tính thanh tịnh)ẩn tàng trong thân phiền não của hết thảy chúng sinh, nhưng không bị phiền não làm ô nhiễm, bản tính vẫn tuyệt đối thanh tịnh và vĩnh viễn bất biến. Mặt khác, tất cả hiện tượng ô nhiễm và thanh tịnh đều duyên theo Như lai tạng mà sinh khởi, gọi là Như lai tạng duyên khởi. Trong các kinh luận, tư tưởng này thường được dùng để nói rõ về ý nghĩa mê và ngộ đối lập trong con người. Chương Pháp thân trong kinh Thắng man (Đại 12, 221 hạ) nói: Pháp thân Như lai không lìa phiền não tạng, gọi là Như lai tạng. Kinh Đại phương đẳng Như lai tạng cũng nêu 9 thí dụ như: Trong hoa sen có hóa Phật, mật ngọt trong rừng rậm, vàng ròng rơi vào chỗ nhơ bẩn, tượng vàng bọc trong giẻ rách, cô gái nghèo hèn mang thai quí tử… để giải thích rõ ý nghĩa Như lai tạng ẩn giấu trong phiền não. Theo phẩm Như lai tạng trong luận Phật tính quyển 2, thì Tạng có 3 nghĩa: 1. Sở nhiếp tạng: Hết thảy chúng sinh đều được thu nhiếp vào trong trí Như lai. 2. Ẩn phú tạng: Pháp thân Như lai bất luận ở nhân vị hay quả vị đều không thay đổi, nhưng chúng sinh bị phiền não che lấp nên chẳng thấy được. 3. Năng nhiếp tạng: Quả đức Như lai đều thu nhiếp trong tâm phàm phu. Còn theo phẩm Tự thể tướng của luận Phật tính quyển 2 và chương Tự tính thanh tịnh trong kinh Thắng man, thì Tạng có 5 nghĩa là: Tự tính, nhân, chí đắc, chân thực và bí mật. 1. Tự tính: Muôn vật đều là tự tính Như lai, đó là nói theo nghĩa tự tính, nên gọi là Như lai tạng. 2. Nhân…: Tạng này là đối cảnh do Thánh nhân tu hành Chính pháp mà sinh ra, đó là nói theo nghĩa trở thành nhân của cảnh giới, nên gọi là Chính pháp tạng, hoặc Pháp giới tạng. 3. Chí đắc: Tin tưởng tạng này có thể đạt được quả đức pháp thân Như lai, đó là nói theo nghĩa chí đắc(đạt được), nên gọi là Pháp thân tạng. 4. Chân thực: Tạng này vượt ra ngoài tất cả sự hư dối của thế gian, đó là nói theo nghĩa chân thực nên gọi là Xuất thế tạng, hoặc Xuất thế gian thượng thượng tạng. 5. Bí mật: Tất cả pháp nếu thuận theo tạng này thì được thanh tịnh, trái lại thì trở thành ô trọc, đó là nói theo nghĩa bí mật, nên gọi là Tự tính thanh tịnh tạng. Năm tạng nêu trên được gọi là Ngũ chủng tạng.Theo Đại thừa chỉ quán pháp môn quyển 1, thì Tạng có 3 nghĩa: Năng tàng, Sở tàng và Năng sinh. Viên giác kinh lược sớ quyển thượng thì nêu 3 nghĩa: Ẩn phú, Hàm nhiếp và Xuất sinh, gọi là Tam chủng Như lai tạng. Lại theo chương Không nghĩa ẩn phú chân thực trong kinh Thắng man, thì Như lai tạng có thể chia làm 2 loại: 1. Như lai tạng vượt ngoài phiền não, hoặc chẳng giống với phiền não, cũng tức trong Như lai tạng, phiền não là không, gọi là Không như lai tạng. 2. Như lai tạng đầy đủ tất cả pháp mà chẳng lìa, chẳng thoát, chẳng khác với phiền não, đây tức là Bất không Như lai tạng. Lại nữa, theo chương Pháp thân kinh Thắng man, thì Như lai tạng còn có thể chia làm 2 loại: 1. Tại triền: Ở trong trạng thái bị phiền não trói buộc(triền), bao hàm Không như lai tạng và Bất không như lai tạng. 2. Xuất triền: Trạng thái đã thoát ra khỏi sự trói buộc(xuất triền)của phiền não. Theo luận Đại thừa khởi tín thì Chân như có 2 mặt là Như thực không và Như thực bất không. Thể tướng của giác nếu được ví dụ bằng 4 tấm gương thì tức là: 1. Gương Như thực không: Tức Không như lai tạng. 2. Gương Nhân huân tập: Tức Bất không như lai tạng. 3. Gương Pháp xuất li. 4. Gương Duyên huân tập. Hai ví dụ trước là Tại triền, 2 ví dụ sau là Xuất triền. Luận Thích ma ha diễn quyển 2 qui nạp các thuyết kể trên mà lập ra 10 loại Như lai tạng: Đại tổng trì Như lai tạng, Viễn chuyển viễn phược Như lai tạng, Dữ hành dữ tướng Như lai tạng, Chân như chân như Như lai tạng, Sinh diệt chân như Như lai tạng, Không Như lai tạng, Bất không Như lai tạng, Năng nhiếp Như lai tạng và Ẩn phú Như lai tạng. Có thuyết cho Như lai tạng, thức A lại da và thức A ma la(thức thứ 9)là một. Như kinh Nhập lăng già quyển 7 (Đại 16, 556 trung) nói: Thức A lê da gọi là Như lai tạng và cùng có với 7 thức vô minh và (Đại 16, 556 hạ) nói: Thức Như lai tạng không ở trong thức A lê da, cho nên 7 thứ thức có sinh có diệt, mà thức Như lai tạng thì không sinh không diệt. Như lai tạng nói ở đây tức là thức A ma la. Tại Ấn độ, tư tưởng Như lai tạng được thành lập sớm hơn thuyết Duy thức và khác với tư tưởng của Trung quán, Duy thức. Nhưng người đời sau không lập riêng Như lai tạng ngoài thuyết Duy thức, mà lại bàn về Như lai tạng trong thuyết Duy thức. Còn ở Trung quốc thì tông Địa luận cho Như lai tạng là cứu cánh, rồi lập ra thuyết Tịnh thức duyên khởi. Tông Thiên thai thì cho rằng Như lai tạng tức là Thực tướng và coi là diệu pháp bất khả tư nghị. Trong khởi tín luận nghĩa kí quyển thượng, ngài Pháp tạng –Tổ thứ 3 tông Hoa nghiêm– có lập giáo phán 4 tông, trong đó tông thứ 4 tức là tông Như lai tạng duyên khởi. Nội dung tông này bao hàm những học thuyết của các kinh luận như Lăng già, Mật nghiêm, Khởi tín, Bảo tính v.v… Nói theo Ngũ giáo phán của tông Hoa nghiêm thì tông Như lai tạng duyên khởi tương đương với Chung giáo thứ 3. Ngoài ra, những gì được nói trong Mạn đồ la Thai tạng giới của Mật giáo, chính đã căn cứ vào tư tưởng Như lai tạng mà có vậy.[X. kinh Đại bát niết bàn Q.7 (bản Bắc); kinh Lăng già a bạt đa la bảo Q.2, 4; kinh Nhập lăng già Q.1; kinh Đại thừa mật nghiêm Q.hạ; kinh Đại bát nhã Q.578; kinh Vô thượng y Q.thượng; luận Kim cương tiên Q.5; Đại trí độ luận sớ Q.14; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.5, phần cuối; Đại thừa nghĩa chương Q.1, 3, phần cuối; Tứ phần luật sớ sức tông kí Q.3, phần đầu]. (xt. Thí Dụ). II. Như Lai Tạng. Chỉ cho tất cả tạng kinh do đức Phật tuyên thuyết. Kinh Tăng nhất a hàm quyển 1 (Đại 2, 550 hạ) nói: Người nào chuyên tâm trì tụng kinh Tăng nhất tức là tổng trì Như lai tạng.