như lai

Phật Quang Đại Từ Điển

(如來) Phạm, Pàli: Tathàgata. Hán âm: Đa đà a già đà, Đa tha a già độ, Đa đà a già độ, Đát tát a kiệt, Đát tha nga đa, Đa a kiệt. Cũng gọi Như khứ. Từ ngữ tôn xưng đức Phật, là 1 trong 10 hiệu của Phật. Tiếng Phạm Tathàgata có thể được chia làm 2 là:Tathà-gata(Như khứ)và Tathà-àgata(Như lai). Nếu theo cách thứ nhất thì có nghĩa là noi theo đạo Chân như mà đến quả Phật Niết bàn, cho nên gọi là Như khứ; còn nếu theo cách thứ 2 thì có nghĩa là từ chân lí mà đến (như thực mà đến)và thành Chính giác, cho nên gọi là Như lai. Vì đức Phật theo chân lí mà đến và từ chân như mà hiện thân, nên tôn xưng Ngài là Như lai. Kinh Thanh tịnh trong Trường a hàm quyển 12 (Đại 1, 75 hạ) nói: Từ khi thành đạo đến lúc vào Niết bàn, trong suốt khoảng thời gian ấy, đức Phật nói ra điều gì cũng đều như thực, cho nên gọi là Như lai. Lại nữa, những điều đức Như lai nói đều đúng lí Như, cho nên gọi là Như lai. Luận Đại trí độ quyển 55 (Đại 25, 454 hạ) nói: Tu hành 6 Ba la mật được thành Phật đạo (…) nên gọi là Như lai. Trí biết tất cả các pháp Như, từ trong Như đến, nên gọi là Như lai. Trường bộ kinh chú (Sumaígalavilàsinì) tiếngPàlinêu ra 9 nghĩa của từ Như lai; luận Thập trụ tì bà sa quyển 1 thì nêu 11 nghĩa. Còn kinh Đại bảo tích quyển 90, kinh Đại uy đức đà la ni quyển 13, phẩm Như lai tạng trong luận Phật tính quyển 2… cũng đều nêu ra nhiều nghĩa khác nhau. Lại theo luận Thành thực quyển 1 và Hành tông kí quyển thượng, thì người noi theo đạo chân như đến mà thành Chính giáo, là Chân thân Như lai, còn người theo đạo chân như đến để hóa độ chúng sinh trong 3 cõi, là Ứng thân Như lai. Ngoài ra, tông Thiên thai y cứ vào từ ngữ Thừa như thực đạo lai thành chính giác trong luận Thành thực quyển 1, để giải thích nghĩa Chân thân Như lai và Ứng thân Như lai, gọi là Nhị Như Lai. Cứ theo Pháp hoa văn cú quyển 9 thì: Thừa(trí như như)như thực(cảnh như như) đạo(nhân)lai thành Chính giác (quả), nghĩa là nhân, cảnh và trí khế hợp, công quả tròn đầy, đó là Chân thân Như lai; còn dùng trí như thực noi theo đạo như thực(cảnh và trí khế hợp)mà đến 3 cõi để thị hiện 8 tướng thành đạo thì là Ứng thân Như lai. Ngoài ra, tông Thiên thai còn y cứ vào từ ngữ Như pháp tướng giải, như pháp tướng thuyết trong luận Đại trí độ quyển 2 mà giải thích nghĩa Pháp thân, Báo thân và Ứng thân, gọi là Tam Như Lai. Theo Pháp hoa văn cú quyển 9 thì nghĩa Tam Như Lai là: Trùm khắp mọi nơi mà không sai khác là Như; không động mà ứng hiện đến khắp mọi nơi là Lai: Đây chỉ cho pháp thân Như lai. Từ lí gọi là Như, từ trí là Lai: Đây chỉ cho Báo thân Như lai. Cảnh và trí thầm hợp là Như, đi đến 3 cõi quay bánh xe pháp mà nói diệu pháp là Lai: Đây chỉ cho Ứng thân Như lai. [X. kinh Đại bát niết bàn Q.18 (bản Bắc); kinh Thập hiệu; kinh Tọa thiền tam muội Q.thượng; luận Đại trí độ Q.10, 21, 70, 72, 85; Vô lượng thọ Như lai quán hành cúng dường nghi quĩ; phẩm Bồ đề trong luận Du già sư địa Q.38; Đại nhật kinh sớ Q.1; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.1]. (xt. Thập Hiệu).