như

Phật Quang Đại Từ Điển

(如) Phạm:Tathà. Cũng gọi Như như, Chân như, Như thực.Bản tính chân thực bất biến của hết thảy muôn vật. Bởi vì tất cả các pháp đều có thuộc tính riêng biệt không giống nhau, như đất có tính cứng chắc, nước có tính ướt át v.v… nhưng, những thuộc tính riêng biệt ấy chẳng phải thực có, mà tất cả đều lấy Không làm thực thể, cho nên gọi thực tính là Như. Lại vì Như là bản tính của các pháp nên cũng gọi là Pháp tính, mà Pháp tính là biên tế cùng cực của chân thực rốt ráo, nên Pháp tính còn được gọi là Thực tế. Do đó nên biết: Như, Pháp tính, Thực tế đều là tên khác của thực tướng các pháp. Đứng về phương diện hiện tượng mà nhìn, thì các pháp tuy có sai biệt, nhưng nhận xét về mặt lí thể thì các pháp bình đẳng không khác nhau. Lí thể bình đẳng này của các pháp cũng gọi là Như. Do đó nên biết Như cũng là tên khác của Lí. Vì lí ấy chân thực nên gọi là Chân như; vì lí ấy là 1 nên gọi là Nhất như. Lại đứng về phương diện lí thể của Như mà nói, thì vì các giáo môn đều khác nhau, nên đặt tên cho Như cũng bất đồng, chẳng hạn kinh Bát nhã gọi Như là Không, mà kinh Pháp hoa thì gọi Như là Trung… Ngoài ra, tông Thiên thai căn cứ vào thuyết Thập như thị(Thập như)nói trong phẩm Phương tiện kinh Pháp hoa, thừa nhận rằng trong 10 giới, mỗi giới đều có đủ 9 giới kia, nên thành 100 giới (Thập giới)và trong 100 giới, mỗi giới đều có 10 như(Thập như), hợp thành 1.000 như(Thiên như). [X. kinh Tạp a hàm Q.12, 16, 21; kinh Đại bát nhã Q.296; Phật địa kinh luận Q.7; luận Đại thừa khởi tín; luận Đại trí độ Q.32; Đại thừa nghĩa chương Q.1]. (xt. Thập Như Thị, Bách Giới Thiên Như, Chân Như).